Góc nhìn văn hóa

Câu đối - Một “đặc sản văn hóa” làng Đông Bích

Làng Đông Bích có tiếng là “Làng văn chương” trước hết bởi có nhiều người viết văn, làm thơ, nhất là làm thơ. Một làng nhỏ mà có đến 3 hội viên thơ Hội Nhà văn Việt Nam và ngót chục hội viên thơ của các Hội VHNT tỉnh. Ngoài những người sáng tác đã có “danh hiệu” thì số người yêu thơ và biết làm thơ còn nhiều gấp nhiều lần con số ấy.

     Nhưng thơ chỉ là mặt nổi của “Làng văn chương”. Bên cạnh thơ còn có văn xuôi, dân ca và đặc biệt là câu đối. Tôi đã tìm hiểu và thấy rằng ở làng Đông Bích loại hình câu đối được sử dụng khá phổ biến, đã thành một “đặc sản” đặc sắc. Có loại được khắc treo trong các nhà thờ, nhà ở; có loại truyền miệng trong dân gian. Loại có tác giả hẳn hoi nhưng phần nhiều là không rõ tác giả. Chữ Hán-Nôm có, quốc ngữ có. Nội dung phong phú, nghệ thuật sinh động, đã góp phần tạo nên một nét văn hóa làng!

    Nhiều nhất là câu đối ở các nhà thờ họ. Đông Bích là một làng nhỏ nhưng cũng thuộc loại làng cổ, có rất nhiều nhà thờ. Cả làng chỉ trên dưới 150 hộ mà có đến 32 nhà thờ họ, nhiều nhà thờ có tuổi trên dưới vài trăm năm. Câu đối ở các nhà thờ họ phần lớn là chữ Nho. Nội dung thường là nhấn mạnh đến cội nguồn gốc tích của dòng họ mình nhưng nhiều câu đã vượt qua được cách nói chung chung, gợi lên những địa danh thiêng liêng nơi phát tích tổ tiên cho hậu thế có thêm lý do để tự hào, tưởng nhớ.

Như dòng họ Phan Văn có nguồn gốc đến từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh:

Xuân Hải Tiên Điền lưu trạch hậu

Quỳ Sơn thánh địa tiếp hoa khai

Một dòng họ nhỏ nhưng có gốc gác từ một vùng quê có truyền thống văn hóa nổi tiếng cũng đáng tự hào lắm chứ! Câu đối chưa thật chuẩn khi đem “Tiên Điền” là địa danh riêng đối với “thánh địa”, nhưng khi xét nghĩa đen từng chữ: “Tiên” đối “thánh”, “Điền” đối “địa” thì biết người viết cũng khá thông thạo về chữ nghĩa!

      Cụ Tổ họ Vương Đình người Kim Bồng - Hội An. Nhà thờ họ Vương Đình có vế đối đầy hình ảnh:

Bích chử quang lưu bồng hải nguyệt

Quỳ phong ấm dẫn kiến sơn vân

(Bãi làng Bích mãi ngời sáng ánh trăng từ biển Bồng chiếu tới

Đỉnh núi Quỳ còn ấm vầng mây núi Kiến chở che)

     Nội dung câu đối trong các nhà thờ họ hầu hết đều tập trung tôn vinh truyền thống vẻ vang của tổ tiên, khắc họa khá sinh động hình ảnh các bậc tiền nhân. Cụ Tổ dòng họ Nguyễn Văn làng Đông Bích là một võ tướng thời Hậu Lê: Tả ty Thượng tướng quân Nguyễn Khắc Minh. Nhà thờ họ Nguyễn có vế đối ngợi ca Ngài:

Đại nguyên soái Lê triều, nhất đán huy kỳ trừ tặc khấu

Thượng tướng quân Nguyễn thế, thiên niên ký sử diệt nhung cừu

(Đại nguyên soái triều Lê, một sớm phất cờ trừ giặc cướp

Thượng tướng quân họ Nguyễn, nghìn năm ghi sử diệt quân thù)

Ngài được cử vào trấn giữ Nghệ An khoảng nửa đầu thế kỷ XVII. Tên tuổi Ngài lừng lẫy núi sông:

Hồng Lĩnh xuất quan danh chấn Bắc

Lam Giang sinh tướng chí bình Tây

(Núi Hồng Lĩnh xuất hiện vị quan danh tiếng chấn động cả phương Bắc

Sông Lam sinh tướng, chí diệt thù (làm) bình lặng trời Tây

Kể từ Ngài, họ Nguyễn Văn làng Đông Bích kế tiếp mấy đời làm tướng. Đạo đức và sự nghiệp của các Ngài làm nức tiếng quê hương, rạng danh họ tộc:

