Những góc nhìn Văn hoá

Luận bàn Minh triết và minh triết Việt (kỳ cuối)

III. Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của văn minh(điểm duyệt những nguồn và giá trị của minh triết Việt Nam)

Sự phân biệt khái niệm “văn hóa” và khái niệm “văn minh” không đơn thuần có ý nghĩa học thuật. Bản thân sự phát triển hiện tại của xã hội ta đặt ra vấn đề học thuật này. Có thể hiểu một cách ước lệ “văn minh” là những thiết chế và cơ chế kinh tế, pháp lý, xã hội... được đặt ra để bảo đảm trật tự và ổn định của đời sống xã hội; văn hóa là tổng thể những tư tưởng triết học, đạo đức học, tôn giáo, mỹ học... được siêu thăng từ đời sống tinh thần của xã hội, cuộc sống này bao giờ cũng phong phú hơn rất nhiều cũng như những tư tưởng siêu thăng này bao giờ cũng bền vững hơn những thiết chế của văn minh nhất thời cai quản xã hội. Hiểu như vậy, nền văn minh xã hội chủ nghĩa - đúng hơn, hệ thống văn minh của “cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa” mà nước ta đã từng là một bộ phận đang ở trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng, hàng loạt thiết chế bị đổ vỡ, có những mảng lớn sụp đổ hoàn toàn. Ngay trong nền văn minh xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhiều thiết chế tỏ ra lỗi thời, không sao trụ lại được trước xu thế đổi mới: chế độ hợp tác xã “công điểm”, chế độ thương nghiệp “tem phiếu” , “hai giá”..., bao trùm lên tất cả là chế độ bao cấp thâm nhập vào mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Để hiểu đúng cuộc khủng hoảng của nền văn minh xã hội chủ nghĩa cũng cần thấy rằng nền văn minh phương Tây vẫn được xem là đối lập với nền văn minh của chúng ta hiện tại cũng đương lâm vào cuộc khủng hoảng không kém phần trầm trọng. Trong tác phẩmLàn Sóng Thứ Ba” nổi tiếng của nhà tư tưởng xã hội Mỹ Alvin Toffler, cuộc khủng hoảng của văn minh phương Tây (được tác giả đưa vào phạm trù Làn sóng thứ hai) đã được đánh giá gọn lỏn: “Có mùi bệnh trong không khí. Đó là mùi của nền văn minh Làn sóng thứ hai đang chết([1]). Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng văn minh toàn cầu. Hiểu ra được điều này, chí ít cũng tránh được ý nghĩ hão huyền đang ám ảnh không ít người - là tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của nền văn minh xã hội chủ nghĩa bằng cách nhảy bổ vào cuộc khủng hoảng của văn minh phương Tây.

