1. Đọc Giải Mã Truyện Tây Du
Lê Anh Dũng đã sử dụng kiến giải về Phật học, Lão học, Dịch học, và Cao Đài (nói chung là Đạo học) của mình để trình bày lại những ẩn ngữ của Tây Du Ký.
1. Đọc Giải Mã Truyện Tây Du
Lê Anh Dũng đã sử dụng kiến giải về Phật học, Lão học, Dịch học, và Cao Đài (nói chung là Đạo học) của mình để trình bày lại những ẩn ngữ của Tây Du Ký.
Không biết vô tình hay hữu ý mà trong lúc giải mã, Lê Anh Dũng đã (trong một phạm vi nào đó) áp dụng phương pháp phân tích cấu trúc (structuralist analysis); phương pháp này rất hiếm được sử dụng ở nước ta trong việc phân tích tác phẩm văn học.
Phương pháp cấu trúc không nghiên cứu tâm lý nhân vật, không xác định chủ đề vì xác định chủ đề là xác định một vị trí ý thức hệ. Phương pháp cấu trúc nhằm phát hiện cấu trúc nội tại của tác phẩm, cái hệ thống tín hiệu cho phép giải mã tác phẩm, đưa các cấu trúc tiềm ẩn ra ánh sáng.
Áp dụng thuyết cấu trúc nhằm mục đích phát hiện hệ thống các quy luật nằm ngầm (underlying sets of laws), cho phép kết hợp các ký hiệu rời rạc thành một hệ thống nhất quán, có ý nghĩa. Đó là giải mã những tín hiệu đã được mã hóa. Đường Tăng, Ngộ Không, thỉnh kinh, chùa Lôi Âm... là các tín hiệu rời rạc đã được mã hóa trong một cấu trúc nhất định để tạo thành một hệ thống có ý nghĩa. Vấn đề của người nghiên cứu là bóc trần được hệ thống tín hiệu này, nghĩa là tìm ra cho được chìa khóa giải mã.
Thử lấy bài thứ năm (Vạn Năm Chờ Quả Chín) làm thí dụ. Trước hết Lê Anh Dũng nêu lên sự vô lý trong việc mô tả cây nhân sâm, mà một người học vấn uyên bác như Ngô Thừa Ân không thể lầm lẫn được. Cần phải đón bắt những tín hiệu khác để hiểu sự “lầm lẫn” cố ý này. Những tín hiệu đó rải rác trong toàn bộ Hồi thứ Hai Mươi Bốn: quả nhân sâm tương khắc với ngũ hành, tên núi là Vạn Thọ, tượng số chín ngàn năm, nhân sâm có hình dạng giống đứa trẻ mới sinh, chủ cây nhân sâm tên là Dữ Thế Đồng Quân...
Chiếc chìa khóa để giải mã câu chuyện hư cấu này là: Ngô Thừa Ân biến củ sâm thành quả sâm, tức là đem cái dưới đất mà đặt lên ngọn cây. Đó là hình tượng của con đường trở về nội tâm (Weg nach Innen) mà Phật bảo là quay về tìm lại cái bổn lai diện mục của mình, Lão Giáo gọi là phục kỳ bản, phản kỳ chân, và Cao Đài mệnh danh là con đường phản bổn hoàn nguyên để đạt đến giác ngộ, giải thoát.
Như vậy, đơn vị để phân tích giải mã không phải là những biến cố rời rạc hoặc những ngữ cảnh cô lập (isolated contexts) mà chính là mối quan hệ giữa các ngữ cảnh (relationships between contexts). Phương pháp này giúp phân biệt giữa cơ cấu bề mặt (surface structure) và cơ cấu bề sâu (deep structure) của một tác phẩm. Thông qua các tín hiệu rải đều được mã hóa trên cơ cấu bề mặt, phải xác định được các quy luật chi phối cơ cấu bề sâu và tính nhất quán nội tại (internal reference) của cơ cấu này là yếu tố quyết định.
Không thể dùng các yếu tố lịch sử hay tiểu sử (thời đại Ngô Thừa Ân, thân thế, gia cảnh...) để giải thích tác phẩm vì các nhà cấu trúc luận xem đó là những yếu tố ngoại tại (external reference) không hệ thuộc trong tác phẩm. Sức mạnh chính của phương pháp phân tích cơ cấu là nằm ở chỗ này: chỉ dùng sự nhất quán trong mối quan hệ nội tại của tác phẩm để giải mã tác phẩm.
Người ta có thể thay vì giải thích tác phẩm lại dùng tác phẩm để minh chứng cho một cái gì đó nằm ngoài tác phẩm. Phương pháp cấu trúc thì khác. Phương pháp cấu trúc khẳng định sự tồn tại của tác phẩm như một vũ trụ độc lập có cách thức mã hóa và giải mã riêng biệt của nó.
