Những góc nhìn Văn hoá

Gs Trần Đình Sử với việc cải cách hoạt động dạy học văn ở trường phổ thông

1. GS. Trần Đình Sử khẳng định tên tuổi của mình trước hết trên tư cách một nhà lý luận – phê bình văn học. Bằng việc tạo ra một bước ngoặt trong nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học hiện đại với những công trình xuất sắc đạt đến giá trị nền tảng như Thi pháp thơ Tố Hữu, Thi pháp Truyện Kiều..., ông luôn được giới chuyên môn nhắc đến với thái độ kính nể. Nhưng không chỉ thế, ông còn có đóng góp quan trọng trong việc đổi mới tư tưởng dạy học văn ở trường phổ thông hiện nay, dù chính danh, ông không phải là nhà “giáo học pháp”.

Riêng về vấn đề này, ý kiến đánh giá từ những đồng nghiệp của ông chưa phải đã thống nhất. Có người ngờ vực. Có người tỏ ý tiếc cho ông đã mất thời gian quý báu vào những việc “chả đi đến đâu” (hiểu theo nghĩa : dù cố đến mấy, “người ta” cũng không đánh giá đúng công sức mà anh bỏ ra, bởi trong ý thức xã hội bây giờ đang tồn tại một “phong khí” rất xấu, gắn liền với thái độ vô cảm, thờ ơ hoặc nhạo báng những cái gì “có trách nhiệm” và nghiêm túc). Nhưng tôi tin, khi các chuyện bệ rạc đủ loại của ngành giáo dục được giải quyết dần, khi không ít cải tiến mang tính “làm phép” từng được thao diễn nhằm che giấu sự lúng túng, bất lực trong việc đổi mới hoạt động dạy học văn đã lộ rõ bản chất, khi môn văn thực sự được nhìn nhận đúng với tính chất và vị trí quan trọng của nó trong việc xây dựng con người nhân văn, nhân bản, đáp ứng tốt những yêu cầu của cuộc sống hiện đại, khi đó, những tư tưởng dạy học văn mang tính cách tân mà ông một lòng bênh vực sẽ được thấu hiểu, đề cao.

