Đất Nghệ

Chiêm bái

Nhà khảo cổ kể : Tháp Nhạn nằm ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nay chỉ còn là gạch vụn. Tháp được xây từ đời nhà Đường, nửa đầu thế kỷ thứ 7, khi dân ta hãy còn Bắc thuộc, Nghệ An hãy còn là châu Hoan.

Tương truyền trước đó vua Tùy đã sai Lưu Phương mang qua Giao Châu năm hòm xá lợi Phật, trong đó một hòm được đặt ở châu Hoan. Tháp Nhạn đã được xây để thờ xá lợi chăng ? Như vậy thì Nghệ An đã là đất Phật rất sớm, sớm từ lúc rạng đông của những khởi nghĩa tự chủ. Thiếu sử liệu chính xác, sự thật chỉ còn trông chờ ở khảo cổ học. Thế là tháp Nhạn được khai quật và lòng đất mang lại cho Nghệ An một hãnh diện phi thường : hình như báu vật được khám phá có thể là xá lợi thật. Đó là một hộp hình chữ nhật bằng đồng, bên trong là một hộp nhỏ bằng kim loại màu vàng chứa tro và một viên tròn rỗng, màu trắng. Nhà khảo cổ quả quyết : đích thực là xá lợi. Xác quyết ấy có thể làm choáng váng mọi người, cho nên hộp đồng được cất giữ.

Tam quan chùa Diệc

Chúng tôi đến Nghệ An để tham dự vào việc tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo vào giữa tháng tám năm nay, 2012. Chọn Nghệ An là một lẽ tất nhiên. Đất ấy là địa linh nhân kiệt. Đất ấy là tuyến đầu của tổ quốc, có vị trí đặc biệt trong việc tiếp thu văn hóa, nhận Phật giáo từ cả hai đường, từ bắc xuống bằng đường bộ, từ nam lên bằng đường biển, cho nên nhận rất sớm và rất mở mang. Mở mang đến nỗi Nghệ An được mệnh danh là đất của năm trăm ngôi chùa. Năm trăm ngôi ! Không tưởng tượng nổi. Huế của tôi, thường tự hào là đất chùa, đếm cũng không đến một nửa, một phần ba. Và Huế làm sao có được tháp Nhạn, có được của báu dưới lòng đổ nát ? Chẳng lẽ chúng tôi không tìm đến Nghệ An như tìm đất hành hương ? Huống hồ Nghệ An đánh trong lòng chúng tôi một dấu hỏi lớn : năm trăm ngôi chùa ấy bây giờ ở đâu ? Chẳng lẽ đất Phật ngày xưa không thì thầm nói lên tiếng gì trong tâm khảm người dân xứ Nghệ ngày nay ? Chẳng lẽ sợi tóc của Phật được nhân dân Miến Điện xây chùa vàng đẹp nhất nước để thờ, còn viên tròn màu trắng kia cứ nằm mãi trong nghi vấn ? Chúng tôi không đến Nghệ An để chiêm bái thì đi đâu ?

Vậy là chúng tôi hành hương. Này là di tích chùa Đại Tuệ ngự trị trên núi cao, chung quanh bao la một dãi Hồng Lĩnh. Này là chùa Diệc, hoang tàn đến động lòng, chỉ còn trơ trọi một cổng tam quan, nhưng là một tam quan tài sắc. Và này, tháp Nhạn đây rồi, chao ôi, chỉ gạch vụn với đất bùn. Gạch vụn cả chăng ? Tổ tiên ơi, ai xúi giục bước chân chúng tôi bước đến, ai xúi giục con mắt chúng tôi nhìn vào cái màu hồng hồng đàng kia, nằm lẫn trong bùn ? Lượm lên, phủi sạch đất, viên gạch màu hồng để lộ nguyên hình ba vị Phật nét mặt còn tươi. Nhà khảo cổ khi nãy giải thích : tháp Nhạn được xây toàn gạch, bề mặt ngoài của tháp được trang trí bằng nhiều viên gạch có vẽ hình tam thế Phật, hộp xá lợi được đặt trong một thân gỗ rỗng lòng, chôn theo tư thế thẳng đứng ở chính giữa lòng tháp. Chỉ viên gạch tình cờ khám phá ấy thôi, cũng đủ quỳ lạy rồi. Không phải lạy Phật đâu : lạy cái văn hóa đã un đúc nên dân tộc nước này.

Văn hóa ấy, dù chùa đã biến đi cả rồi, vẫn còn nguyên màu hồng tam thế Phật trong quần chúng. Cả thành phố Vinh nô nức tham dự Tuần Văn hóa, già chen chân với trẻ. Này, hội trường mênh mông không đủ chỗ ngồi, dù để nghe thuyết trình, dù để xem văn nghệ, chiếu phim. Này, đêm hoa đăng thả đèn với hàng chục ngàn người. Này, hội bông hồng cài áo với cả vạn già trẻ phăng phăng leo núi Đại Tuệ. Này, quán cơm chay với lũ lượt khách ăn nối đuôi, hết nhẵn thức ăn vẫn vui vẻ xin xì dầu với bún. Đông như hội, vậy mà ở đâu cũng trật tự, nhã nhặn, lịch sự. Nơi nào khác văn hóa suy đồi, nơi đây, trong tuần này, văn hóa dậy sống. Nơi nào khác giáo dục trốn đi, nơi đây giáo dục trở về. Tự xã hội đấy, tự quần chúng làm văn hóa, tự quần chúng làm giáo dục. Tự xã hội trang sức vẽ đẹp, áo lam nơi hàng trăm tuổi trẻ tình nguyện, phong cách nơi chủ nhân các chiếc xe sang lo việc chở khách, im lặng nơi hội trường, hân hoan trong tiếng vỗ tay đồng ý. Quần chúng là sức mạnh vô địch, dời được cả núi, và sức mạnh ở đây là sức mạnh của hòa bình, xây dựng, dựng lại được cả núi non. Năm trăm ngôi chùa mà tôi tưởng đã biến đi bỗng như thấp thoáng linh hồn trên vùng đất đã mở ra văn hóa, may mắn thay, một văn hóa kiên cường, bất khuất, nhưng khoan hòa, dung thứ, nhân nghĩa, từ bi. Văn hóa ấy có mất đâu dù cho chùa Diệc không còn nữa.

