Cuộc sống quanh ta

Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Phần I)

 (VHNA):  Ngày 1 tháng 12 năm 2009, tại hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức tang lễ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập theo nghi thức quốc gia và tổ chức an táng  tại quê nhà (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Tháng 3 năm 2010, Ban liên lạc Họ Hà Việt nam đã xuất bản sách Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, theo giấy phép số 13/GP-STTTT do Sở  Thông tin Truyền thông Hà Tĩnh cấp ngày 9/2/2010.

Chúng tôi giới thiệu nội dung cuốn sách này như là một tài liệu tham khảo để bạn đọc có thể tiếp cận với sự kiên/hiện tượng này từ nhiều hướng khác nhau, từ lịch sử,  văn hóa và tâm linh... nhất là những tiềm năng ngoại cảm đặc biệt của con người. Tài liệu này có sự kiểm chứng của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và do đại diện Ban liên lạc Họ Hà Việt Nam và các tác giả cung cấp.

Trân trọng giới thiệu 

 

LỜI GIỚI THIỆU

GS. VS Đào Vọng Đức
Viện Vật Lý và Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người

Cuộc hành trình tìm kiếm di hài cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã hoàn thành với kết quả mong đợi. Tôi có cơ duyên tham gia công việc từ những ngày khởi đầu cũng như nhiều người đã được chứng kiến sự kiện, chúng tôi giữ mãi những kỷ niệm đầy ấn tượng và xúc động.

Nhớ lại cách đây gần hai năm, một số đại diện cho dòng họ Hà - Ông Hà Huy Lợi, Đại tá Hà Văn Sỹ, và Phó giáo sư - Tiến sỹ Hà Vĩnh Tân - đã bố trí cuộc gặp với Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người, bày tỏ nguyện vọng nung nấu của dòng họ, tìm kiếm di hài của cụ Hà Huy Tập để đưa về an táng tại quê hương Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh. Nhận thức rằng đây là việc làm đầy tình nghĩa, có ý nghĩa lớn lao không những riêng cho dòng họ mà là chung cho cả đất nước. Thuận theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Trung tâm đã rất nhiệt tình hưởng ứng và tích cực hỗ trợ cho việc tìm kiếm.

Trong những thập kỷ gần đây chúng ta chứng kiến những bước phát triển ngoạn mục của Khoa học kỹ thuật và công nghệ, đánh dấu bởi vô số những phát minh kỳ diệu từ những lãnh vực lý thuyết trừu tượng nhất đến các ứng dụng rộng rãi nhất trong thực tế sản xuất và đời sống. Cũng đồng thời ngày càng dồn dập những thông tin, trong nước cũng như trên thế giới, về những khả năng rất kỳ lạ của con người, những hiện tượng siêu phàm kỳ bí, thể hiện rất đa dạng trong đời sống cộng đồng, mà không cách nào lý giải nổi trong khuôn khổ những kiến thức đã có của các ngành Khoa học truyền thống

Tiếp cận những vấn đề này một cách khách quan, tôn trọng sự thật, với thái độ thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi để khám phá, nhằm mục đích tối thượng phục vụ cộng đồng, là điều tâm đắc cuả rất nhiều nhà nghiên cứu trong các lãnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Khoa học phi truyền thống.

Có thể dự đoán rằng để có một lý thuyết về các khả năng đặc biệt của con người, về các hiện tượng siêu nhiên sẽ phải vận dụng phối hợp nhiều ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đặc biệt là Triết học, Cận tâm lý học và Thần học. Và cũng dễ hiểu rằng trong cuộc hành trình này - Vật lý học, với những thành tựu vĩ đại trong thế kỷ qua là Thuyết lượng tử và Thuyết tương đối và thành tựu có tính cách mạng đang chờ đón trong những thập kỷ tới là Lý thuyết Đại thống nhất, sẽ có những tác dụng định hướng.

Lịch sử phát triển của Khoa học cho thấy rằng những phát minh lớn có được không chỉ dựa vào lý trí và lập luận logic mà còn bằng cả những nhạy cảm thẩm mỹ và sự hỗ trợ của yếu tố trực giác, cảm hứng.

Theo dự đoán của nhiều học giả nổi tiếng thì thế kỷ 21 này sẽ được đánh dấu một bước tiến vĩ đại, đó là nhận thức được rằng Khoa học và Tâm linh không đối nghịch nhau, mà là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại.

