Góc nhìn văn hóa
Đi tìm bản khắc gỗ văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du
Tranh minh họa cho những cô hồn - thập loại chúng sinh (ảnh sưu tầm Internet)
Trong bài nghiên cứu về “Văn tế thập loại chúng sinh”, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã cho chúng ta biết năm khắc in và nơi tàng giữ của Văn tế thập loại chúng sinh hiện được tàng trữ tại chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là chùa Hưng Phúc, thôn Ngư Đại, phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Theo học giả họ Hoàng, bài văn tế được khắc mộc bản vào năm 1895 do nhà sư Chính Đại lưu giữ tại chùa. “Văn tế cổ và kim”, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1960, cũng đã nhắc lại thông tin của GS. Hoàng Xuân Hãn về những vấn đề liên quan đến văn bản Văn tế thập loại chúng sinh. Hoàng Xuân Hãn cũng cho rằng, Nguyễn Du sáng tác tác phẩm văn tế này trước cả khi ông viết Truyện Kiều (tức là ông viết trong giai đoạn làm chức Cai bạ của tỉnh Quảng Bình (1802- 1812). Bài văn tế với dung lượng hơn 180 câu văn, thể hiện triết lý nhân sinh về cõi người, triết lý đạo Phật với tính giáo dục rất sâu sắc của tác giả. Theo Từ điển văn học (xuất bản năm 2004, trang 1972), người phát hiện bài văn Chiêu hồn này là học giả - nhà nghiên cứu Văn học Lê Thước, tại chùa Diệc (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Tuy nhiên, bản khắc gỗ được phát hiện tại chùa Hưng Phúc (Bắc Ninh) được coi là bản có niên đại sớm nhất. Gần đây (ngày 27/8/2019), trên báo Phật giáo. Org. Vn, một lần nữa lại đăng tin liên quan đến những bộ ván khắc văn tế quý hiếm này.
Sau khi đọc bài báo và nghiên cứu lại công trình khảo cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn và các tác phẩm liên quan đã dẫn ở trên, tôi đã bàn bạc với bà Trần Thị Vinh - lãnh đạo Ban Quản lý di tích Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh) để có kế hoạch hợp tác, sưu tầm nghiên cứu nhằm phát huy giá trị di sản tại Khu Lưu niệm Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Ý kiến của tôi được lãnh đạo Ban quản lý hết sức quan tâm và ủng hộ.
Để được biết cụ thể hơn về những ván khắc mộc bản quý hiếm này, tôi đã trực tiếp về chùa Hưng Phúc để khảo sát.
1. Di tích và di vật hiện còn
Chùa Hưng Phúc cách thành phố Bắc Ninh khoảng 15 km, hướng đi Bắc Ninh - Phả Lại. Chùa được đặt tại ngã ba của ba thôn: Thôn Xuân Bình, thôn Ngư Đại và thôn Công Cối (phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ). Theo các cụ địa phương kể lại, ngôi chùa có lịch sử hình thành đến nay hơn 300 năm. Ngoài chùa, thôn Ngư Đại còn có Đình, đình này thờ 2 vị thánh Tam Giang: Tam Giang Khước Địch Đại Vương thượng đẳng thần và Tam Giang Uy Địch Đại Vương Thượng đẳng thần. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, chùa vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng với 2 hạng mục công trình (1 tòa Thượng điện thờ Tam Bảo, xây dựng bằng betong cốt thép giả gỗ và 3 gian nhà Tam Bảo được làm bằng gỗ lim Nam Phi) mới được Nhân dân đóng góp xây dựng trong mấy năm trở lại đây. Chùa cổ Hưng Phúc đã được Nhân dân lưu truyền trong tâm khảm mỗi người qua bài thơ ca ngợi về quê hương. Cụ Nguyễn Thị Vun (74 tuổi, thôn Ngư Đại), đọc cho tôi nghe một bài thơ dài được lưu truyền từ xưa về lịch sử của chùa như sau:
Năm Tân Mùi thiều quang chín chục
Làm thêm chùa đương lúc thảnh thơi
Ba thôn hướng thiện chúng tôi
Cùng nhau đóng góp mỗi người ngũ thiên
Đất Xuân Lôi lưu truyền văn học
Chùa Hưng Phúc ngang dọc quy mô
Trăm gian xây dựng điểm tô
Đêm ngày hương khói phụng thờ uy linh
Một Quốc Trạng quyền hành nhiếp chính
Hai phong hầu quyền bính Quốc gia
Gặp cơn trời đất sơn hà
Giặc Tây phá sạch những tòa chùa dân
Nhờ cách mạng tiến quân dẹp giặc
Ơn cộng hòa xã tắc văn minh
Chùa dân kiến thiết tái hành
Tuy còn bé nhỏ nhưng danh vang lừng
Nay đất nước vui mừng thịnh trị
Chùa ba dân nhất trí sửa sang
Dựng thêm tiền tế ba gian
Điểm tô long nguyệt huy hoàng lối xưa
Khánh thành này ngày vừa kỵ tổ
Đồng môn sinh củng cố tế thầy
Dâng ba tuần rượu lễ chay
Đền ơn trân trọng nhớ ngày khai tâm
Trên Tam bảo chiêu lâm nguyệt đạo
Dưới thập phương lễ bái tín tâm
Chảy chùa lại bái ba xuân
Cầu tài, cầu lộc thêm phần thọ khang
Nay thái lão ba làng nhất trí
Dựng thêm chùa đẹp ý ba dân
Xuân Lôi - Hưng Phúc - Nhật Tân
Cầu tài, cầu phúc thêm phần thọ khang.
