Đất Nghệ

Vinh - Thành phố tuổi thơ tôi (5)

NHẤT QUỶ NHÌ MA...

Đã định không viết, vì chuyện nghịch ngợm quỷ quái của học trò vốn như người ta thường nói là “ xưa như trái đất” (có lẽ nó đã có từ thưở có lớp học đầu tiên và đứa học trò đầu tiên, cách đây hàng ngàn năm). Vả lại trong tập bút ký này tôi cũng đã rải rác nói về chuyện ấy rồi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng cần viết thêm vài chuyện.

Tôi mê đọc sách từ nhỏ, nổi tiếng có thể đọc sách bất cứ nơi đâu và bất cứ giờ nào. Tôi có thể cầm quyển sách vừa đi vừa đọc từ nhà đến trường và từ trường về nhà mà không hề vấp váp vào ai và vào cái gì (ấy là ngày xưa, xe ít người ít chứ như bây giờ thì chắc không sống nổi một ngày). Đọc ngoài lớp không đủ tôi đem cả sách vào lớp để đọc. Vì chuyện đọc sách trong lớp mà tôi đã đánh thằng Vũ Ngọc Luân (lớp trưởng của tôi lúc ấy) vì nó tố cáo với cô và tôi bị tịch thu mất quyển “Chiếc khuy đồng” tôi vừa mượn được, hậu quả là tôi bị đuổi học mất một tháng và cuối năm ấy phải ở lại lớp.

Mê sách thì mê vậy nhưng nhà thì không lấy gì làm khá giả, anh chị lớn không có, cha mẹ lầm lụi vì công việc không chú ý gì đến nhu cầu sách vở của con cái. (tôi còn nhớ suốt đời cha tôi chỉ mua cho tôi hai cuốn sách là “Sống như anh” và “Bất khất”,khi cha tôi đã về hưu và đúng vào những năm sáu bảy (1967) sáu tám (1968) là những năm rộ lên phong trào học tập Nguyễn Văn Trỗi va Nguyễn Đúc Thuận). Nên có thể nói hồi ấy cái thiếu làm tôi khổ sở nhất là thiếu sách, vì thế cứ có thì giờ rảnh là tôi lại đến thư viện để đọc sách. Lúc ấy cả thành phố chỉ có một thư viện duy nhất nằm ở vườn hoa trung tâm. Trong thư viện có một phòng đọc dành riêng cho thiếu niên không cần thẻ bạn đọc, tôi thường xuyên rủ thằng Thắng đến đây đến nỗi hầu như các cô thủ thư đều nhẵn mặt chúng tôi. Nhưng các cô không ngờ rằng chúng tôi đến để đọc sách thì ít mà ăn cắp sách thì nhiều. Có điều chỉ có tôi là dám ăn cắp sách bất cứ khi nào có thể, cón thằng Thắng vốn nhát gan lại là con thầy giáo nên sau một vài lắn an cắp hắn thấy sợ hãi hay áy náy sao dó nên không dám nữa. Theo con mắt quan sát sát của tôi hồi ấy thì không chỉ có mình tôi mà còn một vài đứa nữa cũng lám cái trò “hô biến” sách của thư viện. Trẻ con thì quỷ quái mấy cô thủ thư lại hiền lành thật thà nên dễ dàng bị qua mặt. Sách trong phòng bày đầy một dãy bàn dài cho người đọc (là bọn trẻ con chúng tôi) tự chọn. Thường thì tôi đảo qua đảo lại các cuốn sách trong hàng, mang từ hàng này qua hàng khác gọi là chọn sách, (làm như thế để mấy cô thủ thư trong nhất thời không phát hiện ra thiếu những quyển nào ở hàng nào). Nhìn tới nhìn lui nhằm lúc cô thủ thư không để ý liền lấy luôn một lúc hai cuốn ( có ai lại đọc một lúc hai cuốn sách bao giờ). Chọn một góc khuất, tôi giở ra một cuốn để ngay ngắn trước mặt rồi loay hoay giấu cuốn kia vào người. Tôi nhiều chỗ giấu lắm: giắt vào lưng, giắt vào bụng, vào đùi (buộc sẵn ở đùi một vòng dây cao su, khi cần thì vén ống quần bà ba rộng thùng thình lên giắt sách vào, thế là yên). Suốt hai năm học  cấp hai ở Vinh, thư viện thành phố đã mất cho tôi đến vài ba chục cuốn sách là ít.

