Xứ Nghệ ngày nay

Cầu đường sắt Yên Xuân

Cầu đường sắt Yên Xuân bắc qua sông Lam nối 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn của Nghệ An được xây dựng từ thời Pháp thuộc

Năm 1905, ngành đường sắt Bắc - Nam khánh thành ga Vinh và cũng là thời điểm chuẩn bị xây cầu Yên Xuân vượt sông Lam. Lần đầu dân Nghệ Tĩnh mới trông thấy cái đầu tàu hỏa phun khói lên bầu trời. Kỳ thi tại trường Vinh năm 1906 có yêu cầu tả cái tàu hỏa. Ông Tạ Quang Diễm con Cử nhân Tạ Quang Oánh, cha GS. Tạ Quang Bửu đỗ với câu Tập Kiều:

                                   Ầm ầm gió giục mây vần

                          Một xe trong cõi hồng trần như bay.

Cầu Đường sắt Yên Xuân (làng Yên Thái, xã Hưng Xuân cũ) được khánh thành năm 1924, dài 350m với 5 nhịp. Sau cơn lụt năm 1978, mố cầu phía Nam bị lở nên xây thêm 2 nhịp nữa. Ban đầu, cầu chỉ giành riêng cho tàu hỏa (với đường ray 0,90m phổ biến thế giới lúc đó), không có đường hai bên như bây giờ. Vì vậy, cạnh chân cầu là bến đò, cũng mang tên là Bến đò Yên Xuân. Ngay bến đò là một khu sầm uất cây cổ thụ xanh tốt bao quanh mấy ngôi đền, mùa nào cũng xao xác tiếng chim. Bến đò này từ sau ngày hòa bình lập lại rất đông khách, bởi đây là trục đường chính nối Đức Thọ đến thị xã Vinh; đã qua nhiều lái đò nhưng người chèo đò lâu nhất là vợ chồng anh Chắt Thịnh với hai cô con gái xinh đẹp lúc nào cũng niềm nở với khách qua sông, dù mưa nắng, bão lụt, dù khách không có tiền đò cũng chèo. Phía Nam bến đò là làng Thanh Xuân thuộc xã Nam Thịnh, huyện Nam Đàn.

Cầu Yên Xuân đã từng là nhân chứng lịch sử suốt cả thế kỷ XX. Năm 1930, phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bùng lên mạnh mẽ ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 12 tháng 9 năm 1930. Nhân dân nhiều làng của huyện Nam Đàn (có nhiều người các xã Khánh Sơn, Nam Kim, Trung Phúc Cường) và Thanh Chương, Hưng Nguyên (Nghệ An) kéo ra thành phố Vinh đấu tranh với Pháp và chính quyền Nam triều. Từ đây các đoàn biểu tình: “Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên. Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi” (Bài ca cách mạng của Đặng Chính Kỷ) đã tập trung hơn 8.000 người tại ga Yên Xuân sát ngay cầu, nghe nữ Đảng viên Nguyễn Thị Nga (bà Thông Phia - chi bộ Trúc Lam Giang, thuộc Đảng bộ Tổng Phù Long) diễn thuyết. Sau mít tinh, đoàn biểu tình kéo lên chợ Vực (xã Hưng Xá) cách ga 2km, đi theo đường hàng tỉnh ra Thái Lão (Hưng Thái) để xuống Vinh thì bị lính Pháp từ Vinh kéo lên cùng máy bay đàn áp. Chúng đã giết chết 217 người, bắn bị thương 125 người, đốt cháy hàng chục ngôi nhà trong đó có nhà của Nhân dân làng Phổ Đông (xã Nam Phong) làng Xuân Trạch, làng Long Xuyên (sau này thuộc xã Nam Thịnh) là những địa phương nằm gần cầu Yên Xuân. Sau hòa bình (1954), con đường mà đoàn biểu tình đã đi qua được mang tên là đường 12/9, chạy từ Chợ Vực ra Nghĩa trang liệt sỹ Thái Lão.

Năm 1934, vua Bảo Đại qua đây trên đường ra Vinh. Dân làng hai bên cầu phải cơm đùm, cơm vắt cả ngày đêm chầu chực đón đức vua, có người suýt chết ngất vì đói.

Trước ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cầu Yên Xuân đã chứng kiến hàng ngày có nhiều đoàn tàu hỏa chở thóc, gạo quân phát xít Nhật cướp được của đồng bào Bắc Kỳ qua đây. Sau các đoàn tàu ấy là nạn đói kinh hoàng cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người (1945). Những đoàn tàu chở thóc gạo của quân Nhật qua cầu, chạy chậm lại, thóc gạo rơi vãi. Dân mình đang đói quay đói quắt phải bò ra bãi sông quét thóc, gạo rơi vãi lẫn cát sỏi, đất đá mang về cứu đói. Lính bảo vệ, lính áp tải Nhật đã thẳng tay đàn áp dã man. Chúng đạp đổ, đá xuống sông cả người lẫn thóc gạo quét được. Có người hộc máu ra chết tại chỗ, có người bị đá dập gan, phổi, lá lách về nhà ốm đau hàng tháng rồi chết.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến (1946), cầu đã bị phá, tàu hỏa đến đây thì phải dừng. Hàng hóa phải bốc dỡ xuống xà lan, ca nô, hoặc thuyền, qua sông lại chất lên toa tàu chạy tiếp. Vì vậy mà ở chân cầu có bãi đất rộng có tên là bãi Tăng bo (đọc chệch chữ Transport), những ngày chống Mỹ, đây là trận địa phòng không của xã Nam Cường phối hợp với trận địa pháo cao xạ trên núi Thành hàng trăm lần chặn bắn máy bay Mỹ.   

