Góc nhìn văn hóa

Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng

Việc lựa chọn địa bàn để lập bản cũng được người dân tộc thiểu số lựa chọn những chỗ an toàn nhằm tránh các thiên tai bằng những tri thức dân gian mà cha ông truyền lại (một bản Khơ Mú ở huyện Tương Dương)

Như một hệ quả của quá trình phát triển theo hướng hiện đại hóa, hệ thống tri thức cộng đồng về dự báo và phòng chống thiên tai bị đứt gãy và mai một. Giờ đây, con người trở nên thụ động, trông chờ vào sự dự báo, giúp đỡ và xử lý của các cơ quan chức năng. Điều đó càng làm cho thiên tai trở nên khó lường hơn nữa. Phải chăng, chúng ta cần quay lại xem xét những giá trị của tri thức cộng đồng trong lĩnh vực dự báo, phòng chống thiên tai?

Mỗi một loài sinh vật đều có những khả năng dự báo sự biến đổi môi trường sống của nó theo một cách riêng biệt. Đặc biệt, với nhiều loại động vật, việc dự báo sự thay đổi môi trường trở nên nhạy bén vô cùng mà nhiều khi các thiết bị hiện đại chưa hẳn đã vượt qua. Và khi dự báo được sự thay đổi môi trường, các loài động vật đã đưa ra những sự thay đổi trong cuộc sống của nó theo các cách thức khác nhau như củng cố lại hang, tổ, thay đổi chỗ ở, hay di cư đến khu vực khác an toàn hơn. Đó là bản năng mà tọa hóa ban cho các loài động vật, cũng có thể là kinh nghiệm được truyền thụ qua các thế hệ khác nhau trong quá trình sinh sống của các loài vật? Dù sao đi nữa, những khả năng này giúp nó giảm thiểu rủi ro trước những thay đổi về môi trường sống.

Con người là một loại động vật bậc cao. Bên cạnh những năng lực dự báo về thiên tai, về thay đổi môi trường của mình, con người còn biết cách tìm tòi, quan sát các loài động vật khác để dự báo sự thay đổi và tìm kiếm các cách thức thích ứng để giảm thiểu rủi ro cho mình. Chính vì vậy mà hầu hết các cộng đồng đề có hệ thống tri thức truyền thống về dự báo và phòng chóng, ứng phó với thiên tai. Những người miền xuôi hay miền núi đều có cho riêng mình những hệ thống tri thức riêng biệt để phòng chống thiên tai. Người miền xuôi có thể nhìn sự di chuyển của một số con vật từ con kiến, con mối, con dế, con chuồn chuồn để dự báo thời tiết, dự báo thiên tai. Không chỉ xem để dự báo về những thay đổi thường xuyên như chuyện mưa nắng, người ta còn có thể xem để dự báo những thiên tai lớn hơn như lũ lụt, giông bão. Người Việt còn có cả một kho tàng tục ngữ ca dao về việc dự báo thiên tai mà ta vẫn thường nghe đến từ nhiều thế hệ: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “Trời đang nắng cỏ gà trắng thì mưa”, “Mây kéo xuống biển, trời nắng chang chang/Mây kéo lên ngàn, mưa chan mưa chút”, “Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước”, “Chớp đằng đông vừa trông vừa chạy/Chớp đằng tây vừa cày vừa chơi”,…

 

 Một già làng người Mông ở bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đang chia sẻ về những tri thức dân gian về bảo vệ rừng của dân tộc mình

Với các dân tộc thiểu số ở miền núi, mỗi cộng đồng cũng có những tri thức, kinh nghiệm riêng trong việc dự báo thiên tai. Năm 2016, trong một chuyến đi điền dã ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tôi được một già làng người Thái dẫn đi một vòng quanh bản, đi qua suối và cả ngọn núi gần bản. Vừa đi ông vừa nói cho nghe nhiều điều thú vị: “Những con vật sống trong lòng đất hình thành những giác quan để nó dự báo được sự thay đổi trong môi trường sống của nó. Nếu con người tinh ý quan sát thì có thể biết được động đất hay sạt lở. Nhưng con vật sống trong suối cũng sẽ cảm giác được trước khi có lũ về. Những con vật bay trên bầu trời cũng sẽ có sự thay đổi khi có dông bão. Đó là những dự báo mang tính bản năng của mỗi loài vật. Thậm chí nếu có hiểu biết, người ta xem các loại thực vật ở vùng triền núi cũng có thể nhận biết được đây là vùng dễ sạt lở hay không. Các loài động vật và thực vật cũng có những ngôn ngữ của nó, và nếu con người hiểu được chúng thì rất có ích cho cuộc sống của mình”. Tương tự vậy, một già làng người Khơ Mú khi đưa tôi ra suối thả lưới bắt cá đã chỉ vào một loại cá bị dính lưới nhiều nhất và nói rằng “trời sắp có mưa và suối sẽ có lũ quét vì hôm nay loài cá này di chuyển mạnh nên mắc lưới nhiều”. Có lẽ đó là những tri thức, những kinh nghiệm mà họ tích lũy được qua nhiều thế hệ. Và hệ thống tri thức này vô cùng đa dạng tùy theo các môi trường sống và bối cảnh văn hóa cộng đồng riêng. Nhưng có điểm chung là nó đã thể hiện vai trò quan trọng của trong cuộc sống cộng đồng.

