Đất Nghệ

Vinh - Thành phố tuổi thơ tôi [Kì cuối]

IV. HỒN CHỢ

MUÔN NẺO ĐƯỜNG VỀ...

Hồi còn trai trẻ, còn lăn lóc với đời, đến bất cứ vùng nào dù là nông thôn hay thành thị, dù thong thả hay vội vàng tôi cũng tranh thủ ghé đảo qua chợ của vùng ấy. Không phải vì nhu cầu mua bán đâu, mua bán gì ở những cái chợ quê trong một vài làng nhỏ hẻo lánh hay một vùng sơn cước có ở nhiều nơi trên đất nước này hồi bấy giờ, mà thật ra nhiều khi tôi cũng không có tiền để mua bán dù là mua bán những mặt hàng nhỏ nhoi ở những cái chợ như vậy. Nhưng tôi quan niệm cái chợ không chỉ phản ánh kinh tế của một vùng mà còn là bộ mặt văn hóa xã hội của vùng đó nữa. Ngày nay khi mà đời sống cộng đồng được nâng cao rất nhiều, lưu thông phân phối trở nên cực tốt thì nét đặc trưng riêng biệt của chợ quê trở nên nhạt nhòa đi, không còn đặc sắc nữa. Ngày xưa thì khác, nhìn vào phẩm vật hàng hóa bán ở một cái chợ người ta biết được đặc sản vùng đó là gì, kinh tế có phát triển hay không. Nhìn vào cách ăn mặc, nét mặt, giọng nói dáng đi và cách ứng xử của những người đi chợ người ta có thể biết  đời sống xã hội của một vùng phát triển đến mức độ nào, thậm chí biết được tập tính sinh hoạt của vùng ấy. Chợ là hồn của một vùng đất, một chợ có sản vật phong phú, người đi chợ quần áo tươm tất đàng hoàng, giọng nói dịu dàng hay khoáng đạt, nhất định kinh tế tế vùng ấy phong túc con người vùng ấy cởi mở có đời sống văn hóa cao; hàng chợ nghèo nàn, người đi chợ quần áo, nét mặt xúi xó nhàu nát, nhất định đó là một vùng nghèo nàn không chỉ về kinh tế... Chợ càng lớn thì phạm vi ảnh hưởng và thông báo càng lớn. Chợ xã, chợ huyện thì chỉ ảnh hưởng tới xã, huyện có chợ và vài xã huyện lân cận. Chợ tỉnh biểu hiện ảnh hưởng và thông báo của nó lớn hơn nhiều, nó có phạm vi cả một tỉnh chứ chơi đâu. Tuy nhiên có một loại chợ nữa mà mức độ biểu hiện của nó vượt xa ra ngoài phạm vi nó đóng, có thể coi nó là một thứ chợ vùng, mặc dù về hình thức nó cũng chỉ là chợ tỉnh. Chợ Cần Thơ ở Cần Thơ, chợ Đầm ở Nha Trang, chợ Đông Ba ở Huế, chợ Vinh ở Nghệ An, chợ Rồng ở Nam Định là các chợ như thế 

Các chợ ấy tôi đều đã lui tới nhiều lần nhưng có hai chợ để lại trong tôi nhiều dấu ấn hơn cả: Chợ Rồng thì vì quy mô và nét cổ kính của nó và chợ Vinh là chợ của tuổi thơ tôi. Thực ra có thể nói chỉ tính riêng các “chợ tỉnh” thôi thì suốt một giải từ Hà Nam, Nam Định vào đến Quảng Bình, Quảng Trị chỉ có chợ Rồng và chợ Vinh là lớn nhất. Nếu chợ Rồng là nơi giao thương buôn bán của các tỉnh phía nam đồng bằng bắc bộ từ Ninh Bình trở ra thì chợ Vinh cho các tỉnh phía bắc miền trung từ Thanh hóa vào đến Quảng Bình. Có thể nói chợ Vinh không chỉ là hồn của thành Vinh mà còn là hồn của Nghệ An mà nói rộng ra là của cả xứ Nghệ, nghĩa là bao gồm cả Hà Tĩnh nữa (mãi đến năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng thì xứ Nghệ mới được tách thành hai tỉnh riêng là Nghệ An và Hà Tĩnh, trong khi đó chợ Vinh có từ trước đó nữa)

Theo trí nhớ của tôi thì chợ Vinh ngày xưa đã lớn lắm mà nguồn hàng thì phong phú vô cùng vì có nguồn hàng từ bốn tỉnh đổ về, mùa nào thức ấy. Tháng chín tháng mười cho đến tết những gánh hồng gáo vàng tươi, những gánh cam đỏ au) của giống cam Xã Đoài ngon nổi tiếng cả nước từ Nghi Ân, Nghi Kim kìn kìn về chợ. Từ Hà Tĩnh những con thuyền chở nặng cam sành, hồng trứng từ Hương Sơn, Hương Khê xuôi dòng sông La  vào sông Lam mà lên chợ Vinh. Từ Quảng bình theo những chuyến xe ra là bưởi Phúc Trạch, nón Ba Đồn. Tháng sáu có dưa hấu chợ Đình theo các đường thủy bộ mà về chợ Vinh. (Những quả dưa hấu chợ Đình trong mắt tôi ngày ấy sao mà to và ngon thế. Mà to và ngon thật, quả nhỏ cũng năm bảy cân, quả to thì phải đến mười mấy cân, vỏ màu men ngọc xanh mướt. Mùa hè nóng nực, bổ một trái dưa, nhìn màu đỏ và nước dưa ứa ra theo đường cắt ta tưởng tượng nó có thể làm mát cả không gian quanh nó).

