Góc nhìn văn hóa

Bài học từ Điện Biên Phủ cho chấn hưng văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn: hochiminh.vn

Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định khai hỏa vào ngày 25/01/1954, sau lại chuyển sang ngày 26/01/1954. Nhưng sau đêm 25/01/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp quyết định tạm dừng, chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Đó là một quyết định khó khăn và táo bạo nhưng vô cùng sáng suốt dựa trên sự tổng hợp và phân tích mục tiêu chính trị - quân sự, tình thế, tương quan lực lượng, các điều kiện chiến trường… một cách khoa học cùng với một sáng tạo đặc biệt trong nghệ thuật quân sự để đảm báo chắc thắng của Đại tướng Tổng Tư lệnh và các tướng lĩnh Việt Nam.

Bài học “đánh chắc, tiến chắc” của Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị không chỉ trong xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu mà trong cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Phải kiên định mục tiêu nhưng giải pháp phải linh hoạt và hướng đến phát triển bền vững. Trong lĩnh vực văn hóa, những giá trị mới chỉ có thể được hình thành bằng những sáng tạo có ý nghĩa khai sáng, những nỗ lực vô cùng bền bỉ của cả cộng đồng chứ không phải bằng những giấc mơ. Phát triển văn hóa không thể là câu chuyện “Đại Lãn chờ sung” và cũng không thể “có tiền mua tiên cũng được”. Đó là quy luật vận động và phát triển của văn hóa; Là bài học lịch sử của mọi cộng đồng/dân tộc.

Trong nhiều chục năm qua, tiến trình văn hóa của Việt Nam đang có những điểm, những mạch bị “nghẽn”, tạo nên sự sa sút, thậm chí khủng hoảng. Nhiều giá trị có ý nghĩa “căn cước” tạo nên bản sắc nền văn hóa dân tộc bị tổn thương bởi thiếu sự trân trọng và bảo vệ cần thiết và bởi sự tiếp nhận thiếu chọn lọc, xô bồ; Chưa tập hợp và phát huy được nhiều nhất những tài năng để sáng tạo những thành tựu mới ngang tầm thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong một thời gian khá dài, chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu và năng lực văn hóa của cộng đồng, tạo nên khoảng trống và những vết rạn nứt trong tiến trình văn hóa dân tộc. Đó là điều dễ chứng minh nếu nhìn vào đạo đức xã hội và những sinh hoạt văn hóa của cộng xã hội chúng ta hôm nay.

 Đảng và Nhà nước Việt Nam biết rõ điều đó, đã và đang nỗ lực khắc phục chấn hưng nền văn hóa, xây dựng một hệ giá trị dân tộc mới trên nền tảng những giá trị truyền thống ưu việt của dân tộc. Nỗ lực bứt phá để tránh lạc hậu, tụt hậu và vươn lên là cần thiết nhưng không thể vội vàng. Văn hóa là sáng tạo. Then chốt là năng lực sáng tạo. Một nhà hát hiện đại đến cỡ nào thì cũng chỉ là những những vật chất vô tri, vô giác nếu không có những nghệ sĩ tài năng thổi vào đó những giá trị nghệ thuật. Những bảo tàng, thư viện bề thế, kiến trúc hiện đại, nhiều hiện vật, nhiều sách vở… mà không có người xem, người đọc vẫn là vô dụng. Năng lực văn hóa, sáng tạo và tiếp nhận, của mỗi cá nhân không bỗng chốc mà có, của một cộng đồng dân tộc càng dài lâu và khó khăn hơn nhiều. Bởi vậy, phải chăm chút thường xuyên, liên tục không để xảy ra tình trạng đứt đoạn văn hóa của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng mới hy vọng chấn hưng được nền văn hóa dân tộc. Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế đối với văn hóa nhưng không phải lúc nào đồng tiền cũng có thể tạo nên các giá trị văn hóa nếu không hoạch định được một lộ trình phát triển hợp lý, không bồi bổ được năng lực văn hóa của cộng đồng, không chăm lo đào tạo, tập hợp và phát huy được được đội ngũ tinh hoa có năng lực sáng tạo.

Bài học “đánh chắc tiến chắc” của Điện Biên Phủ thiết nghĩ vẫn có ý nghĩa với việc vận hành tiến trình văn hóa hiện nay của đất nước./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114471292

Hôm nay

2279

Hôm qua

2311

Tuần này

21772

Tháng này

218098

Tháng qua

119210

Tất cả

114471292