Diễn đàn

Bảo tồn di sản phải gắn với nghiên cứu khoa học

Mỗi di sản văn hóa luôn gắn với một bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển, một chuỗi sự kiện lịch sử liên quan và gắn với một cộng đồng chủ thể nhất định. Vậy nên việc bảo tồn di sản cũng cần phải gắn với các nghiên cứu khoa học về những bối cảnh, những sự kiện và cả văn hóa cộng đồng chủ thể của nó. Chỉ có như vậy thì việc bảo tồn di sản mới có giá trị của nó.

Ngày nay, người ta nói nhiều đến số hóa các di sản văn hóa, khôi phục các di sản văn hóa bằng kỹ thuật hiện đại như scan 3D hay công nghệ thực tế ảo… Và nhiều người nghĩ công nghệ sẽ làm lu mờ các bảo tàng truyền thống. Không những vậy, việc đề cao vai trò của công nghệ có làm giảm đi vai trò của các nhà nghiên cứu lịch sử hay không? Những vấn đề này hiện nay đang được nhiều người quan tâm và thảo luận. Có một điều được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình rằng, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì cũng không quay ngược dòng thời gian làm đảo lộn lịch sử được. Vậy nên, nghiên cứu lịch sử văn hóa vẫn là nhân tố then chốt để quyết định việc bảo tồn di sản, và vai trò của các nhà nghiên cứu vẫn vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Nói vậy để nhấn mạnh rằng, việc bảo tồn di sản văn hóa, dù trong bối cảnh nào cũng phải gắn liền với nghiên cứu lịch sử văn hóa. Bởi xét trên nhiều phương diện, nghiên cứu lịch sử văn hóa giữ vai trò quyết định đến bảo tồn di sản văn hóa, rõ nhất trên ba phương diện:

Thứ nhất, nghiên cứu là nền tảng để xác định giá trị chân chính của di sản văn hóa. Di sản văn hóa không tự dưng xuất hiện hay tự dưng mất đi. Nó hình thành và tồn tại gắn với những bối cảnh xã hội nhất định và cả những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử. Không phải khi nào người ta cũng nhận thức được rõ ràng những giá trị của di sản văn hóa. Bởi bên cạnh những giá trị vật thể được thể hiện từ bản thể của các di sản (với các di sản văn hóa vật thể) hay là phương diện tồn tại mang tính hiểu hiện được thể hiện ở dạng phi vật thể (với các di sản sản văn hóa phi vật thể) thì luôn tồn tại những giá trị ẩn phía sau đó (cả di sản văn hóa vật thể hay di sản văn hóa phi vật thể đều có nhiều lớp giá trị văn hóa khác nhau, có lớp thể hiện trực tiếp, có những lớp thể hiện gián tiếp, có lớp trực diện cũng có lớp tiềm ẩn). Trong khi các giá trị văn hóa trực tiếp thường dễ dàng nhận biết được thì các lớp giá trị văn hóa tiềm ẩn, mang tính biểu tượng với nhiều lớp ngữ nghĩa khác nhau thì khó nhận biết hơn. Nhưng cho dù các giá trị trực tiếp cũng phải có những nghiên cứu để chứng minh, xác nhận mới rõ ràng. Còn các lớp giá trị tiềm ẩn thì càng cần thiết phải nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn. Và hệ thống giá trị của các di sản văn hóa cũng được kiến tạo trong quá trình nghiên cứu. Nhưng đó là sự kiến tạo mang tính khoa học chứ không phải bịa đặt, dù rằng có những di sản văn hóa đã bị những quyền lực gán vào những giá trị không thực chất với danh nghĩa khoa học, nhưng các giá trị thiếu chân thực và khách quan đó sẽ có lúc bị đánh bật để trả lại vị trí cho các giá trị chân chính, và những nhà khoa học nghiêm túc sẽ làm công việc đó.

Lễ hội đền Cờn, thị xã Hoàng Mai năm 2023. Ảnh: Nguyễn Đạo

Để xác định giá trị chân chính của di sản văn hóa thì phải dựa vào công tác nghiên cứu khoa học, mà cụ thể hơn là nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu lịch sử văn hóa. Nghiên cứu khoa học nghiêm túc để tìm ra những giá trị chân chính của các di sản văn hóa. Mỗi di sản gắn với một bối cảnh văn hóa, một nhân vật lịch sử hay một sự kiện lịch sử. Nó có thể liên quan đến một cộng đồng hoặc cũng có thể liên quan đến một cá nhân nhưng phải được công nhận của cộng đồng. Qua lớp bụi thời gian, những bối cảnh xã hội sản sinh ra di sản văn hóa đó bị mờ nhạt và phủ kín. Cũng có những lúc, vì những vấn đề khác nhau mà bối cảnh xã hội đó bị diễn giải khác đi. Nhưng rồi các nhà nghiên cứu sẽ phải dựa vào những kỹ năng, tri thức và phương pháp chuyên môn của mình để tìm hiểu và dựng lại những bối cảnh xã hội của di sản và qua đó xác định những giá trị chân chính của di sản. Có những di sản có nhiều lớp giá trị khác nhau gắn với nhiều thời đại, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử khác nhau thì công việc nghiên cứu để phân tách các lớp giá trị của từng thời đại lại càng quan trọng và cần thiết hơn. Nói chung, chỉ có nghiên cứu lịch sử văn hóa mới tạo cơ sở để xác định giá trị chân chính cho di sản văn hóa.