Không chỉ hàng mà các phương tiện chở hàng về chợ Vinh cũng vô cùng phong phú, phong phú như chính các mặt  hàng về chợ vậy. Nếu bạn thấy những con đò dọc thong thả hay gấp gáp, chở đầy chè xanh, chuối, mít... cho đến những mảng bè gỗ, nứa, mây song... đạng nặng nề trôi trên sông Lam về xuôi hay trên sông La đầy những con thuyền chở lá nón, móc bẹ, áo tơi, hồng bưởi... đôi khi bạn tự hỏi: “Những con thuyền, những mảng bè này về đâu ấy nhỉ?...”, họ đang về chợ Vinh đấy. Nếu bạn thấy những người đàn ông sơn cước thân hình tráng kiện nhưng nét mặt chất phác hiền lành vai mang  “tay nải” hay những cô gái “thiểu số” mặt tươi như hoa, mặc váy thêu, đội khăn “piêu”, lưng địu những cái “dậu” chứa đầy dược thảo đang thoăn thoắt bước trên đường. Họ từ Quỳ Châu, Quế Phong, thậm chí từ Thạch Thành, Cẩm THủy (Thanh Hóa) mang cây thuốc về chợ Vinh bán đấy. Rồi những xe ngựa, xe thồ chở củ nâu, măng tre, mộc nhĩ... thừ Phủ Quỳ về, đậu, lạc, chè xanh, chuối,,, từ Hoàng Mai, Cầu Giát, Diễn Châu vào. Nhưng đông vui nhất có lẽ là những bà, những chị gánh gánh. gồng gồng mang những gạo nếp, đậu xanh, mật, lạc từ Hưng Nguyên, Nam Đàn xuống chợ hay những gánh “thịt chó bánh mướt” từ Đức Thọ sang... Đúng là muôn nẻo đường về...

 

            ƠI NGÀY PHIÊN VÀ…

           

            Với chúng tôi, những ngày phiên chợ mới thật vui. Nhưng mỗi khi nhớ đến chợ Vinh tôi lại thường hay nhớ đến một nhân vật khá đặc sắc và nổi bật trong những ngày chợ thường (có lẽ lẽ do những ngày phiên nhân vật này nhập nhòa đi trong cảnh nhộn nhịp): cô hàng xén.

            Có lẽ một trong những nét đặc sắc của chợ quê Việt Nam ngày trước là cô hàng xén. Có thể nói bước vào bất cứ cái chợ nào trên đất nước này thời ấy ta cũng bắt gặp hình ảnh cô hàng xén quen thuộc. Không phải chỉ tới thời Hoàng Cầm mới có:

                        Những cô hàng xén răng đen

                       Cười như mùa thu tỏa nắng

            Mà cô hàng xén đã xuất hiện từ xa xưa lắm. Và cô hàng xén không chỉ có ở chợ đâu. Ngay cả trong những làng xã xa xôi  hẻo lánh không có đến cả một cái chợ nho nhỏ thì cũng có ít nhất một cô hàng xén. Cũng đúng thôi, cái thời xưa ấy, cái thời mà nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu chủ yếu là tự cấp tự túc, các phương tiện lưu thông phân phối hầu như chưa có gì thì ai là người cung cấp những tập giấy đóng quyển, những thỏi mực cho các anh đồ anh khóa viết văn luyện chữ. Và sau này là những quyển vở, những cái ngòi bút, những viên mực cho mấy cô cậu học trò hay những cây kim sợi chỉ... những vật dụng thiết yếu cho những dân quê cả đời không ra khỏi lũy tre làng. Chỉ có cô hàng xén. Thực ra ngay từ cái thời xã hội chia thành “tứ dân”, đến thời “công nông liên minh” thì cô hàng xén không được người ta coi trọng vì cô là “đồ con buôn”. Không được coi trọng nhưng  người ta vẫn phải vì nể cô vì người ta cần. Có thể nòi cô là một yếu tố không thể thiếu của đời sống làng xã Việt Nam thời ấy.