Văn hóa (do gốc rễ lịch sử bền sâu bao giờ cũng có tiềm lực trường tồn lớn hơn những thiết chế văn minh thường thiên về mặt hành dụng và do đó tính bất định, tính nhất thời nhiều hơn) không nhất thiết bị cuốn hút vào sự đổ vỡ của văn minh. Văn hóa với sự tích luỹ những hằng số lịch sử và tầm nhìn khoáng đạt, quán xuyến hiện tại, quá khứ và tương lai thuộc bản chất của nó có thể trụ lại được trong cuộc khủng hoảng nếu trở về những nguồn minh triết và với tinh thần đổi mới từ những gía trị minh triết bền vững đề ra được những tư tưởng căn cốt khả dĩ rút ra được những bài học của sự suy sụp những thiết chế văn minh lỗi thời, đồng thời định hướng sự phát triển của văn minh, định hình viễn cảnh của một xã hội văn minh tốt đẹp hơn, đáp ứng những khát vọng tự do của nhân dân và những ước mong hạnh phúc của đồng bào. Trong tình hình hiện nay, đối với giới văn hóa - những nhà văn hóa và những người làm công tác văn hóa - thiết tưởng không có nhiệm vụ nào quan trọng và cấp thiết hơn là đề ra được những tư tưởng căn cốt, những giá trị bền vững như vậy..
Tam giáo đồng nguyên” là một truyền thống bền vững hàng ngàn năm trong lịch sử văn hóa nước ta. “... truyền thống tư tưởng dân tộc - Nguyễn Huệ Chi viết - vốn lấy sự dung hợp các hệ tư tưởng, sự chung sống hoà bình giữa các trường phái Nho, Phật, Đạo làm phương thức sinh tồn" ([2]). Có thể nói đến nguyên tắc “đồng nguyên” như một nét căn cốt của bản lĩnh văn hóa dân tộc. Từ cuối thế kỷ 11 trong bài làm của Đỗ Đô (?) đậu Minh kinh khoa năm Sửu (1097) (năm sau lại đậu Khoa Tam giáo) có câu:
Phật, Nho, Lão thị tam gia nhất trù,
Quân, sư, phụ nại ngũ luân chi yếu
(tạm dịch: Đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão trong ba nhà mà một bếp Vua, Thày, Cha là cốt yếu của ngũ luân ([3)
Đến thế kỷ XIII, nguyên tắc này được khẳng định trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218 - 1277).
... Vị minh nhân vọng phân tam giáo,
liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm ...
Dịch nghĩa:
... Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo,
Giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm...
Trong nhà của chí sĩ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, ảnh của Khổng Tử, ảnh của Lênin, ảnh của Tôn Văn được treo bên nhau ([4]). Phải chăng đây là một hình ảnh của “tam giáo đồng nguyên” hiện đại? “Khổng Tử, Jesus, Tôn Dật Tiên - Hồ Chủ Tịch nói, - chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy" ([5]).
Trong suy nghĩ của “người học trò nhỏ”, tư tưởng của những vĩ nhân đại diện cho những hệ tôn giáo, triết học rất khác nhau thuộc những thời đại lịch sử và những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau được quy “đồng nguyên” ở cái “tâm” với nhân quần xã hội.và “tâm” chính là đầu nguồn của những giá trị minh triết. Tư tưởng “đồng nguyên văn hóa” ở Hồ Chủ Tịch - nếu như có một tư tưởng như vậy - được đặt ở chữ “tâm” và vượt ra ngoài văn cảnh dân tộc.
Nguyên tắc “đồng nguyên” văn hóa tạo ra một môi trường văn hóa thuận cho tinh thần khoan hòa văn hóa. Tinh thần khoan hòa này cao hơn những sự cố chấp “tôn giáo”, “triết học”, “mỹ học”. Tinh thần khoan hòa văn hóa có cơ sở triết học ở “ý thức về Người khác”, đó là ý thức “tôn trọng những khác biệt của kẻ khác, để kẻ khác tôn trọng những khác biệt của ta” (đây là định nghĩa của nhà triết học Mêhicô Leopoldo Zea về từ “khoan hòa” được ông xem là “từ then chốt” trong văn hoá thế giới ngày hôm nay) ([6]) Tinh thần “khoan hòa” văn hóa bao hàm khả năng “định lại những dị biệt của ta, những điều làm cho ta khác người khác, song vẫn tôn trọng những gì không giống ta mà bình đẳng với ta” (tài liệu đã dẫn). Trong sự đa dạng văn hóa, nói theo cách diễn đạt của Leopolda Zea: “điều quan trọng là có thể khác nhau một cách bình đẳng sao cho mọi người đều bình đẳng trong khi vẫn khác nhau”.
Trong một bài nghiên cứu về tinh thần khoan hòa của tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" Trần Ngọc Vương có nhận xét đích đáng về khả năng "xuất nhập trong tam giáo" của những trí thức cựu học... “Nhà nho số một trong lịch sử Nho giáo ở Việt Nam - tác giả viết - là Nguyễn Trãi cũng tâm sự với sư Đạo Khiêm: Đừng lạ nếu một ngày nào đó, tôi cũng sẽ đi tu thiền ("Lân kỳ ngã diệc thượng thừa Thiền"). Nguyễn Bỉnh Khiêm khi lui về, vừa dựng quán Trung Tân, vừa lập am Mây trắng. Ngô Thời Nhiệm đi xa hơn nữa, lấy pháp hiệu Hải Lượng thiền sư, tự mệnh là Trúc Lâm đệ tứ tổ, trước tác sách về triết học Phật giáo rất dụng công (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh)" ([7]). Còn có thể dẫn ra ở đây sự kiện it được biết đến là Nguyễn Du đã đọc kinh Kim Cương “ ngàn lần có lẻ”[8] và đến như Nguyễn Công Trứ , một Nho gia tưởng chừng như chỉ có biết đạo-nghĩa “quân, thân” và chí “sẻ núi láp sông” thì trong bài thơ Vịnh Phật   ông ngộ ra được cách nhìn nhà Phật: không còn sự đối lập trong / ngoài, lớn /nhỏ…nữa. Tâm thế "xuất nhập" thoải mái trong tam giáo là điều đáng suy nghĩ có liên quan đến tín ngưỡng, đức tin của người Việt. Phải chăng ngay trong đức tin người Việt cũng thích sự thoải mái, tránh những gì quá căng thẳng, gò bó.?
Văn hoá càng phát triển càng khoan hòa. Trong những lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự sự phân tuyến thường bộc lộ một cách rạch ròi, đôi khi đến mức tàn nhẫn. Trong lĩnh vực của văn hóa, tinh thần đích thực là sự khoan hòa. Ngay cả trong trường hợp sự phân tuyến được đặt ra, văn hóa - trung thực với tinh thần của chính nó - cũng đứng trên quan điểm khoan hoà văn hóa để nhìn nhận sự phân tuyến. Tinh thần khoan hòa của văn hóa thể hiện trong sự nhìn nhận ưu tiên của lợi ích tối cao của sự phát triển dân tộc và tiến bộ xã hội: văn hóa dân tộc cao hơn mọi thành kiến giai cấp hẹp hòi và tiếp nhận mọi giá trị làm giầu cho nó. “Proletcult” của Nga cũng như những phong trào văn hóa “tả” khuynh khác dẫn đến những hậu quả tai hại vì đã đánh mất tinh thần khoan hòa của văn hóa. Văn hóa càng khoan hòa thì càng lớn. Những năm gần đây , văn hóa của ta đã khoan hòa tiếp nhận những thành tựu của Thơ mới, Tự lực văn đoàn, nhiều tác phẩm hay của thế giới (thời gian trước bị xem là cấm kỵ). Nên xem đây là những dấu hiệu phát triển của nền văn hóa của ta. Trong quá trình phát triển xã hội không sao tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội - văn hóa với tinh thần khoan hòa là một sức mạnh to lớn góp phần vào sự củng cố thống nhất quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Để xây dựng kinh tế, cần động viên tiềm lực (vốn và kỹ thuật), phát huy tinh thần “kinh bang tế thế” của mọi tầng lớp và của mỗi người trong xã hội ta. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, chính sách đại đoàn kết toàn dân là nhân tố quyết định bảo đảm sự thành công. Trong sự nghiệp dựng nước hiện nay, sức mạnh đoàn kết toàn dân lại càng cần phải phát huy hơn bao giờ hết. Một đặc điểm của lịch sử đương đại nước ta là đấu tranh vũ trang kéo dài nhiều thập kỷ, trong đó sự phân chiến tuyến tất yếu và tàn nhẫn đến mức tàn khốc không tránh khỏi để lại những vết hằn và mặc cảm trong tâm lý nhiều tầng lớp nhân dân... Trong tình hình như vậy, văn hóa mà bản chất là sự bao dung có một vai trò hết sức to lớn trong việc củng cố khối đoàn kết toàn dân, rộng hơn nữa, của toàn thể cộng đồng người Việt, bao gồm cả hàng triệu Việt kiều đương sống ở hải ngoại. Ngoài ra cũng phải tính đến những mặc cảm mà những sai lầm tả khuynh trong đấu tranh giai cấp và cải cách xã hội để lại trong tâm tư thầm kín của không ít người sống trong chế độ ta. Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, bản thân văn hóa phải tiếp tục mở rộng sự khoan hòa. Một sự đánh giá công bằng hơn những thành tựu của văn hóa miền Nam thời kỳ trước đây (trước 1975), một sự quan tâm chân tình hơn, đầy đủ hơn tới những thành tựu văn hóa ở mọi lĩnh vực của những người Việt ở hải ngoại chẳng những làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc của ta, còn có tác động xóa bỏ những mặc cảm, thành kiến trong tâm tư hàng triệu người. Văn hóa có khoan hòa thì mới đảm nhiệm được “vai trò” quy tụ mọi tổ chức, mọi cá nhân, mọi nhân tài đất nước kể cả những đồng bào đang sống ở nước ngoài để thực hiện mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong cộng đồng người Việt chúng ta hiện nay, không có tinh thần khoan hòa với nhau, làm sao xóa bỏ được những hận thù? ([9])
Phải có tinh thần khoan hòa mới tìm hiểu được một cách nghiêm túc văn hóa của những người thuộc dân tộc khác và có tín ngưỡng khác với mình. Nước ta có nhiều dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Văn hóa có thể tác động quan trọng tới sự hòa hợp dân tộc. Mặt khác, tinh thần khoan hòa tạo ra sự cởi mở trong quan hệ giao tiếp với những người nước ngoài có văn hóa xa lạ với mình. Không có sự cởi mở văn hóa khó mà thực hiện được tốt sự mở cửa kinh tế.
Thời Pháp thuộc, trong giao lưu văn hóa ở nước ta nổi lên và bao trùm là vấn đề đấu tranh giữa chính sách nô dịch của thực dân về mặt văn hóa và tinh thần bảo vệ văn hóa của những người yêu nước.
Sự đấu tranh này dễ bị khái quát thành đấu tranh giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt (!). Thực ra quan hệ cơ bản giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt trong chế độ thực dân là quan hệ “cộng sinh” (symbiose) và chính sự cộng sinh văn hóa này là ngọn nguồn những thành tựu rực rỡ của văn hóa dân tộc thời kỳ này. Thế nào là “cộng sinh văn hóa” (?) “Trong giao lưu văn hóa - Nguyễn Quân viết - đi cùng với hòa nhập kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật sự cộng sinh là tất yếu và là một nét mới của văn hóa thế giới. Sự đối lập dân tộc với quốc tế trong thái độ tự vệ chỉ thể hiện sự chậm tiến tuy cũng có phần cần thiết với các nước chậm tiến, song hình thái mới của giao lưu là cộng sinh chứ không đơn thuần là tiếp nhận hay không tiếp nhận. Sẽ không còn tính dân tộc mang nhiều chất lạ và khác hẳn như thế giới thời chủ nghĩa thực dân. Cương quyết chối bỏ, khước từ cộng sinh văn hóa, chỉ “thu hút tinh hoa” khoa học kỹ thuật và hòa nhập kinh tế là ảo tưởng và sẽ biến văn hóa dân tộc thành một thứ hàng du lịch rẻ tiền. Tính dân tộc là sự độc đáo với tư cách là một bộ phận hữu cơ cùng sống của văn hóa thế giới (trích thư trả lời phỏng vấn) ([10]). Trong sự cộng sinh văn hóa không tránh khỏi sự ấu trĩ. Những thành quả của sự cộng sinh văn hóa được tạo ra bởi những tài năng cá nhân. ở những người bất tài tuôn ra từ sự cộng sinh văn hóa thường là những sự bắt chước hời hợt, những sự sao chép tầm thường, những sự lai căng nhí nhố..., có khi những thứ này tràn ngập môi trường văn hóa, gây thành kiến nặng nề đối với văn hóa ngoại lai. Còn ở những người có tài (ở thời nào cũng hiếm) từ sự cộng sinh văn hóa có nhiều cơ may nảy sinh những sáng tạo bất ngờ không thể lường trước được. Ai lường trước được sự xuất hiện bất thần của trào lưu Thơ mới? Ai lường trước được sự hình thành gia tốc của văn xuôi hiện đại Việt Nam trong những năm 30 ? Ai lường trước được sự ra đời tài tình của chiếc áo dài Lơ-muya ?
Không ai lường trước được.
Và trong tình hình giao lưu văn hóa hiện nay, những điều kiện thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, từ sự cộng sinh văn hóa những gì sẽ nảy sinh làm giầu cho nền văn hóa dân tộc, chắc chắn cũng không một ai lường trước được bất cứ điều gì.
Chất lượng sáng tạo của sự cộng sinh văn hóa là ở khả năng lĩnh hội sâu sắc văn hóa ngoại lai ở những người có khả năng sáng tạo (đương nhiên sự am hiểu văn hóa dân tộc là điều kiện không thể thiếu được). Từ năm 1945 đến nay, sự giao lưu văn hóa có những thời kỳ khá ồ ạt và rôm rả đã không đem lại những thành tựu văn hóa mong muốn. Phải chăng là vì những người có tài năng không có điều kiện tiếp xúc và lĩnh hội thấu đáo tinh hoa những nền văn hoá nước ngoài như trong giai đoạn trước năm 1945 ? Phải chăng là vì nguyên tắc “đại chúng” bị ngộ nhận đã tạo ra những màng lọc để chỉ lọt tới công chúng những tác phẩm loại hai, loại ba của văn học nước ngoài ?
Tính năng cộng sinh văn hóa đồng bản chất với tính năng dung hợp của văn hóa. Văn hóa truyền thống của ta đã dung hợp được tam giáo: Nho, Phật, Đạo. Từ thế kỷ 17, sự tiếp xúc với Phương Tây đã đưa vào đời sống văn hóa - tư tưởng của dân tộc ta Thiên chúa giáo, tư tưởng dân chủ phương Tây (mà chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn là một dị bản phương Đông), và đầu óc khoa học phương Tây (trong đó phải nói đến những khoa học nhân văn hiện đại và những phương pháp hiện đại tiếp cận con người và xã hội) ([11]), cuối cùng là học thuyết của Mác có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong hơn nửa thế kỷ nay. Có thể gọi một cách khái quát những tôn giáo, những học thuyết triết học, chính trị đã hòa nhập vào đời sống văn hóa dân tộc là những kết cấu văn hóa - tư tưởng. Những kết cấu này đều có nguồn gốc ngoại lai, sự tồn tại sâu rộng và lâu bền của chúng trong đời sống văn hóa của dân tộc chứng tỏ rằng chúng đã được chuyển hóa và thích nghi, đã trải qua sự tiếp biến văn hóa, đã được dân tộc hóa và dân gian hóa, đã tiếp nhận được những kinh nghiệm nhân sinh và suy nghiệm hiền minh của văn hóa dân gian, lương tri của bao thế hệ người bản địa kinh qua những tình thế lịch sử khác nhau. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trong một bài trả lời phỏng vấn có nêu lên một nhiệm vụ được đặt ra trong sự phát triển văn hóa hiện tại là: “thống hợp những kết cấu văn hóa - tư tưởng đã được hình thành trong lịch sử văn hóa nước ta (bắt đầu là Nho, Phật, Lão và cuối cùng là học thuyết của Mác). Kết cấu văn hóa tư tưởng nào cũng có nguồn minh triết và “gốc nhân bản” bao gồm lý tưởng nhân đạo, cảm hứng nhân ái và những kinh nghiệm “tu thân” (hiểu mình và làm chủ bản thân mình). Chức năng dung hợp của văn hóa, sự cộng sinh văn hóa trước hết là dung hợp và cộng sinh những nguồn minh triết và những gốc nhân bản …Không thể phủ nhận những tư tưởng nhân bản của học thuyết của Mác.Nhưng những tư tưởng nhân bản này phải được dung hợp với những “luồng nhân bản gốc” khác thì mới thâm nhập được vào quần chúng. Riêng về kinh nghiệm “tu thân” thì “phê bình” và “tự phê bình” của những người mác-xít Việt Nam sẽ phong phú và sâu sắc hơn nhiều nếu như có sự lĩnh hội những kinh nghiệm “tu thân” hiền minh của Nho giáo, những kinh nghiệm di dưỡng và siêu nghiệm tâm linh của Lão giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và dĩ nhiên ở đây không thể không nói đến những thành tựu của các khoa học tâm lý hiện đại, những kinh nghiệm phân tâm học chẳng hạn. Nhìn chung, sự dung hợp các “luồng nhân bản gốc” sẽ xác lập căn cứ từ đó tiến hành phê phán những xu hướng chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa giáo điều trong sự “ngộ đạo”, những điều “tù mù”, “huyễn hoặc” trong sự “truyền đạo”, những xu hướng quan liêu hóa bao giờ cũng gắn với những tham vọng quyền lực trong sự “hành đạo”, chính những xu hướng này đã và đang tàn phá văn hóa dân tộc. Ngay trong lĩnh vực khoa học, chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa giáo điều trong tư duy, chủ nghĩa quan liêu trong các thiết chế khoa học đang có những biểu hiện tiêu cực khá trầm trọng.
Hướng theo mục tiêu nào để dung hợp các kết cấu văn hóa - tư tưởng? Trước hết đó là lý tưởng “độc lập của tổ quốc, tự do của nhân dân, hạnh phúc của đồng bào”.
Tư tưởng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được đề xướng từ “thuở ban đầu dân quốc” và sau một nửa thế kỷ giữ nước, dựng nước, trước sự khủng hoảng của lý thuyết về chủ nghĩa xã hội, để xác định cho chúng ta một quan niệm hiện thực và nhân văn về chế độ xã hội mới, dường như không có con đường nào khác là trở về với tư tưởng vĩ đại này.
Giành độc lập dân tộc là vứt bỏ xiềng xích ngoại thuộc, đây là sự lệ thuộc bất bình đẳng trên dưới, còn gọi là sự lệ thuộc theo chiều thẳng đứng (vertical). Mặt khác, độc lập không có nghĩa là tách ra khỏi sự tùy thuộc lẫn nhau theo chiều ngang (interdependance horizontale), xu thế của thời đại ngày nay là sự tương tùy (theo chiều ngang) giữa các quốc gia, các khu vực ngày càng tăng.
Khi nền độc lập của dân tộc bị đe dọa thì “độc lập dân tộc” là nghĩa lớn chói lọi tỏa sáng khắp nơi. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, hàng triệu người sẵn sàng hy sinh những “nỗi niềm hạnh phúc” và “tự do” riêng tư vì “dân tộc độc lập”. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (Hồ Chí Minh), người tuyên bố chân lý này trước quốc dân và nhân dân thế giới ở giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc cũng là người nhắn nhủ chúng ta: “Nhân dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Độc lập là điều kiện thứ nhất của Tự do, Hạnh phúc nhưng Độc lập không phải là cứu cánh cuối cùng. Dân tộc ta đã giành được độc lập. Phía trước là chân trời Tự do - Hạnh phúc. Khát vọng tự do, ước mong hạnh phúc của con người là vô hạn.
Trong thời kỳ đấu tranh giành “độc lập, tự do”, tự do của cả cộng đồng dân tộc là nghĩa lớn được đặt lên trên hết. Tư tưởng “dân quyền tự do” coi trọng những quyền tự do cá nhân. Hướng về xã hội tương lai, Mác nêu lên nguyên lý bất hủ: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người([12]). (Đối với chúng ta, nguyên lý này giá như đảo ngược lại thì nghe thuận hơn). Phải chăng ở nguyên lý nói trên được nhấn mạnh ưu tiên của “sự phát triển tự do của mỗi người” (tức là sự phát triển tự do của cá nhân) ? (dĩ nhiên, cũng theo quan niệm của Mác, phải thấy “tính liên đới” của sự phát triển tự do của mỗi ngươi với sự phát triển tự do của mọi người)
Hạnh phúc của con người là ở sự phát triển tự do của nhân cách (nhân cách hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ các năng lực nhân tính của con người). Nói theo cách diễn đạt của Nam Cao, đó là “sự phát triển đến tận độ những khả năng của loài người được chứa đựng ở mình([13]). Nhân cách phát triển tự do còn được gọi là “cá tính tự do” (Mác). Thảm kịch của đa số những người lao động trong xã hội cũ là “do thường xuyên phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết họ bị tước đoạt bất kỳ khả năng phát triển nào([14]). Nhân dân bị bần cùng, tức là “thường xuyên phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết” thì nói gì đến “phát triển” và “hạnh phúc”. Trong những xã hội sức sản xuất thấp kém, xung đột xã hội đối kháng là xung đột giữa “thiểu số nắm độc quyền phát triển” và “đa số... bị tước đoạt bất kỳ khả năng phát triển nào”. “Cơm ăn, áo mặc” là những nhu cầu bức thiết của con người. Nam Cao đã cảm nhận sâu sắc bi kịch của những người thường xuyên và suốt đời phải vật lộn để giành giật miếng cơm, manh áo: “Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế? Không bao giờ dám nhìn cao một tí..., chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy... Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng lo làm thế nào cho khỏi chết đói...” ([15]). Khi nạn đói kinh niên là nỗi ám ảnh thường trực của hàng triệu người thì hạnh phúc trước hết là “có cơm ăn, áo mặc”. Đến khi khỏi phải lo “cơm, áo” thì điều then chốt của hạnh phúc là “cá tính tự do” (Mác), “sự phát triển đến tận độ những năng lực của loài người được chứa đựng ở mình”. Phát triển tự do nhân cách là một hình thức cao của hạnh phúc. Bi kịch của nhân cách phát triển tự do có khi “đáng sống” hơn sự hồ hởi ngây dại của nhân cách không phát triển. Công cuộc đổi mới đã có những thành quả ban đầu, nhân dân ta có cơ qua cái thời “cơm ngữ” ([16]). Đối với hạnh phúc của con người, “cá tính tự do” không phải là một điều xa xỉ. Sự phát triển những năng lực của con người có liên quan đến hai lĩnh vực hoạt động nhân sinh “học” và “ hành”, “học” nhằm sản sinh hoặc phát triển những năng lực và “hành” là vận dụng thực hành những năng lực đã có nhằm sản sinh ra những kết quả thực tại. Nói một cách nôm na đó là hoạt động “học võ” và hoạt động “dụng võ”. Hai lĩnh vực hoạt động này có liên quan mật thiết với nhau. Không “biết võ” hoặc “biết võ” mà không có đất “dụng võ” đều gây khó khăn cho sự phát triển nhân cách. Một chiến lược hợp lý cho sự phát triển bình thường của nhân cách con người phải tính đến hai mặt: vừa tạo những điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi cho sự học tập nhằm phát triển kịp thời năng lực , vừa tạo những trường hoạt động phong phú, đa dạng để con người ta với những cá tính hết sức khác nhau tha hồ mà vận dụng và thi thố tài năng. Trong xã hội ta hiện nay, nhiều trường hợp đạo đức tiêu cực thật ra bắt nguồn từ những khó khăn, những bế tắc của sự phát triển nhân cách ở phương diện năng lực: hoặc năng lực không phát triển kịp tương xứng với nhiệm vụ mới hoặc có năng lực nhưng không được sử dụng.
Nghiên cứu thân phận con người trong xã hội tiền tư bản, Mác thấy rằng ở trình độ phát triển xã hội này “sản xuất nhỏ là điều kiện tất yếu cho sự phát triển sức sản xuất xã hội và cá tính tự do của người lao động, và nó chỉ đạt tới sự phồn thịnh, chỉ bộc lộ toàn bộ năng lực của nó, chỉ có được hình thức cổ điển tương xứng nơi nào người lao động là người tự do có sở hữu riêng về những điều kiện lao động của mình do chính mình sử dụng, nơi nào người nông dân làm chủ được thửa ruộng mà nó chăm chút cày bừa, người thợ thủ công nắm được công cụ một cách thành thạo tuyệt vời([17]) (tôi gạch ở dưới - Hoàng Ngọc Hiến). ở trình độ phát triển kinh tế của xã hội ta hiện nay người sản xuất nhỏ vẫn chiếm ưu thế. Một điều kiện quan trọng của dân sinh hạnh phúc là tìm ra được những hình thức sở hữu (propriété), những thể chế làm chủ (possession) đa dạng phát huy tối ưu nhân cách của những người lao động thuộc những lứa tuổi, ngành nghề, vùng dân cư khác nhau.
Sự phát triển nhân cách của người lao động có liên quan đến chế độ sở hữu thích đáng với nó. Tinh thần chủ động, tính độc lập, cương nghị - những nét thường thấy ở một nhân cách hẳn hoi - có liên quan đến tư cách lao động tự do, tức là lao động có sở hữu riêng, được làm chủ những điều kiện sinh sống của mình. Vì sao trong những vở kịch của nhà văn Na Uy Ibsen, thế giới tiểu tư sản được phản ánh như là một thế giới trong đó con người còn có sự cương nghị, có tinh thần chủ động và hành động một cách độc lập? Ăng-ghen đã chỉ ra nguồn gốc sâu xa: “Nông dân Na Uy - ông viết - chưa bao giờ là nông nô, tiểu tư sản Na Uy là con đẻ của nông dân tự do và do đó nó là “con người hẳn hoi” ([18]). Nông dân tự do là người lao động có sở hữu cá nhân còn nông nô là nông dân bị tước đoạt mọi sở hữu (kể cả sở hữu về nhân thân của mình). Như vậy, tư cách sở hữu của người lao động còn để lại dấu vết đến cả nhân cách con cháu nó, nhiều đời sau. Trong xã hội Việt Nam trước cách mạng, trung nông là “cá tính tự do” và những nhân cách hẳn hoi ở nông thôn thường tìm thấy trong tầng lớp xã hội này. Dĩ nhiên, họ cũng chịu sự áp bức của địa chủ, cường hào, quan lại và đế quốc, nhưng so với tầng lớp địa chủ có tư hữu nhưng không có lao động lại bị tha hóa bởi cuộc sống bóc lột và so với bần cố nông là lớp người lao động nhưng hầu như không có sở hữu thì trung nông là những người có điều kiện thuận lợi hơn cả phát triển “cá tính tự do”
 và có nhân cách hẳn hoi.
Để tránh tình trạng hỗn hợp, sự dung hợp các kết cấu văn hóa - tư tưởng phải hướng về những mục tiêu lớn. “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là những mục tiêu chính trị. Xác định những mục tiêu triết học là công việc của những triết gia. Chẳng hạn, có thể nêu lên “sự an sinh, sự tiếp nối bền vững của đời sống con người”, những mục tiêu này đã được nhà văn hóa học Mỹ Leslie A. White xác định là cứu cánh của bản thân văn hóa.
Xét đến cùng, cứu cánh của văn hóa là “sự an sinh và sự tiếp nối bền vững của cuộc sống con người” (Leslie A. White). Từ cứu cánh này có thể hiểu được sâu sắc hơn ý nghĩa của từng mặt trong đời sống văn hóa, liên hệ giữa các mặt và sức mạnh phổ biến của văn hóa.
Trong nhu cầu an sinh của con người, yêu cầu tối thiểu là an sinh trong sinh hoạt xã hội (bảo đảm sự no ấm, làm ăn yên ổn) và yêu cầu tối đa là an sinh phần hồn. Nói đến văn hóa thường ta nghĩ đến an sinh phần hồn. Thực ra, an sinh trong sinh hoạt xã hội là hết sức quan trọng, đây là “hạ tầng cơ sở” của cuộc sống văn minh. Cần thấy mối quan hệ tương hỗ giữa văn hóa và pháp luật, văn hóa và kỷ cương, văn hóa và trật tự an toàn xã hội... Văn hóa là sự tự do bên trong, pháp luật và những kỷ cương khác là sự ngăn ngừa bên ngoài. Văn hóa bao gồm yêu cầu tối đa về đạo đức, pháp luật giới hạn ở yêu cầu đạo đức tối thiểu. Có thể lập lại trật tự, củng cố kỷ cương trong một thời gian ngắn nhưng xây dựng văn hóa ở cá nhân và toàn xã hội đòi hỏi sự lâu dài, có khi nhiều đời. Mối quan hệ giữa “lập kỷ cương” và “xây dựng văn hóa” là mối quan hệ “lấy ngắn nuôi dài”. Nhu cầu an sinh phần hồn có liên quan mật thiết với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng (đặc biệt trong văn minh nông nghiệp). Nhu cầu an sinh phần hồn khiến con người có ý thức sâu sắc hơn về đời sống đạo đức. Do đó, tôn giáo tín ngưỡng mặt nào đó có tác dụng xây dựng ý thức đạo đức. Cũng cần thấy rằng lợi dụng hoặc lạm dụng thờ cúng và tín ngưỡng gây ra những sự lộn xộn và bê tha trong đời sống xã hội, như vậy là trái với cứu cánh của văn hóa. Trong sự bê tha “buôn thần bán thánh” làm sao con người có thể an sinh phần hồn và kích động cuồng tín của những tín đồ là xâm phạm đến an toàn xã hội. Cũng như vậy, cứu cánh của văn hóa không thể dung hòa với việc nhân danh “sự bao dung văn hóa” để truyền bá những tư tưởng có phương hại cho sự yên ổn và đời sống tinh thần lành mạnh của xã hội.
Nhu cầu cuộc sống “tiếp nối bền vững” có gốc rễ ở bản năng duy trì, tiếp tục giống loài ở con người. Nhu cầu này thể hiện ở nhiều cấp: gia đình, dân tộc, nhân loại... Sơ đẳng và phổ biến hơn cả là nhu cầu duy trì và tiếp tục sự sống của gia đình dòng dõi, nâng cao lên là mối quan tâm đến thanh danh của gia đình. Cùng với nguy cơ ô nhiễm môi trường, phá vỡ sinh thái và chiến tranh hủy diệt ở quy mô hành tinh con người ngày càng có ý thức bảo vệ giống loài của mình.
Con người có nhu cầu quán xuyến và thông suốt liên hệ của hiện tại với quá khứ và tương lai” trong vận mệnh của cá nhân mình và cộng đồng của mình. Nhà văn hóa học Nga V. X. Eraxov xem mối liên hệ này là “bề chiều” (Pháp: dimension) đặc biệt mà văn hóa đem lại cho cuộc sống con người (xem B. X. Eraxov. Văn hóa, tôn giáo và văn minh ở phương Đông. Bản tiếng Nga 1990, tr. 15). Những khoa học huyền bí và các thuật tướng số, tử vi có sức hấp dẫn đặc biệt chính là vì đáp ứng (dù là một cách ảo tưởng) nhu cầu thông suốt liên hệ nói trên. Tôn giáo, tín ngưỡng bằng cái “thiêng” có khả năng thỏa mãn sâu sắc nhu cầu quán xuyến liên hệ của hiện tại với quá khứ và tương lai trong số phận cá nhân con người. Ý nghĩa văn hóa của thờ cúng tổ tiên là trong sự cúng bái, cầu khẩn, con người cảm thấy mối liên hệ sâu sắc giữa sự phù hộ của vong linh tổ tiên (quá khứ) và sự an khang của mình và gia đình trong hiện tại và tương lai. Có thể lo toan cho hiện tại và tương lai của mình bằng những sự tính toán thực tiễn. Nhưng nếu như sự lo toan này được gắn với quá khứ “thiêng”, chẳng hạn như mồ mả và hài cốt của cha ông tượng trưng cho cội nguồn thì nó mang ý nghĩa văn hóa. Cần đứng từ quan điểm văn hóa học để xem xét các hiện tượng tín ngưỡng, quan điểm “duy vật” đơn thuần thường tỏ ra hời hợt.
Văn hóa dân tộc ta trong sự phát triển không thể không tiếp nhận những giá trị mới, những giá trị của văn hóa phương Tây, văn hóa thế giới hiện đại. Hiện đại hóa là một phương diện cốt yếu của sự đổi mới, đổi mới là tiếp nhận những giá trị mới, những giá trị hiện đại. Để sự tiếp biến những giá trị mới thực hiện một cách hợp quy luật, cần tính đến bản sắc dân tộc. Thoát ly bản sắc dân tộc, sự tiếp biến văn hóa sẽ diễn ra một cách máy móc, méo mó, thô bỉ; không thể nào có được những thành tựu bền vững.
Từ ngàn xưa văn hóa dân tộc ta là một bộ phận của văn hóa phương Đông. Cho nên tính đến bản sắc dân tộc nền văn hóa của ta không thể không tính đến bản sắc phương Đông. Nước Nga - về mặt địa lý cũng như lịch sử - hết sức gần gũi và thân thuộc với phương Tây. Nhưng trong công cuộc cải tổ, nhiều nhà văn hóa Nga đặt lên hàng đầu vấn đề căn cước dân tộc Nga: nó thuộc Âu hay Á, thân thuộc với phương Đông hay phương Tây. Nhà thơ Brôdxki nhận định: “Vị trí của nước Nga thường được người ta gọi là Âu pha Á, nhưng đúng hơn phải gọi là Á pha Âu” và ông khẳng định rằng phương Đông và phương Tây là hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau: “Phương Tây sản sinh nền văn hóa có tính cá nhân, bởi thế mỗi thành quả của nó là thành quả của cá nhân, là sản phẩm của sự tìm tòi, và cũng có thể là nỗi đau đớn tuyệt vọng, là sự cô đơn. Đó là cái bắt buộc anh phải có một sự nỗ lực hơn, dấn thêm một bước về phía trước, về phía vô biên. Ở nước Nga nói riêng và phương Đông nói chung, đó là điều hiếm thấy” (xem bài Đông Tây và riêng chung, Văn nghệ số 15-6-1991). Nhà triết học Alekxandr Zinoviev lớn tiếng cảnh tỉnh rằng: “mô hình phương Tây” chỉ thích hợp với xã hội và văn hóa phương Tây (xem bài Một mô hình phương Tây cho nước Nga? Văn nghệ, số 20-7-1991). Nhà văn Vladimir Makximov phát biểu trên đài truyền hình Nga đưa ra ý kiến: “nước Nga nên xem mình là một bộ phận của phương Đông” (cả ba nhà văn hóa Nga này đã từng sống lưu vong một thời gian dài, không thể nghi ngờ sự am hiểu phương Tây của họ).
 
