Cuộc sống quanh ta
“Chúng tôi đói” và hình ảnh nhói lòng về thầy giáo người Anh cầm bảng xin giúp tiền mua thức ăn
Một clip đăng tải trên báo điện tử VietNamNet, ghi lại hình ảnh người nghèo Hà Nội nhận những túi gạo từ thiện tại cây ATM gạo tại số 8, Quang Trung, Hà Đông khiến mọi người không khỏi bùi ngùi xúc động.
Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong clip là cảnh người đàn ông đứng tuổi hai tay ôm chặt túi gạo trước ngực với câu nói “Chúng tôi đói!”.
Không chỉ riêng người đàn ông đội nón lá rộng vành với câu nói nhói lòng, hàng ngàn người gặp hoàn cảnh tương tự cũng đã mấy ngày nay xếp hàng trong nắng gió trước những cây ATM GẠO ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột và nhiều nơi khác.
Thầy giáo người Anh, ông J.D. sang Việt Nam dạy tiếng Anh đã mấy năm nay nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, các trung tâm ngoại ngữ ngừng hoạt động, mất việc, ông rơi vào cảnh thất nghiệp 3 tháng nay.
Tuy là người nước ngoài, nhưng ông J. cũng hoàn cảnh lắm. Ông J. không lập gia đình, cha mẹ ở Anh đều đã qua đời. Người thân duy nhất là em gái đã kết hôn nhưng hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn.
Cô đơn nơi đất khách quê người, khi mất việc tình cảnh của người thầy giáo này càng khó khăn, chẳng biết bấu víu vào đâu. Vạn bất đắc dĩ, thầy J. đành phải cầm tấm biển đứng xin tại đường Võ Văn Kiệt giao nhau với Nguyễn Tri Phương. "Tôi vứt bỏ sĩ diện của một giáo viên, cầm tấm bảng xin ăn để mong vượt qua khó khăn này. Nhưng điều tôi muốn hơn có việc làm. Không có việc làm, không có lương, tôi chỉ có thể đứng bên đường mong sự giúp đỡ từ một số người tốt bụng", thầy J. buồn lòng nói.
Chúng tôi đói! Câu nói nhói lòng ấy của người dân có lẽ đã cho thấy hệ lụy của dịch Covid-19 bắt đầu hiển hiện dù chỉ mới sau tháng rưỡi bùng phát, đặc biệt là sau hai tuần thực hiện chỉ thị 16.
Chúng tôi - đây là tầng lớp thuộc nền “kinh tế vỉa hè” với khoảng 20 triệu lao động, chiếm khoảng 30% thị phần GDP. Họ là những người bán hàng rong, chạy xe ôm, thợ hồ, cửu vạn,… kiếm ăn trên hè phố; thu nhập hàng tháng bấp bênh, luôn trong tình trạng ăn bữa tối lo bữa mai.
Chúng tôi đây là các tầng lớp lao động khác như công nhân, người làm công, giáo viên trường tư chịu tác động của dịch Covid-19 mà bị mất việc hay tạm ngưng hợp đồng công việc, không lương, không có nguồn thu nhập nào khác ngoài lương. Đối với họ, khả năng tài chính rất có hạn.
Sẽ ra sao đối với những đối tượng yếu thế nói trên nếu dịch bệnh kéo dài hàng tháng, hàng quý hay cả năm?
Ông J.D không thể cầm biển đứng ngoài đường phố mãi. ATM gạo tuôn chảy yêu thương nhưng liệu có đáp ứng nổi khi lượng người gia nhập đội quân “chúng tôi đói” ngày càng tăng lên vì tình trạng mất việc làm kéo dài?
15 ngày cách ly xã hội ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho ta hình dung được những khó khăn thử thách đang dần hiện hữu trong đời sống mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội.
Câu hỏi lớn đặt ra nóng bỏng hiện nay là: Làm thế nào để vừa chống dịch thành công lại vừa duy trì được an sinh xã hội?
Mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta chuyển trạng thái đời sống và kinh tế cả nước sang trạng thái mới là sống với bệnh truyền nhiễm Covid-19 nhưng không có dịch Covid-19”. Quan điểm của ông Nhân nói nôm na là sống chung với dịch bệnh, cũng như ta đã từng nói sống chung với lũ. Quả là một bài toán khó, đầy thách thức không chỉ riêng nước ta mà còn cho cả thế giới trong bối cảnh hiện tại.
Hôm qua, các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin đề xuất giải pháp thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4 với mô hình dự báo nguy cơ phân thành 3 nhóm theo từng tỉnh, thành phố: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau, nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 15/4 về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất nói trên,theo đó chia mức độ nguy cơ làm 3 nhóm: Có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến, có thể xem lại để điều chỉnh. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý nhóm nguy cơ cao không chỉ tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ thị 16 mà còn cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
Đây là giải pháp hợp lý trong tình hình dịch bệnh hiện tại của đất nước, đem lại hy vọng cho hàng triệu người lao động đang đối mặt với nguy cơ… đói.
Song song với đó, mỗi người dân cũng phải tự xác định cho mình phương châm sống chung với dịch bệnh, nghĩa là chấp nhận nó với tâm thế phòng thủ của mình: Sống chậm và tự giác thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, hạn chế tụ tập đông người) cũng như xây dựng một kế hoạch thu chi gia đình hợp lý theo phương châm hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.
15-4-2020
Nguyễn Duy Xuân
tin tức liên quan
Videos
Những trình diễn ma thuật trong Mắt biếc của Toni Morrison
Mùa Xuân nghĩ về Bác Hồ, Đảng và vận mệnh dân tộc
Thay đổi tư duy, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học, nghệ thuật và công nghệ để nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng
Uy Minh vương Lý Nhật Quang với mảnh đất Cự Đồn
Khai mạc Giải Bóng bàn lứa tuổi trẻ các Câu lạc bộ tỉnh Nghệ An năm 2023
Thống kê truy cập
114487778
2192
2337
22132
215090
120271
114487778