Đất Nghệ

Vinh - Thành phố tuổi thơ tôi [2]

II.  NGỌT NGÀO TUỔI THƠ

NGÀY HÈ VÀ NHỮNG DÒNG SÔNG   

Ai cũng biết mùa hè ở Vinh là mùa gió lào cát trắng. Nóng hừng hực như thiêu suốt ngày từ năm sáu giờ sáng đến tận đêm khuya còn chưa hết. Những ngày đó chỉ có tắm (đúng hơn là được ngâm mình vào trong nước) là nhất. Nhưng người lớn thì thì giờ đâu. Chỉ có bọn trẻ vô công rồi nghề  chúng tôi (hồi đó học hành nhẹ nhàng lắm chứ không phải như bây giờ, cha mẹ thì bận công việc làm ăn không ai quản) là có đủ thời giờ thôi. Và chúng tôi đã tận dung thời gian có được trong ngày để… tắm sông. Có thể nói về mùa hè trò chơi thú vị nhất của lũ trẻ là tắm sông.

Ngày ấy bọn trẻ ở Vinh có mấy “bãi tắm” lớn là hồ tắm (“hồ Tây”), sông cửa Tiền, sông Xóm Củi và sông Cầu Đen. Sông Cầu Đen thì hơi xa (trong con mắt tôi hồi ấy thì nó xa lắm nhưng bây giờ nghiệm lại thì cũng chỉ khoảng cây rưỡi, hai cây số đổ lại là cùng), thành ra chỉ khi nào hứng chí lắm chúng tôi mới rủ nhau ra sông Cầu Đen. Còn lại, bọn trẻ thường tập trung ở hồ tắm, sông cửa Tiền (ngay cầu cửa tiền, sau lưng chợ cũ) và khúc sông xóm củi. Hồ tắm vốn được dùng riêng cho người Pháp (nên còn được gọi là hồ “Tây”), nay “thuộc” về  mấy đứa những xóm thuộc khu dưới của khu phố hai  như 7,8,9…. (Ở hồ tắm này tôi cũng có một kỷ niệm: năm học lớp 1, một buổi đi lao động về cả bọn rủ nhau ra tắm ở hồ tắm, tôi bị thằng Ngạch đen “dụ dỗ”: ra ngoài xa nó sẽ tập bơi cho. Thằng này hơn tôi ba bốn tuổi, cao hơn tôi đến một cái đầu nhưng học cùng lớp với tôi nên tôi tin lời nó, sau khi dìu tôi ra hơi xa xa nó buông tay, một mình bơi ngược trở vô, để mình tôi quẫy đạp, may mà cuối cùng cũng vào được, sau khi đã uống đầy một bụng nước hồ. Tôi chửi nó vô kể, còn nó thì cười hì hì: “Rứa mới mau biết bơi…”)... Sông Cửa tiền thì có bọn các  xóm 4,5,6…, khúc sông chỗ này chảy mạnh lại sâu nên hầu như năm nào củng có đứa chết đuối (hồi ấy trẻ con thành phố đâu có điều kiện tập bơi như bây giờ). Vì thế chỉ những đứa bơi giỏi và thích cảm giác mạnh mới hay tắm ở đây. Sông Cửa tiền chảy qua chợ mới thì tách ra làm hai: nhánh chính chảy qua đồng Tháng năm rồi nhập với sông Cầu đen để về gặp sông Lam ở sau rú Quyết, một nhánh thì hình thành một khúc sông cụt, tận cùng ở xóm 5 khu phố 3, chỗ xưởng gỗ Thống Nhất: sông xóm củi. Sông xóm Củi là bến của các loại hàng nặng nề cồng kềnh như tre nứa, gỗ, mây song từ các huyện miến núi đem về chợ Vinh và cũng là nguồn cung cấp gỗ chính cho xưởng đóng thuyền và hợp tác xã Thống Nhất. Khúc sông này rộng chùng hơn hai mươi mét lại không sâu lắm, lúc nước lên mới lút đầu người lớn lúc nước xuống có thể lội qua dễ dàng. Thật là một bãi tắm lý tưởng cho bọn trẻ, những đứa biết bơi có thể dùng các mảng bè làm cầu nhảy , những đứa bơi kém hoặc không biết bơi thì dùng làm phao… . Thằng Hồng bạn tôi hầu như trưa nào cũng ra ngâm mình ở sông Xóm Củi mãi đến khi trời ngả bóng mới về, và cũng không ít lần nó suýt chết đuối ở đây. Vậy mà nó vẫn sống nhăn, đang dạy ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Những lúc vui chuyện nó hay nói với tôi: “…sống chết là có số mày ạ! Nếu không tao đã chết mấy đời ở sông Xóm Củi rồi…”.

