Đất Nghệ

Về nhà máy [cơ khí Vinh]

Những nhà báo hay ví tỉnh mình như là hình ảnh của cả nước thu nhỏ, hẳn rất thú vị về việc Nghệ An có Lò cao. Sau kháng chiến chống Pháp, một đơn vị quân đội đã xây dựng và quản lý cơ sở luyện kim nhỏ bé này trong một thời gian ngắn.

Mùa thu năm 1963, với một ba lô nhỏ, mươi cuốn sách kỹ thuật và cái thước tính lôgarit, tôi về nhận công tác tại Phòng Kỹ thuật Nhà máy Cơ khí Vinh ở chân núi Quyết. Trước đó, tôi ở Xí nghiệp Lò cao Vinh thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Gần hai năm trời, một bộ phận thiết kế kỹ thuật đông đảo cán bộ trung cao cấp làm việc trong tâm trạng hết sức nặng nề, chán nản. Cái lò cũ 9 mét khối đã dỡ bỏ, lò mới 30 mét khối do Cơ khí Vinh chế tạo thi công đã hoàn thành căn bản ngay giữa Phượng hoàng Trung Đô. Nhưng khâu cuối cùng là thiết kế hệ thống vận hành nguyên nhiên vật liệu và thành phẩm thì bị ngưng lại do đã tranh luận trong nhiều tháng giữa kỹ sư Phó Giám đốc Mai Tấn Tú (con rể một Viện sĩ hàn lâm Ba Lan) và chuyên viên Vụ Kỹ thuật Cử nhân Cơ học Nguyễn Văn Lãm (người từng du học ở Paris) để chọn phương án tốt nhất - là không phân thắng bại. Kết quả đau xót cuối cùng là Bộ quyết định giải thể Xí nghiệp. Vì với lò 30 mét khối thì cơ khí hóa không bõ, mà thao tác thủ công thì không nổi. Đây là một sai lầm nghiêm trọng về việc xác định quy mô thiết bị quá lạc hậu, trong khi hầu như không còn nước nào dùng lò 200 mét khối nữa. Mỹ và Liên Xô thì đã dùng lò 4000 đến 4500 mét khối.

Kỷ niệm của anh em kỹ thuật chúng tôi về Lò cao Vinh bấy giờ chỉ còn lại hình ảnh bác Tú thấp hơn bà vợ Tây một cái đầu và bác Lãm thì không bao giờ nói một tiếng Pháp dù đã sống dưới trời Tây 18 năm! Còn trong số lớp trẻ vào nghề, tôi nhớ có mấy đồng nghiệp nổi trội năng lực chuyên môn: anh Chuân, kỹ sư luyện kim đại học Bách khoa Hà Nội khóa đầu tiên, anh Phan Hữu Phúc, anh Phạm Tú Cầu…, tất cả đều chưa gặp đất dụng võ…

Vì vậy khi đặt chân đến Cơ khí Vinh nghe tiếng máy, tiếng đe búa rộn ràng ngày đêm, thì tôi cảm nhận ngay những ngày làm việc hữu ích đang chờ mình.

*

*       *

Với một khuôn viên rộng bao gồm nhà xưởng không đồ sộ nhưng khá vững chắc; còn nhà văn phòng, nhà ăn kiêm hội trường và khu nhà tập thể thì đang sơ sài tạm bợ. Cuộc sống và không khí làm việc của xấp xỉ 300 cán bộ công nhân viên vui vẻ khẩn trương, quan hệ phối hợp thân tình gắn bó giữa các cá nhân; giữa các phòng ban, phân xưởng; giữa gián tiếp và trực tiếp.

