Đất Nghệ

Từ Phúc giang thư viện đến các thư viện tư nhân ở xứ Nghệ

Nhân dân xứ Nghệ có truyền thống quý báu là hiếu học, trọng thầy, đậu đạt khoa bảng. Trên tinh thần đó mà người dân ở đây cũng rất yêu quý sách, có nhiều người đam mê sưu tầm sách và lập các thư viện để phục vụ cho nho sinh, con cháu học tập nâng cao kiến thức trong các gia đình, dòng họ. Qua lịch sử sách và thư viện nước ta nói chung, xứ Nghệ nói riêng thì Phúc Giang Thư viện của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, Can Lộc) do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh sáng lập là tiêu biểu nhất. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã mở đầu nguồn mạch cho trào lưu xây dựng các thư viện tư nhân, dòng họ ở xứ Nghệ.

Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), tự Kính Hoa, hiệu Lựu Trai. Quê làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tuổi nhỏ nổi tiếng thần đồng, đọc sách một ngày được hàng ngàn chữ. Năm 20 tuổi đỗ Giải nguyên thi Hương, khoa Long Đức 1 (1732). Dự thi Hội sau đó không đỗ, nên đi làm quan và tiếp tục tìm sách, tìm thầy học tập. Khoa thi Hội năm Mậu Thìn - Cảnh Hưng 9 (1748), ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp đệ tam danh - Thám hoa. Ông làm quan trải các chức tước: Hàn lâm viện đãi chế, Hiệp đồng Nghệ An, Đông các hiệu thư, Thượng bảo tự khanh, Đề điệu các trường thi Hương Hải Dương và Yên Quảng, Phúc khảo thi Hội, Tán trị thừa chính sứ Sơn Nam, Đông các Đại học sĩ, Giám khảo kỳ thi Hội, Tri binh phiên, Nội giảng kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Chánh sứ (sang nhà Thanh năm 1765), Thiêm đô ngự sử ở Ngự sử đài, Hữu Thị lang bộ Công, Hữu thị lang bộ Lại, về trí sĩ thăng Tả Thị lang bộ Lại, Tán lý các đạo Thanh Hoa, Sơn Nam, Đô ngự sử, Tán lý Thái Nguyên, Cao Bằng, tặng phong Thượng thư bộ Công, tước Thạch Lĩnh Bá.

Ông là người giỏi văn chương, trước thuật, đã để lại một di sản trước tác khá lớn, với gần 40 bộ, tập sách, tiêu biểu như: Tinh lý toản yếu; Ngũ kinh tứ thư toản yếu (15 Q.); Trường Lưu Nguyễn thị (10 Q.); Hoàng Hoa sứ trình đồ (2 Q.); Bắc dư tập lãm; Phụng sứ Yên Kinh tổng ca; Sơ học chỉ nam; Tiêu Tương bách vịnh; Quốc sử toản yếu; Huấn nữ tử ca; Dược tính ca quát; Thạc Đình di cảo (2 Q.). Năm 2005, Nxb. Hội Nhà văn cho in Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh.