            Không hiểu sao trong ký ức của tôi mọi cô hàng xén đều đẹp. Tôi đã đi qua nhiều vùng, đến nhiều chợ từ Thanh, Nghệ đến Hà Nội, Nam Định Hải Phòng...thì hình ảnh đọng lại trong tôi ngoài các đặc điểm của chợ quê vùng ấy là hình ảnh các cô hàng xén. Cao ráo, mảnh mai, trắng trẻo, cổ cao ba ngấn, các cô chít khăn nhung, đội nón lá đi guốc gỗ nhún nhẩy gánh hàng tới chợ. Các cô hàng xén chợ Vinh lại càng đẹp lắm, tuy ở những nơi đô hội như Vinh thì cái hay, cái đẹp của các cô đã phần nào nhạt nhòa đi nhiều so với những nơi chợ huyện, chợ làng, nhưng so ra các cô vẫn cứ hơn hẳn về nét thanh lịch đối với những người bạn buôn bán xung quanh như hàng gạo, hàng vải chứ chưa nói đến những ngưới bán thịt, bán rau... Giang sơn của các cô chỉ là một đôi bồ nhỏ hay đôi thúng với hai cái mẹt đậy kín bên trên, thay cho đôi gióng là những sợi thừng buộc ở bốn góc, chỉ có vậy thôi. Chỉ có vậy thôi mà ra đến chợ, các cô bày hàng ra thì đủ cả, nào vở, nào giấy, nào quản bút, ngòi bút, mực bình, mực viên cho đến lược gương, kim chỉ... Nụ cười ngọt ngào, ánh mắt đong đưa trước những cậu học trò lớn tuổi hay sự mềm mỏng, thái độ dịu dàng trước những người lớn tuổi của các cô làm cho các món hàng của các cô trở nên có giá hơn trong mắt những người đi chợ...

            Ngày xưa dân thành phố thường dậy sớm (nhất là ở những thành phố tỉnh lẻ như Vinh), chứ không như bây giờ, dân các thành phố lớn thường là dân “ngủ ngày cày đêm”: Có thể chín mười giờ khuya còn gọi điện thoại rủ nhau đi nhậu, sáng mai dầu đã bảy tám giờ phần lớn phố xá vẫn im lìm. Cổng Chốt là nơi giao thương giữa nội ô thành phố với Hưng Đông và Nghi Kim về phía Bắc và Hưng Thông, Hưng Đạo về phía Tây (?). Nhà tôi ở cách Cổng Chốt chừng năm sáu trăm mét về phía nội ô nên cứ khoảng bốn giờ rưỡi năm giờ sáng là đã nghe tiếng nói chuyện râm ran của các bà các chị ngoài đường, xen vào đó là kẽo kẹt của những chiếc đòn gánh nặng trĩu. Người ở ngoài vào đi chợ Vinh đấy. Nào lúa nào ngô, nào lạc, nào mật…có đêm chợt thức giấc tôi còn nghe cả tiếng đuổi bò “huậy, huậy”. Tất cả tất tả cho kịp buổi chợ, nhất là những ngày phiên thì càng nôn nả. Với họ, ngày đã không còn sớm nữa...

Ngày phiên chợ Vinh nhộn nhịp từ sớm lắm. Từ bốn năm giờ sáng người ta đã bắt đầu chuyển hàng từ bến Cửa Tiền cách đó khoảng bốn năm trăm mét lên chợ. Vì các bạn hàng từ xa như Hương Sơn, Hương Khê, Ba Đổn, trên “mạn ngược” đã đến từ chiều hôm trước, muốn chọn được chỗ ngồi tốt phảỉ vào chợ từ sớm. Thôi thì bằng xe ngựa, xe ba gác, bằng gióng gánh, bằng vác vai... nào là dưa hấu, hồng, cam, bưởi, nón lá, củ nâu, móc bẹ, lá nón...(mùa nào thức ấy) kìn kìn vào chợ. Chừng sáu giờ thì chợ đã đông lắm vì những người đi bán nếp, mật, ngô, đỗ... từ Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn cũng đã về đến chợ. Trưa hơn chút nữa ta thấy những nàng “ngư nữ” vùng “Mơi Trang”(Nghi Lộc), Hưng Hòa, Hội Thông (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang gánh những gánh cá tươi xanh hiện đủ bảy sắc cầu vồng trong ánh nắng ban mai và sương sớm chạy như bay vào chợ.

Ngày ấy hoa trái kẹo bánh còn hiếm lắm, có khi cả dãy phố dài mới có một hai hàng bán bánh kẹo mà chủ yếu là những thứ tầm thường dân dã như kẹo bao, kẹo lạc, chỉ có trung thu, ngày tết mới may ra có vài thứ cao cấp như bánh dẻo, bánh nướng. Chứ phải đâu như bây giờ, bánh trái, hoa quả tràn ngập không chỉ ở chợ, ở quán xá mà hầu như khắp mọi nẻo đương cả nông thôn lẫn thành thị. Vì bánh trái nói riêng và đồ ăn nói chung còn hiếm như thế nên lũ trẻ chúng tôi mỗi khi đến chợ thường bị dụ dỗ đến mê hoặc bởi những câu rao vừa ngọt ngào, quyến rũ vừa ngộ nghĩnh, thú vị:

Kẹo kéo Bắc kỳ đ...ây...

Kẹo kéo Bắc kỳ

Có tiền thì để làm gì mà không mua...

Rồi:

Kẹo kéo ăn béo đỏ da

Người già ăn trẻ lại

Con gái ăn chồng yêu

Con nít bổ xiêu

Ăn rồi đứng dậy...đây...

