Người xứ Nghệ
Hoàng Ngọc Hiến - Nhà lý luận phê bình mới
Tôi xin được gọi thầy Hoàng Ngọc Hiến bằng anh, bởi chính thầy Hiến muốn thế, thích thế. Cũng như thầy Hồ Ngọc Đại, thầy Hiến thích bình đẳng với học trò.
Với tôi, anh Hoàng Ngọc Hiến là một hiện tượng phê bình sáng giá của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX. Anh thực sự là một nhà “lý luận phê bình mới” với nhiều khám phá có tính “nổi loạn” làm thay đổi tư duy độc tôn lạc hậu trong văn học chính thống một thời. Những cú hích của anh thường làm cho giới lý luận bảo thủ bị sốc, gây ra những cuộc tranh luận khá tốn giấy mực trên văn đàn với những “chủ đề” do anh phát kiến như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học dương dính”, “văn học kể nội dung và tả nội dung”. Anh đề cao “trí tuệ của trái tim” với quan niệm “phê bình là làm sang giá cho tác giả và sáng giá cho tác phẩm”. Anh điều chỉnh sự cách tân xô bồ náo loạn vô hướng của văn học hiện tại bằng việc nhấn mạnh “chủ nghĩa cổ điển mới”, và anh hóa giải cay đắng bằng câu châm ngôn rất nhẹ nhàng: “cái nước mình nó thế”.
Theo quan sát của tôi thì Hoàng Ngọc Hiến thường đứng ra ngoài các cuộc tranh luận do anh khởi xướng, chỉ khi thật cần, anh mới phát biểu tiếp chính kiến của mình. Còn nói chung thì anh luôn bỏ lại sau lưng những làn sóng tranh luận phản bác hay ủng hộ, ngợi ca hay quy chụp… để rồi anh lại lẳng lặng chuẩn bị cho một phát kiến mới, một vấn đề tranh luận mới. Đôi khi, anh làm cho những người tranh luận bỗng ngơ ngác khi nhận ra rằng, Hoàng Ngọc Hiến đã vượt thoát khỏi cuộc tranh luận lúc nào không hay. Đó cũng là cách tranh luận của một kẻ cao cường, hay nói cách khác đó là nhân cách lý luận phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, không sa vào ma trận mà biết lựa chọn cho mình một tâm thế minh triết. Giống như Trần Dần, anh chỉ viết cho những người bằng vai, và gây tranh luận để tạo ra độc giả của riêng mình. Và người ta ghi nhận anh như một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực: văn học, triết học, văn hóa và giáo dục.
Hoàng Ngọc Hiến không được Hội đồng nào phong học hàm Giáo Sư, nhưng rất nhiều người trong và ngoài nước gọi anh là Giáo sư. Tôi nghĩ đó là một vinh dự lớn của anh, bởi hàm Giáo sư của anh đã được một “Hội đồng ngoài Hội đồng” phong tặng, như một hiển nhiên công nhận. Anh chỉ có một học vị mà quá nhiều người đạt được, đó là học vị Phó tiến sĩ được bảo vệ thành công ở Liên Xô cũ. Nhưng anh lại có một nhận xét rất ấn tượng rằng: “Đưa một con bò sang Liên Xô học cũng có thể trở thành Tiến sĩ”. Cái cách nói của anh có vẻ gây sốc thế, nhưng ngẫm cho cùng thì cũng không phải là sai. Nói thế mới là Hoàng Ngọc Hiến.
Là một người sáng tác, tôi nhận được ở anh Hoàng Ngọc Hiến thật nhiều điều quý giá. Lý luận phê bình của anh thường thức tỉnh tư duy sáng tạo của người sáng tác. Anh đánh thức u mê mòn cũ. Anh mở ra những tự do mới cho nhà văn để hướng ngòi bút vào sự thật của thời đại. Bởi anh rất nhạy cảm để phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa lớn. Vì thế, tôi đọc anh từ Nguyễn Du, Maiakovsky, đến Juylieng và nhận ra ở anh một quá trình vượt thoát từ người trí thức cán bộ đến trí thức bình dân để trở thành một trí thức bình dân bác học.
Cũng xin tri ân anh về những gì anh truyền lại cho thế hệ chúng tôi, những học trò trường viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên do anh làm chủ nhiệm. Và đối với riêng tôi, anh luôn có những quan tâm đặc biệt. 15 năm tôi rời lớp học của anh về công tác ở khu Bốn, anh đều dành cho tôi những cuộc gặp gỡ đàm đạo về văn chương không biết chán. Lần nào về Hà Nội, dù vội vàng mấy, tôi cũng có một buổi ngồi với anh, khi ở nhà riêng, khi trong quán rượu. Khi thì anh say sưa nói về Mỹ học – Đạo đức học mới, khi thì anh nói về Triết học mới Đông Tây, khi thì anh nói về tính “căn bản Văn hóa”, có khi anh nói về Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh… Và có khi anh nói với tôi về tôi. Mấy chữ “trí tuệ của trái tim” tôi nghe lần đầu tiên là lúc anh nhận xét bản thảo cuốn “Văn chương cảm và luận” và anh đã vui vẻ viết lời bạt rất ngắn cho cuốn sách, khiến tôi yên tâm khi đưa cuốn sách này đến nhà xuất bản. Đọc tập thơ “Đồng dao cho người lớn”, anh so sánh với cả thơ Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm để khẳng định sự thay đổi về thi pháp của thời hiện đại. Những câu chuyện của anh bao giờ cũng rút ra cái điều mới mẻ nhất mà anh đang cảm nhận trên mặt bằng thế giới mà anh quan sát được. Phải nói anh là một người đọc xuất sắc.
