Góc nhìn văn hóa

Có một thành Vinh trong thơ

 

Thành phố Vinh lung linh về đêm

Kể từ sau năm 1954, bài thơ đầu tiên viết về thành Vinh là bài Vinh của nhà thơ Hoàng Trung Thông (01/1959). Lúc bấy giờ, Nhân dân ta vừa giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình đã được lập lại trên miền Bắc, Vinh cùng cả nước đang bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng mới những nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư,... Trong thơ của Hoàng Trung Thông, Vinh hiện lên như một bức tranh nhiều màu sắc, nhiều âm thanh, sình động và hấp dẫn:

“Vinh đẹp lắm sắc hồng ngói mới/Trên hoang tàn ống khói dựng rừng xuân/Tôi đến với tiếng chào, tiếng gọi/Với ánh mắt nhìn và hình bóng quen thân/Tôi đến với cửa hàng sắc thắm/Với công trường ướt đẫm mồ hôi/Với tiếng mẹ ru con bài hát Giặm/Tiếng ngày xưa tu những bước chân tôi/Tôi đến với công trình gió bụi/Với những nhà xây nóng hổi gió Lào/Với những hàng cây chưa đầy năm tuổi/Đã xòe tay ôm lấy trăng sao/Các em nhỏ đến trường chân ríu rít/Khác tôi xưa lê những bước đau buồn/Nghe em đọc bài thơ tôi viết/Mới thấy mình nay đã lớn khôn”.

 Những ngày hòa bình ấy thật là ngắn ngủi, chỉ có 10 năm! Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ cho không quân ném bom bắn phá miền Bắc, trong đó có thành phố Vinh. Đáp lại lời kêu gọi của Tổ quốc, quân dân thành phố lại lên đường đánh giặc:

“Có thành phố nào như thành phố này không?/Chưa thấy nhà cao chói lọi sắc hồng/Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn/Dép cao su đi trong cát lún/Ta đi kháng chiến mười năm ròng/Gửi lại đường Trần Phú, đường Quang Trung/Gạch và gạch, mười năm sau gạch nhé!” (Thạch Quỳ - Gạch vụn thành Vinh)

Với đại thắng mùa xuân 1975, Tổ quốc ta hòa bình, thống nhất. Vinh bước vào chặng đường mới: cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống hạnh phúc ấm no. Thơ viết về Vinh có thêm nhiều nét mới. Vinh trong xây dựng hiện lên với vẻ đẹp mới.

Thơ viết về Vinh thời kỳ này gắn liền với trí tưởng tượng của nhà thơ. Trí tưởng tượng trong thơ đã chắp cánh cho tâm hồn bay lên vượt khỏi những giới hạn xác định của một địa điểm và thời điểm cụ thể, mà trở về với quá khứ, hiện tại, tạo nên những câu thơ in đậm trong lòng người đọc:

“Không còn vùng đất hoang đổ nát năm xưa/Và những hố bom điệp trùng, loang lổ/Chỉ thấy nơi đây những bàn tay người thợ/Thành phố Đỏ hồi sinh trong sắc ngói hồng tươi/Ve râm ran rộn một góc trời/Trong ánh năng ban mai, những khu nhà tầng vươn dậy/Cửa sổ gió lay như bàn tay ai vẫy/Chào thành Vinh thân thương/Nghe dịu ngọt, nồng nàn điệu Ví Giặm quê hương/Và những cô gái, chàng trai dựng xây hăm hở/Khoảng trời xanh hiện lên qua ô cửa sổ/Cứ cao dần lên, nâng mãi cánh diều lên” (Lê Sơn - Vinh ngày mới).

 

Một góc thành phố Vinh hôm nay

Trong thơ viết về Vinh, yếu tố cảm xúc, nhất là cảm xúc ở dạng trực tiếp của tác giả là một trong những nhân tố cơ bản để tạo nên chất thơ. Tình cảm của nhà thơ chân thật, tự nhiên như một lời tâm sự không nén lại được:

“Thành phố Vinh là thành phố Đỏ/Đi lên từ gạch vụn sau chiến tranh/Người dân sống trọng nghĩa tình/Hiếu khách từ cái nhìn đến lời chào trọ trẹ/Đến Vinh, bạn sẽ gặp nhiều điều vui/Nhớ thăm Quảng trường ngắm tượng đài Bác/Dạo trên, núi, ngồi gốc cây hóng mát/Mặc sức thả hồn vào thiên nhiên/Đến Vinh, bạn nhất định đừng quên/Lên núi Quyết ngắm dòng Lam thơ mộng/Viếng hoàng đế Quang Trung, tắm trời cao lồng lộng/Hòa vào thinh không để nhận ra mình” (Phạm Bá Thái Tâm - Nếu bạn đến Vinh)

Thơ là lời xúc động con tim, là tiếng nổi của tình cảm và lòng thiết tha yêu quý thành Vinh quê hương:

“Nghe rõ tiếng lòng trong mỗi tiếng tàu đi/Trong xa cách ta về đây Vinh hỡi!/Bao tháng năm gầy mòn vì mong đợi/Ta trở về mang nặng những ngày xưa/Ôi những tháng năm dài và cả những đêm mưa/Ta uống tiếng ru hời trong ngõ vắng/Nay thiết tha trong mỗi giờ im lặng/Sắp gặp Vinh rồi sau dằng dặc những ngày xa/Ôi đất Vinh! Ta đến với em rồi!/Sao cứ thấy như buổi đầu mới ở/Như lửa mới nhen, như tình mới nở/Như sao Hôm chớm mọc phía chân trời/Ta ngắm, ta tìm, ta ngây ngất/Ta mải mê trong ánh mắt Vinh nhìn /Ôi Tổ quốc! Đây là quê thứ nhất/Ta trọn đời xin nguyện gửi trong tim (Trọng Hoàng - Vinh)

 

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Quyết

Trong thơ viết về Vinh, cái nhìn của tác giả là cái nhìn đầy lạc quan, yêu đời, tâm hồn phơi phới, say sưa:

“Đứng trên núi Quyết hôm nay

Ngắm nhìn thành phố mà say lòng người

Thông reo, gió hát, hoa cười

Bồng bềnh mây trắng lưng đồi giăng tơ

Xa xa một giải sông thơ

Nọ cầu Bến Thủy, kia bờ sông Vinh

Đường vành đai đó xinh xinh

Như dải lụa đẹp uốn mình chân đê

Mặt sông dát bạc chiều về

Nhấp nhô sóng nước vỗ về thuyền câu

Mặt trời rực rỡ sắc màu

Người xe tấp nập, còi tàu rền vang

...Thành Vinh ai điểm, ai tô

Bấy nhiêu năm ấy, cơ đồ vẻ vang”

(Phạm Xuân Sinh - Thành Vinh ngày mớí)

Có những câu thơ vang lên đầy kiêu hãnh, tự hào với những chặng đường Vinh đã đi qua, thơ hào hùng trong những tiếng nói ngợi ca:

“Năm mươi năm thành phố vào xuân

Hai trăm hai mươi lăm năm Phượng Hoàng tung cánh

Lại đi qua một mùa giá lạnh

Vinh chững chạc, đàng hoàng, kiêu hãnh trước mùa xuân

Nhớ một thời bom đạn, trầm luân

Thành phố thân yêu gặp nhiều gian khó

Cả non sông vang vang lời Bác

Không có gì quý hơn độc lập tự do

Thành phố bừng lên rực rỡ sắc cờ

Theo chân Bác tiến đến ngày toàn thắng”

(Nguyễn Văn Tài - Vinh thành phổ vào xuân)

Trong khuôn khổ có hạn của một bài báo nhỏ, không thể nói hết những bài viết về Vinh. Xin được lấy những câu thơ của tác giả Nguyễn Văn Tài để kết thúc bài viết này:

Hôm nay đây đi giữa trời cao đất rộng

Thành Vinh quê hương lộng lộng vào xuân

Năm mươi năm từ bão táp, phong trần

Thành phố Đỏ vẫn vươn tầm thời đại

Người dân thành Vinh tự hào làm chủ tương lai đô thị khang trang, phố phường như trở dạ và nguy nga lộng lẫy những công trình.

Dầu gió Lào, bặo lũ nơi đây

Mùa xuân đến thành Vinh bùng sức trẻ.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528558

Hôm nay

2214

Hôm qua

2291

Tuần này

2831

Tháng này

215254

Tháng qua

0

Tất cả

114528558