Những góc nhìn Văn hoá

Phác thảo lịch sử hình thành xã hội học văn học

Như đã trình bày ở trên, vấn đề quan hệ giữa văn học và xã hội có lịch sử lâu đời, nhưng việc nghiên cứu vấn đề đó một cách khoa học thì chỉ mới được đặt ra từ cách đây không lâu. Ngày nay các nhà nghiên cứu nói chung đều đồng tình với định nghĩa là xã hội học văn học (XHH VH) nghiên cứu quan hệ giữa văn học và xã hội.

Theo hai tác giả Paul Aron và Alain Viala của cuốn Xã hội học văn học mới xuất bản năm 2006, thì “Xã hội học văn học (XHH VH) nghiên cứu quan hệ giữa đời sống văn học và đời sống xã hội”[1]. Xây dựng lại lịch sử của XHH VH như vậy là việc không đơn giản, nhất là bởi mỗi thời đại có một cách nhìn nhận riêng đối với vấn đề này. Ở đây xin đề cập tới lịch sử hình thành xã hội học văn học ở phương Tây từ thời Cổ đại cho tới ngày nay[2].

 I. Thời kỳ Hy La cổ đại
            Trong nền văn minh cổ đại phương Tây trước hết phải kể đếnPlaton khi ông bàn về vai trò của thi sĩ (poete) trong xã hội, quan tâm đến mặt tốt / xấu của văn học và qua thấy cho thấy nhận thức về ảnh hưởng của tư tưởng và tình cảm đến hành động con người. Đặc biệt trong hai tác phẩm Ion Nền cộng hoà (La Republique), Platon đã đề cập tới quan hệ giữa văn học và xã hội. Trong Ion, nhà triết học trình bày lý thuyết về cảm hứng và cho rằng nhà thơ được coi là người nhận cảm hứng từ các thần. Món quà thần thánh này được truyền từ nhà thơ qua người đọc thơ (nhân vật Ion là một người đọc thơ) và qua đó đến người nghe. Nhà thơ vì vậy được coi là người có khả năng gợi nên những cảm xúc mạnh mẽ trong trái tim người đọc do được thần thánh gợi cảm hứng. Tuy nhiên nhà thơ với khả năng đặc biệt này không được tham dự vào công việc xã hội bởi nơi đây cần đến trí óc. Ý tưởng này của Platon được phát triển trong Nền cộng hoà. Platon đưa ra một lý thuyết về nghệ thuật thơ, mimesis, và một lý thuyết về các thể loại cơ bản. Ông nhận xét rằng các hình tượng thơ ca (trong thần thoại và ngụ ngôn) có khả năng ảnh hưởng sâu đậm đến khán giả và do đó nghệ thuật ngôn từ có thể trở thành một vũ khí chính trị. Tuy nhiên ông cho rằng không nên sử dụng ngôn từ thơ ca có nguồn gốc thần thánh này trong đời sống xã hội vốn cần có trật tự. Vì vậy các nhà thơ trong Nền cộng hoà do ông tưởng tượng, cần phải chịu sự chỉ đạo của các nhà triết học. Thơ ca và văn xuôi (được đại diện bởi các nhà hùng biện ) đều bị Platon phê phán là không phù hợp vơí lợi ích của xã hội.
Nhà triết học Aristote, học trò của Platon, lại đưa ra một ý kiến khác. Theo ông, thơ ca và văn xuôi đều có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thậm chí Aristote còn cho rằng thơ ca cần thiết hơn lịch sử bởi lịch sử chỉ thuật lại các sự kiện cụ thể, còn thơ ca có thể đề cập tới các sự kiện giống như thật, do đó tiến tới gần với cái toàn cầu. Ông khẳng định rằng thơ ca và văn xuôi, nếu được sử dụng một cách đúng đắn, có chức năng điều tiết đối với cá nhân và xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Aristote đã viết các tác phẩm Hùng biện, Thơ ca Chính trị.
Từ thời Hy Lạp cổ đại cho tới mãi gần đây, hai quan niệm khác nhau như trên về văn học và vai trò của nó trong xã hội vẫn song song cùng tồn tại. Trong tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Horace ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của Aristote; theo Horace, một người quân tử phải là một người biết trình bày một cách gãy gọn. Còn trong tác phẩm của Augustin (đặc biệt trong Thành phố của Thượng Đế) ta có thể thấy sự nghi ngờ đối với thơ văn.
 