Nhớ lại 30 năm trước, thời “hậu phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, cái thời kham khó về cả vật chất lẫn tinh thần, tôi và bạn bè thỉnh thoảng ghé thăm anh ở căn phòng nhỏ trên đường Triệu Việt Vương. Cái thời mà anh vừa lo lắng cho sự phát triển của văn học nước nhà lại vừa ngại gặp công an, anh lặng lẽ vào thư viện để học sách và nghiền ngẫm về “căn bản văn hóa” cho người trí thức. Có lần không tìm được anh, tôi trở lại khu Bốn và viết một bài thơ trên máy chữ gửi anh. Bài thơ như một sự chia sẻ với anh những ngày tháng gian nan, muốn khẳng định, cuộc đời cũng như bài thơ chỉ có một văn bản, chỉ một lần công bố, đó là “Bài thơ không cho phép sửa chữa”. Anh Hiến cũng như bài thơ “chỉ viết một lần”, và anh đã đúng. Bài thơ đã được in trong tập thơ “Thơ trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống” và cũng đã được chị Nga, người suốt đời “nâng khăn sửa gáy” cho anh Hiến phô tô làm nhiều bản về quê tặng họ hàng.
Để chúc mừng người thầy, người anh nhân ngày thượng thọ, tôi xin đọc lại bài thơ GỬI ANH HOÀNG NGỌC HIẾN để tặng anh.
.
.
GỬI ANH HOÀNG NGỌC HIẾN
“Trong tranh luận, anh bộc lộ hết tầm cỡ của anh”
EPSTEIN
tìm anh tại nhà riêng thật khó
nghe tường nhà giọng nói Mai-a
nghe giọng vợ anh bay lên từ khói bếp
nghe cây bàng gầy đầu ngõ hẹp
anh vừa đi anh còn lâu mới về
tìm anh nơi thư viện dễ ư
cô thủ thư bảo anh vừa trả sách
bác gác cổng bảo anh vừa đi
hôm nay anh không đi xe
chiếc xe đạp chưa có tiền thay lốp
ôi giá đến sớm hơn một chút
tìm anh
tôi không phải công an để chờ các ngã tư
không phải người rảnh rỗi để chờ hoài trước cổng
tôi cần lo cái sống
cũng như cần làm thơ
cũng như anh không thể đứng thờ ơ
giữa thời quá khó khăn
thời cái CŨ già nua
cái MỚI như mầm non trước bão
thời đi đứng ngang nhiên những tên buôn lậu
người yêu nhau người nói thì thầm
nhưng ở đâu tôi cũng nghe anh
bản chất của bi kịch có lạc quan
con người không lạc quan con người không tồn tại
tôi mở cửa úa vàng tàu lá chuối
tàu lá chuối bị đâm
tàu lá chuối úa vàng như nói to lên
đừng đâm vào màu xanh của nó
(nhưng có điều này thật khó
dù bị đâm tàu lá chuối vẫn xanh)
dẫu ở đâu tôi cũng nghe anh
trong lớp học hay trong quán rượu
trên trang báo hay ngoài trời đất
khi anh cũng như tôi yêu quý con người
khi anh cũng như tôi tin tưởng con người
dù con người sống có lương tâm và không sợ nhục
dù con người sống vô lương tâm và sợ nhục
ai chiến thắng chỉ CON NGƯỜI mới biết
chỉ CON NGƯỜI mới có thể cầm cân
câu thơ Eptusenko tôi thích:
cánh buồm bị xén không phải ngọn cờ
câu thơ Voznexenxki tôi thích:
ta không phải bầy đàn để được chăn cũng chẳng phải người chăn
còn thơ Exenhin:
rằng NÓ đến ánh lên rồi tan biến
thơ Mai-a tôi đọc thì hơi mệt
nhưng không thể không yêu một trái tim như núi lửa lạ lùng
anh đã viết nhiều bài anh đã làm nhiều sách
tìm anh kể cũng chẳng khó gì
nhưng tìm anh tại nhà riêng thật khó
thơ tôi làm trên máy chữ gửi anh
nghĩa là bài thơ không cho phép tôi sửa chữa
tôi ước những bài thơ chỉ viết MỘT LẦN!
Đại Huệ Sơn, 1982
GS Hoàng Ngọc Hiến - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
tin tức liên quan
Videos
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Điển cố trong Truyện Kiều
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Chủ nghĩa hậu hiện đại như một hệ hình thế giới quan
Bàn thêm về phân tầng xã hội ở nước ta trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945
Thống kê truy cập
114489430
Hôm nay
2307
Hôm qua
2310
Tuần này
21240
Tháng này
216742
Tháng qua
120271
Tất cả
114489430