Những góc nhìn Văn hoá

MISS SÀI GÒN và diễn ngôn Đông Á

 
1. Chắc không phải là ngẫu nhiên khi Lee Dong Soon lại chọn tên bài thơ Miss Sài Gòn làm nhan đề chung cho cả tập thơ – một nhan đề mà tự nó đã cho thấy một sự đan trộn văn hóa, đan trộn không – thời gian. “Miss Sài Gòn” là cách gọi của một người lính Hàn Quốc dành cho người phụ nữ Việt Nam mà anh ta đã gắn bó trong thời gian sống trong quân ngũ. Người đàn ông Hàn Quốc trong bài thơ thì đã bỏ đi và chưa biết đến ngày nào quay lại nhưng tác giả của tập thơ – một đồng bào của người lính Hàn Quốc năm xưa - thì đã đến Việt Nam. Với cá nhân ông thì đây là lần đầu tiên. Nhưng với tư cách của một người Hàn Quốc thì đó là một sự trở lại. Điều này đưa đến hai hệ quả:

- thứ nhất: tập thơ tuy được viết trong hiện tại, ghi chép và tái hiện về bức tranh sinh hoạt trong hiện tại nhưng luôn có sự gắn bó thường trực với thời gian quá khứ - thời gian của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
- thứ hai: luôncó một sự tương thông (khi ẩn tàng, khi hiển thị) giữa hai không gian Việt Nam và Hàn Quốc.
Sự ràng buộc với quá khứ và tính xuyên không gian khi viết về di chứng của chiến tranh, theo chúng tôi, là chìa khóa quan trọng giúp ta lí giải về những đặc điểm của bức tranh thế giới và những chủ đề chính trong tập thơ.
1.1 Bị ám ảnh về quá khứ nên, có lẽ, Việt Nam trong tiếp nhận của Lee Dong Soon trước tiên và chủ yếu là Nam Trung Bộ và Nam Bộ - một Việt Nam gắn liền với những kí ức của người Hàn Quốc – mảnh đất mà họ đã đến với tư cách là đồng minh của người Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Một du khách, lần đầu đến Việt Nam, thường bị hấp dẫn bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, những danh lam thắng cảnh (những cánh đồng thẳng cánh cò bay, Đà lạt hoàng hôn, những bãi biển lồng lộng nắng gió nhiệt đới...). Nhưng với Lee Dong Soon, tất cả những hấp dẫn mang màu sắc xứ lạ (exotic) đó đều không lọt vào tầm quan sát của nhà thơ. Ở bất kì nơi nào, cái đặc biệt thu hút sự quan tâm của ông là những con người Việt Nam nhỏ bé, vô danh và lam lũ: những người đạp xích lô với gương mặt cháy nắng, đầy bụi đường, đôi chân khẳng khiu, rướn mình trên chiếc pê-đan (Xích lô); những người nông dân “đội nón lá/ suốt ngày ngoài ruộng/ Đứng như một con diệc” (Sự sống và cái chết); đôi vợ chồng người nghệ sĩ hát rong ở châu thổ sông Mê-kông (Nghệ sĩ hát rong); người lái xe ôm (Chợ Bến Thành)... Từ những con người và cảnh ngộ cụ thể ấy tác giả muốn nhìn thấy số phận của dân tộc Việt, muốn nhìn thấy sức sống và những phẩm chất đẹp đẽ của người dân Việt Nam luôn hiện diện sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử:
- Tôi nghĩ đến dãy núi trải dài Bắc – Nam
Lịch sử khổ đau trên đất nước xinh đẹp này
Hơn ngàn năm chịu bao nhiêu xâm lược
Quằn quại đau đớn bao áp bức
(Xích lô)
- Giữa đồng không
Chắc có thể nhìn thấy những nấm mồ nằm đó
Người nông dân dù đã chết rồi đi nữa
Vẫn muốn được chôn nơi đất ruộng làng mình
Nên người vừa đưa người qua đời
Cũng vậy chỉ một tí nữa thôi
Ông ta sẽ trở về với ruộng đất làng ông
                                                                        đang sống
                                                            (Sự sống và cái chết)
- Di chuyển trong cái bóng tối đặc đen sờ được
Có mở mắt cũng không thấy được phía trước
Người Củ Chi giữ thẳng mình để đi lên
                                                (Địa đạo Củ Chi)
Chính những vẻ đẹp như thế đã đem lại cho tác giả một nguồn cảm hứng và phấn khích kì lạ về sức sống và vẻ đẹp quật cường của Việt Nam:
                                    - Tôi cảm kích trước sự mãnh liệt chiến đấu