Một lần thật không may, tôi bị “tổ trát” (nói theo kiểu người miền Nam bây giờ) sau khi giấu sách sau lưng, giả vờ ngồi đọc một hồi, tôi trả cuốn sách đang đọc và ra về. Sắp ra đến cửa bỗng nghe tiếng gọi của cô thủ thư: “Em tê..em tê...”, tôi hơi giật mình nhưng vẫn nghĩ là cô gọi ai (vì trong phòng vẫn có nhiều đứa dang đọc) nên vẫn thản nhiên bước tiếp. Nhưng tiếng gọi giật giọng của cô: “Em đang đi ở cửa đó, quay lại...) làm tôi không thể thản nhiên được nữa, đành quay đầu nhìn lại với bộ mặt thật thà nhất trên đời:

- Chi rứa chị?

- Em giấu cái chi sau lưng đó, vô đây..

Thì ra sau khi giắt quyển sách vào sau lưng tôi vô tình để áo gấp vào giữa sách và lưng mà không để ý. Khi ra cửa cô thủ thư dù vô tình nhìn thấy thì cũng phát hiện ngay ra...đứa kẻ cắp. Biết là bị lộ rồi tôi vội vàng rút quyển sách ra, vất tọt xuống đất rồi cắm cổ chạy... Từ đó tôi cạch, không ám bén mảng đến thư viện nữa...

... Một lý do quan trọng nữa để tôi viết thêm phần “nhất quỷ...” này là món nợ tinh thần của mấy đứa bọn tôi đối với cô Cúc, cô giáo dạy tiếng Nga chúng tôi hồi lớp năm.

Bàn chúng tôi có bốn đứa: thằng Lê Kỳ, thằng Trần Ngọc Hồng, thằng Bùi Thắng (đã có dịp nói về nó ở trên) và tôi. Hôm ấy đang giờ của cô Cúc, cả lớp đang chăm chú nghe giảng, bỗng nhiên thằng Lê Kỳ tuồn sang cho thằng Hồng một tờ giấy vẽ hình một người con gái mà chỉ thiếu mấy cái răng vổ nữa là giống hệt cô Cúc.(thằng Lê Kỳ là học sinh miền Nam tập kết, là “con nhà”, học giỏi lại rất có hoa tay về vẽ. Có điều từ ngày chia tay vì chiến tranh chúng tôi bặt tin nó đến tận bây giờ). thiếu thì cho thêm, thằng Hồng liền vẽ vào đó mấy cái răng vổ rồi chuyển cho thằng Thăng. Thằng Thắng ngu ngốc, còn sợ người ta không biết người trong bức vẽ là ai nên viết thêm vào đó hai chữ “cô Cúc” rồi chuyển cho tôi. Tôi còn ngu ngốc hơn khi lấy tay bịt đi hai chữ cô Cúc rồi quay lại hươ hươ trước mặt bọn bàn dưới: “Tau đố bay ai đây?...”. Thế là cả hai bàn cùng bịt miệng lại cười. Đang cười như thế tôi bỗng thấy cả bọn nín bặt rồi tờ giấy trên tay bị ai lấy đi mất, giật mình quay lại tôi hết hồn vì cô Cúc đang cầm tờ giấy trên tay. Cô nhìn qua tờ giấy rồi thản nhiên gấp lại quay về bàn giáo viên để vào giữa quyển giáo án rồi tiếp tục giảng như không có chuyện gì xảy ra. (Tuy thế sau này nghiệm lại tôi thấy hình như có một khoảnh khắc rất nhanh mặt cô hơi tái đi). Cuối giờ học cô bảo mấy đứa bọn tôi ở lại và nói nhẹ nhàng: “ Các em lo học đi đừng ngồi vẽ bậy vẽ bạ trong lớp nữa... có hứa với cô không?...”.

Tất nhiên cả bọn chúng tôi cúi gầm mặt và lí nhí hứa với cô... Chuyện chỉ đến đây rồi thôi không có gì xảy ra về sau nữa cả, mặc dù chúng tôi mất nhiều ngày lo lắng.

