Góc nhìn văn hóa

Tinh thần hào sảng từ Duy tân văn hóa đến Chấn hưng văn hóa

Từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, văn hóa Việt Nam đã trải qua đoạn trường 100 năm, từ Duy tân văn hóa dến Chấn hưng văn hóa. Nội dung các cuộc vận động có thể không giống nhau nhưng đều là hướng tới khắc phục những lỗ hổng, lạc hậu để kiến tạo ra những giá trị mới để tiến lên. Một động lực quan trọng của tiến trình văn hóa đó chính là tinh thần tự nhiệm, hào sảng văn hóa của giới trí thức, văn nghệ sĩ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Tháng 11/ 2021

Từ Duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX

Xã hội Việt Nam đã có những thay đổi lớn lao kể từ sau khi thực dân Pháp hoàn thành bình định và thiết lập chính quyền cai trị. Chính quyền phong kiến nhà Nguyễn gần như mất hết vai trò quản trị quốc gia, mọi việc quan trọng đều do người Pháp định đoạt. Về kinh tế, để khai thác thuộc địa, người Pháp đã nhanh chóng xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; Xây dựng các cơ sở công nghiệp, thủy lợi, mở mang các đồn điền, đưa vào nhiều giống cây trồng, vật nuôi; Mở mang ngoại thương… Thực chất là người Pháp đã đưa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam. Đồng thời, họ cũng du nhập vào Việt Nam nhiều yếu tố văn hóa, giáo dục phương Tây vào Việt Nam. Trước hết là báo chí, xuất bản, tiếp đó là giáo dục và văn học nghệ thuật và lối sống.

Trong lúc đó, hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam với khuôn mẫu văn hóa Nho học đã ngày càng trở nên lỗi thời, lạc hậu trước các làn sóng văn hóa phương Tây, cụ thể là văn hóa Pháp. Ngay từ giữa thế kỷ XIX, các nhà Nho cấp tiến như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ… đã nhận ra điều này và đã có tư tưởng canh tân, đổi mới đất nước, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Thậm chí vua Tự Đức cũng nhận biết điều này nhưng sức ỳ của văn hóa, tư tưởng hủ Nho thủ cựu đã kìm hãm tư tưởng và hành động của các nhà canh tân.

Nhưng bước sang đầu thế kỷ XX thì tình hình đã có diễn biến khác, thuận lợi hơn cho công cuộc Duy tân văn hóa khi người Pháp cũng có ý chí thay đổi nền giáo dục chữ Hán bằng giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Một tình thế mới xuất hiện, đó là phải lựa chọn giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Nho học thủ cựu, lạc hậu trong bối cảnh bị người Pháp cai trị. Nhu cầu đổi mới văn hóa phải gắn liền với nhu cầu cứu nước, giành độc lập dân tộc. Đa phần đã lựa chọn con đường Duy tân, tiếp thu cái mới nhưng không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ, mục đích là cho dân tộc tự cường để giành độc lập.

Khởi đầu là các nhà Nho duy tân đã nhen nhóm lên tinh thần đổi mới văn hóa, mà người khởi đầu là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Hai ông, sau khi từ Nhật Bản trở về đã hội kiến với các nhà Nho tiến bộ và quyết định mô phỏng Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku ) do Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) - học giả, nhà tư tưởng, linh hồn của Minh Trị duy tân, sáng lập để thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can, làm Thục trưởng (Hiệu trưởng), Nguyễn Quyền làm học giám..

Đông Kinh Nghĩa Thục mở những lớp dạy học không thu học phí, hoạt động công khai, hợp pháp để: i). Bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chí tiến thủ cho quần chúng. ii).  Truyền bá tư tưởng học thuật mới và nếp sống văn minh tiến bộ. iii). Phối hợp hành động, hỗ trợ cho các phong trào Đông du, Duy tân.

Đội ngũ giảng viên của Đông Kinh Nghĩa Thục (Nguồn: Bảo tàng lịch sử)

Khai giảng vào tháng 3 năm 1907 nhưng sau đó không lâu, khi phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ bùng nổ, lo sợ sự ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục, chính quyền thực dân đã giải tán trường học này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của trường học là khá mạnh mẽ, nó là con sóng duy tân đầu tiên về văn hóa, giáo dục của công cuộc Duy tân văn hóa nước nhà.