Điều đó thật dễ hiểu khi cuộc chống Mỹ ở miền Nam đang dâng cao, tấm gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi vang ra thế giới. Miền Bắc thì tích cực đối phó với chiến tranh phá hoại. Khẩu hiệu vừa sản xuất vừa chiến đấu thể hiện ở các mặt hàng mới trong sửa chữa và sản xuất cơ khí. Khách hàng đến nhà máy từ bà con nông dân đến giám đốc nông trường, từ các xí nghiệp chế biến nông lâm hải sản đến các đơn vị binh chủng quân đội. Các phong trào thi đua liên tục dấy lên thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm nhà máy cuối năm 1961. Phòng Kỹ thuật do bác Trần Văn Dơn, tiếp theo là bác Nguyễn Khanh phụ trách; mấy người nữa là anh Nguyễn Thạc Phấn (kỹ sư cơ khí Đại học Bách khoa đầu tiên về tỉnh), bác Đào Thuật, bác Võ Văn Tình; sau có thêm anh Nguyễn Cao Vĩnh, anh Trần Quang Lục, kỹ sư Nguyễn Duy Tường, cô Hường, cô Nga. Khi nào phòng nhiều việc thì bác Nguyễn Lộc và anh Nguyễn Đình Quế ở xưởng lên giúp. Với số máy cũ thời Pháp không đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất, anh Phấn đã thiết kế máy tiện cụt và máy cắt ma sát, được chế tạo nhanh và giải quyết tốt việc gia công bánh xe goòng, các chi tiết máy có đường kính lớn và cắt tôn dày 6 ly dễ dàng. Bác Thuật, bác Tình thiết kế và theo dõi sản xuất tời điện 10 đến 14KW cho Nhà máy đường và Nhà máy gỗ, băng chuyền cho Nhà máy xay. Bác Dơn chuyên trách thêm các loại hộp giảm tốc, các bộ cống vít thủy lợi. Còn xe cải tiến, cào cỏ, lưỡi diệp cày, bi nghiền xi măng là những mặt hàng sản xuất thường xuyên, sản phẩm đầy ắp các kho, xe cộ tấp nập ra vào lấy hàng.

Cuối quý 3 năm 1963, nhà máy nhận đơn đặt hàng làm ba cột điện vượt sông cao 45,8 mét, 20,8 mét, 15,8 mét. Tôi nhận bộ hồ sơ thiết kế từ Bộ Công nghiệp nặng, hai cái tủ của phòng không chứa hết, phải sắp đầy trên bàn vẽ. Các sản phẩm cồng kềnh để ngoài trời được xếp gọn để lấy một khoảng lớn sân bãi triển khai sản xuất. “Bàn máp” là một cái sân nề bê tông phẳng phiu được làm gấp với kích thước 10 mét x 15 mét. Các cột được lấy dấu từng mảnh, từng khung đoạn và gia công hàn trên sân đó. Đây là thời gian rất hứng thú sôi nổi của nhà máy trước mặt hàng khổng lồ nặng nề đầu tiên này, mà tất cả các phòng ban, phân xưởng phải ra tay tăng trí lực, trổ tài nghề. Anh chị em lái xe, cấp dưỡng, y tế, tạp vụ cũng phải đi ca. Một phân xưởng lớn đột nhiên hình thành ngoài trời và ánh lửa hàn đêm đêm sáng rực. Đầu xuân 1964, các mảnh, các khung đoạn cấu kiện được chở ra hai bên bờ sông Lam bằng xe bò lốp rồi lắp ráp hoàn chỉnh, sơn 5 lớp. Cột cao nhất cho bờ Bắc, hai cột còn lại cho ngọn đồi ở bờ Nam. Vất vả nhất là việc dựng cột cao 45,8 mét gồm 6 khung đoạn và 1 khung xà ngang. Ngày nghiệm thu, dóng dây dọi từ tâm ô vuông trên của cột (0,8 mét x 0,9 mét) xuống tâm ô vuông chân cột (9 mét x 9 mét), mùi nhọn con dọi chỉ lệch tâm ô vuông chân cột 25 cm so với độ lệch cho phép là 40 cm. Mồ hôi đầm đìa ướt hết áo quần nhưng anh em Cơ khí Vinh và anh em Công ty Điện 6 - đơn vị cùng tham gia dựng cột - hò reo tung mũ tung nón lên trời! Từ nay nhân dân bắc Hà Tĩnh và nhân dân Chín Nam - quê hương nhà khoa học Tạ Quang Bửu, bắt đầu có điện. Anh Phấn làm bài thơ Dòng điện sang sông mở đầu bằng mấy câu cảm khái:

 