Tiên tổ triệu nhân cơ, Đông Bích thanh tiền di đạo nghĩa

Tử tôn thừa đức chí, Nguyễn Văn tài mậu kế cung thư

(Tổ tiên dựng nền Nhân, làng Đông Bích tươi đẹp truyền mãi điều đạo nghĩa/

Con cháu noi theo chữ Đức, họ Nguyễn Văn tài giỏi nối được nghiệp võ-văn)

Thật hào sảng! Trước những cặp câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy từ đường họ Nguyễn, không chỉ con cháu dòng họ Nguyễn Văn mà cả mọi người dân làng Đông Bích đều lấy làm tự hào: ai biết những người nông dân mộc mạc hiền lành quanh ta là hậu duệ của những bậc tiền nhân oanh liệt ấy!

     Nếu như dòng họ Nguyễn Văn có nhiều võ tướng thì truyền thống họ Vương Đình lại nghiêng về nghiệp văn, đề cao học hành chữ nghĩa “Thi thư dịch thế hương” (Sách vở nối đời thơm)

Câu đối nhà thờ Can Bang:

Sơn hải hồng ân Nam tự Bắc

Thi thư di trạch tử nhi tôn

(Ơn trời biển đất Nam có nguồn xứ Bắc

Giữ mạch sách đèn cháu nối con)

    Cụ Đốc Chỉnh làm nghề dạy học, nhà thờ có đôi câu đối khẳng định vai trò của giáo dục được nhiều người nhớ:

Vương gia phong vận thi thư trạch

Hán thủy văn minh giáo dục triều

(Tạm dịch: Được sang trọng như nhà Vương là nhờ có học hành

 (Cũng như) Văn minh nơi làng xóm là bởi phong trào giáo dục)

    Câu đối ở nhà thờ Bính chi lại là niềm tự hào về Sách:

Bích phủ đồ thư lưu trạch hậu

Hòe đình phong thực kế hoa trường

(Kho sách ở làng Đông Bích còn để lại dày dặn

Truyền thống con cháu có học nối tiếp lâu dài)

Tài văn giỏi võ là quý. Nhưng không giỏi văn, võ thì giỏi lao động chân tay cũng quý chứ sao. Nhà thờ họ Trần Quốc khẳng định ý chí:

Nhân nghĩa tạo gia phong

Cần lao tu tổ nghiệp

(Điều nhân nghĩa làm nên nền nếp gia đình

 Sự lao động cần cù luyện thành truyền thống họ tộc).

    Điểm qua một số nhà thờ ở làng Đông Bích có thể nói Câu đối không chỉ thể hiện cụ thể nguồn gốc mà còn nêu bật lên được truyền thống, đặc điểm riêng của mỗi dòng họ, khơi dậy niềm tự hào và ý chí phấn đấu của con cháu theo bước cha ông. Câu đối cũng là khát vọng, niềm mong mỏi của tiền nhân gửi gắm vào hậu thế. Là lời nhắc nhở cháu con. Điều dễ nhận thấy: Đạo đức luôn được đề cao. “Minh đức lai giả viễn” (Nhà thờ đại tôn họ Vương), “Hiếu đễ truyền gia bảo” (Nhà thờ cụ Tú Hy),” Tử tôn tích đức luyện anh tài” (Nhà thờ họ Trần Văn), v.v..

      Nội dung các câu đối cũng đề cao lối sống có trách nhiệm, trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng. Ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu thương lẫn nhau. Cụ Đồ Nguộn có nhiều con trai, có người ra gánh việc hàng tổng, có người dạy học. Nhà thờ Cụ có đôi câu đối:

Quốc gia triều đình tối trọng, chính giáo lưỡng đoan

Phụ mẫu huynh đệ chi gian, gia đình nhất lạc

(Việc nước, việc công là tối trọng, chính trị và giáo dục là hai mối phải lo

Cha mẹ anh em sống với nhau trong một nhà là vui sướng nhất.)

Hơn cả một lời nhắc nhở, một sự ngợi ca, vế đối còn là sự khẳng định một tư tưởng sống mãi còn ý nghĩa.

      Nhiều câu đối cũng gợi lại nếp sống một thời, tuy vật chất chưa thật đủ đầy nhưng con người sống với nhau thật chứa chan tình nghĩa. Cụ Đồ Hường có đôi câu đối khóc người em họ mất, nặng đầy nước mắt:

Ô hô! Cổ nhân nhất nhật viễn, huynh đệ nhất nhật hy, thốn thổ nga hạm châu lệ khấp

Thán tức! Tạo hóa chi vô tình, quang âm chi hữu hạn, phiến tình liêu ngũ bích sô lai ” ...