II. Thời Trung Cổ và thời Phục Hưng
           Quan hệ giữa văn học và xã hội như vậy phức tạp và hai mặt. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa khi lịch sử văn học luôn thay đổi về thể loại và hình thức thể hiện. Vào thời Hy La cổ đại, tiểu thuyết còn gần như chưa tồn tại và thể loại chiếm địa vị độc tôn là trường ca (épopée). Chính vì vậy mà quan niệm về văn học trong một thời gian dài có cơ sở là ba chức năng – hùng biện, lịch sử, thơ ca.
Thời Trung Cổ thường được miêu tả như một giai đoạn "tĩnh" trong lịch sử văn hóa phương Tây, đặc biệt là so với thời Cổ đại Hy La với nền văn minh rực rỡ. Tuy nhiên, chính giai đoạn này là thời kỳ hình thành các nước châu Âu với văn hóa đặc trưng riêng. Các nhà sử học thường lấy mốc năm 500 và năm 1500 làm hai mốc đầu và cuối thời Trung Cổ. Trong khoảng 10 thế kỷ đó, rõ ràng xã hội châu Âu có những biến đổi để đi đến thời Phục Hưng huy hoàng.
Đứng từ góc độ quan hệ giữa văn học và xã hội, trong giai đoạn Trung Cổ, trước hết cần phải kể đến việc sử dụng các ngôn ngữ đa dạng song song với chữ Latinh trong giới tăng lữ, sự ra đời của nhiều thể loại văn học là mầm mống cho các thể loại văn học hiện đại, cũng như phát minh có tính chất cách mạng là máy in sách. Sự sụp đổ của đế chế La Mã đã mở đường cho việc hình thành các đất nước có diện tích lớn nhỏ tùy vào từng thời kỳ, nhưng đều có đặc điểm là quá trình thống nhất lãnh thổ ở mức độ khác nhau có kết quả là một ngôn ngữ mới dần dần được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và sau đó là trong văn học.
Tiếng Pháp là một ví dụ đặc trưng. Lịch sử tiếng Pháp bắt đầu bằng cuộc chinh phục xứ Gôloa của Jules César vào năm 52. Các bộ lạc sống trên lãnh thổ nước Pháp ngày nay chấp nhận tiếng của người La Mã và một ngôn ngữ mới dần dần được hình thành. Văn bản chữ Pháp cổ, gọi là roman, đầu tiên là bản hiệp ước Serments de Strasbourg ký kết vào năm 842 và là văn bản tạo cơ sở cho việc phân chia lãnh thổ châu Âu vào thời gian sau đó. Tiếng Pháp, français, trong thời Trung Cổ chỉ là một trong những phương ngữ của tiếng roman được sử dụng ở vùng Paris mà thôi. Dần dần, sự phát triển của Paris với tư cách là trung tâm vương quốc đã góp phần đưa tiếng Pháp lên vị trí ngôn ngữ chính thống. Năm 1539, hoàng đế François I quyết định bắt buộc sử dụng tiếng Pháp trong các văn bản luật pháp và hành chính. Chữ La Tinh chính thức mất ngôi từ đó. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học, tiếng Pháp, cũng như các phương ngữ khác, đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước đó. Văn học thời Trung Cổ Pháp bao gồm các tác phẩm viết vào khoảng năm 1000 và năm 1500. Ngoài các tác phẩm thần học viết bằng chữ Latin, các tác phẩm có nội dung "phàm tục" được viết bằng các ngôn ngữ "nôm".
 Các tác phẩm này bao gồm các thể loại sau : trường ca chansons de geste là các tác phẩm thơ ca ngợi chiến công của các hiệp sĩ (ví dụ như Chanson de Roland được sáng tác vào thế kỷ XI), văn học phong nhã littérature courtoise xuất hiện vào thế kỷ XII là thể loại văn học ca ngợi các mối tình giữa các anh hùng và mỹ nhân, cuối cùng là thơ trữ tình với các đại diện như Rutebeuf (thế kỷ XIII) và nhất là François Villon vào giữa thế kỷ XV.
 Trong các nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và xã hội, đặc biệt là về ảnh hưởng của nhu cầu độc giả đối với sự phát triển các thể loại và nội dung văn học, Robert Escarpit đã lấy ví dụ văn học thế kỷ thứ XIII tại Pháp. Vào thời kỳ này giới tăng lữ trong các tu viện viết bằng chữ La tinh và chiếm vị trí độc quyền trong văn học, còn giới tư sản thương nhân sống ở thành thị là nhóm xã hội đang khởi sắc và có nhu cầu đọc. Giới độc giả mới này muốn đọc sách, nhưng không muốn đọc sách thần học bằng chữ La tinh bởi họ không sử dụng được ngôn ngữ này và cũng bởi vì họ có những nhu cầu khác. Giới tư sản thị dân này có nhu cầu về sách bằng thứ chữ “nôm” ("roman"), và chính vì thế mà "tiểu thuyết" tiếng Pháp gọi là "roman". Lúc đầu, người ta phải dịch sách từ chữ La tinh ra chữ roman, và sau đó mới bắt đầu có những tác phẩm được sáng tác trực tiếp bằng chữ roman là tổ tiên của tiếng Pháp hiện đại. Dần dần nhóm độc giả mới này thể hiện nhu cầu đọc sách về những chủ đề họ quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu này, các bản dịch Kinh Thánh được xuất bản, cũng như sách về luật chơi cờ vua, hoặc về kế toán, và đặc biệt là rất nhiều tiểu thuyết. Một loạt truyện về chiến tranh thành Troie, về hiệp sĩ Arthur, v.v. ra đời. Đó có thể được coi là tổ tiên của các tiểu thuyết phiêu lưu hiện đại. Loại tiểu thuyết như tác phẩm Tristan và Iseult đã trở thành kinh điển được sáng tác vào thời kỳ này và cũng có thể được coi là một thử nghiệm cho các tiểu thuyết hiện đại về sau.
Trong một thời gian dài, văn học phương Tây được chia làm hai loại : văn học "bác học" viết bằng chữ Latinh và văn học "bình dân" truyền miệng hoặc được viết bằng các ngôn ngữ địa phương. Văn học chữ Latinh được truyền bá nhờ các bản chép tay do các tu sĩ trong các tu viện thực hiện. Sự phát minh ra máy in do Gutenberg thực hiện vào khỏang năm 1450 là một sự kiện lịch sử có tính cách mạng. Việc in sách cho phép một số lượng độc giả ngày càng lớn có thể tiếp cận với tác phẩm văn học, và dần dần sự thay đổi về lượng (số độc giả) dẫn đến sự thay đổi về chất (nội dung và hình thức tác phẩm văn học). Ngoài ra, việc in sách còn có ý nghĩa quyết định đối với sự ra đời của tác giả và tác phẩm như chúng ta quen biết ngày nay. Theo Robert Escarpit, kỹ thuật in tự thân nó không phải là một sự kiện có tính cách mạng, đó chỉ là một kỹ thuật để tăng năng suất của các xưởng chép sách mà thôi. Nhưng kết quả của việc in sách có ý nghĩa rất lớn: khác với sách được chép đi chép lại, do đó có nhiều dị bản, sách in chỉ có một bản mà thôi. Song song với việc văn bản viết được bảo vệ khỏi những thay đổi theo thời gian bởi bản in, sách in cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện của khái niệm tác giả cũng như văn bản văn học. Thật vậy, nhờ kỹ thuật in văn bản gốc được nhân bản nhiều lần một cách hòan toàn chính xác dần dần được coi là có giá trị đặc biệt, giá trị của một tác phẩm văn học, và tên của tác giả, có nghĩa là chữ ký mang lại giá trị cho tác phẩm, trở thành một yếu tố chủ chốt. Cùng với sự xuất hiện của sách in, văn học truyền miệng và khuyết danh dần dần nhường chỗ cho văn học viết và có tên tác giả.