Phương pháp cấu trúc không cho phép những lối phê bình qua loa, hời hợt, nô lệ trường ốc, nô lệ vào các lý thuyết làm sẵn. Phương pháp cấu trúc đòi hỏi người nghiên cứu phải lặn sâu vào tác phẩm để khai thác toàn bộ các tín hiệu trên cơ cấu bề mặt tương ứng với các quy luật chi phối ở cơ cấu bề sâu và giúp người đọc có một cái nhìn vừa tổng quan vừa đặc thù về một tác phẩm văn học cá biệt. Lê Anh Dũng qua Giải Mã Truyện Tây Du đã làm được việc đó đối với một trong những tác phẩm văn học cổ điển lớn nhất của Trung Quốc.
Văn Hóa & Đời Sống
Tháng 5-1992 (có sửa chữa)
2. Thêm Một Ngón Tay Chỉ Mặt Trăng
TRẦN TRUNG PHƯỢNG
Ra đời cách đây hơn năm thế kỷ, cho đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân (1500-1582) vẫn còn có một sức thu hút mãnh liệt đối với nhiều tầng lớp độc giả không riêng ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác trong vùng Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, sau sự kiện Đài Truyền Hình Thành Phố cho chiếu bộ phim Tây Du Ký trong nhiều tuần liền và đã tạo ra một thứ “hiệu ứng Tây Du Ký” khá rầm rộ, cho đến nay tác phẩm bất hủ này vẫn còn được khá nhiều người tìm đọc với các trình độ cảm thụ khác nhau. Tác phẩm này cũng đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học, đặc biệt là ở khoa văn của các trường đại học.
Cũng như nhiều tác phẩm văn học lớn khác của thế giới, Tây Du Ký là một tác phẩm đa thanh với nhiều tầng lớp ý nghĩa tương ứng với nhiều kênh tiếp nhận khác nhau. Chính vì vậy, sự nhận thức và đánh giá tác phẩm không luôn luôn có tính chất đồng nhất, và trong thực tế đã từng có nhiều cuộc tranh luận chung quanh vấn đề ý nghĩa đích thực của tác phẩm này. Tây Du Ký là một tác phẩm thần tiên, hoang đường dùng để giải trí đơn thuần hay là một tác phẩm có ý nghĩa triết học sâu sắc? Tác phẩm này dùng để chuyên chở các nội dung xã hội, lịch sử hay là một bản thông điệp đặc biệt, một kiểu ẩn ngôn chứa đựng nhiều hương vị giải thoát?
Trong một thời gian khá dài, Tây Du Ký đã được nhìn nhận, thẩm định từ góc độ xã hội - lịch sử nhiều hơn là từ chính bản thân nội tại của tác phẩm. Cách nhìn nhận và thẩm định như vậy thường lấy các yếu tố phi văn học, ở bên ngoài văn học (xã hội, lịch sử, chính trị, kinh tế...) để tìm hiểu và đánh giá tác phẩm. Đó là điều mà các nhà phê bình văn học gọi là phương pháp ngoại tại đối lập với phương pháp nội tại chủ trương dùng chính các yếu tố của văn học như ngôn ngữ, thi pháp, ký hiệu, cấu trúc... để giải thích tác phẩm.
Thật ra hai phương pháp này không hoàn toàn mâu thuẫn với nhau mà trong một số trường hợp cụ thể còn có thể bổ sung cho nhau. Sự mâu thuẫn chỉ xảy ra khi trong trường hợp phải sử dụng phương pháp nội tại để tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thì lại dùng phương pháp ngoại tại hoặc ngược lại. Vậy vấn đề ở đây không phải là phương pháp mà chính là ở cách hiểu và vận dụng phương pháp trong từng trường hợp tác phẩm cụ thể.
Khi giải mã Tây Du Ký, tác giả Lê Anh Dũng chủ yếu đã dùng phương pháp nội tại để thám hiểm vào tận trong cùng miền sâu ý nghĩa của tác phẩm. Xét từ góc độ văn hóa phương Đông, tác phẩm Tây Du Ký chính là một ẩn dụ triết học, một kiểu mật ngữ của tư tưởng mà chỉ những ai biết cách đọc thì mới có thể hội nhập vào trong ý nghĩa của tác phẩm. Hay nói theo quan điểm ký hiệu học, Tây Du Ký là một hệ thống ký hiệu, hệ thống các mật mã mà chỉ những người nào biết cách giải mã với các chìa khóa thích hợp thì mới lãnh hội được ý nghĩa đích thực của tác phẩm. Cái độc đáo của Tây Du Ký là ở chỗ toàn bộ tác phẩm đều được xây dựng bằng một loạt các hình tượng ký hiệu (chứ không phải là hình tượng nhân vật) hết sức đặc biệt: Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng, con ngựa, yêu tinh, lò bát quái, thuyền không đáy, dòng sông, các con số... và tất cả đều tạo thành một hệ thống với cấu trúc bên trong khá chặt chẽ. Chính vì vậy mà sự giải mã tác phẩm ở đây không hề có tính chất rời rạc, ngẫu phát mà đã đạt đến toàn thể tính (totalité) của tác phẩm. Sức thuyết phục của cách giải mã theo phương pháp cấu trúc - ký hiệu này nhờ đó mà được tăng cường hơn. So với phương pháp ngoại tại, ở đây, phương pháp nội tại tỏ ra có ưu thế hơn trong việc đưa ra ánh sáng ý nghĩa của tác phẩm, tránh được những cách giải mã dung tục, thô thiển hoặc xuyên tạc tác phẩm.
