Góc nhìn văn hóa

“Tôi xin nhận các con của liệt sỹ làm con nuôi của mình”

Bác Hồ đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ. Ảnh TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành cho thương binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Tình cảm của Người không chỉ thể hiện bằng những bức thư, những lời nói chân thành, mộc mạc, giản dị đầy xúc động lòng người mà còn thể hiện bằng những việc làm cụ thể đối với thương binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ.

Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa thành công được một thời gian ngắn thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Sài Gòn với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, nhiều thanh niên đã tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam, một số đã hy sinh. Chỉ sau đó 9 ngày, vào ngày 02/10/1945, mặc dù đang bận trăm công nghìn việc của người lãnh đạo Nhà nước, nhằm động viên các gia đình liệt sỹ, Bác Hồ vẫn giành thời gian đến Nhà hát Lớn Hà Nội để làm tưởng niệm cho những đồng chí bộ đội vừa hy sinh trên chiến trường miền Nam. Tiếp đó, ngày 12/11/1945, có 5 liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc tại huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, thì chỉ 8 ngày sau, ngày 20/11/1945, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Người đã đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho 5 đồng chí ấy. Ngay sau đó, Người đã gửi liên tiếp hai lá thư cho đồng bào miền Nam với những lời đầy tôn vinh, kính trọng: “Thưa đồng bào! Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước” (Thư ngày 10/3/1946), “Thưa đồng bào! Tôi xin nghiêng mình trước linh hồn những chiến sỹ và đồng bào miền Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng” (Thư ngày 31/3/1946).

Nhằm chia sẻ nỗi mất mát của những thân nhân liệt sỹ mãi mãi không bao giờ gặp lại những người thân yêu, ruột thịt nhất của mình, ngày 7/11/1946, Bác Hồ đã thông báo về việc nhận các con của liệt sỹ làm con nuôi của mình: “Thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ, tôi xin cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà. Tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi xin nhận các con của liệt sỹ làm con nuôi của mình”. Lời của Bác chân thật, giản dị đã làm cho bao người rơi nước mắt vì xúc động! Người luôn luôn coi nỗi đau của các gia đình liệt sỹ là nỗi đau của chính bản thân mình, coi mỗi thanh niên là con đẻ của chính mình: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất đi một thanh niên, thêm một liệt sỹ là tôi mất đi một đoạn ruột” (Thư gửi Giám đốc Y tế Bắc Bộ tháng 01/1947). Sau đó, Người đã ký liên tiếp 3 Sắc lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các chế độ chính sách cho thương binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ; đó là Sắc lệnh số 20 (16/02/1947) quy định chế độ thương tật, tiền tuất cho thương binh, liệt sỹ; Sắc lệnh số 58 (06/6/1947) tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập cho những người có công với nước; Sắc lệnh số 101 (03/10/1947) về việc thành lập các cơ sở thương binh, cựu binh ở các tỉnh trong cả nước. Đồng thời, Người trực tiếp đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó làm “Ngày thương binh, liệt sỹ”. Sau đó, Chính phủ đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm làm “Ngày thương binh, liệt sỹ”. Nhân “Ngày thương binh, liệt sỹ” đầu tiên của nước ta (27/7/1947), Người đã viết trên báo Sự thật (sau này gọi là báo Nhân dân): “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con bị đe dọa. Ai là người xung phong đầu tiên để chống cự quân thù? Đó chính là những chiến sỹ, những thương binh, liệt sỹ. Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn họ, phải giúp đỡ họ. Người đã nhiều lần khẳng định: “Máu đào của các thương binh, liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Và với tấm lòng thành của mình, trong suốt 24 năm (từ năm 1945 đến năm 1969) Người đã viết 25 bức thư gửi tới các thương binh, liệt sỹ.