Khái niệm “phẩm giá cá nhân" [dignité personelle] (theo nghĩa từ nguyên của từ này, người có dignité vừa có lòng tự trọng vừa có tinh thần tôn trọng luật pháp) cũng như tư tưởng “dân chủ” là những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại hiện đại mà xã hội ta trên đường đổi mới không thể không đặt ra vấn đề tiếp nhận và lĩnh hội, lĩnh hội một cách thật sự và sâu sắc. Nhưng căn cước phương Đông của chúng ta không cho phép đặt ra khái niệm này, tư tưởng này hệt như ở phương Tây, sao chép “nguyên xi” phương Tây. Văn hóa truyền thống phương Đông coi trọng chữ “hòa” và chữ “công” (Hà Văn Tấn). Do đó trong khí quyển văn hóa của xã hội ta, sự khẳng định “phẩm giá cá nhân” và những cái “riêng” của cá nhân phải gắn liền với sự “hòa” vào cộng đồng, thống nhất với cộng đồng cũng như sự tôn trọng, sự nhìn nhận cái “chung”. “Hòa nhi bất đồng đó là con đường khẳng định phẩm giá cá nhân ở một xã hội còn mang nặng truyền thống văn hóa phương Đông. “Hòa nhi bất đồng” không có nghĩa là “thỏa hiệp”. Triết lý của “chủ nghĩa cơ hội thỏa hiệp” là triết lý của “tiểu nhân”: “đồng nhi bất hòa” (Khổng Tử). Phật giáo (tôn giáo lớn nhất ở phương Đông và ở nước ta) có một quan niệm hết sức sâu sắc về cá nhân, rất khác quan niệm của phương Tây. Phật giáo đề cao tuyệt đối tiềm năng giác ngộ của mỗi người. “Hãy ngó vào bên trong mình, ngươi chính là Phật đó”. Phật giáo “không thừa nhận một quyền uy nào đối với chân lý ngoài trí tuệ trực cảm của bản thân và chỉ có trí tuệ trực cảm là quyền uy đối với bản thân mình mà thôi” ([19]).Quyền uy này được tuyệt đối hoá trong một câu kinh Phật nổi tiếng: “ Chớ có tin vào đức tin của những truyền thống, dù cho chúng đã được vinh danh lâu đời nhiều thế hệ và ở nhiều nơi. Chớ có tin vào một điều nào chỉ vì có nhiều người nói đến nó . Chớ có tin vào đức tin của những bậc hiền minh trong quá khứ.Chớ có tin vào những gì mà anh tưởng tượng rằng Thượng đế truyền gợi cho anh. Không tin gì hết nếu như chỉ có uy tín của những bậc thầy của anh hoặc của những nhà sư của anh. Sau khi xem xét hãy tin vào những gì chính anh đã thể nghiệm hoặc nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với phúc lợi của anh và của những người khác” (Siddârtha, Kâlâma sutta).
 Phật giáo cũng thấy hết sự thảm hại của cá nhân “vị kỷ”. “Vì si mê cho nên người ta tưởng có thể đấu tranh cho lợi ích vị kỷ của bản thân và chính loại năng lượng sai hướng đó gây ra đau khổ([20]). Quan niệm của Phật giáo về vị thế của mỗi con người trong cuộc sống bao la, vô tận đem lại chiều sâu triết học cho quan niệm về cá nhân. “Trong cá nhân con người, không có gì là bất diệt và thường trụ cả... Chúng ta không phải là chủ nhân của sự sống tuôn chảy vào chúng ta, cũng như bóng đèn không phải là chủ nhân dòng điện làm cho bóng đèn sáng([21]).
Tư tưởng “dân chủ” bao hàm ý thức về những quyền công dân (dân quyền) và những quyền con người (nhân quyền). Văn hóa phương Tây coi trọng những quyền của con người nhưng văn hóa phương Đông lại coi trọng những nghĩa vụ của con người. ở phương Tây, sự đòi hỏi đơn phương những quyền của con người có thể chấp nhận được. Quá trình dân chủ hóa ở xã hội ta trước sau sẽ nâng cao ý thức về những quyền của con người. Nhưng cách đặt vấn đề không thể giống như ở phương Tây: ý thức về quyền phải đi đôi với ý thức về nghĩa vụ, như vậy phù hợp hơn với truyền thống văn hóa phương Đông, mà cũng chẳng có gì là trái với đạo lý nói chung. Tư tưởng hiền minh của văn hóa phương Đông đã thấm vào văn kiện chính trị quan trọng của Hội nghị cấp cao lần thứ 10 Phong trào không liên kết họp tại Gia-các-ta hồi đầu tháng 9-1992, đặc biệt phần nói về nhân quyền: “Các vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ nhấn mạnh rằng các điều khoản cơ bản tuyên bố về nhân quyền phản ảnh hai khía cạnh cân đối nhau: một mặt tôn trọng các quyền tự do cơ bản của cá nhân; mặt khác quy định các nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội và Nhà nước. Một sự cân đối như vậy là quan trọng, vì thiếu nó có thể dẫn đến sự phủ nhận quyền của cộng đồng như một chỉnh thể và dẫn đến tình trạng mất ổn định, nhất là ở các nước đang phát triển” (chuyển dẫn từ bài Các nước không liên kết tuyên bố... Nhân dân, số 26-9-1992, tr. 2). Dân tộc hóa khái niệm “nhân quyền” là gắn nó với khái niệm “nhân nghĩa” (cũng như hiện đại hóa khái niệm “nhân nghĩa” thì gắn nó với khái niệm “nhân quyền”). Trong từ ngữ truyền thống, “nhân nghĩa” (như Nguyễn Trãi đã từng dùng) là nhân và nghĩa. ở đây, “nhân nghĩa” là “nghĩa của con người” đối lập với “nhân quyền” là “quyền của con người”. Hiểu như vậy, nghĩa là tinh thần trách nhiệm, là ý thức về những bổn phận, nghĩa vụ
Mỗi dân tộc quan hệ trực tiếp với Thượng đế(Leopold Von Ranke). Nếu như hiểu Thượng đế là chân lý tuyệt đối, câu châm ngôn này có ý nghĩa sâu xa: mỗi dân tộc trước hết căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử của chính mình để hiểu chân lý những khái niệm lớn (dĩ nhiên không loại trừ việc tự mình rút ra những bài học từ lịch sử tư tưởng thế giới). Vậy thì thế nào là quan hệ “gián tiếp” với Thượng đế? Đó là trường hợp bị lệ thuộc vào những khái niệm của những dân tộc khác. “Tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “phẩm giá cá nhân”... đó là những khái niệm phổ biến, nhưng trong văn hóa mỗi dân tộc những khái niệm này có sắc thái riêng. Có thể nói đến sắc thái “gia trưởng” của khái niệm dân chủ trong xã hội ta không? Hệ tư tưởng này ngày càng bộc lộ rõ rệt mặt phản dân chủ của nó: nó không thừa nhận cá nhân con người. Mặt khác, quan hệ gia trưởng có chất thơ ấm áp và cơ sở đạo đức truyền thống của nó. Cần phê phán những biểu hiện lạc hậu của hệ tư tưởng gia trưởng. Nhưng trong xã hội ta, ở những môi trường xã hội - văn hóa nhất định, nếu như dân chủ mang chất thơ “gia trưởng” và những tình cảm đạo đức truyền thống thì điều này cũng hết sức tự nhiên thôi. Suy nghĩ những vấn đề dân chủ trong xã hội ta (về cơ bản thuộc phạm trù văn minh nông nghiệp) bằng những khái niệm “dân chủ” của những xã hội phương Tây phát triển (đã có vài ba thế kỷ xã hội dân sự) là mắc phải sai lầm phương pháp luận: quan hệ “gián tiếp” với thượng đế. Francois Jullien, nhà triết học và Trung Quốc học Pháp đã đặt yêu cầu phải có sự “điều chỉnh”khi đem vận dụng khái niệm “nhân quyền(một khái niệm châu Âu) vào Trung Quốc (một xã hội phương Đông). “Khốn khổ thay - Christian Delacampagne bình luận - những người phương Tây không phải lúc nào cũng nhận ra được điều này”. Về điểm này, Jullien giải thích: “chúng ta thường giao động giữa một phổ quát luận (universalisme) chất phác (dường như khái niệm nhân quyền vốn đã tồn tại tự bao giờ và ở khắp mọi nơi) và một tương đối luận lười biếng (dường như nhân quyền chưa hề là giá trị với người Trung Hoa)...” (xem Francois Jullien, Retour de Chine, La quinzaine littéraire, --Fev. 1998).
Bản sắc dân tộc không dễ hiểu như ta tưởng, nó chứa đựng những điều bí ẩn. Bản sắc phương Đông có những khía cạnh huyền bí đã trở thành truyền thuyết. Nhưng “bí ẩn” và “huyền bí” không có nghĩa là “thần bí”. Nói đến căn cước phương Đông là nói đến một chỗ đứng để đối thoại với phương Tây, một căn cước để chuyển thể và thích nghi những gì cần tiếp nhận của văn minh phương Tây. Trong tình hình sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, các khu vực trên toàn thế giới ngày càng tăng thì xu thế tự nhiên là sự xích lại gần nhau giữa Đông và Tây. Trong một bối cảnh toàn cầu như vậy cách ứng xử “làm ra bộ nạn nhân của phương Tây và phủ định phương Tây” là lỗi thời. Sự im lìm kéo dài hàng ngàn năm của phương Đông không có nghĩa là vĩnh cửu. . Sự hùng cường của Nhật bản ngày nay và sự xuất hiện của những con rồng châu Á, những thần tích kinh tế và sự hùng cường vượt bậc của Trung quốc đương đại sau ba mươi năm cải cách cho ta thấy phương hướng chuyển động của phương Đông . Rõ ràng là Nhật Bản và những quốc gia châu Á “ hoá rồng “ đã tiếp nhận được của phương Tây – ngoài khoa học và công nghệ tiên tiến _ những yếu tố cơ bản của “ hình thái kinh tế - xã hội” cổ điển của phương Tây mà khởi nguyên là Cổ đại Hy lạp , những quốc gia - đô thị cổ đại Hy Lạp , nơi đây sớm xuất hiện chế độ tư hữu và quyền tư nhân , những thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền , xã hội dân sự và kinh tế thị trường ..., những yếu tố này sẽ quyết định sự hình thành “ hình thái xã hội - kinh tế” cổ điển của phương Tây , qua những biến thiên lịch sử từ cổ đại đến hiện đại tỏ ra có một sức năng động rất lớn và bền vững . Mác đã từng phân biệt Cổ đại cổ điển ( Hy Lạp ) và phương thức sản xuất châu Á ( ở đây ưu thế thuộc về phương thức sản xuất Nhà nước và cấu trúc mệnh lệnh - hành chính kìm hãm một cách dai dẳng sự phát triển của những yếu tố tạo ra sự năng động của xã hội phương Tây đã được nêu lên ở đây ) . Sự tách đôi dòng lịch sử năng động bắt nguồn từ Cổ đại ( Hy lạp ) và dòng lịch sử tiến triển ì ạch với phương thức sản xuất châu Á là một căn cứ lịch sử góp phần giải thích sự đối lập giữa Đông và Tây và phần nào giải ảo sự huyền bí của phương Đông ( 18 ).Cải cách của Trung quốc đương đại có con đường riêng, tuy vậy, không thể không thấy những thay đổi tích cực hết sức quan trọng ở những yếu tố kể trên: chế độ tư hữu và quyền tư nhân , những thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền , xã hội dân sự và kinh tế thị trường ...
Một điều đáng chú ý là ngày nay để tìm hiểu phương Đông không thể không sử dụng những công cụ khái niệm của phương Tây. Trong thế kỷ này, ở nước ta, không có một nhà Đông phương học nào hẳn hoi mà lại không có Tây học vững vàng. Việc phương Tây ngày càng quan tâm, tìm đến phương Đông dễ gây ảo tưởng về một ưu thế huyền bí của phương Đông. ảo tưởng này thế tất dẫn đến tình trạng tù tù mù cả Đông lẫn Tây. Vả chăng, cũng cần xem lại phương pháp luận nghiên cứu so sánh văn hóa Đông - Tây, có những cách tiếp cận đã trở thành lối mòn và không có hiệu quả: người nghiên cứu “quẩn quanh trong sự suy tư về những chỗ giống nhau và khác nhau” hoặc lâm vào thế bị kẹt “giữa một kiểu tư duy duy lý một cách hạn hẹp và ảo ảnh của một kiểu tư duy huyền bí thấm đượm chất phương Đông là mặt trái của kiểu tư duy trên”... Trong những công trình gần đây của Francois Jullien (tiêu biểu là tiểu luận Một giải kết cấu từ bên ngoài.Từ Hy lạp đến Trung Quốc, hay là làm thế nào lần ngược trở lên những định kiến của Lý trí châu Âu[22] được phác ra những đường hướng lý luận (và phương pháp luận) mới mẻ, có thể nói là độc sáng trong nghiên cứu so sánh văn hóa-tư tưởng Đông,Tây.Những vấn đề và ý kiến về những sự “chênh” giữa văn hóa-tư tưởng Đông và Tây được trình bày dưới đây được rút ra từ tiểu luận này.
 
    Táo bạo và sáng giá nhất trong phương pháp nghiên cứu so sánh văn hóa-tư tưởng Đông Tây của tác giả là thao tác dàn dựng, thiết kế đem đối diện những quan niệm, ý tưởng của Đông và của Tây về một loạt vấn đề, chọn những vấn đề nào là một quá trình tìm tòi, mò mẫm…, phải là những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh quan trọng đồng thời làm nổi bật được sự “chênh” (écart) giữa văn hóa-tư tưởng Đông và Tây, chẳng hạn như:
    sự chênh giữa sự thiên về “chân lý” (tức là phân biệt đúng, sai) của phương Tây và sự thiên về “thông lý” (tức là phân biệt “thông”/”bĩ” hoặc “thông”/ “cùng” ) của phương Đông. “Thông lý” phương Đông có quan tâm đến đúng,sai nhưng quan tâm hơn cả đến sự thỏa đáng,cốt sao tiến trình khai thông, lại tiếp tục vận động tự nhiên nhi nhiên.
     sự chênh giữa thiên về trực tiếp tao “hiệu quả” của phương Tây và thiên về sự thực hiện “hiệu năng” bằng cách gián tiếp tạo điều kiện thuận lơi của phương Đông.
         Tính hiệu quả Hy Lạp (nôi của văn hóa châu Âu) dựa vào sự mô hình hóa, nó thực hiện thông qua tương quan phương tiện/cứu cánh Trên đại thể như sau:sau khi lập được mô hình lý thuyết thì đem nó phóng chiếu vào thực tiễn thành ra dự án (projet).Một khi dự án được khẳng định như là mục tiêu (cứu cánh) thì người ta tìm những phương tiện để thực hiện nó.
          Còn cái gọi là hiệu năng Trung Quốc, đó là khả năng dò tìm tiềm lực của tình thế (tức là thế)và từng bước đưa nó phát triển, không phải là mô hình hóa rồi hành động mà là nương theo những nhân tố thuận lợi, những nhân tố có sức chuyển đưa, để khai thác chúng.Đó là khả năng phụ vào “cái tự nó đến”, theo cách nói của Lão tử: nói một cách khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cái gì thuận lợi “đối với ta”.
      
   —    sự chênh giữa thiên về tư duy “bố cục” của phương Tây và thiên về tư duy “tương liên” của phương Đông…Tư duy bố cục lấy tương quan bộ phận/toàn thể làm rường mối. nhưng Trung Quốc đã không đi qua ngả tương quan bộ phận/toàn thể; nó thao tác bằng sự tương liên, tức là cái này gọi cái kia, cái này đáp lại cái kia, trong một tương quan vừa là đối lập vừa là bổ sung (tiêu biểu là tương quan giữa âmdương)
   — sự chênh giữa quan niệm phương Tây về cơ thể con người như một “cấu trúc giải phẫu” và cách phương Đông quan niệm đối tượng này như một “cấu trúc năng lượng” (chẳng hạn, một hệ thống kinh lạc kinh khí tuần hành)...Sự chênh này giải thích ví sao nghệ thuật tạo hình phương Tây (từ điêu khắc …đến nhiếp ảnh) chưa bao giờ thoát ra được cái “nu” (tiếng Pháp, cái “lõa thể”) nghệ thuật ,ngay trong hội họa đề tài tôn giáo, “bộ phận giới tính được che dấu nhưng cái ‘nu’ vẫn được lưu giữ”. Còn trong hội họa, điêu khắc Trung quốc, trước khi có sự tiếp xúc với phương Tây, cái “nu” nghệ thuật chưa hề thâm nhập, hoàn toàn không được biết đến. Mặt khác, ở phương Tây, do quan niệm con người là hình ảnh của Chúa, thân thể của nó không thể không đẹp, và mỹ học phương Tây thiên về sự hiện thân cái Đẹp trong sự miêu tả con người; còn ở Trung quốc, với quan niệm “con người là sự kết tinh nhất thời của nguyên khí vũ trụ” và cái khí lưu hành trong cơ thể con người vừa là năng lượng vật chất vừa là tinh thần, mỹ học miêu tả con người coi trọng sự “truyền thần” hơn là sự hiện thân cái đẹp.
 
          ……………………..
     Căn cốt của những sự chênh về mặt văn hóa-tư tưởng giữa Đông và Tây thuộc lĩnh vực triết lý văn hóa, lĩnh vực của những phương thức tư duy tổng quát và phổ quát nhất đã được F.Jullien xác định như sau:
     Ở Hy Lạp cũng như ở TrungHoa, người ta đêu nói đến những điều trái ngược: “người ta bao giờ cũng bắt đầu tư duy xuất phát từ những trái ngược - người ta không thể làm khác được. Người ta tư duy xuất phát từ nóng và lạnh, từ cao và thấp, v.v… Ở phía Trung Hoa là từ âm dương.”
Sự chia nhánh giữa Hy Lạp và Trung Hoa bắt đầu khi:
    tư duy Hy Lạp “dựng những trái ngược lên thành những “vật tự nó”, biến những “vật tự nó” này thành những bản chất loại trừ nhau”
      tư duy Trung Hoa - cũng tư duy xuấtphát từ những trái ngược - đã không trừu xuất chúng khỏi dòng chảy của những quá trình; nó đã” duy trì chúng trong một thứ liên can với nhau, không bị cuốn vào thao tác cắt đứt và loại trừ mà tư duy Hy Lạp đã khai thác để kiến tạo một thế giới lý tưởng (idéalité),một bình diện lý tưởng không có trên đời này.”
      
      Tại sao tác giả lại không dùng từ “khác biệt” [différence],dễ hiểu hơn, phổ thông hơn mà lại dùng từ “chênh” (écart)? Vì “chênh” bao hàm khoảng cách , và nếu như có sự thiết lập quan hệ thì khoảng cách tạo ra “sức căng” (tension) giữa phía này và phía kia, giống như một sự cọ sát cái naỳ với cái kia và sức căng này, sự cọ sát này là nguồn phong phú những khả thể có khi hết sức bất ngờ cho sự phát triển trong tương lai của phía này cũng như phía kia.
                                     
           Những sự “chênh” (về mặt văn hóa-tư tưởng) giữa Đông và Tây đã được tác giả trinh bầy khúc chiết, tinh tường. Nếu như xem đây là “chính đề” thì tiếp theo tác giả đã khẳng định ba “phản đề” quan trọng:
      mang văn hóa châu Âu mà chuyển sang một “chốn bên ngoài” khác là văn hóa Trung Hoa không có sự “đoạn tuyệt” về kinh nghiệm.[23]
      bàng sự “học” và “thông tuệ” ngừời ta có thể “đi đi lại lại” giữa những chốn “vắn hóa”, những vùng “trí năng”, “lý tính” khác nhau.[24]
      Có thể xâu vào đây một phản đề thứ 3 lấy từ một công trình khác của tác giả:
      … “một cơ may của thời đại chúng ta”, thời đại toàn cầu hóa là có thể “đi đây đi đó tự do hơn giữa những nền văn hóa” “đặng xúc tiến xuyên qua chúng một thông tuệ chung[25] , tương ứng với thông tuệ chung là cái mà tác giả gọi là khả năng cùng nghĩ như nhau (le commun du pensable), khả năng cùng hiểu như nhau (le commun de l’intelligible).
 