                             Đàn chim én nơi đâu về đây

                             Ngừng cánh bay đậu lại trên đường dây

                             Tôi mải mê nhìn đàn chim én

                             Dòng nhạc nào đặt giữa trời mây…

Cột vượt vừa được hoàn thành thì có tin tỉnh Quảng Ninh được các bạn Trung Quốc tặng máy tuốt lúa công suất 4,5KW. Anh Phấn và tôi được cử đi xem. Hai anh em đạp xe hơn ngàn cây số, lấy mẫu nguyên lý và các thông số chủ yếu. Hai bác Trần Kinh và Nguyễn Văn Thành - chánh phó giám đốc - cho họp bàn và quyết định sản xuất thử. Phải nói rằng khi thanh niên ra tiền tuyến, những mặt hàng nào mà làm cho bà con nông dân già yếu và phụ nữ đỡ vất vả cực nhọc thì luôn luôn được lãnh đạo và mọi người quan tâm hưởng ứng. Đó là một tình cảm đặc biệt cho người hậu phương và cả người tiền tuyến. Anh em cả phòng lao vào thiết kế chi tiết và triển khai gia công chế tạo ngay. Anh hùng nông nghiệp Cao Lục bỗng nhiên trở thành người tích cực đỡ đầu mặt hàng này, săn đón theo dõi hàng ngày…

Vụ chiêm, đem chiếc máy đầu tiên về Hợp tác xã Ba tơ chạy thử thành công, được bà con nông dân hoan hô nhiệt liệt. Và Nghệ An trở thành tỉnh đầu tiên trên miền Bắc sử dụng công cụ này. Vụ mùa, ra xưởng loạt đầu 50 chiếc đưa về các xã thâm canh.

Từ giữa năm 1964, tình hình chiến tranh căng thẳng. Một số đợt tái ngũ, nhập ngũ đi cạn lực lượng trẻ. Nhiều cơ quan sự vụ đã sơ tán khỏi Vinh. Khói lửa ập đến với cuộc ném bom của Mỹ ngày 5 tháng 8. Nhà máy điện sạt mái, kho xăng Hưng Hòa bốc cháy nhưng không khí chiến đấu hừng hực. Trung đội tự vệ nhà máy do anh Hồ Trọng Hòe chỉ huy đã nhiều đêm ngày trực chiến, đào đắp trận địa pháo cho bộ đội; nhiều đêm cứ 6 người với 3 đòn tre và gióng thép gánh từng quả bom nổ chậm ra xa bến phà. Núi Quyết và Bến Thủy trở thành cái túi đựng bom lớn nhất. Loa phóng thanh hàng ngày phát lệnh chỉ huy của Thành đội Vinh trong các trận đánh. Và thường hay đưa tin: “Đại úy Nguyễn Hoàng đang trực tiếp kiểm tra trận địa…”. Liền đó, nghe tiếng rú xe môtô ở phía quốc lộ 1, có lẽ đó là chiếc môtô duy nhất ở Vinh hồi bấy giờ. Đầu năm 1965, nhà máy phân tán một nửa lên phía Cầu Rầm, Cổng Chốt. Văn phòng dời về cơ quan Tòa án tỉnh ở cạnh Cầu Thông. Giữa năm 1965, sau trận ném bom Tòa án tỉnh và Trụ sở Quân khu IV ở ngay bên kia cầu thì Văn phòng và bộ phận xưởng còn ở Núi Quyết được lệnh dời lên khu vực Cầu Rầm, Cổng Chốt luôn. Thời gian này anh An -  thợ hàn, lập công cứu chữa tàu thủy Đoàn kết 5000 tấn bị chìm ở Bến Thủy trở lại hoạt động; cô Oanh hy sinh khi phục vụ ở trận địa pháo phòng không. Những đám tang liệt sĩ khá nhiều và cũng có đôi đám cưới.

Việc di chuyển máy móc thiết bị tốn nhiều công sức, xà beng bị cong, con lăn bị móp, nhưng kế hoạch sản xuất vẫn quyết tâm hoàn thành. Có thêm nhiều đơn đặt hàng của ngành nông nghiệp, của mỏ than Khe Bố… Máy tuốt lúa được sản xuất tiếp theo hàng loạt.

