Những góc nhìn Văn hoá

Cái thời hôm nay và cuộc đồng hành của hơn bốn thế hệ viết

Hôm nay theo tôi quan niệm là một thời gian khá dài, nếu tính từ khởi động của công cuộc Đổi mới với Đại hội Đảng lần thứ VI - 1986.
Hôm nay là những biến động trong từng thập niên một, hoặc ngắn hơn, khiến cho mọi nhìn nhận về thực trạng và định hướng phát triển của xã hội là khó hơn nhiều, so với ngót 40 năm thời chiến - chỉ nhằm vào một mục tiêu là phải tồn tại, phải thắng, phải đến được cái đích hòa bình và thống nhất Tổ quốc.

 

Còn bây giờ, kể từ sau 1980 - đó là việc đi tìm một mô hình phát triển xã hội sao cho hợp quy luật, trong bối cảnh một thế giới đa chiều, đa phương, với các mối quan hệ phức tạp hơn nhiều so với thời chiến tranh và chiến tranh lạnh; một thế giới mà sự phân biệt ta - địch, bạn - thù là không còn như cũ; và do thế mà mọi tiêu chí đánh giá sự vật là hoàn toàn thay đổi, thậm chí là trái ngược.

Tính từ Đại hội VI cho đến nay, cái thời hôm nay, vừa là sự tiếp nối vừa là sự chuyển đổi qua nhiều chặng, với những mục tiêu vừa nằm trong tầm đón, vừa không ít những bất ngờ đặt ra qua nhiều thử thách tôi nghĩ là khôngkém những thử thách đặt ra trong chiến tranh. Có nghĩa là: nếu thử thách trong chiến tranh chúng ta đã vượt được thì thử thách hòa bình cũng không phải là dễ để vượt được; nếu ý thức về chủ quyền và quyền lợi quốc gia bị sao nhãng; nếu cộng đồng dân tộc (hoặc khối đoàn kết toàn dân) là không đủ vững mạnh; nếu bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc, gắn với sự giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc là không thường xuyên được trau dồi...
x
x x
Cái thời hôm nay, hoặc hiện thực hôm nay, như tôi quan niệm ở trên là đối tượng nhận thức, miêu tả và khám phá của hơn bốn thế hệ viết, trong khoảng cách trên dưới 60 năm - nếu tính từ thế hệ 3X cho đến 9X, tức là từ thế hệ viết trong chống Pháp cho đến lớp người viết mới vào tuổi 20 hôm nay. Tất cả dù thâm niên nghề nghiệp dài hoặc ngắn, đều cùng đứng trước một hiện thực vừa mới mẻ vừa quen thuộc mà sự đón nhận là tùy thuộc vào quan niệm và trải nghiệm của mỗi thế hệ, và mỗi người.
Nhìn lại thế kỷ XX chắc chắn là chưa có thời kỳ nào lại hội được nhiều thế hệ viết như lúc này. Theo một thống kê gần đây của Hội Nhà văn thì số người viết trên 60 tuổi là chiếm tỷ lệ trên 60%. Tức là thế hệ trưởng thành và sung sức từ thời cả nước chống Mỹ. Có cơ hội theo dõi hai cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn vào đầu thế kỷ XXI tôi được thấy, số tác phẩm tham dự và được giải viết về chiến tranh đều chiếm một tỷ lệ cao. Điều này có thể giải thích được bởi những trải nghiệm sâu sắc nhất của thế hệ này là trải nghiệm chiến tranh trong tư cách người lính, hoặc trong tư cách người viết mặc áo lính, gồm từ Chu Lai, Đào Thắng, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Xuân Đức, Trần Văn Tuấn, Bảo Ninh... Và bởi những vấn đề của thời hậu chiến ở một đất nước có 40 năm chiến tranh là cực kỳ nhức nhối, biết đến bao giờ cho dịu được khi di chứng mà nó để lại cho dân tộc là len vào hàng vạn (hoặc hàng triệu) sinh thể và phủ khắp các gia đình; và khi yêu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh đang là mối quan tâm chung của nhân loại bất kể trước đây họ là người đứng ở hai chiến tuyến... Sau lớp người này khoảng một thập niên, kể từ thế hệ giữa 5X và đầu 6X trở đi có thể xem là đội ngũ sung sức nhất hôm nay với những trải nghiệm sâu sắc về những