Nhưng dù theo cách hiểu nào thì vấn đề quan trọng có ý nghĩa phương pháp luận ở đây là không nên đồng nhất ngón tay chỉ mặt trăng (tức phương pháp) với chính mặt trăng (tức đối tượng), không nên mắc kẹt vào những kiểu tư duy hoặc những hình thức có tính chất biểu tượng mà phải biết vượt qua tất cả để đi đến bờ bên kia của sự giải thoát và sự thể hiện chân lý (đáo bỉ ngạn).
Do đó, nói như tác giả Lê Anh Dũng, đọc Tây Du, cũng như đọc những tác phẩm lớn khác của nền triết học và đạo học phương Đông, chính là đọc lại bản thể con người của chính ta. Và như thế, công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của Đường Tăng, mặc dù đã chấm dứt từ lâu trong lịch sử, dưới ngòi bút tài hoa của Ngô Thừa An, đã trở thành một cuộc thỉnh kinh vô tận của mỗi người trong chúng ta và của toàn thể lịch sử, nhân loại; và đường đi thỉnh kinh đó cũng chính là đường trở về với những giá trị tâm linh siêu thoát.
Nói cách khác, với một giá trị nhân bản rất cao, Tây Du Ký đã thực sự trở thành một biểu tượng vĩnh cửu có ý nghĩa toàn nhân loại. Người xưa đã dĩ tâm truyền tâm thì người nay cũng nên lấy tâm để hiểu tâm, có lẽ đó là phương pháp tốt nhất giúp chúng ta lãnh hội được những tinh túy của nền triết học và đạo học phương Đông.
Với một lối viết vừa có tính chấp bút lại vừa có tính phóng bút, giọng văn vừa trang nghiêm lại vừa đùa rỡn, tác giả Lê Anh Dũng đã thực sự thành công trong việc giải mã một tác phẩm lừng danh của nền văn học cổ điển Trung Quốc.
Tuần báo Văn Nghệ Thành Phố
số 96 (từ 01 đến 07-7-1993)
3. Nhân Đọc Lại Giải Mã Truyện Tây Du
TRẦN VĂN CHÁNH
Nói “đọc lại” vì Giải Mã Truyện Tây Du của Dũ Lan Lê Anh Dũng được in lại lần nầy nữa là đến lần thứ năm (Nxb Thanh Niên, tháng 01-2005, 208 trang). Chưa thể đo lường được chính xác sức thuyết phục của nó tới đâu, nhưng nội cái việc chỉ trong khoảng hơn mười năm (1993-2005), một tác phẩm được tái bản nhiều lần chứng tỏ tác giả của nó đã dụng công khá nhiều, và những điều viết ra hay “tán chuyện” trong sách cũng có lý sao đó mới đạt được sự hưởng ứng của độc giả như vậy. Có lẽ truyện Tây Du Ký ngoài việc in thành sách (bản dịch tiếng Việt) còn được chuyển thể thành phim và chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên truyền hình nên ai cũng cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu cặn kẽ hơn về một tác phẩm vốn được phổ biến rất rộng của Ngô Thừa Ân, từ lâu được xếp vào một trong tứ đại kỳ thư của thời Minh (Trung Quốc) mà già trẻ lớn bé đọc sách hoặc xem phim đều thấy có sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ.