Một chiều tháng 8 năm 1965, mấy anh em đang làm việc ở Phòng Kỹ thuật Ty Công nghiệp đóng ở xã Hưng Đạo thì ở phía Vinh trời đất bỗng tối đen mù mịt, tiếng động rền trời. Tân binh trực ban của một đơn vị quân đội ở đây ngơ ngác báo cáo ban chỉ huy: “Có hiện tượng nổ bom nguyên tử!”. Trận lốc lớn năm đó đi qua khu vực Cầu Đước đã bốc mấy thuyền đá quẳng lên bờ, xô đổ nhiều toa tàu chổng bánh lên trời, cột điện các loại đổ gãy hầu hết, nhà cửa xơ xác, cây đa Cháo Lòng bị vặt cụt cành ngọn. Hôm sau, ngoài chợ nhiều bà chít khăn trắng, nhiều chị đeo băng đen. Địch họa tàn khốc, lại chịu thêm thiên tai nặng nề.

Sang năm 1966, lực lượng sản xuất chính tập hợp ở Trạm thương binh hỏng mắt B2 thuộc phường Đội Cung bây giờ. Phòng Kỹ thuật ở xã Hưng Vịnh bên kia đường sắt. Nhà máy lên cấp, tỉnh cử bác Nguyễn Dục làm Giám đốc, bác Nguyễn Tân được giới thiệu về làm Bí thư Đảng ủy. Hai bác thân ái làm việc hiệu quả, được cả nhà máy tin yêu. Mặt hàng tăng phần sửa chữa và sản xuất nhiều thiết bị cho giao thông vận tải phục vụ quốc phòng.

Một đêm khuya, nghe mấy tiếng nổ nhỏ rồi sáng rực cả trời. Mọi người chói mắt chạy ào ra sân, ra vườn, nam giới thì may ô, quần đùi, nhiều chị chỉ đeo túi đựng vú… Hôm sau ra xưởng được một trận cười! Đó là lần đầu tiên ở Vinh, Mỹ bắn pháo sáng. Rồi ở B2 lại bị một trận bom khi nhiều người chưa kịp xuống hầm. Có quả rơi xuống ao nổ tung bùn đen, ai nấy đều nhầy nhụa. Trong bom đạn nhưng cuộc sống bình tâm, sản xuất không hề ngưng nghỉ. Ở nhà dân, củ khoai củ sắn, không ngớt chuyện vui. Anh Trần Sưởng nóng tính nhưng sống đầy thẳng thắn, bác Tình tranh thủ đóng giường tủ cho anh em. Bác Thuật sống căn cơ, điều độ, tối tối ra quán “làm” hai hào rượu rồi về ngủ. Đáng nhớ là cái món “mộc tồn” của nhiều tác giả hồi đó hết chỗ chê: tuyệt đối không được đổ nước lã, các miếng mọc phải gói bằng lá bí đỏ non, buộc chạc hành, rồi om kín trong nồi đất đậy vung lót lá chuối… khi mùi thơm bốc lên thì… Nhưng hồi ấy chưa ai nói đến văn hóa ẩm thực! Chỉ biết là sức lực được bồi dưỡng tí chút để mà đẩy xe bò lốp xuống kho cảng Bến Thủy chở nguyên nhiên vật liệu đầy đủ cho sản xuất. Hoạt động này thường vào ban đêm, thoát chết nhiều trận. Có lần dưới ánh pháo sáng thấy trong lán thủ kho kê sẵn một cái quan tài. Anh em hò hét kéo đẩy mệt nhoài vượt qua nhiều hố bom nham nhở nhưng vẫn rôm rả “thánh thán” về cái đoạn Tam quốc viết Bàng Đức quyết tử thủ với Quan Vân Trường.

Đẹp biết bao Cơ khí Vinh giai đoạn 1963-1966, những năm đầu chống Mỹ vững vàng tay búa, tay súng với máu và mồ hôi, với tình cảm và trí tuệ. Đầu năm 1967, Uỷ ban hành chính Vinh cấp “Giấy khen hai giỏi” cho hầu hết anh em nhà máy. Giờ đây, sau gần 40 năm, qua bao nhiêu thăng trầm, nhiều người đã được phong thưởng hàng chục huân huy chương cao quý, song cái giấy khen sản xuất và chiến đấu bằng giấy nâu hồi ấy vẫn thấy nặng tình, mở đầu, với bao kỷ niệm ở một nơi từng cất cao cánh cho nhiều cuộc đời…

                                                                                                     2001


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521008

Hôm nay

285

Hôm qua

2291

Tuần này

22049

Tháng này

218947

Tháng qua

121009

Tất cả

114521008