Cuộc sống quanh ta

Cuộc tìm kiếm mộ Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Phần VII)

 

Đến 26-9 âm (tức là 12-11-2009) tôi và cháu Thanh đến nhà chỗ ở của nhà ngoại cảm Ánh xin Đức Hoàng cho gặp ông Hà Huy Tập. Bác Tập hoàn toàn đồng ý để cháu Thanh làm chủ nhiệm giai đoạn 3.

Ông Tập nói với cháu Thanh phải đàm phán với anh Hà Văn Thạch để anh em phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc sẽ xảy ra. Nguỵên vọng của ông Tập là sau khi đưa ông lên, phải để ông ở lại 18 thôn Vườn Trầu một ngày để ông còn gặp gỡ, chia tay bà con và các đồng chí của ông. Đến ngày 10-10 (âm lịch) đưa ông về quê là tốt nhất, nếu không đến rằm cũng được. Cháu Thanh thưa: “Xin ông chọn cho giờ tốt để con cháu đưa ông lên”. Ông Tập bảo mọi người cứ đưa đồng chí của ông lên trước, rồi ông lên sau kẻo mọi người lại quên đồng chí của ông. Ngày khai quật ông cho đúng mùng 6 tháng 10 (âm lịch). Còn giờ thì cứ vào đó sẽ có người chỉ đạo.