Điều đáng nói là hoạt đông báo chí, xuất bản của người Việt đã hình thành, phát triển nhanh chóng. Có thể kể đến Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh, Nữ giới chung của Sương Nguyệt Anh, Phụ nữ Tân văn của Nguyễn Đức Nhuận…là những tờ báo rất sáng giá trong công cuộc đổi mới văn hóa. Đi cùng đó là quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ không chỉ nhanh chóng mà có kết quả rất to lớn. Đồng thời, người Pháp tiến hành thành lập một hệ thống trường học mới ở tất cả các cấp, từ tiểu học đến đại học. Trong các trường tiểu học, trung học dạy đồng thời cả tiếng Pháp và tiếng Việt/chữ Quốc ngữ. Một thế hệ trí thức tân học hình thành và từng bước cùng các trí thức Hán học có tư tưởng duy tân dẫn dắt hành trình văn hóa quốc gia dân tộc. Các tổ chức văn hóa, giáo dục như Hội Trí Tri - một hiệp hội dân lập được thành lập từ năm 1892 với chủ trương quảng bá tân học. Nhiều trí thức tân học người Việt có hoạt động nổi bật trong hội này là Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh.

Cùng mục đích với hội Trí tri là Hội Khai Trí Tiến Đức được thành lập ngày 5 tháng 2 năm 1919 với học giả Phạm Quỳnh làm Tổng Thư ký, Phạm Duy Tốn làm Phó Tổng thư ký. Cử nhân Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu và Thượng thư Bộ Binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề

Với nền tảng là nền giáo dục mới, một nền tân văn hóa từng bước được hình thành. Văn học, nghệ thuật đổi mới, nhiều hình thức văn chương như tiểu thuyết, kịch sân khấu, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh du nhập vào Việt Nam. Người Việt không chỉ tiếp nhận một cách khác chủ động để thâu hóa nó và trở thành những chủ nhân sáng tạo. Truyện thầy Lazaro Phiền, tiểu thuyết viết bằng Quốc ngữ đầu tiên của Nguyễn Trọng Quản, được xuất bản ở Sài Gòn năm 1887. Đến năm 1925 lại có tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Tiếp đó là sự hình thành các nhóm phái văn chương học thuật như Tự Lực Văn Đoàn, Tri Tân, Thanh Nghị, Hàn Thuyên, cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét.…để làm cuộc cách tân văn học, nghệ thuật và có tác động không hề nhỏ để làm cho đời sống xã hội tiến bộ hơn.

Vở kịch nói đầu tiên do chính người Việt soạn là Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long được diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22 tháng 10 năm 1921.

Lê Văn Miến là họa sĩ đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris. Ngày 15/3/1869, đã có hiệu ảnh đầu tiên của người Việt là Cảm Hiếu Đường do Đặng Huy Trứ mở ở Hà Nội. Từ năm 1923, trong phim dài “Kim Vân Kiều” (phỏng theo Truyện Kiều của Nguyễn Du) do ông Paul Thierry Giám đốc công ty và ông A.E. Famechon cải biên thành kịch bản văn học rồi dựng thành phim hoàn toàn do diễn viên người Việt đóng. Người Việt Nam đầu tiên làm phim là ông Nguyễn Lan Hương (1887-1949), chủ hiệu ảnh Hương Ký với các phim: “Đồng tiền kẽm tậu được ngựa” (1924); “Ðám tang vua Khải Ðịnh”, “Lễ tấn tôn đức vua Bảo Ðại” (1926).

Đó là những vận động không hề dễ dàng để chuyển mình lên hiện đại, hình thành nền văn hóa mới. Ngay trong hàng ngũ các nhà duy tân, giữa các trí thức Nho học có tư tưởng duy tân với các trí thức tân học cũng có lúc không đồng quan điểm về duy tân văn hóa, đặc biệt là vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc. Cuộc tranh luận về Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế là một ví dụ. Đó là chưa nói đến cuộc vận động thay đổi theo hướng khoa học, tiến bộ về cách sống, lối sống, phong tục tập quán của xã hội cũng là một bước rất chật vật của Việt Nam hồi đó. Nhưng chiều hướng ngày càng tích cực bởi những phê phán chính xác, công tâm và hướng dẫn cải tạo chính xác của các nhà duy tân, các trí thức tiên phong.

Công cuộc Duy tân văn hóa hồi đầu thế kỷ XX mặc dù là chật vật, khó khăn, nhưng cuối cùng, một nền tân văn hóa đã hình thành, làm nền tảng cho công cuộc phát triển văn hóa trong nửa sau thế kỷ. Vai trò đầu tiên thuộc về đội ngũ trí thức, cả Nho học và Tân học vì họ đã nắm bắt được đúng xu thế và đòi hỏi đổi mới của đất nước. Đặc biệt, đội ngũ này thành công vì họ hành động trong một niềm say mê và tinh thần hào sảng, yêu nước và tự tôn dân tộc của người trí thức.