                                    Tìm lại ánh mặt trời bừng sáng của bình minh.
                                                                        (Phở)
1.2 Nhưng có lẽ, ám ảnh Lee Dong Soon hơn cả khi viết Miss Sài Gòn là những di chứng của cuộc chiến tranh – một cuộc chiến tranh mà người Hàn Quốc đã tham dự. Có những di chứng nằm im lìm trong những hiệu sách cũ – những di chứng mà ngay chính những người Việt Nam hôm nay dường như đã lãng quên thì giờ đây bỗng sống lại như một ám ảnh trong mắt của một người Hàn Quốc lần đầu đến Việt Nam:
Vài cuốn tiểu thuyết đại chúng
Và tạp chí cũ của Hàn Quốc
Đặt trên giá sách cũ mèm
Những thứ lính đánh thuê Hàn Quốc thường xem
(Hiệu sách cũ Thủ Đức)
Nhưng có những di chứng khác thì vẫn không ngừng hiện diện trong những kiếp người, những số phận. Có 3 hình ảnh hiện diện một cách đậm nét trong tập thơ: nạn nhân của chất độc màu da cam – những người phụ nữ Việt Nam và những đứa con lai Hàn quốc – những người lính Hàn quốc trở về sau chiến tranh. Ba mảng hình ảnh này có khi đặt song song, có khi đan xen với nhau và đi suốt dọc tập thơ như một chủ âm đầy day dứt, xót xa.
Đây là hình ảnh những đứa trẻ Việt Nam bị nhiễm chất độc điôxin đang vật lộn với từng hơi thở để tồn tại:
Đến cả thở cũng quá sức với nó
Thở hổn hển, thở nặng nhọc, thở không ra thở
Vừa thở vừa nhìn vào hư không
Thở bằng đôi mắt mờ đục
(Chất độc màu da cam 3)
Đây là số phận của những đứa con lai:
- Khi còn bé đã lang thang không nơi nương tựa
Như hòn đá trên mặt đường
                        (Lai Đại Hàn 2)
- Dòng dõi nhà mẹ tôi – lai Đại Hàn,
                                                            tôi – Tân lai Đại Hàn
Mọi người tỏ ra khinh bỉ và xa lánh
Tôi sinh ra thành một thứ hành lí
                                                            nặng nề trong cuộc đời mẹ.
                                    (Tân lai Đại Hàn)
Còn đây là hình ảnh những người lính Hàn Quốc trở về từ sau cuộc chiến:
- Từng khoảnh khắc của cái chết
Những người trong chúng tôi may mắn sống sót trở về
Trong mỗi phút giây ngưỡng cửa sinh tử cận kề
Thế nhưng
Chất độc màu da cam sau chiến tranh di chứng
Từng ngày từng ngày sống
Nỗi thống khổ đi theo cùng năm tháng với thở dài
                        (Bài ca người lính tham chiến Việt Nam 8)
- Cơ thể bệnh hoạn khập khiễng kéo lê
Cho qua chục năm vật vờ cái sống
Chết được vào nghĩa trang liệt sĩ an táng
May sống sót được khoản tiền trợ cấp hàng năm
Cái khoản tiền bằng khúc đuôi chuột bồi thường
                        (Bài ca người lính tham chiến Việt Nam 9)
Chiến tranh đã qua đi nhưng những di chứng của nó – tựa như chất độc màu da cam: “một lần rải xuống/ Không bao giờ mất đi” (Chất độc màu da cam 1). Di chứng thảm khốc của chiến tranh không chỉ được nhìn thấy qua những nạn nhân trực tiếp trong cuộc chiến (những người lính, những người phụ nữ và những đứa con lai, những đứa trẻ tật nguyền vì bị nhiễm chất độc điôxin) mà còn hiện diện như là vết thương đau buốt trong tâm thức của cả cộng đồng. Ngay chính tác giả, người mà trước đó, chưa một lần đến Việt Nam cũng không thể vô can với những di chứng từ quá khứ ấy. Nó khiến ông phải xót xa với những nỗi đoạn trường mà người dân Việt Nam và đồng bào của mình phải gánh chịu. Và, chắc chắn, đó cũng là nỗi xót xa trong tâm trí của mỗi người dân hai nước Việt - Hàn. Toàn bộ tác phẩm của Lee Dong Soon đặt người đọc trước một thực tế: quá khứ đau thương, chết chóc vẫn luôn hiện diện trong đất đai, trong cơ thể và sâu hơn trong tâm hồn, cảm nhận của mỗi con người của thời hiện tại.
