Tin tức

Hội thảo về Đông Các Đại Học Sĩ Cao Xuân Dục

VHNA: Sáng 6/12/2012, tại Tp Vinh, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục (1842- 1923) nhân kỷ niệm 170 năm sinh của ông. Đông đảo các nhà nghiên cứu, đại diện các ban ngành cấp tỉnh, huyện Diễn Châu và dòng họ Cao Xuân đã đến tham dự, tham luận.

Có 35 bản tham luận về 3 chủ đề chính: Cao Xuân Dục- cuộc đời và con người; Sự nghiệp giáo dục và văn hóa; Danh nhân Cao Xuân Dục với quê hương Nghệ An. Các tham luận đều khá thống nhất nhận định, Cao Xuân Dục xứng đáng là nhà giáo dục tầm cỡ có tư tưởng tiến bộ, danh nhân văn hóa với nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực lịch sử, địa chí, giáo dục, triết học…thời cận đại, tiếp nối các danh nhân văn hóa trước đó như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú…và góp phần đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học xã hội phát triển trong thế kỷ XX. Trong sự nghiệp làm quan, tuy chỉ đỗ cử nhân nhưng với tài năng, đức độ của mình, Cao Xuân Dục đã thăng tiến từng bước trên quan lộ đến cấp cao nhất trong triều chính. Khác với nhiều quan lại đương thời, hoặc ôm gót thực dân bị dân chúng khinh miệt hoặc từ bỏ quan trường phẫn chí với đời, cụ có con đường đi riêng là phục vụ triều chính để có cơ hội giúp dân giúp nước trên nhiều lĩnh vực văn hóa, không để bọn nịnh thần hại dân, hại nước. Nhiều tham luận nêu lên nhiều tư liệu lịch sử về sự “cứu giúp” của cụ Đông các tới các sỹ phu yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc…cả về đường khoa cử và cả trong hoạt động yêu nước. Một chi tiết khiến tên tuổi cụ một thời gian dài giới nghiên cứu ngại nhắc đến là vào năm 1889, cụ được cử làm Tán lý quân vụ tham gia đàn áp khởi nghĩa Bãi Sậy, đây thực sự là tình thế khó xử khi một vị quan có tinh thần dân tộc, thương dân phải đối nghịch với người dân yêu nước nhưng cách hành xử của cụ là rất văn hóa, tìm cách thuyết phục nghĩa quân ra hàng và không truy cứu họ nên người đương thời không lên án cụ điều gì.

Hội thảo cũng nêu nhiều đề xuất thiết thực như tiếp tục việc sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu các tác phẩm của Cao Xuân Dục, tôn tạo các di tích tại quê nhà xã Diễn Thịnh, đặt tên đường phố, trường học…mang tên danh nhân Cao Xuân Dục. Dịp này, dòng họ Cao Xuân đã trao tặng cho Thư viện Nghệ An một số sách dịch tác phẩm của danh nhân Cao Xuân Dục.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520858

Hôm nay

2226

Hôm qua

2339

Tuần này

21899

Tháng này

218797

Tháng qua

121009

Tất cả

114520858