Hay:

Bi con con, bi dòn dòn, bi ngọt ngọt... đây...

Kẹo kéo thì rõ rồi vì nó đã có từ lâu trước đó và còn tồn tại lâu về sau ( mãi tới cuối những năm chín mươi tôi vẫn thấy thứ kẹo này bán trước các cổng trường tiểu học ở Nam bộ dưới dạng ném phi tiêu trúng ăn kẹo). Còn “bi con con”?. Loại này chắc chỉ tồn tại ở Vinh trong những năm tháng nghèo khổ đó mà thôi: một cục bột mỳ bằng đầu ngón tay, rán phồng lên rồi lăn qua đường cát, ai mua thì gắp ra từng viên gói vào giấy. Thế thôi, thế thôi nhưng với những đứa trẻ con đi chợ Vinh hồi trước thì đó là một trong những món quà hấp dẫn đáo để mà không phải đứa trẻ nào cũng có thể ăn được, vì nó đắt. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đâu một hào một chục viên. Trẻ con đi chợ có trong người vài ba hào đã là nhiều lắm rồi, mà có biết bao thứ muốn mua. (Lúc đó gạo bán theo phiếu từ ba hào tám đến bốn hào mốt một cân (kg), gạo ngon ở chợ chỉ từ sáu hào hai đến bảy hào một cân. Có lần tôi nghe mẹ tôi nói: “đồ ăn dạo này dắt quá, một hào xôi vắt chặt lại chỉ còn bằng quả trứng vịt...”)... Nhiều đứa đứng tần ngần trước hàng một lúc rồi mới bước đi, đi nhưng vẫn còn ngoái mặt lại như tiếc nuối. Nên thật là cò lý và cũng thật là tài khi có ai đó nhại lại câu rao thành: “Đi đi con, đi đi con, dòm (nhìn) chi mà dòm cho người ta nạt..” và bày cho tụi tôi hát lung tung mỗi khi đi chợ.

Người lớn đến chợ là để mua bán, còn bọn con nít nhiều đứa đến chợ là để được chạy nhảy lung tung, lấy đó làm vui và khi có điều kiện thì... ăn cắp vặt. Nói của đáng tội, ăn cắp thì có ăn cắp thật nhưng những thứ chúng tôi  ăn cắp có đáng gì đâu: vài quả chua me, một miếng quế chi bằng ngón tay, mỏng dính. Nhưng cái cảm giác được “mao hiểm khi ăn cắp mới là sự kích thích hành động của những đứa trẻ chúng tôi ngày ấy.

Chua me và quế chi là những thứ mà chúng tôi thích ăn cắp nhất. Khi không có tiền thì chạy qua chạy lại trước hàng rồi nhân lúc người bán nhìn đi đâu đó liền thò tay bẻ luôn một miếng quế “bất hạnh” nằm chìa ra phía trên những thanh quế đã được sắp đặt tử tế, hay đưa chân đá những quả chua me nằm phía ngoài đống. Cũng có khi năm ba đứa giả vờ đuổi nhau xô nhau ngã vào đống chua me cho nó tung ra rồi đứa khác cướp lấy (điều này cũng ít xảy ra vì với chua me bọn con nít thường “kỹ tính”, chỉ nhũng quả nào ương mới lấy, mà khi những quả bị vãi ra như thế rất khó chọn được quả vừa ý). Khi có năm xu, một hào thì năm bảy đứa bọn chúng xúm xít lại giả vờ mua rồi tuồn cho nhau. Quế thì lấy được là lấy, còn chua me thì khác, cả mấy đứa ngồi quanh đống, một hai đứa chồm tới chồm lui như để chọn, lặt lấy những quả vừa ý rồi lấy móng tay cào cào lớp phấn nâu bên ngoài cho tróc ra nếu lớp vỏ bên trong có màu xanh là quả còn lâu mới chín liền bỏ lại, chỉ lấy những quả mà lớp vỏ bên trong có màu nâu đen. vì đó là những quả đã ương (gần chín). Được mấy quả lại “nhanh tay nhanh mắt”  chuyền cho những đứa khác ở vòng ngoài. Người bán hàng bị chúng làm rối lên không nhìn kịp, cũng có khi nhìn kịp, thấy rõ ràng quát lên thì chúng bỏ chạy tứ tán  chỉ có một đứa đứng lại, tay chìa ra đồng năm xu với một vẻ hiền lành nhất. Nói của đáng tội, quế chi và chua me là hai thứ lúc đó khá rẻ mạt ở chợ Vinh, mất mấy miếng quế nhỏ, vài quả chua me, tuy có bực bội nhưng người bán cũng chỉ quát nạt, cùng lắm là chửi bới mấy câu chứ chẳng ai nỡ đánh đập bắt bớ làm gì.