khó khăn thời hậu chiến và bao cấp trong chuyển động sang thời mở cửa và nền kinh tế thị trường. Đó là những cái tên đã sớm trở nên quen thuộc như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đức Tiến, Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh... Lớp người viết này nhanh chóng và dễ dàng thoát ra khỏi âm hưởng sử thi chi phối không ít các tên tuổi đi trước. Họ cũng là lớp người viết nhiều nung nấu nhất cho việc tìm kiếm để có một giọng điệu mới phù hợp với hoàn cảnh mới của thời cuộc, và để không quá xa cách hoặc xa lạ với những gì được xem là mới mẻ, tân kỳ trong văn chương thế giới, qua các bản dịch không còn bị giới hạn trong khuôn thước của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong một thời dài... Sau lớp người viết này là một thế hệ sinh ra sau chiến tranh, có thể xem là thế hệ thứ tư, với những người mở đầu như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Châu Giang, Văn Cầm Hải, Đỗ Bích Thúy, Phan Triều Hải, Nguyễn Đình Tú, Phan Huyền Thư, Nguyễn Việt Hà, Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Phan Việt, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thế Hoàng Linh... bắt đầu công việc viết từ nửa sau thập niên 90, khi sự nghiệp mở cửa và hội nhập đã đi được những bước quan trọng đầu tiên và do vậy mà câu chuyện về nhân sinh quan, về lý tưởng, về mục đích sống, về quan niệm nghề nghiệp đã được đặt trên một quỹ đạo khác - nó là sự giải phóng và phát triển đến tận độ những gì là của riêng mình trong tư cách một cá thể, một chủ thể sáng tạo, để không giống với người khác, và cũng có thể là để tạo được một nhát cắt với truyền thống...
Có thể tìm thấy khát vọng đi tìm cái riêng là ráo riết nhất ở lớp người này. Lớp người đến nay nhìn chung mới vào tuổi ngoài 20 cho đến trên dưới 30, là lứa tuổi có tiềm năng và hoàn cảnh tốt nhất cho việc thực hiện các khát vọng; và nhìn vào lịch sử, thì chính đó là lứa tuổi đã làm nên các mùa màng lớn, như mùa văn học 1930-1945 trước yêu cầu hiện đại hóa văn học, với tư cách là các kiện tướng của phong trào Thơ mới, văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực...; hoặc mùa 1960-1975 trước yêu cầu giải phóng và thống nhất Tổ quốc, trong tư cách nhà văn - chiến sĩ.
Việc thực hiện được cái riêng của thế hệ, và của cá nhân từng người viết là yêu cầu chính đáng và cần thiết để đưa lại một diện mạo mới cho văn học qua các thời kỳ. Thế nhưng, so với các mùa màng trước đây; và so với các thế hệ cùng đồng hành trong hơn ba thập niên giao chuyển cũ - mới thì quả là ở thế hệ trẻ hôm nay, còn chưa thấy một đột khởi như vậy - để tạo được dấu ấn đậm nét cho một cuộc chuyển giao thế hệ.
x
x x
Một đội ngũ viết hùng hậu, ở nhiều lứa tuổi, ai cũng muốn viết đến tận cùng những trải nghiệm và ao ước của mình; ai cũng mong đến được với cái riêng của mình - đó là điều tự nhiên; nhưng dẫu sự theo đuổi cái riêng là ráo riết đến mấy thì trước hiện thực hôm nay, tất cả các thế hệ viết đều có một mẫu số chung cho sự tìm kiếm: đó là cảnh ngộ và số phận chung của dân và nước - hai khái niệm đã được đặt ra trong tính khẩn thiết của nó, ngay từ đầu thế kỷ XX, và đã được chứng nghiệm cực kỳ sâu sắc trong Cách mạng tháng Tám và hai cuộc chiến tranh. Nếu chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn là xuyên suốt lịch sử nhiều nghìn năm văn học trung đại và hàng trăm năm văn học hiện đại, thì câu hỏi về nó vẫn không phải đã hết ý nghĩa thời sự ở thời điểm bây