Tin tức

Trang trọng Lễ kỷ niệm 50 năm Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, 65 năm Sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh

 

Chiều ngày 25/9, tại Nhà hát Dân ca Nghệ An, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh (1973-2023), 65 năm Sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh (1958-2023).

Về dự lễ kỷ niệm, đại biểu Trung ương và các tỉnh bạn có: Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam; đại diện lãnh đạo Đoàn Văn công Quân khu IV, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế.

 Đại biểu tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. Cùng dự có các đồng chí Phó Giám đốc Sở VH&TT, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An; các phòng, đơn vị trực thuộc Sở VHTT; các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên các đoàn văn công của tỉnh Nghệ An tiền thân từ Đoàn Văn công Nhân dân Nghệ An từ ngày đầu thành lập năm 1958 đến nay.

NSND Trịnh Hồng Lựu - Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An trình bày diễn văn kỷ niệm. Ảnh: Trang Đoan

Diễn văn kỷ niệm do NSND Trịnh Hồng Lựu  - Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An nêu rõ: 65 năm qua là một quá trình chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật của nền sân khấu tỉnh nhà; hiện đại nhưng đậm đà bản sắc văn hóa, nghệ thuật xứ Nghệ. Hành trình 65 năm sân khấu Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có 15 năm cùng chung sàn diễn Nghệ Tĩnh, là hành trình nghệ thuật phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ Nhân dân.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, các nghệ sĩ đã thực sự là những chiến sĩ. Họ lao mình vào những địa bàn nóng bỏng nhất để hát, để diễn cho đồng bào, chiến sĩ ta vững niềm tin vào cuộc sống, vào chiến thắng, vào tương lai. Đã có những nghệ sĩ hy sinh trong cuộc chiến đó. Trong thời kỳ bao cấp, đặc biệt thời kỳ “Đổi mới”, giới nghệ sĩ lại tiếp tục củng cố đội ngũ để ca ngợi Tổ quốc, quê hương, tôn vinh cái đẹp, hướng mọi người đến cái tốt, dũng cảm lên tiếng chống lại cái xấu, cái ác bằng những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mặc dù có lúc phải đương đầu với những cản trở giáo điều.

Hoạt động trong cơ chế thị trường, gặp không ít khó khăn, lúng túng, thậm chí có lúc lao đao, cùng cực nhưng đội ngũ nghệ sĩ, nền sân khấu xứ Nghệ vẫn đứng vững để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Từ 5 đoàn nghệ thuật năm 1991, Nghệ An liên tục điều chỉnh, sắp xếp lại thành 4 đoàn, 3 đoàn, rồi 2 đoàn và từ năm 2020 đến nay tất cả giới nghệ sĩ biểu diễn đứng chung một hàng ngũ trong mái nhà Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.

65 năm qua cũng là quá trình sân khấu Nghệ An tiếp nhận những giá trị, phong cách nghệ thuật mới để hiện đại hóa nền sân khấu nhằm phù hợp với những xu thế thị hiếu thẩm mỹ mới của công chúng, của thời đại, đồng thời kiên trì nắm vững, bám chắc vào các giá trị văn hóa, các truyền thống nghệ thuật của xứ Nghệ. Từ phương châm nghệ thuật đúng đắn này, các thế hệ nghệ sĩ sân khấu xứ Nghệ đã xây dựng thành công nhiều chương trình Ca Múa Nhạc, nhiều vở diễn xuất sắc về nghệ thuật, sâu sắc về nội dung, tư tưởng. Chỉ xin được nhắc lại một vài chương trình, vở diễn xuất sắc nhất, có ý nghĩa như là những dấu mốc lớn trên hành trình nghệ thuật của sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh. Đó là: Vở chèo “Cô gái sông Lam” - HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962, vở Kịch hát dân ca “Mai Thúc Loan” - HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, đánh dấu một mốc son, một bước ngoặt lịch sử cho nền Kịch hát Nghệ Tĩnh đứng vững trong đại gia đình sân khấu Việt Nam, vở Cải lương “Xôn xao rừng quế” - HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, chương trình “Tình quê xứ Nghệ” - HCV Hội diễn Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995,v.v… Rồi hàng loạt vở diễn, chương trình đạt HCV qua các kỳ Liên hoan, Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc như: “Vết chân tròn trong bão tố” (1996), “Danh nhân lớn lên từ câu Hò, Ví, Giặm” (1998), “Soi vào quá khứ” (2005), “Đường đua trong bóng tối” (2013), “Người thi hành án tử” (2010), “Cánh cò trong bão” (2022) … Sân khấu Ca Múa Nhạc có Chương trình “Sắc”- HCV Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022, chương trình “Thanh âm miền Ví, Giặm” - HCV Liên hoan Âm nhạc ASEAN.v.v...