Chắc có người sẽ nghĩ: “Hay ho gì chuyện ăn cắp vặt mà cũng đem khoe, nhất là khoe trên giấy trắng mực đen như vậy!”. Nhưng khi viết tập ký này tôi chỉ muốn ghi lại những một cách trung thực về thành phố của tôi và bè  bạn thời thơ ấu của tôi dầu xấu dầu đẹp. Mặt khác tôi nghĩ dám nhìn thẳng vào cả những thói hư tật xấu của mình cũng là một thế mạnh của mình, thế mạnh mà một con nguời biết tự trọng cần có.

Hơn mười năm sau trở lại Vinh, trong một lần lang thang ở chợ để tìm mua vài thứ cần thiết, tôi chợt bắt gặp lại tuổi thơ của mình ngày trước. Hai ba đứa trẻ khoảng mưới một mười hai tuổi đang đảo qua đảo lại nơi khu vực chợ nông thôn. Bỗng dưng chúng chạy táo tác, một đứa vừa ôm đít nhăn nhó xuýt xoa vừa chạy. Trước đống ổi sẻ khá lớn, một người đàn ông trạc ngoài ba mươi tuổi đang vừa vung vẩy cây roi tre khá dài vừa chửi : “Mả cha bay,,, cút  hết đi nhá...”. Tôi vừa buồn cười vừa cảm thấy bất nhẫn (ngày xưa của chúng tôi, cùng lắm người ta chỉ chửi mắng, quát nạt chứ không bao giờ dùng roi tre để đánh trẻ đau đến thế). Đang định trách anh ta, tôi bỗng nghe ông cụ bán mấy cái lờ và rổ rá bên cạnh lên tiéng (đó là một ông lão trên dưới sáu mươi tuổi nhưng còn khỏe mạnh tráng kiện lắm): “Chú ơi! mần chi mà nặng tay rứa... trẻ con khờ dại thôi mà...”.

Người bán ổi có lẽ cũng đã có ý hối hận,giọng đã dịu đi nhiều nhưng cũng còn đôi chút bực bội:

- Nhưng mà tức lắm ông ạ, bọn hắn mà hỏi xin cháu một vài quả, cháu cho liền, đằng này lại giở trò ăn cắp. Mà có phải một lần mô, đó ông coi, khi thì đứa này chạy qua bất ngờ lặt một trái rồi chạy mất, khi thì một đứa có vẻ hiền lành đi ngang qua rồi đưa chân đá văng mấy trái nằm ở rìa đống cho văng ra để mấy đứa khác lặt, mà có phải một lần mô...

Ông lão cười đôn hậu:

- Chú nói rứa phải mà cũng chưa phải. Thứ nhất chú không thể cho hết trẻ con trong chợ. Chú cho một đứa thì những đứa khác sẽ kéo đến liền, chú cho được một đứa, chú cho được vài đứa nhưng không thể cho hết bọn hắn. Thứ hai ở tuổi bọn nớ những thứ hoa trái chúng ăn cắp được ngon hơn những thứ mà người ta cho nhiều lắm. Nên chú quát nạt bọn hắn thì cứ quát nạt nhưng đừng nặng tay đánh đập, tội nghiệp. Ngày xưa tui cũng rứa mà chú cũng rứa thôi...

Ôi! Những lời của ông lão tuy đơn sơ nhưng cũng đáng là của bậc trí giả trong dân dã vậy

 

… CHỢ TÊT

Tôi đã đọc được ở đâu đó câu: “Đối với tuổi trẻ thì ngày ngắn năm dài, còn với tuổi già thì ngày dài năm ngắn”. Thật tài tình. Đối với tuổi tôi bây giờ ngày chưa đến nỗi quá dài nhưng năm thì đã ngắn lắm. Quay đi quay lại đã hết năm, tuổi tác cứ chồng chất mãi lên đầu mà hầu như đã làm được gì đâu. Chẳng bù cho thời trẻ, ngày ngắn lắm còn năm thì thật là dài, mà hình như ta càng trẻ thì điều này càng đúng. Bây giờ ngồi ngẫm lại tôi có cảm giác còn nhớ như in những ngày tuổi thơ ấy. Đã chơi được gì đâu, mới chạy vài vòng chong chóng, nhảy xuống sông vùng vẫy một hồi rồi một trận đá bóng dở dang chưa thỏa mãn bóng chiều đã ập xuống, hết ngày.Nhưng mà năm thì thật là thăm thẳm, chỉ trông hè trong tết thôi cũng đã đủ sốt cả ruột, tháy tháng ngày sao mà dài thế.Qua tết bước vào học kỳ hai là trông sao cho đến hè, qua hè bước vào năm học mới là nôn nao những ngày trông tết đến. Nhưng càng trông, càng sốt ruột, càng thấy lâu. Bắt đầu từ đầu tháng chạp , lũ chúng tôi chờ tết đếm từng ngày: còn hai mươi chín ngày... còn hai mươi lăm ngày... hai mươi ngày... mà ngày tháng thì cứ như ỳ ra, có chịu đi nhanh nhanh cho đâu. Có điều trông mãi rồi cũng đến tết. Tết để được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn và nhất là để được... đi chợ tết.