Bài thơ cũng đề cập đến vị Trạng Nguyên của Quốc gia “Một Quốc trạng quyền hành nhiếp chính/Hai phong hầu quyền bính Quốc gia”. Đó là trạng nguyên Hoàng Văn Tán (thôn Xuân Bình, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ), đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên), khoa Quý Mùi niên hiệu Thống nguyên 2 (1523), đời Lê Cung Hoàng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Khi thi Đình, vua thân hành ra đầu đề, hỏi về đạo làm vua, làm thầy. Cho Hoàng Văn Tán, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Đạo Quán 3 người đỗ đệ nhất Giáp tiến sĩ cập đệ; Bọn Hoàng Đình Chương 8 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; Bọn Nguyễn Súc 23 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”(Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch, tập 3, NXBKHXH, 1988, tr 102)…
32 câu thơ đã cho biết, ba làng Xuân Bình, Ngư Đại và Công Cối của tổng Bất Phí (huyện Võ Giàng xưa) là một vùng quê văn hiến, hằng năm có Hội chùa của Ba làng. Cũng đồng thời, qua bài thơ trên cho biết, chùa đã nhiều lần được xây dựng, trùng tu với quy mô rất lớn lên tới 100 gian. Phía trước, không xa ngôi chùa là một ngôi đình làng. Ngoài ngày rằm, mồng một hàng tháng, Hội đình được tổ chức lớn vào 2 đợt: Xuân - Thu nhị kỳ: vào ngày mồng 9 tháng Giêng và ngày 12 tháng Tám âm lịch hằng năm.
Theo các cụ già trong làng, Hội chùa được mở vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hằng năm. Ngoài Hội chùa ra, chùa thường tổ chức giỗ 3 vị thiền sư từng trụ trì tại chùa vào các ngày 10/2; 21/3 và 18/11. Ba vị tổ sư từng trụ trì tại chùa còn lưu truyền đó là: Cụ Tâm Thiềng, cụ Thanh Thức và cụ Thanh Khương. Trong đó, cụ Tâm Thiềng có rất nhiều môn sinh theo học. Hiện nay, tại nhà tổ còn thờ ba vị sư tăng bằng tượng gỗ cổ. Trong 3 vị tượng đó, có 2 vị (H1, H2) trên cổ áo có dòng chữ Hán viết khắc trên nẹp trái của áo, ghi nội dung về những ngày gỗ của mỗi vị thiền sư đó. Sở dĩ đoán như vậy, vì có thể nhìn thấy khá rõ chữ Nguyệt 月, chữ nhật 日 trong dòng chữ đó. Tuy nhiên, trải qua năm tháng lâu ngày, gần đây, người thợ sơn đã tô lại tượng nên dòng chữ Hán trên tượng bị nhòe, khó đọc. Một pho tượng trơn (H3), không ghi tên tuổi và ngày tháng giỗ.