 III. Thế kỷ XVII-XVIII
Thuật ngữ “văn học” (littérature) hiểu theo nghĩa hiện đại chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ XVII và được sử dụng một cách rộng rãi ở châu Âu vào thế kỷ XVIII. “Văn học” không còn chấp nhận lịch sử và càng ngày càng đẩy lùi hùng biện ra khỏi phạm vi hoạt động của mình. Vấn đề văn học và xã hội càng trở nên cấp thiết khi “văn học” dần dần được thể chế hoá, như việc thành lập Viện Hàn Lâm ở Pháp từ thế kỷ thứ XVII. Cùng với việc công nhận “nhà văn” (écrivain) như một nhân vật xã hội có vai trò tích cực, thậm chí được coi là người sáng tạo văn học một cách chuyên nghiệp, những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa văn học và xã hội ngày càng phong phú, và phức tạp hơn.
Vào giai đoạn thể chế hoá văn học vào thế kỷ XVII, tác phẩm Tiểu thuyết thị dân (Le roman bourgeois, 1666) của Furetiere có thể được coi là một bức tranh có đối tượng là giới tư sản thị dân - luật sư và các nghề có liên quan đến luật pháp ở Paris. Trong đó tác giả đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các phòng khách (salon) và miêu tả một cách chi tiết các tập quán và các hành vi xã hội trong các phòng khách đó. Đặc biệt trong phần thứ hai của tiểu thuyết nhân vật chính là một nhà văn, Charroselles, với những lo âu tầm thường của giới văn sĩ thời đó: tìm mọi cách để được xuất bản, quảng cáo để bán được sách, tìm các nhà Mạnh Thường quân, v.v. Tiểu thuyết này là một tác phẩm trào phúng, nhưng cho thấy những nét tiêu biểu của giới văn sĩ cũng như một phần độc giả thị dân vào thế kỷ thứ XVII ở Pháp.
Sau đó, vào thế kỷ thứ XVIII, nhà văn và nhà triết học Jean-Jacques Rousseau cho ra mắt một tiểu luận về đời sống văn học nghệ thuật mang tên Thư gửi ông d’Alembert về các vở kịch (1758): nhằm mục đích phản đối việc xây dựng một nhà hát ở Geneve, tác giả đã đưa ra rất nhiều thông tin chi tiết như số dân trong thành phố, các thành phần xã hội kinh tế, đời sống tôn giáo, cũng như kinh phí của một nhà hát sẽ do thành phố phải chịu, v.v. Nhưng điều quan trọng hơn là trên cơ sở các tác phẩm cổ điển Pháp, Rousseau trình bày những ý tưởng của ông về mối quan hệ giữa văn học và xã hội, cụ thể là quan hệ giữa đề tài, chủ đề và các lựa chọn nghệ thuật của các tác giả với thị hiếu của khán giả. Ở đây cũng như trong các tác phẩm khác như Nàng Heloise mới (1761) hoặc Emile, Rousseau tiếp tục truyền thống của Platon và nghi ngờ về vai trò của văn học và nghệ thuật trong xã hội.
Vật lý xã hội (physique sociale) như tên gọi cho thấy, là một trào lưu tư tưởng cho rằng xã hội, cũng giống như thiên nhiên, có các quy luật hoạt động riêng của nó. Montesquieu, người đồng thời với Newton (1643-1727) là một đại diện tiêu biểu của trào lưu này. Khác với các triết gia miêu tả một thế giới lý tưởng không có thật (ví dụ như nhà văn và triết học người Anh Thomas More trong Utopia, 1516) và bàn luận về một mẫu người trừu tượng, Montesquieu cố gắng tìm hiểu xã hội đương thời nhằm chỉ ra các “quy luật” của xã hội đó. Đối với ông, con người là một sinh vật xã hội bị chi phối bởi các lực đẩy xã hội và có thể được chia làm nhiều nhóm khác nhau với các tiêu chí “bản sắc”, “dân tộc”, “tính cách”, v.v. Trong Bài diễn văn mở đầu của tác phẩm nổi tiếng Tinh thần luật phát (1748), Montesquieu coi văn học (hiểu với nghĩa rộng và bao gồm cả các tác phẩm triết học) là một phương tiện tốt nhất để miêu tả bản chất xã hội của con người.Tác phẩm của Montesquieu có vị trí quan trọng trong lịch sử xã hội học văn học bởi ông trình bày rõ ràng quan niệm của mình về văn học. Thật vậy ông quan tâm đến văn học là do khả năng văn học thấm nhuần các nguyên tắc đạo đức của xã hội (nguyên tắc của chế độ Cộng hoà là đức hạnh (vertu) của chế độ quân chủ là danh dự (honneur) và có thể truyền các nguyên tắc này đến mọi người dân. Đối với Montesquieu, văn học như vậy không hẳn được coi là một phương tiện để tìm hiểu xã hội như ở các nhà văn đã trình bày ở trên, mà văn học chủ yếu là một phương tiện để hình thành và biến đổi xã hội.
Quan niệm về mục đích và nhiệm vụ của văn học như vậy rõ ràng ảnh hưởng một cách quyết định tới việc phân tích nội dung tác phẩm văn học. Montesquieu đại diện cho một truyền thống có lịch sử lâu đời và sẽ còn phát triển mạnh mẽ vào các thế kỷ sau đó. “Trên thực tế, lịch sử xã hội học văn học phần lớn là lịch sử của những người muốn biến đổi xã hội nhờ văn học”[3].
           IV. Thế kỷ XIX
            Các nhà văn có thể lấy bất kỳ đề tài gì làm đối tượng sáng tác, và đương nhiên đời sống xã hội là một trong những đề tài chính trong bất kỳ một nền văn học nào. Nhiều nhà văn đã để lại các tác phẩm là sự thể hiện của một phần của xã hội thời đại họ. Các tác phẩm này là một phương thức nhận thức xã hội rất phong phú. Thậm chí một số tác phẩm còn có thể được coi là những bước đi mở đường cho các nghiên cứu xã hội học theo phương pháp khoa học. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng văn học là một trong những phương pháp chủ yếu để tìm hiểu xã hội.
Nói đến các nhà văn đã vẽ nên các “bức tranh xã hội” không thể kể đến các tên tuổi như Balzac, Flaubert, Zola, Proust. Họ là những quan sát viên nhạy bén về xã hội đương thời và nhất là của một số môi trường xã hội đặc biệt. Ví dụ Proust, trong bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, miêu tả một cách rất tinh tế những thay đổi trong giới quý tộc Pháp và sự “lên ngôi” của giới tư sản vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Vào thế kỷ XIX có nhiều tác phẩm lấy đề tài là giới nhà văn. Một trong những tác phẩm đó là Ảo tưởng tan tành  của Balzac. Ông miêu tả một cách chi tiết nhân vật một nhà thơ trẻ đứng trước hai ngả đường được thể hiện qua hai lời khuyên: lời khuyên của một nhà quý tộc ca ngợi cuộc sống nghèo khổ của nhà thơ hết mình phụng sự nghệ thuật với hy vọng sẽ có ngày vinh quang; và lời khuyên của một người làm báo ca ngợi khả năng giàu có nhanh chóng trong báo chí. Hai ngả đường này - chất lượng văn học hoặc hiệu quả kinh tế - trong một thời gian dài và còn cho đến ngày nay vẫn là một vấn đề lớn, có tích chất sống còn đối với giới nhà văn không chỉ ở phương Tây và sẽ được nhiều nhà xã hội học nghiên cứu.