Ở Việt Nam, sách chuyên khảo về Tây Du Ký phải kể thuộc loại hiếm hoi. Trừ một quyển khác của nhà sư Chơn Thiện, dùng Tây Du Ký để diễn đạt đạo Phật, còn lại chỉ có quyển nầy, không kể một số bài viết đăng trên các báo, tạp chí, nghiên cứu không sâu lắm. Tác giả Lê Anh Dũng cho biết, ban đầu định đặt lên cho sách là “Huyền Nghĩa Truyện Tây Du”, sau mới đổi ra tên có hai chữ “Giải Mã”, đủ thấy chiều hướng của tác giả là muốn khám phá, chỉ ra cho người đọc ý nghĩa sâu xa của tác phẩm về phương diện mà anh gọi là “hình nhi thượng học”, tạm hiểu là những triết lý sâu xa hàm ẩn do Ngô Thừa Ân muốn gởi gắm thông qua những sự kiện, nhân vật, hoặc đồ vật... mà mới xem qua người ta thường chỉ tưởng là những chuyện yêu ma thần quái tác giả cố thêu dệt bằng sức tưởng tượng phong phú để lôi cuốn người đọc. Do vậy ngay trong lời mở đầu, tác giả Giải Mã Truyện Tây Du đã minh nhiên xác định:
“Văn dĩ tải Đạo. Truyện Tây Du mượn chuyện thỉnh kinh, đấu phép, bắt yêu để chở chuyên đạo lý giải thoát của Thánh Hiền, Tiên Phật. Nói ngay như vậy là để lập tức xác định rằng siêu vượt lên cốt truyện đầy những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, truyện Tây Du vốn hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy về đạo pháp... Với người đọc truyện Tây Du giữa hai hàng chữ, kỳ thư nầy sẽ dẫn dắt đi vào huyền nghĩa ẩn áo của đạo học phương Đông. Nói cách khác, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cần được một lần khơi mở, để thử khám phá.” (tr. 5)
Với định hướng như trên, qua chín bài viết khá công phu và hấp dẫn, tham khảo rộng các sách, tác giả đã dẫn dắt người đọc giải ra từng mã tức từng hàm ý cao sâu của tác phẩm chứa đựng trong các sự kiện, tựu trung là một bản giải trình khéo léo và hoàn chỉnh về các thuyết cơ bản của đạo Phật, đạo Lão, nhất là về Thiền học, thông qua những chương hồi gay cấn, tình tiết hấp dẫn ly kỳ tưởng như chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu giải trí của đại chúng. Nói cách khác, tác giả làm tiếp cái công việc giảng đạo của Ngô Thừa Ân với vai trò của một nhà chú giải, chẳng khác nào Tây Du Ký nguyên bản là “kinh”, còn đây là “truyện” hay “chú, sớ” của người xưa vậy. Nhờ làm việc có phương pháp, trình bày mạch lạc, dễ hiểu, Giải Mã Truyện Tây Du phần nào có thể được coi là một cuốn tiểu từ điển về danh tác của Ngô Thừa Ân, tuy chưa toàn diện vì chỉ mới chú ý đến khía cạnh huyền học của tác phẩm nhưng vẫn có giá trị tham khảo tương đối tốt, ít nhất cũng riêng cho khía cạnh vừa nói.
Cách tiếp cận của Lê Anh Dũng có nhiều điểm đặc biệt hơn vài phương pháp phân tích tác phẩm văn học theo lối truyền thống, mà đặc trưng chủ yếu là đi vào phân tích ngay trong cấu trúc nội tại của tác phẩm để phát hiện nó thông qua các tín hiệu gọi là “mã”, một hệ thống tín hiệu cho phép đưa các cấu trúc tiềm ẩn ra ánh sáng, để hiểu đúng tác phẩm mà không phụ thuộc vào các yếu tố về hoàn cảnh sáng tác liên quan đến bản thân tác giả cùng các điều kiện về xã hội, chính trị trong quá trình tác phẩm được hình thành. Do vậy, đọc hết quyển sách, không thấy có chỗ nào chứng minh cho Tây Du Ký là tác phẩm có nội dung hiện thực xã hội nói về phong trào phản kháng của nông dân hay chống phong kiến cả, như có nhiều thuyết khác đã từng bàn, mà chỉ thấy từ trước đến sau toàn Đạo học phương Đông, Tam Giáo đồng quy dẫn dắt con người đi đến bờ bên kia (sự giác ngộ, giải thoát), thông qua một quá trình tìm cầu chân lý hết sức gian khổ do phải luôn đấu tranh cật lực với chính bản thân mỗi con người, mà hình ảnh của năm thầy trò Đường Tăng (nếu kể thêm con long mã) là một hiện thực sinh động, cụ thể.
