Cuộc sống quanh ta

Phim đặt hàng sống lay lắt là do lỗi hệ thống

Nửa thế kỷ qua, các hãng phim nhà nước thuộc Bộ văn hoá quản lý như Hãng phim truyện Việt Nam vẫn được coi như các đơn vị sự nghiệp văn hóa phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhà nước. Hàng năm nhà nước cấp tiền để sản xuất phim theo kế hoạch được duyệt. Gần 400 bộ phim làm nên lịch sử điện ảnh Việt nam với nhiều thành tựu lẫy lừng đã được sản xuất theo cơ chế này. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, các hãng phim nhà nước, tiêu biểu là Hãng phim truyện Việt Nam bị rơi vào tình trạng nửa vời bất cập về cơ chế, gánh nặng lỗi hệ thống trong giao dịch và trong sản phẩm. Phim “Sống cùng lịch sử” (Biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân,  Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2914) là phim Nhà nước đặt hàng phục vụ  kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những nạn nhân rõ mặt của cơ chế quản lý nước đôi  được xây dựng trên tiêu chuẩn kép.

Sống lay lắt bằng tiền đầu vào, không đủ lực sống bằng đầu ra

Các công ty như Hãng phim truyện Việt Nam không còn được tài trợ như xưa, cũng chưa được cổ phần hoá để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, mà hoạt động trong tư cách sự nghiệp có thu, rồi mới đây chuyển sang Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Bộ Văn hoá. Công ty này không được cấp vốn, không có quyền sở hữu tài sản như đất đai, nhà xưởng, cũng không có cả giấy phép làm phim...Nói cách khác, Hãng phim truyện Việt Nam không có đủ tư cách pháp nhân và năng lực thực tế của một doanh nghiệp sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường. Đơn vị này trong hàng chục năm qua đã phải sống lay lắt, cắt giảm quân số, chỉ trả lương 60% cơ số, sống bằng các hợp đồng làm thuê , dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị. Thỉnh thoảng được đặt hàng phim kỷ niệm giáo dục truyền thống thì phim đó phải gánh cả lương cho những năm tháng không có phim sản xuất.

Đặt hàng theo định hướng, đánh giá hiệu quả theo doanh thu

Nhà nước đặt hàng làm phim phục vụ chính trị theo tiêu chí định hướng XHCN, giáo dục tư tưởng, xét duyệt phim và nghiệm thu phim đều theo các tiêu chí ấy, nghĩa là không phải đặt làm một hàng hoá điện ảnh. Nhưng  sản phẩm mang tính tuyên truyền quảng cáo và giáo dục này lại được phát hành và  đánh giá theo cách của một hàng hoá độc lập lưu thông trên thị trường tự do – lấy doanh thu để đánh giá giá trị. Đây là lỗi  hệ thống lớn nhất khiến phim đặt hàng về lịch sử cách mạng làm ra không đến được với khán giả như mong muốn.

Nếu bộ phim là một hàng hoá đích thực thì nó phải  hướng đến khán giả, sáng tác theo những điều khán giả muốn xem, rồi có thể nương theo đó mà gửi gắm thêm những thông điệp nghệ thuật hay tư tưởng. Nhưng các phim này không phải hàng hoá vì nó được làm ra để tuyên truyền quảng cáo. Nghịch lý là ở chỗ: Tuyên truyền quảng cáo mà lại còn muốn người xem bỏ tiền ra mua vé để thu hồi vốn.  Chẳng khác gì các hãng nước ngọt Coca Cola bỏ ra  vài triệu đô để làm ra một clip quảng cáo 30 giây lại muốn nhà Đài phải bỏ tiền ra để mua clip ấy phát sóng và những người xem TV phải trả tiền xem clip ấy.

Từ “Đưa phim đến người xem” tới “Lôi khán giả đến rạp”

Thời  bao cấp, khẩu hiệu chiến lược của ngành điện ảnh là “Đưa phim đến khán giả”. Bộ Văn hoá có hệ thống phát hành của mình như hệ thổng rạp trực thuộc Bộ và các rạp, các đội chiếu bóng lưu động trực thuộc các địa phương nên đã làm rất tốt công tác phát hành, đưa sản phẩm điện ảnh đến tận nơi cho khán giả xem.  Các rạp tự cân đối, lấy doanh thu của phim ăn khách, phim giải trí, phim nước ngoài bù cho các phim giáo dục chính trị và tư tưởng được các rạp và các đội chiếu phim lưu động chiếu miễn phí hoặc bán vé giá rẻ phục vụ đông đảo người xem, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Những năm 70, có bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất được in ra hàng chục thậm chí hàng trăm bản copy để đem đi phát hành trong cả nước.

Thời kinh tế thị trường người ta giương lên khẩu hiệu mới: “Lôi khán giả đến rạp”, sản xuất phim theo lối làm hàng hoá hấp dẫn để khán giả có nhu cầu mua vé vào xem. Khi đã làm phim như làm hàng hoá thì các đội chiếu phim lưu động bị dẹp dần, vô hình chung gạt ra ngoài lề cuộc sống thời đổi mới hàng triệu khán giả nông thôn, miền núi và hải đảo, quên dần các các khán giả ngồi đất, các khán giả dầm mưa để hướng tới các khán giả máy lạnh, các khán giả ăn bỏng ngô trong các rạp của các thành phố lớn. Thế rồi, phim sản xuất ra cũng chỉ để hướng tới chiều theo thị hiếu của loại khán giả này, hướng tới nhu cầu và thị hiếu mang tính giải trí của những đô thị lớn. Các rạp cũng chỉ chọn lọc những bộ phim ăn khách để làm ăn có lãi. Trong bối cảnh như thế, những phim tuyên truyền cách mạng , giáo dục tư tưởng như “Sống cùng lịch sử” của một Hãng phim không có đủ tư cách pháp nhân sản xuất hàng hoá điện ảnh và giao dịch theo luật chơi của thị trường mà lại có nhiều khách mua vé vào xem ở các rạp trong các thành phố lớn mới là chuyện lạ.

Phương hướng khắc phục lỗi hệ thống:

 1. Cho cổ phần hoá ngay các Hãng phim nhà nước như Hãng phim truyện VN để các hãng này có đủ tư cách pháp nhân và năng lực “tay bo“ trong cơ chế thị trường, không phải chỉ sống bằng đầu vào của các phim đặt hàng, tài trợ.

2. Thay đổi quan niệm về cách giáo dục tuyên truyền bằng điện ảnh theo lối lên lớp giảng bài, để xét duyệt kịch bản đặt hàng một cách cởi mở tinh tế hơn, có thể lồng ghép nội dung tuyên truyền giáo dục vào những bộ phim giải trí. Mặt khác, mở rộng phạm vi đặt hàng tài trợ cho cả các Hãng phim tư nhân để khai thác năng lực sản xuất các hàng hoá điện ảnh có khả năng hút khách của họ.

3. Cần xác định rằng, các phim đặt hàng phục vụ mục đích chính trị được đánh giá theo số lượng người xem chứ không phải được đánh giá theo số tiền bán vé. Không phải cứ chiếu miễn phí là có nhiều người xem. Nhiều phim chiếu miễn phí trên TV không có khán giả. Vì vậy, nếu như các công ty đặt làm quảng cáo phải bỏ tiền ra thuê nhà đài phát quảng cáo đó trên sóng, thì nhà nước đặt hàng làm các phim tuyên truyền giáo dục cũng phải tài trợ cho phát hành, hoặc thuê các rạp chiếu phim miễn phí cho các bộ phim này để phim phát huy hiệu quả giáo dục trong phạm vi rộng rãi./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476