Diễn đàn

Những sai phạm văn hóa đã chạm đáy sự chịu đựng!

Năm 2009 là năm của rất nhiều những phát hiện về sai lầm trên lĩnh vực thông tin - tuyên truyền - văn hóa (gọi tắt chung là văn hóa). Chúng ta không thể hiểu nổi một đất nước có nghìn năm văn hiến, có truyền thống học hỏi và hiểu biết mà lại phạm những sai phạm rất tắc trách về năng lực, rất kém cỏi về nhận thức và, cực kỳ đáng xấu hổ về mặt chính trị. Vấn đề là ở chỗ: Phải nhìn thẳng vào sự thật đó, nếu không, né tránh và giả vờ không biết sẽ càng làm cho dư luận đau đớn, phân tâm…

Đầu năm là chuyện của cuốn sách “Ma chiến hữu” (Mạc Ngôn) do Nhà xuất bản Văn học ấn hành từ tháng 2.2008, nhưng chẳng có ai muốn nói về nó? Sự việc vỡ lở khi tạp chí Văn hóa Nghệ An phanh phui trực diện, rõ ràng những tác hại của cuốn sách độc hại này. Làm sao có thể chấp nhận chuyện sách nói “Việt Nam xâm lược Trung Quốc năm 1979” và bộ đội Việt Nam được miêu tả giống như những kẻ vô hồn, kém cỏi và thiếu nhân cách?

Tiếp đó là chuyện của tờ báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng tin hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông – cụ thể là tại Trường Sa, Việt Nam mà chẳng khác gì gián tiếp khẳng định quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa(!) Chuyện rồi cũng qua với số tiền phạt 30 triệu đồng và một cái “án” kỷ luật nhẹ hều. Không hiểu nếu một người dân thường làm như thế có bị quy vào trọng tội hay không?

Vụ Vedan nhận liền một lúc hai giải thưởng về thành tích “bảo vệ môi trường” có lẽ là sự xúc phạm đắng cay mà dư luận bị vỗ mặt không thương tiếc. Hàng loạt cơ quan chuyên ngành tham gia trực tiếp vào việc xét – phát thưởng nhưng cuối cùng thì chỉ có “cô thư ký” bị đuổi việc – chẳng khác gì chuyện “cậu đánh máy” trong chuyện kế trên. Dường như con người có trách nhiệm có quyền sai, bất kể lỗi nặng nhẹ như thế nào? Trò đùa dai với kỷ cương phép nước quả là tiếng cười đẫm nước mắt mà cội nguồn của nó, nếu không phải là sự lộng hành, vô trách nhiệm thì đích thị là sự dốt nát!
Những phát ngôn bừa bãi mà Vietnamnet đã tổng kết (25.12.2009) còn phản ánh rất rõ một điều rằng sự ưa chi nói nấy, coi thường dư luận, xâm hại tính cách văn hóa của nguyên tắc học ăn, học nói đã trở thành một căn bệnh không thể hiểu nổi! Tại sao lại không thể “hành xử theo cương vị”? “Công việc” đầu tiên của mọi nhà lãnh đạo – bất kể cương vị nào, là phải học cách để phát ngôn trước công luận cho hay, cho đúng. Đây nhất thiết phải là điều bắt buộc vì cách phát ngôn là một trong những ánh phản rõ nhất năng lực của mỗi cá nhân. Nếu cứ nói rề rà, hàng chục phút không có thông tin, cái mới, thì chỉ đạo, lãnh đạo cái gì? Chỉ có thể lãnh đạo người khác khi anh nói ra điều mà cấp dưới mặc nhiên thấy đúng và mới mẻ. Chẳng ai cần người lãnh đạo nhắc lại những điều đã cũ. Đã cũ rồi thì cần gì đến năng lực dẫn đường, vạch lối?
Chuyện nhức nhối hơn nữa là cái tấm pano dựng bên cổng một cơ quan Quận ủy ở Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng mà hình ảnh trên đó toàn là lính Trung Quốc. Ông Lê Thành Rum, TS Dân tộc học, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP HCM cho rằng anh em làm sai và đã cất bỏ đi rồi là sự “nhận lỗi” nhiều mai mỉa. Đó là một sự việc nghiêm trọng, xúc phạm đến thanh danh Anh Bộ đội Cụ Hồ và là coi thường danh dự quốc gia. Người đứng đầu ngành văn hóa – tuyên giáo (nghe đâu Trưởng Ban Tuyên giáo TP HCM cũng là một PGS-TS, đồng nghiệp với ông Rum) không được phép phạm sai lầm như thế vì thông tin, cổ động mà bất chấp sự thật thì người dân biết tin vào đâu?
Chuyện động trời ngày cuối năm là cư dân mạng toàn cầu chứng minh cuốn sách (cũng do Nhà xuất bản Văn học ấn hành 2008) Thành ngữ - Điển tích - Danh nhân tự điển của tác giả Trịnh Vân Thanh cho rằng Lý Thụy đã bán đứng Phan Bội Châu cho thực dân Pháp để kiếm tiền(!)? Đây là sự xúc phạm không thể tha thứ, không thể giãi bày và nếu im lặng, cũng là đồng nghĩa với tội ác. Dư luận không thể hiểu nổi Nhà Xuất bản Văn học là ai mà có thể in hết cuốn sách này đến cuốn sánh khác nhằm bôi nhọ đất nước, bôi nhọ lãnh tụ một cách nghiêm trọng đến mức này? Chúng ta không thể ứng xử trước sự thật bằng cách nhắm mắt, bịt tai – hay nói như dân quê tôi là cứ “nhìn mà nỏ chộ”! Những sai phạm đó phải bị nghiêm trị theo đúng cách thức mà lâu nay Nhà nước vẫn xử lý với những người xuyên tạc, tuyên truyền kích động chống phá chủ nghĩa xã hội!
 Làm văn hóa mà chẳng hiểu thế nào là văn hóa là tình trạng chung của không ít quan chức thời nay. Làm lãnh đạo mà nói năng thiếu văn hóa, nhiều bất cẩn cũng là căn bệnh của những người thiển tâm, thiếu tầm trầm trọng. Rất mong sao, năm 2010 sẽ ít đi những sai phạm đau đớn trên (không dám nghĩ là nó hết liền), để chúng ta có sự vững tin rằng xã hội nhất định sẽ tốt đẹp bởi nó được điều hành bởi những con người tốt đẹp, giỏi giang. Sự chịu đựng của con người không bao giờ là vô hạn./.
 
                                   
           
 
           
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441543

Hôm nay

2260

Hôm qua

2283

Tuần này

21447

Tháng này

216717

Tháng qua

112676

Tất cả

114441543