Ông đã trở thành một tác gia lớn của dân tộc, có thể nói là đã đứng đầu văn đàn sử, sách nước Việt. Để viết được những bộ sách lớn, ông phải đọc và tham khảo rất nhiều bộ sách quý khác của các tác gia khác. Có lẽ đó là nguồn gốc để ông chú ý để tâm sưu tầm sách vở, tập hợp lại thành một thư viện lớn. Ý tưởng đó cũng từ việc ông sẽ phải làm là khi không làm quan nữa thì về quê nhà mở trường dạy học. Trường học do ông lập ra có tên là Trường Lưu học hiệu. Thư viện chính là môi trường tốt nhất để dạy và học có hiệu quả nhất. Thời gian về chịu tang mẹ (1775-1777), ông ý nguyện "Được thư thả để nghiền ngẫm thi thư, dạy bảo môn đệ và tự tìm thú vui ở đó". Ông bắt tay gây dựng kho sách trong trang viên dòng họ bên bờ Phúc Giang và chính thức là từ khi xin nghỉ hẳn làm quan về quê thì Phúc Giang Thư viện mới được gọi tên và đi vào hoạt động. Vốn sách thư viện được kể đến có hàng vạn cuốn (theo Đại Nam nhất thống chí), là các sách được ông và dòng họ, con cháu sưu tầm qua nhiều đời, nhiều năm, nhất là thời gian 50 năm ông trải quan chức, đi sứ. Thư viện còn lưu giữ các trước tác của ông và nhiều sách của bạn bè, thầy trò dành cho việc nghiên cứu, dạy và học tập ở trường Trường Lưu học hiệu. Nhờ sự uyên thâm của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, nhờ phương pháp dạy học tốt, cộng với vốn kho sách Thư viện Phúc Giang phong phú nên đã cuốn hút được đông đảo nho sinh trong vùng, xứ Nghệ và các địa phương khác tìm đến đây học tập, nghiên cứu. Đã có nhiều học trò của Thám hoa đậu đạt thành danh từ Phúc Giang Thư viện và Trường Lưu học hiệu. Sách Nguyễn Thị gia tàng chép: Các danh sĩ có tiếng nhiều người học cửa ông. Thi đỗ cao và làm quan đồng triều có hơn 30 vị. Kể như Trương Văn Quỹ (ở Thanh Nê), Trần Công Xán (Yên Vĩ) đều là bậc tham dự chính sự; Phạm Nguyễn Du (Thạch Động), Phạm Quý Thích (Hoa Đường), là những người nổi danh văn học. Trong thì có các vị Phiên đạo, ngoài có các quan Thừa hiến, đâu cũng gặp học trò của ông. Đến như những kẻ thành danh, từ Giải nguyên, Tri huyện, Tri phủ, Giám sinh thì có rất đông (Lại Văn Hùng, Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Nxb KHXH, Hà Nội, 2000).

Nhiều sách và công trình, tác phẩm quý của Thư viện Phúc Giang đã được cụ Thám hoa và dòng họ cho khắc in (mộc bản) để nhân bản phục vụ cho việc dạy học và lưu trữ lâu dài. Vốn di sản tài liệu quý hiếm này hiện còn 375 bản khắc gỗ là duy nhất có ở một thư viện tư nhân thời phong kiến nước ta còn lưu lại đến ngày nay. Như vậy, Phúc Giang Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là một cơ sở in sách. Thật hiếm nơi làm được việc này. Có lẽ vì thế mà triều đình phong kiến đã ban sắc phong công nhận và phong cho chủ nhân Thư viện là Uyên Phổ Hoằng Dụ Đại Vương. Nội dung sắc phong năm Cảnh hưng thứ 44 (1783) được dịch như sau:

Nguyễn Ân Đài - Trường ân hội. Khôi tinh đẩu tọa Thư viện Phúc Giang. Lộc vị lâu bền, nối thơm từ nguồn Khổng, kế dòng bởi núi Ni, để rộng cho chúng ta, lấy văn trồng người giúp cái kế trăm năm. Đem ân huệ khiến dân chúng, chữa bệnh cứu dân lập công ngàn thuở, cùng với mọi người góp sức thúc đẩy và gìn giữ nghĩa lớn - thật chính đáng dụng hưởng.

Nhân Tự Vương nối ngôi, nên tiến phong cho vương vị, vào chính phủ, lễ có đăng trật, nên ưng phong tên đẹp hai chữ. Vậy xứng đáng bao phong Nguyễn Ân Đài - Trường ân hội - Khôi tinh đẩu tọa Thư viện Phúc Giang với lộc vị lâu bền, nay được là Uyên Phổ Hoằng Dụ Đại Vương. Vậy phong sắc!

Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng 44. (Tài liệu đã dẫn).

