Góc nhìn văn hóa

Xuân về Tết đến: Cảm nhận văn chương xứ Nghệ từ điểm nhìn văn hóa

Xuân về, Tết đến, năm Giáp Thìn (2024), theo tâm linh, với khí thế Rồng thiêng, sẽ hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp với không chỉ riêng ai. Do điều kiện riêng tư, không trở về quê hương đón Xuân, đón Tết như một nghi lễ thiêng liêng của tự nhiên - xã hội - con người, thì tôi theo tinh thần “cố hương”, bằng con chữ trải ra, giãi bày tình cảm của đứa con xa quê hương, mà trong sâu thẳm vang lên hai tiếng thân yêu và tự hào - XỨ NGHỆ.

Núi Hồng - sông Lam

Đến hiện đại từ truyền thống

Xứ Nghệ trong tâm thức cộng đồng và theo quan điểm (phương pháp) nghiên cứu “Địa - Văn hóa” bao gồm cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thời Đào Tấn làm Tổng đốc An - Tĩnh (lần thứ nhất 1889, lần thứ hai 1898), ông đồng thời cũng là một tác gia tuồng được xếp hạng, dân gian gọi là “quan văn nghệ”. Vì thế khái niệm “Văn hóa xứ Nghệ” bao hàm văn hóa Nghệ - Tĩnh, hưởng chung hào khí, văn hóa Hồng Lam có tính chất của núi và của sông (cương - nhu), cùng thuộc không gian “Địa linh nhân kiệt”, hoặc thiết thân hơn “Văn chương nết đất thông minh tính trời” (Nguyễn Du - Truyện Kiều). Những cư dân xứ Nghệ từ xưa tới nay dù đi đâu, ở đâu cũng luôn nằm lòng, khắc ghi trong tâm khảm câu ca dao:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Phải thưa trước với bạn đọc, bài báo nhỏ của tôi trong một khuôn khổ chữ có hạn, chỉ riêng viết để dành tặng các văn nhân sinh trưởng tại Nghệ An, trong dịp Xuân về Tết đến. Nhân dịp này, xin được đưa ra một số liệu thống kê đáng tin cậy: trong số 1.623 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, in lần thứ V, 2020), tỉnh Nghệ An có 116 hội viên  (tính đến 12/2023 mất 42  nhà văn). Đó cũng là một “con số biết nói” về cường lực văn chương xứ Nghệ.

Trong các Danh nhân Văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Nghệ An vinh dự đóng góp vào những tên tuổi lẫy lừng: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ lớn thời hiện đại, tác giả Nhật ký trong tù đã trở thành Bảo vật quốc gia và nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người dám, như giai thoại truyền tụng “Giơ tay với thử trời cao thấp/Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Thời cận hiện đại, phải kể đến tên tuổi sáng chói trời Nam - chí sĩ, văn sĩ kiệt xuất Phan Bội Châu, người được đặt tên phố ở Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố khác trên cả nước, tên trường THPT Chuyên Nghệ An, được lên phim điện ảnh, gần nhất là trong tiết mục “Tái hiện ca cảnh Ví, Giặm về chí sĩ Phan Bội Châu tại Nhật Bản” (Chương trình trong khuôn khổ “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản”, tái hiện ca cảnh Ví, Giặm về tình bạn đẹp của chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro - theo Vietnam.net, 4/12/2023).

 Từ khi Nhà nước tổ chức xét tặng Giải thưởng cấp Quốc gia về lĩnh vực VHNT, riêng tỉnh Nghệ An có 6 nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (Đặng Thai Mai, Cao Huy Đỉnh, Hoài Thanh, Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Minh Châu) và 13 nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (Nguyễn Trọng Oánh, Trần Hữu Thung, Phan Cự Đệ, Nam Hà, Minh Huệ, Vương Trọng, Đặng Thanh Hương, Thái Bá Lợi, Anh Ngọc, Cao Tiến Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Ông Văn Tùng, Hoàng Trần Cương). Riêng PGS Trần Đình Hượu (có tên trong công trình Từ điển văn học. Bộ mới, NXB Thế giới, 2004) - nhà nghiên cứu văn hóa, nhận Giải thưởng Nhà nước về KHXH & NV (năm 2000) với những công trình tiêu biểu Nho giáo và Nho giáo ở Việt Nam, Đến hiện đại từ truyền thống; PGS Phan Ngọc - nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, nhận Giải thưởng Nhà nước về KH & CN (năm 2000), tác giả của các công trình Văn hóa Việt Nam - cách tiếp cận mới, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

Tuy nhiên, trong thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật có một loại (kiểu) giải thưởng thuộc về Nhân dân, trong lòng Nhân dân, tiêu biểu như sáng tác của các nhà văn Thanh Châu, nhà thơ Phan Khắc Khoan (hai tác giả thế hệ tiền chiến), Sơn Tùng (nhà văn - Anh hùng Lao động, người viết thành công về Lãnh tụ Hồ Chí Minh với các tiểu thuyết tiêu biểu Búp sen xanh, Bông sen vàng); các nhà thơ Hoàng Minh Châu, Võ Văn Trực, Hoàng Cát, Thạch Quỳ, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực,... và các nhà văn Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Thế Quang, Trần Huy Quang (tác giả của những phóng sự văn học nổi tiếng thời kỳ đầu Đổi mới), Xuân Tùng - đồng tác giả với Trần Thanh viết tiểu thuyết Nhãn đầu mùa có nhiều độc giả vào đầu những năm 60 thế kỷ trước.