(Tạm dịch: Ôi thôi! Bạn cũ ngày một xa, anh em ngày một vắng, tấc đất đã đẫm đầy nước mắt/Xót thay! Tạo hóa sao vô tình, thời gian sao hữu hạn, chút tình san sẻ trắng khăn sô) ...

Về câu đối viết bằng chữ Nôm và quốc ngữ:

Đây là bộ phận chiếm một tỷ lệ khá lớn trong câu đối ở làng Đông Bích. Với nội dung và nghệ thuật phong phú, không chỉ trong không gian các nhà thờ đền miếu mà mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

    Câu đối ở các nhà thờ mới được tôn tạo sau này hay làm mới đều chuyển hướng sang viết bằng quốc ngữ. Đó là cách làm hay, rất đáng khuyến khích. Vì câu đối quốc ngữ dễ hiểu, biết cách trình bày thì vẫn đẹp và đa dạng. Tuy nhiên viết câu đối quốc ngữ hay là khó. Chữ nho cô đúc hơn, đa nghĩa hơn. Có thể viết ngắn, chỉ dăm bảy chữ mà chuyển tải được nhiều nội dung. Nhưng bù lại câu đối quốc ngữ sinh động dễ hiểu hơn. Người viết gắng công lao động chọn lọc ngôn từ thì vẫn viết được những câu hay.

Ban đầu, những câu đối quốc ngữ vẫn còn lổn nhổn nhiều từ Hán-Việt:

Nguyễn tộc nối đời thờ tổ đức

Xuân gia kế thế phụng tiền nhân

Dần dà về sau, câu đối quốc ngữ đã trong sáng hơn. Đây là mấy câu được khắc chạm ở một nhà bia liệt sĩ trong làng:

-  Một thuở hy sinh đền nợ nước

Muôn đời tưởng nhớ đượm tình quê

- Đài hương tỏa ngát tình gia tộc

Bia đá lưu bền nghĩa nước non

Hay như câu đối ở cổng nhà thờ họ Phan, vừa dễ hiểu vừa bộc lộ tinh thần cởi mở chân tình của gia chủ:

Dựng sáng từ đường, cả nước họ hàng về hội tụ

Khai quang cổng ngõ, muôn phương bè bạn đến chung vui.

Rất nhiều là những câu đối trong những dịp mừng thọ đầu xuân, một nét văn hóa từ xưa vẫn được dân làng gìn giữ. Xem nhẹ vật chất, yến tiệc, quà cáp, chỉ đôi câu đối viết tay hoặc in chữ đẹp, đóng trong khung gỗ, người nhận cũng cảm thấy hạnh phúc hơn. Trang trọng treo lên, có dịp lại khoe với khách.

Tám chục kính mừng Cha, sức vẫn khỏe, trí vẫn minh, Tiên Tổ vun trồng dựng nghiệp một nhà rạng rỡ

Trăm năm noi gương Bố, Đức siêng rèn, Tài siêng luyện, cháu con tiến tới mở đường muôn nẻo thênh thang

                         (Các con mừng bố Vương Kim Thể lên tuổi 80)

Nhà thơ Thạch Quỳ có đôi câu đối mừng thọ mẹ, một so sánh diễn tả được sâu sắc xiết bao ân tình mẹ con:

Thơ viết nghìn câu, khôn dễ câu thơ mừng thọ mẹ

Đối làm trăm vế, chưa xong vế đối tỏ tình con

Và câu đối mừng thọ người chú -  nhà thơ Vương Đình Trâm năm lên tuổi 70 là sự đồng điệu của hai tâm hồn nghệ sĩ:

Bảy chục rồi ư? Mây trắng tóc này chưa dễ trắng

Trăm năm còn đó, trời xanh mắt ấy hãy còn xanh!

Người làng còn làm câu đối để nhắc nhở nhau, bày dạy cháu con gìn giữ điều ăn nết ở trong nhà, cả những phép tắc ứng xử trong cộng đồng sao cho thuận hòa, tử tế.

Một sự nhịn là chín sự lành, khoan nóng

Trăm cái may không tày một rủi, đừng tham.