Einstein - nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ 20, người khai sáng ra Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử, những luận thuyết đã mang lại biết bao thành quả diệu kỳ trong Khoa học và Công nghệ hiện đại - vẫn luôn tự đánh giá vốn kiến thức của mình còn quá nhỏ bé trước cái huyền bí bao la và sâu thẳm của vũ trụ, đã khẳng định rằng: “Khoa học, Tôn giáo, Nghệ thuật là những cành nhánh của cùng một cây... Khoa học không có Tôn giáo thì khập khiễng, Tôn giáo không có Khoa học thì mờ ảo”.

Pauli, nhà vật lý lừng danh với “Nguyên lý loại trừ Pauli” trong Vật lý nguyên tử, nhận định rằng “Nếu Vật lý và Tâm linh được xem như các mặt bổ sung cho nhau của thực tại thì sẽ cực kỳ thỏa mãn”.

Tiên đề xuyên suốt của Thuyết lượng tử là tính đối ngẫu bổ sung của thực tại thông qua “Nguyên lý bổ sung đối ngẫu” khẳng định rằng mọi vật thể cùng một lúc thể hiện mình với hai bản chất tương phản nhau: Sóng và Hạt. Nguyên lý này dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trong là vật thể vi mô chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là chuyển từ vị trí này qua vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc. Suy rộng ra là có thể cùng một lúc hiện diện tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc có thể ở trong vô số trạng thái khác nhau. Điều này gợi cho ta liên tưởng đến các câu chuyện thần thoại về thần thông biến hóa, xuất quỷ nhập thần... Thuyết lượng tử nhìn nhận một cách sâu sắc rằng bản chất của mọi vật thể là sóng, thế giới hiện tượng là những con sóng uốn lượn lan tỏa trên mặt một đại dương năng lượng mênh mông, có lúc cô đọng lại thành các khối có hình thể và rồi cũng lại tan biến thành sóng trên mặt đại dương đó.

Nguyên lý bổ sung đối ngẫu cũng hoàn toàn phù hợp với giáo lý Đạo Phật, thể hiện sâu sắc nhất trong Kinh Kim Cương và Kinh Bát Nhã Ba La Mật khi luận về tính đối ngẫu của Ngũ Âm: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức cũng như trong đạo lý Chân Không.

Cũng hoàn toàn trùng hợp với đạo lý chân không trong Kinh Phật, thuyết lượng tử dẫn đến một hệ quả rất quan trọng là không thể tồn tại chân không như một “không gian trống rỗng”. Khi hội tụ các điều kiện thích hợp, từ chân không sẽ tạo ra các hạt và phản hạt mọi thể loại, tương tác với nhau theo mọi cách để tạo ra thế giới hiện tượng muôn hình muôn vẻ như ta cảm nhận, và cuối cùng lại hủy hoại trở về chân không.

Chân không là trạng thái nền với mức năng lượng thấp nhất, nhưng mức thấp nhất ấy cũng đã là lớn vô hạn. Bản chất này của “Chân Không lượng tử” dẫn đến một hệ quả rất đặc biệt là sự tồn tại một tha lực kỳ bí trong đó (Hiệu ứng casimir). ứng dụng hiệu ứng này vào công nghệ nano và tìm kiếm những năng lượng mới là một hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn có tính thời sự đặc biệt, đang được nhiều người quan tâm.

Một phương hướng nghiên cứu sâu sắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt của vật lý học hiện đại là xây dựng Lý thuyết Đại thống nhất - thống nhất các dạng tương tác - các dạng năng lượng trên cùng một nền tảng. Các kết quả nghiên cứu lý thuyết phát hiện rằng ngoài ba chiều không gian như ta đang sống và cảm nhận, nhất thiết phải có thêm ít nhất là sáu chiều không gian phụ trội. Điều đặc biệt là trong Lý thuyết Đại thống nhất này nhất thiết phải tồn tại các trường “Vong”. Các trường “Vong” giữ vai trò chủ chốt trong các cấu trúc, có tác dụng chủ đạo chi phối các cơ chế tương tác nhưng không hề xuất hiện một cách tường minh trong thực tế.