Sắc phong đã đánh giá rất cao công trạng của chủ nhân với Phúc Giang Thư viện. Hiện họ Nguyễn Trường Lưu cũng còn giữ được một bản sắc phong khác do triều Nguyễn, vào thời vua Minh Mạng (1824) ban phong cho Thám hoa Nguyễn Huy Oánh là “Phúc Giang Thư viện uyên bác chi thần” (vị thần uyên bác của Thư viện Phúc Giang).

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã đi tiên phong - mở đầu cho xứ Nghệ về việc lập thư viện tư nhân, dòng họ. Từ đây người xứ Nghệ đã chăm chút cho việc lập thư viện lưu trữ sách và hoạt động phục vụ cho việc đọc sách của con cháu dòng họ, nho sinh và nhân dân. Đã có các thư viện tư nhân nối tiếp được truyến thống và tiêu biểu như Thư viện Lê Nguyên Trung (làng Trung Cần), thư viện họ Phan Huy (Thu Hoạch), họ Nguyễn (Ích Hậu), họ Nguyễn (Tiên Điền), họ Hoàng (Diễn Cát), họ Cao (Diễn Thịnh)...

Lê Nguyên Trung, còn có tên là Lê Tráng Lượng, húy là Nguyễn Huệ, được vua đổi là Nguyên Trung, hiệu Chỉ Trai, sinh năm Ất Tỵ (1784) - mất năm Kỷ Dậu (1849). Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, thi đậu Cử nhân khoa Quí Dậu (1814). Năm Minh Mệnh nguyên niên được bổ làm Tri huyện Hoằng Hóa, rồi Tri huyện Thiệu Lộc, được triều đình ban khen do làm việc rất công minh. Ông được thăng trải các chức: Tri phủ Khoái Châu, Đốc học Phú Yên, Lang trung bộ Hộ, Hiệp lý Gia Định, Hiệp trấn Bình Thuận, Lễ bộ Tả Thị lang, Bố chính Quảng Nghĩa, Hắc Sát sứ, Lại bộ chủ sự. Năm Thiệu Trị nguyên niên, ông được điều làm Án sát Hưng Yên, rồi Bố chính Hà Nội, Nam Định. Năm Tự Đức nguyên niên được bổ làm Tuần vũ Bình Định, Hộ lý Tổng đốc Bình Phú quan phòng. Năm Tự Đức thứ 2, ngày 19/10, ông qua đời hưởng thọ 65 tuổi. Gần 30 năm, ông làm quan qua 9 tỉnh, thành, là người giàu lòng nhân ái, trung nghĩa, ghét kẻ tham lam, quở trách phường xu nịnh. Đối với người lầm lỡ, ông lấy lời giảng giải: Không thể dùng vàng bạc để đổi lấy mạng con người. Thấy dân tình cực khổ, ông dâng sớ trình vua xin miễn giảm thuế đinh, thuế điền cho 224 xã. Vua phê rằng: Lòng ưu ái của nhà ngươi chất chứa trong lời văn. Vua ghi vào sớ trình: Miễn cho dân, thi hành ngay. Xuất thân từ nhà nghèo, nên khi làm quan, ông đã dành một phần lương bổng giúp đỡ người nghèo trong làng xóm, đặt ra Hương hiền nghĩa điền, để làm việc công đức và cứu giúp dân… Vợ ông cũng là người lấy công đức làm đầu, cần kiệm chăm lo nuôi dạy con cháu để ông lo việc nước...