Chuyện ấy mà xảy ra bây giờ (mà không phải chỉ bây giờ, nếu ngày ấy chuyện xảy ra với một ai khác chứ không phải là cô Cúc) thì đã thành to chuyện rồi, vì đó là một lỗi rất nặng. Nhẹ ra cũng phải cảnh cáo trước trường hoặc phải mời cha mẹ đến “làm việc” thì mới được vào lớp. Thậm chí nếu có ai đó nâng lên thành hành vi nhục mạ giáo viên thì có khi chúng tôi bị đuổi học cũng nên. Nhưng mấy đứa kia thì còn hy vọng bị cảnh cáo này nọ (nếu chuyện được đưa ra hội đồng nhà trường) chứ với riêng tôi thì bị đuổi học là cái chắc vì cách đó không lâu tôi đã bị cảnh cáo dưới cờ rồi.Số là hồi ấy ở Vinh mỗi dịp gần tết có phong trào chơi “súng diêm”: một miếng gỗ được cắt theo hình báng súng lục, nòng là một đoạn gọng ô, bộ phận nổ là một “van” xe đạp, có kim hỏa đàng hoàng. Khi bắn thì nhồi thuốc diêm vào van, nện chặt rồi kéo kim hỏa lên nấc sau của báng súng (kim hỏa được tạo lực bằng một giây cao su mạnh, thường được làm bằng “săm” xe đạp), rồi đẩy ngược cho kim hỏa bật khỏi nấc giữ và đập vào thuốc diêm  trong van.

Tiếng nổ của súng diêm to lắm, to hơn tiếng pháo tép nhiều. Lại nữa, khi mang khẩu súng ấy bên người ta (lúc còn là một đứa trẻ, tất nhiên) thường có cái ảo giác là đang mang vũ khí bên mình, tự nhiên thấy mình “oai vệ” hẳn ra. Vì thế lũ trẻ chúng tôi đua nhau làm, chỉnh sửa trang trí sao cho súng của mình phải đẹp hơn và nhất là phải nổ to hơn của những đứa khác. Đi đâu chúng tôi cũng mang nó kè kè bên mình, đi chơi súng nằm trong túi, đi học nó nằm trong cặp sách.

Hôm ấy vào đầu một tiết học (tôi không nhớ là tiết gì), cả lớp đang yên lặng chuẩn bị nghe bác Tường (lao công của trường) đọc thông báo thì bỗng nghe một tiếng nổ “đòang” như sét đánh. Tôi nói như “sét đánh” dù có hơi quá một tý nhưng quả thật tiếng nổ to lắm vì tiếng súng vốn đã to lại ở trong một không gian khá hẹp lại đang yên lặng nên nó vang lên ghê gớm. Cả lớp như bị điện giật đều hướng về phía có tiếng nổ thì phát hiện nó xuất phát từ nòng khảu súng của... tôi. Thế là tôi bị cảnh cáo toàn trường. Cả thấy cô và bạn bè không ai (kể cả những thằng bạn thân như thằng Hồng, thằng Thắng) tin rằng phát súng ấy của tôi là vô tình. Nhưng thề có trời đất, tôi không hề cố ý. Tôi chỉ không nhớ đã nhồi thuốc vào súng từ lúc nào, ham quá lại nhân khi thầy không giảng bài, tranh thủ kéo kim hỏa lên và bật để có thể nghe tiếng kim hỏa đập vào van cho đỡ thèm (theo cách nói của Nam bộ bây giờ là cho đỡ ghiền) không ngờ dẫn đến việc động trời ấy...

Lớn lên, trưởng thành rồi, có dịp quay đầu nhìn lại, chúng tôi mới hiểu được nỗi đau sâu kín nhất của người con gái mà trời đã bất công không ban cho họ sắc đẹp và nhất là đã thấm thía được tấm lòng độ lượng bao dung của cô chúng tôi lớn đến chừng nào. Chỉ tiếc rằng từ ngày chiến tranh xảy ra chúng tôi không được gặp lại, cũng không được tin tức gì về cô.

Cô ơi, dù không được gặp lại cô nhưng những gì cô đã làm cho chúng em không hề uổng đâu cô, tấm lòng vị tha của cô đã ngấm vào máu thịt tụi em trong suốt quãng đời còn lại, giúp cho tụi em tin vào cuộc đời ngay cả trong những ngày gian khó nhất và sống với cuộc đời tốt đẹp hơn.

 

CU ĐỒ VÀ CHÚNG TÔI

 Ở Vinh vào những năm cuối thập niên năm mươi đầu thập niên sáu mươi có một nhân vật đăc biệt mà những đứa trẻ lứa tuổi tôi không thể nào không biết: Cu Đồ. Nhân vật này đặc biệt không phải vì một cái gì nổi trội như giàu sang hay quyền thế (nếu như thế thì chúng tôi đã không thèm biết rồi), mà đặc biệt vì đây là một người đàn bà điên.