    Hiểu như thế nào đây thế nào là “chênh”? Khi một “nếp” nghĩ của tư tưởng phương Tây đối lập với một “nếp” nghĩ của tư tưởng phương Đông thì đó là một sự “chênh”. Tuy nhiên, F.Jullien nhấn mạnh, không thể tuyệt đối hóa bất cứ sự chênh nào thành “đối lập …giữa trắng và đen[26] Trong ví dụ đã dẫn ở trên về sự chênh giữa nếp nghĩ châu Âu thiên về “chân lý” và nếp nghĩ Trung Quốc thiên về “thông lý”, không thể hiểu như là người Trung quốc không biết hoặc hoàn toàn không biết gì về “chân lý”.Họ biết quá đi chứ! Họ không thể không quan tâm đến phân biệt “đúng/ sai”, tức là họ có biết chân lý nhưng sự biết của họ ở trạng thái “dưới- lý thuyết
 
    Tác giả thận trọng trong sự trinh bày những sự chênh Đông-Tây ở bình diện văn hóa-tư tưởng. Tác giả nói đến phía bên này “đối diện” (vis à vis de) hoặc “đối mặt” (face à) với phía bên kia, cũng có khi nói đến việc đem quan niêm phía bên này “đối lập” (opposer…à) với quan niệm phía bên kia, nhưng trong tiếng Pháp từ opposer không nhất thiết có nghĩa là đối diện để “đối đầu” mà còn có nghĩa là đối diện để “đối sánh”.
 
 
 Một quan niệm quá giản đơn về quan hệ Đông - Tây có thể dẫn đến quan niệm đối lập một cách siêu hình tính dân tộc và tính hiện đại trong nền văn hóa chúng ta đương xây dựng. Sở dĩ tính hiện đại được đặt ra trong sự đối lập với tính dân tộc là vì tính hiện đại thường bị hiểu một cách phiến diện, bị lược quy vào sự tiếp thu chủ nghĩa duy lý (của phương Tây hiện đại), bị xem là kết quả đơn thuần của quá trình hợp lý hóa. Đúng là nghệ thuật của phương Tây có một cơ sở chủ nghĩa duy lý rất phát triển, có thể nói là hùng hậu. Trước hết đó là cơ sở lý thuyết của mỗi ngành. Ngoài ra, chủ nghĩa duy lý (dưới hình thức máy móc ngày càng tinh xảo, tổ chức phân công ngày càng hợp lý) thâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực sản xuất, phổ biến, phân phối các sản phẩm nghệ thuật. Chính chủ nghĩa duy lý này đã đảm bảo cho nghệ thuật phương Tây những hiệu quả to lớn. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy lý và hợp lý hóa chỉ là một phần của tính hiện đại. Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử của tính hiện đại trong các nền văn minh phương Tây, Alain Touraine, một học giả lỗi lạc người Pháp đã đi đến một kết luận quan trọng: “hợp lý hóa và chủ thể hóa là hai mặt đối lập và bổ sung của tính hiện đại([27]). Quá trình chủ thể hoá có liên quan đến sự phát huy chủ thể của cá nhân sáng tạo , chủ thể của những nhóm sáng tác (những trường phái) và cuối cùng là chủ thể dân tộc. Như vậy, vấn đề tính dân tộc được chuyển thành vấn đề phát huy chủ thể dân tộc, vấn đề này lại được đặt trong quá trình chủ thể hóa có liên quan đến sự phát huy chủ thể của từng người và chủ thể của các nhóm. Đến đây có thể thấy rằng đặt ra sự đối lập giữa tính hiện đại và tính dân tộc là không logic. Tính hiện đại - hiểu một cách đầy đủ - bao hàm quá trình chủ thể hoá và chủ thể dân tộc không ở ngoài quá trình này. Trong hoàn cảnh dân tộc bị xâm lược, nhiệm vụ bảo vệ bản sắc dân tộc thường được nhấn mạnh. Tuy nhiên hình thức tích cực bảo vệ bản sắc dân tộc là phát huy và làm giầu bản sắc dân tộc. . Phát huy và làm giàu … trước hết là phát huy và làm giàu sự đa dạng của văn hóa dân tộc, sự đa dạng những nền văn hóa các dân tộc anh em, sự đa dạng các nguồn lực văn hóa đã được tích luy trong quá trình lịch sử chứng tỏ có sức sống lâu bền và đương đòi hỏi sự đổi mới, sự sáng tạo những hình thức mới, hiện đại và thoát ra khỏi những hình thức cũ, cổ lỗ. dĩ nhiên không thể không nói đến sự “học” và “tập” những nguồn lưc tương thích của văn hóa thế giới…Tóm lại bản sắc văn hóa dân tộc đâu phải là một căn cước (“identité”) nghèo nàn với dăm ba nét “bản chất” trường tồn (ngôn ngữ,tôn giáo…), nó “đa dạng và óng ả” “một cách kỳ diệu” (cách biểu đạt của Montaigne: “merveilleusement” “divers et ondoyant”), nó chỉ có thể được quan niệm trong sự phát triển, sự đổi mới liên tục, hoặc nói như Trần Nhân Tông, “mỗi lần nêu lên một lần mới”.
 Sự phát huy bản sắc và chủ thể dân tộc lại có liên quan mật thiết đến sự phát huy chủ thể của những cá nhân và những nhóm sáng tác.Có thể nói rằng bản sắc của nghệ thuật dân tộc do chính những nghệ sĩ của dân tộc tạo ra. Do đó sự bảo đảm quyền tự do sáng tác cho các nghệ sĩ và trường phái nghệ thuật là điều kiện không thể thiếu được cho sự phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc trong nghệ thuật.
Nếu như tính hiện đại là kết quả của sự kết hợp hai quá trình hợp lý hóa và chủ thể hóa (bao gồm chủ thể dân tộc) thì tính dân tộc chỉ là một vấn đề cục bộ của tính hiện đại. Giải quyết những vấn đề của tính dân tộc cần quan tâm đến sự kết hợp hai quá trình tạo ra tính hiện đại. Chủ thể hóa mà quay lưng với chủ nghĩa duy lý, tách rời quá trình hợp lý hoá là sa lầy vào sự tự mê (narcissisme), sự nghiền ngẫm nhấm nháp căn cước dân tộc. Sự đắm đuối mê hoặc với bản sắc dân tộc có khi bắt nguồn tự một trình độ duy lý thấp.
Mặt khác, sự hợp lý hoá phát triển một cách phiến diện, tách rời quá trình chủ thể hóa có thể có hậu quả là tước bỏ lý trí của chủ thể, từ đó lý trí và chủ thể mang lý trí bị biến thành công cụ, trường hợp xấu nhất là công cụ bị sử dụng phục vụ cho cường quyền (quân phiệt, tài phiệt và các thứ “phiệt” khác). Hậu quả này được Alain Tourane gọi là “chủ nghĩa duy lý công cụ([28]). Hợp lý hóa càng cao thì những công cụ của con người (bao gồm cả công cụ tổ chức) càng tinh xảo. Nhưng sức mạnh, sự lớn lao của con người không chỉ ở những công cụ có trong tay, nó còn ở sự chủ động xác lập những mục tiêu thích đáng cho cuộc sống của mình. Chủ nghĩa duy lý công cụ tước bỏ của con người năng lực chủ động này, biến lý trí của con người và bản thân con người thành công cụ. Ở phương Đông - và ở ta cũng vậy - có những nhà triết học lên tiếng cảnh báo chủ nghĩa duy lý phương Tây. Cái đáng phê phán ở chủ nghĩa duy lý phương Tây là “chủ nghĩa duy lý công cụ”. Nhưng chế độ toàn trị (totalitaire) nào cũng sản sinh ra chủ nghĩa duy lý công cụ, không kể là ở phương Đông hay ở phương Tây. Mặt khác, phê phán chủ nghĩa duy lý công cụ, cần thấy rằng ở ta chủ nghĩa duy lý không phải là thừa thãi.
 