Tuy nhiên điều vừa nêu trên cũng có thể là một điểm hơi thái quá của Giải Mã Truyện Tây Du. Trên thực tế, không có cách tiếp cận tác phẩm nào đáng gọi là bá chủ, cũng như không bao giờ có tác phẩm lớn nào đi sâu rộng rãi dài lâu vào lòng người đọc như Tây Du Ký mà chỉ có một ý nghĩa đơn thuần hay chủ yếu về một mặt nào như vậy cả. Tỷ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, trong đó có thể có chút luân lý hoặc tôn giáo (đạo Phật), thuyết tài mệnh tương đố, tâm sự tác giả nầy khác, và cũng có hiện thực xã hội thối nát của triều đại phong kiến vốn là cái chất liệu hoàn cảnh xã hội từ đó nội dung tác phẩm được dựng nên, nhưng cái hay còn thể hiện ở nhiều chỗ khác như miêu tả tính cách, tâm lý nhân vật thần tình đến nỗi ai đọc vào cũng thấy dường như có mình trong đó, và thấy hiện lên một cuộc sống hiện thực toàn diện nhiều màu nhiều vẻ của một cõi nhân sinh hoan lạc nhưng cũng đầy thống khổ. Nếu xét theo chiều nhìn nhận nầy thì có thể nói sự giải mã Tây Du của Lê Anh Dũng cũng chưa thật toàn diện đủ giúp cho người đọc thấy hết mọi khía cạnh ý nghĩa đáng chú ý trong một danh tác hoàn chỉnh vốn dĩ không phải chỉ là một sách đơn thuần giảng đạo. Điều nầy cũng tương tự như thời gian gần đây, ở Trung Quốc có một số người tìm cách giải mã các truyện võ hiệp kỳ tình xuất sắc của Kim Dung vậy, mà nói chung là đều thông qua cách tiếp nhận tác phẩm của Kim Dung bằng nhãn quan riêng (hay cặp kính màu?) để phát biểu những nhận định và mong ước của mình về nhân sinh và thế giới, hay về lý tưởng chính trị, đạo đức...
Bỏ qua những quan điểm cực đoan tìm cách cường điệu Tây Du Ký theo hướng coi nó là một tác phẩm chuyên phê bình hiện thực xã hội, trên thực tế Tây Du Ký vẫn cần được nhìn nhận một cách khách quan hơn, đúng với những gì nó muốn chứa đựng, mà không cần câu nệ làm như vậy là theo phương pháp hoặc trường phái nào, bởi chính Ngô Thừa Ân cũng đâu thuộc hẳn một trường phái nào.
Lỗ Tấn (trong Trung Quốc Tiểu Thuyết Sử Lược) nhận định:
“Tây Du Ký là bộ tiểu thuyết tràn ngập những xúc cảm, tưởng tượng, ly kỳ, rất dễ giải thích gán ghép [TVC nhấn mạnh]. Người đời Thanh có bình luận đó là một bộ tiểu thuyết khuyến học, cũng có thể giải thích đó là một bộ tiểu thuyết nói về Thiền, hoặc cũng có thể giải thích đó là bộ tiểu thuyết nói về Đạo, muốn nói thế nào cũng có lý lẽ rõ ràng cả, vì văn từ trong bộ tiểu thuyết nầy rất dồi dào.”
Lỗ Tấn sau khi bác bỏ nhiều sự gán ghép có tính áp đặt của người đời Thanh đối với truyện Tây Du Ký, đã nói thẳng bộ tiểu thuyết nầy “kỳ thực chỉ nhằm giải trí”. Điều Lỗ Tấn gọi là “kỳ thực” đã được nhiều nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc chia sẻ. Bộ sách Trung Quốc Văn Học Sử đồ sộ của tập thể mười một giáo sư tác giả do Chương Bội Hoàn và Lạc Ngọc Minh đứng đầu dường như cũng tán thành loại ý kiến nầy, khi họ viết:
“Đó là một cách nhìn rất quan trọng… Mục đích trực tiếp khi sáng tác bộ tiểu thuyết nầy vẫn là muốn cung cấp cho độc giả những giây phút giải trí vui vẻ. Hơn nữa, do tư tưởng của tác giả tương đối phóng khoáng, tự do, nên những phần giáo huấn nghiêm túc rất ít, mà thành phần hài hước chọc cười lại rất nhiều…”
Pho tượng Đường Tăng tức Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang 三藏法師玄奘 trước tháp Đại Nhạn大雁 thành phố Tây An 西安 tỉnh Thiểm Tây 陕西 Trung Quốc. http://www.phoer.net |
Dưới ngòi bút của Ngô Thừa Ân, những vị thần phật trang nghiêm cao quý thường được mô tả thành diện mạo hài hước đáng tức cười […].
Những loại tình tiết nêu trên nằm rải rác khắp cả bộ tiểu thuyết không thể không làm cho người ta phải cười một cách thấm thía vì thấy và hiểu được dục vọng của thế tục trong đời thường, một loại ý thức ở đâu cũng có, đại đa số con người đều không tránh được. Dường như ở đây, Ngô Thừa Ân đã cố ý một cách tài tình mô tả sinh động hiện thực phổ quát của cuộc sống, rộng lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ có hiện thực phê phán xã hội như có một số thiên kiến đã từng áp đặt, thường thấy ở một số sách giáo khoa văn học cũ cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Tuy nhiên, ai cũng thừa nhận, ngoài mục đích trực tiếp (giải trí), Tây Du Ký không thể không có những mục đích gián tiếp. Nói cách khác là những hàm ý sâu xa của tác giả, mà đôi khi chính những cái gọi là gián tiếp nầy mới làm nên giá trị lâu bền của tác phẩm. Nếu “kỳ thực chỉ nhằm giải trí” như Lỗ Tấn nói, có lẽ Tây Du Ký đã không gây được một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc mọi thế hệ như trên thực tế nó đã làm được, và từ đó cũng gây nên biết bao cuộc tranh luận xung quanh các chủ đề của nó. Vấn đề là sâu xa chỗ nào, có mấy nội dung, hay chỉ toàn thuyết giảng đạo lý liên quan đến thuyết Tam Giáo quy nhất như quan điểm của tác giả Giải Mã Truyện Tây Du có vẻ nghiêng vào?