Đến Chấn hưng văn hóa đầu thế kỷ XXI

Gần đây nhất, tháng 11/1921, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã diễn ra. Tại Hội nghị này, sau khi nêu rõ thực trạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi chấn hưng nền văn hóa. Có nghĩa là phải làm sống lại các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa bởi nó đã sa sút. Thực ra, cách đây 25 năm, Hội Nghị TƯ 5, khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận ra sự sa sút của nền văn hóa quốc gia dân tộc. Liên tục từ đó đến nay, Đảng luôn quan tâm và nắm chắc diễn trình và hiện trạng nền văn hóa. Nhưng tình hình vẫn không khả quan, nhất là nhận thức về vai trò của văn hóa chưa đầy đủ, chưa đúng đắn; Môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội; Đạo đức xã hội sa sút, đặc biệt là tầng lớp cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện công cuộc Chấn hưng văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp.

Giải pháp thứ nhất là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Giải pháp thứ hai là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Thứ ba là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, các dân tộc, kết hợp với việc tiếp thu tinh hóa của thời đại. Thứ tư là chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trọng xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội.

Tất cả các giải pháp trên đều liên quan đến vấn đề con người. Văn hóa là Con người. Trong đó, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là tinh hoa của đất nước, có vai trò dẫn dắt đường đi của nền văn hóa quốc gia dân tộc.

Bối cảnh công cuộc Chấn hưng văn hóa hôm nay đã thuận lợi hơn rất nhiều so với 100 năm trước. Đất nước đã được độc lập. Dân trí cao hơn. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo hơn, được đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn, kỹ hơn. Con đường giao lưu văn hóa rộng mở hơn. Hơn nữa, được thừa hưởng cả bề dày những thành tựu văn hóa trong suốt hơn 100 năm qua. Thế nhưng tại sao đã ¼ thế kỷ tính từ Hội Nghị Trung ương 5 (khóa VIII) mà nền văn hóa của chúng ta vẫn trong tình trạng sa sút như TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhận định? TBT Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rất kỹ những nguyên nhân của tình trạng này. Đó là: “…trong công tác lãnh đạo, quản lý, chúng ta chưa nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao”.

Nhận định trên là hoàn toàn chính xác. Nhưng, thiết nghĩ, nói đến văn hóa là nói đến sáng tạo, là nói đến sự cống hiến, vai trò tiên phong, dẫn dắt của giới trí thức, văn nghệ sĩ. Nếu không nhầm thì vai trò tiên phong này của đội ngũ trí thức đã có quãng lùi không đáng có. Bây giờ chúng ta không thiếu những trí thức, văn nghệ sĩ tầm cỡ nhưng họ chưa thể hiện được nhiều vai trò đầu tàu của mình trong hành trình văn hóa của quốc gia dân tộc. Có nguyên nhân từ cách sử dụng, quản lý, thậm chí là ứng xử chưa hay ở đâu đó, lúc nào đó… Tuy nhiên, điều cốt tử là tinh thần tự nhiệm, hào sảng và đam mê của trí thức văn nghệ sĩ không còn nồng nhiệt và hào sảng như xưa nữa. Và, không ít người trong đội ngũ đã trở nên thực dụng, không còn năng lực sáng tạo và vai trò gương mẫu của người trí thức, văn nghệ sĩ.

Gần đây, trong một dự thảo về chương trình Chấn hưng văn hóa, Bộ VH,TT&DL có đưa ra con số 350.000 tỷ đồng đã tạo ra dư luận trái chiều nhau. Có ý kiến cho rằng với số tiền đó mà chấn hưng được nền văn hóa thì “hời to”. Vì, làm sạch được môi trường văn hóa đang bị ô nhiễm bởi các thói hư tật xấu, thay đổi được nếp nghĩ, nết ăn ở của cả 100 triệu dân, sáng tạo ra những tác phẩm lớn xứng tầm thời đại và xây dựng được một hệ giá trị quốc gia dân tộc mới là vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, rất đơn giản, có nguyên nhân quan trọng là, chúng ta đang có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ khá đông đảo nhưng vẫn thiếu những trí thức, văn nghệ sĩ tinh hoa sẵn sàng cống hiến với tinh thần hào sảng, tiên phong của một người yêu nước nhiệt thành như các tiền bối 100 năm trước.

Nhưng, hãy tin tưởng với tinh thần quyết tâm Chấn hưng văn hóa, nhất định tinh thần tự nhiệm, hào sảng văn hóa và ý chí cống hiến của giới trí thức, văn nghệ sĩ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn xưa, để chúng ta một lần nữa kiến tạo thành công nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.    

 (Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 13 - tháng 6/2024)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528488

Hôm nay

2144

Hôm qua

2291

Tuần này

2761

Tháng này

215184

Tháng qua

0

Tất cả

114528488