Những thành tựu của Khoa học và Công nghệ hiện đại rọi những tia sáng mới vào Khoa học dự báo. Người ta dần dà cảm nhận được mối liên hệ sâu xa giữa Khoa học dự báo và Khoa học hiện đại, đặc biệt là Vật lý học. Dự báo liên quan chặt chẽ với phạm trù không - thời gian, mà bản chất của không - thời gian lại là một trong những vấn đề cốt lõi nhất của Vật lý học hiện đại.

Theo Thuyết tương đối của Einstein, không gian và thời gian đều có cùng một bản chất và biến đổi qua nhau theo các hệ quy chiếu.

Thuyết tương đối rộng Einstein còn cho thấy rằng không gian và thời gian thay hình đổi dạng theo nội dung của vật chất tồn tại trong đó, và khẳng định rằng khái niệm không - thời gian khi bị tách ra khỏi mọi nội dung vật lý thì không tồn tại.

Ta thường cảm nhận về sự trôi chảy của thời gian, nhưng đó chỉ là ảo tưởng của tâm thức. Chính Einstein đã phát biểu rằng “Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là những ảo tưởng cố hữu”. Khoa học hiện đại cũng đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề vì sao ta lại có những cảm nhận về sự chuyển động của thời gian. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cảm nhận đó liên quan đến các quá trình lượng tử xảy ra trong não bộ. Chính trong lúc hành thiền sâu nhiều vị thiền sư đã đạt được trạng thái không còn ảo giác đó, lúc này vạn vật dường như đóng băng lại trong thời gian.

Vật lý học hiện đại hình dung thời gian trong tổng thể như một “thời cảnh” trong đó các sự kiện được đính vào thời điểm cố định, cũng tương tự như hình dung, không gian như một phong cảnh trong các vật thể được đặt ở các vị trí xác định.

Đặc biệt, trên cơ sở lý thuyết đại thống nhất hiện đại nhất - lý thuyết Dây, lý thuyết M có thể giải thích hiện tượng linh cảm một cách khoa học. Trong mô hình vũ trụ suy ra từ lý thuyết này tồn tại cùng một lúc vô số những con người khác nhau trong cùng một con người, và cùng một lúc tất cả các thông tin về vũ trụ ở mọi thời đại đều hiện hữu. Cũng cần nói thêm rằng liên quan đến Thông tin - Dự báo, một lãnh vực đang được phát triển mạnh mẽ là Máy tính lượng tử, Viễn tải lượng tử và Thông tin lượng tử, và một phương hướng nghiên cứu phát sinh từ đó là “Viễn tải tâm linh” (psychie tele-portation) đang được đặc biệt quan tâm. Thực chất của “Viễn tải tâm linh” là áp dụng các nguyên lý của máy tính lượng tử để truyền đạt ý tưởng con người, hoặc điều khiển các vật thể di chuyển bằng cách sử dụng một dạng năng lượng tâm linh huyền bí.

Ở đây, về lý luận còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, rất nhiều câu hỏi phải được lý giải. Chẳng hạn: Các chiều không gian phụ trội thể hiện ở đâu? Bản chất là gì và hình dáng ra sao? Những gì tồn tại trong đó?.v.v. Có giả thiết cho rằng các chiều không gian phụ trội này chính là các chiều liên quan đến thế giới tâm linh. Cũng nảy sinh một câu hỏi rất tự nhiên rằng: ngoài các dạng tương tác đã biết được hiện nay còn tồn tại chăng các dạng tương tác khác chưa được phát hiện? Không loại trừ rằng còn có các dạng siêu tương tác ứng với các dạng siêu năng lượng liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên mà các giác quan bình thường của con người chưa thể cảm nhận được, cũng như Khoa học và Kỹ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện.

Ở đây ta có thể liên tưởng đến một dạng siêu năng lượng bắt nguồn từ lòng vị tha bác ái, được nói đến nhiều trong Kinh Phật, cũng như các vị Thầy tâm linh thường nhắc nhở - Lòng từ bi, tình yêu thương chân thành cũng như môi trường tình thương dẫn đến một dạng tương tác tâm linh tạo ra “năng lượng tình thương” giúp chiến thắng bệnh tật và tạo nên sức mạnh vô biên.

Rõ ràng rằng nghiên cứu các lĩnh vực với mức độ tinh tế khác nhau thì cách tiếp cận phải khác nhau, đặc biệt với các hiện tượng siêu tinh tế thì đòi hỏi phải vận dụng các khái niệm và các hệ tiên đề hoàn toàn mới, có thể rất xa lạ với những điều đã quen thuộc trước đó. Đây là cuộc viễn chinh Khoa học gian nan nhưng đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa Khoa học và Tâm linh, sự đóng góp lâu dài công sức và trí tuệ của các nhà khoa học và các nhà ngoại cảm.