Ngoài việc đóng góp tiền của để làm việc thiện thì ông Lê Nguyên Trung còn bỏ tiền lương bổng để sưu tầm, mua sách quí, tích góp xây dựng thư viện phục vụ việc học hành, bồi bổ kiến thức cho con cháu gia đình, dòng họ và bà con ở quê nhà. Để phát huy việc bảo vệ, sử dụng khai thác tri thức trong sách được tốt, ông đã chia sách thành các môn loại chi tiết để sắp xếp lên giá một cách khoa học, cụ thể, dễ tìm. Ông lại cho đóng sổ để ghi chép tên sách, người mượn, trả sách để quản lý tránh mất mát như hình thức phục vụ bạn đọc của một thư viện hiện nay... Những việc đó còn được ghi chép trong bài ký Lê Thị tích thư ký của Chỉ Trai - Lê Nguyên Trung (lưu ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm). Bài ký này nói đến ý nghĩa của sách, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chứa sách, mục đính tổ chức sắp xếp sách và tổ chức thư viện nói chung. Phần dịch toàn bộ nội dung của bài ký như sau:

Bài ký về việc chứa sách của họ Lê.

Người chứa sách cần phải năng đọc sách, lại phải biết kính cẩn giữ gìn sách mới được. Xưa kia có người cứ đến ngày Canh Tý thì làm lễ bái kinh. Chẳng phải họ biết tôn trọng kinh sách và giữ gìn sách làm sao?

Tôi đi làm quan đã lâu, tiêu pha tằn tiện, hễ còn thừa tiêu tôi đem mua sách để dành. Hễ mua được thì bộ nào đóng thành bộ ấy và tự yên ủi “ấy là ruộng báu của nhà ta”. Tôi tuy chưa có thể đọc hết được các sách ấy, nhưng tôi giữ gìn thật kính cẩn. Tôi lại muốn con cháu đời đời kính giữ, bèn đóng giá xếp lên, sau này sẽ đem đặt ở nhà thờ là nơi chốn để con cháu được cùng kính giữ. Tôi mới làm một cái biển, chia theo từng loại ghi rõ thành 7 mục: 1. Kinh, 2. Thi, 3. Sử, 4. Tử, 5. Tập, 6. Cử nghệ, 7. Tạp trứ.

Sau này có sách thêm thì theo số hiệu tiếp tục ghi vào đấy. Cần phải lau quét luôn để sách khỏi nát.

Bên cạnh tủ sách tôi có quyển sổ ghi đủ 4 chi họ, ai cũng có thể mượn về đọc, ai mượn thì ghi rõ vào cuối bảng khi trả lại, xóa tên đi. Việc này không thể sao lãng khỏi mất sách. (Đã đành) chứa sách không bằng tích lũy làm điều thiện. Ta (đáng tiếc) thật chưa tích lũy được nhiều điều thiện. Tuy nhiên trung, hiếu là của báu của nhà nho, kinh sử là của cải ruộng nương nhà nho. Con cháu ta quả thật biết việc học hành, việc cấy trồng là cần thiết thì biết gắng sức học tập. Biết học tập thì biết kính giữ sách, không để thất lạc, ngõ hầu không bỏ ruộng hoang của mình, không bỏ rơi của báu của mình, gắng sức tiến lên làm điều thiện. Như thế thì sẽ không phụ tấm lòng yêu thích chứa sách của ta.

Ngày 5, tháng 5, Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị (1846) Chỉ Trai chủ nhân(Theo Dương Bích Hồng, Lịch sử sự nghiệp thư viện Việt Nam trong tiến trình văn hóa dân tộc, H., Vụ Thư viện - Bộ VHTT, 1999, Tr. 85-86).