 Suốt ngày đầm mình trong nước chúng tôi bày những trò nghịch tinh: thi bơi, nhảy “bông dông” từ trên cầu xuống, đuổi bắt nhau… (nghĩa là tất cả những trò mà bất cứ những đứa trẻ tắm sông nào có thể nghĩ tới), ngâm cho đến khi bợt bạt cả người ra. Mệt quá thì trở lên bờ kiếm trò khác, ráo mình mồ hôi bắt đầu rớm thì lại nhảy xuống sông. Lũ trẻ cứ thế mà “tiêu dao” hết mấy tháng hè nóng nực.

Ấy là nói chung cho bọn trẻ ở Vinh. Riêng bọn trẻ ở khu Cổng Chốt chúng tôi thì có hơi khác. Chỗ chúng tôi có thể coi là điểm kết thúc của nội ô thành phố, bắt đầu vào ngoại ô nông thôn nên đến những điểm tắm trung tâm như hồ tăm, sông xóm củi hơi xa vì thế chúng tôi cũng ít đến. Nhưng cái quan trọng nhất là chúng tôi đã có điểm tắm riêng của mình: sông Cầu Rầm.

Tôi không nhớ sông Cầu Rầm bắt đầu từ đâu, nhưng nhớ là nó chảy qua xóm Yên Nghị (là nơi chúng tôi hay tắm) rồi về gặp sông Cửa Tiền ở phía sau nhà thờ Cầu Rầm (có lẽ tên sông Cầu Rầm bắt nguồn từ đó). Phía trên bờ sông có một ngôi đền cổ đã đổ nát từ lâu, chỉ còn lại một cổng tam quan, ngoài cổng tam quan, sát mé sông là một cây bàng thật lớn chĩa cành ra mặt sông. Dưới gốc bàng ấy là bãi tắm của chúng tôi. Khúc sông chỗ ấy rộng chỉ khoảng hơn hai mươi mét, không sâu lắm (chỗ sâu nhất chỉ vừa lút đầu người lớn), bãi tắm lại lài, nhiều cát nên những đứa không biết bơi cũng có thể tắm được, thật là một bãi tắm lý tưởng cho bọn trẻ. Tắm chán, mệt thì lên bờ rồi trèo cây bàng hái quả, qủa chín thì ăn vỏ rồi đập hột lấy nhân, quả già thì chỉ đập lấy nhân thôi. Tôi còn nhớ cây bàng đó quả to mà ngon lắm, vỏ dày, khi chín thì ngọt lừ, nhân bùi bùi beo béo, không quên được (hay bởi hồi ấy nghèo đói quá nên quả gì ăn được cũng thấy ngon). Trò trèo bàng này thì nhất thằng Nghĩa: nó có thể trèo mút ra những cành bàng chỉ bằng ngón chân cái để tìm hái những quả bàng đực, là những quả mọc riêng rẽ, cực ngon và thơm). Không phải mùa bàng thì cùng nằm lăn ra trước cổng tam quan hay chạy đuổi bắt nhau trong khu vực đền.

Nhân nói chuyện tắm sông tôi bỗng nhớ tới một việc chưa bao giờ được nói ra nhưng vẫn hằn sâu trong ký ức tôi:

Dạo ấy nhà tôi đã chuyển về dưới Hưng Dũng (ngoại ô thành phố) nên có thêm một chút đất có thể trồng rau màu. Vả lại tôi lúc này đã hơi lớn nên không được chạy nhảy chơi không như trước nữa, mà được giao làm một số việc như cuốc đất trồng rau hay gánh đất đắp vào gốc những cây đu đủ quanh nhà… Hôm đó tôi rủ hai thằng bạn thân là thằng Thắng (bây giờ dạy ở khoa ngữ văn trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội), thằng Đường (thằng này thì từ ngày xa nhau năm sáu lăm (1965) là biệt vô âm tín luôn) ra đồng Tháng Năm, chỗ có con sông Cầu Đen, cắt rạ. Thực ra, cắt rạ chỉ là cái cớ, cái chính là chúng tôi muốn được ra sông tắm để vùng vẫy cho thoả thích. (Ở Hưng Dũng không có sông chỉ có cái hồ Gon đầy một thứ rong để nuôi lợn, với chúng tôi chẳng được tích sự gì). Cắt rạ xong tôi hét: “Xuống tắm bay ơi!...”. Thế là cả ba đứa nhào xuống sông. Tôi bơi giỏi nhất nên vượt lên trước, qua được nhịp cầu cuối cùng phía bên kia, bỗng nghe thằng Thắng gọi: “Kỳ ơi…, thằng Đường mô rồi nớ…”. Tôi nhìn lại, quả thật thấy mất tăm thằng Đường. Nhìn xuôi xuống một quãng tôi thấy cu cậu đang chới với giữa dòng (quê tôi gọi là “giã gạo”). Thì ra trời gió nam, sóng lớn tạt vào mặt, thằng Đường hoảng, buông tay không bơi được nữa nên bị nước cuốn đi. Tôi vội lao xuống, gần đến nơi, thằng Đường thấy tôi,  mừng quýnh, định níu lấy. Tôi hét lên: “Mi mà đeo tau, tau bơi vô liền, mặc kệ mi…”. Nói rồi tôi đạp cho nó một cái khiến nó duỗi người ra. Tôi liền nắm lấy tóc nó, vừa bơi vừa kéo nó vào bờ. Vào đến bờ, cả hai nằm thừ ra một lúc thật lâu sau mới tỉnh hồn trở lại. Chuyện này bọn tôi giấu nhà tới tận bây giờ.