Ngày nhỏ, năm nào cũng thế, cứ đến đấu tháng chạp là tôi lại “dạm” mẹ tôi: “Năm ni mẹ cho con đi chợ tết với nha mẹ”. Và năm nào bà cũng từ chối, khi thì: “con còn nhỏ quá, đi chợ tết người ta dậm bễ bụng mất...”, khi thì thì: “Mẹ lo mua bán con đi lạc thì mẹ mần răng kiếm...”, khi thì: “Năm ni trời mưa rét lắm thôi để sang năm đi...”. Mãi đến năm mười một tuổi tôi mới được mẹ dẫn đi chợ tết lần đầu tiên. Tôi nhớ đó là phiên hăm ba tháng chạp, phiên đông vui nhất của chợ tết. Khỏi phải nói tôi náo nức đến chừng nào, nhất là đêm hăm hai áp ngày phiên. Hết lật tới lật lui, lòng lo sợ lỡ sáng mai ngủ quên mẹ đi mất, tôi lại giở ra đếm đi đếm lại, không biết lần thứ mấy, hơn hai đồng bạc có được do dành dụm tứ lâu (thực ra dù tiền ngày ấy có giá thì một bánh pháo “tép” cũng đã mất một đồng rồi). Khuya khuya, không biết bà tôi lần từ đâu ra, đưa cho tôi tờ bạc một đồng nhàu nát “bà cho đồng bạc. mai đi chợ tết với mẹ”. Tôi càng mừng lắm như là được cả một gia tài vậy... Nhưng trằn trọc mãi rồi tôi cũng thiếp đi lúc nào không hay...

Tôi nhớ ngày xưa ở chợ Vinh, không khí chuẩn bị tết đã bắt đầu từ những ngày đầu tháng chạp. Hàng hóa từ khắp nơi đổ về chợ bằng ô tô, bằng thuyền, bằng xe ngựa, xe thồ, gánh rồi lại kìn kìn từ chợ ra đi cũng trên những phương tiện ấy. Xa thì Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hương Sơn, Hương khê... gần thì Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu... rồi Cửa Rào, Mường Xén, Phủ Quỳ... Nào gạo, nếp, đậu xanh, lạc mật, cam quýt, cho đền lá dong, lạt giang (để buộc bánh...). Không khí chợ tết cứ tăng dần, tăng dần cho đến khoảng giữa tháng thì không còn phân biệt ngày thường và chợ phiên nữa. Tuy nói thế nhưng ngày đông vui nhất, nhộn nhịp nhất của chợ tết vẫn là ngày phiên hăm ba tháng chạp. Sau hăm ba thì chợ bớt sôi động dần vì đã cận ngày rồi, những chuyến hàng đi tỉnh xa không còn kịp nữa. Không khí của chợ cứ giảm dần cho đến phiên hăm tám thì trở lại cái không khí của những ngày phiên bình thường trong năm vì lúc này hàng về các huyện trong tỉnh hầu như cũng đã chuyển hết. Chợ chỉ còn phục vụ cho những người vì lý do nào đó phải chuẩn bị tết muộn mằn trong thành phố và những vùng lân cận chung quanh...

Sáng sớm, tôi xúng xính trong bộ quần áo mới, chạy lon ton bên mẹ. (Ngày ấy trẻ con được may cho một bộ đồ mới là mừng tưởng có thể lớn lên được, chả thế mà đã có câu thành ngữ: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” đó sao? Mà những năm ấy đồ mới chỉ có thể được may vào dịp tết thôi). Trời lây rây mưa bụi, những hạt mưa nhỏ xíu bám đầy đầu tóc tôi rồi rơi xuống cổ làm tăng thêm cái lạnh của buổi sáng cuối đông. Không hiểu sao mẹ tôi nói: “Năm nay trời thuận đây...”. ( Về sau này khi lớn lên tôi mới hiểu rằng năm nào tết mà trời mưa rét thì ít bệnh tật đau ốm, người ta gọi là thuận trời, năm nào tết mà không mưa, nắng ấm thì nhiều bệnh tật là trời nghịch). Ngoài đường những đứa trẻ lứa tuổi tôi theo mẹ đi chợ tết cũng đông lắm. Đứa nào cũng quần áo mới, mặt mày tươi tỉnh rạng rỡ, hơn hớn như đi dự hội vây. Mà ngày ấy ở lứa tuổi ấy chúng tôi đã biết hội hè gì đâu chỉ được đi chợ tết là mừng lắm rồi. Càng gần tới chợ tiếng râm ran của những phong pháo tép, những tiếng “đùng đoàng ‘của những chiếc pháo “đùng” càng làm tôi (và những đứa trẻ như tôi đang đi chợ) thêm nôn nao rốt ruột, tôi luôn miệng dục mẹ:

- Mẹ, mau lên mẹ...

Mẹ tôi cười:

- Từ từ thôi, có ai khiêng mất chợ của con đi mà sợ...

- Nhưng người ta bán hết pháo thì răng?

Nghe thế các bà các chị đi chợ quanh mẹ con tôi đều bật cười, cái cười nửa như chế diễu, nửa như bao dung đối với sự dại khờ của một đứa trẻ lần đầu tiên đi chợ tết.

