Đất Nghệ

Về hình thức mai táng của cư dân thời tiền - sơ sử trên đất Nghệ An

Nghiên cứu hình thức mai táng của cư dân thời cổ có một ý nghĩa rất quan trọng trong khảo cổ học. Tư liệu về mộ táng không chỉ cung cấp một số lượng phong phú các di vật được người xưa chôn theo người thân quá cố của mình gọi là đồ tuỳ táng, điều quan trọng hơn nữa là qua hình thức mai táng và các đồ vật tuỳ táng chúng ta có thể nghiên cứu được trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, nguồn gốc tộc người, đặc trưng văn hoá... của cư dân thời cổ.

Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học trong nhiều thập kỷ qua đã cho thấy cư dân trên đất Nghệ an thời tiền - sơ sử có nhiều hình thức mai táng phong phú, có những nét gần gũi với tập quán các vùng khác nhưng cũng có những nét độc đáo thú vị mới chỉ phát hiện thấy trong các di tích tiền - sơ sử Nghệ an.
Ngoại trừ những xương răng hoá thạch mang đặc trưng người khôn ngoan Homo Sapien tìm thấy ở hang Thẩm ồm thuộc huyện Quỳ Châu, những ngôi mộ cổ nhất tìm thấy ở Nghệ an là những mộ táng tìm thấy trong hang Thẩm Hoi thuộc huyện Con Cuông được khai quật năm 1972. Trong lần khai quật hang Thẩm Hoi, các nhà khảo cổ tìm thấy 3 ngôi mộ. Ngôi mộ có kí hiệu TH.72.M3 nằm ở độ sâu 0,5m, xương bị mủn nát nhiều, có vết bị băm chẻ, xương hàm có vết cháy đen, không gặp răng. Ngôi mộ này không xác định được tư thế thi hài khi chôn, căn cứ vào dấu vết băm chẻ và dấu cháy sém của xương, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường giả thiết rằng có thể có tục ăn thịt người theo một nghi thức nào đó trong thời kỳ này(1). Ngôi mộ thứ 2 có ký hiệu TH.72.M2 nằm ở độ sâu 0,4m có chôn theo những đồ gốm màu xám đen, miệng loe, đáy tròn, trang trí hoa văn chải. Hai ngôi mộ này có thể là của cư dân cổ Thẩm Hoi có niên đại cách ngày nay trên một vạn năm (10125 + 175 BP). Ngôi mộ thứ 3 tìm thấy ở Thẩm Hoi mang ký hiệu TH.72.M1 nằm ở độ sâu 0,5m. Tử thi được chôn theo tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng, đầu mộ hướng Tây Nam, hộp sọ bị vỡ mủn, răng còn nguyên. Hiện vật chôn theo có vò gốm trang trí hoa văn, cạnh vò có 1 dọi xe chỉ bằng đất nung hình nón cụt; phía bên trái tử thi có một khuyên tai bằng đá màu trắng bị vỡ. Đây là ngôi mộ của cư dân hậu kì thời đại đá mới cách ngày nay khoảng 4.000 năm.
Cũng vào mùa xuân năm 1972, các nhà khảo cổ học đã khai quật hang Chùa thuộc huyện Tân kỳ. Ngoài di tích cư trú và các di vật, trong cuộc khai quật còn tìm hấy 2 ngôi mộ, trong đó có một ngôi mang ký hiệu 70.HC.M2 nằm ở độ sâu 1,5 m, xung quanh kè đá, xương cốt còn khá nguyên vẹn, chôn trong tư thế nằm co, đầu mộ hướng Tây Bắc. Phía dưới chân chôn theo công cụ cuội ghè đẽo. Chủ nhân ngôi mộ là phụ nữ bị chết do chấn thương vùng mặt và bên hàm trái. Ngôi mộ chôn trong di tích cư trú thuộc văn hoá Hoà Bình, có niên đại khoảng trên 9.000 năm cách ngày nay ( 9.570 + 120 năm) và cũng là chủ nhân của văn hoá này. Ngôi mộ còn lại có ký hiệu 72.HC.M1, nằm ở độ sâu 0,5 m là ngôi mộ cải táng, xương xếp trong tiểu sành, có chôn theo 5 đồng tiền thời Lê, niên đại của ngôi mộ muộn vào thời phong kiến.