2. GS. Trần Đình Sử đã đến với lĩnh vực nghiên cứu về phương pháp dạy học văn một cách hoàn toàn tự nhiên, xuất phát từ những điều kiện rõ ràng là thuận lợi. Thứ nhất, ông am hiểu thực trạng dạy học môn văn ở trường phổ thông, một phần do bản thân ông dạy ở trường đại học sư phạm – nơi đào tạo đội ngũ giáo viên văn. Thứ hai, hướng nghiên cứu theo thi pháp học mang đậm dấu ấn của riêng ông, sau khi đã liên tiếp tạo được các sự kiện trong nghiên cứu – phê bình văn học, đang đòi hỏi được vận dụng rộng rãi ở hoạt động dạy học văn, do tính mới mẻ và hiệu quả của nó trong việc khám phá thế giới nghệ thuật của các sáng tác văn học – đối tượng dạy học chính của giáo viên - học sinh phổ thông… Là một con người hầu như chỉ biết đến công việc và luôn thấy bức xúc trước những điều bất như ý tồn tại trong phạm vi hoạt động của mình, ông đã từng bước “dấn sâu” (chứ hoàn toàn không phải “lấn sân”) vào lĩnh vực “giáo học pháp”, khởi sự bằng việc tham gia biên soạn (và có khi chủ biên) sách giáo khoa Văn học CCGD ở các nội dung Lý luận văn họcLàm văn (kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước). Rồi, đến lúc, muốn rút chân ra cũng không thể, GS. Trần Đình Sử bắt đầu một giai đoạn “ôm việc” và “mua việc” đầy nhọc nhằn : từ 2002, ông là trưởng tiểu ban xây dựng chương trình Ngữ văn THPT, rồi làm tổng chủ biên bộ sách Ngữ văn THPT (nâng cao). Lúc bộ sách Ngữ văn đang được hoàn thành dần theo năm một, hè nào, vào các đợt “bồi dưỡng thay sách”, GS. Trần Đình Sử cũng cùng một số vị tổng chủ biên và chủ biên khác phải thuyết trình, đối thoại về muôn vàn điều của dạy học văn theo tư tưởng mới. Ở trên, tôi vừa nói đến chữ “nhọc nhằn”. Dĩ nhiên, làm khoa học thật sự theo kiểu GS. Trần Đình Sử luôn luôn đòi hỏi phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng cái “nhọc nhằn” ở đây còn mang một nội dung đặc thù, phản ánh sự vật lộn của nhà nghiên cứu với tình trạng “ngu dốt, ngu dốt tràn lan” (cụm từ quen nói của ông), với “thói” không hiểu, không chịu hiểu, không chịu lăn vào học và xắn tay vào làm mà chỉ kênh kiệu đứng ngoài bình phẩm và dè bỉu của nhiều kẻ liên đới. “Nộ khí xung thiên” mà bao người từng thấy ở ông, như vậy, vừa nói rõ một khí chất, một tính cách con người lại vừa chứng tỏ áp lực tiêu cực của môi trường trì trệ (trước hết là môi trường nghiên cứu, giảng dạy ở ta) lên một cá nhân luôn nóng lòng vì lẽ phải và sự công bình (trong đó có sự công bình ở việc đánh giá tâm huyết và nỗ lực của con người chỉ một lòng vì khoa học). GS. Trần Đình Sử đã phải “vừa đẵn vừa vác” trong vô vàn công việc. Là tổng chủ biên một trong hai bộ sách Ngữ văn THPT tích hợp, ông không yên tâm chỉ ngồi nêu “định hướng tư tưởng” và góp ý xây dựng chung chung, mà còn phải lao vào giải quyết bao chuyện cụ thể, từ việc soạn nhiều đơn vị bài các loại tới việc đương đầu “cãi lại” những ý kiến khác biệt, trong đó có không ít ý kiến hoặc mỏng kiến thức hoặc thiếu thiện chí. Ông không thể làm việc một cách ung dung, nhàn nhã, phần vì áp lực đổi mới (với tinh thần cốt yếu của nó) trút nghiêng sang bộ sách “của ông”, phần do ông phải chịu trách nhiệm về cả một đội ngũ cộng sự – những người thừa lòng kính trọng ông, đi theo ông (như tôi – người viết bài này chẳng hạn) nhưng không phải bao giờ cũng hiểu đúng, hiểu hết tư tưởng mà ông đề xuất, và biết đâu có lúc còn vô tình cản trở con đường “đi vào cuộc sống” của những tư tưởng đó. Cho đến thời điểm này, chuyện biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THPT đã giảm độ “nóng”, nhưng tôi nghĩ những tư tưởng dạy học văn mới được GS. Trần Đình Sử cổ suý, phát triển và ráo riết tìm cách vận dụng vào thực tiễn vẫn còn tiếp tục gây “dư chấn”, buộc những nhà “giáo học pháp”, những giáo viên văn và học sinh phải thay đổi cách tư duy trong các hoạt động nghiên cứu, dạy, học của mình. Bao việc phải làm còn ở phía trước. Chắc chắn GS. Trần Đình Sử chưa “rửa tay gác kiếm”, dù ông đã bước vào tuổi bảy mươi, chừng nào còn thấy hoạt động dạy học văn trong trường phổ thông ở nước ta đứng ngoài tư duy khoa học, đi bên lề những vận động đổi mới có tính toàn cầu của nền giáo dục hiện đại. 

3. Không phải ngay từ những ngày đầu tham gia chỉ đạo việc cải cách hoạt động dạy học văn ở trường phổ thông, GS Trần Đình Sử đã có được một hình dung đầy đủ về cái gọi là giải pháp tổng thể. Nhưng những việc ông làm, những bài ông viết luôn hướng tới tính hiện đại, hướng tới sự đổi mới – đổi mới từ các nguyên lý cơ bản. Chính điều này nói lên sự kiên định, nhất quán của ông trên con đường xây dựng và hoàn thiện một tư tưởng dạy học văn mới mẻ. Không có cái gì ngẫu nhiên ở đây, không có cái gì đại loại như là sự ứng dụng vội vã những kinh nghiệm giáo dục của nước ngoài hay sự thiên lệch trong việc đánh giá thực trạng dạy học văn (như chỉ biết đến góc nhìn của nhà lý luận văn học mà không tính đến những góc nhìn khác của nhà sư phạm, nhà giáo dục…). Dĩ nhiên, mỗi bài viết liên quan đến dạy học văn trong nhà trường của GS. Trần Đình Sử đều có một mục tiêu riêng, có thể nghiêng về “lý luận” (lý luận văn học), có thể nghiêng về “phương pháp”, nhưng chúng luôn chứa đựng khả năng nối kết với những vấn đề trung tâm của dạy học văn. Một mình GS. Trần Đình Sử, trong một lúc, không thể thuyết minh đầy đủ về “khả năng nối kết” nói trên. Chính người đọc ông phải làm điều đó, trước hết, để có thể đồng cảm và chia sẻ với những gì ông viết, sau nữa, để chính mình góp phần tháo gỡ vô số ách tắc trong dạy học văn, trên cơ sở nhìn ra, như ông đã nhìn ra, những mối tương quan ẩn sâu giữa các sự việc ngỡ là tồn tại biệt lập với nhau.

