Góc nhìn văn hóa

Tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa cốt lõi của chiến thắng Điện Biên Phủ trong tình hình mới

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Chiến thắng đó không chỉ đơn thuần là vấn đề quân sự, tài thao lược của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh mà còn là kết quả từ thắng lợi tầng sâu văn hóa của một dân tộc có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến và tầm cao trí tuệ. Đến lượt nó, di sản “Chiến thắng Điện Biên Phủ” lại chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng cao đẹp - một tiềm năng sức mạnh văn hóa to lớn, vô tận để khơi dậy ý chí quật cường cho các thế hệ mai sau.

Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của Tướng Đờ Cátơri ngày 07/5/1954. Ảnh TL

 

Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm trách Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Phải chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh… Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”[1]. Ghi nhớ lời dặn của Bác, cùng với nhãn quan quân sự mẫn tiệp và tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” mang nhiều yếu tố bất lợi cho ta, không đánh giá đúng tình hình thực lực của hai bên, không đảm bảo chắc thắng. Cuối cùng, Đại tướng đề nghị Đảng ủy mặt trận chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, quân và dân ta đã làm hạn chế tối đa chỗ mạnh về binh, hỏa lực của địch và khắc phục hiệu quả điểm yếu, phát huy mạnh mẽ sở trường của ta để giành thắng lợi.

Quán triệt sâu sắc phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, cả nước dồn sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, sáng tạo, chiều ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cátxtơri. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài mà các tướng lĩnh Pháp và quan thầy Mỹ tuyên bố là “không thể công phá”, “bất khả xâm phạm” đã chính thức bị quân và dân ta đập tan. Tướng Đờ Cátxtơri và toàn bộ các sĩ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm ĐBP, cùng hơn 16 nghìn quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và bị bắt sống. Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, ba tiếng gọi Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ đã gắn liền với nhau thành một cụm từ thống nhất, quen thuộc, thiêng liêng trong trái tim những người chính nghĩa trên thế giới.

Có thể khẳng định rằng: chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 không chỉ thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ và trình độ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; mà còn mang một ý nghĩa trọng đại như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… trong lịch sử dựng nước và giữ nước dân tộc Việt Nam. Đồng thời, còn là sự thể hiện đỉnh cao của sức mạnh văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh với các giá trị cốt lõi sau:   

Một là, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước, ý chí quật cường, tự tôn dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhìn tổng thể, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 không chỉ là một trận quyết chiến, chiến lược, một thắng lợi chính trị mà còn là một sự thể hiện tuyệt vời của tinh thần quật khởi và trí tuệ, bản lĩnh văn hóa Việt Nam.

 Mạch ngầm dòng chảy văn hóa dân tộc từ ngàn năm cho đến đêm trước của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc; lòng khát khao tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, điều đó còn có giá trị hơn nhiều so với sức mạnh vật chất cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2].

Cùng với lòng yêu nước là tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc. Từ truyền thống đoàn kết dân tộc để đi tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, Hồ Chí Minh đã từng kêu gọi: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”[3]. Sức mạnh của văn hóa Việt Nam còn chứa đựng lòng khoan dung hòa hợp để hòa đồng. Bao dung để đoàn kết, đoàn kết phải bao dung (cầu đồng tồn dị) là sự ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, trong quá trình tập hợp lực lượng cho cách mạng nói chung và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Do đó, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 là minh chứng sống động về sức mạnh sáng tạo của khối đại đoàn kết toàn dân trong thời đại HCM.

Hai là, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam; của sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; cột mốc đánh dấu sự sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, mở ra phong trào giải phóng dân tộc vì hòa bình, tiến bộ xã hội và phẩm giá con người trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất hủ về chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, về sự nối tiếp thắng lợi vĩ đại cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai của chúng, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng; đưa cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc, hậu phương lớn để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự tiếp nối tất yếu truyền thống đánh giặc của dân tộc xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc Việt Nam và sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phẩm giá con người.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, độc lập, quyền sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc; là chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, trong đó có nhân dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[4].  