 Nữ văn sĩ Germaine de Staël với tác phẩm nổi tiếng Về văn học trong quan hệ với các thể chế xã hội (De la litterature consideree dans ses rapports avec les institutions sociales, 1800) trong đó bà trình bày quan niệm của mình về văn học như phương tiện để tìm hiểu xã hội nhằm thay đổi các cách tư duy và tập quán. Muộn hơn là Hyppolyte Taine với tác phẩm đồ sộ Lịch sử văn học Anh (1885) có thể được coi như tiếp nối những tư tưởng của bà de Staël. Taine là một trong các nhà tư tưởng Pháp có ảnh hưởng lớn nhất vào nửa sau thế kỷ XIX và là người đã khẳng định vai trò của văn học trong việc nghiên cứu lịch sử, thậm chí là điều kiện không thể thiếu để tiến tới việc hiểu biết lịch sử một cách toàn diện. Cũng giống như Sainte-Beuve với phương pháp nghiên cứu tiểu sử nhà văn, Taine tìm hiểu thiên tài của mỗi nhà văn, nhưng đồng thời quan tâm đến thiên tài đó trong hoàn cảnh đặc biệt của chủng tộc, môi trường và lịch sử. Đồng thời quan niệm của Taine về văn học có điểm rất độc đáo là sự phân biệt giữa “sử liệu” (document) do lịch sử để lại (đó là dấu vết của lịch sử) với “công trình” (monument) do nhà sử học xây dựng lại (đó là trải nghiệm cuộc sống của loài người). Do đó Taine có một định nghĩa về văn học ngày nay vẫn còn mang tính thời sự: “Tầm quan trọng của các tác phẩm văn học có thể được trình bày như sau: tác phẩm văn học có ích cho xã hội là tác phẩm đạt tới độ hoàn hảo về nghệ thuật; và nếu tác phẩm văn học chứa đựng sử liệu, đó là bởi vì chúng là công trình của con người xây dựng nên”[4]
Các nhà tư tưởng đầu tiên của chủ nghĩa thực chứng (positivisme), ví dụ như Auguste Comte, coi văn học như một phương tiện để tìm hiểu “tâm lý xã hội” (psychologie sociale) hiểu như các “quy luật” chi phối đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở Pháp nói riêng và ở phương Tây nói chung còn phải chờ đến Durkheim, người có công thành lập xã hội học như một bộ môn khoa học độc lập với đối tượng và phương pháp riêng, thì văn học mới được nghiên cứu với một phương pháp chặt chẽ và hiệu quả: với tác phẩm Quy luật phương pháp xã hội học (Regles de la methode scientifique, 1895), Durkheim đưa ra định nghĩa về “hiện tượng xã hội” (fait social) và góp phần vào việc phát hiện các đối tượng mới trong nghiên cứu văn học, đặc biệt khi ông nhấn mạnh rằng tập thể không đơn giản là tổng của các cá nhân, mà nó là một cái gì đó khác và tuân theo những quy luật riêng. Tuy nhiên, Durkheim không mấy quan tâm đến văn học, cũng như nghệ thuật nói chung, có lẽ là bởi ông phải bỏ nhiều công sức để xây dựng nền xã hội học non trẻ với đối tượng và phương pháp riêng.
Như vậy ở Pháp vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, song song với việc hình thành các khoa học xã hội, một số nghiên cứu có thể được gọi là xã hội học văn học được thực hiện bởi các chuyên gia về văn học, nói đúng hơn là các nhà văn học sử. Gustave Lanson là người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực này. Ông cho rằng văn học cần phải được nghiên cứu theo hai hướng tiếp cận có tính bổ sung: một mặt, để tìm hiểu các nguyên nhân nội tại của thế giới các nhà văn và lý giải một tác phẩm cụ thể, cần tập hợp các nguồn tài liệu và nghiên cứu các ảnh hưởng thông qua việc nghiên cứu tiểu sử và tác phẩm nhà văn; mặt khác, cần phải xem xét bối cảnh rộng hơn, có nghĩa là toàn bộ đời sống văn học vào một thời điểm lịch sử nhất định. Khác với các nhà triết học thế kỷ trước đó, ví dụ như Taine bàn một cách chung chung về « thiên tài », Lanson có đóng góp quan trọng là ông đề nghị một phương pháp « xã hội học quy nạp » có cơ sở là nghiên cứu so sánh các hiện tượng và các loạt hiện tượng, cũng như tìm hiểu các « quy luật » chi phối các hiện tượng quan sát được. Năm 1904, theo lời mời của Emile Durkheim, người sáng lập ra ngành xã hội học tại Pháp, Lanson đã trình bày một bài thuyết trình quan trọng có nhan đề Văn học sử và xã hội học (L’histoire litteraire et la sociologie). Trong đó ông đề nghị cần phải nghiên cứu ảnh hưởng của tác phẩm văn học tới độc giả, có ý tưởng là tác phẩm không phản ánh (reflet) xã hội mà bổ sung cho nó (complement), có nghĩa là tác phẩm văn học thể hiện cái chưa có hoặc đã mất rồi. Theo Lanson, văn học có thể thể hiện “hiện thực trong tương lai chứ không hẳn là hiện thực xã hội đương đại”. Ngoài « quy luật xuất hiện các kiệt tác » trình bày lý thuyết phương pháp nghiên cứu nguồn tài liệu và ảnh hưởng, một số quy luật do ông đưa ra như « quy luật ảnh hưởng nước ngoài », « quy luật hình thành thể loại », « quy luật liên hệ giữa hình thức và mục đích mỹ học », vẫn còn có tính thời sự. Tuy nhiên chương trình này của Lanson không được tiếp tục phát huy, có lẽ bởi lý do chính là do vấn đề phân ngành các bộ môn khoa học: các nhà nghiên cứu văn học tiếp thu ở Lanson ý tưởng về nghiên cứu nguồn gốc (sources) và ảnh hưởng (influence) nhưng không dám (và chắc hẳn không có điều kiện) đi sang địa phận của các bộ môn khoa học khác (đang trong giai đoạn hình thành và củng cố nên bảo vệ “biên giới” của mình một cách rất tích cực), trong khi đó thì các bộ môn KHXH khác không quan tâm đúng mức đến văn học và nghệ thuật như một bộ phận của đời sống xã hội (chắc hẳn là bởi các đặc trưng riêng của chúng, đồng thời cũng bởi “nhiệm vụ” và đối tượng của xã hội học phương Tây thời này chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về xã hội hiện đại và xã hội công nghiệp). Có thể nói rằng vào giai đoạn này các nghiên cứu liên ngành còn chưa có điều kiện hình thành và phát triển. Trong thế kỷ XX, nhiều trường phái nghiên cứu văn học sẽ xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.
V. Thế kỷ XX
Thế kỷ XX là thế kỷ có nhiều sự kiện với những hướng nghiên cứu đa dạng trong văn học cũng như trong xã hội học.
Xã hội học văn học theo hướng mácxít
Thất bại của Lanson và sự thiếu quan tâm của các nhà xã hội học đối với văn học có lẽ là nguyên nhân làm cho một số nhà nghiên cứu tìm đến triết học mácxít. « Có thể khẳng định rằng vào giữa thế kỷ XX, xã hội học văn học thật ra là phân tích văn học theo hướng mácxít cả trong giới hàn lâm và trong giới dấn thân chính trị »[5]. Thật vậy, triết học mácxít cho phép đưa ra các hướng nghiên cứu mới trên cơ sở các tác phẩm triết học các thế kỷ trước như Montesquieu. Trong tác phẩm của Marx, ý tưởng về « phản ánh » (reflet) chiếm vị trí quan trọng. Tiếp nối ý tưởng của Hegel về liên hệ giữa hình thức nghệ thuật và cấu trúc xã hội (thời Trung cổ và trường ca; thời tư sản và tiểu thuyết), trên cơ sở khả năng tái hiện thực tế các quan hệ xã hội của văn học, Marx đánh giá cao tác phẩm của các nhà văn như Balzac (mặc dù ông biết rằng Balzac bảo thủ về mặt chính trị) hoặc Eugene Sue (là đảng viên đảng xã hội). Đối với Marx, văn học không có mục đích miêu tả xã hội một cách đơn thuần, mà nhiệm vụ của nó là thay đổi xã hội bằng cách giúp độc giả có ý thức về quan hệ xã hội và về nhiệm vụ lịch sử của mình.