Ngay khi còn có vẻ đồng thuận với ý kiến của nhiều đồng nghiệp về vấn đề : đối tượng chính của dạy học văn ở trường phổ thông là các văn bản nghệ thuật (hiểu theo nghĩa hiện đại của nó), GS. Trần Đình Sử vẫn có một quy trình làm việc riêng, thể hiện một quan niệm lý thuyết riêng ở khâu “phân tích tác phẩm” (phân tích tác phẩm là khái niệm thịnh hành một thời). Ông kêu gọi người dạy học văn phải vượt qua lối phát biểu cảm nhận chung chung, phải thuyết phục được người khác tin rằng cách tiếp cận, cắt nghĩa mà mình đã chọn (giữa nhiều cách khác) là có cơ sở, với những chứng cứ cụ thể lấy từ bản thân cấu trúc ngôn từ, cấu trúc hình tượng của tác phẩm. GS. Trần Đình Sử từng trình bày “cách hiểu có chứng minh” của chính ông về một loạt tác phẩm được dạy học trong nhà trường : Tùng của Nguyễn Trãi, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Tống biệt hành của Thâm Tâm, Vãn cảnh của Hồ Chí Minh… Có lẽ ít người chịu “nhớ” rằng những phân tích, bình giá rất phổ biến và có vẻ “đắc sách” bây giờ về truyện ngắn Hai đứa trẻ xoay quanh chủ đề bóng tối và niềm khao khát ánh sáng chính được gợi ý từ GS. Trần Đình Sử, với bài viết trong Tài liệu bồi dưỡng dạy SGK CCGD môn Văn học - Bộ GD và ĐT, Vụ Giáo viên, HN, 1991. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ. Tôi không có ý định dừng lại ở việc khẳng định dấu ấn của ông trong những phân tích cụ thể về các văn bản nghệ thuật, mà muốn nhắc tới một điều quan trọng hơn : các bài viết của GS. Trần Đình Sử đã gây được áp lực nhận thức khiến nhiều giáo viên văn phải chú ý đặc biệt đến “phương pháp phân tích” của họ khi đưa tác phẩm đến với học sinh. Có thể có người sẽ nói : điều vừa nêu trên mới chỉ chứng tỏ được tư cách nhà thi pháp học, nhà phê bình văn học, chứ chưa phải tư cách người có đóng góp vào lĩnh vực phương pháp dạy học văn của GS. Trần Đình Sử, bởi khi tổ chức một giờ “dạy học tác phẩm văn học” trong nhà trường, còn bao vấn đề khác nữa phải chú ý, chứ đâu chỉ có chuyện cắt nghĩa, làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị của văn bản ! Điều này không phải không có cái lý nhất định. Tuy nhiên, như tôi đã nói, các bài viết của GS. Trần Đình Sử khi đó  đã hàm chứa tiềm năng “phương pháp” mà người tiếp nhận nhạy cảm, công bằng sẽ thấy ra và thâu nạp vào kho kinh nghiệm dạy học phong phú của mình. Tôi đã đọc cuốn Đọc văn học văn (NXB Giáo dục, 2001) của ông với nhiều hứng thú. Đây là cuốn tập hợp phần lớn những bài viết của tác giả về các tác phẩm văn học đã từng hoặc đang có mặt trong sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông. Điều lớn nhất tôi thu nhận được chính là cách đọc, là thao tác phân tích, bất chấp việc có thể chưa nhất trí với tác giả ở một số kiến giải cụ thể. Cảm hứng đối thoại luôn hiện diện trong từng bài viết của cuốn sách : đối thoại với nhà văn, đối thoại với người đọc trước, đối thoại với hành trình nhận thức của chính mình, đối thoại với cuộc đời… Tôi nghĩ rằng từ những đối thoại trong đó, người giáo viên văn nào có sử dụng sách này sẽ tiếp thu được nhiều gợi ý bổ ích về cách nêu tình huống có vấn đề cho học sinh khi họ tổ chức một giờ văn trên lớp, chưa nói đến việc sẽ học hỏi được một hệ thống khá phong phú những “mẹo” bình văn (mượn chữ của học giả Phan Ngọc) – điều mà do định kiến hay sự ràng buộc của một thói quen cảm thụ và hành văn nào đó, một số người không muốn “thấy”. Phần thu hoạch từ phía người sử dụng chí ít là thế, ngay cả khi quan niệm về văn trong nhà trường của bộ sách Ngữ văn mới đã có nhiều thay đổi !