Thứ hai, nghiên cứu là cơ sở đến quyết định con đường và phương pháp bảo tồn di sản văn hóa. Các di sản văn hóa gắn với những bối cảnh lịch sử xã hội, với các cộng đồng khác nhau nên việc bảo tồn di sản cũng phải dựa vào từng bối cảnh cụ thể và những giá trị cốt lõi để thực hiện. Để làm được điều đó thì cũng phải xem trọng công tác nghiên cứu khoa học. Thời gian gần đây, việc vận dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn di sản được quan tâm nhiều. Từ việc số hóa di sản đến việc sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong việc tái hiện các di sản văn hóa đều được một số người thực hiện. Được biết đến nhiều nhất là trường hợp nhóm Sen Heritage với việc sử dụng công nghệ thực tế ảo để phục dựng kiến trúc Một Cột - chùa Diên Hựu. Nhưng để đưa ra được bản số hóa hiện đại này, nhóm nghiên cứu đã ròng rã một thập kỷ nghiên cứu vô vàn các tài liệu lịch sử văn hóa liên quan mới đưa ra được những gợi mở đó. Nó không chỉ là công nghệ, mà là kết quả nghiên cứu lịch sử văn hóa trong nhiều năm của một số nhà nghiên cứu. Và hầu hết các dự án bảo tồn di sản lớn trên thế giới hay ở Việt Nam, thì công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa cũng đi trước nhiều năm và các nhà khoa học đều đóng vai trò quyết định trong việc bảo tồn, công nghệ là phương tiện hỗ trợ và thể hiện chứ không thay thế các nhà nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu dựa trên những cứ liệu khoa học để xác định được những con đường bảo tồn di sản một cách phù hợp. Bởi mỗi loại di sản có những giá trị và mang những tính chất riêng, nên con đường bảo tồn cũng không phải là một con đường duy nhất, mà nó phải phù hợp với mỗi di sản cụ thể. Có những di sản văn hóa gắn với quá khứ (dù có những liên hệ với cuộc sống hiện tại nhưng mờ nhạt hơn), nhưng có những di sản văn hóa lại gắn với đời sống của cộng đồng hiện tại và đang được các chủ thể văn hóa thực hành trong cuộc sống đương đại. Nếu không có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc mà quyết định con đường bảo tồn một cách chủ quan duy ý chí thì kết quả sẽ ngược lại, tàn phá di sản hơn là bảo tồn. Khi nghiên cứu đầy đủ, quyết định lựa chọn con đường bảo tồn thì lúc đó mới có thể đưa ra lựa chọn phương pháp bảo tồn. Tất cả những công việc này đòi hỏi phải được thực hiện dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử văn hóa gắn với di sản đó.

Thứ ba, nghiên cứu để gợi mở ra những vấn đề phát huy các giá trị di sản. Công tác bảo tồn di sản luôn gắn với phát huy giá trị di sản trong đời sống. Bởi di sản cũng là một phần của cuộc sống, và cũng là một nguồn lực, một thứ của cải của một cộng đồng. Thế nên nó cần được phát huy giá trị vào cuộc sống, tạo ra những giá trị mới bao gồm cả những giá trị kinh tế để phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không có công tác nghiên cứu khoa học mà làm mọi cách để phát huy giá trị di sản thì có thể thu lợi ích trước mắt nhưng cũng làm tổn hại, thậm chí mai một và làm mất giá trị của di sản văn hóa, mất đi bản sắc văn hóa cộng đồng. Đó cũng là một thực tế mà chúng ta đã và đang trải qua. Trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế thị trường, chúng ta chưa nhận thức hết được giá trị di sản văn hóa nên khi tham gia quá trình thương mại hóa văn hóa thì nhiều giá trị văn hóa bị mai một, biến đổi và thậm chí mất mát. Sau này, khi chúng ta nhận thức lại, thay đổi cách làm thì nhiều di sản đã phát huy được giá trị một cách tích cực. Và hiện nay, kinh tế di sản trở thành một hướng đi được nhiều người quan tâm. Từ Trung ương đến các địa phương đều có những chính sách phát triển kinh tế di sản. Nhiều mô hình xuất hiện từ du lịch văn hóa, kinh tế lễ hội, công nghiệp văn hóa, kinh tế dược liệu, thủ công nghiệp truyền thống,… không ngừng được vận dụng. Có địa phương thành công, có địa phương thất bại, có mô hình phát triển và cũng có mô hình lụi tàn. Nhưng có một điều, khi có được những nghiên cứu khoa học nghiêm túc dẫn đường, sự phát huy các giá trị di sản được diễn ra chủ động hơn thì kết quả tích cực hơn. Có nhiều trường hợp xuất phát từ tự phát của người dân nhưng sau đó các nhà khoa học đã tham gia vào thay đổi tích cực nên hiệu quả cao hơn. Điều đó cũng chứng tỏ nếu coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, đưa nghiên cứu đi trước để định hướng cho các mô hình phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ giảm thiểu được các tác động tiêu cực và phát huy được các giá trị văn hóa vào phát triển một cách tích cực hơn.

Lễ hội Xăng Khan của  đồng bào dân tộc Thái Nghệ An. Ảnh: Hồ Hà

Tóm lại, bảo tồn di sản văn hóa là công việc quan trọng được các quốc gia, các địa phương quan tâm. Trong các bối cảnh khác nhau thì việc bảo tồn di sản văn hóa cũng được tiến hành theo những cách thức khác nhau. Và trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay thì công nghệ ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác bảo tồn di sản. Tuy nhiên, dù ở thời điểm nào thì nghiên cứu khoa học cũng luôn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa. Nghiên cứu khoa học xác định rõ chân giá trị của di sản, quyết định con đường và phương pháp bảo tồn di sản và gợi mở cho việc phát huy giá trị di sản vào cuộc sống. Vậy nên, để công tác bảo tồn di sản có hiệu quả thì cần phải coi trọng và đầu tư nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu lịch sử văn hóa./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476