Có thể hy vọng rằng cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của Khoa học và Công nghệ, dần dà chúng ra sẽ tiếp cận được những hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem là huyền bí hoặc hầu như là phí lý.

Tập sách này kể lại một cách trung thực một số nét chủ yếu về những sự kiện đáng ghi nhớ qua những ngày tháng của cuộc hành trình tìm kiếm đó. Với những minh chứng đầy sức thuyết phục qua những lời kể sinh động trong tập sách, có cơ sở để có thể khẳng định sự tồn tại các vong linh và vai trò nổi bật của các yếu tố tâm linh trong cuộc hành trình này.

Xin trân trọng giới thiệu tập sách “Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập” cùng độc giả với hy vọng sẽ đem lại nhiều điều bổ ích và đầy ý nghĩa.

Hà Nội ngày 22 tháng 2 năm 2010

 

LỜI NÓI ĐẦU

Chương trình tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tậplà một câu chuyện dài, li kì và đầy trắc trở. Nhưng con cháu dòng họ Hà, nhất là những người trực tiếp tham gia chương trình vẫn một lòng, một dạ đi tới cùng, và kết quả: di hài cố TBT Hà Huy Tập đã được Đảng, Nhà nước tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc gia tại Dinh Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 12 năm 2009.

Cuốn sách nhỏ này là công trình tập thể của những người là con cháu họ Hà, trực tiếp tham gia từ đầu chương trình ghi lại, do ông Hà Huy Lợi làm chủ biên, hầu mong dâng lên tiên tổ món quà tinh thần nhỏ bé, và cũng là món quà kỉ niệm cho con cháu trong dòng họ và bạn đọc quan tâm.

Cuốn sách nhỏ này cũng là tri ân của con cháu với cụ Hà Huy Tập - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tấm gương yêu nước sáng ngời cho muôn đời con cháu noi theo.

Trong quá trình tìm kiếm di hài cố TBT, chúng tôi có một thiếu sót là không ghi chép, ghi âm, quay camera được đầy đủ. Do đó, khi làm cuốn sách này sẽ không thể tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên, với những tư liệu đã có, về cơ bản cũng phản ánh một cách trung thực được những gì đã diễn ra của những người được “tai nghe, mắt thấy”.

Chúng tôi vô cùng biết ơn Đức Hoàng Mười đã giúp đỡ dòng họ Hà tìm được hài cốt cố TBT Hà Huy Tập. Chúng tôi cũng vô cùng biết ơn tiên tổ, mà trực tiếp là vong linh cụ tổ Hà Mại (1334-1410) - Thuỷ tổ họ Hà -Hà Tĩnh, một danh tướng dưới triều Trần đã về dẫn dắt con cháu hoàn thành tâm nguyện. Xin cảm ơn nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh (ghế của Đức Hoàng Mười) các nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận, Phan Thị Bích Hằng; chị Trần Thu Hà phó phòng trắc nghiệm và các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã cùng chúng tôi lặn lội bao tháng ngày vất vả và một số bạn bè... đã tích cực tham gia chương trình cùng con cháu...

Những mong các chiến sĩ cách mạng tiền bối cũng như các anh hùng liệt sĩ không phải mãi mãi nằm ngoài gió sương. Cho tôi nhắc lại câu nói của một nhà thơ đượm mầu tâm linh dân tộc: “Ai biết sống cho người đã chết thì sẽ được cho người đang sống”.

Cuốn sách này đã được sửa chữa theo Công văn số 97/STTTT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh “Về việc đính chính sai sót trên xuất bản phẩm Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

HÀ HUY THANH


Từ năm 2002 Hà Huy Dũng (cháu thúc bá của ông Hà Huy Tập) đã ra tận Hàm Rồng, Thanh Hoá để cầu gặp vong ông Tập. Nhưng từ những thông tin thu được thấy chưa thực sự thuyết phục. Do đó bẵng đi một thời gian, Đến năm 2005 tôi cùng đại tá Hà Văn Sỹ nguyên phó cục trưởng cục xăng dầu quân đội- những người con cháu trong dòng họ Hà (ở Hà Tĩnh) tiếp tục đi theo con đường tâm linh để tìm mộ bác Hà Huy Tập. Cũng giống như mọi gia đình, mọi dòng họ khác, việc tìm mộ các vị bậc trên và tổ tiên trong họ là việc tâm đức, cần làm. Ai chẳng mong quy tập được phần mộ tổ tiên mình.