Không những động viên, an ủi về mặt tình cảm, tinh thần, Người còn có quà tặng cho các thương binh, và gia đình liệt sỹ. Trong hai năm 1947, 1948, Người có hai lần tặng quà cho các thương binh và gia đình liệt sỹ. Lần thứ nhất (tháng 7/1947) gồm một áo lụa, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và của nhân viên trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng số tiền là 1.127 đồng (tiền lúc đó). Lần thứ hai (tháng 4/1948) gồm một số khăn mặt, quần áo mà Nhân dân gửi tặng Người và một tháng lương của Người (1.000 đồng). Ngày 27/7/1952, Người gửi họ một tháng lương và hai phiếu Công trái quốc gia trị giá bằng hai tấn thóc. Tháng 7/1954, Bác Hồ lại gửi tặng 70.600 đồng (đây là tiền do Người tiết kiệm nhiều tháng lương gộp lại). Ngày 27/7/1954, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức buổi lễ “Mùa đông binh sỹ” tại  Hà Nội, Bác Hồ đã trực tiếp đến dự và tặng ngay chiếc áo rét mình đang mặc cho thương binh. Những món quà đó tuy nhỏ nhưng lại rất quý giá bởi vì đó là tấm lòng, tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sỹ, là nguồn động viên, cổ vũ làm ấm lòng các thương binh, gia đình liệt sỹ. Không những thế, Bác Hồ còn đề xuất nhiều ý kiến, nhiều sáng kiến để phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sỹ. Năm 1948, Người đề nghị Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam nên phát động phong trào Trần Quốc Toản nhằm tổ chức cho các cháu làm những công việc nhỏ phù hợp với tuổi các cháu để giúp đỡ các gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ. Năm 1951, Người phát động phong trào “Đón  thương binh về làng” kêu gọi Nhân dân giúp đỡ các thương binh trong những công việc hàng ngày để họ có thể tự tin để sinh sống, hòa nhập với cộng đồng.

Không những thế, Bác Hồ còn thường xuyên nhắc nhở, kêu gọi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân hãy thể hiện sự quan tâm đến thương binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ; có lần Bác đã nói: “Quan tâm, giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sỹ không phải là sự làm phúc mà đây chính là tình cảm thương yêu, trách nhiệm, bổn phận của Đảng, chính quyền thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta” ((Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Tr.75).

Một điều cần nhấn mạnh là tình cảm của Bác đối với thương binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ thể hiện tính nhân văn cao cả, đó là sự chia sẻ, đồng cảm của Người đối với những người thân trong các gia đình có con em đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Như văn 1947, ông Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thông tin lúc đó) có con trai là Vũ Văn Thành hy sinh ở chợ Hôm (Hà Nội), dù đang bận rộn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ vẫn viết thư chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của gia đình ông. Sau này, ông Vũ Đình Tụng có kể lại rằng: “Đọc xong thư của Bác, tự nhiên tôi thấy nỗi đau thương và mất mát của gia đình tôi trở thành nhỏ bé trong tình thương mênh mông của Bác. Tôi biết rõ mình sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của con tôi và để khỏi phụ tấm lòng của Bác”.

Những ngày cuối đời, Người vẫn nén nỗi đau của bệnh tật để quan tâm đến thương binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ. Chỉ 32 ngày trước khi đi xa, ngày 31/7/1969, Bác Hồ đã tặng huy hiệu của Người cho 10 đồng chí thương binh gương mẫu. Và ngày 01/9/1969 chỉ trước khi mất một ngày, dù đang ốm nặng, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 (02/9/1945-02/9/1969), Người vẫn gửi vòng hoa để viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Mai Dịch (Hà Nội). Việc làm đó của Người đã làm cho hàng chục triệu đồng bào cảm động rưng rưng nước mắt.

Có thể nói ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, Bác Hồ luôn dành cho thương binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt nhất. Người là tấm gương sáng trong việc thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sỹ, gia đình liệt sỹ.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528506

Hôm nay

2162

Hôm qua

2291

Tuần này

2779

Tháng này

215202

Tháng qua

0

Tất cả

114528506