Góc nhìn văn hóa

Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 ảnh hưởng đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở hai góc độ. Góc độ thứ nhất là văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với gìn giữ, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam, đạo đức xã hội. Ở góc độ thứ hai, văn hóa nghệ thuật là ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia. Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, các thành tựu của CMCN 4.0 đã có những tác động tích cực cũng như đặt ra những thách thức buộc ngành văn hóa nói chung và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng, đặc biệt là Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ phải từng bước tiếp cận và thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu.

Tác động lớn nhất của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đó là công nghệ số đã làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa, tạo ra những thay đổi mang tính tương tác đa chiều trong từng khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, và thụ hưởng. Sự tương tác và nền tảng số đã cho phép nghệ sĩ sáng tạo dễ dàng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của công chúng để điều chỉnh và tạo ra những tác phẩm của mình. Đối với Việt Nam, một đất nước có bề dày văn hóa với những giá trị di sản đặc sắc, da dạng của 54 dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi thế giới đã trở thành một “làng toàn cầu”, tiêu thụ những món ăn chung được sản xuất hàng loạt thì nhu cầu về sự “riêng biệt”, tìm đến cái khác biệt trở thành một xu hướng. Việt Nam có thể tận dụng yếu tố “bản sắc” để tạo dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu quốc gia. Giàu bản sắc như vậy nhưng trước xu thế phát triển của CMCN 4.0, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều bất lợi. Thực tế cho thấy công tác số hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam nói chung chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Trong khi tình trạng vi phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ trên môi trường số còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là chưa hình thành được thói quen sử dụng hàng hóa, sản phẩm văn hóa có bản quyền. Như vậy, để tận dụng các lợi thế, đón đầu các cơ hội và giảm thiểu bất lợi trước các thách thức của CMCN 4.0, ngành văn hóa nghệ thuật thực sự cần sự đổi mới, cần một giải pháp đầu tư có trọng điểm trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, đặc  biệt là nghệ thuật biểu diễn, trong đó có Sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh.

Hơn 50 năm tồn tại và phát triển, sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ đã không ngừng xoay chuyển, tự đổi mới bản thân mình bằng cách thử nghiệm qua nhiều dạng đề tài và xu hướng nghệ thuật khác nhau. Từ đó tạo được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong làng sân khấu Việt Nam, xây dựng được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phong cách thể hiện, được độc giả nhiệt tình đón nhận, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy rằng, với loại hình sân khấu thông thường, dựng một vở diễn mang tính hiện thực đạt chất lượng đã khó, nhưng vừa thực hiện sứ mệnh phản ánh hiện thực, vừa giữ được những chất trữ tình mượt mà, truyền cảm của dân ca xứ Nghệ trong từng vở diễn và kết hợp các yếu tố công nghệ trong thời đại 4.0 lại càng khó hơn. Tuy nhiên, qua những vở diễn được công nhận trong các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, chúng ta có thể khẳng định rằng sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ hoàn toàn có khả năng thể hiện tốt các vở lớn đủ mọi thể loại đề tài từ dân gian, lịch sử đến hiện đại, cho dù là chính kịch, bi kịch, bi hài kịch hay là là chính sử, dã sử, huyền thoại…

Trong thời đại giao lưu hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự phát triển của CMCN 4.0 đã có những tác động to lớn trực tiếp và gián tiếp đối với nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam. Những cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với nghệ thuật biểu diễn nói chung và Sân khấu kịch hát dân ca xứ Nghệ nói riêng là rất lớn. Làm thế nào để tận dụng những cơ hội, vượt qua những thách thức của CMCN 4.0, phát triển Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, đẩy mạnh nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ then chốt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết và chiến lược đã được Đảng và Chính phủ thông qua.

Có thể thấy, CMCN 4.0 đã tạo ra một số cơ hội đối với Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ như sau:

Thứ nhất, đưa công nghệ số vào các tác phẩm Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ như âm nhạc, sân khấu… để tạo hiệu ứng, nâng cao hiệu quả trong quá trình sáng tạo, sản xuất, trình diễn các tác phẩm Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ đã tạo những đột phá, thổi luồng gió mới vào nghệ thuật biểu diễn; làm cho Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng, đặc biệt của giới trẻ.