 Di tích, di vật và loại hình mộ táng tìm được ở Hang Chùa và Thẩm Hoi có niên đại từ 9.000 đến 11.000 năm, tương đương với những di tích Hoà Bình điển hình hiện biết ở Việt nam là những tư liệu vô cùng quan trọng để phác thảo bức tranh tiền sử giai đoạn sớm nhất của thời đại đá mới ở Nghệ an. Cũng như cư dân thuộc văn hoá Hoà Bình các nơi khác, người cổ Hang Chùa và Thẩm Hoi chôn mộ trong nơi cư trú, có ý thức cao với người thân quá cố bằng cách đặt tử thi trong tư thế nằm co, chèn đá hộc xung quanh, chôn theo công cụ đá, rắc bột thổ hoàng lên thi thể người chết.
Văn hoá Quỳnh văn là hệ thống gồm 20 địa điểm khảo cổ phân bố vùng đồng bằng ven biển Nghệ an và Hà tĩnh, có niên đại tồn tại trên dưới 5.000 năm, mang một sắc thái văn hoá độc đáo. Văn hoá Quỳnh văn là sự phát triển kế thừa văn hoá Hoà Bình và là khâu trung gian tiếp chuyển thành các văn hoá hậu kỳ thời đại đá mới như Bàu Tró, Thạch Lạc ở vùng ven biển từ Nghệ an đến Quảng bình.
Những mộ táng phát hiện trong văn hoá Quỳnh văn chủ yếu là loại mộ chôn trực tiếp xuống huyệt đất, huyệt mộ có hình tròn hoặc gần tròn, đường kính huyệt mộ khoảng 0,6m đến 0,7m , mộ cũng được chôn trong nơi cư trú. Tuy nhiên, do điều kiện vùng ven biển thời bấy giờ còn sình lầy ngập nước, do vậy người cổ Quỳnh văn đã có xu hướng chôn người thân của mình tập trung lên những gò cao, có thể hình thức nghĩa địa chung của cư dân sống ở các di chỉ kề cận đã ra đời trong thời kỳ này(2). Dựa vào hiện trạng di cốt trong mộ, chúng ta thấy rằng người cổ Quỳnh văn đã chôn người chết trong tư thế ngồi co bó gối hoặc nằm co bó gối. Đồ tuỳ táng gồm có công cụ đá ghè đẽo, công cụ xương; các dụng cụ như chày nghiền, bàn nghiền, hòn ghè; các đồ trang sức bằng đá, bằng vỏ sò ốc biển, một số đồ gốm, ngà voi và xương răng động vật khác.
Như vậy, chúng ta thấy hình thức mai táng người chết theo tư thế ngồi co bó gối hay nằm co bó gối. đã tồn tại trên đất Nghệ an từ trên một vạn năm cho đến khoảng trên dưới 5.000 năm cách ngày nay. Những ý niệm sơ khai về cái chết của con người và thế giới bên kia đã được xác lập. Hình thức mai táng người chết theo tư thế nằm co hoặc ngồi co bó gối là một táng tục phổ biến của cư dân thời đại đá mới ở Việt nam từ văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn cho đến các di tích thuộc văn hoá Đa bút, văn hoá Quỳnh văn và các di tích thời đại đá mới của một số nước khác ở Đông Nam á. Chúng ta cũng đã gặp táng tục này trong các di tích thuộc văn hoá Hoà Bình ở Hang Đắng, Mộc Long, Hang Con Moong ( Thanh Hoá); các di tích khác như Cồn cổ ngựa, Đa