Tôi có đọc một chuyên luận về “Giá trị thời đại của Tây Du Ký” (Tây Du Ký Đích Thời Đại Giá Trị) của Tả Tùng Siêu (một tác giả Đài Loan chứ không phải Trung Hoa lục địa, in trong quyển Văn Học Hân Thưởng (Tam Dân Thư Cục ấn hành, Đài Bắc, 1964), trong đó tác giả đưa ra rất nhiều thí dụ cụ thể để so sánh, chứng minh giá trị phê phán của Tây Du Ký đối với hiện thực thối nát của triều đình nhà Minh đương thời, lý lẽ cũng đầy sức thuyết phục. Tác giả bài viết cho biết đến thời nhà Thanh, ý kiến bình luận về Tây Du Ký đưa ra rất nhiều, mỗi nhà đều giữ sở kiến riêng, “tự viên kỳ thuyết” (vo tròn lý thuyết của mình cho hợp với nội dung tác phẩm đang xét), như có thể kể Tây Du Chân Thuyên của Trần Sĩ Bân, Tây Du Tân Thuyết của Trương ThưThân, Tây Du Nguyên Chỉ của Lưu Nhất Minh, Tây Du Chứng Đạo Thư của Uông Tượng Húc, Tây Du Chính Chỉ của Trương Phùng Nguyên...
Tác giả bài viết kể trên đã sử dụng phương pháp tiếp cận tác phẩm văn học khác với Lê Anh Dũng, bằng cách thẩm định nó qua bối cảnh lịch sử - xã hội của thời đại tác giả, như nhiều nhà văn học sử đã làm theo lối truyền thống. Về mối liên hệ giữa cá nhân Ngô Thừa Ân với trạng huống chính trị - xã hội của thời đại ông, bài viết kể trên đã lược thuật thành mấy điểm:
(1) Minh Thế Tông (cùng thời với Ngô Thừa Ân) là một hôn quân chuyên nghe những lời gièm pha của bọn gian tà bức hại những người liêm chính trong triều.
(2) Triều chính đều được nắm giữ do một số kẻ tiểu nhân chuyên tâu lên những chuyện về điềm lành dữ của đế vương, hoặc tổ chức cầu đảo, nói chuyện ma quỷ, như Đào Trọng Văn nhờ có phù chú mà được sủng ái suốt hai mươi năm, kiêm cả ba chức Thiếu Sư, Thiếu Phó, Thiếu Bảo; trong khi đó quan Thái Bộc Khanh là Dương Tối vì dâng sớ can gián việc vua bê trễ triều chính mà bị phạt trượng tới chết, các đại thần trung chính như Dương Tước, Lưu Khôi, Chu Di đều bị bắt hạ ngục;
(3) Bọn hương thân gồm hoạn quan và ngoại thích ỷ thế hoành hành bức hiếp dân chúng trong làng khiến dân không biết kêu cầu vào đâu;
(4) Ngô Thừa Ân là một thiên tài bác học thông Nho sống rất gần dân ở trong chốn làng xã, nhưng lại sinh bất phùng thời, mãi 45 tuổi mới đỗ được Tuế Cống Sinh, 67 tuổi mới giữ được chức Huyện Thừa (một chức phụ tá cho Huyện Lịnh, đời Thanh là quan chánh bát phẩm), nên sự phẫn khái trầm thống trong tâm cảnh của ông trước hiện thực suy bại thối nát của xã hội là điều có thể hiểu được và cũng không thể không có.
Tả Tùng Siêu còn nêu thêm ba điểm luận cứ quan trọng khác để chứng minh cho giá trị thời đại của tác phẩm Tây Du Ký, tóm tắt như sau:
(1) Đường Tăng được mô tả như một nhân vật mê muội, hành động bất nhất, phủ nhận người ngay (Tôn Ngộ Không), tin kẻ gian nịnh (Trư Bát Giới), không biết phân biệt phải trái, cũng là hình ảnh của Minh Thế Tông trong thái độ đối xử với người trung kẻ nịnh một cách không công bằng, y như trường hợp Dương Tối ngay thẳng mà bị đánh chết, còn Đào Trọng Văn nhờ huyễn hoặc được vua chúa bằng phù chú mà địa vị cao nhất triều đình.