giờ. Nếu Tổ quốc cần được giữ gìn cho từng tấc đất; nếu mỗi khoảnh rừng hoặc từng hải lý biển không cho phép bất cứ ai lấn tới; nếu tài nguyên là tài sản cho con cháu muôn đời thì văn học hôm nay đâu có thể dễ dàng là sự cắt đứt với Tuyên ngôn độc lập và Đại cáo bình Ngô... Còn chủ nghĩa nhân văn với lòng yêu thương con người và sự giữ gìn, bảo vệ phẩm chất người thì đâu phải đã hết lý do cho sự tồn tại khi những bất công xã hội vẫn còn đầy rẫy; sự phân tầng xã hội diễn ra càng gay gắt; và nỗi đau nhân quần như tràn lấn, bởi tội ác và các tệ nạn xã hội là muôn hình nghìn vẻ, đến từ nhiều phía và len lỏi khắp mọi nơi...
Yêu cầu nhận diện hiện thực hôm nay, và văn học hôm nay, bất cứ ở chặng nào, và với thế hệ nào cũng không được phép xa rời hoặc quay lưng với những vấn đề cơ bản ấy.
Dĩ nhiên, khác với báo chí và các phương tiện truyền thông, sự nhận diện trong văn học là nhận diện qua con người, thông qua tính cách và số phận con người. Dẫu sức hấp dẫn của chủ nghĩa hiện đại hoặc hậu hiện đại có lớn đến mấy đối với một bộ phận người viết trẻ thì những gì liên quan đến con người vẫn không thể, hoặc không nên là xa lạ với họ; và do vậy vẫn phải có cách thức tồn tại cho người đọc nhận diện. Một cái đuôi lợn gắn với nhân vật chính trong Trăm năm cô đơn của G.G. Máckét, những cái tên phiếm chỉ như K. trong Lâu đài của F. Kafka, hoặc những nhân vật không tên trong tiểu thuyết của A.R. Grillet cũng đều là sự ám ảnh về cái cô đơn, và về thân phận con người trong đời sống hiện đại. Vậy thì con người của hiện thực hôm nay có diện mạo và số phận như thế nào? Đã là số đông hay chưa những ông chủ doanh nghiệp, các doanh nhân biết cách làm giàu mà không lạm dụng sự bóc lột, sự tước đoạt và hủy hoại môi trường? Hàng nghìn (hoặc nhiều nghìn) nam nữ công nhân trong các khu chế xuất đã giảm nhẹ được đến đâu những cực nhục trong sự mưu sinh? Những nông dân trong quá trình đô thị hóa vẫn còn đất, hoặc mất đất đã sống như thế nào? Số lượng những người thay mặt dân trong bộ máy công quyền, kể từ cấp phường, xã, ấp lên các cấp cao giữ được nhân cách mà không sa vào quan liêu, thoái hóa, tham nhũng, theo được tấm gương Hồ Chí Minh là chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Những cán bộ viên chức trên mọi lĩnh vực của phân công xã hội biết cách làm trọn phận sự của mình, trên mục tiêu: do dân, vì dân? Những trí thức có thực học, có đóng góp tích cực cho một xã hội học tập và một nền kinh tế trí thức, và giữ được phẩm chất một kẻ sỹ hiện đại?... Có thể nói chưa lúc nào bằng lúc này chúng ta ao ước có được nhiều bảng mầu để có thể bao quát một toàn cảnh các chân dung cho cái thời mà các tiêu chí đánh giá cũ là không còn thích hợp, hoặc không còn đủ cho sự phân biệt tốt xấu, hay dở, đúng sai… Thay vì chủ nghĩa xã hội như là cuộc chiến cho sự chiến thắng của một phía, trong một thế giới gồm hai phe bây giờ là mục tiêu dân giàu, nước mạnh; dân có giàu thì nước mới mạnh; nhưng việc làm giàu là bằng nhiều cách, và không khó thấy những cách cực kỳ bất lương. Xã hội công bằng là ao ước muôn thuở của con người; nhưng bản chất con người là không công bằng, nên không thể dùng phương sách tước đoạt kẻ giàu, hoặc chia đều cái nghèo theo chủ nghĩa bình quân. Còn dân chủ và văn minh? Đó là mục tiêu xuyên suốt cả thế kỷ XX, và bất cứ lúc nào cũng có khía cạnh đặt ra cho sự theo đuổi của con người; và do vậy nó luôn luôn phải được đặt ra cho sáng tạo văn chương – học thuật.
