Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Đăng Mạnh - Người "đọc" tinh các nhà văn

(VHNA): Nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh tham gia hoạt động trong sự nghiệp giáo dục từ những năm 1950, được tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất năm 1986; Huân chương lao động hạng hai năm 1998; được phong GS năm 1991, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990 và Nhà giáo Nhân dân năm 2002. 

Năm 2000 ông nhận giải thưởng Nhà nước. Vào tháng 3 năm 2010, Khoa ngữ văn Đại học sư pham 1 Hà Nội đã tổ chức kỉ niệm nhân dịp Nhà giáo nhân dân - Giáo sư - Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh tròn 80 tuổi. Ngày 9 tháng 5 năm 2010 học sinh và bạn bè của Gs từ nhiều miền đất nước lại kỉ niệm nhân dịp ra mắt cuốn sách Người và nghề viết về ông do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản..

Gs Nguyễn Đăng Mạnh giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Vinh từ 1960 -1968, đã có nhiều đóng góp  với sự nghiệp giáo dục đào tạo của Nghệ An, và xứ Nghệ . Tạp chí Văn hóa Nghệ An xin trân trọng giới thiệu một số bài viết về ông và xin được xem như một lời chúc mừng giáo sư nhân dịp thượng thọ.
 
 
 
Một người làm phê bình văn học, tôi nghĩ, nói theo cách nào đó, là người "đọc" các nhà văn. Có những người viết rất nhiều về một nhà văn nào đó, với vô số phân tích dông dài và uyên bác, viện đủ thứ lý luận cao siêu, nhưng rốt cuộc vẫn không "đọc" ra được nhà văn là đối tượng đang nói đến của anh, không cho ta thấy được vậy thì nhà văn đang được nói đến đó là ai, diện mạo thật của anh ta ra sao, không đưa được cho ta cái chìa khóa, thường hóa ra lại rất đơn giản, giúp ta đi vào thế giới riêng của nhà văn ấy. Và mỗi nhà văn, đúng là nhà văn, thì bao giờ cũng đơn nhất, không có hai, không lặp lại; chính vì thế mà anh ta là nhà văn - chứ không phải chỉ là một người viết –; có thể có, có thể cần những người viết giống nhau, thậm chí nhiều người như vậy, nhưng không cần hai nhà văn giống hệt nhau, nếu có thì hẳn phải bớt đi một. Và "đọc" đúng một nhà văn không phải là ở đề tài của anh ta, điều ấy thì chắc chắn rồi, cũng không phải ở chủ đề, ở nhân vật quen thuộc của anh, thậm chí ở cái mà người ta thường hay gọi là tư tưởng của anh. Cái nhà phê bình giỏi đọc được ở mỗi nhà văn nằm ở đâu đó giữa những cái vừa nói, và tất nhiên nhiều cái khác nữa, ở trong, ở giữa những cái ấy, tiềm tàng, vừa có trong từng cái vừa có thể là tổng hòa của tất cả, hay đúng hơn, một cái "chất" gì đó "nhiễm" trong ấy, vừa là bẩm sinh, trời cho, trời gán cho, buộc cho, vùng vẫy gỡ ra cũng không được, vừa do cuộc từng trải cũng là duy nhất ở đời của anh ta, tự giác và không tự giác, lâu dài nhiễm vào anh. Tôi muốn gọi đấy là cái tạng của từng nhà văn, anh ta cũng viết về nhiều chuyện như những người khác, nhưng tuyệt đối không giống ai, đơn nhất là của riêng anh thôi, thậm chí nói cho to tát một chút, chính vì đều đó mà cần có anh trên đời. Đọc ra được cái tạng ấy của từng người cầm bút là cái tài của người phê bình. Độc giả cần anh; nhà văn cũng cần anh.