Một số tác phẩm quan trọng trong lịch sử xã hội học văn học đã áp dụng lý thuyết của Marx. Tác phẩm Lịch sử xã hội của nghệ thuật và văn học (Histoire sociale de l’art et de la litterature) do nhà nghiên cứu người Hung Arnold Hauser công bố vào những năm 1950 là một ví dụ điển hình. Ông liên hệ việc sản xuất văn học với các giới độc giả khác nhau (người đặt hàng, người tiêu thụ, v.v.) đồng thời chứng minh vai trò của các sự lựa chọn về hình thức, chất liệu, cũng như kỹ thuật, của các nghệ sĩ. Hauser ít được biết tới ở các nước phương Tây (tác phẩm của ông chỉ được xuất bản ở Pháp vào năm 1984), nhưng một nhà nghiên cứu khác, Georg Lukacs với Lý thuyết về tiểu thuyết (La theorie du roman, 1920) có ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt nhờ học trò của ông là nhà nghiên cứu người Pháp Lucien Goldmann. Tiếp nối ý tưởng của Hegel, Lukacs cho rằng tiểu thuyết xuất hiện vào thời Phục Hưng là « một hình thức biện chứng của epique..... » và phản ánh một thế giới không còn đồng nhất như thời Hy La cổ đại hoặc thời Trung Cổ nữa; thế giới này đồng thời với sự xuất hiện của cá nhân. Theo Lukacs, sự xuất hiện của tiểu thuyết có thể được chia làm ba giai đoạn: tiểu thuyết lý tưởng như Don Quichotte trong đó nhân vật chính không có ý thức về thế giới xung quanh và đi tìm các giá trị không tưởng, tiểu thuyết tâm lý như Giáo dục tình cảm trong đó nhân vật chính cũng đi tìm các giá trị không tưởng nhưng có ý thức về sự không tưởng đó, và cuối cùng là tiểu thuyết giáo dục như Wilhelm Meister của Goethe trong đó nhân vật chính có ý thức về các quy ước trong xã hội và tìm cách thích nghi trong xã hội đó. Mặc dù tác phẩm này đưa ra các mô hình trừu tượng, đó là tác phẩm mở đầu cho một loạt nghiên cứu của Lukacs áp dụng phương pháp mácxít vào phân tích tác phẩm văn học như trong Tiểu thuyết lịch sử (1937) trong đó ông nghiên cứu quan hệ giữa sự phát triển kinh tế và xã hội, với thế giới quan của các tác nhân xã hội, cũng như các hình thức nghệ thuật ở châu Âu trong nhiều thế kỷ, cũng như trong Các vấn đề của chủ nghĩa hiện thực (tuyển tập các bài viết trước Đại chiến II) và Soljenitsyne (1970) trong đó ông đưa ra các đề nghị có tính lý thuyết.
Vào giai đoạn giữa hai Đại chiến thế giới, nhà triết học người Đức Walter Benjamin với các nghiên cứu về Baudelaire, Brecht, Goethe, v.v. cũng có thể được coi là một đại diện của phê bình mácxít. Là chứng nhân của sự thất bại của tư tưởng xã hội-dân chủ ở Đức (có nghĩa là thắng lợi của chủ nghĩa phát xít) Benjamin cho rằng văn học vừa là chỉ báo (indicateur) nhạy bén nhất của bi kịch xã hội, vừa là nơi có thể cho phép đảo ngược định mệnh lịch sử. Đặc biệt Benjamin có ảnh hưởng lớn đến các nhà triết học người Đức phần lớn tản cư sang Mỹ và sẽ thành lập trường phái Franfort sau chiến tranh. Đại diện nổi tiếng nhất của trường phái Franfort là nhà triết học T.W.Adorno có nhiều tác phẩm về âm nhạc và văn học. Khác với phê bình mácxít truyền thống chủ yếu quan tâm đến nội dung và chức năng phản ánh, Adorno tìm hiểu các tác phẩm bí hiểm nhất như các nhà thơ Pháp Mallarme, Valery. Theo Adorno, nghệ thuật, ngay cả khi nó có vẻ xa rời thực tế xã hội nhất, có thể được coi là một phản ứng của nghệ sĩ đối với xã hội đồng tiền. Như vậy mặc dù Adorno quan tâm đến các tác phẩm không có quan hệ mật thiết với các vấn đề xã hội, thật ra ông vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng.
Xã hội học nghệ thuật và văn hoá tại Đức và các nước nói tiếng Anh
Trong khi xã hội học theo trường phái Durkheim đang cố gắng khẳng định mình trong hệ thống đại học Pháp, tại Đức từ đầu thế kỷ XX đã có một loạt các nghiên cứu xã hội học chịu ảnh hưởng của tâm lý xã hội. Trước hết phải kể đến các nghiên cứu nổi tiếng của Max Weber: trong Đạo đức người theo đạo Tin Lành (L’ethique protestante, 1905 và 1920) ông tìm hiểu các hành vi có vẻ không lôgic bằng cách liên hệ chúng với các « tư tưởng » và « lợi ích » của những người theo đạo Tin Lành. Tiếp sau đó Norbert Elias đã có những nghiên cứu tiên phong ngay từ cuối thập kỷ 1930 trong đó ông cố gắng liên hệ cá nhân với xã hội trong lĩnh vực nghệ thuật: theo Elias mỗi cá nhân đều mang trong mình một « cái tôi » và một « cái chúng ta » và xã hội có thể được nghiên cứu một cách khoa học như một tổng thể các quan hệ.
Ở Anh và các nước nói tiếng Anh, nhiều nhà xã hội học cũng quan tâm đến văn hoá và nghệ thuật. Có thể kể đến tác phẩm của Richard Hoggart (The Uses of Literacy, 1957), của Raymond Williams (Culture and Society, 1958) là những nghiên cứu dựa trên cơ sở các điều tra thực địa công phu về các hành vi văn hoá trong xã hội hiện đại, cũng như ảnh hưởng của các phương tiện thông tin đại chúng đối với sự tiếp nhận văn hoá trong các nhóm xã hội khác nhau. Các nghiên cứu này đặc biệt có đóng góp là đã buộc các nhà xã hội học phải có cái nhìn khác về sự đa dạng văn hoá và giá trị trong xã hội hiện đại và quan tâm đến các đối tượng ít được nghiên cứu bác học để ý tới như sách best-seller chẳng hạn.
Trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật, cần phải kể đến các nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ Howard S. Becker, đặc biệt là trong Các thế giới nghệ thuật (1982)[6]. Becker tiếp cận nghệ thuật như một công việc, một sản phẩm được thực hiện bởi nhiều người có cùng mục đích là xây dựng tác phẩm nghệ thuật (nghệ sĩ, người phát hành, người thưởng thức, người bán các nhạc cụ và vật phẩm cần thiết, v.v.). Ông không quan tâm đến bản thân tác phẩm, cũng như tác giả, và không đưa ra các nhận xét thẩm mỹ. Đối tượng của ông là "những hình thức hợp tác được thực hiện bằng những người tham gia xây dựng tác phẩm" (tr. 21). Becker quan niệm các quan hệ này từ góc độ "hợp tác" (coopération) với ý tưởng chủ đạo là để xã hội hoạt động được thì nhất thiết giữa các cá nhân phải có hợp tác và thương lượng.
Có thể nói rằng trong suốt thế kỷ XX các nghiên cứu về nghệ thuật và văn hoá ở châu Âu và Mỹ đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội học văn học.
 