Kể từ khi mới thành lập đến nay, các thế hệ nghệ sĩ luôn kiên trì sưu tầm, nghiên cứu vốn dân ca Ví, Giặm của người Kinh, dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số để không chỉ bảo tồn, lưu giữ mà còn để làm chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Rất nhiều tác phẩm ca, múa, nhạc thành công từ phát triển dân ca, dân vũ. Đặc biệt, dân ca Ví, Giặm đã được các thế hệ tác giả, nghệ sĩ dày công nghiên cứu, thử nghiệm để sáng tạo thành công kịch chủng mới, đó là Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh. Đây là một đóng góp rất lớn đối với nền sân khấu Việt Nam. Giới nghệ sĩ xứ Nghệ cũng đã có đóng góp quan trọng để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (vào năm 2014).

65 năm qua là hành trình các thế hệ nghệ sĩ xứ Nghệ đã tự mình vươn lên, tự làm giàu vốn liếng nghệ thuật của mình bằng cách phát huy, làm thăng hoa những giá trị, bản sắc truyền thống của quê hương. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, đã có nhiều nghệ sĩ, nhiều tác giả sân khấu, âm nhạc, nhiều đạo diễn, biên đạo, họa sĩ tài năng đủ sức làm nên những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, sánh cùng giới nghệ sĩ cả nước. Cho đến nay, Nghệ An đã có 06 Nghệ sĩ Nhân dân, 25 Nghệ sĩ ưu tú. Nhiều nghệ sĩ của chúng ta đã vươn xa, đến với sân khấu kịch, sân khấu Ca Múa Nhạc cả nước như Nhạc sĩ An Thuyên, Nhạc sĩ Mai Cường, NSND Lữ Kiều Lê, NSUT Phạm Phương Thảo,v.v…

Cũng trong suốt mấy chục năm qua, các thế hệ nghệ sĩ là đầu tàu cho phong trào văn nghệ quần chúng, luôn đồng hành với phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần không nhỏ tạo nên những chuyển biến tích cực của đời sống văn hóa nghệ thuật cộng đồng, để xây dựng nền văn hóa mới.

Trong hành trình sắp tới, sân khấu Nghệ Tĩnh sẽ có nhiều nhiệm vụ nặng nề. Đó là cùng với sân khấu cả nước tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta phải tiếp tục xây dựng một nền sân khấu Nghệ An có bản sắc riêng, góp phần gìn giữ những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của Con người và Văn hóa xứ Nghệ. Bởi vậy, sân khấu Nghệ An phải tiếp tục đổi mới về nghệ thuật để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng. Đồng thời phải tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển di sản dân ca Ví, Giặm (trong đó có Kịch hát Nghệ Tĩnh) và dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài vừa cấp thiết của sân khấu tỉnh nhà trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mức độ thị trường hóa ngày càng cao, cả trong lĩnh vực nghệ thuật.

Trong lúc đó, sân khấu Nghệ An đang có không ít khó khăn. Hiện tại, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An là một thiết chế nghệ thuật tổng hợp, bao gồm cả ca, múa, nhạc và sân khấu truyền thống - Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh. Để song hành phát triển một cách hài hòa và hiệu quả hai loại hình nghệ thuật này là điều không dễ. Vì vậy, để phát triển đến trình độ cao hơn cho mỗi bộ môn/loại hình, cần tiếp tục nghiên cứu về tổ chức, phương thức hoạt động để phát triển hài hòa, đi đều, đi vững và cùng tiến nhanh cả hai loại hình sân khấu. Đổi mới, phát triển, hội nhập với trào lưu nghệ thuật thời đại những vẫn phải giữ được nét riêng mang đậm bản sắc, truyền thống văn hóa xứ Nghệ cũng là một yêu cầu, một nhiệm vụ khó khăn của sân khấu Nghệ An. Trong lúc đó, thị hiếu của khán giả, nhất là thế hệ trẻ, đang có nhiều diễn biến khá phức tạp. Một bộ phận không ít có xu hướng quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Lực lượng tinh hoa thì đang thưa vắng dần. Nhiều tài năng đã cao tuổi hoặc chuyển công tác. Đội ngũ tác giả về âm nhạc, sân khấu, múa cũng còn thiếu, nhất là những tác giả xuất sắc,v.v…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trang Đoan