Không ai biết Cu Đồ là người ở đâu và đến Vinh từ lúc nào. Người ta đồn rằng Cu Đồ là con nhà khá giả, được học hành tử tế, đã đỗ bằng “Thành chung”, thậm chí là “Tú tài” của Pháp nhưng bị phụ tình mà phát điên rồi trôi giạt đến Vinh. Điều đó có lẽ có phần đúng, vì trông chị ta khá sạch sẽ, gương mặt sáng sủa, tóc cắt ngắn kiểu con trai (có lẽ vì thế mà được người ta gọi là “cu Đồ” dầu chị ta là gái). Chị ta lại nói tiếng Pháp rất giỏi, trên tay luôn cầm một tờ báo tiếng Pháp (tất nhiên là đã cũ từ thưở nào).

Tôi đã có lần thấy chị ta vùa đi vừa đọc to lên thành tiếng tờ báo tiếng Pháp đang cầm trên tay và có người đi đường biết thứ tiếng này vừa lắc đầu như thương hại vừa khen: “Tội nghiệp… tiếng Pháp chuẩn lắm!...”. Bình thường người ta chỉ thấy Cu Đồ tay ve vẩy tờ báo, miệng nói lảm nhảm gì đó không rõ thành tiếng, tạo cho người mới gặp lần đầu cảm giác: “Người này hơi ngây ngây…” ( “ngây ngây” là từ mà hồi đó người ta dùng để chỉ những người hơi ngơ ngẩn, đầu óc có chút không bình thường). Chỉ khi gặp một người đàn ông đẹp trai, ăn mặc lịch sự, hơi có vẻ trí thức một chút thì tính điên của Cu đồ mới lộ rõ. Những khi ấy thế nào chị ta cũng nhào đến, ôm chầm lấy ngưới ấy mà kêu lên: “Đây rồi… anh của em đây rồi!…”, rồi chị ta khóc: “Răng anh lại bỏ em mà đi?…”. Người đàn ông nếu là lần đầu đến Vinh, chưa gặp chị ta bao giờ thế nào cũng hoảng lên, giãy ra và bỏ chạy, nhưng càng chạy thì Cu Đồ càng đuổi theo. Nếu là người quen với cảnh này thì sẽ để mặc chị ta vuốt ve sờ vai, sờ mặt một lúc thì thế nào chị ta cũng nhận ra, miệng lẩm bẩm: “Ơ… anh… không phải anh…” và bỏ đi với dáng điệu xấu hổ của một người đã nhận lầm người.

Tuy điên như vậy nhưng có lần người ta lại thấy sự lạ là Cu Đồ có thai. Khi cái thai đã thật lớn, tự nhiên Cu Đồ biến mất khỏi Vinh một thời gian mấy tháng rồi lại trở lại với nếp sinh hoạt xưa, cái thai đã biến mất. Có lẽ vì thế mà đã có người đã đặt ra mấy câu quái quỷ, chẳng ra thơ, chẳng ra hát mà cũng chẳng phải vè và bày cho chúng tôi:

                        Cu Đồ đã có chồng chưa?

                        Thưa với cậu em chưa có chồng

                        Chưa có chồng sao lại bụng to?

                        Thưa với cậu em cho họ nằm

                        Cho họ nằm có lấy tiền không?

                        Thưa với cậu em không lấy tiền…

Mỗi lần gặp Cu Đồ lang thang trên đường phố là chúng tôi lại bao vây lấy chị ta và “hát” vang lên mấy câu ấy. Những khi như vậy bao giờ Cu Đồ cũng nổi giận. Chị ta miệng thì chửi, tay thì nhặt những hòn đá lăn lóc trên mặt đường, vừa đuổi vừa ném lung tung về phía chúng tôi. Còn lũ chúng tôi thì vừa chạy dạt ra tứ phía vừa cười như nắc nẻ và cứ hát đi hát lại mấy câu trên. Chúng tôi càng hát thì chị ta càng đuổi mà chị ta càng đuổi thì chúng tôi càng hát. Những cuộc đuổi bắt giữa một người điên và những đứa trẻ con thường làm náo loạn cả một đoạn phố dài. Khi không đuổi bắt được chúng tôi cu Đồ thường ôm mặt khóc nức nở trông thật tội nghiệp, nhưng thuở ấy  chúng tôi nào có biết gì…

Rồi chiến tranh nổ ra, lũ trẻ chúng tôi tứ tán khắp nơi theo những ngày sơ tán cùng gia đình. Cũng từ đó không ai biết số phận Cu Đồ ra sao…

Ôi! Những trò chơi con trẻ./.

Còn tiếp...

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521014

Hôm nay

291

Hôm qua

2291

Tuần này

22055

Tháng này

218953

Tháng qua

121009

Tất cả

114521014