Bút ( Thanh Hoá), Bàu Dũ ( Quảng Nam). Các nhà khảo cổ học cũng phát hiện mộ chôn người chết theo tư thế ngồi hoặc nằm co bó gối có niên đại tương đồng trong các di tích khảo cổ vùng núi Perak ở Malaysia, Hang TamPông ở vùng thượng Lào... Việc chôn người chết theo tư thế ngồi co bó gối hay nằm co bó gối gợi cho chúng ta liên tưởng đến thế ngồi của thai nhi trong bào thai của người mẹ. Cư dân cổ thời đại đá mới đã có quan niệm sơ khai giải thích về cái chết của con người, chết là quay trở về chốn ban đầu - trở về với bào thai người mẹ - để tiếp tục được đầu thai vào kiếp khác. Tục rắc bột thổ hoàng ( màu đỏ) lên thi thể người chết là cũng theo ý niệm đó. Màu đỏ là màu của máu, màu của sự sống, màu của sự hồi sinh. Người xưa tin rằng rắc thổ hoàng lên thi thể người thân của mình khi chôn là tiếp thêm sức mạnh hồi sinh để họ sớm được đầu thai trở lại làm kiếp khác. Với quan niệm người chết đi vẫn tồn tại linh hồn nên cư dân thời cổ chôn cất người thân ngay trong nơi cư trú của mình để linh hồn người chết vẫn luôn được bên cạnh và phù hộ cho họ. Quan niệm về sự tồn tại của linh hồn sau khi chết chính là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ngày nay của chúng ta. Tục chôn theo các công cụ và đồ dùng trong sinh hoạt cho người chết cũng là do quan niệm chết không phải là hết, chết là tiếp tục '' sống'', tiếp tục tồn tại theo một dạng khác, vì vậy phải chôn theo đồ dùng, phải ''chia của'' cho người chết để họ có cái mà dùng sau khi đã chết. Tục này được bảo lưu dai dẳng về sau và biến thể thành nhiều hình thức khác nhau như tục đốt vàng mã khi cúng tế đang khá thịnh hành trong xã hội nước ta hiện nay.
Nghề làm gốm xuất hiện từ Văn hoá Hoà Bình cách ngày nay trên dưới một vạn năm nhưng được phát triển nở rộ vào khoảng dăm ngàn năm cách ngày nay về sau. Với sự phát triển của nghề làm gốm, một táng tục khác đã hình thành và phổ biến từ giai đoạn hậu kỳ thời đại đá mới, phát triển mạnh trong thời đại kim khí, đó là hình thức mai táng bằng quan tài gốm hay còn gọi là ''văn hoá mộ vò'', ''văn hoá mộ chum''. Mộ vò có niên sớm nhất trên đất Nghệ an tìm được trong di tích hậu kỳ thời đại đá mới như Đền Đồi, Cồn Đất... ở huyện Quỳnh lưu.
Thời sơ sử, trên đất Nghệ an tìm thấy nhiều táng thức đa dạng phong phú như mộ vò, mộ đất, mộ kè đá, mộ rải gốm...Những ngôi mộ này thuộc phạm trù văn hoá thời đại kim khí - thời đại Các vua Hùng đã có công dựng nước với niên đại từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ I Công nguyên. Kết quả điều tra nghiên cứu đến nay, trên đất Nghệ an đã phát hiện được gần 40 di tích thuộc thời đại kim khí; trong đó có những di tích nổi tiếng và đặc sắc như di tích Làng Vạc ở xã Nghĩa Hoà, huyện Nghĩa Đàn, di tích Đồng Mỏm ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu...
