Những góc nhìn Văn hoá

Một thoáng phong cách Đào Tấn

Đã nhiều năm làm Tổng đốc An Tĩnh, Đào Tấn đã để lại một dấu ấn riêng  trong đám các quan cai trị tỉnh này.

Là một nhân cách đa dạng, vừa có phong cách nho nhã tài hoa, vừa có bản lĩnh, ông biết tùy thời nhưng không xu thời, mà biết giữ vững tính cương trực khi cần phải bảo vệ nhân dân.

Thời ông làm Phủ doãn Thừa Thiên (quan đầu tỉnh có kinh đô đóng) có tên Ba làm bồi (bây giờ gọi là Ô sin) cho quan Tây bên bảo hộ. Nó ỷ thế quan thầy, tỏ ra quyền thế và hách dịch trong các việc trao đổi mua bán với dân địa phương, thậm chí vu oan giá họa cho dân để chiếm đoạt của dân, đẩy dân vào cảnh mất của lại bị lao tù, điêu đứng kêu trời không thấu.
Việc đến tai ông, quan Phủ doãn lập tức cho điều tra, lập hồ sơ về các hành vi tội ác của tên bồi, rồi đưa ra xét xử tại tòa án tỉnh với bản án tử hình. Bồi Ba phản ứng láo xược và đe dọa cả quan Thủ hiến và la lối cho đồng bọn phi báo cho quan Tây đến giải cứu. Nhưng không kịp khi người bên bảo hộ đến thì đầu tên bồi đã lìa khỏi cổ tại bãi cỏ bến Thừa phủ rồi. Quan Tây chất vấn:
Tại sao quan Phủ doãn xử người của bảo hộ mà không cho bảo hộ biết?
Ông thản nhiên đáp:
- Nó làm việc cho bảo hộ, nhưng là dân An Nam nên phải xử theo pháp luật An Nam theo đúng tội.
Không bắt bẻ ông được về lí chúng hậm hực bỏ về. Các đồng sự và thuộc hạ của ông lắc đầu lè lưỡi xem ông cương dũng như Quan Vân Trường thời Tam quốc và lo cho ông. Ông bình tĩnh nói:
Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã
Dân nguy bất cứu mạc anh hùng
(Thấy việc nghĩa mà không làm là không dũng cảm
Dân nguy không cứu chẳng phải anh hùng)
Thế thì làm sao viết tuồng dạy dân chúng được!
Nhưng triều đình không trách cứ ông được về mặt pháp luật mà sợ mất lòng Pháp nên chuyển ông sang chức vụ khác.
Thế mà khi Ch.Gosselin, nguyên ủy viên Chính phủ (Pháp) tại Lào, nhà nghiên cứu sử học đến hội kiến với ông, thì quan Tổng đốc họ Đào tỏ ra lịch thiệp và uyên bác, khiến anh Tây này rất khâm phục. Xin giới thiệu đoạn này trong hồi ký của Gosselin, cùng để hiểu thêm về môi trường sinh hoạt thời ấy của một vị thủ hiến tỉnh.
Ngày hôm sau 14 tháng 5(1), trời vẫn luôn nắng đẹp, tôi lên thuyền từ giã đồn (Linh Cảm-ND) lúc 8 giờ sáng rồi giữa trưa thì đến làng Bến Thuỷ, cảng của Vinh. Tại đó, cùng đi có người thông ngôn tên Thuận, tôi lên xe kéo và nửa giờ sau thì đến Vinh. Vì nhu cầu của công việc được giao tôi phải ở lại nơi này cho đến 30 tháng năm. Trong thời gian lưu trú ấy, những lúc rảnh việc trở nên rất thoải mái bởi lòng hiếu khách rất phong nhã của ngài M.S Công sứ của Tỉnh và phu nhân rất duyên dáng và thêm nữa bởi các cuộc giao lưu thú vị của tôi với quan tổng đốc Đào Tấn và quan Bố chánh Tôn Thất Niêm, người hoàng phái, cứ xem họ thì rõ, trước kia đã từng đi cùng sứ bộ sang Pari cùng với phụ chính đại thần Nguyễn Trọng Hiệp.
Có một sự khác biệt rất hấp dẫn làm tôi thích thú tợn, giữa dinh thự Toà sứ phong cách đặc Paris và rất tinh tế với nơi ở thuần tuý An Nam của quan Tổng đốc. Một bầu không khí yên tĩnh sâu lắng bao trùm dinh thự của vị đại quan này làm người ta ngạc nhiên khi bước vào và trái ngược với không khí ồn ào bên ngoài khoảng sâu đầu tiên được vây xung quanh bằng các lán rộng rãi, trong đó những người lính ngồi hoặc nằm trên chiếu, hút thuốc lào trong khi chờ đợi đến lượt mình được sai phái. ở cuối sân, một toà nhà rộng thênh thang mái cong cột lim to lớn trong đó nhiều nhà Nho dùng bút lông nhẹ nhàng thảo những mệnh lệnh và thông tri của vị quan. Mái nhà rất thấp, nên trong phòng mờ tối và mát mẻ dễ chịu. Bên cánh cửa ở tận cuối có các lính hầu của vị thủ hiến mặc sắc phục đỏ đứng cạnh. Cánh cửa mở, thì Đào Tấn đã được báo tôi đến bước ra, vẻ mặt tươi