Trở lại chuyện tắm sông Cầu Rầm. Sau cả buổi trời đằm mình dưới nước, đến nỗi các ngón tay cũng nhăn nheo cả lại, chúng tôi mới chịu lên bờ. Có hôm chợt nổi hứng, vừa lên bờ xong, một đứa nào đó (thường là thằng Nghĩa) kêu lên: “Vô chùa Sư Nữ chơi bay ơi!...”. Thế là cả bọn rùng rùng (khi ít thì bốn năm đứa, nhiều thì cả chục, có đứa đang mặc quần đùi, cởi trần trùng trục cũng đi luôn) kéo nhau tắt ngang qua cánh đồng phía bên kia đẻ tới chùa Sư Nữ.  Chúng tôi lên chùa Sư Nữ vì chùa có sư Niệm.

Trong trí nhớ của tôi thì chùa Sư Nữ là một ngôi chùa nhỏ, cổ kính nằm phía trái đường lên Hưng Nguyên, Nam Đàn cách đình Làng Vang chừng vài trăm thước. Chùa chỉ có một vị sư duy nhất trụ trì: sư Niệm. Tôi không nhớ sư Niệm người ở đâu và vì sao lại đi tu. Chỉ biết là sư trẻ và đẹp lắm (sư đẹp đến nỗi nhiều năm sau khi sư vào chùa, các bà vãi vẫn phải cắt cử người ra ngủ chung với sư để đề phòng những thằng đàn ông bất lương). Chúng tôi lên chùa để được chạy nhảy, đuổi bắt trong bóng mát của những cây bồ đề, cây đại cổ thụ hay những cây phi lao to lớn toả bóng xuống sân chùa. Mà lạ gì lũ quỷ chúng tôi, đi đến đâu là phá phách đến đến đấy: leo cây, ném đá, nằm lăn cả ra cỏ, lắm khi còn làm bể cả bồn hoa, châu cảnh, thậm chí có khi còn đái vào cả những nơi không được đái. Nhưng sư Niệm hiền lắm, người không bao giờ la mắng (như nhiều người tu hành trong một số ngôi chùa bây giờ). Khi bắt gặp bọn trẻ (đang lúc hiền lành) vui chơi, người mỉm cười vui vẻ. Gặp khi chúng nghịch ngợm, người vẫn nhìn với vẻ bao dung. Chỉ khi mấy đứa nó phá phách quá sư mới cúi mặt buồn rầu và kêu lên nho nhỏ: “Các em đừng làm thế, tôi buồn lắm…”. Những ngày rằm, mồng một mà gặp lúc chúng tôi lên chùa sư thường vui vẻ đưa lộc phật ra cho hưởng, khi thì nải chuối khi thì mấy phẩm oản. Dần dần sư đã cảm hoá được bọn trẻ, về sau bọn nó (và cả tôi nữa) đỡ phá phách hẳn ra…

Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy tuy lúc ấy chỉ hơn chúng tôi chừng chục tuổi, hơn chục tuổi (chỉ đáng là bậc đàn chị chúng tôi thôi) nhưng sư Niệm đã có dáng dấp của một bậc cao tăng. Thực sự sư đã hiến trọn đời mình cho đạo, cho dức Phật, không để lại một điều tiếng xấu gì.

Năm 2008 trở lại Vinh, mang nặng những kỷ niệm ngày trước về chùa Sư Nữ, tôi ghé thăm chùa. Nhưng tôi thật sự thất vọng, thất vọng không phải vì không thấy lại người xưa (sư Niệm viên tịch đã khá lâu, điều này tôi biết). Mà thất vọng vì chùa khác xưa nhiều quá: Phần mới xây dựng thêm rộng gấp hai gấp ba chùa cũ, trang trí, bài trí càng đẹp hơn xưa (nhưng theo ý tôi thì phải gọi là loè loẹt hơn mới chính xác). Dù không phải là ngày lễ lạt nhưng tín đồ vẫn ra vào nườm nượp, đông gấp nhiều lần ngày xưa… Không còn đâu cái không khí u tịch thiêng liêng của một ngôi chùa nhỏ ngày trước…

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450326

Hôm nay

266

Hôm qua

2292

Tuần này

21871

Tháng này

216585

Tháng qua

120141

Tất cả

114450326