Tranh chấp về Hoàng Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc là một trong số rất nhiều tranh chấp lãnh thổ hiện đang diễn ra trên thế giới, liên quan đến nhiều quốc gia ở tất cả các châu lục. Mặc dù cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa nhưng cho tới nay, quốc tế vẫn coi đây là một khu vực tranh chấp. Do đó, hai bên vẫn tiếp tục tìm kiếm dữ liệu để chứng minh chủ quyền của mình ở khu vực này.
Không phải bây giờ câu chuyện tranh chấp chủ quyền mới được đưa ra. Trong lịch sử hiện đại, chủ quyền đối với Hoàng Sa đã từng là đề tài được báo chí Việt Nam trước 1945 bàn tới. Hai tờ báo có tên tuổi với lượng độc giả lớn là Nam Phong và Trung Bắc tân văn đều đã từng đăng tải bài viết lời lẽ đanh thép nhằm bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam. Đặc biệt trong hai năm 1932, khi Toàn quyền Đông Dương chính thức đặt vấn đề với Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, và năm 1938, khi Vua Bảo Đại ra Đạo dụ sáp nhập Hoàng Sa vào địa phận tỉnh Thừa Thiên, đồng thời cũng là thời điểm Nhật Bản nhòm ngó vùng lãnh thổ này của Việt Nam.
Năm 1932, Tạp chí Nam Phong đã phân tích các lý lẽ mà Việt Nam và Trung Quốc đưa ra về chủ quyền Hoàng Sa, từ đó đưa ra những nhận định khách quan và khoa học. Chứng cớ chủ quyền của Việt Nam trước hết dựa vào nguồn tư liệu lịch sử, so sánh sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc. Nam Phong dẫn chứng trong sử ký Việt Nam, năm 1816, vua Gia Long đã từng quản trị Hoàng Sa, đã căm cờ Việt Nam ở đó. Năm 1835 Vua lại sai người đến xây tháp và dựng bia trên những đảo này. Trong khi đó, phải đến năm 1909, tức là gần 100 năm sau, Trung Quốc mới tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa. Sách “Hàng hải chỉ nam” của Anh và Mỹ còn ghi rõ tới năm 1909 Trung Quốc mới đưa tên quần đảo này vào bản đồ hàng hải. Đặc biệt, Nam Phong còn có chứng cứ cho thấy chính quyền Trung Quốc đã từng từ chối chủ quyền đối với Hoàng Sa. Ấy là vào năm 1898, tầu Belleon và Vuojimon của Anh bị đắm cạnh Hoàng Sa, các thuyền chài người Tàu lấy trộm những miếng đồng trên tàu này, Lãnh sự Anh đóng ở Quỳnh nhai hải khẩu kiến nghị với Chính phủ Tàu, và được chính phủ Tàu phúc đáp “Đảo Tây Sa không thuộc về lãnh thổ Tàu, nước Tàu không chịu trách nhiệm việc ấy”;
Nam Phong cho rằng chứng cớ chủ quyền của nước Nam đối với Hoàng Sa là xác thực hơn vì Việt Nam tuyên bố chủ quyền sớm hơn. Nam Phong khẳng định “đảo Tây Sa quả thuộc về địa phận nước Nam, hơn một trăm năm nay, không ai dị nghị” (Nam Phong, 6/1932,tr.555).
Trong khi tranh chấp Hoàng Sa giữa Đông Dương và Trung Quốc đầu những năm 1930 vẫn
chưa ngã ngũ thì tới năm 1938 xuất hiện thêm yếu tố Nhật Bản do nước này đang nhòm ngó Hoàng Sa để có thể kiểm soát vịnh Cam Ranh. Cùng thời gian này, Vua Bảo Đại ký Đạo dụ đặt Hoàng Sa dưới quyền quản lý hành chính của tỉnh Thừa Thiên. Trung Bắc tân văn đã có bài phân tích kỹ hơn về lịch sử chủ quyền của nước Nam đối với Hoàng Sa, đăng tải trên ba số ngày 11/7, 13/7 và 17/7 năm 1938 dưới tiêu đề “Đảo Tây Sa thuộc đất nước Việt Nam từ hơn một trăm năm nay”.
Đây là một bài viết khá chi tiết về điều kiện địa lý tự nhiên cũng như lịch sử chủ quyền của
Việt Nam đối với Hoàng Sa. Trung Bắc tân văn đã đề cập đến một số nguồn sử liệu của Việt Nam liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo này. Báo này nhắc lại việc Vua Gia Long năm 1816 tuyên bố chủ quyền và sai người cắm cờ trên đảo. Tiếp theo, báo trích dẫn sách Việt Nam nhất thống chí, soạn trong đời vua Duy Tân có viết “Đảo Hoàng Sa ở về phía đông đảo Ly. Đi từ Sa kỳ nếu thuyền gặp khi thuận buồm xuôi gió thì có thể trong 3,4 ngày đến nơi được. Đảo Hoàng Sa gồm có chừng 130 đảo nhỏ, hòn này cách hòn kia độ một giờ hay một ngày thuyền. Giữa các đảo đó, có một bãi cát vàng khá rộng gọi là “Vạn lý trang sa”. Trên đảo có giếng nước ngọt. Xung quanh toàn là núi đá. Sản vật trong đó có rùa, các thứ xà cừ. Các thuyền buôn thường vào trú ở đây. Ngày xưa thường lập thành một đội gọi là “đội Hoàng Sa” gồm có 70 ngừoi tuyển trong tráng đinh làng An Vinh. Đội này, hàng năm cứ tháng ba thì bắt đầu đi ra đảo Hoàng Sa, đến tháng tám thì về, qua lạch Tư hiếu, đem về kinh thành dâng những sản vật đã tìm thấy trên đảo. Về sau lại có một đội gọi là “Bắc hải” ở dưới quyền đội Hoàng Sa và đi tìm sản vật ở đảo Côn Lôn”. Trung Bắc tân văn còn trích dẫn thêm một đoạn dài từ sách ấy, trong đó có phần nói về ngôi chùa Việt trên một đảo của Hoàng Sa. Cũng bài báo này còn cho rằng sách Nam việt địa dư thời Minh Mạng có viết về Hoàng Sa rất kỹ. Ngoài việc viện dẫn các sách lịch sử địa lý Việt Nam viết về Hoàng Sa và lịch sử công bố chủ quyền của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ này, Trung Bắc tân văn có mô tả những công trình nghiên cứu và khảo sát của người Pháp đối với quần đảo, trong đó có Cacherousset, chủ nhiệm tuần báo Eveil économique de l’Indochine, hoặc sách của Dubois de Janelgny. Về việc nghiên cứu thì có ông Krempf, giám đốc Hải học viện Nha trang đã cùng một phái đoàn ra nghiên cứu Hoàng Sa năm 1926, Lanessan cùng phái bộ đáp tàu ra Hoàng Sa thám hiểm năm 1931.
Ngày 17/7/1938, Trung Bắc tân văn một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Sau khi đã đưa ra những chứng cớ thuyết phục, tờ báo này nhấn mạnh “Có một bàn tay cứng cáp, người ta đi được xa hơn một cái túi đầy pháp luật” ý muốn nói đến sức mạnh đang lên của Nhật và Việt Nam cần củng cố lực lượng để phòng thủ cho vùng đất ngoài khơi của mình.