Di tích khu mộ táng Làng Vạc với đặc trưng di tích, di vật và sự phong phú của kết quả 4 lần khai quật từ năm 1973 đến 1991, tổng diện tích hố khai quật lên đến gần 1.500m2 kể từ sau khi phát hiện và đào thám sát lần đầu năm 1972, có sự phối hợp tham gia nghiên cứu của các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế đã chứng minh một cách thuyết phục rằng lưu vực sông Cả là một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của nước ta thời đại các Vua Hùng. Cho đến nay, tại khu di tích mộ táng Làng Vạc đã phát hiện và nghiên cứu tấ cả 347 mộ táng gồm các loại hình khác nhau. Số hiện vật tuỳ táng trong các ngôi mộ không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về kiểu loại và đặc sắc về tính chất văn hoá.
Nét nổi bật của khu mộ táng Làng Vạc là sự tồn tại của nhiều hình thức mai táng và sự phong phú của đồ tuỳ táng.
Mộ vò ở di tích này chiếm tỷ lệ gần một phần ba tổng số mộ được phát hiện. Người cổ ở Làng Vạc đã dùng một vò chôn đứng hoặc chôn nằm ngang, dùng hai vò quay chụm miệng vào nhau đặt nằm ngang hoặc thậm chí dùng ba vò, chiếc vò nằm giữa được ghè bỏ đáy, kết lại đặt nằm ngang trong huyệt mộ để làm quan tài mai táng người chết.
Mộ rải gốm cũng phổ biến ở Làng Vạc. Người cổ Làng Vạc đã dùng những mảnh gốm rải xuống lót huyệt mộ trước khi đặt tử thi xuống theo tư thế nằm ngửa. Sau khi lấp mộ và đắp cao gò mộ, người ta lại rải một lượt mảnh gốm lên trên gò mộ.
 Mộ kè đá là một trong những loại hình mộ táng đáng chú ý ở đây. Người ta dùng những hòn đá cuội hoặc những mảnh đá gốc để kè các biên mộ, sau khi đắp gò mộ cũng dùng các loại đá này để kè lên trên. Có những ngôi mộ công phu hơn, người cổ Làng Vạc đã dùng những tảng đá dẹt lớn để lát kè lên gò mộ như kiểu lợp mái nhà. Cũng có những ngôi mộ kết hợp vừa rải gốm vừa kè đá.
Đồ tuỳ táng trong các ngôi mộ ở di tích Làng Vạc rất phong phú, bao gồm các loại công cụ như rìu, lưỡi cày, xẻng; các loại vũ khí như rìu chiến,giáo, dao găm, nỏ; các loại đồ dùng như bát, âu, nồi, thạp, thố, muôi, chõ, dọi xe chỉ, chì lưới... Đặc biệt là những trống đồng thực dụng, trống đồng minh khí ( đồ thu nhỏ, mô phỏng đồ dùng thực để chôn theo người chết nhằm tiết kiệm kinh tế) và các đồ trang sức bằng đồng, bằng đá ngọc hoặc thuỷ tinh...
Điều đáng lưu ý về táng tục ở di tích Làng Vạc là có dấu hiệu các đồ tuỳ táng bị đập bẹp, bẻ gãy hoặc chọc thủng trước khi chôn theo người chết. Hiện tượng này khiến chúng ta nghĩ đến hình thức '' giết hiện vật" để hiện vật chết theo thì người chết mới sử dụng được. Trong khi đó có trường hợp đồ tuỳ táng là những khuyên tai bằng đá ngọc bị gãy từ trước, người cổ Làng Vạc đã khoan lỗ để nối ghép lại bằng mẩu dây đồng nhỏ. Chi tiết nhỏ này cho chúng ta thấy cư dân cổ Làng Vạc thủa các Vua Hùng đã từng hình thành ý thức tiết kiệm đáng quý.