cười, niềm nở, chìa tay về phía khách vừa sửa vội vàng các nếp của chiếc khăn đội đầu. Vóc người cao, rất mảnh mai, ánh mắt tinh anh ý nhị, mặc áo dài nhung màu đen có găm băng đỏ Bắc đẩu bội tinh, tóc bạc trắng xoá, râu thưa buộc khăn trắng để tang bà thái hậu vừa mới mất, vị quan đưa tôi vào phòng trong, sau khi đã trao đổi những lời chào hỏi chúng tôi qua một phòng nữa, tương tự như phòng lúc nãy, nhưng trong đó bày biện mọi biểu hiện của chức quyền: cờ quạt lọng, những thanh kiếm vỏ nạm xà cừ bịt bạc tinh tế, hoa và chiếc cáng sơn son thiếp vàng bóng nhoáng, cùng với chiếc võng bằng lụa đào.
Một hành lang có mái dẫn tới một cái sân rộng thênh thang đầy hoa lan, loài hoa mà quan tổng đốc yêu thích đặc biệt; ở giữa đặt một chiếc bể cạn nước trong vắt có những con cá Tàu hình thù kỳ dị vảy mày xanh lơ đang lội tung tăng trên nền cát rất mịn Phòng khách trông ra vườn sau; các cột bằng gỗ quý được trang trí bằng những câu đối sơn son, khắc các quy tắc thường nhật của quan gia và các châm ngôn của Khổng phu tử. ở phần trước của phòng là hai chiếc trường kỷ bằng gỗ mun chạm trổ tinh vi, vây quanh một chiếc bàn to rộng sơn son thiếp vàng; và trong lúc hai chúng tôi ngồi đối diện nhau theo đúng nghi lễ, thì các người hầu mang đến những chiếc khay bằng bạc với những cốc pha lê và rượu sâm banh thay vì trà hương ngày trước với những chiếc chén bé tí teo mà người xưa hay dùng.
Với người đối thoại như Đào Tấn thì cuộc trò chuyện chẳng cạn lời được và còn có thể kéo dài hàng mấy giờ liền mà vẫn luôn dễ dàng, thoải mái. Hay biết tôi quan tâm thế nào đến lịch sử và các vụ việc nước mình, vị đại quan thích bàn đến những vấn đề ấy với tôi. Nguyên là sủng thần của vua Tự Đức với tư cách nhà nho uyên thâm, ba lần làm thượng thư dưới các triều đại trước rất chân thành theo chính sách của chúng ta, và hiểu được lợi ích của cuộc tiến triển song hành của hai đất nước chúng ta. Đào Tấn vẫn không có của cải gì sau khi đã hoàn thành các chức vụ cao cấp nhất. Chỉ ấy thôi cũng đủ để ca ngợi ông để đánh giá cao phẩm chất đạo đức của nhân vật này và để thích đáng phân biệt ông với một số vị ngang cấp bậc thường nêu ra cho chúng ta không chút ngại ngùng những tấm gương trái ngược. Tháng tư 1903, có sự thay đổi nội các ở Huế chỉ là do những nguyên nhân hoàn toàn cá nhân, không có chỗ để nêu ra trong công trình này(2), Đào Tấn được cử làm Thượng thư bộ Công.
Sáng 30 tháng năm, khoảng 6 giờ trời đầy mây giống như bên Pháp cùng mùa, tôi rời Vinh bằng xe kéo, cùng đi có người thông ngôn và một người hầu trung thành; đám tuỳ tùng và hành lý của tôi khá nhiều thì đi theo đường sông, đám ngựa của tôi ra đi hôm trước, có lính dắt.
Mỗi chiếc xe kéo của chúng tôi có 3 người phu nhanh nhẹn, một người cầm càng, hai người kia đẩy phía sau chúng tôi đi nhanh như thế chỉ cho dừng lại cứ mỗi nửa giờ, tại các quán bên đường một ít phút để quạt và uống bát nước chè xanh. Các bến đò đã được báo trước, nên qua sông ngòi chẳng mất mấy thời gian. Đến nửa đường giữa Vinh và Hà Tĩnh, tôi gặp ông Công sứ tỉnh này đi đón theo kiểu chạy tiếp sức. Tôi rời xe kéo, nhảy lên ngồi sau ông. Ngựa ông chạy nhanh, nên đến 12 giờ rưỡi, tôi đã mặt đối mặt với ông trước bàn ăn tại Tòa sứ.
                                                                                                                        HOAN CHÂU dịch
                                                                                                                        Từ cuốn L’Empire d’Annam
            (Đế chế Annam)
 


(1) 1901
(2) Tức cuốn L’Empire d’Annam
           

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528985

Hôm nay

232

Hôm qua

2334

Tuần này

21258

Tháng này

215681

Tháng qua

0

Tất cả

114528985