Nghệ sĩ ngôn từ xứ Nghệ góp công đổi mới văn chương dân tộc

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989), được tấn phong là “Người mở đường tài năng và tinh anh công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam sau 1975”. Khi nói “người mở đường” trong bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta đều hiểu, vinh quang và cay đắng thường song hành. Nhà văn Nguyễn Minh Châu không là ngoại lệ. Sau 1975, nhà văn là người đi tiên phong trong việc giải trình bằng hình tượng nghệ thuật vấn đề (chủ đề) “hòa giải, hòa hợp dân tộc” qua tác phẩm có tính luận đề, tính đối thoại triết học - đạo đức: Miền cháy (tiểu thuyết, 1977). Nhà văn, qua tác phẩm, muốn gửi thông điệp đến độc giả “Bước ra khỏi cuộc chiến tranh chúng ta cũng cần được chuẩn bị đầy đủ như khi bước vào chiến tranh”. Nói cách khác, đó là sự đề cao và cổ vũ tinh thần nhân văn trên cơ sở truyền thống con Rồng cháu Tiên, cùng dòng máu Lạc Hồng, đoàn kết tương thân tương ái như dân gian đã tổng kết “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Bốn mươi năm sau, Hội Nhà văn Việt Nam mới tổ chức được cuộc gặp gỡ mang ý nghĩa văn hóa “Nhà văn và sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” (tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, 10/2017). Nhiều nhà văn Việt Nam định cư ở nước ngoài đã về tham dự sự kiện. Không phải tất cả đã hanh thông, mở lòng bầu bạn tìm được tiếng nói chung, nhưng chí ít những rào cản, định kiến bước đầu được tháo gỡ giữa những nhà văn cùng là con của giống nòi, dân tộc, đất nước. Những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu viết trong vòng mười năm đầu sau chiến tranh (1975-1985) đã khiến văn đàn sôi động. Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã tổ chức một cuộc hội thảo quy mô và sôi nổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, vào năm 1985. Hiếm khi trên văn đàn Việt Nam đương đại có một nhà văn đã tạo nên hiện tượng “chia đôi dư luận” như Nguyễn Minh Châu.

 Bình tĩnh tri nhận, sẽ thấy Nguyễn Minh Châu là một trong những tác gia tiêu biểu nhất của văn chương Việt Nam nửa sau thế kỷ XX có tiềm năng chuyển giao cho công chúng đọc tiếp ở thế kỷ XXI. Tác phẩm truyện ngắn của nhà văn đã từng được đưa vào SGK Ngữ văn THCS và THPT (Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa). Những truyện ngắn thành công của nhà văn được độc giả đón đọc và lưu dấu trong ký ức Sống mãi với cây xanh, Cỏ lau, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Mùa trái cóc ở miền Nam,...Đó là những tác phẩm tiệm tiến giá trị “cổ điển” - triết lý về cái vĩnh hằng, con người, dân tộc, nhân loại.

 Nhưng có lẽ cái khát vọng đổi mới của nhà văn Nguyễn Minh Châu còn mang ý nghĩa cao hơn khi ông trăn trở, thao thức, tha thiết và cao vọng góp phần nâng tầm vóc, thành tựu, vị thế của văn chương Việt Nam tiến tới hòa vào biển lớn nhân loại, sánh vai cùng bè bạn quốc tế, tránh được tình trạng “nhập siêu” văn hóa, văn chương. Giấc mơ Nobel văn chương có vẻ như chỉ là một giấc mộng, thậm chí là ảo mộng. Không tính nhân vật nhà văn Hộ trong kiệt tác Đời thừa (truyện ngắn, 1943) của văn hào Nam Cao, thì  hàng hậu duệ, “hậu sinh khả úy” như Nguyễn Minh Châu cũng đã đau đáu “Mỗi nhà văn chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng - không có một thứ nghề nào lại cần lòng tự tin đến kiêu ngạo, coi thiên hạ như rác đồng thời lại cần sự khiêm tốn thực hành thấy rằng mình bao giờ cũng dốt cũng thiếu như cái nghề này, nghề đóng đồ mộc, đóng chạn bát. Tại sao ta lại cứ sản xuất ra toàn những sản phẩm loại nhì, loại ba của văn học thế giới, hoặc những bán thành phẩm, để rồi phải làm cái việc  con hát mẹ khen hay, rồi con cứ lấy làm tự hào được mẹ khen? Tại sao văn học ta chỉ là văn học xóm xã, ao chuôm mà không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, NXB Hà Nội, 2009, tr.372).