Các trường phái xã hội học văn học Pháp
        Có thể nói Pháp là quốc gia có đóng góp đáng kể vào bức tranh chung của lĩnh vức xã hội học văn học. Tạm xếp vào nhóm các nhà nghiên cứu có liên quan tới tư tưởng mác xít chúng ta thấy có những tên tuổi như L.Goldmann, J.-P. Sartre, L.Athusser, nhưng phải nói rằng L. Goldmann là người có công nhất trong việc truyền bá xã hội học văn học trong giới nghiên cứu phương Tây nói tiếng Pháp. Ba tác phẩm chính của ông – Thượng Đế ẩn giấu  (Le Dieu caché, 1956), Vì một nền xã hội học tiểu thuyết (Pour une sociologie du roman, 1964) và Racine (1970) đã góp phần khẳng định rằng XHH VH là một bộ môn có thể tồn tại và cần thiết phải tồn tại. Theo Aron và Viala thì « Goldmann cho rằng các giá trị tinh thần của tâm hồn con người được thể hiện trong một số hình thức và cấu trúc mỹ học : một quan niệm về thế giới (vision du monde) được hình thành trong đó. Thế giới quan này không diễn giải các « tư tưởng » hoặc « tham vọng » của một nhóm xã hội hoặc của một cá nhân, mà nó cho thấy ý thức có thể (conscience possible) của nhóm hoặc cá nhân đó – có nghĩa là ý thức về thực tế các quan hệ xã hội, chứ không phải là phản ảnh của chúng bị ý thức hệ làm biến dạng. Đối với Goldmann, đặc trưng của một số tác phẩm lớn là chúng có thể thể hiện cái mà một nhóm xã hội « tư duy nhưng không biết là mình tư duy ». Các tác phẩm lớn đó mang lại một sự gắn kết đặc biệt và không thể thay thế được cho tư tưởng của nhóm xã hội đó, và đó là một kiểu mẫu mà các cá nhân cụ thể có thể noi theo. Goldmann phê bình văn học sử được giảng dạy trong trường đại học và đề nghị thay phương pháp theo kiểu Lanson (« biết ») bằng một phương pháp mới trong đó việc « hiểu » là quan trọng hơn. Goldmann không quan tâm đến một khía cạnh đặc biệt của hoạt động văn học (một nội dung hoặc một đề tài cụ thể) mà ông quan tâm đến toàn bộ các tác phẩm bởi mỗi thành phần cấu thành của tác phẩm đều thể hiện một phần của thế giới quan. Như vậy Goldmann vượt qua giới hạn của phê bình mácxít chỉ quan tâm đến nội dung và giới hạn của lý thuyết phản ảnh có tính máy móc. Ông đưa ra một lý thuyết gọi là « cấu trúc phái sinh » có nhiệm vụ tìm hiểu tác phẩm văn học thông qua việc nghiên cứu các tương đồng (homologies) giữa các cấu trúc mang nghĩa (structures significatives) của tác phẩm và các cấu trúc mang nghĩa của thế giới quan của một nhóm xã hội hoặc một loạt cá nhân »[7].
Cùng thời với Goldmann, một nhân vật nổi tiếng trong văn giới cũng dành nhiều trang viết về văn học dưới góc độ triết học mácxít. Đó là nhà văn Jean-Paul Sartre, tác giả của các tác phẩm phê bình văn học như Tình huống (Situations, 1948), đặc biệt là tiểu luận Văn học là gì ? (Qu’est-ce que la litterature ? 1948) và phương pháp được ông trình bày trong phần nói đầu của Phê bình tư duy biện chứng (Critique de la raison dialectique,1960). Phương pháp phân tích luỹ tiến-hồi quy (progressive-regressive) được ông áp dụng trong tác phẩm đồ sộ và còn dang dở về Flaubert (Thằng ngốc của gia đình, L’idiot de la famille, 1971-1972). Câu hỏi được đặt ra ở đây là « Trở thành nhà văn như thế nào ? ». Để trả lời cho câu hỏi này Sartre đã xây dựng lại một cách rất tỉ mỉ và công phu các thể chế trung gian qua đó một cá nhân dần dần được giáo dục trở thành một « sinh vật xã hội » (un etre social): gia đình, nhà trường, các quan hệ xã hội. Đối với Sartre, cái xã hội không ở ngoài cá nhân mà ở trong mỗi cá nhân.
Ở Pháp, từ những năm 1960, tác phẩm của Louis Althusser và nhóm nghiên cứu của ông ở Trường Sư Phạm Paris (Ecole Normale Superieure) là một Trường Lớn chuyên đào tạo nhân tài ở Pháp. Althusser chịu ảnh hưởng của tư tưởng mácxít, đồng thời của chủ nghĩa cấu trúc và của thuyết phân tâm học theo trường phái Lacan. Tư tưởng của Althusser có thể được tóm tắt trong hai ý tưởng chính. Thứ nhất, văn học là nơi thể hiện tư tưởng của con người, nhưng không phải là tư tưởng của một nhóm hay một giai cấp xã hội được hình thành ở bên ngoài và được thể hiện một cách máy móc trong văn học. Văn học là nơi thể hiện các cuộc gặp gỡ, hoặc xung đột về tư tưởng mà chính tác giả không biết, và để thấy được điều đó nhà nghiên cứu phải đi tìm các « triệu chứng » (symptome) như ở một con bệnh. Thứ hai, theo Althusser thì các mặt hoạt động của con người, trong đó có văn học nghệ thuật, phát triển theo nhịp độ riêng, có nghĩa là có một lịch sử riêng; ông so sánh lịch sử của loài người như một tổng thể đường xe lửa chạy song song: « con tàu » kinh tế và nghệ thuật như vậy có tốc độ khác nhau và không thể được so sánh với nhau một cách đơn giản và máy móc. Bản thân Althusser không viết nhiều về văn học, nhưng các cộng sự của ông trong đó có Pierre Macherey trong công trình Vì một lý thuyết về sản xuất văn học (Pour une theorie de