Trước khi đến Nghệ An, tôi đã đọc sơ qua lịch sử chùa Diệc. Chùa được khởi xây từ cuối đời Trần, được trùng tu nhiều lần, từng là cảnh quan lớn  của cả đất nước, niềm tự hào của dân chúng xứ Nghệ. Bây giờ, tuy tượng đã gãy tay, thủng mắt, bia đá lăn lóc, tam quan trơ trọc trong đổ nát, nhà cửa lấn chiếm đến tận vườn, chùa vẫn còn treo biển xếp hạng di tích lịch sử. Chùa có tan hoang đi nữa, tương truyền về chùa vẫn cứ sống trên miệng người dân. Dân kể : Ngày xưa, nơi đây là một khu đất trống, toàn ao chuôm. Năm ấy, trời làm hạn hán kéo dài, ao chuôm khô sạch, dân không có nước tưới. Một hôm, người ta thấy đàn diệc từ đâu bay về đây, nằm chết la liệt. Mọi người kéo ra xem thì trời đổ mưa to. Dân bảo nhau : những con diệc này do trời phái xuống để giúp dân làm mưa. Họ bèn nhặt xác chim, đắp thành một gò nhỏ. Ban đêm, dân lại thấy hàng trăm con diệc bay lên trời. Từ đó, dân chúng dựng lên nơi đây một ngôi chùa bằng tranh và đặt tên là chùa Diệc.

Đẹp thế, dân dựng chùa, dân đặt tên. Như đặt tên con. Chùa là con đẻ của dân. Như nước vậy. Dân thương chùa như thương con đẻ, tôi biết chứ, nhưng tôi phải chạm mặt cụ thể với lòng thương ấy mới xúc động đến tận tim gan. Tôi đã xúc động như vậy, chảy nước mắt với hội trường, khi nghe một bà cụ già phát biểu, giọng run run như tắt tiếng : « Cả đời tôi - cụ nói - cả đời tôi chật vật nuôi con, nhưng đã cố dành dụm được một lượng vàng để góp phần xây lại chùa Diệc. Tôi không biết có còn sống để thấy lại chùa Diệc ngày xưa không, nhưng tôi căn dặn con cái, dù đói cũng không được lấy vàng mà tiêu, dù tôi có chết cũng không được lấy vàng làm tang ma, cứ giữ lượng vàng đấy đợi đến khi xây lại chùa Diệc ».

Trong một chuyện tiền thân của Phật mà tôi chỉ còn nhớ mang máng đoạn đầu, có con chim nằm trong tổ với đàn con sơ sinh, bỗng khu rừng bốc cháy. Chim mẹ làm gì để cứu con ? Nó bay xuống hồ nước bên cạnh, ngậm một giọt nước, tưới xuống lửa, rồi lại bay, rồi lại ngậm nước, rồi lại tưới cho đến khi kiệt sức. Nếu tôi phải viết lại đoạn cuối của chuyện, và nếu tôi lên mặt làm nhà thuần túy duy lý, tôi sẽ kể rằng, may quá, lính chữa lửa đã đến kịp để cứu khu rừng và cứu bầy chim. Nếu tôi cũng cứ muốn duy lý nhưng một nửa duy lý, một nửa tình cờ để câu chuyện hấp dẫn hơn, tôi văn chương thêm một chút : lửa từ xa lan đến khu rừng, nhưng lúc hỏa hoạn bắt đầu xảy ra thì trời đã bắt đầu vần vũ mây đen và mưa đã kịp đổ xuống khi lửa mấp mé bầy chim trong tổ.

Nhưng việc gì tôi phải duy lý ? Việc gì tôi phải khoa học ? Việc gì tôi không thấy cái hùng vĩ nơi giọt nước của con chim, việc gì tôi cho tính thiện đầu hàng tính ác, việc gì tôi không thấy thần đất, thần trời, thần sông, thần núi, thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp, thần nào cũng xúc động như bất cứ ai đang thấy con chim, việc gì tôi không kể chuyện cho bé thơ như mẹ tôi đã kể cho tôi, việc gì tôi cho chuyện thần tiên bay hết về trời, để lại chiếc nôi trống trơn tưởng tượng ? Việc gì tôi không tưởng tượng chùa Diệc mọc lên trên lượng vàng của bà cụ già một buồi sáng khi dân chúng vừa thức dậy ? Việc gì tôi không kể một chuyện thần tiên của thế kỷ thứ 7 trong đó tất cả vàng bạc của thế gian bỗng biến thành đồng cả, chỉ riêng một giọt vàng của một bà cụ già đã chảy ra để trang hoàng bằng vàng một hôp đựng báu vật mà một con chim Nhạn đã bay về báo cho biết đó là xá lợi của Phật ?

Lượng vàng ấy chẳng phải là một chuyện thần tiên ? Chẳng làm động lòng thần sông, thần núi của vùng đất địa linh nhân kiệt ?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520887

Hôm nay

2255

Hôm qua

2339

Tuần này

21928

Tháng này

218826

Tháng qua

121009

Tất cả

114520887