Bàn về xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại không thể không đề cập đến vấn đề những thăng trầm của cá nhân luận "văn hóa" trong quá trình hiện đại hóa của văn hóa Việt Nam. Ý niệm "chủ nghĩa cá nhân" lưu hành trong đời sống và ngôn ngữ hàng ngày thuộc phạm trù "đạo đức học", nghĩa của nó khá rõ và đơn giản: đó là thói ích kỷ, trong mọi hoàn cảnh đặt lợi ích của mình lên trên hết, " dù mất một sợi lông chân mà có lợi cho thiên hạ cũng không chịu…”, có thể gọi tên nó là chủ nghĩa cá nhân "đạo đức học".Trong khẩu hiệu: "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân" Hồ Chủ tịch nói đến chủ nghĩa cá nhân này. Trong mọi xã hội, mọi thời đại chủ nghĩa cá nhân này đều bị lên án. Cái mà chúng tôi gọi là cá nhân luận "văn hóa" không có liên quan gì đến chủ nghĩa cá nhân "đạo đức học": đó là ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh riêng của mình, đặc biệt nó thể hiện ở "lòng tin" của cá nhân vào "giá trị của ý kiến riêng của mình" cũng như giá trị những hình thức diễn đạt nó lựa chọn và sáng tạo, tóm lại đó là lòng tin của cá nhân vào bảng giá trị của nó (thuộc mọi lĩnh vực chính trị, mỹ học, đạo đức...). Góp phần làm rõ thế nào là "cá tính" và "bản lĩnh" riêng trong cá nhân luận "văn hóa", sau đây là ý kiến của nhà văn Đỗ Chu phân biệt "dáng kiêu" "cốt kiêu" ở những nhà văn lớn: "Các nhà văn lớn mỗi người một vẻ... Mỗi ngày lại thấy thêm ở họ lộ ra một cái mới. Cái mới không phải ở cá tính riêng, cá tính dẫu thế nào thì cũng chỉ là cái dáng kiêu,phần ta cần tìm ở họ là cái thuộc về chiều sâu, nó là cái cốt kiêu" ([29]).Dáng kiêu đôi khi làm người ta khó chịu, nhưng nhiều khi nó càn thiết để con người tự khẳng định hoặc giữ thể diện cho mình, đối với dáng kiêu và những dáng khác của cá tính, nên có sự thể tất và nói chung là cho qua, như vậy là “văn minh”. Tuy nhiên, không phải dáng kiêu mà cốt kiêu mới là chiều sâu của nhân cách con người. Để làm rõ sức mạnh , sức thuyết phục của cốt kiêu tôi mượn ý kiến của Manh tử phân biệt tiểu dũng đại dũng.[30] Sự dũng cảm của tiểu dũng là do tính khí (thủ khí), còn sự dũng cảm của đại dũng đòi hỏi phải có cái “lý cốt yếu” (thủ ứơc) Sách Mạnh tử có dẫn lời của Khổng tử để xác định thế nào là đại dũng: "Nếu tự xét lấy mình, thấy mình có điều ngay thẳng dẫu có hàng ngàn, hàng muôn người, mình cũng vẫn đi qua một cách an nhiên đó" ([31]) "Thấy mình có điều ngay thẳng", đó là cái lý cốt yếu, là nội lực của lòng đại dũng. Có dũng khí, không biết sợ, nhưng không có một lý cốt yếu làm nội lực chiều sâu thì đó mới chỉ là "tiểu dũng", chưa phải là "đại dũng". Như vậy, cá nhân luận "văn hóa" giả định cốt kiêu ở những người làm văn hóa, giả định cái lý cốt yếu đằng sau những ý kiến riêng, bảng giá trị riêng và những sự lựa chọn riêng của họ...Hiểu như vậy, cá nhân luận "văn hóa" là một giá trị lớn của văn hóa Việt Nam hiện đại.
Lịch sử của sự xuất hiện của cá nhân luận "văn hóa" - theo một sơ đồ quen thuộc - vẫn được trình bày như là một tiến trình tuyến tính "tích lũy những yếu tố cá nhân hóa" qua các thời đại và thông qua cuộc "cách mạng lãng mạn" dẫn tới sự trỗi dậy của cá nhân luận "văn hóa". Trong lịch sử văn hóa nước ta, "sự tích lũy những yếu tố cá nhân hóa" qua các thời trung đại, cận đại bộc lộ rõ rệt nhất ở sáng tác của những nhân cách văn hóa lỗi lạc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du..., Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát..., Tú Xương , Tản Đà... "Cuộc cách mạng lãng mạn" đã diễn ra trong thời kỳ 1930 - 1945 với phong trào Thơ mới, với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, cũng phải kể đến văn xuôi của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... mà cá tính sáng tạo phong phú và rỡ ràng khiến ta nghi ngờ mọi "nhãn hiệu" vẫn được gán cho họ. Cá nhân luận "văn hóa" hiện đại nổi trội và lan truyền trong thời kỳ này, thẩm thấu vào ý thức sáng tạo của lớp nhà văn sau này được gọi là "tiền chiến". Cũng trong thời kỳ này xuất hiện những tác giả đầu tiên của nền hội họa Việt Nam và ca nhạc Việt Nam hiện đại: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... Đặng Thế Phong, Văn Cao... Có thể nói cá nhân luận "văn hóa" là ngọn nguồn của sự phong phú những phong cách cá nhân, những tìm tòi mỹ học và tư tưởng - nghệ thuật trong văn học, nghệ thuật thời kỳ này. Cá nhân luận "văn hóa" là một bước tiến của ý thức văn hóa Việt Nam, là một trình độ mới mà văn hóa Việt Nam đạt được trên con đường hiện đại hóa, sau gần một thế kỷ cộng sinh với văn hóa Pháp. (chúng tôi không nói văn hóa châu Âu vì thời kỳ lịch sử tiếp theo, văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Đông Âu, có một ảnh hưởng rất khác) ([32]).
Những năm đầu cách mạng và kháng chiến, cùng với sự lớn mạnh như vũ bão của những phong trào quần chúng "long trời lở đất", cùng với sự lan truyền và tác động mãnh liệt của những tư tưởng chủ nghĩa tập thể cách mạng, trong một hoàn cảnh như vậy, sự phủ nhận chủ nghĩa cá nhân "đạo đức học" kéo theo sự nghi ngờ, dè dặt đối với cá nhân luận "văn hóa" là một điều hoàn toàn có thể hiểu được. Lẽ ra cần sớm có một sự tỉnh táo để nhìn nhận lại vai trò của cá nhân luận "văn hóa", xem xét những khuyết tật mà nó nhiễm phải trong hoàn cảnh thuộc địa, đánh giá đúng trình độ tiến hóa có ý nghĩa lịch sử thế giới đạt được ở nó, đồng thời đưa nó vào một sự tổng hợp cao hơn, ngang tầm với khí thế tháng Tám và tinh thần kháng chiến.Đáng tiếc là sự phát triển của văn hóa ở ta trong những năm 50, 60 đã không diễn ra như vậy. Quả là đã có những bước nhảy vọt và những thành tựu "khổng lồ" trong những phong trào văn hóa "toàn dân": bình dân học vụ, phổ cập giáo dục, y tế nhân dân, vận động đời sống mới... nhưng thiếu hụt mất cái bề chiều (dimension) của cá nhân luận "văn hóa", sự phát triển bình thường của con người cá nhân bị vướng vất những sự gò bó trái tự nhiên, bản lĩnh và cá tính của cá nhân không được quan tâm đúng mức, "lòng tin" của cá nhân ở "giá trị những ý kiến riêng của mình" không được thật sự tôn trọng. Bi kịch của phần lớn những văn nghệ sĩ và trí thức "Nhân văn - Giai phẩm" (tuyệt đại đa số trưởng thành trong thời Pháp thuộc, đã nếm mùi cá nhân luận "văn hóa" phương Tây) là bi kịch của những cá nhân quá tin ở "giá trị những ý kiến riêng của mình" trong một hoàn cảnh xã hội chủ nghĩa tập thể "tối đa" chưa kịp phân biệt chủ nghĩa cá nhân "đạo đức học" và cá nhân luận "văn hóa". Từ những gì đã phải trả giá cho sự gạt bỏ bề chiều cá nhân luận"văn hóa" trong xây dựng văn hóa thời kỳ nói trên, bài học đáng được nêu lên để chuẩn bị cho sự hòa nhập văn hóa trong thời kỳ sắp tới là: "chính bằng cách chấp nhận cá nhân trong nhà mình,trong nước mình,mà ta sẽ đi đến chỗ kính trọng lân bang và được kính trọng trở lại" (chúng tôi mượn lời của nhà văn ả Rập Tahar Ben Jelloun phát biểu về vấn đề cách ứng xử của mỗi dân tộc đi vào kỷ nguyên mới của thế giới, xem Người đưa tin UNESCO 11/1990, tr. 9). Những ý kiến riêng thường gây "phiền phức, rầy rà" cho những "quyết đoán" của tập thể (nhất là khi tập thể còn non yếu). Nhưng hậu quả của việc khống chế sự phát biểu những ý kiến riêng sẽ là thảm họa. "Tai họa chủ yếu- B. Pasternak viết - cội nguồn của cái ác trong mai sau chính là sự mất lòng tin vào giá trị của ý kiến riêng. Những lời sáo rỗng sẽ dần chiếm lấy địa vị bá chủ" (chuyển dẫn từ Borix Paxternak. Con người và tác phẩm - NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 44).
 Cá nhân luận "văn hóa" sẽ đi đến đâu? Nhà triết học Francois Jullien có phân biệt hai lô gích văn hóa đối mặt nhau ([33]): lô gích văn hóa giải phóng(logique culturelle d’ émancipation) và lô gích văn hóa tích hợp(logique culturelle d’integration). Lô gích văn hóa thứ nhất giải phóng cá nhân khỏi những sự ràng buộc hạn chế sự phát triển tự do những năng lực nhân tính của nó còn lô gích văn hóa thứ hai đưa cá nhân hội nhập vào những cộng đồng: cộng đồng tối thiểu là gia đình, tiếp theo là nghiệp đoàn, phường hội..., sắc tộc, dân tộc... Một sự phát triển hài hòa nhân cách văn hóa đòi hỏi sự kết hợp cả hai lô gích văn hóa. Đúng là cá nhân luận "văn hóa" có tác động tích cực to lớn phát huy sức mạnh và tính chủ động của chủ thể, khơi nguồn cho những tìm tòi, sáng tạo. Nhưng nó chỉ là một mô-măng (moment) của lô gích văn hóa giải phóng. Việc nhân cách văn hóa tách khỏi những liên hệ tình nghĩa với những cộng đồng không tránh khỏi đưa nó tới sự dửng dưng với đời sống cộng đồng. Một khi tình người bị cắt đứt những liên hệ cộng đồng thì sự thiếu hụt những tình nghĩa cộng đồng dẫn tới sự mai một những tình cảm sơ đẳng của con người: tình yêu, tình bạn, tinh thần trách nhiệm, lòng trắc ẩn, sự ân cần, thiết tha với những người xung quanh..., cá nhân lâm vào tình trạng cô đơn, một thảm trạng của nhiều xã hội phương Tây hiện đại. "Nhưng ngày nay - A. Toffler viết - những thiết chế làm chỗ dựa cho cộng đồng đang sụp đổ trong mọi xã hội –kỹ trị (techno-society). Kết quả là sự lan tràn của dịch cô đơn" ([34]). Liệu chúng ta có thể hòa giải được hai lô gích văn hóa tạo điều kiện cho một sự phát triển phong phú và bền vững của văn hóa Việt Nam hay là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ biến xã hội Việt Nam thành một "xã hội – kỹ trị" mà văn hóa bị "ám" "dịch cô đơn" chưa biết là sẽ đi đến đâu?
Văn hóa là cuộc sống có ý nghĩa. Văn hóa đem lại ý nghĩa tinh thần cho mọi kinh nghiệm sống của con người. Với văn hóa “tất cả những gì ta thấy đều thở ra những ý nghĩa thâm trầm” (Wordsworth). ý nghĩa tinh thần nảy sinh từ sự phản ứng của tâm thức trước kinh nghiệm sống. Trong truyện cổ về ba người thợ đẽo đá trước câu hỏi: “Anh đang làm gì?”, người thứ nhất trả lời: “Tôi đẽo đá”, người thứ hai trả lời: “Tôi kiếm sống”, người thứ ba trả lời: “Tôi xây dựng giáo đường”. Với người thứ nhất, “đẽo đá” là “đẽo đá” và không có ý nghĩa gì cả (anh ta làm công việc đẽo đá như một cái máy, rất có thể anh ta chỉ là “một công cụ biết nói”). Với người thứ hai, công việc đẽo đá có ý nghĩa “kiếm sống”. “Kiếm sống” (“vì miếng ăn”, “vì bụng đói nên đầu gối phải bò”) chưa thực sự là một ý nghĩa tinh thần. Với người thứ ba công việc có một ý nghĩa tinh thần: “xây dựng giáo đường”. Người thợ đẽo đá thứ ba là một người có văn hóa.
Trong những ý nghĩa tinh thần mà văn hóa đem lại cho cuộc sống của con người, “ý nghĩa cuộc sống” (còn gọi là “lẽ sống”) là quan trọng hơn cả, nó là ý nghĩa của những ý nghĩa, là câu trả lời cho vấn đề của những vấn đề: sống để làm gì? Câu hỏi này không đơn giản. Người thợ đẽo đá thứ ba trả lời: “Chúng tôi sống để xây dựng giáo đường” thì người ta vẫn có thể đặt câu hỏi: “Vậy thì xây dựng giáo đường để làm gì?”. Văn hóa khủng hoảng trầm trọng khi con người cảm thấy cuộc sống của mình là vô nghĩa.
Ý nghĩa cuộc sống nảy sinh trong liên hệ của cá nhân với cộng đồng ([35]).
Sự phát triển kinh tế thị trường và tự do kinh doanh, sự mở rộng kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể tạo ra sự năng động của cá nhân và xã hội, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của tinh thần kinh doanh, năng lực kinh doanh ở mỗi người và mọi người, và đây là những tác nhân vĩ đại của sự phát triển văn minh. Với sự bao trùm của chế độ bao cấp, sự triệt tiêu tư hữu và sự khống chế sở hữu cá nhân, số đông dễ biến thành “gà công nghiệp”, tinh thần chủ động kinh doanh cũng như năng lực kinh doanh bị tê liệt. Cần thấy cả mặt “phải” và mặt “trái” của kinh tế thị trường: “sự thiết lập thị trường cho phép (làm được) tất cả nhưng không giải quyết được gì hết”, “thị trường đặt cơ sở cho tự do, đồng thời là sự phủ định tự do” ([36]). Như vậy để “giải quyết” được những gì mà thị trường cho phép cũng như để hạn chế sự “phủ định tự do” của thị trường nhất thiết phải có sự “định hướng” cho thị trường. Với công cuộc đổi mới, nảy sinh những mâu thuẫn mới. Rõ ràng là cuộc sống của xã hội ngày càng “thông minh” hơn, xã hội và con người ngày càng năng động hơn. Nhưng cũng có những “mặt trái” rất đáng quan tâm. Những nghịch cảnh bày ra trước mắt mọi người. Ngay trong tầng lớp những người lao động, lẽ sống ngày càng trở nên “thiết thực” hơn, hầu như chỉ biết đến sinh kế và sự làm giầu. Sinh kế là việc hệ trọng trên đời. Nguyễn Du không hề coi thường sinh kế. Nhưng cùng với sự bận tâm đến “sinh kế” đại thi hào còn trăn trở về “hùng tâm” của mình (“hùng tâm, sinh kế lưỡng mang nhiên”). Lẽ sống dầu sao cũng phải cao hơn sinh kế. Không ít người “phất to” trong sinh kế vẫn cảm thấy cuộc sống của mình trống rỗng. Cứ theo đà như hiện nay, số đông ngày càng đông sống với một lẽ sống ngày càng “thực dụng” thì chẳng bao lâu “người thợ đẽo đá thứ hai” sẽ là “bộ mặt văn hóa” trung tâm của xã hội ta. “Xây dựng giáo đường” là hùng tâm của người thợ đẽo đá thứ ba. Lẽ sống gắn với hùng tâm mang ý nghĩa tinh thần. Trong thời kỳ trước đây, hùng tâm được hun đúc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong chiến tranh cứu nước. Ngày nay, trong sự nghiệp dựng nước, trong hoàn cảnh hòa bình, hùng tâm đòi hỏi nhiều phẩm giá trí tuệ, đạo đức. Ngày nay, để làm giầu cho cá nhân, có khi chỉ cần “mánh lới” và “vận may”. Nhưng để “kinh bang tế thế”, để mở mang “quốc kế dân sinh”, để làm cho “dân giầu, nước mạnh”, để tác động tới sự phát triển của văn hóa và văn minh, phải có tâm huyết và trí tuệ, tài năng và học vấn, tinh thần mạo hiểm và sự kiên trì. Dĩ nhiên, trước đây cũng như hiện nay sức mạnh của hùng tâm là ở lòng yêu nước, ở sự gắn bó tình nghĩa với cộng đồng dân tộc.
Dân tộc, tổ quốc, nhân loại... đó là những cộng đồng vĩ mô. Trong hoạt động sống, cá nhân thường tiếp xúc với những cộng đồng vi mô: gia đình, trường lớp, đoàn đội, tổ, đội lao động, cơ quan, xí nghiệp... Những ý nghĩa nhân sinh nảy nở trong quan hệ của cá nhân với những cộng đồng vi mô đem lại sự đày đặn, sự ấm áp cho cuộc sống tâm hồn của cá nhân. Chúng thỏa mãn nhu cầu cộng đồng là một trong những nhu cầu nhân tính cốt yếu nhất của con người. Không có chúng, quan hệ của cá nhân với những cộng đồng vĩ mô trở nên trừu tượng, có khi chỉ còn là mỹ từ. Trong trạng thái nhân thế hiện nay của xã hội ta, tương quan giữa cộng đồng vĩ mô và cộng đồng vi mô rất đáng được quan tâm. Một nhược điểm phổ biến trong công tác văn hóa của chúng ta - như đã được nêu lên trong một bức thư trả lời phỏng vấn - là “ta làm văn hóa vĩ mô khá nhiều song chủ yếu vẫn là nói hay, nhưng ít coi trọng văn hóa vi mô: ở đơn vị nào cũng lộn xộn, chẳng ra sao, ở cá nhân, là cả một sự nhí nhố”. Trong cuộc khủng hoảng văn minh hiện tại, những cá nhân may mắn có một cuộc sống gia đình lành mạnh và làm việc trong một tập thể lao động tốt thường không có sự sa sút “niềm tin” trầm trọng. Như vậy sự chấn hưng “văn minh” ở tầm vĩ mô sẽ chơi vơi nếu như mỗi người không bắt đầu bằng sự chăm lo đến đời sống gia đình của chính mình và sự quan tâm đến cơ quan, xí nghiệp, nơi công tác của bản thân mình. Sự thiếu hụt tình cảm cộng đồng, sự nghèo nàn những ý nghĩa nhân sinh (mà quan hệ với những cộng đồng vi mô đem lại cho cá nhân) không chỉ là số phận của những người “vô gia đình” hoặc thất nghiệp. Có những cá nhân có gia đình “đàng hoàng” có công tác biên chế “hẳn hoi” mà vẫn cảm thấy cô đơn. Vậy thì quan hệ với những cộng đồng vi mô như thế nào thì nhu cầu cộng đồng của cá nhân mới được thỏa mãn? Nhu cầu cộng đồng của cá nhân không đơn thuần là nhu cầu có tham gia vào cộng đồng, nó còn là nhu cầu có những cộng đồng xứng đáng để mình tin yêu, quý trọng và gắn bó. Cộng đồng là cộng đồng của cá nhân khi cá nhân cảm thấy “mình thuộc về một cái gì lớn hơn và tốt hơn bản thân mình” (Alvin Toffler). Từ cảm giác này được hình thành quan hệ tình nghĩa của cá nhân với cộng đồng, tức là sự gắn bó bằng tình cảm (tình) và bằng tinh thần trách nhiệm (nghĩa). Quan hệ tình nghĩa đặt ra yêu cầu đạo đức về sự trung thành và sự trung tín (tiếng Pháp: loyal) của cá nhân đối với cộng đồng và những cá nhân khác trong cộng đồng. Trung thành và trung tín là những yêu cầu đạo đức đồng bản chất. Trung thành là yêu cầu đạo đức được đặt ra trong quan hệ của cá nhân với những cộng đồng vĩ mô (tổ quốc, nhân dân...), yêu cầu trung tín được đặt ra trong quan hệ cộng đồng vi mô và những chủ thể khác có quan hệ trực tiếp. “Thuở ban đầu dân quốc”, sự tập trung xây dựng lòng “trung hiếu” trong quan hệ cá nhân với “dân” và với “nước” (những cộng đồng vĩ mô) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là từ đó phần nào đã có sự coi nhẹ yêu cầu đạo đức trung tín trong quan hệ cá nhân với những cộng đồng vi mô, trong những quan hệ trực tiếp giữa cá nhân và cá nhân (relation interpersonnelle). Phong hóa xã hội sẽ như thế nào nếu như không có sự trung tín trong quan hệ giữa bạn bè, giữa những người đồng sự, đồng nghiệp với nhau, giữa thầy và trò, giữa thủ trưởng và nhân viên, giữa người mua hàng và người bán hàng, giữa người làm hàng và người đặt hàng, giữa những bên hợp đồng và bên giao dịch với nhau... “Trung tín” cũng là một giá trị đạo đức truyền thống như “trung, hiếu”. “Trung tín” là sự phổ quát hóa chữ “tín” trong quan hệ bằng hữu của Nho giáo, và ở đâu cũng vậy, nhân dân bao giờ cũng quý trọng cách ăn ở, cách ứng xử có trước, có sau, có tình có nghĩa. Trong cuộc khủng hoảng đạo lý hiện nay, sự đơn bạc trong quan hệ trung tín cũng đáng lo ngại như sự giảm sút niềm tin. Cũng phải thấy rằng sự sỗ sàng “tả” khuynh trong đấu tranh giai cấp (như trong cải cách ruộng đất chẳng hạn) đã gây ra không ít những sự sứt mẻ, đổ vỡ “trung tín” trong các quan hệ xã hội, đến tận các quan hệ gia đình.
Gia đình là cộng đồng tự nhiên và sơ đẳng của con người. Chính trong đời sống gia đình, ở những đứa trẻ lớn lên, dần dần được hình thành và thấm sâu nhu cầu “thuộc về một cái gì đó lớn hơn và tốt hơn bản thân mình”, cũng trong đời sống gia đình lần đầu tiên chúng biết quý trọng tình nghĩa và tín nghĩa. Mọi thành viên trong gia đình, người cha với công lao nuôi dạy con cái, cả với sự nghiêm khắc của mình nữa, người mẹ với sự đảm đang và lòng hiền từ của mình, con cái với sự hiếu thảo đỡ đần cha mẹ và lo thương cho nhau đều góp phần vào việc biến gia đình thành “một cái gì đó lớn hơn và tốt hơn” mỗi người trong gia đình, kể cả những đứa bé với sự ngây thơ, hồn nhiên, với những sự phát triển kỳ diệu mà tuổi thơ nào cũng có cũng góp phần vào đó. Tình cảm cộng đồng phát triển nơi con người trực tiếp tham gia học tập, lao động hoặc công tác. Nếu như xí nghiệp chỉ là nơi sinh kế của người công nhân, nó không thể nào thỏa mãn được nhu cầu cộng đồng của người công nhân. Với chính sách khuyến khích thâm niên, làm việc lâu dài - đến hết đời - cho nhà máy, với sự quan tâm chu đáo của những người giám đốc, quản lý tới cuộc sống cá nhân của từng người công nhân, với việc đưa quan hệ gia đình, gia trưởng (paternalisme) vào những quan hệ giữa người và người trong nhà máy, người Nhật có những kinh nghiệm quý báu làm cho người thợ gắn bó với nhà máy bằng tình nghĩa và những quan hệ trung tín.
        Tình nghĩa trong làng xã là một truyền thống lâu đời có gốc rễ bền sâu trong lịch sử văn minh Việt Nam. Từ truyền thống “tình làng nghĩa xóm” đã được kết tinh một giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc: tình nghĩa. ([37]). Trong đời sống tinh thần của dân tộc ta, “tình sâu nghĩa nặng”, “trọn tình vẹn nghĩa” đã trở thành một trong những giá trị nhân văn cao quý nhất. . Đối với người Việt Nam, khái niệm tình nghĩa gần hơn khái niệm “nhân nghĩa”. . “ Nhân , nghĩa” là một tư tưởng lớn của Nho giáo , khái niệm “ nhân , nghĩa” có phần trùng hợp và có khác khái niệm “ tình nghĩa” . Chữ “ Nhân” , chữ “ Nghĩa” ở trong một hệ thống nhiều đầu mối ( bốn , năm hoặc nhiều hơn ) , chẳng hạn trong học thuyết của Mạnh Tử , chữ “ nhân “ , chữ “ nghĩa “ được đặt trong một hệ thống 4 đầu mối ( tứ đoan) : nhân , nghĩa , lễ , trí . Có Nho gia nhấn mạnh chữ Nhân ( Khổng Tử ) , có Nho gia nhấn mạnh chữ Nghĩa ( Mạnh Tử ) . Như vậy , giữa Nhân và Nghĩa không nhất thiết có quan hệ cốt yếu . Tình và Nghĩa làm thành một hệ thống nhị đoan , thường xuyên đi với nhau , có quan hệ cốt yếu với nhau . Khái niệm “ tình “ có một ý nghĩa đơn giản , xác định : đó là sự thương cảm , sự thông cảm với người khác , với những người đồng loại . Khái niệm “ nhân” của Nho giáo không chỉ có nghĩa là thương người , nó có một nội hàm phong phú , đa nghĩa , khó xác định hơn
       Một điều rất đáng suy nghĩ là Hồ chủ tịch đã nêu lên “tình nghĩa” để xác định quan niệm riêng của mình về tinh thần đích thực của chủ nghĩa Mác – Lê nin
Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin– Hồ Chủ Tịch viếtlà phải sống với nhau có tình có nghĩa . Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình , có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được” ( Xem Hồ Chí Minh , tuyển tập , tập 10 , NXB Sự Thật , H. 1989 , tr. 662 ) Chúng ta đều biết cái “danh” (hoặc “tên gọi”)của một khái niệm nhiều khi chỉ là cái “vỏ”, “cách hiểu” khái niệm mới là “ruột” của nó.Nội dung của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã được xác định bằng một hệ thống hoành tráng những nguyên lý, những khái niệm được xem là kinh điển.Hồ Chí Minh dã không ngần ngại lấy minh triết “tình nghĩa” Việt Nam vốn có từ hàng ngàn năm nay làm “ruột” cho chủ nghĩa Mác Lê nin, một học thuyết phương Tây hiện đại. Một khi bị rỗng ruột “tình nghĩa”,thì không cứ gì “chủ nghĩa Mác- Lênin” ,mà mọi ý thức hệ tín ngưỡng và triết học, mọi học thuyết khoa học xã hội, nhân văn, dù hệ thống lý luận có kiên cố nguy nga đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ la những cái “vỏ” màu mè,hão huyền,   những bong bóng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.
Chúng ta chỉ biết châm ngôn “ Tự anh hãy biết bản thân anh” vẫn được gán cho Socrate..Câu nói đầy đủ của Socrate : “Tự anh hãy biết bản thân anh và anh sẽ biết Vũ trụ và các Thượng đế”.Như vậy, trong quan niệm của Socrate, điểm xuất phát cũng như thước đo của “sự biết Vũ trụ và các Thượng Đế” là bản thân sự sống minh triết “tự anh hãy biết bản thân anh”.Hồ Chí Minh lấy sự sống minh triết “sống với nhau có tình có nghĩa” (minh triết này được “sống” chứ không phải được “đọc” hoặc “nghiên cứu”). làm thước đo và bằng chứng cho “sự hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin”, “Biết Vũ trụ và các Thượng đế” (đối với Socrate) cũng như ”hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin” (đối với Hồ Chí Minh) chung quy lại là ẩn dụ mở rộng tầm nhìn cao xa, giác ngộ Đạo lý, lẽ Đời… và cả hai nhà hiền triết đều lấy “tấm lòng” làm điểm xuất phát: một bên là “sáng lòng(“tự anh hãy biết bản thân anh” tức là tự anh gạt bỏ được những vọng niệm, thành kiến, từ đó “sạch lòng” và “sáng lòng”), một bên là “có lòng(“sống với nhau có tình, có nghĩa”).Phải chăng mọi sự giác ngộ sâu sắc đều có điểm xuất phát là “tấm lòng”? “Thiện căn ở tại lòng ta” (Nguyễn Du). “Rèn lòng làm bụt”, “Sạch giới lòng… nên Bồ tát trang nghiêm”, “ Chính bụt là lòng”…(Trần NhânTông)…
 
Cách nghĩ của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa Mác-Lênin nhất quán với cách hỏi của Nguyễn Ái Quốc thời trẻ về học thuật của Mác :
 
      Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào?Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? đó chưa phải là toàn thế giới nhân loại”(tr.207)[38]
 
      Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội phải trải qua 3 giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô và chế độ tư bản; và trong mỗi giai đoạn ấy đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không”(tr. 209).
 