Như vậy, dẫu có theo đuổi cái riêng của cá nhân hoặc của thế hệ thì vẫn không nên tách mình ra khỏi một cộng đồng lớn hơn – đó là cộng đồng nhân dân, cộng đồng dân tộc trong những không gian và thời gian cụ thể của lịch sử.
x
x x
Nhìn lại sự đồng hành của bốn (hoặc hơn bốn) thế hệ viết hôm nay như là một biểu tượng lạc quan của sự phát triển văn học sau ngót 30 năm trong sự nghiệp Đổi mới và sau một thế kỷ hiện đại hóa, về phần tôi tôi không khỏi băn khoăn về thế hệ thứ tư – là thế hệ đối ứng và đáp ứng trực tiếp và sâu xa nhất trước hiện thực hôm nay; thế hệ có thẩm quyền nói lên chính tiếng nói của cuộc sống hôm nay; thế hệ không ai thay thế được họ, trong tư cách là người đại diện.
Vẫn còn một băn khoăn như thế trong toàn cảnh sự phát triển của văn học ngót 30 năm qua trước hiện thực hôm nay.
Rõ ràng cái vốn căn bản đầu tiên để chúng ta hy vọng và trông đợi ở một thế hệ viết - đó là sức trẻ, là tuổi trẻ. Không có một cuộc cách mạng nào trong lịch sử, kể cả cách mạng văn học mà không được thực hiện bởi một lực lượng trẻ. Ở cuộc chuyển động lần thứ nhất, thời 1930-1945, người nhiều tuổi nhất là Ngô Tất Tố (sinh 1893), viết Tắt đèn ở tuổi 45, và Khái Hưng (sinh 1896) viết Hồn bướm mơ tiên ở tuổi 37; cả hai rất hiếm hoi đã vượt được áp lực tuổi tác để đứng ở hàng đầu hai trào lưu hiện thực và lãng mạn; còn tất cả, hoặc hầu hết những người viết khác đều thực hiện được khát vọng văn chương của mình ở tuổi 20 đến 30; trong đó những tên tuổi sáng giá như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... đều ở tuổi 20 hoặc ngoài 20.
Một thế hệ viết sau 1945, cũng đã đến được hoặc đạt đỉnh cao sáng tạo của mình ở tuổi 20 đến 30, như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu..., rồi Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Sáng... trong kết thúc văn học chống Pháp; tiếp đến là lứa 20 mở đầu văn học chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Đỗ Chu, Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Trần Nhuận Minh, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy...
Từ các kinh nghiệm lịch sử ấy, để đi tìm thành tựu của một giai đoạn mới qua đóng góp của một thế hệ trẻ trên đàn văn 15 năm nay (tính từ sau 1995), chúng ta lại chưa thấy được một phong trào, không nói đến cao trào. Nếu làm một bản kê tên tuổi những người viết ở tuổi 20 đến 30, ở thời điểm hôm nay thì đó là một danh sách dài và dường như số lớn không có tên trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng trong tổng hợp một gương mặt chung của họ thì những khát vọng sáng tạo đích thực quả chưa thật có dấu ấn rõ rệt, để có thể làm “mới”, chứ không phải gây “lạ” nền văn chương đương đại; để có thể hình thành nên những dấu ấn của khuynh hướng nghệ thuật gồm nhiều phong cách, vốn là yêu cầu, và cũng là đặc trưng của một nền văn học mang phẩm chất hiện đại (tôi nói phẩm chất hiện đại - modernité, chứ không phải chủ nghĩa hiện đại - modernisme, hoặc hậu hiện đại - postmodernisme).
Trở lại 15 năm qua, tính từ sau 1995, đời sống văn học chúng ta vẫn có sự xuất hiện đều, và càng về sau càng nhiều những tên tuổi mới ở các thế hệ sinh sau 1975, rồi 1985 và 1990. Nhưng dường như tất cả họ vẫn chưa hội được thành một đội ngũ, trong một cuộc hành trình không lẫn vào nhau, nhưng cũng không quay lưng với nhau; với cái gọi là “cá tính sáng tạo” thật sự, được xác định bằng chính nội lực bản thân, mà không cần gây “sốc”; được chấp nhận không phải chỉ ở một vài cây bút phê bình hoặc nhà văn cấp tiến mà là số đông người đọc, tôi tin không phải tất cả đều bảo thủ. Không biết đó có phải là một nhận xét bi quan hay không, khi đặt họ trong thế đối sánh với các thế hệ viết thuộc các giai đoạn trước.