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định: Từ khi ra đời đến nay, với nhiệt huyết, tài năng, thông qua các hoạt động thực tiễn của mình, các đoàn nghệ thuật đã làm tốt vai trò tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho công chúng, tạo ra những thế hệ khán giả có tư duy và thị hiếu thẩm mỹ mới, tiến bộ. Nhiều nghệ sĩ, nhiều tác giả sân khấu, âm nhạc, đạo diễn, biên đạo, họa sĩ tài năng đủ sức làm nên những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mở rộng giao lưu nghệ thuật, đưa sân khấu Nghệ Tĩnh đến với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nói riêng và văn hóa tỉnh nhà nói chung.

65 năm qua là hành trình vượt khó và tự vượt lên chính mình để phát triển và cống hiến nghệ thuật của sân khấu Nghệ An, Nghệ Tĩnh. Sân khấu Nghệ Tĩnh đã trở thành lực lượng quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là thành tố không thể thiếu của nền văn hóa mới ở xứ Nghệ. Trong dòng chảy chung ấy, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh với chặng đường 50 năm ra đời, phát triển cũng góp phần tích cực trong công cuộc bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của xứ Nghệ.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long biểu dương những nỗ lực, thành tích của các thế hệ văn nghệ sĩ Nghệ Tĩnh trong 65 năm qua và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An hôm nay với những kế thừa, tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống thực hiện tốt các nhiệm vụ: i. Nghiên cứu để đổi mới phương thức hoạt động, từ quản lý đến sáng tạo và biểu diễn để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng. ii. Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển di sản dân ca, dân vũ các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện, phát triển hơn nữa Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh; hướng đến xây dựng một nền sân khấu Nghệ An có bản sắc riêng, góp phần gìn giữ những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người và văn hóa  xứ Nghệ. iii. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ, tìm kiếm, thu hút những hạt giống tài năng, đào tạo họ thành những nghệ sỹ, những tác giả sân khấu, âm nhạc, những nhà phê bình nghệ thuật có trình độ cao, có bản lĩnh nghề nghiệp mạnh mẽ để từng bước làm chủ và phát triển nền sân khấu của tỉnh nhà. iv. Cùng với sân khấu cả nước tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Từ đó, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.

Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm lịch sử, tài năng và khát vọng nghệ thuật của các nghệ sỹ, sự trân trọng của xã hội và mến yêu của công chúng, sự quan tâm của Đảng và Chính quyền, tin tưởng rằng, Sân khấu Nghệ An sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quê hương và nền sân khấu nước nhà.

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống và tặng Bằng khen cho NSND Hồng Lựu. UBND tỉnh Nghệ An cũng tặng Bức trướng cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, tặng Bằng khen cho 1 tập thể (Đoàn Dân ca Truyền thống) và 4 cá nhân thuộc Trung tâm. Sở VH&TT và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống cũng tặng quà cho các nghệ sĩ tiêu biểu có nhiều đóng góp cho Sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh.

Thừa ủy quyền của Bộ VH,TT&DL đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ VH,TT&DL và Bức trướng của UBND tỉnh cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An. Ảnh: Anh Tuấn

Thừa ủy quyền của Bộ VH,TT&DL đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch HĐND trao tặng Bằng khen của Bộ VH,TT&DL cho NSND Hồng Lựu. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 1 tập thể và 4 cá nhân thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An. Ảnh: Anh Tuấn

Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, các đại biểu và các thế hệ nghệ sĩ đã được xem chương trình nghệ thuật “Cho đời những bài ca” gồm những màn hát múa,  các trích đoạn, lớp diễn từ những vở diễn sân khấu lớn đã làm lên tên tuổi của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống từ những ngày đầu thành lập cho đến nay.

Màn hát múa “Huyền thoại đất Hồng Lam” - tiết mục đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.

 Trích đoạn “Nghệ bị oan” trong vở chèo “Cô gái Sông Lam”\

Lớp diễn trong vở kịch nói “Ông không phải là bố tôi”;

Lớp diễn trong vở cải lương “Nát một đời hoa”

Trích đoạn “Hồng Phong - Minh Khai” trong vở kịch hát “Niềm Tin” 

Múa “Hoa Phong Lan trên đỉnh Truông Bồn”. Ảnh: Anh Tuấn

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512775

Hôm nay

2312

Hôm qua

2400

Tuần này

2712

Tháng này

219648

Tháng qua

121356

Tất cả

114512775