Công nghệ âm thanh, ánh sáng, internet... đã giúp nghệ sĩ sáng tạo và thể nghiệm các tác phẩm. (Trong ảnh: Biểu diễn Ví Giặm trong Liên hoan Đàn, hát dân ca ba miền năm 2023). Ảnh: Ngọc Mai

Thứ hai, thể nghiệm một số tác phẩm Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ. Công nghệ âm thanh, ánh sáng, internet… đã giúp nghệ sĩ sáng tạo và thể nghiệm các tác phẩm. Ví dụ, sân khấu thể nghiệm, đưa điện ảnh vào sân khấu, sân khấu thực cảnh… Những thể nghiệm trong nghệ thuật biểu diễn là xung lực giúp Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ giao lưu, hội nhập và phát triển.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đa dạng hóa các sản phẩm Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ. Xu hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và công nghệ đã giúp nghệ sĩ sáng tạo, sản xuất, trình diễn/biểu diễn những tác phẩm hoàn toàn mới, thử nghiệm, phá cách, tiên phong… đồng thời, cũng nâng tầm các tác phẩm Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ theo xu thế hiện nay trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh việc sáng tạo, biểu diễn các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, sử dụng chất liệu nghệ thuật truyền thống, cần có những thể nghiệm, sự kết hợp mới để hiện đại hóa nghệ thuật biểu diễn.

Thứ tư, tạo những trải nghiệm mới cho khán thính giả. Thay vì những sân khấu biểu diễn truyền thống như trước đây, công nghệ đã giúp dàn dựng những sân khấu hoành tráng, tạo hiệu ứng tâm thanh, hình ảnh (visual effect), đặc biệt, đối với những sân khấu ca nhạc, sân khấu thực cảnh. Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống như Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, thay vì những lúc tắt đèn sân khấu để chuyển cảnh, trang trí lại sân khấu, có thể trình chiếu những hình ảnh thay thế, tạo trải nghiệm mới cho khán giả. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, song việc làm mới, tạo những trải nghiệm mới cho khán giả là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Bên cạnh những cơ hội to lớn do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho nghệ thuật, Sân khấu Kịch hát dân ca xứ Nghệ không thể không tính đến một số thách thức nhất định:

Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu trang bị, sử dụng/ứng dụng công nghệ vào Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ. Cần phải có sự đầu tư xứng tầm cho Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, trong khi nguồn lực tài chính của chúng ta còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc làm chủ công nghệ trong Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ cũng là bài toán cần sớm có lời giải.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ nghệ sĩ, sáng tạo song song với nhân lực công nghệ, vì trong bối cảnh nào nguồn nhân lực cũng đều đóng vai trò chủ đạo, hết sức quan trọng.

Thứ ba, sử dụng công nghệ để tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng cho Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, tránh chuyển đổi từ nghệ thuật biểu diễn sang nghệ thuật số một cách cứng nhắc.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ để có những tác phẩm Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ có giá trị, ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần quảng bá và phát triển Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ trong bối cảnh sản phẩm và thị trường nghệ thuật biểu diễn phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Một số giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn Kịch hát Dân ca xứ Nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0:

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ. “Cần xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động biểu diễn Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, trong đó cần có sự hài hòa, đồng bộ giữa đào tạo nhân lực sáng tác, biểu diễn với đội ngũ ứng dụng công nghệ cung cấp các dịch vụ liên quan để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ văn hóa về biểu diễn Kịch hát Dân ca xứ Nghệ. Đồng thời cũng cần lựa chọn ứng dụng công nghệ để phù hợp với Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, đặc biệt là việc bảo tồn yếu tố nghệ thuật truyền thống”.

Thứ hai, đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, đặc biệt nguồn tài chính để mua sắm trang thiết bị, nền tảng công nghệ phục vụ cho sáng tạo, biểu diễn. Nhà nước cần đầu tư những chương trình trọng điểm, kết hợp với xã hội hóa.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện chiến lược, đề án phát triển Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển Sân khấu Kịch hát Dân ca xứ Nghệ nói riêng nhằm tận dụng và hội nhập xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0./.

 

* Đoàn Nghệ thuật UNESSCO Di sản Dân ca xứ Nghệ

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528554

Hôm nay

2210

Hôm qua

2291

Tuần này

2827

Tháng này

215250

Tháng qua

0

Tất cả

114528554