Xét theo lịch sử thì 25 năm qua, đó là một thay đổi hiếm có, hoặc chưa từng có. Để từ chiến tranh (những hơn 30 năm) chuyển sang hòa bình. Từ đất nước bị chia cắt (hơn 20 năm) đến đất nước thống nhất. Từ giao lưu hẹp đến giao lưu rộng... Những chuyển động như thế phải nói là rất lớn. Lớn và cũng có tầm một cuộc chuyển giao tựa như chuyển giao từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, đưa đất nước từ trạng thái phong bế, lạc hậu vào một cuộc Canh tân. Lớn như Cách mạng tháng Tám 1945 làm thay đổi chế độ. Tiếp tục thành quả của Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, Đổi mới - đó là một cuộc lên đường mới của dân tộc để rút ngắn những so le lịch sử giữa dân tộc và thời đại.
Để có đủ tiềm lực và hành trang cho một chuyển đổi mang tính cách mạng như thế, văn học, cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, kể cả kinh tế, chính trị, cần đến những lực lượng trẻ; mà nói trẻ là nói đến những thế hệ trên dưới tuổi 30, thậm chí là trong ngoài 20. Chứ không thể là 60, thậm chí 50, hoặc 40. Thế nhưng, nhìn trên tổng thể thì dường như sự tiếp tục này, trong tư thế một đội ngũ là còn rất mờ nhạt. Họ có thể rất đông đúc, và gây nhiều ồn ào; có thể xuất hiện hàng ngày trên báo, đài trong chủ ý tuyên truyền, quảng bá của hệ thống thông tin đại chúng; có thể gợi lạ, hoặc gây “sốc” cho người đọc, để làm cồn lên giòng chảy đã có; nhưng để làm nên một giòng chảy mới thì chưa hẳn đã có. Đó là điều, theo tôi, làm cho gương mặt văn học Đổi mới trong nửa sau của nó, kể từ 1995 đến nay, còn chưa gây được một ấn tượng mạnh mẽ, vượt trội, và thật là ngoạn mục, trong so sánh với những mùa gặt đã qua trong hành trình một thế kỷ, và trong tương quan với thời cuộc. Sự đánh giá đó nếu là đúng, hoặc có phần đúng thì việc đi tìm nguyên nhân của nó là việc rất nên bàn, và cần đến một bài khác.
x
x x
25 năm trong sự nghiệp Đổi mới, 35 năm sau khi kết thúc chiến tranh, tính đến thời điểm 2010 lịch sử này - đó là một thời gian không ngắn, nếu so với các chu kỳ biến động của đời sống và sinh hoạt văn học Việt Nam thế kỷ XX… 25 năm và 35 năm - đó là sự đồng hành của bốn (hoặc năm) thế hệ viết; và thế hệ tiếp nối, thế hệ có trách nhiệm nhận sự chuyển giao, trong mở đầu thế kỷ XXI này, có khác với tất cả các thế hệ trước, gần như không phải chịu một sức ép nào của truyền thống, của lịch sử, mà chỉ chịu một sức ép lớn nhất và duy nhất là sức ép của thời đại, trong một cuộc hội nhập mà dân tộc gần như không thể tránh, nếu không nói là phải dũng cảm đón nhận trong tư thế chủ động, để khỏi bị đẩy ra khỏi “đường ray của con tàu phát triển”.
Cần một cách nhìn như thế để chúng ta có đòi hỏi cao đối với một thế hệ viết mới - thế hệ tuổi 20; và để không ngạc nhiên trước những gì rồi sẽ diễn ra - tôi hy vọng thế, như đã diễn ra đầu thế kỷ XX, nếu lấy con mắt Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mà nhìn Nguyễn Ái Quốc; nếu lấy con mắt Tú Xương, Nguyễn Khuyến mà nhìn Hồ Biểu Chánh, Tản Đà; nếu lấy con mắt Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách mà nhìn Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tuân, Nam Cao...