Tôi vừa đề cập quan niệm mới về văn trong nhà trường phổ thông. Trong thập kỷ 90 (thế kỷ XX), với sách Văn học CCGD, văn trước hết là văn bản nghệ thuật và dạy học văn trước hết là dạy học văn bản nghệ thuật. Bây giờ, với sách Ngữ văn THPT mà GS. Trần Đình Sử là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế chương trình và xây dựng cấu trúc, quan niệm về văn đã được mở rộng, bao trùm lên nhiều thể loại tác phẩm ngôn từ đã góp phần làm nên bộ mặt, bản sắc của một nền văn hoá. Thế là từ đây, nhiều tác phẩm “lạ” đã có mặt trong sách giáo khoa : Tựa “Trích diễm thi tập” (Hoàng Đức Lương), Hiền tài là nguyên khi quốc gia (Thân Nhân Trung), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Chiếu cầu hiền (Quang Trung - Ngô Thì Nhậm), Xin lập khoa Luật (Nguyễn Trường Tộ), Về luân lí xã hội ở nước ta (Phan Châu Trinh),… Thực ra, những tác phẩm kiểu này trước đây đã từng hiện diện ở một số bộ sách giáo khoa văn học thời thuộc Pháp hay thời còn chính thể Việt Nam cộng hoà… Tuy nhiên, không thể nói đến sự “quay lại cái cũ” ở đây. Quan niệm về văn (trong nhà trường) mà GS. Trần Đình Sử đề xướng không đoạn tuyệt với những quan niệm về văn từng có, mà nó là một sự tổng hợp mới dựa trên nhiều dữ kiện của cuộc sống hiện đại, dĩ nhiên trong đó có các dữ kiện do khoa nghiên cứu văn học, giáo dục học ở trình độ mới của thế giới mang lại. Nhiều giáo viên và học sinh đã kêu “khó” khi đối diện với các tác phẩm kể trên. Cũng có không ít người vì thế mà e ngại bản chất “văn” (như họ quen hiểu) của môn học đã bị làm phai nhạt. Nhưng không có cách nào khác, tất cả chúng ta phải cải tạo lại nhận thức hay đổi mới tư duy về vấn đề, trên cơ sở nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa văn học và văn hoá, về tính đa dạng, phong phú của văn chương, đồng thời thấu hiểu những thách thức rất lớn của thời hội nhập, của cuộc sống bây giờ !