Khi những người già làng đi chọn địa điểm để lập làng mới cũng sẽ dựa vào hệ thống tri thức, kinh nghiệm để xem xét các điều kiện an toàn cả về sản xuất lẫn sinh hoạt cho mọi người. Với các gia đình, khi lựa chọn một địa điểm để làm nhà họ cũng phải nhờ những người có kinh nghiệm nhất xem xét địa thế để tránh các rủi ro như sạt lở, lũ quét, sự tấn công của thú dữ… Tất cả những điều đó được thực hành dựa trên nền tảng một hệ thống tri thức truyền thống của cộng đồng, được truyền thụ qua các thế hệ. Thế nên chẳng phải tự nhiên mà các già làng, những người có kinh nghiệm, có hiểu biết lại được các cộng đồng dân tộc thiểu số rất coi trọng và có vị thế cao trong làng bản. Bởi họ là hiện thân của tri thức, kinh nghiệm được gìn giữ và tiếp nối. Họ không chỉ giúp cho đồng bào phòng chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro do sự thay đổi của môi trường sống, mà còn phải truyền thụ lại hệ thống tri thức đó cho thế hệ sau, cho con cháu của họ.  

 Trong mấy năm gần đây, thiên tai lại có xu hướng ngày càng mạnh mẽ hơn, mức độ tàn phá nguy hiểm hơn và thiệt hại cho con người cũng nặng nề hơn. Những trận bão khủng khiếp hay những trận lụt lớn đe dọa tính mạng và tài sản hàng triệu người, và bão lụt lại đang có xu hướng đi cùng với nhau. Cùng với đó là lũ quét, sạt lở rồi động đất vẫn luôn tiềm ẩn vô vàn rủi ro với cuộc sống con người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân quan trọng đến từ sự thụ động của con người, của các cộng đồng trước sự đe dọa của thiên tai. Trước đây, người dân dựa vào hệ thống tri thức truyền thống cộng đồng để dự báo và phần nào chủ động thích ứng, thay đổi, phòng chống thiên tai. Nhưng lâu nay, những việc này gần như chuyển hết cho các cơ quan chức năng xử lý. Từ các cơ quan dự báo thời tiết đến các cơ quan cứu trợ, chống dịch…. Người dân từ chủ động chuyên sang thụ động, trông chờ vào bên ngoài. Sự thụ động càng làm cho tác động của thiên tai trở nên khủng khiếp hơn. Và sự thụ động cũng bắt nguồn từ việc hệ thống tri thức cộng đồng trong dự báo và phòng chống thiên tai bị mai một, mất mát, nhiều người trẻ không còn nắm bắt được cái tri thức này. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến các chính sách phát triển của Nhà nước làm cho con người thêm thụ động. Trước đây, người dân vùng dân tộc thiểu số chủ động lựa chọn địa điểm để cư trú, nhưng hiện nay đất đai được quản lý chặt chẽ, người dân phải sinh sống trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình chứ không còn được lựa chọn. Việc tái định cư cũng tương tự, những địa điểm được Nhà nước lựa chọn và phân cấp chứ không phải người dân chủ động. Cùng với đó là sự kiểm soát các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn nước bởi một hệ thống nhà máy thủy điện. Mà trong hệ thống tri thức truyền thống của các cộng đồng thì chỉ có dự báo vệ thiên tai, còn nhân họa thì họ hoàn toàn không rõ. Nhất là khi thiên tai đi cùng nhân họa thì những hệ lụy lại vô cùng khủng khiếp hơn.

Trước xu hướng thiên tai ngày càng tác động mạnh mẽ hơn thì cần có những phương pháp, biện pháp vận dụng các tri thức cộng đồng vào việc dự báo, phòng chống thiên tai một cách hiệu quả. Bởi những tri thức này là cơ sở giúp người dân chủ động trong công tác ứng phó thiên tai. Các hoạt động phòng chống thiên tai hiện nay mang tính đối phó, xử lý tình huống mà thiếu đi sự bền vững, tính chiến lược. Vậy nên cần nghiên cứu, tìm cách vận dụng phù hợp những tri thức cộng đồng kết hợp với các tri thức khoa học hiện đại vào dự báo và phòng chống thiên tai một cách bên vững hơn. Nó giúp cho con người và các cộng đồng chủ động hơn để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528564

Hôm nay

2220

Hôm qua

2291

Tuần này

2837

Tháng này

215260

Tháng qua

0

Tất cả

114528564