Nói cụ thể hơn một chút: Phan Bội Châu sống đến năm 1940 nhưng cụ đã sớm chấm dứt vai trò lịch sử và cả vai trò văn chương “dậy sóng” của mình ngót cả 10 năm trước năm 1925 (là năm cụ bị bắt giải về nước), ở tuổi 58, khi chuyển sang thân phận “Ông già Bến Ngự”. Hoàng Ngọc Phách, người viết Tố Tâm chấn động một thời, nhưng chỉ 5 năm sau đã phải nhường vị trí cho những tác giả khác “mới” hơn. Dẫu đã nhận vinh dự khai mạc nền tiểu thuyết mới và đặt nền móng cho nền văn xuôi lãng mạn, tự bản thân ông, ông cũng đã cảm nhận rõ sự lạc lõng và đuối sức của mình nên đã dứt khoát ngừng ngay việc sáng tác văn chương ở tuổi ngoài 30, ngót 40. Nhóm Tự lực văn đoàn danh đang nổi như cồn vào nửa đầu những năm 30 bỗng phải nhường vị trí cho các gương mặt tiêu biểu của văn học hiện thực và Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng từ nửa sau những năm 30 và đầu 40. Xuân Diệu đang là người “mới” nhất, dồi dào sinh lực nhất trong một phong trào thơ có tuổi thọ trên 10 năm bỗng dưng không còn mới nữa, và trở thành “quen”, thành “cũ” bên Nguyễn Bính “quê mùa”, Chế Lan Viên “kinh dị”, Hàn Mặc Tử, Bích Khê siêu thực, mong manh mà xiết bao ám ảnh. Vân vân...
Ba mươi năm, hoặc rộng hơn, nửa đầu thế kỷ XX là thế. Cái hiện tượng mà xét theo các nguyên nhân xã hội và xu thế thời đại, tôi hy vọng rồi sẽ diễn ra vào nửa đầu thế kỷ XXI (đã đi hết thập niên mở đầu rồi), tất nhiên là không lặp lại mô hình cũ, và không đột ngột. Bởi nếu soi xét kỹ thì cũng đã thấy có ít nhiều chuẩn bị tiềm tàng, cho ta hy vọng; nói tiềm tàng để có dư vị lạc quan; nhưng sự thật thì có lẽ còn cần nhiều hơn thế và rõ nét hơn thế.
x
x x
Trở lại với niềm băn khoăn lớn như được trình bày ở trên - đó là sức vóc, bản lĩnh, tài năng của một thế hệ mới ngoài 20, hoặc trên dưới tuổi 30, là lứa tuổi từng làm nên những chuyển động quyết định trong đời sống văn học Việt Nam thế kỷ XX. Một thế hệ không những là tiếp tục mà còn là phải vượt lên - do thời đại đòi hỏi thế, để đón được những chuyển động khó mà hình dung hết được trước kỷ nguyên thông tin và hội nhập quốc tế. Theo Friedman trong sách Thế giới phẳng khi B. Clinton vào Nhà Trắng năm 1992 thì hầu như chưa ai ngoài Chính phủ và giới học giả có địa chỉ Email. Đến 8-9-1995 thì Mạng (Web) mới xuất hiện. Và đến 1998 thì Internet và thương mại điện tử mới bắt đầu... Nhìn vào cuộc chạy đuổi này ở Việt Nam ta, sau hơn 30 năm chiến tranh và sau cái đói của thời bao cấp chĩu nặng những năm 80 và đầu 90, trong tương ứng với các thời điểm trên của nhân loại thì mới thấy bước đi của lịch sử ở ta là kỳ diệu và “thần tốc” đến thế nào! Nếu đời sống là thế thì văn chương, nghệ thuật, học thuật cũng không thể khác. Phải một thế hệ trẻ, hoặc rất trẻ, vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, lại vừa là chủ thể của hoàn cảnh, với bản lĩnh cá nhân và sức mạnh của đội ngũ, mới mong đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt, mang tính cách mạng, như đã từng diễn ra ở nửa đầu thế kỷ XX; và đang tiếp tục được đón đợi, với quy mô và tầm vóc chắc chắn là còn lớn hơn, vào nửa đầu thế kỷ XXI, sau 25 năm đất nước trong Đổi mới và hội nhập.
Và tôi nghĩ, việc chuẩn bị bằng mọi cách để có được một thế hệ mới như thế, nên là, hoặc buộc phải là mối quan tâm lớn nhất, nếu không nói là bao trùm, của một Hội nghề nghiệp như Hội ta trong những năm tới...

Võng Thị 15-7-2010.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528990

Hôm nay

237

Hôm qua

2334

Tuần này

21263

Tháng này

215686

Tháng qua

0

Tất cả

114528990