Có thể thấy: khi viết về những di chứng của chiến tranh, không gian tập thơ đã được nới rộng. Không chỉ còn là không gian của Việt Nam với đạn bom, chất độc, những kiếp người tủi hờn mà còn là không gian của Hàn Quốc với những những chiến binh tật nguyền – những người đã đánh mất tuổi trẻ ở một vùng đất xa lạ và tiếp tục bị dày vò bởi chất độc màu da cam, bởi thương tật trong suốt phần đời còn lại. Hai không gian quốc gia khác nhau nhưng có chung một nỗi đau từ cuộc chiến khốc liệt trong quá khứ. Chủ đề này được thể hiện rõ nhất trong phần IV và phần V – phần cao trào của tập thơ. Phần IV gồm 11 bài thơ tập trung vào không gian của Việt Nam với hai điểm nhấn: chất độc màu da cam (6 bài) và Lai Đại Hàn (5 bài). Phần V là 9 bài thơ xoay quanh chủ đề về người lính Hàn Quốc ở Việt Nam (thời chiến) và Hàn Quốc (thời hậu chiến). Nếu những bài thơ về đề tài Lai Đại Hàn ở phần IV là những giọt máu rơi của Hàn Quốc (cũng là những vết thương mà họ để lại ở Việt Nam) thì phần V là một Việt Nam của chiến tranh vẫn sống trong lòng xã hội Hàn Quốc hôm nay. Không còn sự chia biệt nữa mà thay vào đó là sự tương thông của cả hai dân tộc – sự tương thông trong khổ đau và bất hạnh.
2. Có một sự đồng cảm đặc biệt mà Lee Dong Soo luôn dành cho con người và cảnh sắc của Việt Nam. Sự đồng cảm khiến không gian Việt – Hàn bỗng được kéo gần lại để trở thành một không gian gần gũi. Chứng kiến những người dân Việt Nam chế biến chiếc chảo, nồi cơm, đôi xăng đan từ những mảnh vỡ của máy bay B52 nhà thơ bỗng nhớ tới người cha của mình, khi chiến tranh kết thúc, cũng đã lấy những thùng xăng, thùng đạn làm thành cái khay đựng đinh, đựng dụng cụ; lấy vỏ đạn đại bác làm thành cái gạt tàn thuốc lá (Việt Nam 1). Những món ăn Việt Nam được ông thưởng thức trong hương vị thân thuộc như với những món ăn Hàn Quốc (Trên bàn ăn). Không hiếm khi sự đồng cảm giúp nhà thơ vượt qua tức thời rào cản của sự khác biệt trong ngôn ngữ:
Đôi vợ chồng chân đất
Như vừa quăng lưới rồi lên bờ
Nửa người ướt đẫm sông nước
Nửa người hát rong trên đất khô
Dù không cùng tiếng nói
Tôi hiểu nỗi đoạn trường này
            (Nghệ sĩ hát rong)
Và thật thú vị và cảm động là cảm nhận chân thành của nhà thơ trước một mùi vị đặc trưng cho những con hẻm nhỏ của Sài Gòn:
Tôi đi ngang ngõ hẻm đầy mùi khai
Ngước nhìn lên những bức tường –
                                                            (theo tôi hiểu)
Còn dính đầy nước tiểu
Đất nước chúng tôi cũng từng trải qua
thời kì sau chiến tranh như thế
            Cái mùi nước tiểu này thật quen thuộc quá.
                                    (Con hẻm chuột)
Lí giải về sự đồng cảm và gần gũi này của Lee Dong Soon, nhà phê bình văn học Ahn Mi Yeong có những nhận định hết sức sâu sắc: “Tại Việt Nam, nhà thơ đọc lên những ‘quá ngộ’ (sai lầm) của đất nước ta [...], chứ không chỉ đơn thuần phơi bày hiện thực Việt Nam. Và ông đang khơi lại vết thương lịch sử đã hóa vết sẹo của dân tộc ta, một vết thương rất tương đồng với Việt Nam. Trong tầng ý nghĩa ấy, tập thơ Miss Sài Gòn có thể được đọc lên như một cuốn sách kim chỉ nam hướng dẫn quan trọng, đánh thức ‘ngày hôm nay của chúng ta’ thông qua ‘không gian tư duy Việt Nam’”[1]. Đây cũng là hướng tiếp cận chủ đạo được Ahn Mi Yeong triển khai trong tiểu luận với một nhan đề giàu tính gợi mở: Đề xuất về ‘Việt Nam và diễn ngôn Đông Á’ với tư cách như một không gian tư duy. Chúng tôi muốn dừng lại ở đây để có một cái nhìn cụ thể hơn về tập thơ Miss Sài Gòn trong mối quan hệ với cái gọi là ‘diễn ngôn Đông Á’.