         Có chủ nghĩa Mác-Lênin ở Liên xô, có chủ nghĩa Mác-Lênin ở Trung quốc,có chủ nghĩa Mác- Lênin ở Cu ba…Hồ Chí Minh đã đưa ra một thước đo minh triết cho chủ nghĩa Mác-Lênin ở Viêt Nam:”sống với nhau có tình,có nghĩa (cũng như Nguyễn Ái quốc thời trẻ đã từng băn khoăn về một thước đo phương Đông cho học thuyết của Mác.).Thước đo của minh triết Hồ Chí Minh là một thước đo vô cùng nghiêm khắc: lý luận thì vô cùng, thiên lý vạn lý, nhưng “ sống không có tinh, có nghĩa” là bằng chứng không chối cãi được của sự bội bạc nhân tình và sự đốn mạt nhân tính.ai cũng thấy...Chúng ta được chứng kiến một miếng vật ngoạn mục: Hồ Chí Minh hẩy ngã “phơi bụng” “chủ nghĩa Mác-Lênin không tình nghĩa”
 
     Cả Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc đều vận dung những lý thuyết cách mạng và cải cách bằng tinh thần của minh triết Việt mà căn cứ tham chiếu tối hậu là phong hóa người dân Việt, thực tại đât nước Việt, sô phận dân tộc Việt…
 
Tình là sự thương cảm,sự thông cảm.Nghĩa là lẽ phải và những việc phải làm.Khi ta nói chính nghĩa, ,tụ nghĩa, ngọn cờ nghỉa thì nghĩa là lẽ phải ;khi ta nói nghĩa vụ thì đó là bổn phận, trách nhiệm. Chữ phải trong tiếng Việt vừa có nghĩa là lẽ phải,vừa có nghĩa là việc phải làm ,dường như có mối liên hệ hết sức mật thiết giữa lẽ phải và việc phải làm:đã là lẽ phải thì phải làm,việc phải làm phải thuận với lẽ phảiTình nghĩa là sự kết hợp hài hòa tình cảm thương yêu (tình) với tinh thần trách nhiệm (nghĩa). Giữa “người tình” và “người tình” là quan hệ “nhân tình”, giữa “vợ” và “chồng” có quan hệ “nhân nghĩa” (hoặc “nhân ngãi”) tức là trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ. Sự bền vững của gia đình truyền thống Việt Nam được duy trì bằng sự hài hòa tình nghĩa. Tình của người mẹ (từ mẫu) bồi đắp lòng nhân hậu ở con cái, quyền uy truyền thống của người cha (“quyền uy gia trưởng”) là sự đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc mọi bổn phận và nghĩa vụ. Mỗi triết lý nhân sinh nhấn mạnh một phương diện hài hòa trong đời sống tinh thần của mỗi con người: hài hòa giữa đức tin và lý trí, hài hòa giữa tình cảm và lý trí, hài hòa giữa lý trí và nghĩa vụ, hài hòa giữa trí tuệ và ý chí,... Phải chăng, với truyền thống “tình nghĩa”, sự nhấn mạnh phương diện hài hòa giữa tình cảm yêu thương và tinh thần trách nhiệm là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh người Việt?
      Lịch sử tư tưởng Việt Nam sáng chói ba bản tuyên ngôn độc lập:bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh..Nhưng trước chính sử, có lẽ từ ngàn xưa, người Việt đã có một bản tuyên ngôn đạo lý: dó là đạo lý tình nghĩa được hiện thân trong sự tích trầu cau, sự tích hai anh em Tân, Lang và người con gái họ Lưu là một câu chuyện đau thương nhưng thắm thiết tình nghĩa hơn bất kỳ câu chuyện nào đã được biết đến.trong văn học, nghệ thuật Đối với người Việt Nam, khái niệm tình nghĩa gần gũi hơn khái niệm “nhân nghĩa”. Tình nghiã tham gia vào sự cấu thành nhiều thành ngữ trong tiếng Việt: “đặm tình nặng nghĩa”, “tình sâu nghĩa nặng”. “tình làng nghĩa xóm”,” trọn tinh vẹn nghĩa”, “già nhân tình non nhân ngãi”,”hết tình nhưng không cạn nghĩa”, “nghĩa nặng tình thâm”,”tình nặng nghĩa dày”, “bạc tình bội nghĩa” , “nặng tình trọng nghĩa “ ,…Với từ nhân nghĩa, một sự tham gia như vậy hiếm thấy hơn.Tình nghĩa là sự kết hợp hài hòa tình cảm thương yêu (tình) với tinh thần trách nhiệm (nghĩa). Giữa “người tình” và “người tình” là quan hệ “nhân tình”, giữa “vợ” và “chồng” có quan hệ “nhân nghĩa” (hoặc “nhân ngãi”) tức là trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ. Sự bền vững của gia đình truyền thống Việt Nam được duy trì bằng sự hài hòa tình nghĩa. Tình của người mẹ (từ mẫu) bồi đắp lòng nhân hậu ở con cái, quyền uy truyền thống của người cha (“quyền uy gia trưởng”) là sự đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc mọi bổn phận và nghĩa vụ. Mỗi triết lý nhân sinh nhấn mạnh một phương diện hài hòa trong đời sống tinh thần của mỗi con người: hài hòa giữa đức tin và lý trí, hài hòa giữa tình cảm và lý trí, hài hòa giữa lý trí và nghĩa vụ, hài hòa giữa trí tuệ và ý chí,... Phải chăng, với truyền thống “tình nghĩa”, sự nhấn mạnh phương diện hài hòa giữa tình cảm yêu thương và tinh thần trách nhiệm là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh người Việt? Trong quan hệ giữa “tình” và “nghĩa”, “nghĩa” là phần cốt, lâu bền hơn “tình”, cho nên “tình” có thể hết nhưng vẫn còn lại “nghĩa”, “lửa lòng” đã “tắt” nhưng mối liên hệ “nghĩa” vẫn còn thì tình trạng chưa phải là tuyệt vọng. Trong cuộc sống hiện đại, quan hệ luyến ái (và quan hệ tình cảm nói chung) càng tự do (một xu thế tất yếu của thời đại) thì cuộc sống tình cảm của con người càng cần đến cái “cốt” lâu bền của “nghĩa”. Những con người của xã hội hiện đại ngày càng dè dặt khi phải nói đến sự “thủy chung“. Ngày nay, yêu cầu về một cách ứng xử “tình nghĩa” dễ chấp nhận hơn, như vậy uyển chuyển và mềm mại hơn. Nghĩa được gắn với tình, chúng ta có một tinh thần trách nhiệm hoàn toàn tự nguyện, khác với tinh thần của những “nghĩa vụ” và “nhiệm vụ” được quy định từ bên ngoài bởi luật pháp và những quy chế khác (đã được hợp pháp hóa). Đây là đất tâm linh của những hoạt động từ thiện, tương trợ. Mục đích của hoạt động từ thiện là cứu giúp những người bất hạnh, nó còn có một ý nghĩa khác không kém cao thượng là đánh thức khơi nguồn “tình nghĩa” ở những người làm từ thiện. Lời Phật dạy: “an ủi lớn nhất của đời người là bố thí”. Tình được gắn với nghĩa, có nghĩa là yêu thương “suông” là một tình cảm đáng ngờ. Tình cảm yêu nước thể hiện ở tinh thần lo việc nước. “Thương nhà” thì lo việc nhà. “ái dân” thì “ưu quốc”. Phải chăng có một truyền thống tinh thần thống nhất giữa ba cặp khái niệm “đồng bản chất” với nhau: “tình nghĩa”, “lo thương”, “ưu ái”. Đạo đức truyền thống của nhân dân ta là “đạo đức trách nhiệm” xuất phát từ “nhân ái” và nhấn mạnh “nhân nghĩa” (nghĩa của con người), tức là tinh thần trách nhiệm, biết lo thương, lo nghĩ trước số phận thực tại của những con người. Với đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm công dân và xã hội được phát huy chưa từng thấy trong đông đảo quần chúng. Tuy nhiên, một khi bị mất tỉnh táo bởi sự sùng tín những “tín niệm” (conviction) và “tín điều” cách mạng, đạo đức “cách mạng” biến thành một thứ “đạo đức tín niệm” ([39]) vô trách nhiệm đặt sự khẳng định những “tín niệm” và “tín điều” cách mạng lên trên những hậu quả tai hại mà sự thực hiện chúng gây ra trong đời sống của quần chúng. Chẳng hạn, trong phong trào hợp tác hóa, tín niệm “sở hữu tập thể” được thực hiện ở nông thôn bằng mọi giá, bất chấp tình cảnh bần cùng của quần chúng xã viên sống dở chết dở với thu nhập một công “một hào rưỡi” hoặc “hai lạng thóc” .
Trong những truyền thống cộng đồng làng xã không phải mọi điều đều tốt đẹp. Trong Xã thôn Việt Nam ([40]) Nguyễn Hồng Phong tập trung phân tích di sản nặng nề của “chủ nghĩa gia tộc hẹp hòi” và “chủ nghĩa xã thôn hẹp hòi”, những thói xấu nhếch nhác do tục hương ẩm làng xã sinh ra: “thích tụ hội ăn uống”, thích liên hoan “chè chén” (“ăn uống vừa là một phương tiện, vừa là mục đích để tụ họp”, tr. 180). “Chủ nghĩa gia tộc hẹp hòi” và “chủ nghĩa xã thôn hẹp hòi” đã tạo ra một thứ “siêu làng” được Hà Văn Tấn miêu tả như một nét kỳ thú của bộ mặt “văn minh” xã hội ta: “Trong làng thường khi giai cấp phân hóa không rành mạch, các cộng đồng đan xen vào nhau, hệ thống hành chính trộn lẫn với sự phân chia theo huyết thống, tạo nên một sự thỏa hiệp. Những đặc tính đó lại đã chi phối cả cấu trúc xã hội. Chúng ta luôn luôn sống trong một thứ “siêu làng”. Trước các ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, cái “siêu làng” đó thường co lại thụ động! Và chỉ tiếp nhận những gì có lợi cho sự tồn tại của mình” (thư trả lời phỏng vấn). Trong sự vận hành thực tại, những cấu trúc và cơ chế được xác định theo “mô hình xã hội chủ nghĩa” thường bị biến tướng do sự thâm nhập của “siêu làng”. Tâm lý “siêu làng” ngấm ngầm chi phối cách ứng xử của số đông cá nhân và tập thể, dần dà chính số đông này làm biến chất những chuẩn mực của lối sống “xã hội chủ nghĩa” mà ban đầu họ chân thành noi theo. Có thể tìm ra được thủ phạm những vụ tham nhũng, có thể tóm được những ổ buôn lậu, những “băng” trộm cướp... Nhưng “siêu làng” thì có mặt khắp mọi nơi mà không sao chỉ ra được, nó trở thành phi đối tượng. “Siêu làng” là sự thách đố đáng gờm nhất của những cải cách và đổi mới chính trị ở xã hội ta. Cả những xu hướng đổi mới cũng bị khúc xạ trong “khí quyển siêu làng”. “Siêu làng” không phải là một định mệnh. Nhưng lề thói “siêu làng”, tâm lý “siêu làng”, khí quyển “siêu làng” không dễ dàng thanh toán như đạp đổ một bức tường.Với một tên goi khả kính: “truyền thống”, đây là những thực tại phải được nhìn nhận, được tính đến, để kiên nhẫn hơn, tỉnh táo hơn trong tiến hành công cuộc đổi mới. Truyền thống là những điều cần phải lưu ý, thậm chí chấp nhận, không kể mình thích hay không thích nó.
Những truyền thống tốt là những giá trị. Nhưng giá trị thực tại của truyền thống là ở chỗ nó được sử dụng vào mục đích gì. Quan hệ gia trưởng có thể bị lợi dụng để hạn chế dân chủ. Nhưng “chất thơ” và sự ấm áp của quan hệ gia trưởng có thể có tác động “tâm linh hóa” những quan hệ giữa người và người trong cộng đồng lao động, tạo ra quan hệ trung tín gắn bó người lao động với cộng đồng của mình, tạo ra những quan hệ thân tình, tin cậy lẫn nhau giữa những người thợ và những người quản lý, giám đốc. Mục đích sử dụng truyền thống cải biến nội dung của truyền thống. Một khi giá trị của truyền thống tương ứng với mục đích sử dụng thì phương diện hành dụng của truyền thống quan trọng hơn giá trị tự thân của nó.
Thời đại ngày nay khác xa những thời đại trước. Chủ nghĩa nhân đạo truyền thống coi trọng tình nghĩa như là một động lực văn hóa của hoạt động của con người, như là một cách ứng xử văn hóa giữa người và người, như là một khí quyển văn hóa có thể và cần được tạo ra trong cuộc sống cộng đồng. Chủ nghĩa nhân đạo mới coi trọng sự phát triển tự do của con người. Yêu cầu phát triển tự do được đặt ra cho “mỗi” người và “mọi” người (“Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người”). Đây là sự phát triển tự do của nhân cách ( hiểu theo nghiã rộng bao gồm mọi năng lực nhân tính : biết nói, biết đi cũng là năng lực nhân tính, biết “nuôi con” ,biết “nựng”, biết âu yếm con - không phải người mẹ nào cũng làm được - là một năng lực nhân tinh cao quý không kém gì giỏi toán, giỏi ngoại ngữ, có tài năng nghệ thuật, có tài quản lý, lãnh đạo ...; biết chơi, biết yêu là những năng lực nhân tính vĩ đại của con người, người chỉ biết làm không biết chơi là một ngươi bất hạnh, “không biết yêu” là một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất đời người…). Chúng tôi không đặt vấn đề lựa chọn: con người tình nghĩa hay con người phát triển tự do. Chúng tôi xem “sự phát triển tự do” như một bề chiều (dimension) mới mà sự phát triển văn minh đem lại cho con người tình nghĩa. Chủ nghĩa nhân đạo mới của chúng ta là một học thuyết về sự giải phóng con người và sự phát triển tự do của con người. Con người tình nghĩa ngày hôm nay khác xa con người tình nghĩa chỉ biết xóm làng của mình. Nó cũng có nhu cầu tự giải phóng và phát triển tự do. Miễn sao quá trình tự giải phóng và phát triển tự do không đưa con người xa rời gốc tình nghĩa. Chủ nghĩa nhân đạo coi trọng sự phát triển tự do của con người không thể không hướng về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đương diễn ra với một tốc độ thần kỳ trong những thập kỷ gần đây. Khoa học hiện đại nhân lên gấp bội những năng lực nhân tính ở những người chiếm lĩnh được nó, mặt khác, thúc đẩy sự phát triển nhẩy vọt sức sản xuất của xã hội, tạo ra những điều kiện thời gian và cơ sở vật chất cho sự phát triển tự do của “mỗi người” và “mọi người”. Tình nghĩa là một động lực văn hóa. Động lực này dù có được phát huy thành “cao trào”, con người cũng không thể tác động mạnh mẽ tới sự phát triển văn minh với hai bàn tay trắng. Khoa học, kỹ thuật hiện đại là một công cụ phát triển văn minh vô cùng lợi hại. Hơn nữa, khoa học hiện đại (bao gồm cả khoa học nhân văn) có thể mở ra những chân trời mới cho bản thân tình nghĩa. Trong xã hội truyền thống, chỉ sống bằng tình nghĩa con người cũng cảm thấy thỏa lòng. Trong tình trạng pháp luật và hạch toán không phân minh, tình nghĩa thường khi bị lợi dụng. Với sự tăng cường vai trò của pháp luật và chế độ hạch toán trong quản lý xã hội, con người trước hết đòi hỏi sự sòng phẳng. Trong xã hội ta, sự sòng phẳng đương trở thành một dấu hiệu của văn minh. Miễn sao sự sòng phẳng không giết chết tình nghĩa.
Trở lại sự phân biệt “văn hóa” và “văn minh” được đặt ra ở đầu bài tiểu luận có thể nói rằng “tình nghĩa” và những truyền thống tốt đẹp khác là tinh hoa của văn hóa làng xã và “siêu làng” là gánh nặng truyền kiếp mà văn minh làng xã để lại cho xã hội ta. “Văn hóa làng xã” là những tư tưởng tôn giáo, triết học, mỹ học, đạo đức... được thăng hoa từ ngàn đời cuộc sống làng thôn, đã trải qua sự thử thách của thời gian để trở thành những hằng số trong đời sống tinh thần của nhân dân. Còn “văn minh làng xã” - cũng như mọi nền văn minh khác - không ở ngoài vòng của lẽ sinh, thành, trụ, diệt. Cái nôi của làng xã Việt Nam là văn minh sông Hồng sinh ra từ một “nền kinh tế nông nghiệp sử dụng cơ bắp của người và động vật, độc canh lúa, với chế độ tự cấp, tự túc và dựa vào tự nhiên” ([41]). Tất cả những nền văn minh sông lớn trên thế giới đều tiêu vong. Hình dung như thế nào đây những bước thăng trầm, hưng phế của văn minh sông Hồng? Phải chăng những thời kỳ hưng thịnh của nó trùng hợp với những triều đại phong kiến thịnh trị (Lý, Trần, Lê sơ) ?… Phải chăng sự suy vong của nó là nguyên nhân sâu xa của thảm họa người Việt mất nước trong nửa sau thế kỷ 19? Trong thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa duy trì văn minh làng xã, số phận của nó chỉ có thể là sự mục ruỗng. Trong cuốn khảo luận về xã thôn Việt Nam đã được dẫn ở trên, từ “nát bét” được lặp lại nhiều lần. Từ này khái quát trực cảm của tác giả về sự mục ruỗng của văn minh làng xã (trong xã hội ta hiện nay chỗ nào có sự “bầy hầy làng xã” thường là “nát bét”). Sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào cách mạng và kháng chiến thổi sinh khí vào cuộc sống ở làng xã và bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, một nền văn minh hợp tác xã đã được thiết kế thay thế cho văn minh làng xã hàng ngàn năm cổ xưa. Chế độ hợp tác xã này đã đảm đương được nhiệm vụ huy động lực lượng nông dân làm cuộc chiến tranh tổng lực, nhưng chuyển sang thời bình, đặc biệt sau khi quy mô hợp tác xã được mở rộng, thì bộc lộ những nhược điểm trầm trọng. Nông thôn Việt Nam sẽ lựa chọn đường phát triển nào ? Sau cuộc thử nghiệm hợp tác hóa, đường lối nào sẽ cải tạo được văn minh làng xã? Mà phải chăng bản chất của những nền văn minh là không thay đổi được bản chất? Đường lối công nghiệp hóa, đường lối hiện đại hóa sẽ tác động như thế nào tới đời sống nông thôn? Sẽ cấy những “gien” mới vào văn minh làng xã để phục hưng nó hay sẽ tạo ra những tiền đề, những cơ sở hạ tầng cho sự hình thành một nền văn minh khác ?
Trước sự sụp đổ của những thiết chế văn minh quá ẩm ương, một phản ứng có tính chất bản năng là đưa chân đạp đổ những thiết chế còn lại. Hành động văn hóa có khi phải cao hơn động tác ẩn ức của “người cung nữ bực mình”. Thời đại khủng hoảng là thời đại nảy sinh những tư tưởng lớn. Hơn bao giờ hết trong cộng đồng người Việt, những người yêu nước trăn trở nghĩ suy và nóng lòng chờ đợi những tư tưởng làm sáng tỏ được viễn cảnh của một xã hội văn minh tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng chỉ ra được những giới hạn lịch sử hiện tại của nước ta và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn minh. Bằng không lại mắc phải những ảo tưởng và không tưởng như thời kỳ trước đây.
Dân giầu, nước mạnh” - đó là văn minh. “Dân vui, nước mạnh([42]), đó là văn hóa . Dân giầu, dân vui thì nước mới thực sự mạnh. Sự phát triển của văn minh làm cho “Dân giầu, nước mạnh”. Các sức mạnh văn hóa có vai trò quyết định làm cho “Dân vui, nước mạnh”. Từ ngàn xưa tâm thế “vui cười” đã là sự lựa chọn của minh triết Việt. “Ông Thần phương Bắc thường nghiêm nghị, ông Bụt phương Nam thường vui cười – hỡi người sắp tới, chớ có đúc tượng nhầm”– câu này được trich từ một bài văn ứớc đoán được viêt vào đời Trần.(t.k.XII-t.k.XIV) .Không có minh triết “dân vui, nước mạnh”, thì dân có thể “giàu”, nước có thể “mạnh” nhưng khó mà nói là có hạnh phúc.
     Các sức mạnh văn hóa còn có một vai trò khác, quan trọng hơn - thực sự là một sứ mệnh - đó là tác động tới một quá trình đương triển khai trong sự vận động lịch sử của xã hội ta, quá trình văn hóa hóa chính trị, một trong những phương diện cốt yếu của trào lưu đổi mới. Quá trình này trả lại vị thế xứng đáng cho văn hóa đương đổi mới, đương tìm về “đa nguồn” minh triết Việt để phục hưng, đương lĩnh hội những tư tưởng căn cốt của mấy nghìn năm văn hiến với những cảm hứng nhân văn, những hơi thở tự do, những nhu cầu tâm linh mới của thời đại chúng ta đương sống..., chẳng những vậy, quá trình này còn nâng cao bản thân chính trị, chính trị cao là chính trị có văn hóa. Chính trị hóa văn hóa là quá trình cơ bản của sự vận động văn hóa thời kỳ lịch sử trước đây (tính từ cách mạng Tháng Tám 1945), nó thăng trầm qua những giai đoạn khác nhau, khi thì khai sáng, thức tỉnh hàng triệu người, khi thì làm méo mó, nghèo nàn... gây tổn thất không ít cho cả văn hóa và chính trị, sang giai đoạn mới đương nhiên nó vẫn tiếp diễn. Sự phát triển của quá trình chính trị hóa văn hóa trong giai đoạn mới hứa hẹn chiều sâu sự hài hòa, sự nhuần nhuyễn..., chí ít, nó sẽ không diễn ra một cách cơ giới, phiến diện, hời hợt, nó phát triển song song với quá trình văn hóa hóa chính trị, sự hòa nhập của cả hai quá trình là bảo đảm vững chắc cho sự thống nhất tinh thần của xã hội và sự ổn định của đất nước.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                                                                  Lời Bạt
 