     Từ năm 1946 đến năm 1975, hai đầu cầu Yên Xuân bị bỏ hoang. Tà vẹt, đường ray bị tháo gỡ hết nhưng đêm kháng chiến chống Pháp lúc nào cũng vui. Sau này những năm chống Mỹ, bến đò này lúc nào cũng rầm rập tiếng quân đi. Cũng là con đ­ường ra mặt trận của hàng đoàn bộ đội và thanh niên xung phong. Nhiều lần bị máy bay bắn phá, thả bom, bom từ trư­ờng và bắn rốc-két nh­ưng đò vẫn qua lại hàng đêm.

          Từ khi cầu Yên Xuân bị phá gục, đầu cầu bỏ hoang. Những toa tàu bị đánh đổ lâu ngày han rỉ dần. Cây cối mọc trùm lên xanh um trông rất bí hiểm và ghê sợ. Chim chóc về làm tổ, cầy cáo rắn rết tung hoành trở thành nơi bí hiểm thách thức sự tò mò của lũ trẻ chúng tôi. Những chiều mùa đông gió hun hút thổi, chúng tôi đi chăn bò, kéo nhau kiếm củi đốt rồi mò vào khu rừng âm u ấy trốn nhau, tìm tổ chim và hái đọt ngấy, t­ước vỏ và nhai rau ráu, nhìn nhau mặt nhọ nhem cư­ời nhe những hàm răng sún. Dọc triền đ­ường tàu, xen trong những bộ khung sắt các toa tàu rỉ sét là rừng cây cứt lợn (cây hoa ngũ sắc) quanh năm trổ hoa, tỏa mùi thơm hăng hắc.

          Sau “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, lần đầu chúng tôi thấy mặt “thằng Tây”.  Tây mũi lõ, da trắng tóc vàng; Tây da đen mũi bè bè, tóc xoăn tít và mùi khét. Họ kéo nhau qua làng hết đợt này đến đợt khác. Họ đã ăn ở trong nhà dân. Mẹ tôi và các bà, các chị trong hội phụ nữ giúp họ củi lửa, cho họ thức ăn, nước uống, vá dùm quần áo, khâu lại giầy cho họ như sau này, những ngày chống Mỹ, các mẹ chăm lo cho những đoàn bộ đội và thanh niên xung phong trên đư­ờng vào Nam qua đò vào trú tạm trong làng. Về sau tôi mới biết những “thằng Tây” ấy là những tù binh, hàng binh đi từ phía Nam ra nơi tập trung trao trả theo hiệp định Giơ - ne- vơ. Về sau thì có hàng chục hàng binh tham gia trục vớt cầu Yên Xuân, những nhịp gãy gục xuống sông Lam. Xà lan, thợ lặn quần sủi bùn dòng sông. Họ nói ít và lao động chăm chỉ. Chúng tôi không gọi là Tây mà là “Việt Nam mới”. Tôi học ngoại ngữ đầu tiên - Tiếng Pháp, những từ bon jour, Merci, Madam...là từ ở những “Việt Nam mới” này.

          Làng tôi có hai ng­ười con gái đẹp nh­ư tiên. Cả hai chị tóc dài chấm gót, da trắng như­ trứng gà bóc, cổ cao ba ngấn, mắt lá răm, lông mày đen nhánh làm si mê bao nhiêu chàng trai quê tôi. Hai chị em nh­ư hai tiên nữ đang tuổi lấy chồng mà chẳng ai dám đi lại bởi hồi ấy ng­ười ta sợ phú nông và địa chủ hơn mọi thứ trên đời. Các chị là con gái ông Cửu Nguyên bị quy là phú nông từ thời Giảm tô giảm tức. Tôi nghe ngư­ời ta nói vậy. Một chị tên là Điệp. Bây giờ tôi vẫn nhớ gư­ơng mặt, nụ c­ười và thân hình hai chị, bởi hai chị đẹp quá. Rồi cả làng cả n­ước xôn xao. Cả hai chị “theo” hai “thằng Tây đen”, ng­ười Maroc hay Angieri về nư­ớc họ. Khiến bao nhiêu anh chàng ngơ ngẩn và trong đó có cả chú bé lên 8 tuổi là tôi. Không biết bây giờ các chị còn không?

Cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam khánh thành vào ngày 03.9.2016

    Ngược lên thượng nguồn sông Lam chừng 1 km là bến đò Cố Xin đêm ngày vượt bom đạn máy bay Mỹ chở thanh niên xung phong và bộ đội qua sông vào Nam đánh giặc. Năm 1968, hai Cố hy sinh khi đang chèo đò. Năm 2020, tỉnh Nghệ An đã công nhận Bến đò là di tích lịch sử.

   Cầu Đường sắt Yên Xuân gánh trọn hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm tháng đói khổ sau chiến tranh. Năm 2016, Nhà nước xây dựng thêm một cầu Yên Xuân nữa nhưng là cầu đường bộ chỉ cách cầu Đường sắt Yên Xuân chừng 2 km, cùng hòa với mạng lưới giao thông hiện đại nối liền thành phố Vinh đến mọi vùng quê Nghệ - Tĩnh./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)

                                                                    

                                   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511553

Hôm nay

2216

Hôm qua

2336

Tuần này

21927

Tháng này

218426

Tháng qua

121356

Tất cả

114511553