la production litteraire,1966) đã có nhiều nghiên cứu mới mẻ. Đóng góp của các tác giả này là việc lần đầu tiên họ đã chỉ rõ mối quan hệ giữa nhà trường, một trong những thể chế chính của cái mà Althusser gọi là « Bộ máy tư tưởng nhà nước », với sản xuất và tiếp nhận văn học. Ví dụ, trong Tiếng Pháp tưởng tượng (Les francais fictifs, 1974), Renee Balibar chứng minh các lựa chọn ngôn ngữ và phong cách của các nhà văn phụ thuộc vào cách họ học nghề trong một không gian nhà trường có các lựa chọn và xung đột có nguồn gốc xã hội. Thông qua việc nghiên cứu sách giáo khoa, các bài tập, các chỉ dẫn giảng dạy v.v…, nhà nghiên cứu này đã cho thấy rằng các phong cách viết, các trích dẫn… được hình thành và giảng dạy trong nhà trường và tạo nên một ngôn ngữ chung cho các tác nhân văn học, cũng như một quan niệm chung về vai trò và công việc của nhà văn. Như vậy lần đầu tiên câu nói của Sartre « văn học là cái được giảng dạy » được kiểm chứng bằng một nghiên cứu xã hội học văn học.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì trường phái Althusser là điểm đỉnh của phê bình mácxít ở Pháp. Từ những năm 1970 và đặc biệt về sau đó, các sự kiện ở Đông Âu dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng đến sự phát triển của phê bình mácxít. Tuy nhiên không thể không công nhận rằng các ý tưởng do phê bình mácxít đưa ra đã có ảnh hưởng quan trọng tới xã hội học văn học tại Pháp và phương Tây.
Tình hình phát triển của XHH VH trong giảng dạy đại học Pháp cần phải được liên hệ với lịch sử của bộ môn xã hội học. Phải đến 1957 mới có đào tạo xã hội học ở bậc cử nhân, có nghĩa là XHH được thực sự công nhận như một bộ môn khoa học độc lập. Chỉ từ lúc đó các nhà xã hội học Pháp mới mở rộng nghiên cứu đến các đề tài thuộc về văn hoá và văn học. Robert Escarpit là người đầu tiên giới thiệu Xã hội học văn học (1958) cho độc giả rộng rãi trong cuốn sách cùng tên thuộc tủ sách « Que sais-je ? ». Ông là người sáng lập ra « Trung tâm xã hội học các hiện tượng văn học » năm 1960 và là chủ biên của tác phẩm Văn học và xã hội (Le litteraire et le social, 1970). Xã hội học văn học theo Escarpit là xã hội học truyền thông quan tâm đến hiện tượng văn học như một hệ thống trao đổi giữa tác giả và độc giả, đồng thời quan tâm đến văn học như việc sản xuất các sản phẩm sách. Đối tượng của XHH VH như vậy là bộ ba sản xuất – phát hành – tiêu thụ sách như một sản phẩm văn hoá. Phương pháp do Escarpit đưa ra là phương pháp định lượng có sử dụng một cách hệ thống các số liệu thống kê (số lượng sách xuất bản, nhà văn, nhà xuất bản, v.v.). Ví dụ Nicole Robine, trong Đọc sách ở Pháp từ 1930 đến 2000 (2000) đã nghiên cứu một cách công phu độc giả ở Pháp thông qua việc phân tích số liệu các độc giả đến đọc tại thư viện công cộng và chứng minh rằng việc đọc sách có liên quan chặt chẽ đến các đặc trưng xã hội-kinh tế của người đọc.
Tiếp theo các nghiên cứu của Escarpit, xã hội học văn học ở Pháp phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ những năm 1970-1980, nhờ có đóng góp của các nhà xã hội học thuộc trường phái Pierre Bourdieu. Với tư cách là một nhánh trong nghiên cứu văn hóa, xã hội học văn học theo phương pháp của Bourdieu lấy tác phẩm và tác giả văn học làm đối tượng nghiên cứu của nhà xã hội học, không chỉ như một hiện tượng độc đáo và cá biệt, mà như một thành quả của một xã hội. Tác phẩm văn học là một "sản phẩm văn hóa" được hình thành trong một tổng thể các điều kiện rất khác nhau nhưng đều có liên quan đến nhau, và ngay cả những yếu tố tưởng như chỉ đơn thuần nghệ thuật (như một số cách tân về hình thức) thật ra cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố xã hội và kinh tế. Như vậy tác phẩm văn học dưới góc nhìn của Bourdieu không được coi là phương tiện để nghiên cứu xã hội (mặc dù trong Quy tắc của nghệ thuật Bourdieu dành 70 trang cho việc phân tích tiểu thuyết Giáo dục tình cảm như một tài liệu về thời đại của tác giả Flaubert), mà chính bản thân nó là một sản phẩm xã hội cần được nghiên cứu trong hòan cảnh lịch sử xã hội khi nó ra đời cũng như khi nó được tiếp nhận, cũng như trong mối tương quan với các tác phẩm khác cùng thời đại.
 Riêng ở Pháp và các nước nói tiếng Pháp các nghiên cứu áp dụng phương pháp của Bourdieu vào văn học có số lượng không nhỏ. Có thể xếp các nghiên cứu đó theo các loại chủ đề chính như sau:
-nghiên cứu hiện trạng các "trường lực văn học" vào các thời điểm không gian, lịch sử, xã hội khác nhau;
-nghiên cứu sự xuất hiện của một khái niệm;
-nghiên cứu trường hợp về một tác giả, một dòng văn học, một tạp chí văn học v.v. ;
-nghiên cứu giao lưu văn hóa giữa các nền văn học khác nhau ;
-và cuối cùng là nghiên cứu quan hệ giữa văn học, và các nhà văn với các "trường lực" khác cũng như các tác nhân xã hội khác.
 