(2) Về thuyết cho rằng Tây Du Ký là câu chuyện hòa thượng chửi đạo sĩ, nói cách khác “dương Thích ức Đạo” (đề cao Phật Giáo, đè ép Đạo Giáo), thì cũng không phải. Sở dĩ Ngô Thừa Ân có vẻ không ưa đạo sĩ (bằng việc miêu tả mấy ông tiên quậy) là vì đời Minh từ thời Hiến Tông đến Hy Tông, các vua đều mê thích phương thuật (của đạo sĩ), nhất là Thế Tông suốt hai mươi năm không ra dự chầu, quần thần không ai thấy mặt vua, triều chính đều do bọn tiểu nhân chuyên nói chuyện cầu đảo nắm giữ, mà số gian thần nầy cũng là đạo sĩ, họ tuy không thể hô phong hoán vũ nhưng có nhiều thủ đoạn tráo trở mị hoặc nhân tâm, bại hoại chính trị; trong hiện thực Ngô Thừa Ân không cách nào diệt được họ nên phải mượn thiết bảng của Tề Thiên tiêu diệt hết cả lũ, như một ước mơ đầy lãng mạn. Còn Tôn Đại Thánh, sau khi giết sạch ba đại tiên Hổ Lực, Lộc Lực và Dương Lực, đã đứng ra giảng giải cho quốc vương nước Xa Trì là đối tượng bị bọn yêu quái làm hại:
“Nay đã diệt xong bọn yêu tà, mới biết thiền môn là có đạo; từ nay về sau, chớ nên tin bậy làm bậy nữa, mong nhà vua hãy quy Tam Giáo làm một, vừa kính tăng, vừa kính đạo, vừa lo dưỡng dục nhân tài, tôi bảo đảm giang sơn của nhà vua sẽ đời đời bền vững” (Hồi thứ 47);
(3) Về các nhân vật yêu ma thần quái trong Tây Du Ký, tác giả tưởng tượng ra không phải chỉ để cho vui, mà cần chú ý nhân vật nào cũng có đặc điểm chung về bề dầy lý lịch và thần thế toàn thuộc cấp trung ương không phải loại vừa, nên mới cậy thế tác yêu tác quái, làm nhiều việc xằng bậy hại người. Yêu Hoàng Bào là Khuê Mộc Lang trong nhị thập bát tú trên trời, Kim Giác Đại Vương là đồng tử coi lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, vua giả của nước Ô Kê là con sư tử lông xanh của Văn Thù Bồ Tát cưỡi, Linh Cảm Đại Vương là con cá vàng lớn nuôi trong ao sen của Quan Âm Bồ Tát, Hoàng Mi Đại Vương là đồng tử chân mày vàng của Phật Di Lặc, Cửu Linh Nguyên Thánh là con sư tử chín đầu của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn cưỡi, công chúa giả nước Đại Thiên Trúc là con thỏ ngọc trên cung trăng… Do lý lịch của đám yêu tinh lớn đến như vậy nên chẳng ai dám đụng, mới có chuyện vua nước Ô Kê bị bọn yêu tinh giết hại chiếm đoạt giang sơn nhưng không biết kêu cứu với ai, phải than với Tam Tạng:
“Ông ta thần thông quảng đại, thân quen với đám quan lại; Đô Thành Hoàng thường nhậu chung với ông ta, Hải Long Vương cũng bà con với ông ta, Đông Nhạc Tề Thiên là bạn thân của ông ta, Thập Đại Diêm La là anh em cùng cha khác mẹ với ông ta. Vì vậy tôi cũng không còn cửa để đi tố cáo” (Hồi thứ Ba Mươi Bảy).
Có thể nói, Ngô Thừa Ân đã “tục hóa” những câu chuyện về thần tiên cao siêu một cách tài tình để phản ánh hiện thực phổ quát của cuộc sống. Ở ông, thiên giới với nhân gian là có cùng một lý, nên đã tỏ ra rất xuất sắc trong việc mô tả tâm lý con người ở cõi trần gian thông qua các nhân vật thần thánh hoặc yêu ma quỷ quái. Tác phẩm Tây Du Ký vì vậy không thể đơn thuần chỉ có một mặt thuyết giáo, nhưng cũng không phải chỉ nhằm diễn tả hiện thực chính trị, mà bao gồm đủ thứ, có khả năng thu tóm được cuộc đời rộng lớn trong những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, gây hứng thú lâu dài cho nhiều thế hệ độc giả.
