Diễn đàn

Tên và đặt tên

          Cha ông xưa có câu xem mặt, đặt tên hay xem “tên” để hiểu về người trong câu nói Xem mặt mà bắt hình dong. Tên – có thể chỉ là vì một ý thích nào đó của cha, mẹ hay ông bà mà theo ta đi suốt cả cuộc đời. Và, không hiếm trường hợp, tên dường như được gắn liền với định kiếp, số phận. Tên người, tên đường phố, tên của sản phẩm hay tên của một công ty, nó có nhiều nghĩa đa chiều và sâu sắc lắm của hoài vọng, ước mong…

        1. Trước hết nói về tên người, có rất nhiều bậc cha mẹ khi đặt tên cho con chưa tính hết đủ đường nên gây ra không ít những luỵ phiền, thậm chí là ám ảnh lâu dài. Chẳng hạn tên con là Hoàng Tiến Sĩ, Nguyễn Cao Đẳng nhưng chúng chỉ học đến lớp chín rồi thôi. Lại có cái tên kêu hơn chuông như Trần Thị Bạch Tuyết, Phạm Thị Tuyết Trinh… Chẳng may con gái mình đen như than và thay người yêu như thay áo thì thành ra tuyết hay trinh đều là thảm hoạ. Dân tộc mình hay có kiểu nói lái nên khi đặt tên cho con cái, phải liệu chừng ngó trước trông sau. Những cái tên như Giáng Hương, Thu Cúc, Thái Dương, Thu Khoa…; rằng hay thì thật là hay nhưng lại bất ổn và không nên một tẹo nào.
          2. Loại tên rắc rối nhất là tên đường phố. Có nước thường đặt tên đưòng theo số, có nước theo địa danh. Cách đặt tên theo số thật tiện cho việc xác định vị trí nhất là khi cứu hoả hay truy bắt tội phạm. Ở thành phố HCM có những đường phố dài dằng dặc vắt ngang qua cả mấy quận nên khi thông báo phải hỏi lại là cũng đường ấy, tên ấy nhưng ở quận nào? Quả là nhiêu khê.
          3. Hà Nội được mở rộng cũng có nghĩa là sẽ có rất nhiều đường phố mới, rất cần những cái tên. Tên đường ở Hà Nội, theo thiển nghĩ của người viết bài này là nhiêu khê nhất thế giới (chắc là có nhiều người phản đối). Chẳng lẽ tên của Trần Hưng Đạo là một đại lộ rộng và dài gấp mấy lần đường Trần Nhân Tông mà lại hợp lý hay sao? Có rất nhiều cái tên nên đặt (phải có) nhưng lại không thấy như đường Khổng Tử, Alexandre de Rhodes, Morrison, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái…Những con người đó dù ít hay nhiều đều gắn bó với dân tộc Việt Nam nặng nghĩa lắm. Không có tên họ trên những con đường thật là chẳng nỡ một chút nào.
          Tại sao không thử đặt vấn đề là khu vực ngoại giao đoàn rất cần những tên đường trung lập, mang đậm tính văn hoá mà giảm thiểu đến mức thấp nhất về tính chính trị? Chẳng hạn, tên của Nguyễn Du, Lê Quý Đôn mà để ở khu vực đầy nhạy cảm đó thì tốt biết bao nhiêu! Nếu một sứ quán nước ngoài cứ ra khỏi cổng, đi đâu – dù chỉ vài bước, là đập vào mắt những cái tên gợi lên các nỗi xót xa, thất bại từ quá khứ thì có hay không? Làm như thế chẳng khác nào lấy chồng rồi nhưng cứ nhắc tên người yêu cũ, chẳng ai dễ chịu bao giờ.
          4. Một cuộc “cách mạng về tên các đường phố” là điều rất cần đem ra bàn luận một cách rộng rãi. Nó phải mang tính nhân văn, truyền thống, rộng lượng và phổ quát. Tóm lại là cần phải có một cái nhìn mạnh dạn hơn, đủ nghĩa hơn. Công lao mở cõi của Nhà Nguyễn là điều đáng được khắc cốt, ghi xương. Có lẽ nào không có những tên đường cho một số vị vua? Nếu cứ đề cao Quang Trung lên tột đỉnh bằng cách dìm Nhà Nguyễn xuống, thật không phải một chút nào. Nhà Tây Sơn chia rẽ thành ba “nước” là điều ai cũng biết. Vậy thì, sai lầm của các vị vua khác nên giải quyết ra sao cho thoả đáng? Các bậc cây đa, cây đề của giới sử học, văn hoá học phải vào cuộc để làm tham mưu cho Nhà nước. Đó không chỉ là chuyện chuyên môn mà còn là bổn phận.
          5. Những suy nghĩ chưa hề chín trên đây chỉ là một cách gợi nhỏ. Rất mong các bậc thức giả góp phần bàn luận. Xin lấy dẫn chứng ở Đà Nẵng. Một trong những cái tên tuyệt vời nhất là Đường Nguyễn Tất Thành. Dài, rộng, khoáng đạt, tìm đến, hội nhập, mạnh mẽ và tìm đến sự đổi thay thực sự…, như chính cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tất Thành. Cái tên đó quả là đúng đường, đúng phố. Tuy nhiên, đường Huyền Trân Công Chúa mà lên tận Ngũ Hành Sơn thì quả là chưa biết thương thân gái dặm trường, chưa đánh giá đúng công lao của một nữ liệt. Cũng tương tự như thế, Lê Thánh Tông là một trong những vị vua nhiều công lao nhất của nước Việt nhưng đường phố mang tên ông chỉ chưa đầy trăm mét… Xin đề xuất một vài ý nghĩ ban đầu. Thứ nhất, không đựơc bỏ sót bất kỳ một nhân vật lịch sử nào. Nếu nhân vật đó đứng giữa khen chê thì phải được tranh luận. Thứ hai, phải quốc tế hoá, nhân loại hoá một số con đường để thể hiện cái tâm biết uống nước nhớ nguồn cũng như cái tầm của hoà hợp, phát triển. Thứ ba, phải tránh cho kỳ được chuyện đặt tên kèm theo nỗi buồn.
 
          Suy cho đến cùng, tên chỉ là một cách để gọi mà thôi. Nhưng một khi tên gọi đó “sống” cùng đường phố, con người một cách nhẹ nhõm, yên ổn thì đó là văn hoá, là ngoại giao, là tầm nhìn và định hướng dài lâu của cả một thành phố, một dân tộc…
 
                                           

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114495632

Hôm nay

276

Hôm qua

2337

Tuần này

2413

Tháng này

213025

Tháng qua

120308

Tất cả

114495632