Đối với bác Hà Huy Tập là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nên còn là niềm tự hào của con cháu họ Hà. Bác đã hi sinh tuổi trẻ của mình cho độc lập - tự do, cho giải phóng dân tộc khỏi xích xiềng thực dân. Bác là vị Tổng Bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau TBT Trần Phú và Lê Hồng Phong). Bác Trần Phú đã thấy mộ rồi, còn bác Tập vẫn nằm ngoài sương gió. Điều đó càng day dứt, càng thôi thúc chúng tôi thêm quyết tâm đi tìm mộ bác.

Suốt mấy năm liền chúng tôi tìm đến những người có khả năng đặc biệt, nhưng nhìn chung những thông tin thu được vẫn còn mờ nhạt, không đủ thuyết phục. Do đó, cuộc tìm kiếm cứ kéo dài.

Tháng 7 năm 2008, được PGSTS Hà Vĩnh Tân đang làm việc tại viện vật lý đồng thời là Uỷ viên Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (TTNCTNCN) giới thiệu cho chúng tôi tiếp xúc vơí Giám đốc và các phó giám đốc Trung tâm. Được lãnh đạo Trung tâm đồng ý chúng tôi gặp chị Trần Thu Hà là phó trưởng phòng trắc nghiệm của Trung tâm. Chị Hà giới thiệu ở Trung tâm có nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, soi và gọi hồn rất được tín nhiệm. Nhà ngoại cảm Ánh còn thỉnh được Thánh, chữa được bệnh âm và tìm mộ. Thế là tôi nhờ cô Hà xếp lịch cho chúng tôi gặp nhà ngoại cảm Ánh.

Đúng 9h ngày 23 - 9 - 2008 tại phòng làm việc của TTNCTNCN ở số 10 phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi gồm Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân, Hà Huy Thành và cháu Hà Huy Thanh (con trai tôi). Về phía Trung tâm có giáo sư Viện sĩ Đào Vọng Đức Giám đốc TT; TS Bùi Hoàng Oanh phó giám đốc TT; chị Trần Thu Hà và nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh. Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi gặp nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh thấy dễ gần gũi, nhưng... trông hiền lành quá, chân chất như nông dân. Có điều, với gương mặt đầy đặn, phúc hậu và đôi tai như tai Phật, chúng tôi thấy dễ tin.

Phòng làm việc rất đơn sơ. Trên một chiếc bàn sắp sẵn lọ hoa và đĩa quả, nhà nhà ngoại cảm Ánh thắp ba nén hương rồi khấn vái, xin Đức Hoàng Mười về dương làm việc. Lát sau vong Đức Hoàng Mười về nhập vào nhà ngoại cảm Ánh. Chị Hà dâng thuốc lá và chén nước. Chúng tôi cảm thấy gương mặt nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh đổi khác, trông vẫn đôn hậu nhưng uy nghiêm, nước da hồng lên và Đức Hoàng Mười điềm tĩnh hút thuốc. Trong mỗi chúng tôi bỗng dâng trào niềm thành kính và gần gũi. Dường như Đức Hoàng không còn là người âm. Cảm giác này có lẽ do đền thờ Đức Hoàng Mười ngay bên bờ sông Lam quê tôi, nơi chúng tôi vẫn thường ra dâng hương nên tự dưng thấy gần gũi. Tôi trình với Đức Hoàng nguyện vọng của con cháu họ Hà và xin được gặp vong linh tiên tổ. Trước tiên Đức Hoàng soi cho tôi về âm phần mồ mả, đất cát, gia sự. Đức Hoàng còn nói nhà tôi có người chết vì bị hổ vồ... Tất cả đều đúng, nhưng tôi không tiện nói lại. Về việc của dòng họ, Đức Hoàng nói là nhiều năm đã có tâm nhưng không biết cách tổ chức và không kiên nhẫn nên việc đi tìm mộ chưa được. Nếu muốn tìm mộ thì con cháu trong dòng họ phải nhất tâm, lúc ấy Đức Hoàng sẽ giúp tìm được mộ. Có lẽ có sự sắp xếp của tổ tiên, hôm đó chúng tôi gặp được ba vong trong dòng họ.

