Góc nhìn văn hóa
Lý luận và cây đời
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nguồn: Chinhphu.vn
Trong tác phẩm kịch thơ Faust của mình, Đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe viết hai câu:
Mọi lý thuyết đều là màu xám
Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi
Đó là thơ, là triết lý sống. Đó cũng là sự tách chiết ra để nhấn nhá cho riêng từng vế. Còn sự thực cuộc sống đâu có sự tách bạch thế. Lý thuyết (lý luận) và thực tiễn (cây đời) luôn gắn với nhau như sự thống nhất giữa hai mặt đối lập. Nếu không có sự gắn đó thì còn ra cái thể thống gì nữa, là sẽ bị sa vào cái phản phát triển. Thế nên, người ta mới nói, trong biện chứng của cuộc sống, nói lý luận thì đã bao hàm cái chất thực tiễn trong đó, ngược lại, nói thực tiễn thì đã có cái chất lý luận bên trong đó rồi. Nhìn lại cuộc đời của các chính khách nổi tiếng trên thế gian này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thì chúng ta thấy rằng, những thành công của họ là hiện thân của những điều đó.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thuộc về những con người kiểu như thế. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được đào tạo bài bản, từ mái trường của nước Việt Nam độc lập cho đến trường Đảng ở trong nước và ở Liên Xô. Một cách tự nhiên, đồng chí được thấm những vấn đề lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng, thấm gì thì thấm, ngộ gì thì ngộ, cứ ngồi mà mài những vấn đề lý luận ấy ra mà hành thì không thể phát triển được. Phải gắn với thực tế, vận dụng những điều trong lý luận vào thực tiễn thì mới được. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rồi: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình sự chủ quan, kém lý luận, “mắc phải cái bệnh khinh lý luận”[2], có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[3], “vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ ai đó sẽ mắc phải bệnh “lý luận suông”[5], “dù xem được hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận…Phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận…Phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế…Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”[6].
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu được quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những điều kiện thuận lợi cho việc này là bản thân đồng chí Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, mà cao nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất trong xã hội nước ta hiện nay, Đảng lãnh đạo, cầm quyền hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với những cương vị đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phải bắt tay vào giải quyết những công việc thực tế đặt ra cho đất nước, có thể nói là hằng ngày hằng giờ, nhất là những lúc cấp bách của tình hình. Chính trong điều kiện đó, ở trong tư duy và hành động của đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới có một nhu cầu cấp thiết, tự nhiên là kết hợp những vấn đề lý luận và thực tiễn. Đó là “hai trong một”, “một mà hai”, không thể bóc tách ra được trong con người của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Tôi nhấn mạnh điều này là bởi vì, có thể có ai đó nhận xét không đúng rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là con người có phần bảo thủ.
Cho đến nay, nhiều bài nói, bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản thành sách. Nhìn lại cả cuộc đời hoạt động chính trị và qua những cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản thì có thể khái quát thành một số nội dung sau đây nói lên “màu xám” của lý luận cùng với “cây đời” trong tư duy và hành động của đồng chí Nguyễn Phú Trọng gắn bó chặt chẽ với nhau:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi từ cơ chế cũ vốn thích ứng với điều kiện chiến tranh sang cơ chế mới, đó là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa hoặc không nói tới. Ấy vậy mà Đảng ta đã dũng cảm với tinh thần đổi mới sáng tạo đã bứt phá về tư duy, chuyển đổi sang cái mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đó là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách ngoạn mục. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không phải là người khởi xướng, nhưng là người tích cực nhất trong Đảng tiếp tục theo hướng này. Mặc dù có một số thế lực đã và đang xuyên tạc cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” của cơ chế này, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng không sờn lòng, giữ nguyên tính độc đáo đó phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
(2) Mục tiêu phát triển của đất nước không bao giờ thay đổi, nhưng lối đi để đến mục tiêu đó có thể phải được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp. Phải công nhận và làm theo quy luật giá trị, áp dụng quản lý kinh tế theo quan điểm kinh tế hàng hóa có sự quản lý của Nhà nước.
(3) Phải luôn luôn khẳng định và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói chung là nhiệm vụ then chốt. Phải luôn luôn giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng.
(4) Trong bước đường phát triển bền vững của đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phải đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, trước hết là trong Đảng nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung. Phải kiên quyết xử lý theo đúng Điều lệ Đảng và theo đúng pháp luật, bất kể đó là ai, giữ chức vụ gì, không có vùng cấm.
Chỉ với mấy điểm trên đây thôi cũng thấy sự cống hiến của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên mặt trận lý luận - thực tiễn của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần tích cực hình thành những giá trị lý luận đổi mới của Việt Nam mà Đảng ta sẽ tổng kết trong thời gian tới.
Xem thế để biết rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có tài trong việc kết hợp được cả hai, cả “màu xám” của lý luận và cả sức sống “xanh tươi” của “cây đời” thực tế. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, gương sáng đó của đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ truyền cảm hứng phát triển bền vững cho đất nước trong những chặng đường tới.
Mạch Quang Thắng
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528507
2163
2291
2780
215203
0
114528507