Vào tới chợ, tất cả như ùa ra trước mắt tôi. Tôi chưa từng thấy một nơi nào đông đúc, đẹp và rực rỡ như phiên chợ tết. Không thấy đâu những mặt hàng ngày thường như lá nón, củ nâu , áo tơi, bồ cót... nữa, chỉ toàn là những mặt hàng dùng cho tết. Để gói bánh chưng thì có gạo nếp, đậu xanh, lá dong, có lẽ gạo nếp, đậu xanh, lá dong chiếm đến phân nửa chợ và nếu nói ngoa lên một chút thì có thể nói “trên thì trời dưới thì có gạo nếp, đậu xanh và lá dong”. Rồi cam quýt, bưởi chất thành từng đống cao như núi để bán cho người ta mua về chưng thành mâm ngũ quả, rồi thì thịt lợn, gà, vịt, thịt bò, hành củ, xu hào, bắp cải...rồi miến gạo, miến dong... Những thứ này từ khắp nơi đổ về chợ Vinh rồi lại từ chợ Vinh đi khắp nơi. Nhưng mua bán, hàng họ, đồ ăn thức uống cho ngày tết là chuyện của người lớn, chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi còn những mối quan tâm khác, quan trọng hơn nhiều: trò chơi và đồ chơi.

Tôi kéo mẹ chen lấn đi đến khu vực bán pháo cho bằng được. Đây có lẽ là khu vực tập trung đông lũ trẻ chúng tôi nhất chợ: nào là pháo tép nổ lên từng tràng tiếng tạch tạch, nào là pháo “chuột” có thể lủi khắp nơi, vào cả những đứa trẻ đang xem pháo và mua pháo, làm chúng chạy dạt ra nhưng miệng lại cười ré lên thích thú; nào là pháo “đùng”, sau một tiếng nổ vang trời là những mảnh xác pháo đỏ trắng bay tung lên rồi phất phơ như những cánh  hoa rơi xuống áo người đi chợ; nào là những “cối” pháo cối to như những cái mâm con (ấy là trong cảm nhận của tôi hồi ấy); nào là pháo “thăng thiên”, thỉnh thoảng lại bay vọt lên trời để lại phía sau một tia khói mảnh trước con mắt ngưỡng mộ của lũ trẻ... thôi thì đủ cả. Tiếng pháo tết của ngày xưa sao mà vui thế...

Người dân Việt vốn có đời sống hướng nội, hiền lành chăm chỉ làm ăn, lầm lũi nhẫn nhục, chịu đựng, quanh năm quanh quẩn với hè nhà xó bếp. Chỉ có ba ngày tết là có dịp hướng ngoại: trưng diện quần áo mới, mời nhau ăn uống, thăm hỏi nhau, rồi hội hè, đình đám... Họ ồn ào lên một chút trong những ngày tết để rồi lại trở về với đời sống thường nhật: vất vả. lầm lũi, chịu đựng... Tiếng pháo là đỉnh cao của sự hướng ngoại trong mấy ngày tết của người dân Việt. Nó lấp bớt (dù không thể làm đầy) những thiếu thốn trong đời sống tinh thần của họ. Nó là tiếng “keng” vang lên khi chạm cốc trong những tiệc rượu khi mà mắt đã được nhìn, tay đã được cầm, mũi đã được ngửi, lưỡi đã được nếm thì tai cũng phải có phần của nó... Thế mà... Ôi! Bao giờ cho đến ngày xưa?!...

Mấy lần mẹ kéo tôi đi theo mà không được, bà đành bảo: “ Con cứ ở đây rồi khi mô chơi chán thì ra đầu cửa chợ, chỗ mấy ông bán tranh và câu đối chờ mẹ, coi chừng lạc nha...”. Lạc thế nào được, mẹ không biết tuy là lần đầu đi chợ tết nhưng trong năm đó đã vài lần bạn bè rủ tôi trốn học đi chợ phiên với chúng. Nghĩ là nghĩ thế nhưng tôi vẫn thấy hơi ghê ghê, đông người quá, biết có chen được mà ra không... Lâu lắm tôi mới rời hàng pháo sau khi đã mua một phong pháo tép, một chục pháo chuột và một chục pháo đùng. Chục pháo chuột bỏ túi, tôi cầm phong pháo tép và chục pháo đùng đã được buộc lại léch thếch đi sang các hàng khác. Nào là hàng rối dây (tôi tạm gọi thế vì đã trót quên mất tên nó mất rồi) với những Tôn Ngộ Không, Trư Bát Gới, Triệu Tử Long...làm bằng những đốt trúc ngắn, tay cầm gậy sắt, đinh ba, giáo, gươm... được buộc vào một cái cần làm bằng một thanh tre vót mỏng, phía trên có một miếng bìa hình tròn để hứng gió, mỗi khi có gió các con rối lại múa tít các thứ vũ khí đang cầm tay trông đẹp vô cùng. Nào là hàng bán con giống, tò he mà không hiểu sao dân xứ Nghệ chúng tôi hồi ấy quen gọi là “cu cò”.