 
 
      Kant phân biệt “Khoa học” và “Minh triết” bằng hai định nghĩa ngắn gọn: “Khoa hoc là tri thức được tổ chức” (“Science is organized knowledge”), “Minh triết là sự sống được tổ chức” (“ Wisdom is organized life”).Một dị bản khác: “Khoa học là thông tin được tổ chức” (“Science is organized information”), “Minh triết là những giá trị được tổ chức” (“Wisdom is organized values”)[43]
 
Như vậy, lĩnh vực của “thông tin”, “tri thức được tổ chức” không phải là lĩnh vực của minh triết. Ngay bàn về minh triết mà “sổ” kiến thức , “tuôn” lý thuyết “tràng giang”cũng là vô duyên, làm vậy , theo một nhận xét rất tinh của Montaigne,dễ gây ấn tượng “kênh kiệu”, “ khoe học thức”. Tri thức có thể mở đường đi tới minh triết nhưng chưa phải là minh triết. Minh triết thể hiện ở mục đích sử dung tri thức. Mục đích sử dụng đăt ra vấn đề giá trị, mục đích nào cũng gắn với những giá trị:nhân danh giá trị nào…, phục vụ cho giá trị nào. “Minh triết là năng lực nhận ra được cái gì là giá trị trong cuộc sống, đối với ta và đối với những người khác” (Nicholas Maxwell [44]). Tư duy khoa học tổ chức tri thức thành những khái niệm, phán đoán, quy tắc, quy luật,giả thuyết, lý thuyết…Còn trong hoạt động của tư duy minh triết thế nào là “tổ chức” “ những giá trị”? Những giá trị một khi “nhập tâm” trở thành những động lực hành động, những động cơ chi phối sự ra quyết định. Trong đời sống tâm lý, đạo đức không phải lúc nào những giá trị, động cơ cũng tương hợp, thường khi có xung đột. Trong tình thế “bán mình chuộc cha”, ở Kiều có sự xung đột giữa “tình” và “hiếu”,cuối cùng Kiều đành phải hy sinh “tình”,đặt giá trị “hiếu” lên trên hết, “hiếu” trở thành động cơ quyết định hành động “bán mình chuộc cha” Đời sống nội tâm con người hiện đại phức tạp hơn rất nhiều, thứ tự ưu tiên các giá trị luôn luôn thay đổi, sự đan xen các động cơ vừa vô thức vừa ý thức hết sức rối ren. Năng lực của minh triết biết chọn giá trị ưu tiên tương thích với từng hoàn cảnh, đặc biệt năng lưc của những nhà hoạt động chính trị kịp thời thay đổi những “biến số” trong hệ giá trị của mình trước những biến động trong sự phát triển của đất nước và thời cuộc thế giới là một năng lực cao cấp, bởi lẽ ,như nhận định của Roger Sperry, nhà bác học chuyên khoa thần kinh được giải thưởng Nobel, “ hơn bất cứ hệ thống nhân quả nào mà khoa học quan tâm, chính những biến số trong những hệ thống giá trị của con người sẽ quyết định tương lai[45] Lẽ sống của Nguyễn Duđề cập đến hai giá trị lớn –– nếu không phải là lớn nhất –– của nhân sinh: lo toan “sinh kế” và trăn trở “hùng tâm”. Thời gian lận đận ở mạn Thái bình, ông có lời than thở : “Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” (cả sinh kế và hùng tâm đều mù mịt).Nguyễn Du vĩ đại không hề coi thường chuyện sinh kế, còn chúng ta trong viêc giáo dục lý tưởng cho sinh viên ở các trường đại học hầu như ngoảnh lưng với chuyện mưu sinh Trong ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, “ham muốn tột bậc” là một tên gọi khác của lý tưởng, và xác định lý tưởng của mình, ông không quên chuyện “cơm ăn, áo mặc”.Lý tưởng cũng phải “thiết thực”. Thiết thực và cao siêu. Nguyễn Du vĩ đại không hề quên sự trăn trở “hùng tâm”.Đối với các sinh viên và giới trí thức đại học, “hàn lâm” nói chung, nên hiểu “hùng tâm” như thế nào. Có lẽ Einstein là người hiểu đúng hơn cả thế nào là “hung tâm” ở người trí thức: “ Mục tiêu (của giáo dục) phải là sự đào tạo những cá nhân hành động và suy nghĩ độc lập, thế nhưng họ lại thấy ở sự phục vụ cộng đồng thành tựu cao cả nhất trong đời”[46] Einstein đã đề ra hai tiêu chuẩn “hùng tâm”:
 ––tinh thần hành động và suy nghĩ độc lập, muồn có tính độc lập phải có năng lực (giỏi chuyên), giỏi chưa đủ, phải có bản lĩnh khoa học, tức là hành động và suy nghĩ độc lập.
––tinh thần phục vụ cộng đồng
     Einstein đã đưa ra một quan niệm hiện đại về “hồng” và “chuyên”. Quan niệm của ông về chuyên đầy đủ hơn, cao hơn, “trí thức” hơn. Yêu cầu “ thấy ở sự phục vụ công đồng thành tựu cao cả nhất trong đời” là một yêu cầu rất cao và có sức thuyết phục phổ quát
    “Hành động và suy nghĩ độc lập” không phải là chỗ mạnh của giới trí thức ở nước ta.. “Hùng tâm” của chúng ta, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh, tinh thần phục vụ cộng đồng phát huy cao trào chưa từng thấy, tuy vậy có những lỗ hổng nghiêm trọng bộc lộ ngày càng rõ Chúng ta cần minh triết hơn nữa. Với ý nghĩa mà Bertrand Russel xác định cho khái niệm này: “ …bản chất của minh triết là giải thoát, càng nhanh càng tốt, khỏi sự áp chế của cái “ở đây” và “bây giờ”…”[47]
 
    Như vậy minh triết là năng lực nhận ra được đâu là những giá trị thực trong cuộc đời. Minh triết còn là năng lưc nhận ra được cách tổ hợp tối ưu những giá trị..Nhân, nghĩa, lẽ, trí, tín là những phẩm hạnh truyền thống. Giá trị của mỗi phẩm hạnh không chỉ ở bản thân nó mà chủ yếu ở sự kết hợp với những phẩm hạnh khác. Khổng tử dạy: “ Quân tử hữu dũng mà vô nghĩa thì làm loạn,tiểu nhân hữu dũng mà vô nghĩa thì làm trộm cướp”, “người không có dức nhân thì Lễ mà làm gì”, “trí có sáng suốt thì mới có lợi cho nhân[48]…Trong bộ ba phẩm giá: Trí, Nhân, Dũng , nhân, trí mà không có dũng chỉ là “làm cảnh”, có nhân mà không có trí thì dễ hời hợt, nhầm lẫn, có dũng mà không có nhân dễ trượt sang sự bạo ngược; chỉ sự đồng quy của ba con đường Trí, Nhân, Dũng mới đạt tới minh triết.Minh triết của Khổng tử là nhấn mạnh sự ham học (“học nhi bất yếm”) như một hệ số quan trọng của giá trị các đức hạnh, không có sự học thì mỗi đức hạnh có thể biến thành cài trái ngược với nó.Lời của Khổng tử bảo Tử Lộ: “ Ham đức nhân mà không ham học thì bị che lấp là ngu muội; ham đức Trí mà không ham học thì bị che lấp là phóng đãng;…ham đức ngay thẳng mà không ham học thì bị che lấp là gắt gao, mất lòng người;ham đức Dũng mà không ham học thì bị sự che lấp là loạn động…”[49]
 
       Quan hệ lý thuyết – thực hành (còn gọi là nếp gấp lý thuyết – thực hành) là một quan hệ cơ bản trong hoạt động sinh sống của con người. Có những cái đầu nghĩ ra lý thuyết nhưng nếu như không có những con người thực hiện lý thuyết trong thực hành thì cuộc sống không thể nhích lên được, dù chỉ là một nửa bước. Vai trò của minh triết trong quan hệ lý thuyết – thực hành? Minh triết không phải là lý thuyết: “tổ chức tri thức thành …lý thuyết” ,theo Kant, là chức năng của Khoa học không phải là chức năng của Minh triết. Nó cũng không phaỉ là thực hành: mỗi thực hành đòi hỏi một vốn kỹ năng nhất định, minh triết không có những kỹ năng này.Minh triết có vai trò quan trọng ở khâu chuyển lý thuyết thành thực hành. Minh triết hướng về những giá trị và một khi những giá trị được “nhập tâm”thì trở thành nguồn sức mạnh tổng hơp:sức mạnh của sự “giác ngộ”, sức mạnh của nhiệt tình và tâm huyết, sức mạnh của ý chí và niềm tin, sức mạnh của hoài bão và hy vọng…Đây là một sức mạnh mãnh liệt, khởi động thực hành bao giờ cũng gian nan và bất cứ thực hành nào ở thời điểm khởi động cũng cần đến một sức phát động mãnh liệt như vậy. Và tiếp theo khởi động, trong suốt quá trình thực hành, minh triết với ý thức về cái “toàn”, với sự nhậy cảm “cân bằng”, với vốn kinh nghiệm thành công, nhất là kinh nghiệm thất bại, với “tính sáng” của những giá trị hướng thiện… luôn có vai trò điều hướng, chỉnh hướng …     
 
Sự đối lập tri thức và minh triết (năng lực nhận ra giá trị thật ,từ đó chọn đúng mục đích hướng thiện sử dụng tri thức) – theo cách quan niệm của Kant – làm sáng tỏ một nguyên nhân quan trọng của cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện tại của văn minh phương Tây có ảnh hưởng sâu rộng toàn cầu.Từ thế kỷ XIX, đặc biệt sang t.k.XX, tri thức của nhân loại phát triển ồ ạt, tăng tốc cấp số nhân, tạo ra những thành tựu kỳ vĩ trong khoa học, công nghệ, đúng là đời sống con người có những sự cải thiện vượt bực về các mặt sung túc, tiện nghi, tuy vậy, cho đến cuối thế kỷ XX, bức tranh toàn cảnh đời sống nhân loại bị phủ những bóng tối u ám đáng sợ:môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số bùng nổ một cách tuyệt vọng, kinh tế đổ vỡ, con người bị tha hóa, chính tri tỏ ra bất lưc ở nhiều mặt:bảo vệ môi trường, ngăn chặn chiến tranh, bạo lực, …cả loài người đứng trước một thảm họa đe dọa sự sống của toàn hành tinh: Trái đất đương nóng dần…, cho đến nay mọi sự dàn xếp để các chính phủ cùng chung sưc đối phó đều không đi đến một kết quả nào đáng kể trong khi đó tuyệt đại đa số các nhân dân bị cuốn hút vào sự mưu sinh và những lo toan đời thường của họ xem ra không mấy quan tâm, thậm chí dửng dưng. Bức tranh toàn cảnh này đã được Jim Garrison, hiệu trưởng trường Đại học Minh triết, chủ tịch Diễn đàn về tình trạng thê giới (State of the World Forum) phác họa như sau: “ một thế giới hỗn loạn, sự bất ổn leo thang”, “ một thế giới khủng hoảng triền miên trong đó quyền lực, của cải và thanh thế thống lĩnh chương trình nghị sự, trong đó sex, bạo lực và đủ thứ trò dật gân tràn ngập các phương tiện truyền thông”[50] Chính trong một trạng thái nhân thế bất an và nhiễu nhương như thế, nhiều học giả phương Tây nhận ra sự vắng bóng của Minh triết trong cuộc sống văn minh hiện đại, đặc biệt trong cac học viện khoa học, các trường đại hoc, những công xưởng sản xuất tri thức và trí thức.
 
“ …khoa học, công nghệ và kinh tế thế kỷ XX đã đi lạc hướng vì không được sử dụng một cách minh triết.”, đây là nhận định của F.J. Schumacher trong tập tiểu luận nổi tiếng của ông “Small is beautiful” (“ Nhỏ thì đep”) (1973)
 
Mải miết chạy theo tri thức, bỏ quên minh triết, theo Nicholas Maxwell, là “thảm họa trí tuệ chủ yếu ở ngay trong lòng của khoa học, công nghệ, học thuật và giáo dục phương Tây”[51]
 
Bertrand Russel có một quan niệm hết sức đơn giản về minh triết: đem những thành tựu của khoa học, công nghệ nhiệt hạch (tri thức) trao cho một kẻ điên rồ (sử dụng tri thức), như vậy là không minh triết. Ông có những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa tri thức và minh triết: “ Với mọi sự tăng cường tri thức và kỹ năng ,minh triết càng cần thiết, bởi lẽ mỗi sự tăng cường như vậy làm tăng khả năng của chúng ta thực hiện ý đồ của chúng ta, và do đó làm tăng khả năng của chúng ta làm điều ác, một khi những ý đồ của chúng ta không minh triết. Thế giới cần đến minh triết như vẫn cần đến nó từ trước đến nay;và nếu như tri thức tiếp tục gia tăng thì trong tương lai sẽ cần đến minh triết nhiều hơn hiện nay[52]
 
Ở phương Tây,sang đến thế kỷ XX , minh triết hầu như bị quên lãng. Mãi cho đến cuối những nâm 70, lác đác đâu đó có được bàn đến.Ngay trong từ điển Bách khoa Britannica (Mỹ) không có muc từ cho Wisdom. (Minh triết), đây là một công trình bách khoa hoành tráng, biên tập kỹ và chu đáo, hàng đầu thế giới.Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, việc nghiên cứu đề tài này rộ hẳn lên. Những trương Đại học Minh triết, những Viện Văn hóa Minh trết lần lượt được thành lập.Ơ Viện Max Planck vì sự phát triển của con người và giáo dục (Đức), Minh triết trở thành một đề tài trung tâm. Đại học Chicago chi 2000.000 $ cho đề tài nghiên cứu “bản chất và những thiện ích của minh triết”. Từ 2005 đến 2006, trên Mạng số bài mục về minh triết tăng 600%...Sự rộ lên của phong trào nghiên cứu đề tài minh triết đương phục hưng ở Âu Mỹ có học giả đánh giá như một trào lưu Khai sáng thứ hai..Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt đươc thành lập cách đây 3 năm. Sự ra đời của trung tâm này không hề có tính chất ngẫu nhiên.
 
Nghiên cứu dề tài Minh triết Việt (Việt Nam), giả thiết (để làm việc) đầu tiên của chúng tôi là: có một nền minh triết Việt “đa nguồn” Trong “tam giáo đồng nguyên” mỗi “giáo” là một nguồn minh triết nhưng bản thân cách nhìn “đồng nguyên” là một cách nhìn minh triết, một giá trị minh triết vô cùng to lớn Tinh thần “đồng nguyên” đã được khái quát hóa và nâng lên thành tinh thần “vạn giáo nhất lý” (Lê Anh Dũng), cũng có thể gọi bằng một tên khác: tinh thần “ bách giáo đồng nguyên”.Chúng ta không đồng nhất hóa những nguồn minh triết khác nhau, không đồng nhất đạo Phật với đạo Ki tô, bao giờ cũng có sự chênh giữa nguồn này và nguồn nọ, chính sự chênh tao ra khoảng cách, và khoảng cách tạo ra “sức căng”, nó là nguồn nảy sinh những giá trị mới, đọc đáo. Chúng ta tiếp cận những nguồn minh triết khác nhau bằng cách nhìn “đồng nguyên”, thấy được nguồn lớn chung của chúng.
Khổng tử, Jesus,Tôn Dật Tiên…đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người,mưu phúc lợi cho xã hội” Với cách nhìn “đồng nguyên” của Hồ Chí Minh, tư tưởng của những vĩ nhân đại diện cho những tôn giào, triết học rất khác nhau ,thuộc về những thời đại lịch sử hoàn toàn khác nhau được quy “ nguồn chung” ở cái tâm với nhân quần xã hội.
Cách nhìn “đồng nguyên” là cách nhìn của Lev Tolstoi: “ Điều chúng ta cần dạy cho con em chúng ta là những điều chung cho mọi tôn giáo – Phật giáo, Hồi giáo, Ki tô giáo, Do thái giáo và vân vân, và những điều sáng rõ với mọi người: đạo lý tình yêu và sự đoàn kết giữa những con người” (H.N.H.tô đậm) [53]
 
