Góc nhìn văn hóa

Ông Mo trong đời sống văn hóa của người Thái ở Nghệ An

Ông Mo Lữ Văn Dũng thực hành nghi thức tế lễ tại đền Chiêng Ngam, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh Kế Kiên

Theo quan niệm của người Thái nói chung, người Thái ở các huyện miền Tây Nghệ An nói riêng luôn cho rằng con người sống trên mặt đất còn tồn tại một con người khác cùng song hành, không nhìn thấy nhưng bất tử gọi chung là “Phỉ” hay “Phi”, có nghĩa là linh hồn. Có nhiều loại “Phỉ” cùng tồn tại, có liên quan mật thiết với con người. Các loại Phỉ mà người Thái ở Nghệ An cho rằng có sự liên hệ mật thiết với đời sống của họ, là cơ sở hình thành các phong tục truyền thống của đồng bào. Các Phỉ được người Thái vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong nhắc đến nhiều nhất là “phỉ hướn” - ma nhà, là linh hồn ông bà tổ tiên; “phỉ hèo” - ma canh cửa rú mồ của bản; “phỉ đông” - ma ở cùng thân xác của người chết được chôn ở rú mồ. Người Thái chia các Phỉ thành hai nhóm rõ ràng: thứ nhất là Phỉ luôn phù hộ, giúp đỡ con người, thứ hai là Phỉ chuyên làm hại, gây họa con người. Muốn đón rước các Phỉ tốt về thờ phụng cũng như xua đuổi các Phỉ gây tai họa cho gia đình, người thân, người bình thường không thể làm được, họ phải thông qua một người đặc biệt, được học hành, được cho là ứng mệnh trời, có khả năng làm người trung gian giữa người bình thường và các Phỉ. Lớp người đặc biệt ấy gọi là Mo (hoặc Đăm).

Xuất phát từ quan niệm ấy nên trong đời sống tâm linh của người Thái, ông Mo có vai trò, vị trí rất quan trọng. Hầu hết các hoạt động đời thường của mỗi gia đình như mừng nhà mới, tổ chức cúng vía trong vòng đời của mỗi con người, ma chay, cưới hỏi, ốm đau v.v… đều phải có sự hiện diện của ông Mo.

Mo có 2 dòng cơ bản là Mo Một và Mo Môn. Có thể hiểu đây là hai dòng Mo theo hai quan niệm, hai cách thể hiện nghi thức tế lễ.

Theo truyền thuyết của người Thái vùng Quỳ Châu xưa, Môn và Một là anh em sinh đôi, rất thông minh, hiền hậu. Hai anh em được Pỏ Phạ (vua Trời) cho xuống trần gian để làm trung gian nối giữa Trời và con người, đồng thời để diệt trừ các loại Phỉ làm hại con người. Vâng ý chỉ của Trời, hai anh em xuống trần gian hành nghề theo hai cách thức khác nhau. Về cơ bản, các bài cúng của Mo Một thường nhẹ nhàng, lời lẽ bay bổng, hoa mỹ. Vật dụng cầm tay của các Mo là chiếc quạt, cử chỉ cơ thể lúc cúng bái như một vị quan văn, đang dùng lý lẽ mĩ miều để khuyên giải, vuốt ve các Phỉ để họ không làm hại người khác. Mo Môn lại hoàn toàn đối lập, vật cầm tay của các Mo là chiếc kiếm gia truyền, lời lẽ trong các bài cúng và động tác cơ thể như một vị quan võ đang thị uy, nhằm chế ngự các Phỉ bằng sức mạnh của mình.

  Trong nhà các ông Mo, ngoài bàn thờ gia tiên, còn có một bàn thờ, gọi là bàn thờ Phỉ Mo (Ma Mo). Vị trí của bàn thờ đặt cạnh chiếc cột vía trong gian ngủ của ông Mo (thường là trên đầu giường). Trên bàn thờ đặt thanh kiếm, hay chiếc quạt (vật cầm tay của ông Mo khi hành lễ) cùng một số vật dụng gia truyền như bát đựng nước, chiếc túi, răng hổ, thẻ tre v.v...

Trong các dịp lễ tết, lễ mừng nhà mới, lễ vía …của gia đình ông Mo, bắt buộc phải có một mâm riêng để cúng Phỉ Mo, lễ vật bao gồm: Moọc cá, bánh chưng, trầu cau, rượu và các lễ vật của người mang ơn ông Mo đưa đến để tạ ơn. Tuy nhiên, với các ông Mo, quan trọng nhất là lễ Phái Lâu Bọc Mạy (lễ cúng hoa) được tổ chức hàng năm, vào khoảng tháng 2 tháng 3 Âm lịch (Hiện nay, tục lễ này đã bị mai một, chỉ còn duy trì ở một số nơi thuộc huyện Quế Phong như Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn…). Lễ vật bao gồm: Các loại hoa nở trong rừng, cây Bọc Mạy (cây được làm bằng tre, có nhiều tua rua, để cắm các loại hoa rừng lên đó); 2 vò rượu cần; chỉ trắng quấn vào hai vò rượu. Theo quan niệm của họ, 1 vò rượu để dâng lên tổ tiên và sư phụ của thầy Mo, một vò cho thần Bọc Mạy (thần hoa).