Thực ra ở các phiên chợ thường nhiều khi vẫn bán cu cò mà thỉnh thoảng mẹ vẫn mua cho tôi vài con, nào là con gà trống đang vươn cổ gáy, nào là ông tướng cưỡi ngựa cầm gươm... chơi chán thì bẻ cổ đút vào bếp, nướng lên thế là có thêm một món ăn ngon đáo để (thuở ấy có mấy khi có quà bánh để ăn đâu). Nhưng ở phiên chợ tết nhiều hàng cu cò hơn, các loại con giống phong phú hơn và đẹp hơn (như cách nói bây giờ là “mẫu mã đa dạng hơn”) phiên chợ thường nhiều lắm. Rồi đến hàng hoa giấy với đủ loại, dủ màu sắc sặc sỡ.

Ngày trước chợ tết ở Vinh không có bán hoa. Đất nghèo, lo ngày hai bữa cho đủ còn khó thì lấy đâu ra mà chơi hoa với cảnh. Ấy là nói hoa tươi hoa thật chứ còn hoa giấy, hoa giả thì cũng có bán nhiều: Dân nội thành thì đã có hoa mậu dịch bán, dân các vùng về đi chợ thì đã có người bán từ các nơi khác về: một cái sào tre cao quá đầu người được vấn rơm từ đoạn giữa trở lên, trên đó người ta cắm những bông hoa giấy đủ loại, đủ màu sắc, khi có ngưới mua thì người bán tùy tiền mà rút lấy mấy bông trao cho. những bông hoa làm bằng giấy hồi ấy đơn giản vô cùng, thậm chí có thể nói là thô thiển nữa. Đơn giản và thô thiển từ chất liệu, cách làm đến màu sắc, chủng loại chứ không đẹp và tinh tế như các loại hoa giả bây giờ. Tuy vậy vì là ngày tết nên người ta cũng mua về cắm cho vui nhà. Nói vui một chút nhưng là cảnh thật của không ít nhà hồi ấy: hoa giấy còn có thêm một cái lợi nữa là nếu tết sang năm quên hoặc không có tiền mua hoa thì những cành hoa cũ còn đấy đem xuống chùi bụi đi là ta đã có hoa chưng cho năm mới rồi…

... Chen lấn mãi rồi tôi cũng ra được cổng chợ, nơi mẹ tôi dặn đứng chờ.Hai bên cổng chợ là nơi tập trung của các hàng câu đối và tranh dân gian. Tranh và câu đối bày đầy những chiếc chiếu trải đầy trên mặt đất, treo trên những cái giá sơ sài, đựng đầy trong những chiếc bồ... Tôi nhớ nội dung của các câu đối (mà dân Vinh hồi ấy quen gọi là câu đối “mậu dịch”) rất nghèo nàn: ca ngợi Đảng, Bác, thi đua sản xuất... Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy văn chương chữ nghĩa dùng để tán tụng, ca ngợi xã hội đang sống thời nào cũng có và bao giờ cũng chiếm ưu thế nhưng triệt để đến mức đó thì chỉ có thời bấy giờ và không chỉ  ở Vinh. Câu đối thì nghèo về nội dung nhưng tranh dân gian thì thật là phong phú: nào là đám cưới chuột, thầy đồ cóc... nào lý ngư vọng nguyệt, gà, lợn.. nào là bà Triệu cưỡi voi, Quang Trung cưỡi ngựa, Trần Quốc Toản ra quân... thôi thì đủ cả. Hồi ấy tôi đâu đã biết thế nào là tranh dân gian, thế nào là tranh Hàng Trống, Hàng Bồ, chỉ  thấy các bức tranh màu sắc rực rỡ và đẹp đến mê mẩn cả người. Mẹ ra, tôi bắt bà mua bằng được một bức “Thầy đồ cóc” và một bức “Trần Quóc Toản ra quân” rồi mới chịu ra về...

Hơn năm mươi năm kể từ lần đi chợ tết ở Vinh đầu tiên và cũng đã gần bốn mươi năm không có dịp đi chợ tết ở Vinh nữa nhưng cái hồn chợ Vinh vẫn còn đọng lại đâu đó trong tôi. Mà trong những ngày này, dù ở cách xa Vinh hàng ngàn dặm về phương Nam, tôi lại da diết nhớ về phiên chợ tết ngày xưa và mong mỏi được một lần trở lại cái ngày xưa ấy, dù biết rằng chẳng bao giờ có được.

                                                *           *

                                                      *

Tháng tám năm một nghìn chín trăm sáu mươi tư (1964), trái bom Mỹ đầu tiên dội vào kho xăng dầu thành phố (một trung tâm nhiên liệu lớn của miền Trung lúc bấy giờ), khói lửa chiến tranh bốc lên. Tuổi thơ của tôi (và cả thế hệ chúng tôi) chấm dứt. Năm đó tôi mười lăm tuổi.

Ôi! Vinh của tôi, thành phố của tôi, tuổi thơ của tôi.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446472

Hôm nay

2110

Hôm qua

2293

Tuần này

2110

Tháng này

212731

Tháng qua

120141

Tất cả

114446472