Có lẽ giống như trong cõi vũ trụ và nhân sinh đầy bí ẩn, người ta cố tìm ra một số cặp phạm trù để giải thích, mà không bao giờ giải thích được tới nơi, từ đó đã có nhiều hệ thống triết học hoặc tôn giáo đã xuất hiện nhưng không có một hệ thống riêng nào dám tự nhận là hoàn chỉnh, trừ một số kẻ đại diện quá khích. Lãnh vực nghiên cứu văn học cũng vậy, các nhà nghiên cứu khi vén được một mảng chủ đề nào trong một tác phẩm lớn như Tây Du Ký mà làm cho nó được sáng tỏ thêm ra, chúng ta cũng trân trọng coi như họ đã có sự đóng góp đáng kể trong việc tìm hiểu để giúp nắm bắt nội dung tác phẩm ngày một chính xác, toàn diện hơn, dù có thể họ đi từ những lối tiếp cận rất khác nhau. “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ” (thiên hạ đi theo những đường khác nhau nhưng đều về chung một chỗ), đây là một lối nói hay ho diễn tả sự đồng nhất của nhân tính, mà cũng có thể là điều Ngô Thừa Ân muốn gởi gắm trong tác phẩm của mình. Trong tinh thần đó, tôi thật sự trân trọng một số kiến giải trong Giải Mã Truyện Tây Du của Lê Anh Dũng, nhưng muốn nhắc chú ý thêm đến khía cạnh Tây Du Ký ngoài ý nghĩa Tam Giáo có thể có, chủ yếu nó là một nỗ lực miêu tả cho thật đúng và một cách sinh động bản lai diện mục không phải chỉ của con người mà của cả một cõi nhân sinh phức tạp, tế nhị và khó nói mà văn chương của loài người mãi mãi cố nói ra, nhưng nếu tả ra hết được thì văn chương cũng không còn lý do để tồn tại...
Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển
Huế, quý 1 năm 2006
4. Mấy Ý Kiến Khác
Đọc từ đầu đến cuối mới thấy ngấm ngầm thú vị, tác giả dùng văn đôi lúc trào phúng, nhưng hoàn toàn lại hết sức hợp lý và khoa học khi phân tích những đoạn hư hư thực thực. Đây là một tập sách hay, có giá trị với nhiều minh họa đẹp.
Tuần báo Giác Ngộ, ngày 15-5-1993.
Công tâm mà nói, đây là cuốn sách viết công phu, nghiêm túc và có chất lượng. Những ai khó tánh mấy, sau khi đọc xong Giải Mã Truyện Tây Du cũng đều nhìn nhận rằng tác giả đã hết sức cố gắng, đọc nhiều sách, nghiên cứu kỹ các triết thuyết, chọn lọc cẩn thận tư liệu, trích dẫn chính xác các câu, chữ trong kinh điển, nhằm phản ảnh đúng đắn quan điểm Phật học và Đạo học, lý luận vững vàng, logic, văn phong tao nhã, đượm nét trữ tình. Giải Mã Truyện Tây Du đã giúp cho độc giả nói chung có cái nhìn sâu sắc và chính xác hơn khi đọc truyện Tây Du; người có trình độ Phật học tương đối, có thể lý hội được các ẩn ý uyên áo hàm dụ trong Tây Du Ký; còn các bậc uyên nguyên Phật lý cũng có dịp rà soát lại quan điểm của mình trước các “mã” đã được giải.
Báo Người Lao Động Cuối Tuần,
số 127, ngày 09-7-1993.
... vượt qua những cách nhìn Tây Du theo kiểu truyện thần tiên ma quái, hay châm biếm trào lộng... tác giả đưa ra cách nhìn Tây Du là một tập hợp các ký hiệu có ý nghĩa biểu tượng; và phơi mở, giải bày các ẩn số của Tây Du bằng tư tưởng Phật, Lão, Thiền học.
Bên cạnh những hình ảnh khá chọn lọc, độc đáo vừa minh họa vừa làm tươi thêm hình thức quyển sách, với cách viết giản dị, rõ ràng, hơi “vui tính”, tác giả làm cho những chuyện tưởng như khô khan (triết lý) trở nên nhẹ nhàng, dí dỏm mà người đọc cũng cảm thấy dễ chịu, thích thú.
Báo Tuổi Trẻ, ngày 05-6-1993.
... bạn sẽ bị cuốn sách này lôi cuốn ngay từ đầu vì những cách phân tích, bình luận rất độc đáo và đầy kiến thức của tác giả (...). Bảo đảm khi gấp sách lại, cái nhìn của bạn về Tây Du ký và về tác giả của nó sẽ khác hẳn.
Báo Tuổi Trẻ, ngày 15-4-1995
... độc giả có trong tay một cuốn sách nghiên cứu lý thú (...) được viết với một cảm hứng tràn đầy thơ mộng (...), qua cách làm việc nghiêm túc của một người nghiên cứu cẩn trọng.
Báo Người Lao Động, ngày 21-4-1995
2116
2297
2413
216940
0
114530244