Nguyễn Đăng Mạnh là một nhà phê bình như vậy. Anh sắc sảo ư? Cũng có. Anh uyên bác ư? Không thua nhiều người khác. Thâm thúy ư? Rất nhiều khi… Nhưng có lẽ quý nhất ở anh là cái tài kia, quả thật tôi thấy không nhiều ở những nhà phê bình của ta: anh đọc ra đúng cái tạng riêng của từng người, không ít. Hầu như ở nhà văn nào anh chạm đến, anh cũng đọc ra được cái ấy, thường chỉ cần diễn đạt không bằng nhiều lời, đôi khi chỉ bằng một vài chữ. Mà khiến người ta có thể ồ lên một tiếng: đúng rồi! Đây có thể là một trong những con đường khai mở tốt nhất giúp người đọc thật sự đi vào thế giới sáng tạo riêng của từng nhà văn. Mà một nền văn học chính là được tạo nên bằng chính những thế giới sáng tạo đơn nhất ấy.
Một nhà phê bình làm được điều đó cũng đồng thời giúp được nhà văn tự biết mình một cách tự giác hơn, để mà biết nên tiến tới hay lùi lại như thế nào, có cần không, đến đâu; điều vốn rất khó đối với một người cầm bút sáng tạo. Nhà phê bình không làm được công việc của nhà văn, nhưng anh có điều kiện để tỉnh táo hơn – tất nhiên nếu quả anh có tài. Và khi anh đọc được cái tạng của nhà văn, thì anh sẽ gợi được cho nhà văn suy nghĩ về chính mình, tỉnh táo hơn, điều người đang sáng tạo thường khó có vì đang mãi đam mê. Người đang sáng tạo có gì đó giống như người say rượu vậy; lúc đó mà họ tỉnh thì thường chẳng ra gì. Người phê bình ở bên cạnh, ân cần, tinh tế, chăm chú đọc. Đọc một tâm hồn, một giọng điệu tâm hồn. Và lần ra cái tôi gọi là cái tạng. Theo nghĩa đó, anh là người bạn tâm đắc của nhà văn. Tôi nghĩ tôi tìm thấy được một người bạn như vậy ở Nguyễn Đăng Mạnh
Nguyễn Đăng Mạnh viết về tôi rất ít, hình như chỉ có hai lần, và lần nào cũng rất ngắn. Nhưng có lẽ anh là người đọc ra chính xác hơn cả cái tạng của tôi mà anh diễn đạt chỉ bằng mấy chữ: "con người lãng mạn". Là một lời khen hay một lời chê? Có lẽ điều đó không phải là quan trọng nhất. Quan trọng hơn là nó khiến tôi suy nghĩ. Bởi tôi không hề ân hận vì đã sống cuộc đời này một cách lãng mạn, dấn thân đến cùng thật lãng mạn, không hề tiếc. Nhưng nhận xét tỉnh táo và chính xác của Nguyễn Đăng Mạnh cũng cảnh báo tôi: có phải tôi đã có phần quá lãng mạn hóa một cuộc đời hiện thực khiến cho điều tôi nói với người đọc đôi khi không khéo là đánh lừa họ, dẫu tôi không bao giờ muốn? Một cảnh báo như vậy cần cho tôi vô cùng. Một chỗ mạnh của một cây bút dường như bao giờ cũng bao gộp cả chính chỗ yếu của anh ta nữa. Và biết được điều đó là cần thiết lắm, chỉ ra được điều đó cho một người cầm bút là rất giỏi. Để giúp anh tìm lấy cái mạnh trong chính cái yếu của mình, tự điều chỉnh, dù chẳng dễ gì.
Tôi muốn cảm ơn anh Mạnh về điều đó. Không dễ có được một người bạn như vậy trong đời, tôi biết, nhất là khi đã dấn vào cái nghề, cái nghiệp phải moi đến tận đáy chính mình, cho đến tế bào cuối cùng ra mà đánh đổi suốt đời này!        
                                                                                   
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528736

Hôm nay

2117

Hôm qua

2275

Tuần này

21009

Tháng này

215432

Tháng qua

0

Tất cả

114528736