Tin tức

Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế VH _ TT ở cơ sở tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2002 – 2012

(VHNA): Sáng nay (21/11/2012), tại Tp Vinh, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2002 – 2012, triển khai nhiệm vụ - giải pháp đến năm 2020. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục VH cơ sở - Bộ VH – TT &DL, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành, thị, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Sở VH – TT &DL Nghệ An do ông Cao Đăng Vĩnh, Giám đốc Sở trình bày, qua 10 năm thực hiện Đề án xây dựng thiết chế VHTTTT cơ sở, đến nay toàn tỉnh có 480/480 xã, phường, thị trấn có thiết chế VH – TT và quy hoạch đất để xây dựng thiết chế VH - TT, 5.859/5.859 làng, bản, khối, xóm có thiết chế VH - TT, 675 cán bộ, công chức văn hóa xã (457 người đạt chuẩn về trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành VH – TT), năm 2011 có 542.056 hộ được công nhận gia đình văn hóa (tỷ lệ 75,2%), 2.961/5.859 làng, bản, khối, xóm văn hoá (50,6 %), 396/480 xã có nhà văn hóa (82,5%), 335/480 xã có thư viện, tủ sách (69,8%), 283/480 có phòng truyền thống. 5.182/5.859 bản, khối, xóm có nhà văn hoá, 4.057 bản, khối, xóm có sân thể thao. Từ năm 2006 đến 2012 ngân sách tỉnh đã đầu tư hơn 63 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng  thiết chế VH - TT cơ sở, ngân sách huyện, thành phố, thị xã đầu tư hơn 95 tỷ đồng, huy động các nguồn khác trên 118,4 tỷ đồng.

Đã khôi phục tổ chức được 9 lễ hội dân gian, trong đó có 4 lễ hội dân gian của các huyện miền núi; Triển khai các dự án bảo tồn bản sắc truyền thống các dân tộc; Tổ chức đưa văn hóa chuyên nghiệp về phục vụ nhân dân ở cơ sở: Đoàn ca múa nhạc dân tộc phục vụ miền núi hàng năm từ 95 - 100 buổi, Trung tâm bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ phục vụ miền núi hàng năm từ 40-45 buổi, chiếu phim phục miền núi hàng năm từ 350 - 400 buổi. Hàng năm mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức được từ 20 đến 30 buổi hoạt động VH- TT, trong đó có 3 - 6 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng; 4- 6 cuộc thi đấu thể thao.   

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Đề án nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp: 47,8% số xã, phường, thị trấn có thiết chế VH – TT đạt chuẩn, 53,62% số làng, bản, khối, xóm có thiết chế VH - TT đạt chuẩn theo quy định của tỉnh, 29% số người luyện tập thể thao thường xuyên, 19,2% gia đình thể thao. Việc thực hiện quy hoạch đất dành cho thiết chế VH - TT nhiều nơi diện tích chưa đảm bảo theo quy định, một số địa phương thiết chế VH - TT chưa phát huy hiệu quả. Việc xây dựng huyện điểm văn hóa chưa tập trung chỉ đạo đúng mức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho các hoạt động VH - TT ở cơ sở còn thiếu. Hoạt động của hệ thống thư viện, phòng truyền thống của  xã, phường, thị trấn chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác VH - TT một số xã, phường, thị trấn và các làng, thôn, bản, khối, xóm về trình độ, năng lực còn yếu. Nội dung tổ chức hoạt động ở cơ sở còn sơ sài, nghèo nàn. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng và tổ chức hoạt động còn hạn chế.

Trong thời gian tới, ngành VH – TT& DL Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp về về lãnh đạo, chỉ đạo, về đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá cán bộ, về cơ chế, chính sách xây dựng cơ sở vật chất, về thi đua khen thưởng để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao điều kiện sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

 Có 5 báo cáo tham luận được trình bày tại Hội nghị, nêu các kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quản lý, điều hành thiết chế VH – TT cơ sở.

Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 75 phường, xã, thôn bản, khối phố có thành tích trong phong trào xây dựng đời sống VH – TT cơ sở 10 năm qua.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520851

Hôm nay

2219

Hôm qua

2339

Tuần này

21892

Tháng này

218790

Tháng qua

121009

Tất cả

114520851