Đó là chỉ mới nói đến việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn. Vấn đề hệ trọng hơn đi trước nó, chi phối nó là vấn đề xây dựng quan niệm – mô hình mới về hoạt động dạy học văn. Bây giờ, có lẽ người ta đã quen với cách nói : dạy văn là dạy cách đọc văn và học văn là học cách đọc văn, mà trung tâm, cốt lõi của việc đọc ở đây là đọc hiểu. Không phải GS. Trần Đình Sử là người đầu tiên và duy nhất đề xướng, truyền bá quan niệm trên (ngoại trừ việc ông đã chọn được một hình thức ngôn từ “mạnh mẽ” để biểu đạt quan niệm). Chính nó được hình thành qua cả một quá trình dài với sự góp sức nghiên cứu, xây dựng của một số nhà “giáo học pháp” đầu đàn, một số nhà nghiên cứu ngữ văn vốn đã nhận ra tính lạc hậu của quan niệm – mô hình dạy học văn cũ. Nhưng đến ông, khái niệm có tính chất hạt nhân là đọc hiểu mới được giải thích một cách thật sự sâu sắc, và theo đó, cấu trúc của hoạt động dạy văn theo tinh thần hiện đại mới được nhìn nhận một cách sáng tỏ. Không ít người dị ứng với đọc hiểu chỉ vì đã hiểu khái niệm theo lối suy đoán đơn giản. Trên cơ sở vốn lý luận văn học uyên bác và khả năng cập nhật, bao quát rộng của mình đối với những thành tựu nhận thức mang tính cách mạng của nhân loại trên các lĩnh vực giáo dục, tư tưởng, triết học, GS. Trần Đình Sử đã khẳng định : “Vì mọi sự đọc, dù động cơ như thế nào, đều không thoát ly được việc tìm nghĩa văn bản nên mọi sự đọc đều là đọc hiểu. Tất nhiên, đọc văn không chỉ có duy nhất một sự hiểu. Đọc văn còn là rung cảm, đồng cảm, thưởng thức thẩm mỹ, di dưỡng tinh thần… Nhưng mọi hệ quả tốt đẹp của văn học đều bắt nguồn từ hiểu mà ra[1]. Ông còn thuyết minh riêng về khái niệm hiểu : “Hiểu thực chất là tự hiểu, nghĩa là làm cho nảy sinh, sinh thành trong ý thức của người học một tri thức mong muốn, nghĩa là làm thay đổi tính chủ quan của người học. Thực chất của hiểu là năng lực phản xạ, phản tỉnh (reflexion), đọc hiểu là đọc với năng lực phản tỉnh, suy ngẫm những điều đọc được (…). Hiểu bao gồm năng lực nhận ra điều mình hiểu và điều mình không hiểu. Theo quan điểm của lý thuyết kiến tạo, người học dùng phương thức riêng mà xây dựng sự hiểu của mình đối với sự vật, từ đó những người khác nhau nhìn nhận sự vật theo những góc độ khác nhau, không có tiêu chuẩn duy nhất cho sự hiểu, vì vậy, trong đọc hiểu có sự đối thoại, giao lưu, hợp tác học tập làm cho kết quả đọc hiểu được toàn diện”[2]. Qua hai đoạn trích dẫn vừa rồi, có thể thấy khái niệm đọc hiểu được dùng ở vị trí trung tâm trong sách giáo khoa Ngữ văn THPT (dưới sự chỉ đạo của GS. Trần Đình Sử) không hề là khái niệm được đặt ra một cách cảm tính, cũng không phải là khái niệm được “áp” từ lý luận văn học vào lĩnh vực giáo dục vốn đòi hỏi phải chú ý đến nhiều mối tương quan trong đời sống xoay quanh nhiệm vụ đào tạo, phát triển con người. Trên vấn đề này, ta nhận ra một GS. Trần Đình Sử có sự dung hợp và thống nhất cao độ của nhiều tư cách học thuật. Chính sự dung hợp, thống nhất đó đã giúp ông có được thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực nghiên cứu, hoạt động khác nhau. Cứ đồng ý ông không phải là “dân phương pháp” thứ thiệt, nhưng phải đâu theo đó ta có thể cố tình không khẳng định những điều rất quan trọng mà ông đã làm được cho ngành phương pháp dạy học văn, cho việc đổi mới hoạt động dạy học văn trong nhà trường ? 