Trình tự lễ cúng đại loại như sau:

Ông Mo sẽ mời Phỉ Khú (người trực tiếp truyền nghề cho mình, thường là bố hoặc ông nội của ông Mo hiện tại), mời Khu Pỏ (người dạy nghề cho tổ tiên mình), mời Phỉ Hướn (tổ tiên ông bà), mời Dù hinh (những người bảo vệ Phỉ Môn, tương tự như lính “âm binh”), mời Hà chuồng (Người bảo vệ chính của Phỉ), cuối cùng là mời Bọc Mạy (thần hoa) về để thụ hưởng lễ vật. Sau khi tiếp nhận lời của ông Mo, Bọc Mạy sẽ đưa hoa dâng lên thiên đình, báo cáo với thiên đình về sự thành tâm của gia chủ và xin các thần tiếp tục phù hộ cho Lực Liêng, Lực Nà (ông Mo và các con của ông Mo) được mạnh khỏe, làm ăn thịnh vượng.

Khi ông Mo được mời đi cúng, ngoài việc chuẩn bị lễ vật bày biện ở tại gia đình để ông Mo cúng xin, gia chủ phải chuẩn bị thêm lễ vật để Mo mang về đặt lên bàn thờ để báo cáo với Phỉ Mo. Lúc đó, điều mong muốn của gia chủ mới có thể đến được với tổ tiên mình và các thần linh.

Trong cuộc đời, một ông Mo thường thực hiện một vài lần lễ Xăng Khan. Đây gần như là điều kiện bắt buộc bởi lễ này còn gọi là lễ phong cấp, phong bậc cho ông Mo, thể hiện uy tín, danh tiếng của Mo trong cộng đồng và trong giới hành nghề.  Ông Lữ Văn Xuân (xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu), một người đã nhiều năm hành nghề cho biết thêm “Trong cuộc đời làm mo của mình, nếu chưa tổ chức được vài cái lễ Xăng Khan thì người đó chỉ có thể thực hiện nghi lễ trong các gia đình thôi. Khi nào được phong cấp (gọi là Mo Mường), Mo mới có cơ hội thực hành nghi thức tế lễ tại các ngôi đền của làng, bản hay các kì lễ mang tính cộng đồng”. 

   Các ông Mo luôn tin rằng, mình là người có phúc đức lớn, được trời tin tưởng giao phó nhiệm vụ thiêng liêng nên phải luôn có gắng hoàn thiện mình, sống có kỷ cương, có nề nếp, đặc biệt là không được làm vấy bẩn thanh kiếm, chiếc quạt của tổ tiên truyền lại. Mo Lữ Văn Dũng (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) còn cho rằng “Được làm Mo là do ý chỉ của Trời nên phải phục tùng nghiêm ngặt các quy định, nếu để Trời không ưng cái bụng sẽ không cho ta hành nghề đâu”.

 Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Kinh, nhiều phong tục, tập quán của người Thái đã bị mai một, theo đó, ông Mo cũng mất dần vai trò trong một số hoạt động như chữa bệnh, làm vía… Dù vậy, vào các dịp lễ, tết, ma chay, cưới hỏi... vẫn không thể thiếu vai trò của ông Mo. Ông Nguyễn Hùng Cường - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Châu cho biết “Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu, song song với việc hạn chế và chấm dứt những hủ tục lạc hậu, chúng tôi vẫn khuyến khích và tạo điều kiện cho các ông Mo hoạt động trong một số sự kiện mang tính chất truyền thống như ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới, …, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, góp phần phát huy loại hình du lịch cộng đồng đang được khai thác và xây dựng trên địa bàn”.

Trên thực tế, dù xưa hay nay, trong bất kì hoàn cảnh nào, ông Mo vẫn luôn được cộng đồng người Thái tôn kính, bảo vệ. Bởi xét cho cùng, trong đời sống văn hóa hiện đại, họ chính là bộ phận lưu giữ hồn cốt, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái trước xu thế hòa nhập, giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng người cùng sinh sống trên một địa bàn./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528556

Hôm nay

2212

Hôm qua

2291

Tuần này

2829

Tháng này

215252

Tháng qua

0

Tất cả

114528556