 Nhưng cần khách quan và công bằng nên phải nói “Một cánh én không làm nên mùa xuân”. Tất nhiên! Góp vào đổi mới văn chương Việt Nam đương đại, sát cánh cùng nhà văn Nguyễn Minh Châu có những người đồng hương - đồng nghiệp tài tình như Sơn Tùng, Phan Xuân Hạt, Nguyễn Trọng Oánh, Vương Trọng, Thạch Quỳ, Nguyễn Thế Quang, Trần Huy Quang, Hoàng Cát, Thái Bá Lợi, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Tuyết Nga,..

Vĩ thanh - Tột cùng văn hóa là con người

Nếu chỉ được phép chọn (như một giả định) hai tác phẩm văn chương Việt Nam đương đại (1 văn, 1 thơ) viết hay nhất về đất và người xứ Nghệ, thì theo thiển ý của tác giả bài báo nhỏ này, sẽ là Phiên chợ Giát (truyện) của nhà văn Nguyễn Minh Châu và Sông Lam (thơ) của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Truyện Phiên chợ Giát của nhà văn Nguyễn Minh Châu, trong bản chất của nó là một tác phẩm chứa chất tính chất phong tục vốn rất mờ nhạt trong văn chương hiện đại thời kỳ 1945-1985, khi chúng ta gồng mình mấy chục năm liền qua mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và vượt qua cơ hàn của thời hậu chiến bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế. Nếu con người sống trong trạng thái bình thường (thì chiến tranh là trạng thái bất thường) sẽ có sự gắn bó với chợ (chợ quê, chợ phố). Chợ như là cái “phong vũ biểu” của một không gian có tính địa - văn hóa. Trong Hà Nội băm sáu phố phường (bút ký, 1943) nhà văn Thạch Lam gọi chợ Đồng Xuân là “Cái bụng của Hà Nội” (?!). Quả không sai! Trong thiên truyện Phiên chợ Giát, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã châu tuần, bằng những con chữ nhiều nghĩa, quá khứ và hiện tại, kinh tế và văn hóa, truyền thống và hiện đại, tâm thức cộng đồng và cá thể,... Qua thiên truyện đằm sâu ý vị văn hóa - triết học - đạo lý độc giả cảm nhận được “Hai chữ CON NGƯỜI vang lên biết bao tự hào!” (M. Gorki). Và sâu sắc hơn nữa khi nhà văn bằng chữ nghĩa chỉ ra cho độc giả thấm nhuần một thực tế: muốn biết rõ hơn căn tính Việt, tâm hồn Việt, văn hóa Việt thì người sáng tác phải “bấu chặt” lấy khi viết cái không gian nền tảng nhất, căn cơ nhất chính là “tam nông” (nông thôn - nông nghiệp - nông dân), được quan niệm như là thung thổ, khí quyển của đời sống vật chất và tinh thần của con người trên dải đất hình chữ S, tồn tại trên nền văn minh lúa nước và văn hóa làng xã mang tính cộng đồng cao. Bởi vì, Việt Nam cho đến 30 năm đầu thế kỷ XXI, về căn bản vẫn là một nước nông nghiệp “toàn tòng”.

 Bài thơ Sông Lam của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, không riêng tôi nghĩ, là thi phẩm hay nhất về xứ Nghệ “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du/Sông đứng thành Hồng Lĩnh/Sông đi thành Ví Gặm trời xanh/Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi/Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút/Một củ khoai cũng lấp ló mây trời/Con cò mặc áo tơi đi học/Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi/Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài/Trời hào phóng mây trắng/Đất tằn tiện ngô khoai/Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/Đồ Nghệ sông Lam dạy biển cả học bài/Gió Lào thổi mây giòn bánh đa nướng/Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng/Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng/Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang/Sông thao thức sóng tràn bờ Bắc/Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ Nam/Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc/Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang/Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước/Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng/Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát/Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn/Người giàu có nên đất nghèo khô khát/Kìa gió Lào thổi cong sông Lam” (Trần Mạnh Hảo - Tuyển tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2022, tr.102-103).

Ai đó nói chí lý “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Nay thì chúng ta có thể nói “Thơ hay không cần lời bình”./.

Hà Nội - Vinh, 12/2023

                   B.T.A

(Bài đã đăng VHTT NGhệ An số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443986

Hôm nay

2237

Hôm qua

2307

Tuần này

21799

Tháng này

219160

Tháng qua

112676

Tất cả

114443986