Tên chính thức của môn học mà ở trên thường được nói gọn trong một chữ văn chính là ngữ văn. Kể ra, gọi tắt, gọi theo thói quen như thế cũng không sai, dù ai cũng biết với môn này, học sinh còn phải được trang bị nhiều tri thức tiếng Việt hay ngôn ngữ học nói chung, bên cạnh các tri thức về lịch sử văn học, lý luận văn học, văn hoá học, lại phải thường xuyên được rèn luyện về kỹ năng làm văn nữa (một ghi chú : tên ngữ văn của môn học được đặt ra không hẳn nhằm phản ánh tương quan cân bằng giữa hai bộ phận tri thức mà nó phải đưa tới cho học sinh). Lý do của vấn đề là ở chỗ : việc làm chủ được tất cả các tri thức kể trên đều phục vụ cho việc đọc hiểu văn có phương pháp và đạt hiệu quả cao nhất, mà đọc hiểu văn tốt thì sẽ tạo tiền đề cho làm văn tốt. Dựa trên nhận thức này, chính GS. Trần Đình Sử là người đã đề nghị cấu tạo môn ngữ văn ở trường THPT thành hai trục chính là Đọc vănLàm văn – một cấu tạo hoàn chỉnh, mang tính hệ thống rất cao. Cũng từ đó, khi bàn về con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy học văn, ông đã dứt khoát khẳng định rằng đó không có gì khác là việc trở về với văn bản văn học. Logic lập luận của ông là : “Khởi điểm của môn ngữ văn là dạy học sinh đọc hiểu trực tiếp văn bản văn học của nhà văn, nhà thơ, nhà chính luận ; từ đọc hiểu các văn bản ấy mà học sinh sẽ được rung động về nghệ thuật, thưởng thức giá trị thẩm mỹ, tiếp nhận tư tưởng, tình cảm, trưởng thành về nhân cách, hình thành các kỹ năng văn học như đọc, viết, quan sát, tư duy, tưởng tượng sáng tạo và cả sáng tác ngôn từ nữa… Nếu học sinh không trực tiếp đọc các văn bản ấy, không hiểu được văn bản, thì coi như mọi yêu cầu, mục tiêu cao đẹp của môn văn đều chỉ là nói suông, khó nói tới chứ đừng nói gì đến tình yêu văn học”[3]. Có ý kiến thắc mắc : dạy học văn đâu chỉ có dạy học tác phẩm mà còn dạy học văn học sử, lý luận văn học và làm văn, tại sao lại có thể viết: “trở về với văn bản văn học nghệ thuật là con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy học văn hiện nay” ? Nếu muốn nói thì chỉ có thể nói việc trở về với văn bản trong phạm vi của dạy học tác phẩm thôi chứ ! Thực ra thắc mắc đó khởi xuất từ việc người ta chưa thực sự nhìn môn văn (ngữ văn) như một chỉnh thể với sự thống nhất chặt chẽ của các bộ phận (phân môn) cấu thành. Nó cũng đồng dạng với mối băn khoăn về vai trò trung tâm của hoạt động đọc hiểu, khi người ta sợ rằng việc nhấn mạnh nó sẽ tạo nên sự thiên lệch, xộc xệch trong cấu trúc nhiệm vụ của môn học. Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng những người soạn sách giáo khoa Ngữ văn THPT theo chương trình mà GS. Trần Đình Sử chịu trách nhiệm chính trong việc khởi thảo đã thể hiện cái nhìn phiến diện trên vấn đề này. Thực chất, nhấn mạnh đọc hiểu chính là một bước đột phá, nhằm kéo hoạt động dạy học văn thoát khỏi tình trạng bị vây bủa lùng nhùng bởi rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ – những mục tiêu, nhiệm vụ tất thảy đều đúng, đều hay nhưng lạ thay, càng cố thực hiện chúng cho đầy đủ, ta lại càng làm cho thực tế dạy học bộ môn thêm bết bát. Hoá ra cái thiếu ở đây là một tư duy tổng thể, một định hướng hoạt động mang tính thực tiễn cao, một thái độ dũng cảm tự phê phán, dám vượt lên những trì níu của thói quen để cống hiến nhiều nhất cho thế hệ trẻ, cho tương lai của cả cộng đồng. Tôi muốn nghĩ rằng GS. Trần Đình Sử chính là người được lịch sử dạy học môn văn “chọn” để tạo nên một bước phát triển mới cho nó, trong giai đoạn hiện tại, khi đất nước đang chuyển mình hội nhập với thế giới. Dĩ nhiên, không phải một mình GS. Trần Đình Sử làm nên tất cả những đổi thay. Trước ông, cùng ông, sau ông còn có bao người, mà phải kể đến đầu tiên là các nhà “phương pháp” và đội ngũ đông đảo những giáo viên văn có tâm huyết. Lại cũng không thể không kể đến bao lớp học sinh - đối tượng của sự giáo dục đồng thời cũng là người đã và sẽ đưa ra những phản biện chính xác cho các đường lối giáo dục, định hướng sư phạm mà chúng ta đang theo đuổi. Nhưng nếu hỏi trong khoảng mười năm qua, ai là nhân vật đã được chuẩn bị tốt hơn cả để đóng vai trò đầu tàu trong công việc phức tạp, khó khăn này, không khéo nhiều câu trả lời cùng hướng về một cái tên : GS. Trần Đình Sử.