Trước tiên cần phải thấy rằng Đông Á là một khái niệm ít nhiều mang tính linh hoạt. Nó là sản phẩm của diễn ngôn hơn là có ý nghĩa thực thể. Điều này được nhìn thấy rõ nhất trong trường hợp của Việt Nam. Xét về cội nguồn, văn hóa Việt được xem là thuộc về Đông Nam Á[2] và từ 1995 đến nay, Việt Nam chính thức gia nhập hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, những ảnh hưởng của Trung Quốc trong suốt hai thiên niên kỉ đã hình thành nên những sợi dây liên kết bền chặt giữa Việt Nam với những quốc gia Đông Á. Cho tận đến những năm đầu thế kỉ XX, Việt Nam vẫn luôn hình dung mình cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước đồng văn.
Trong quá khứ, không phải không có những hình dung về một khối liên minh giữa các quốc gia Đông Á. Ý niệm này có khi gắn với ‘thuyết liên Á’ (Pan-Asianism) mà Trung Quốc là trung tâm; có khi gắn với cái gọi là ‘khối thịnh vượng chung Đông Á’ (East Asian Co-prosperity Sphere) mà Nhật Bản là trung tâm. Dù trong trường hợp nào thì một sự phân biệt giữa trung tâm (center) và bàng biên (periphery) vẫn là rất đậm. Một hình dung như thế không thiết lập mối quan hệ giữa các thành viên Đông Á trên cơ sở của sự bình đẳng. Có lẽ chính vì thế mà từ sau chiến tranh lạnh các nhà khoa học trong khu vực đã nói đến sự hình thành của một diễn ngôn Đông Á như một sự vượt thoát khỏi những giới hạn của tư duy truyền thống. Với ý tưởng ấy, diễn ngôn Đông Á nhấn mạnh đến “sự cảm thông lẫn nhau, thoát khỏi sự quan tâm mang tính quốc gia, thiển cận”, nhờ đó mà “kích hoạt phối cảnh bình đẳng giữa các thành viên trong khu vực cũng như kích hoạt ý niệm đẹp đẽ về khối cộng đồng Đông Á trong thế kỉ 21”[3]. Diễn ngôn Đông Á với nội hàm mới mẻ này không hướng tới sự đối lập giữa các quốc gia Đông Á với các nước phương Tây mà đặt trong tâm ở sự hướng nội, sự quan tâm lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực: phát hiện những tương đồng trong lịch sử, để thấu hiểu, chia sẻ, hòa giải và hướng đến một tương lai đẹp đẽ hơn.
 Sự cảm thông, chia sẻ và những  suy ngẫm về sự tương đồng của số phận hai dân tộc Việt – Hàn từ những di chứng tàn khốc của chiến tranh trong Miss Sài Gòn phải chăng chính là sự hiện thân đẹp đẽ và đầy xúc cảm của một diễn ngôn Đông Á như thế?
3. Miss Sài Gòn ngay từ khi ra đời đã nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Hàn Quốc: được bình chọn là tập thơ tiêu biểu của năm 2005. Và như một duyên lành, nó được chuyển ngữ sang tiếng Việt qua bản dịch của GS Yang Soo Bae. Nhận học vị TS tại Trường ĐHSP Hà Nội với đề tài: so sánh Truyện Kiều và truyện Xuân Hương ở Việt Nam, từ năm 1995 đến nay GS Yang Soo Bae đã làm việc không mệt mỏi trong vai trò cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt Hàn. Ông chính là người đã dịch Chinh phụ ngâm khúc, tiểu thuyết Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng và hàng chục bài thơ của các tác giả Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc.
Tập thơ của Lee Dong Soon và hoạt động dịch thuật của những người như GS Yang Soo Bae chính là những viên gạch đóng góp vào ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Á trong tương lai.
                                                                                                                        Busan, 17III10

[1] Ahn Mi Yeong, Đề xuất về ‘Việt Nam và diễn ngôn Đông Á’ với tư cách như một không gian tư duy, trong sách Miss Sài Gòn, Nxb Văn học, 2009, tr. 152.
[2] Xem: Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông - Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
[3] Xem: Sung-Bin Koh, China's view of Korea: a critique in the context of the East Asian discourse, Inter-Asia Cultural Studies, Volume 9, Number 1, 2008, tr. 159

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528778

Hôm nay

2159

Hôm qua

2275

Tuần này

21051

Tháng này

215474

Tháng qua

0

Tất cả

114528778