Đây là cặp câu đối tương truyền đã có từ xưa, ban đầu được viết bằng than trên vách bếp cụ Đồ Tường, nay nhiều người vẫn nhớ. Vế thứ nhất là một thành ngữ hoàn toàn quen thuộc. Chỉ thêm có hai chữ: khoan nóng. Lại đề ngay trên ông đầu rau, cạnh bếp lò. Có cái gì đó hóm hỉnh, thú vị, khiến người ta đọc rồi nhớ mãi. Vế thứ hai như là một thành ngữ mới, do tác giả sáng tạo ra. Nhờ hiệu ứng của sự đăng đối, làm người đọc hiểu và chấp nhận giá trị như chân lý của nó. Nội dung câu đối rất hay, đề cao cách ứng xử chín chắn của người từng trải. Nhịn là nhẫn nhịn, là bình tĩnh suy xét, là khiêm tốn bao dung trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, vẫn được việc mà không làm tổn thương người khác. Lúc ấy mọi sự lại tốt lành, đẹp đẽ. Nó còn là bài học về sự thắng-thua, được-mất. Phải biết thế nào là “đủ” , thế nào là “vừa”. Cả sự vô nghĩa của cuộc đời để mà ung dung sống tốt hơn. Cái hay của cặp đối này còn ở chỗ: nó được “khắc, treo” ở ngay... nhà bếp! Mới biết, từ xa xưa ở Đông Bích, câu đối không chỉ được treo ở cổng làng, ở nhà thờ, đền, đình, miếu mạo mà chữ nghĩa văn chương còn theo về tận... bếp! Cũng cần nói thêm, cái bếp ngày xưa không giống cái bếp bây giờ. Đó là nơi ngày ba bữa cả nhà đoàn tụ. Rồi xay giã giần sàng đến tận khuya, nước chè chát buổi mai láng giềng gặp gỡ. Căn nhà bếp cũng thành một “trung tâm văn hóa” của gia đình, làng xóm. Cặp đối trên được ghi ở đấy chẳng uổng chút nào!

     Sinh ra ở “làng thơ”, câu đối làng Đông Bích cũng rất giàu chất thơ, Hán cũng như Nôm. Nhà thờ Ông Cụ còn lưu cặp đối chữ nho của cụ Đồ Hướng, viết năm 1960. Ấy là năm miền Bắc vừa qua thời kỳ phục hồi kinh tế, câu đối của cụ Đồ như một tiếng reo vui, như đã thấy trước một tương lai ngời sáng:

Tai hóa chi tường, thọ diệu tề huy thiên hữu giám

Hòa giáng chi phúc, văn lan trường dẫn địa hồi xuân!

(Những tai ương đã chuyển hóa thành tốt đẹp, bao điều kỳ diệu cùng sáng lên có trời chứng giám/Hòa bình đem đến hạnh phúc, con cháu thành đạt nối dài, đất đã hồi xuân).

Nhà thờ Cố Đồ Từ (ông nội nhà thơ Thạch Quỳ) lại có cặp đối chẳng khác gì hai câu thơ:

Hồng điểm đào viên quần quý chúc

Hương lưu quế hải lục truyền đăng

(Từng nụ đào  cả vườn đào xúm xít cháy lên như ngọn đuốc

Dòng thơm từ biển quế-  ý nói con cháu thành đạt - mấy đời truyền sáng một ngọn đèn)

Cái hay cái độc đáo của câu đối là chơi chữ. Sự thâm thúy sâu sắc cũng là ở đó.. Đâu chỉ câu đối chữ nho, câu đối quốc ngữ của người làng Đông Bích khi biết vận dụng tục ngữ ca dao cũng trở nên sâu sắc và thú vị. Đơn cử mấy câu đối Tết năm  Đinh Dậu (năm con gà) khi năm Thân (năm con khỉ) vừa qua:

- Thân qua rồi thân chẳng biết thân, nên nỗi gừng cay khỉ nuốt

Dậu đến đó dậu chưa kín dậu, coi chừng xó bếp gà bươi!

- Bính Thân qua, trò khỉ qua đi, vẫn cảnh giác “khỉ nhờ oai cọp”

Đinh Dậu tới, tiếng gà tới đón, luôn đề phòng “gà vọc niêu tôm”

     Nhà thơ Vương Trọng, còn được mệnh danh là Ông Đồ Nghệ, có nhiều câu đối rất hay, cả chữ nho và quốc ngữ, cũng sử dụng nghệ thuật chơi chữ đến thần tình, thú vị và sâu sắc. Ví như câu:

Hối lộ, lộ rồi không kịp hối

Tham ô, ô uế có còn tham

Hay như vế đối sau đây, vừa thẳm sâu ân tình mà lộng lẫy tráng ca, được chọn khắc in trên cột đá cổng chính nghĩa trang Đồng Lộc:

Vĩnh viễn tuổi xanh, xanh gió xanh trời Can Lộc

Thiêng liêng cờ đỏ, đỏ hồn đỏ máu Việt Nam!

Nhưng nội dung câu đối của ông đã vượt ra ngoài phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến trong một bài viết khác./.

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528558

Hôm nay

2214

Hôm qua

2291

Tuần này

2831

Tháng này

215254

Tháng qua

0

Tất cả

114528558