4. Lúc việc đưa tư tưởng dạy học văn mới vào chương trình và sách giáo khoa đang ở giai đoạn nóng bỏng, GS. Trần Đình Sử đã nhiều lần cảm khái về nông nỗi tại sao mình lại phải “đày thân” giữa đống bộn bề này, trong khi bao ấp ủ về “nghiên cứu cơ bản” đang đòi được thực hiện. Nhưng tôi biết chắc, với một người như GS. Trần Đình Sử, “nếu phải đi trở lại, ông đi lại đường này” (xin mạn phép thay thế đại từ tôi trong một bài thơ của Louis Aragon). Trong công việc, ông không quen tính toán thiệt hơn, thấy điều “phải”, đáng làm, thì cứ thế mà làm, không quản ngại. Tất nhiên, đã chọn kiểu sống như thế, ông phải chịu “nhọc”, chịu phiền, đó là tất yếu. Nhưng chính trong áp lực tứ phía, năng lực sáng tạo và đề xuất vấn đề của ông lại nảy nở tươi tốt. Sức viết của ông cho đến bây giờ vẫn còn sung mãn. Chính nhìn vào sức viết đó, những người yêu quý ông lại cứ đặt ra tình huống “giá mà” (kiểu như : giá mà ông tập trung thời gian, tinh lực vào một “mũi” thôi, sự cống hiến của ông còn lớn hơn thế nhiều). Khổ thế, ông là người luôn bị đòi hỏi. Nếu đã hiểu tình thếcách thế tồn tại ấy của ông, hy vọng ai đó đừng phiền về nỗi có lúc ông đòi hỏi ngược lại với ta, nhiều khi gay gắt. Thì mọi đòi hỏi của ông có bao giờ thoát ra khỏi phạm vi công việc và thôi xoay quanh mấy chữ “nghiêm túc”, “có trách nhiệm” đâu ! Riêng tôi, tôi không tiếc rẻ cho ông về chuyện này chuyện kia. Thành tựu của ông ở lĩnh vực nghiên cứu thi pháp học chẳng phải lớn, chẳng phải đáng thèm ước sao ? Sự lựa chọn của ông, trong cuộc sống này, ở đất nước này, như thế là có lý – một sự lựa chọn của tấm lòng, của chữ tâm, và bao giờ cũng là sự lựa chọn của một nhà khoa học. Tôi chỉ ưu tư về một môi trường sống, đáng lẽ phải đem lại cho con người nhiều khả năng lựa chọn hơn, để họ phát tiết được hết những anh hoa vốn có. Nhưng ao ước “viển vông” cho “vui” thế thôi, trở lại câu chuyện chính của bài viết, tôi muốn nói rằng : thưa GS. Trần Đình Sử, những việc thầy đã làm cho môn văn trong nhà trường phổ thông là rất đáng kể. Mong thầy vẫn tiếp tục làm “công đức”[4] trên vấn đề này, bởi dù sao, chúng ta cũng vẫn còn đang ở giai đoạn xây dựng nền móng. Ôi, tôi có ấn tượng rất sâu về lời tự bộc lộ, lời hẹn ước của thầy : “Tôi phải chiến đấu, chiến đấu chứ !”. Thầy nói xong, bật một tràng cười thật dài, thật vang, thật sảng khoái. Nghe tràng cười đó, người đang buồn bực đến mấy cũng được Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi, để có thêm niềm lạc quan và hào hứng mà bắt tay vào công việc mới.


[1] Trần Đình Sử, Từ giảng văn qua phân tích tác phẩm đến dạy đọc hiểu văn bản văn học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Dạy học ngữ văn ở trường phổ thông theo chương trình và sách giáo khoa mới, NXB Nghệ An, 2007, tr.7.
[2] Tlđd, tr.7.
[3] Trần Đình Sử, Con đường đổi mới căn bản phương pháp dạy - học văn, Báo Văn nghệ số 10, 7 3 – 2009
[4] Khái niệm công đức được hiểu theo tinh thần của nhà các mạng Phan Châu Trinh trong bài diễn thuyết Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528813

Hôm nay

2194

Hôm qua

2275

Tuần này

21086

Tháng này

215509

Tháng qua

0

Tất cả

114528813