Vong về đầu tiên là một cậu bé họ Hà. Tôi bàng hoàng xúc động hoá ra đó lại là con trai tôi bị mất năm 1984. Cậu nói: “Con chào cha! Cháu chào các bác, các cô, các chú! Cha ơi! Dòng họ nhà mình có ông Tổng Bí thư (TBT) to lắm, con gọi là ông trẻ. Ông trẻ là con thứ trong gia đình. Ông trẻ học giỏi lắm. Ông vừa học vừa đi dạy học và ông yêu nước lắm. Năm 1924 đã bắt đầu biết đấu tranh với thằng Pháp. Năm 1928 tháng 1 ngày 16 ông lấy vợ tên là bà Giáo. Ngày 21 tháng 4 năm 1931 ông trẻ viết thư gửi cái ông gì ở Tây giải thích thêm về việc gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 4 năm 1931 ngày 25, ông được Đảng Cộng sản Liên Xô kí quyết định cấp thẻ Đảng viên số 10444. Mà ông giỏi lắm. Ông được đi Nga, đi Pháp, đi Trung Quốc, đi Ma Cao; nhưng ông chết thì lại ở Hóc Môn, Sài Gòn Gia Định cơ, chứ không phải chết ở quê đâu”.

Anh Hà Văn Sỹ hỏi: “Thế cháu có biết ông trẻ sinh năm bao nhiêu không?”. Cậu bé trả lời: “Thế cháu và bác đều viết ra tay xem ai đúng”. Mọi người đều cười ồ. Sau đó cậu bé và anh Sỹ đều viết gì vào lòng bàn tay. Khi hai người cùng giơ tay lên thì thấy trong lòng bàn tay anh Sỹ có số 1906, tay cậu bé cũng ghi 1906. Cậu nói luôn: “Ông trẻ nhà mình có 3 năm sinh đấy, và ông còn nhiều bút danh lắm. ông là Hồng Thế Công, là Thanh Hương, và còn cả tên tây nữa, khó đọc lắm. Ông trẻ bảo với cháu: Tháng 7 năm 1936 ông được bầu làm TBT. Tháng 8 thì cơ quan chuyển về Bà Điểm, Hóc Môn. Năm 1937 tại Hóc Môn có nhiều cuộc họp mà ông trẻ chủ trì lắm. Tháng 5 ngày mùng 1 năm 1938 bọn nó bắt ông trẻ và sau 24 ngày nó buộc tội ông dùng căn cước giả”. Mọi người liền hỏi: “Thế ông ở dưới ấy có khổ không?”. Cậu nói: “Tí nữa ông về thì hỏi. Mà ông khổ hay sướng ông cũng không nói đâu. Mà mọi người nhớ nhé, ông về không ai được nhắc tới vợ của ông đâu, vì ông đã li hôn rồi. Bà Giáo (vợ ông) đã lấy người cùng quê với ông nên mọi người không ai được nhắc tới. Ông buồn đấy! Ông trẻ bị bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Giỗ ông trẻ là ngày 28 tháng 8. Ông bảo chuyển sang ngày âm cho dễ nhớ. Năm ông chết mới 35 tuổi. Ông đẹp trai lắm!”.

Hi hi... cậu bé cười rất hồn nhiên, mọi người cứ ngớ ra vì không hiểu thế nào mà cậu nói vanh vách như thế. Chị Thu Hà liền hỏi: “Thế cháu có biết mộ ông trẻ nằm ở đâu không? Và ông trẻ có muốn về không?”. Cậu bảo: “Biết chứ. Còn về hay không thì cháu không biết!”. Bác Sỹ và cha gọi ông trẻ vào mà hỏi”. Rồi cậu bé liền chỉ sang con trai tôi là Hà Huy Thanh mà bảo: “Anh là giám đốc mà chả mua cho em cái kẹo. Đúng là giầu mà keo!”. Rồi cậu cười hi hi, thật hồn nhiên. Tôi giật mình, làm sao mà cậu biết đó là anh trai, mà lại biết cả anh làm giám đốc, vì khi đó cháu Thanh là giám đốc Công ty CIC. Cậu lại chỉ vào em trai tôi là Hà Huy Thành, nói: “Mợ đâu mà không đi, lại có mình chú đi? Nhà chú có thằng em đang bị bệnh âm đấy. Mà nhà mình có cả chú Phú nữa nhé vì có thằng Thắng nó chết ở dưới âm, nhưng nay nó không về đây. Thôi, con đi đây. Cháu chào các bác, chào các chú, các cô!”.