Đồ tuỳ táng trong di tích Làng Vạc có sự cách biệt nhau rất rõ, không chỉ về số lượng hiện vật mà còn cách biệt xa về giá trị tài sản. Có những ngôi mộ chôn theo trống đồng, thạp đồng, chủ nhân được mang nhiều bao tay, bao chân gắn lục lạc bằng đồng và đồ trang sức bằng ngọc, chứng tỏ chủ nhân là tầng lớp giàu có và thế lực. Trong khi đó, có những ngôi mộ chỉ có chôn theo vài chiếc chì lưới, vài dọi xe chỉ hoặc một vài đồ gốm sơ sài, chứng tỏ chủ nhân có thân phận nghèo nàn, thấp kém. Mặc dù kẻ giàu có, quyền uy vẫn cùng chôn chung khu mộ với những người nghèo khó nhưng sự phân biệt thân phận đã thể hiện rõ ràng qua hiện vật chôn theo trong táng tục. Điều này khẳng định sự phân hoá xã hội thời này đã đến mức cao, kết hợp với nhiều chứng cứ khác, chúng ta có thể nhận thấy cơ sở hình thành nhà nước thời các Vua Hùng là thuyết phục.
Tại di tích Đồng Mỏm, tập tục mai táng có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Mộ vò ở đây cũng chiếm tỷ lệ tương đương di tích Làng Vạc, tuy số lượng và quy mô nhỏ hơn Làng Vạc rất nhiều. Loại hình mộ táng ở đây chủ yếu là mộ đất, mộ vò hay mộ nồi gốm là mộ cải táng. Như vậy, hình thức mộ cải táng đã xuất hiện từ thời sơ sử. Căn cứ vào dấu tích ngôi mộ song táng và tư thế chôn tử thi trong huyệt mộ, Gs. Hoàng Văn Khoán đã giả thiết rằng xã hội thời cư dân cổ Đồng Mỏm ( trên hai ngàn năm cách ngày nay) có tồn tại hình thức chôn sống nô lệ xuống huyệt mộ theo chủ nhân của họ khi chủ nhân qua đời để có người đi theo hầu hạ(3). Tư liệu về mộ táng thời tiền - sơ sử trên đất Nghệ an là đa dạng và phong phú. Nghiên cứu về táng tục cổ trên đất Nghệ an đã góp phần soi sáng nhiều vấn đề về nhận thức lịch sử. Tuy nhiên vấn đề còn phải được tiếp tục điều tra khảo sát và nghiên cứu nhiều hơn nữa để có nhận thức toàn diện hơn, sâu kỹ hơn. Một hình thức mai táng thời sơ sử khá phổ biến của cư dân Việt cổ là mộ thuyền hay còn gọi là mộ quan tài thân cây khoét rỗng, tuy vậy cho đến nay, táng tục này chưa được phát hiện ở Nghệ an. Cần lưu ý là táng tục mộ thuyền đã được phát hiện nhiều nơi ở Bắc bộ, Thanh hoá và ở Hà tĩnh mộ thuyền đã dược phát hiện ở Thạch Châu huyện Thạch Hà, Xuân Lam huyện Nghi xuân và Thị xã Hồng lĩnh. Điều đó cho phép chúng ta đoán định, việc phát hiện mộ thuyền trên đất Nghệ an chỉ là vấn đề cơ hội và thời gian.
          -------------------------------------------------------------
            Chú thích:
(1). Nguyễn Lân Cường: Di chỉ người cổ ở hang Chùa và Thẩm Hoi. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1972, trang 79 - 81.
(2). Xem Nguyễn Trung Chiến : Văn hoá Quỳnh văn - NXB Khoa học xã hội, Hà nội, 1998, trang 59.
(3). ). Hoàng Văn Khoán: Địa điểm khảo cổ học Đồng Mỏm... Tạp chí Văn hoá Nghệ an, số 55, Tháng 12 năm 2004, trang18 - 19.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114496449

Hôm nay

2231

Hôm qua

2310

Tuần này

21230

Tháng này

213842

Tháng qua

120308

Tất cả

114496449