Ba là, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định sức mạnh vô song, sự trưởng thành lớn mạnh và trình độ tác chiến vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Quyết tâm chuyển đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo, không chỉ là một minh chứng về tài quân sự, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và lòng dũng cảm của vị Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn là minh chứng sống động về sức mạnh vô song, sự trưởng thành lớn mạnh và trình độ tác chiến vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Sau chiến tranh, khi tổng kết, nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới đều thống nhất cho rằng, một trong nguyên nhân có ý nghĩa quyết định làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 là cách đánh sáng tạo, tổ chức tốt lực lượng, thế trận, sự trưởng thành vượt bậc của tác chiến tiến công hiệp đồng quân binh chủng của QĐNDVN và sự huy động được rất lớn sức người để bảo đảm công tác hậu cần cho chiến dịch, một việc mà người Pháp cho rằng chúng ta không thể giải quyết được. Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 11/5/1954 khẳng định: “Thắng lợi này chứng tỏ quân ta đã tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì trận Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta”[5]. Trong cuốn hồi ký (“Đông Dương hấp hối”), H.Nava viết: Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngưng tiến công.

Như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là điểm hẹn của lịch sử, là trận quyết chiến chiến lược thể hiện bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta về mọi phương diện từ con người đến trang bị, vũ khí, kỹ chiến thuật tác chiến, trình độ tổ chức chỉ huy, tác chiến, công tác bảo đảm hậu cần.., cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có lúc bấy giờ.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đánh giặc bằng sức mạnh văn hóa là nét độc đáo có một không hai trên thế giới. Thực tiễn cho thấy, trải qua thử thách của lịch sử, văn hóa Việt Nam luôn luôn là một sức mạnh tiềm ẩn. Nó sẽ bùng nổ, trụ vững vào những thời điểm khi đất nước có những biến cố lịch sử, đặc biệt là trong những năm tháng đất nước gặp họa xâm lăng. Điển hình trong các cuộc đụng đầu lịch sử chống ngoại bang của dân tộc, dù các thế lực ngoại bang tìm đủ phương kế nhằm đồng hóa văn hóa Việt Nam nhưng văn hóa Việt Nam không những không bị đồng hóa mà còn liên tục phát triển mạnh mẽ với bản sắc riêng độc đáo của mình, mà chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một minh chứng sống động về đánh giặc bằng sức mạnh văn hóa trong thời đại Hồ Chí Minh.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục - Sức mạnh văn hóa Việt Nam góp phần đưa đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, đã tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam, phía Bắc, cũng như trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước gần 40 mươi năm qua.

        Ngày nay, phát huy giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ trong điều kiện thế và lực của nước ta đã khác trước rất nhiều, “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế lớn”[6]. Song, trong bối cảnh “tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức... sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt”[7]. Đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn. Theo đó, một lần nữa dân tộc ta lại đứng trước thách thức mang tính thời đại. Nếu như thách thức trước đây đặt ra cho các thế hệ người Việt Nam là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập và thống nhất đất nước; thì thách thức hiện nay đặt ra cho các thế hệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, là phải chiến thắng “vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”[8], đưa đất nước “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[9], có công nghiệp hiện đại, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc VNXHCN.

        Do đó, phát huy giá trị chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, công cuộc đổi mới hiện nay phải gắn liền với điều kiện thực tiễn trong nước cũng như thế giới, phải tiến hành đúng quy luật với những phương thức và biện pháp phù hợp với Việt Nam và xu thế tiến bộ của thời đại. Thực hiện chính sách mở cửa, mở rộng giao lưu quốc tế, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, coi trọng phát huy thế mạnh và tiềm năng trong nước, coi những nhân tố nội tại là những nhân tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Quán triệt và thực hiện nhất quán quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam”[10].

        70 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng minh chứng lịch sử hùng hồn về sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.  

           



[1] Hoàng Minh Phương, “Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng Tư lệnh”, Tạp chí Xưa và Nay, số 208, 3/2004, tr. 12.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, sđd, tr.346.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, sđd, tr.266.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập14, sđd, tr.315.

[5] Đại tướng Hoàng Văn Thái, Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb KHXH, H, 1985, tr. 19.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, CTQGST, H, 2021, tr. 25.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr. 30.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr. 112.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr. 112.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr. 34.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528493

Hôm nay

2149

Hôm qua

2291

Tuần này

2766

Tháng này

215189

Tháng qua

0

Tất cả

114528493