Cậu bé đi rồi mà tôi vẫn còn bàng hoàng, xúc động. Không hiểu sao mà cậu biết hết mọi chuyện như thế, trong khi đây là lần đầu tiên gặp nhà ngoại cảm Ánh.

Còn vong ông Tập về chỉ có một nguyện vọng muốn gặp O Hồng là người con gái duy nhất của ông, đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông bảo: “Lần gặp nó cuối cùng là khi ông đang bị giam ở khám lớn. Khi đó nó mới 11 tuổi”. Bây giờ O Hồng đã 82 tuổi rồi. Ông bảo chúng tôi: “Con cháu đừng đi tìm ông nữa, vì trước lúc chết ông có gửi cho người em rể một lá thư, nói là cứ xem ông như người đi công tác xa. Giờ thì không nói lại được”.

Cả đoàn chúng tôi đều ra sức thuyết phục. Anh Sỹ thưa: “Ông ơi! ngày xưa khác. Lúc ấy ông làm thế là đúng. Còn bây giờ hòa bình, thống nhất rồi, nhân dân no ấm, hạnh phúc rồi. Lí tưởng của ông và các bậc tiền bối là độc lâp dân tộc đã được thực hiện. Vậy xin ông chỉ mộ để con cháu di dời hài cốt ông về quê hương!”. Nhưng ông bảo cái đó phải xem xét, để tính sau, cứ bố trí cho ông gặp con gái đi đã. Thế là tôi hứa với ông, ngày gần nhất chúng tôi sẽ mời nhà ngoại cảm Ánh vào Sài Gòn để ông gặp O Hồng. Trong thâm tâm tôi cũng muốn các nhà ngoại cảm đi thực địa một chuyến, vì ông Tập đã sống, chiến đấu và nằm lại nơi đó.

Sau đó, vong về thứ ba là ông Hà Huy Tường - ông thân sinh ra cố TBT Hà Huy Tập. Ông bảo ông cũng đỗ cử nhân, họ mời ông ra làm quan nhưng ông không ra mà về quê dạy học, làm thuốc. Ông khuyên chúng tôi “động viên cho thằng Tập nó về. Nó nặng nề về cái lá thư nó gửi trước đây lắm...”.

Có lẽ việc tìm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập là việc lớn, khác với việc tìm kiếm hài cốt thông thường, nên sau đó Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (TTNCTNCN) đã lập một đề tài khoa học “Chương trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập” do TS Bùi Hoàng Oanh làm chủ nhiệm, chị Thu Hà là thư kí đề tài. Theo đề nghị và sự sắp xếp của Trung tâm, việc tìm kiếm hài cốt bác Tập phải được báo cáo với vong linh Hồ Chủ Tịch, nên ngày 12 tháng 11 năm 2008 Đoàn cán bộ Trung tâm (gồm các vị trong Ban giám đốc và một số uỷ viên Hội đồng khoa học cùng con cháu trong dòng họ Hà chúng tôi lên K9 (ở Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) để trình với Bác. Được sự liên hệ trước của đại tá Hà Văn Sỹ, nên các đồng chí lãnh đạo lực lượng bảo vệ K9 tiếp đoàn rất thân mật.

Trở lại cách làm của Trung tâm là sử dụng thông tin độc lập của nhiều nhà ngoại cảm xem độ trùng khớp thông tin tới đâu. Sau này, chính thức Trung tâm mời ba người tham gia chương trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập. Đó là các nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Thuận và Phan Thị Bích Hằng.

Cũng sau ngày đó, chúng tôi gồm: Tôi (Hà Huy Lợi), Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân, Hà Huy Thanh, Hà Huy Dũng, Hà Huy Dương cùng với chị Trần Thu Hà và những người thân quen, đặc biệt hâm mộ như BS Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh.... nhiều lần đến Điện Đệ Nhất Vương Quan - nơi nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh lập để thờ phụng và làm việc. Tại đây, chúng tôi được Đức Hoàng Mười cho các vong linh gia tiên trong dòng họ về gặp con cháu.