Theo các cụ già trong làng, Hội chùa được mở vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hằng năm. Ngoài Hội chùa ra, chùa thường tổ chức giỗ 3 vị thiền sư từng trụ trì tại chùa vào các ngày 10/2; 21/3 và 18/11. Ba vị tổ sư từng trụ trì tại chùa còn lưu truyền đó là: Cụ Tâm Thiềng, cụ Thanh Thức và cụ Thanh Khương. Trong đó, cụ Tâm Thiềng có rất nhiều môn sinh theo học. Hiện nay, tại nhà tổ còn thờ ba vị sư tăng bằng tượng gỗ cổ. Trong 3 vị tượng đó, có 2 vị (H1, H2) trên cổ áo có dòng chữ Hán viết khắc trên nẹp trái của áo, ghi nội dung về những ngày gỗ của mỗi vị thiền sư đó. Sở dĩ đoán như vậy, vì có thể nhìn thấy khá rõ chữ Nguyệt 月, chữ nhật 日 trong dòng chữ đó. Tuy nhiên, trải qua năm tháng lâu ngày, gần đây, người thợ sơn đã tô lại tượng nên dòng chữ Hán trên tượng bị nhòe, khó đọc. Một pho tượng trơn (H3), không ghi tên tuổi và ngày tháng giỗ.
Chính vì thế, việc xác định trong 3 vị thiền sư được tôn thờ ở trong nhà tổ có vị nào là tượng của sư Chính Đại như đã được đề cập đến trong công trình của học giả Hoàng Xuân Hãn hay không là rất khó. Chỉ biết rằng, hiện nay, ở phía trước nhà Tổ vẫn còn an trí 3 ngôi tháp cổ. Có lẽ những ngôi tháp này cũng được xây dựng vào thời Lê hoặc thời Nguyễn.
Vườn tháp chùa Hưng Phúc có 3 ngôi ở trước nhà Tổ
- Ngoài tượng cổ, hiện nay, chùa còn 01 văn bia, 4 mặt: Trùng tu Hưng Phúc đại tự 重修興福大寺 (trong đó có 3 mặt có chữ), niên đại Chính Hòa thứ 23 (1702), bia có kích thước 41 x 96 cm, gồm 42 dòng chữ, toàn bộ văn bia có khoảng 1.700 chữ. Bia do nhà sư có tên hiệu là Huệ Minh viết chữ. Phần đầu có bài tựa và phần cuối có bài minh. Nội dùng văn bia đề cập đến việc xây dựng và trùng tu di tích: Năm Nhâm ngọ, đạo tràng bản tự và dân trong thôn tiến hành xây tường bao chung quanh bằng đá và tòa thượng điện với sự tham gia của nhiều thiện nam, tín nữ. (Bia có ký hiệu Viện nghiên cứu Hán Nôm số N0: 05315/05316/05317).
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chùa trước đây có quy mô lớn với 100 gian và diện tích rất rộng. Đất đai của chùa trước kia còn bao gồm khu vực đất đai của nhiều hộ dân trong xóm, sau này, qua nhiều biến thiên lịch sử, đất chùa bị thu hẹp, nay chỉ còn khoảng 1.000 (m²).
Khảo cứu tư liệu thác bản văn bia do Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm đầu thế kỷ XX cho biết, ngoài tấm bia được đề cập ở trên, đầu thế kỷ XX, chùa Hưng Phúc còn có một tấm bia nữa mang tên: Hưng Phúc tự Hậu Phật bi ký 興福寺後佛碑記 (Ký hiệu N0: 05320), bia 4 mặt, kích thước mỗi mặt 55 x 78 cm và 30 x 78 cm; Bia có 34 dòng với khoảng hơn 1.000 chữ Hán, niên đại Vĩnh Thịnh 1 (1705). Nội dung ghi về việc cúng Hậu và biểu dương việc thiện. Bia cho biết: Chùa Hưng Phúc là một danh lam, trải qua lâu ngày bị hư hỏng nặng. Nay bà Nguyễn Thị Hậu cúng 100 quan tiền, một mẫu rưỡi ruộng để sửa chùa nên được bầu làm Hậu Phật. Bia khắc tượng hậu Phật và vị trí các thửa ruộng. Cuối bia có bài minh.