Cũng là cách nhìn của Đa lai Lạt ma : “Các bạn nên kính trọng những tôn giáo khác…Bản chất của mọi tôn giáo về cơ bản là một: thực sự có tình thân ái anh em, có lòng tốt , lòng kính trọng với những người khác. Nếu chúng ta phát triển được những phẩm giá này trong tâm chúng ta,tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự có được sự an bình”.(H.N.H.tô đặm) ( The Little Book of Wisdom [Cuốn sách nhỏ về Minh triết] p.90)
     Như vậy tính “đa nguồn”của minh triết Việt tạo ra sự đa dạng của minh triết Việt và cách nhìn “đồng nguyên” đối với “bách giáo” (cũng như cách nhìn “nhât lý” đối với “vạn giáo”) bảo đảm sự thống nhất của minh triết Việt. Củng cố cho tính thống nhật này là ý thức về sự giao thoa, sự cộng hưởng giữa những nguồn minh triết khác nhau Nghiên cứu minh triết Hồ Chí minh trên nền của đa nguồn minh triết Việt –– mặc dù mới sơ sơ, chưa có một sự tiến hành có hệ thống –– chúng tôi đã phát hiện ra
––sự cộng hưởng của quan điểm Hồ Chí Minh coi trọng quan hệ đạo đức của cá nhân với chính mình (thể hiện ở ba đức tinh tự trọng, tự tin, tự ái) với tự phản luận của đạo đức Khổng ,Mạnh (tự xét mình là thao tác cơ bản để hình thành sự tự ý thức của cá nhân, quan hệ đạo đức của cá nhân với chính mình), với minh triết của Trần Hưng Đạo hiểu phẩm chất “anh hùng” từ một phẩm hạnh hướng ngoại (thể hiên ở những chiến công lớn chống lại những lực lượng thù địch bên ngoài) thành một phẩm chất hướng nội (anh  là hiểu mình, hùng là thắng mình);
–– sự giao thoa giữa tinh thần cầu “hiền tài” của Hồ Chủ tịch và tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ” của Hưng Đạo Vương;
––sự cộng hưởng của minh triết Hồ chí Minh với minh triết của Mác, của Nguyến Trãi, của Nam Cao xung quanh mối quan hệ giữa nhu câu tối hậu “tự do phát triển những năng lực nhân tính của con người” và nhu cầu sơ đẳng,tối thiểu là “có cơm ăn, áo mặc”                                                                                                                                                                       Ý thức sự giao thoa, sự cộng hưởng giữa những nguồn minh triết khác nhau trong nền minh triết Việt là một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận.  
                                                                    *   * *
        Minh triết là gì? Với tôi, tìm hiểu khái niệm này là một quá trình. Có khi vô tận.
        Đọc công trình “Minh triết Chăm”[54]của Inrasara, tôi sững lại trước đoạn văn: “Thời đại ngày nay, vật lộn cho cuộc chiến sinh tồn lẫn nhu cầu vô cùng tận về tiêu dùng và giải trí, nhân loại ít thì giờ hơn bao giờ. Càng ít hơn nữa khi văn hóa internet xả thông tin tràn ngập, tràn vào tận làng bản hẻo lánh nhất...... Minh triết như là “ trí khôn sáng cầm tay” để giúp con người tồn tại và sống đẹp, sống có ý nghĩa”.Hóa ra chính trong cuộc sống hiện đại ,minh triết cần thiết cho con người hơn bao giờ hết.
        Gần đây tôi đọc được một bài thơ viết về Hồ Chí Minh của một nhà thơ nghiệp dư, sau đây là 4 câu thơ mở đầu:
                                Một người không Phật mà rất Phật
                                Không tắm Hoàng Hà tắm sông Lam
                                Một người rất Mác mà ngoài Mác
                                Nghèo như chút nhút ngọt như cam
                                    ……………………………………….
       Hóa ra minh triết Hồ Chính Minh rất đỗi quen thuộc , gần gũi với tôi và mọi người, có nhiều điều tôi không hiểu, hầu như không hiểu gì cả.
       Nghiên cứu bản tham luận “Minh triết &kinh tế”[55] của Hà Thúc Minh, tôi không khỏi bàng hoàng khi đọc đến đọan kết luận: “ Napoléon Bonaparte,viên tướng tài ba của Pháp nói rất có lý: “Đại bác đã từng tiêu diệt xã hội phong kiến,nhưng lọ mực sẽ xóa sổ xã hội hiện đại” (Le canon a tué la féodalité, l’encre tuera la société moderne).Hóa ra lọ mực, ngòi bút hay minh triết lại có sức mạnh nhường ấy!” (H.N.H. tô đậm)
       Ba lần bàng hoàng.
    Thời của Napoléon, “xã hội hiện đại” là chủ nghĩa tư bản đang lên khí thế mạnh mẽ, hùng hổ , ráo riết chuẩn bị cho những thần tích khoa học và công nghệ trong nửa sau thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX., thế mà vị danh tướng này đã tính chuyện xóa xổ “xã hội hiện đại.”!
    Mà lại xóa xổ bằng bút mực! (phải chăng Napoléon đã thấy trước sức mạnh ghê gớm của “lực lượng thứ tư”?)
    “Xã hôi hiện đại” ngày hôm nay (vẫn tiếp tục làm ra những kỳ tích kinh hoàng trong khoa học và công nghệ đồng thời gây thảm họa tận thế cho cả nhân loại: trái đất nóng dần) trước sau phải thanh toán nó và “bút mực” để xóa xổ nó – theo sự xác quyết của Hà Thúc Minh – chính là “bút mực” phuc hưng minh triết . Không phải “ba dòng thác ” mà chính minh triết sẽ trụ lại để cứu trái đất này.  
        Có quá sớm không lúc này nói đến một tư trào Phục hưng Minh triết?
       Một học giả Mỹ ước lượng và so sánh khoảng cách thời gian giữa những cuộc cách mạng tạo ra những thời đại lớn trong lịch sử tiến hóa nhân loại và đi đến kết luận: khoảng cách này càng về sau càng rút ngắn. Thời đại hái lượm kéo dài triệu năm rồi mới xảy ra cuộc cách mạng nông nghiệp.Nhân loại phải canh tác vạn năm rồi mới bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng thong tin tiếp theo đã diễn ra chỉ một trăm năm sau . Nhưng cách mang thông tin không ngăn chặn được trái đất nóng lên , nhân loại ngày càng bước gần tới vực thẳm.Cách mạng thông tin cũng không ngăn chặn được sự cạn kiệt tài nguyên và bùng nổ dân số, sự tha hóa xã hội và sự ô nhiễm môi trường tràn lan …Trong” xã hội hiện đai” cuối cùng thì “đô-la” và “quyền lực” trên thực tế ở hàng đầu bảng giá trị (do tác động của toàn cầu hóa, nước ta không dễ dàng gì thoát ra ngoài quỹ đạo này của “xã hội hiện đại”). Cách mạng thông tin cũng không ngăn cản được sức cuốn hút ghê gớm của “đô-la” và “quyền lực” đối với số đông không kể là thường dân hay quan chức . Thế là những học giả – ngày càng đông – lên tiếng phuc hưng minh triết .Hiện nay chưa có cao trào, nhưng chắc là không phải chờ đến “vạn năm”, “trăm năm”, có khi chỉ vài mươi năm sau cách mạng thông tin…
        Hà Thúc Minh lấy đích danh “minh triết” để xóa sổ “xã hội hiện đại”. Mê sảng lý thuyết hay trực giác thông tuệ hiền triết? Tôi dành sự phán xét cho độc giả.
               Cuối cùng thì minh triết là một lĩnh vực  nhiều điều còn mơ hồ. Có nhiều bí ẩn phải khám phá mới hiểu thấu minh triết của những danh nhân. Xen vào minh triết các tộc người, các đạo, các tín ngưỡng. không thiếu gì những điều huyền bí, những điều khiến ta “lặng người đi vì kinh ngạc”, khiến ta “ ngây ngất trong niềm kinh hãi”. Hy vọng rằng chính những điều bí ẩn, những điều huyền bí này nuôi dưỡng cảm hứng của những đôc giả quan tâm nghiên cứu minh triết. Chẳng phải
Einstein đã từng chia sẻ với chúng ta một kinh nghiệm lạ lùng trong nghiên cứu khoa học: “ Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là cái huyền bí.Đó là nguồn của mọi nghệ thuật và khoa học[56]
 



Chú thích
[1] Alvin Toffler. The Third Wave. Bantam Books, p. 367.
[2] Xem Tạp chí Văn học số 1.1993, tr. 11 .
[3] Xem Danh nhân Thái Bình, tập III. Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình xuất bản, 1989, từ trang 11.
[4] Theo lời của nhà báo Quang Đạm phát biểu ý kiến trong một cuộc hội thảo.
[5] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. Bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức Hồ Chí Minh truyện. NXB Tam Liên, Thượng Hải, 6/1949 tr. 91. Chuyển dẫn từ Nho giáo xưa và nay NXB KHXH, Hà nội 1991, tr. 127.
[6] Xem Người đưa tin UNESCO, 11/1990, phỏng vấn Leopold Zea, tr. 9.
[7] Xem Trần Ngọc Vương, Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Đại học quốc gia Hà nội, 1999, tr. 77.
[8] xem bài Lương Chiêu Minh phân kinh thạch đài của Nguyễn Du
 
[9] Truyện cổ tịch Tấm, Cám - từ rất lâu đời được tích hợp trong ký ức người Việt - là một truyện mang cảm hứng nhân văn nhưng kết thúc của truyện chưa thoát ra được tinh thần của thời dã man: để trả thù cho hả, Tấm đã cho giết Cám (em cùng cha khác mẹ) một cách hèn hạ và man rợ, cho ướp xác của Cám làm mắm, lại còn đem dọn món mắm này cho mẹ Cám ăn. Có áp bức thì có căm thù. Nhưng thiếu ánh sáng của những tư tưởng khai hóa văn minh, sự căm thù dễ bùng lên thành sự trả thù “không văn minh”. Nên hiểu truyện Tấm, Cám như một bài học để mỗi chúng ta cảnh giác với sự lại giống (atavisme) ở chính mình, kể cả ở những người hiền lành nhất (Tấm, vốn là người tốt, người hiền lành). Văn hóa dân gian của ta còn có câu tục ngữ: “No mất ngon, giận mất khôn”. “Giận” còn có thể “mất khôn”, huống hồ “Căm thù”.
[10] Cuộc phỏng vấn do nhóm nghiên cứu đề tài Góp phần xây dựng Đề cương văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới (Chương trình KX06) tổ chức cuối năm 1992.
[11] Cũng có thể nói đến Chủ nghĩa duy lý phương Tây, nó chính là sự khái quát của đầu óc khoa học phương Tây.
[12] Trích dẫn từ câu kết thúc chương II - Tuyên ngôn cộng sản.
[13] Nam Cao - Sống mòn - H. 1963, tr. 202.
[14] K. Mác và F. Angghen. Tác phẩm (tiếng Nga), t.3, tr. 4.
[15] Nam Cao - Sống mòn - H.1963, tr. 202.
[16] Tác giả bài tiểu luận này bắt gặp từ “cơm ngữ” trong một truyện ngắn của Tô Hoài. Nhà văn Tô Hoài đã giải thích từ này như sau: “Ngày trước, thợ làm thuê ăn cơm nhà chủ đến bữa không phải muốn ăn mấy bát cơm thì ăn, có những người chủ định trước với thợ “ngữ” ăn cơm, mỗi bữa chỉ được ăn bao nhiêu bát cơm”.
[17] K. Mác và F. Angghen, tác phẩm (tiếng Nga), T. 23, tr. 771.
[18] K. Mác và F. Ăngghen, tác phẩm (tiếng Nga), T. 37, tr. 352.
[19] Trích điểm nguyên lý 11 trong Mười hai điểm nguyên lý Phật giáo, tài liệu lý luận chung của Phật giáo quốc tế (bản dịch của cư sĩ Huyền Chân).
[20] Trích điểm nguyên lý 6 (tài liệu đã dẫn).
[21] Trích điểm nguyên lý 3 (tài liệu đã dẫn).
[22] F.Jullien. Une deconstruction du dehors.De la Grece a la Chine. Ou comment remonter dans le partis pris de la Raison europeenne.    Fayard 2004
[23] Xem F.Jullien, “Một giải kết cấu từ bên ngoài”, mục Những phản bác.
[24] Như trên
[25] Xem F.Jullien, “De l’universel, de l’uniforme, du commun et du dialogue entre les cultures” , Fayard, 2008,p.258
 
[26] Xem bản dịch tiếng Việt “Một giải kết cấu từ bên ngoài…”, tr.19 (chưa công bố)
[27] Xem Alain Touraine, Critique de la modernité, Fayard, 1992 p. 412.
[28] Xem Alain Touraine, Critique de la modernité, Fayard, 1992 p. 412.
[29] Đồ Chu Thăm thẳm bóng người - Tùy bút - Nxb Hội Nhà văn 2008, tr. 84, 85
[30] xem Mạnh tử, quyển hai, chương cú thượng, tiết 2
[31] Đoàn Trung Còn - Mạnh tử - Nxb Thuận Hóa, 1996, tập thượng, tr. 87
[32] Văn hóa Tây Âu (mà tiêu biểu là văn hóa Pháp) phát triển trên cơ sở của Văn hóa đế chế La Mã phương Tây còn văn hóa Đông Âu (mà tiêu biểu là văn hóa Nga) phát triển dưới ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa đế chế La Mã phương Đông (được hình thành từ t.k IV sau CN) còn gọi là văn hóa Bidăngxơ (Byzance), đế chế Bidăngxơ, vì vùng đất của Conxtantinôplơ (Constantilople), đế đô của đế chế La Mã phương Đông có tên địa phương là Bidăngxơ, Văn hóa Bidăngxơ mang đậm màu sắc của chuyên chế phương Đông. Nhà nước của đế chế Bidăngxơ mang tính chất toàn trị, nhà nước kiểm soát hầu như mọi hoạt động quốc kế dân sinh: "Tiền công của các loại lao động và giá cả của các loại sản phẩm đều được quy định bởi sắc lệnh của chính quyền", "để việc cai trị hệ thống ít tốn kém,Hoàng đế khuyến khích những người làm công và những người kinh doanh cạnh tranh nhau, tố giác lẫn nhau", "Những người làm hàng không được tự ý chọn số lượng và chất lượng nguyên liệu mình muốn mua, cũng không được phép mua trực tiếp", "không được tự mình quyết định sản xuất bao nhiêu và bán sản phẩm của mình theo những điều kiện nào"... Đế chế Bidăngxơ được miêu tả như là "Thiên đường của độc quyền, của đặc quyền, đặc lợi và chế độ gia trưởng (xem Edward Mc Nail Burns Westerz Civilizations, New York, 1963, p. 28 1). ở Tây Âu, nhà thờ sớm tách khỏi chính quyền và độc lập với chính quyền, truyền thống tự trị Đại học cũng sớm được hình thành (từ t.k XII) còn ở Nga, giáo hội lệ thuộc hoàn toàn vào Nga hoàng và phải chờ đến t.k XVIII mới có trường Đạt học tổng hợp đầu tiên, những điều kiện này giải thích vì sao những truyền thống dân chủ trong văn hóa ở Nga yếu hơn so với Tây Âu. Sự phân hóa phạm trù văn hóa Tây Âu và phạm trù văn hóa Đông Âu làm sáng tỏ tác động của giao lưu văn hóa tới sự diễn biến và hệ hình (Configuration) nền văn hóa của ta trong thế kỷ này. Từ cuối thế kỷ trước cho đến 1945, văn hóa Pháp ảnh hưởng chiều sâu và toàn diện, liên tục và có hệ thống trong cả nước (dĩ nhiên là trong những điều kiện chế độ thuộc địa). Từ năm 1945 đến 1954, ở vùng tự do, văn hóa cách mạng phản ứng với ảnh hưởng văn hóa Pháp bằng ngôn ngữ "cắt đứt quyết liệt" trong khi vùng tạm chiếm vẫn ở trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Từ năm 1954 đến năm 1975, ở miền Bắc, văn hóa Nga (Xô Viết) ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng còn ở miền Nam,ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn được duy trì, thêm vào đó có văn hóa Mỹ chủ yếu ảnh hưởng ồ ạt trong văn hóa sinh hoạt nhưng chưa kịp dẫn đến những cải tổ quan trọng ở trường phổ thông và đạo học. Sau năm 1975, văn hóa Nga được truyền bá trong cả nước và đặc biệt nửa sau những năm 80, công cuộc cải tổ ở Liên Xô gây những chấn động mạnh mẽ trong đời sống văn hóa ở ta. Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hào quang văn hóa Xô Viết bị mờ nhạt, ảnh hưởng văn hóa phương Tây tràn vào ta ở nhiều mặt, bằng nhiều con đường, ở đây có phần do chính sách văn hóa đối ngoại cởi mở hơn, chế độ xuất bản dễ dãi hơn và những phương tiện nhân bản hiện đại phổ cập hơn (photocopy, viđêô...). Văn hóa dân tộc của ta đứng trước một thách thức mới.
[33] Xem Francois Jullien - De l'universel, de l'uniforme, du commun et du dialogue entre les cultures - Fayard 2008, p. 170
[34] Alvin Toffler - The Third Wave - Bantam Books, p. 369
[35] Với trầm tư triết học và mặc tưởng tôn giáo, sự hòa nhập vào những cộng đồng nhân loại có khi vẫn chưa thỏa mãn được sự tìm tòi lẽ sống. Suy tư triết học, thiền định tôn giáo đi xa hơn nữa, tìm tòi lẽ sống trong sự hài hòa của vũ trụ, sự thống nhất của tồn tại và Đạo
[36] Xem Alain Touraine. Critique de la modernité. Fayard 1992. f. 237.
 
[37] Nhà nghiên cứu Mỹ Neil L. Jamieson, chuyên gia về văn hóa Việt Nam cho rằng: “Một trong những phạm trù bao trùm nhất và cơ bản nhất trong văn hóa Việt Nam - đúng hơn, trong đời sống Việt Nam - là cặp phạm trù vốn có lâu đời tình và nghĩa”. Ông cũng cho rằng chữ “nhân” của Khổng giáo có phần trùng hợp với chữ “tình” nhưng “mặt nào đó giá trị hạn chế hơn” (xem Neil L. Jamieson, Understanding Việt Nam, University of California Press, 1993 p. 20).
[38]  số trang đặt sau 2 trích dẫn sau đây là số trang trong tác phẩm: Nguyễn Hồng Phong. Văn hoá chính trị Việt nam Truyền thống và hiện đại. Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển & Nhà xuất bản Văn hoá thông tin xuất bản.Hà Nội .1998
 
[39] “Đạo đức - trách nhiệm” (“Moralité - responsabilité”), “Đạo đức - tín niệm” (“Moralité - conviction”) là những khái niệm của nhà xã hội học Đức Max Weber (1864-1920).
[40] Cơ sở kinh tế - xã hội, cơ sở tín ngưỡng và phong hóa, những biểu hiện tâm lý của những truyền thống cộng đồng làng xã đã được phân tích có hệ thống trong chuyên luận Xã thôn Việt Nam của Nguyễn Hồng Phong (NXB Văn, Sử, Địa 1959), một công trình nghiên cứu cơ bản về “Giải phẫu học”, “Sinh lý học”, “Tiến hóa sử” cộng đồng xã thôn Việt Nam.
[41] Xem Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Hồng. NXB Khoa học xã hội. H. 1991, tr. 184.
[42] “Dân giầu nước mạnh” đã trở thành một từ ngữ quen thuộc. Người viết bài này đã gặp từ “dân vui, nước mạnh” trong một bài báo của giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9/1990, “dân vui, nước mạnh” đã được nhà trí thức yêu nước đề lên như một mục tiêu lớn của sự nghiệp đoàn kết toàn dân dựng nước và giữ nước trong thời bình (Xem Hồng Lĩnh, tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh số 3, 1993).
[43] Chuyển dẫn từ từ điển minh triết, do Bruce Lloyd biên soạn, Bruce Lloyd’ Collection of quotations (lấy trên mạng Internet)
[44] Nicholas Maxwell (sinh năm 1937),giảng viên Công huân University College London, chuyên giảng dạy triết lý khoa học, suốt đời đấu tranh tiến hành một cuộc cách mạng trong các tổ chức Hàn lâm, Đại học : phải đảm nhiệm sứ mệnh xúc tiến minh triết, không chỉ có đơn thuần xúc tiến tri thức; tư tưởng của ông cùng một tuyến với tư tưởng của Bertrand Russel, Karl Popper (1902–1994), E.F.Schumacher (1811,1977)…
[45]Trích dẫn từ bài báo Bridging science and values: A unifying view of mind and brain (Bắc cầu nối khoa học và những giá trị: Một cách nhìn thống nhất trí và não) của Roger Pierry công bố trên Mạng ngày 2/12/2010
 
[46] Dẫn từ từ điến minh triết The Wisdom of the World do Bruce Lloyd biên soạn công bố trên mạng Wisdom Page
[47] Dẫn từ bài Knowledge and Wisdom (Tri thức và minh triết) của Bertrand Russel công bố trên mạng.
[48] Chuyển dẫn từ bài Vạn thế sư biểu của Phạm Thường Khanh –Phạm Linh Thành đăng trên Văn nghệ, số 46 (13 – 11 – 2010)
[49] Như trên
[50] Trích dẫn từ Welcome letter (Thư chào mừng), mục About us, Website Wisdom University
[51] Chuyển dẫn từ bài Nicholas Maxwell in Context
           của   Copthorne Macdonald
[52] Bertrand Russel. Bài báo đã dẫn ở trên.
[53] Dẫn từ Từ điển minh triết đã dẫn
[54] “Minh triết Chăm” ,báo cáo khoa học của Inrasara trong cuộc Hội thảo về Minh triết Chăm và những vấn đề nghiên cứu minh triết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam sẽ được tổ chức ở Ninh Thuận trung tuần tháng 2–2011
[55] Đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Minh triết và Minh triết trong kinh doanh (t.p. Hồ Chí Minh 29/8/2010)
[56] Dẫn từ Từ điển Minh triết, sách đã dẫn

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530296

Hôm nay

2168

Hôm qua

2297

Tuần này

2465

Tháng này

216992

Tháng qua

0

Tất cả

114530296