Cao Xuân Dục (1842-1923), tự Tử Phát, hiệu Long Cương, quê ở làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông thi đậu Cử nhân khoa Bính Tý - Tự Đức 29 (1876). Năm sau dự khoa thi Hội (1877), nhưng không đậu, nên phải đi nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi. Ông làm quan trải các chức tước: Kinh lịch, Tri huyện Bình Sơn, rồi Mộ Đức. Do làm việc tỏ ra xuất sắc, nên năm 1880 được thăng hàm Hàn lâm viện Biên tu. Năm sau ông được điều về Huế làm việc ở bộ Hình, rồi Nha Thương bạc. Tháng 4-1882, ông được cử vào Phái bộ ra Hà Nội thương thuyết về việc Pháp đánh chiếm Bắc Hà lần thứ 2, rồi được cử làm Thự Tri phủ Ứng Hòa. Đến 1884, được thăng hàm Hồng lô tự Thiếu khanh và điều về Huế giữ chức Biện lý bộ Hình, rồi đổi làm Án sát Hà Nội, đến tháng 5/1885 thăng làm Bố chánh Hà Nội, tháng 9 năm này thăng Thị lang, sung Hải phòng sứ tỉnh Hải Dương. Tại đây, do bất đồng ý kiến dẫn tới việc xô xát với viên Công sứ Pháp, ông bị giáng một cấp, nhưng vẫn giữ chức cũ. Năm 1889, ông làm Tán lý quân vụ dưới quyền Kinh lược đại sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải, rồi thăng chức Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1890, ông được thăng  làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Năm 1893, ông được ban tước An Xuân Nam. Năm 1894, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nam, rồi được thăng hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1901, được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hội ở Huế, rồi làm quyền quản Quốc Tử Giám. Tháng 11 năm 1907, ông được thăng Thượng thư bộ Học, sung Phụ chính phủ Đại thần. Năm 1908 được phong hàm Thái tử Thiếu bảo, tiếp năm 1909 lại thăng tước An Xuân tử. Năm 1913, Cao Xuân Dục xin về hưu và được ban hàm Đông các Đại học sĩ. Ông là tác gia lớn của đất nước với nhiều công trình chủ biên, biên soạn và các sáng tác thơ, văn, câu đối… Tiêu biểu như: Quốc triều tiền biên toát yếu, Đại Nam thực lục (Đệ ngũ kỷ và Đệ lục ký), Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên thông quốc thổ sản, Viêm giao trung cổ ký, Đại Nam quốc sử quán tàng thư mục, Quốc triều luật lệ toát yếu, Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập,  Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục, Nhân thế tu tri...

Cao Xuân Dục cũng là người đam mê đọc sách, sưu tầm sách và lập thư viện tư nhân, dòng họ. Thư viện do ông lập ra gọi là Long Cương Thư viện cũng chứa hàng vạn cuốn. Thư viện Long Cương không còn và không thấy sử sách, tài liệu nhắc đến mộc bản, nhưng ông có công rất lớn trong việc nhân bản sách để lưu trữ. Ông thường thuê người chép lại 8 bản các sách quý hiếm, rồi giao cho mỗi người con trai giữ một bản, còn lại thì lưu vào Long Cương Thư viện, nên rất nhiều sách Hán Nôm quý hiếm của Thư viện Long Cương hiện còn được lưu giữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.

Trên đây chỉ kể vài thư viện tư nhân, dòng họ tiêu biểu để thấy được sự nối tiếp Phúc Giang Thư viện do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh khởi xướng ở xứ Nghệ và thấy được công lao to lớn của ông trong lịch sử hình thành và phát triển ngành thư viện Việt Nam. Ngày nay, hàng vạn thư viện công cộng đã được nhà nước quan tâm lập ra ở khắp các huyện, quận, phường, khối, xã, bản, thôn, phục vụ hàng triệu lượt người đọc hàng năm, góp phần nâng cao tri thức cho toàn dân, toàn xã hội. Các thư viện tư nhân, dòng họ qua xã hội hóa đã hình thành và ngày càng phát triển thành hệ thống ở cơ sở cả nước cũng là phát huy được tư tưởng lớn của người đi tiên phong trong phong trào lập thư viện tư nhân như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh với Phúc Giang Thư viện.

 Phúc giang Thư viện với kho mộc bản quý hiếm cần được xếp hạng bảo vệ, lưu giữ, bảo quản và khai thác, phát huy cho tương xứng với kho mộc bản triều Nguyễn ở cục Lưu trữ Đà Lạt và ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được UNESCO công nhận là Di sản quý hiếm của nhân loại./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517266

Hôm nay

2216

Hôm qua

2397

Tuần này

2613

Tháng này

215205

Tháng qua

121009

Tất cả

114517266