Như vậy, nội dung bài văn bia cho biết, chùa Hưng Phúc đã được xây dựng từ rất sớm, trước năm 1705 rất nhiều. Đến thời điểm dựng bia, chùa Hưng Phúc đã xuống cấp cần phải được sửa chữa. Rất tiếc, hiện nay tấm bia ký hiệu: N0: 05320 đã mất, chỉ còn thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
2. Ván khắc cổ Văn tế thập loại chúng sinh mất từ bao giờ?
Tác giả khảo sát tại chùa Hưng Phúc, (phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (ngày 17/01/2024)
Như chúng ta đã biết, chùa Hưng Phúc là một ngôi chùa cổ có lịch sử hình thành cách đây nhiều thế kỷ. Theo như miêu tả trong văn bia “Trùng tu Hưng Phúc đại tự” (1702) cho biết, ít nhất là từ thế kỷ 17, 18, chùa có quy mô bề thế, có tường bao được làm bằng đá, có nhà tổ, thượng điện… được xây dựng khang trang. Hiện cổng chùa còn cây thị cổ (một người ôm không hết) cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Theo ghi nhận của GS, Hoàng Xuân Hãn khi nghiên cứu về bản khắc gỗ “Văn tế thập loại chúng sinh” cho biết, trước Cách mạng Tháng 8, chùa còn lưu giữ một bản khắc gỗ (mộc bản) tác phẩm nổi tiếng của Đại Thi hào Nguyễn Du. Trong bài viết, mặc dù học giả Hoàng Xuân Hãn không đề cập cụ thể ngày tháng năm nào, ông đã về chùa để tiếp xúc với bản khắc gỗ này. Nhưng chắc chắn rằng, khi đó bản khắc này thuộc quyền sở hữu của nhà sư Chính Đại nên tác giả Hoàng Xuân Hãn đã gọi bản khắc gỗ tại chùa Hưng Phúc là “bản Chính Đại”.
Vấn đề đặt ra cho hậu thế một câu hỏi: Tại sao, cơ duyên nào mà ngôi chùa này lại sở hữu một bản khắc gỗ “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du (?). Bản khắc này là do chính bản tự tổ chức in khắc hay chùa mượn/coi giữ hộ cho một ngôi chùa khác (?). Chúng ta vẫn chưa thể biết được! Có thể đoán rằng, dưới thời Lê và triều Nguyễn, Hưng Phúc là một ngôi chùa lớn. Việc tổ chức khắc in bài văn tế tại chùa nhằm đáp ứng cho tín ngưỡng tại chùa vào tiết cúng chúng sinh Rằm tháng Bảy và các dịp khác trong năm (?).
Vậy nguyên do gì mà bộ ván khắc mộc bản Văn tế thập loại chúng sinh chùa Hưng Phúc bị mất? Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của chúng tôi, rất có thể bộ ván khắc này bị cháy mất trong thời gian Kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo các cụ cao niên trong làng còn kể lại, trong tổng Bất Phí có các thôn: Ngư Đại, Công Bình, Công Cối và thôn Xuân Hòa (thôn Xuân Hòa bên cạnh thôn Ngư Đại - thôn dựng đặt chùa Hưng Phúc) theo Công giáo. Tại thôn Xuân Hòa - trong kháng chiến chống Pháp, những lính Pháp và quan Pháp thường xuyên qua lại và trú ngụ. Một hôm, có một viên quan Pháp đi qua thôn Ngư Đại, dân quân Việt Minh tổ chức ám sát nhưng không thành. Viên quan Pháp bị thương nặng và chạy được về thôn Xuân Hòa. Để trút căm giận lên làng Ngư Đại, hôm sau, bọn lính Pháp cho quân sang đốt trụi ngôi chùa Hưng Phúc cổ có 100 gian ấy đi. Theo dự đoán của chúng tôi, có thể, số phận của những mộc bản “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du, lưu tại chùa Hưng Phúc mà GS. Hoàng Xuân Hãn (đã đề cập đến trong công trình khảo cứu của ông trước kia) cũng vĩnh viễn bị thiêu trụi trong đợt đốt chùa của Thực dân Pháp này.
Nguyễn Quang Hà
Hà Nội, 01/2024.
Tài liệu tham khảo:
2. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, bản dịch, Nxb KHXH;
2. Hoàng Xuân Hãn (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội;
3. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà Khoa bảng Việt Nam, (2006), Nxb Văn học;
4. Nhiều soạn giả: Từ điển Văn học Việt Nam, (2004), Nxb Văn học;
5. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Cao học thực hành (Cộng hòa Pháp): Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 6;
tin tức liên quan
Videos
Đi tìm bản khắc gỗ văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du
Luận bàn về văn hóa ứng xử
Từ “Vịnh” đến “Vinh”
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Tỉnh Nghệ An khai mạc giải bơi “ Đường đua xanh”
Thống kê truy cập
114521063
2140
2291
22104
219002
121009
114521063