Vinh xưa và nay

Thượng cầu Rầm, hạ Bến Thủy

(VHNA) Hướng tới kỷ niệm 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô, 60 năm thành lập thành phố Vinh (10/10/1963 - 10/10/2023), Văn hóa Nghệ An xin giới thiệu đến quý bạn đọc gần xa một số bài viết, tư liệu, hình ảnh về thành phố Vinh, qua các thời kỳ lịch sử, của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần và một số bạn viết khác. Hi vọng những tư liệu quý giá này sẽ mang tới cho các bạn một cái nhìn mới mẻ về Vinh xưa.

Cổng thành cổ Vinh ( Ảnh tư liệu)

Ở Vinh có một câu thành ngữ mà hầu như ai cũng biết, đó là “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy”. Ngoài nghĩa bóng, nghĩa đen của câu này rất đơn giản: Thời đó, giới hạn của đô thị Vinh - Bến Thủy, theo chiều tây - đông chỉ từ Cầu Rầm xuống đến Bến Thủy, khoảng 6 km.

“Cầu Rầm” ở đây chính là nhà thờ Cầu Rầm. Theo sách “Giáo xứ Cầu Rầm 130 năm Hồng Ân”[1], giáo xứ Cầu Rầm được thành lập năm 1888 và khi đó đã mang tên là Cầu Rầm. Sách này lý giải: Sở dĩ nhà thờ và giáo xứ mang tên Cầu Rầm, là vì cách nhà thờ không xa có một chiếc cầu có tên là “Rầm”. Đây là chiếc cầu bắc qua con kênh thoát nước từ thành Nghệ An ra sông Vinh. Thời đó, con đường Vinh đi Nam Đàn chưa qua đây. Vị trí cầu Rầm xưa nay thuộc khu vực cầu vượt Cửa Nam. Còn tại sao chiếc cầu này có tên là “Rầm”, thì chưa ai giải thích được.

 Nhà thờ Cầu Rầm

“Thượng Cầu Rầm”

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thờ Cầu Rầm trở thành một cái tên, một địa danh có tính biểu tượng của Vinh đến mức đi vào thành ngữ. Từ khi đô thị Vinh bắt đầu hình thành, nhà thờ Cầu Rầm đã từng nổi tiếng là một ngôi thánh đường to đẹp nhất vùng. Giáo xứ Cầu Rầm thành lập năm 1888, nhưng trước đó ở đây đã có nhà thờ họ. Mười năm sau, 1898 nhà thờ xứ đã được xây dựng. Đó là tòa nhà lớn bằng gỗ lim gồm có 7 gian, hai bên có 14 đàng thánh giá tường thuật cuộc chịu nạn chịu chết của Chúa Giêsu. Đầu hồi trước sau được "chái" thêm cho "bổn đạo" (giáo dân) dự lễ. Ngoài ra trong khuôn viên nhà xứ còn có 8 ngôi nhà khác. Khi khánh thành nhà thờ Cầu Rầm năm 1898, đích thân công sứ Pháp Oser, một người được các nhà nho Nghệ Tĩnh đương thời gọi là “ông đồ nho mũi lõ”, đã tặng câu đối bằng chữ Hán:

 Cụ hữu thử tâm đồng thử lý

Cố tương tư đạo giáo tư dân

.

Nghĩa là: Vốn dĩ đã có cái tâm ấy xuất phát từ cái lý ấy. Cho nên mới đem cái tôn giáo này mà truyền bá cho dân tộc này[2].

Thế nhưng, cũng chỉ 20 năm sau, năm 1918, Hội đồng mục vụ giáo xứ quyết định bán ngôi nhà thờ bằng gỗ. Năm 1926, khởi công xây dựng nhà thờ Cầu Rầm nguy nga đồ sộ, kiến trúc theo kiểu Gothic như sau này. Nhà thờ Cầu Rầm khánh thành ngày 20 tháng 7 năm 1928, được đánh giá đẹp nhất Trung Kỳ thời đó. Từ đó, tiếng chuông nhà thờ Cầu Rầm vang vọng khắp thành phố, trở thành một biểu tượng thanh bình của thành Vinh.


“Hạ Bến Thủy”

“Thượng Cầu Rầm” là vậy, còn “Hạ Bến Thủy”? Bến Thủy nguyên chỉ là một bến đò qua sông Lam, nối Vinh với Hà Tĩnh. Trước đây con đường thiên lý Bắc - Nam không đi qua Bến Thủy, mà đi qua mạn Chợ Tràng trên Hưng Nguyên, nên Bến Thủy cũng chỉ là một bến đò nhỏ. Bến Thủy thực sự thay đổi từ khi người Pháp chiếm thành Nghệ An, năm 1885. Ngay sau đó hàng loạt các nhà đầu tư Pháp và các nơi khác ồ ạt đầu tư vào Bến Thủy. Các nhà máy gỗ, diêm, đồ hộp, bến cảng được xây dựng. Bên cạnh đò, phà cũng được đưa vào sử dụng. Năm 1900 đã có phà chèo tay. Bản đồ Vinh Bến Thủy năm 1925 cũng chỉ chú thích là “phà” (bac), nhưng đến bản đồ năm 1936 thì đã chú thích là phà chạy bằng máy (bac à moteur).

 Bến Thủy năm 1889[3]

Vinh phát triển, trung tâm đô thị Trường Thi ra đời, trung tâm đô thị Bến Thủy được đầu tư lớn, nhu cầu đi lại giữa ba trung tâm đô thị này ngày càng lớn. Nhưng đến cuối thế kỷ 19 Vinh vẫn chỉ nối với Bến Thủy bằng đường sông Vinh, hoặc bằng các con đường dân sinh nhỏ, được mô tả là “ngoằn ngoèo”.


Một cây cầu trên đường từ Bến Thủy đến Vinh, năm 1889[4]

Năm 1890, thương nhân Jean Dupuis đã được Tổng Đốc Nghệ An là Đào Tấn cấp 53.000 mét vuông đất ở Bến Thủy từ chân núi Quyết, đến sát bờ sông để xây dựng nhà máy cưa và nhà máy diêm. Khi hai ông biết cộng sự của Jean Dupuis là Millot đã từng có kinh nghiệm 15 năm xây dựng đường sá ở Thương Hải, họ đã giao cho công ty của Jean Dupuis cải tạo con đường Vinh - Bến Thủy theo “kiểu đường của người Âu”. Công ty này được sử dụng 150 lao dịch và 50 tù nhân làm đường. Mặc dù được cải tạo theo “kiểu đường của người Âu”, nhưng thực tế lúc này đường Vinh - Bến Thủy cũng chỉ rộng ba mét và được rải đá.


Con đường từ Bến Thủy đến Vinh, năm 1889[5]

Khi con đường Vinh - Bến Thủy hoàn thành, ông Đào Tấn đã nhờ Jean Dupuis và Millot mua hộ một chiếc xe kéo tay của Nhật được nhập về Hà Nội, mà người Pháp vẫn gọi là “pousse - pousse”. Đây có lẽ là chiếc xe kéo tay đầu tiên ở Vinh - Bến Thủy[6].

Năm 1900, người Pháp[7] mô tả: “Bến Thuỷ nằm cách Vinh 6km và nối với nhau bằng đường quan hoặc hệ thống kênh. Những ngôi làng lớn nằm hai bên dòng sông và con kênh. Ở giữa những rừng cây to là rất nhiều ngôi đền. Ngư dân, trên các con bè bằng tre nứa thô sơ, đánh bắt cá trên dọc dòng sông. Cá tôm giá rất rẻ.