Nhìn ra thế giới

“Nửa mặt trời vàng” - một cách nhìn mới về châu Phi

Sinh năm 1977 và đây mới là cuốn tiểu thuyết thứ hai, nhưng “Nửa mặt trời vàng” (NMTV) của nữ văn sĩ Adichie của đất nước Nigeria đã trở thành một sự kiện văn học không chỉ của châu Phi. NMTV xuất bản lần đầu tại Anh 8/2006 thì ngay sau đó (tháng 9/2006) đã xuất bản tại Mỹ và năm 2007 đã đoạt giải Orange (một trong những giải thưởng giá trị nhất ở Anh, với giá trị tài chánh là 30.000 bảng Anh.) Đây là lần đầu một nhà văn của “lục địa đen” giành được giải thưởng cao sang này. Với dung lượng trên 600 trang khổ lớn, chữ nhỏ, với hệ thống nhân vật đa dạng và sinh động, với bối cảnh rộng lớn mà dữ dội, NMTV có tầm vóc một bộ sử thi hoành tráng có thể được xếp cạnh những tác phẩm kinh điển thế giới.

Đọc NMTV, chúng ta liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết lừng danh “Cuốn theo chiều gió” - những mối tình cuồng nhiệt, độc đáo đan cài rất khéo léo, nhuần nhuyễn trên bối cảnh một cuộc nội chiến tàn khốc. Chiến tranh trong NMTV là cuộc thanh lọc chủng tộc, tranh giành quyền lực chủ yếu giữa người Hausa ở miền Bắc và người Igbo miền Đông Nam, sau khi Nigeria được Anh trao trả độc lập năm 1960. Cũng có thể nói cuộc chiến là hậu quả chính sách “chia để trị” của đế quốc Anh. Khởi đầu từ năm 1965, khi có khoảng ba vạn người Igbo bị giết sau một cuộc nổi loạn, rồi đảo chính luân phiên giữa hai miền và thành lập “liên bang”; cuộc chiến càng trở nên tàn khốc sau khi người Igbo ở miền Đông Nam ly khai lập nên xứ Cộng hoà Biafra năm 1967. Biafra buộc phải đầu hàng đầu năm 1970 vì bị phong toả, kiệt sức, riêng số người chết đói hơn một triệu!

Trên bức tranh rộng lớn và thảm khốc này, cuộc tình “bộ tứ” của hai chị em song sinh Kainene với nhà văn-ký giả Richard và Olanna với giáo sư Odenigbo, vừa “cổ điển”, vừa hiện đại, nhiều mê đắm mà cũng không thiếu cảnh ghen tuông vì bị phản bội, không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết mà còn chuyển đến độc giả những thông điệp có ý nghĩa về một xứ sở hình như còn bị ngộ nhận về nhiều mặt. Những buổi “tiếp tân” trong phòng khách của vợ chồng Olanna với những cuộc bàn luận về chính trị, nghệ thuật gợi nghĩ đến cảnh tương tự trong tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng như “Chiến tranh và hoà bình” - Thì ra ở “lục điạ đen” không chỉ có thất học và nghèo đói. Hơn thế, anh chàng rể da trắng người Anh - nhà văn-ký giả Richard - còn “lép vế” so với cô vợ da đen Kainene về nhiều phương diện, trong đó có cả sự “bất lực” trong chuyện chăn gối. Dịch giả Nguyễn Thị Hải Hà có lý khi cho rằng, qua cặp vợ chồng Kainene-Richard, nhà văn Adichie “đã ẩn dụ nước Anh chỉ là một thanh niên nhu nhược không bao giờ có thể chiếm hữu hay khuất phục một cô gái Phi châu.” Hai chị em song sinh xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, từng qua Anh du học, nhưng những hành động can đảm của Kainene trong việc giúp đỡ các trại tị nạn cũng như tấm lòng nhân ái bao dung của Olanna thể hiện giữa cảnh đói khát cùng kiệt của đồng bào mình cùng với việc cô nhận nuôi đứa con riêng của chồng sau một lần lầm lỡ với một cô gái nhà quê đã thực sự là “điểm sáng” trong tiểu thuyết có sức thay đổi cách nhìn tăm tối về châu Phi. Cách miêu tả vẻ đẹp bề ngoài của Olanna hẳn cũng là chủ ý của tác giả muốn tạo vòng hào quang lấn át màu da đen ít khi dành được mỹ cảm. Trong con mắt của Ugwu - người giúp việc, vẻ đẹp của Olanna là toàn bích, như là thần tượng: vừa thoạt nhìn, cậu ta đã nghĩ về cô chủ của mình: “…đáng lẽ nàng không nên đi đứng ăn nói như người bình thường , mà nên ở trong một tủ kính…” để “người ta có thể chiêm ngưỡng thân hình với những đường cong tuyệt mỹ của nàng”…

Tuy vậy, nếu chỉ với “bộ tứ này”, tác giả chưa thể tạo nên nét đặc sắc của NMTV. Nhân vật Ugwu, chú bé nhà quê giúp việc (cùng với bạn bè, bà con của chú) đã đem vào tác phẩm cả một “thế giới” phong phú đủ mọi hương vị màu sắc của đất nước Nigeria - từ món ăn, cây lá làm thuốc chữa bệnh “nam giới” cho đến những bài ca dân gian, bùa chú mê tín dị đoan… Đặc biệt, Ugwu, tuy xuất thân nghèo hèn, nhưng “thông minh bẩm sinh”, lại được vợ chồng Olanna yêu quý dạy dỗ, cho đi học, khi bị bắt lính, đã chiến đấu anh dũng, sau lúc bị thương xuýt chết, bắt đầu ghi chép những trang đầu tiên của cuốn sách “Thế giới im lặng khi chúng tôi chết”. Vào lúc Biafra sắp đầu hàng và “Lãnh Tụ” cuộc ly khai sắp đào tẩu ra nước ngoài, một người mở radio thật to vì “Lãnh Tụ” sắp diễn thuyết, nhưng Ugwu đã bảo: “Ông làm ơn tắt cái đó đi!... Tôi muốn nghe tiếng chim.” Ugwu đã “giác ngộ”, chán ngán giọng điệu phỉnh phờ của những kẻ đã đưa đất nước vào cuộc chiến tàn khốc. Sự thức tỉnh đã phải trả bằng một giá thật đắt. Bên cạnh nhà văn-ký giả Richard bất lực loay hoay không viết nổi một cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm qua hình tượng Ugwu niềm hy vọng vào một thế hệ mới của châu Phi đang vươn lên làm chủ cuộc đời mình.

Tính chất cuộc nội chiến ở Nigeria khác xa cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhưng là người đã từng xót xa trước những nỗi bất hạnh, những cảnh đau thương do chiến tranh gây ra, NMTV dễ tạo ra sự đồng cảm ở bạn đọc Việt Nam. NMTV trở thành một tác phẩm lớn không chỉ nhờ tái hiện thành công cuộc nội chiến bi thảm, nhưng việc một tác giả sinh sau cuộc chiến như Adichie vẫn sáng tạo nên một tác phẩm lớn lấy chiến tranh làm bối cảnh có thể đưa đến những “gợi ý” bổ ích cho những người cầm bút ở Việt Nam…
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521161

Hôm nay

2238

Hôm qua

2291

Tuần này

22202

Tháng này

219100

Tháng qua

121009

Tất cả

114521161