Cái khác biệt nơi điện thờ ở nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh là vong linh nào về cũng thể hiện nguyên trạng như khi họ đang sống. Từ phong cách, nếp nghĩ, sinh hoạt và những gì họ biết, họ đã làm đều rất gần gũi, tự nhiên, chan hòa trong mỗi cuộc tiếp xúc. Thời gian đó các cụ tổ tiên họ Hà thường xuyên về chỉ dẫn cho chúng tôi nhiều điều. Lắm khi phải chỉ dẫn và trao đổi đột xuất qua điện thoại di động, nghĩa là người âm liên lạc với người trần bằng điện thoại. Không phải chỉ riêng tôi hay cháu Thanh mà cả anh Sỹ, chú Tân, cháu Dũng, chị Hà... cũng đã có những cuộc trao đổi bằng điện thoại như vậy.

Sau chuyến đi K9, chúng tôi có mời Trung tâm và các nhà ngoại cảm vào nhà thờ tổ dòng họ ở Hà Tĩnh để làm việc. Nhưng do nhà ngoại cảm Ánh không bố trí đi Hà Tĩnh được, nên ngày 8 tháng 12 năm 2008 chúng tôi đến Điện thờ Đức Hoàng Mười tại nhà nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh xin Đức Hoàng chỉ dẫn. Hoàng đã vẽ cho chúng tôi một bản sơ đồ khá tỉ mỉ. Nơi đó có nhà dân ở. Nhà này làm gì mà có cả xe cộ, máy móc và đất cát. Phía sau nhà có cửa mở thông ra là có thể nhìn thấy phần mộ bác Hà Huy Tập. Tôi hỏi Đức Hoàng ở đó có nhiều mộ không? Đức Hoàng bảo nếu nhìn trên mặt đất thì thấy bình địa vì họ đã san lấp, đổ đất lên trên. Nhưng khi bị xử bắn thì có hai người là Tổng Bí thư của Đảng với mấy đồng chí khác nữa, trong đó có một người là Bí thư xứ uỷ Nam Kỳ. Người Bí thư này quê ở đó thì đã được quy tập từ năm trước rồi. Số còn lại vẫn nằm quanh đó. Hôm xử bắn xong, người dân địa phương đã bí mật lấy xác những người bị bắn, đem đi chôn vào lúc xẩm tối. Nếu đoàn vào đó phải gặp được người có tên là Cửu Dốt (nhưng hiểu ngược lại) thì sẽ biết thêm một số thông tin, vì chính người này được sang tai lời người đi chôn cất. Còn phần mộ cố TBT nhà mình có độ sâu khoảng 80 phân đến 1 mét tính từ mặt đất cũ (tức là không tính phần đất mới đổ lên). Nơi hài cốt có một vật giống thanh sắt, nhưng không phải là sắt, mà là tre, chỉ dài khoảng mươi phân cắm ở cổ nối với thân. Hài cốt chôn không có quan ván gì cả, chỉ còn một chút xương ống, một ít xương sườn. Nhưng rõ nhất là cái răng hàm.

Chúng tôi hỏi: Cửu Dốt là người như thế nào? Đức Hoàng chỉ cười và nói: “Các gia chủ có biết cửu là mấy không? Dốt là gì không?”. Suy luận mãi chúng tôi mới biết Cửu là chín, trái với Dốt là giỏi. Hóa ra người đó là Chín Giỏi. Tôi lại hỏi Đức Hoàng khu vực đó cách xa trường bắn bao nhiêu? Đức Hoàng nói khoảng chín trăm đến một nghìn mét. Nhưng nhớ tới khu trường bắn phải tìm được anh Cửu Dốt để họ dẫn đường tới khu vực Tắm Ngựa.

Đặc biệt Đức Hoàng luôn nhấn mạnh về sự đồng tâm nhất trí của con cháu trong dòng họ. Đức Hoàng bảo: “Nếu các gia chủ và dòng họ nhất tâm thì Hoàng sẽ giúp. Vì Hoàng là quan Trấn thủ đất Nghệ An, tức là cả quê hương Hà Tĩnh nữa, mà vong là một con người lịch sử rất đáng trân trọng thì Hoàng sẽ giúp tìm được mộ”.

 Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114524617

Hôm nay

291

Hôm qua

2304

Tuần này

21319

Tháng này

211313

Tháng qua

0

Tất cả

114524617