 
VI. Các xu hướng xã hội học văn học phương Tây vào đầu thế kỷ XXI
Trong nửa sau thế kỷ XX, sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin đại chúng cũng như của kỹ thuật thông tin đã có lúc làm cho một số người tin rằng văn học hiểu theo nghĩa cổ điển không còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại nữa. "Sách" một vật thể có lịch sử phát triển hàng nghìn năm và có vai trò quan trọng trong nền văn minh thế giới từ thế kỷ XV, bị "sách điện tử" cạnh tranh một cách gay gắt. Cũng giống vậy, vị trí của văn học trong đời sống thời đại kỹ thuật thông tin và truyền thông không còn ở đỉnh cao như trước thời phát minh ra vô tuyến và internet.
Tuy nhiên, sau một số năm xuống dốc, có thể nói rằng trong thời đại kỹ thuật số ngày nay vấn đề quan hệ giữa xã hội và văn học không kém phần quan trọng. Ngược lại vấn đề này còn được quan tâm nhiều hơn, ở các nước phương Tây cũng như trên toàn thế giới. Lý do đơn giản là internet không phải là giải pháp thần diệu, mà mọi thông tin cần phải được xử lý và chọn lọc thông qua một "hệ thống" giá trị văn hóa của cá nhân và tập thể. Nhà văn người Ý Italo Calvino, trong loạt bài thuyết trình dành cho sinh viên và giảng viên trường đại học Harvard nổi tiếng vào năm học 1985-1986, đã bàn về bản chất của văn học và vai trò của văn học trong đời sống. Trong loạt bài này, được xuất bản sau khi nhà văn mất năm 1985 dưới nhan đề Các bài học Mỹ (ghi chép dành cho thiên niên kỷ mới)[8], ông khẳng định văn học như một cách nhận biết thế giới và thể hiện cá nhân đặc biệt và không thể thay thế nổi.
Một trong những dấu hiệu về vai trò của văn học trong xã hội là việc giải thưởng Nobel văn học, giải thưởng được trao cho một tác giả có đóng góp quan trọng vào việc hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới, vẫn là một sự kiện nổi bật của đời sống văn hoá và xã hội quốc tế. Năm 2008 giải thưởng Nobel văn học được trao cho nhà văn Le Clezio người Pháp có quốc tịch Maurice. Trong bài phát biểu ngày 6.12.2008 tại Stockholm (Thụy Điển) ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của văn học và của việc xuất bản sách trên thế giới đối với tiến bộ của loài người. Thời đại hội nhập không chỉ là thời đại của khoa học kỹ thuật và của kinh tế, mà đó còn là thời đại của các giá trị nhân văn.
Như vậy, hơn bao giờ hết, văn học và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau. Lịch sử phát triển của các nghiên cứu xã hội học văn học, cũng như của bộ môn xã hội học văn học như một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù, cho thấy các hướng nghiên cứu đã được khám phá, các lĩnh vực và đề tài nghiên cứu đã được tìm hiểu, các phương pháp tiếp cận đã được áp dụng. Vào đầu thế kỷ XXI, các nhà nghiên cứu nhất trí với ý tưởng cần nghiên cứu văn học như một tổng thể, đồng thời nghiên cứu các yếu tố cấu thành nó về mặt hình thức cũng như nội dung. Như vậy văn học và xã hội học mới có thể đối thoại một cách bình đẳng và có hiệu quả, cũng như áp dụng được các thành quả nghiên cứu của các cách tiếp cận khác và các bộ môn khoa học khác (như tâm lý học, phân tâm học, ký hiệu học, mỹ học).
Trong tác phẩm của hai tác giả Paul Aron và Alain Viala Xã hội học văn học xuất bản năm 2006 thì xã hội học văn học có thể quan tâm đến văn học từ nhiều góc độ khác nhau. Nếu tìm hiểu đối tượng văn học như một hoạt động nghệ thuật thì XHH VH có thể quan tâm đến quan niệm chức năng nghệ thuật, lý thuyết nghệ thuật ngôn từ, đặc điểm của diễn ngôn văn học, cũng như nghệ thuật ngôn từ đặc trưng cho văn học. Các đối tượng của XHH VH rất đa dạng, từ thể loại, nội dung, hiệu ứng văn bản, tiếp nhận, các thể chế văn học, mạng lưới, trường lực, v.v. Nói khác đi, nghiên cứu XHH VH ngày nay công nhận quá trình sáng tạo nghệ thuật là một hiện tượng thuộc về cá nhân và quá trình đọc là cảm thụ nghệ thuật cá nhân, đồng thời chỉ rõ rằng văn học luôn gắn liền với xã hội. Rõ ràng là không nghiên cứu "văn" mà không tìm hiểu các hành vi đọc và viết, cũng như không quan tâm đến văn giới, đến nội dung mà văn học chuyển tải về thời đại của mình cũng như về tương lai mà văn học có thể là một "bà đỡ". Tác phẩm văn học đưa ra những ý kiến, những giá trị mà người đọc có thể chấp nhận hoặc chối bỏ. Tìm hiểu tất cả những khía cạnh đó là mục đích của XHH VH với những công cụ do các khoa học xã hội và nhân văn của thế kỷ XX đem lại.
 



[1] tr. 3
[2] Chúng tôi dựa vào các nghiên cứu gần đây :
[3] Ảron và Viala, Sđd, tr. 17.
[4] Trích theo …. tr. 20
[6] Howard S. Becker, Les mondes de l'art, Paris, Flammarion, 1988. Nguyên bản tiếng Anh Art Words, The University of California Press, 1982.
[7] tr. 30-31
[8] Leçons américaines (aide-mémoire pour le prochain millénaire), d’Italo Calvino, aux éditions du Seuil (Points)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530295

Hôm nay

2167

Hôm qua

2297

Tuần này

2464

Tháng này

216991

Tháng qua

0

Tất cả

114530295