Ngày 14 tháng 11 (tức 28-9 âm) anh Sỹ, chú Tân lại đến xin Đức Hoàng ngày giờ khai quật. Đức Hoàng Mười nói rõ là ông Tập cũng đã chỉ rồi, đúng ngày Tân Mùi mùng 6 tháng 10 thì động thổ vào giờ dần. Hoàng còn nói theo yêu cầu của gia tiên họ Hà khi động thổ phải có một người cháu tên là Hoàng, khoảng 29 tuổi là trưởng từ đường của chi ông Tập, phải cuốc 7 nhát cuốc đầu tiên. Xin ghi lại nguyên văn văn bản “Lời chỉ dạy của ông Hoàng và cố Hà Mại” đã được mọi người lập và kí tên tại chỗ:
Lời chỉ dạy của ông Hoàng và cố Hà Mại
Vào hồi 15h30 ngày 14 tháng 11 năm 2009 (tức ngày 28-9 năm Kỉ sửu) ông Hà Văn Sỹ và Hà Vĩnh Tân được ông Hoàng cho gặp cố Mại sau đó Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân xin gặp lại ông Hoàng. Nội dung như sau:
1. Ngày khai quật tìm hài cốt cụ Hà Huy Tập: Ngày 06 tháng 10 Kỉ sửu, tức ngày 22-11-2009; vào giờ Dần từ 3h-5h sáng hoặc giờ Mão.
2. Động thổ:
a. Trước lúc động thổ phải có một lễ động thổ gồm: Hương, hoa, xôi, gà, 20 quan tiền cúng xong hoá (đốt tiền)
b. Động thổ: Cháu Hà Huy Hoàng là người đầu tiên động thổ với 7 nhát cuốc sau đó số người tham gia khai quật làm việc
c. Đào tìm hài cốt:
- Sau khi đào hết lớp đất vượt thổ (đến cốt 00)
- Đào tiếp 800mm-1000mm có rác rưởi (không tính), đến đó sẽ thấy một vật giống như cái túi nilon, khai xuống hài cốt cụ Tập còn một số răng, một số xương sườn. Có một thanh nhìn tựa sắt mà là tre.
Chú ý: Sẽ liên quan đến các số đuôi: số phòng 220, số nhà 13, số thẻ sinh viên 4716, số giấy đi tàu hoả miễn phí 0003822. Con cháu phải có người đứng ra lo liệu. Mộ nằm quay mặt về phiá trường bắn nhưng hơi chếch bên trái.
Sẽ có 3 người cảm nhận, nhưng chỉ có một người cảm nhận được là vong nhà mình (tức vong cụ Hà Huy Tập...)
d. Sau khi lấy được hài cốt phải dùng nước ngũ vị để rửa thẩm ráo nước mới liệm
e. Kết thúc công việc khai quật phải có lễ hàn thổ (lễ vật như mục a)
Riêng 20 quan tiền thì rải xuống chỗ vừa đào để lấp đất lại
3. Quách, quan:
a. Quan bằng sành người ta đã sản xuất sẵn dùng thước lỗ ban để đo (loại 900mm hoặc 1100mm hỏi thợ). Đo dọc, đo ngang, đo sâu là đo phía trong quan để chớm đỏ ở thước lỗ ban là được.
b. Quách: Gỗ vàng tâm, ván dày 41mm. Quách đóng sao cho vừa quan nhưng đo phía ngoài quách dài, rộng, sâu cũng vừa chớm đỏ cuả thước lỗ ban là được
c. Vải liệm là vải đỏ khổ 900mm hoặc 1100mm hỏi thợ
Sắm 2 bộ quần áo: một màu xanh, một màu ghi và có giày, dép, đồng hồ, kính, bút... và tiền giấy. Ghi là của cụ Hà Huy Tập
4. Chuẩn bị 7 đồng tiền ngoại tệ thật không cần biết mệnh giá cao thấp. Đưa cho người được giao nhiệm vụ. Ông Hoàng sẽ hướng dẫn sử dụng 7 loại ngoại tệ này.
5. Ngày đưa cụ Hà Huy Tập về quê ông Hoàng sẽ nói sau nhưng nhất thiết phải:
- Đi từ Nghệ An vào Hà Tĩnh qua cầu Bến Thuỷ thì dừng lại chùa ở phía bắc và phía nam cầu.
- Số tiền thật, tiền vàng âm qua cầu Bến Thuỷ sử dụng như thế nào thì ông Hoàng đã chỉ lần trước.
- Trên đường về qua ngã ba, ngã bảy, nghĩa trang phải có tiền âm và tiền dương rắc.
Chú ý: Không đi theo cầu Bến Thuỷ ra rồi quay lại cầu Bến Thuỷ vào.
6. Trước lúc đi ông Hoàng sẽ giao lệnh cho người chỉ huy.
7. Khi thực hiện có một người chỉ huy, nhât nhất phải tuân thủ.
Trên đây là những điều ông Hoàng chỉ đạo do Hà Văn Sỹ ghi lại để các vị trong ban thường trực biết. Chỗ nào chưa rõ hỏi lại để xin ông Hoàng chỉ dẫn.
Những người trực tiếp nghe cùng kí tên và chịu trách nhiệm về nội dung trên đây (văn bản này Hà Văn Sỹ, Hà Vĩnh Tân đã kí).
Chủ nhật ngày 15-11-2009 (29-9 âm) tôi và cháu Hà Huy Dũng lại đến Điện Đệ Nhất Vương Quan ở nhà ngoại cảm Ánh xin Đức Hoàng Mười chỉ dạy tiếp. Hoàng đã cho gặp cụ cố Hà Mại. Cụ dạy: “Phần hài cốt đưa về phải trong quan ngoài quách. Quách phải bằng gỗ vàng tâm, dài 86 phân phủ bì, đứng chữ Thiên Đức, Tài Đức. Chiều ngang 42-43 phân đứng chữ Hưng Vượng Đăng Khoa. Chiều cao 55 phân Đại Cát. Thành dầy 5 phân Nghiên Phúc. Chiều dầy của thành đứng là 4 phân đứng chữ Đăng Khoa. Nắp dày 10 phân Vượng và Thiên Phúc. Hướng đặt mộ cứ đúng như cụ đã chỉ...
Thực ra chúng tôi có ai biết gì về kích thước làm quan, quách đâu. Ngay cả ngày giờ động thổ hay đưa hài cốt lên cũng vậy, nếu có đi hỏi thì mấy ông thầy cũng chỉ mỗi người một cách, làm sao mà biết được ai đúng, ai hay. Nhưng từ ngày theo tâm linh tôi nhận ra rằng: Chỉ có người âm nói mới chuẩn, vì người âm biết thiên cơ. Còn người trần có giỏi đến đâu cũng không thể biết hết mọi điều bí ẩn.
Tôi hỏi cụ khi đào mộ để an táng có phải xây đế hay trải cát như thế nào? Cụ bảo: “Mày cứ đào chỗ cụ chỉ ấy, trời đã đặt sẵn đế rồi, không phải lo. Nhưng mà phải nhớ việc cụ dạy đấy. Riêng 5 đứa bay phải làm đúng như thế vì thằng Tập nó là quan nên làm vậy thì mới có lợi cho dân, cho nước, và cho cả Nghệ Tĩnh nữa”
Điều kì diệu đã xảy ra! Tôi xin nói trước, đúng cái ngày chúng tôi khai quật ở bến Tắm Ngựa thì ở quê cũng động thổ để xây mộ, chờ hài cốt bác Tập về an táng. Ngoài quê điện vào báo cho chúng tôi biết, đào sâu... thì gặp một phiến đá lớn không thể đào sâu hơn được nữa. Chú Tân có điện để hỏi lại tỉ mỉ rồi chú Tân nói với chúng tôi: “Kỳ lạ thật! Đúng là trời đặt sẵn tảng đá lớn rồi”. Tự dưng tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Sự việc cứ lần lượt diễn ra đúng như các cụ đã báo trước. Ngày 17-11 - 2009 (tức 1-10 âm) đoàn chúng tôi có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Phía đoàn có anh Đào Vọng Đức, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Phó giám đốc trung tâm), anh Hà Văn Tăng, tôi, anh Sỹ, chú Tân, cháu Thanh, cháu Dũng, cô Bùi Thị Lan (vợ tôi) chị Hà, hai nhà mgoại cam Ánh, Thuận,... Phía lãnh đạo tỉnh có anh Đinh Xuân Việt (Phó bí thư Thường trực), anh Hà Văn Thạch (chủ nhiêm Ủy ban Kiểm tra tỉnh uỷ), chị Tuấn phó ban tổ chức Tỉnh uỷ, anh Huyên Bí thư Huyện uỷ Cẩm Xuyên... thay mặt đoàn anh Sỹ báo cáo kết quả, những thông tin đã thu thập được trong suốt quá trình tìm mộ và định ngày 6-10 năm Kỉ Sửu sẽ khai quật (tức ngày 22-11-2009) và kiến nghị với Tỉnh ủy giải quyết một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc tổ chức khai quật, tìm và đưa hài cốt cố TBT Hà Huy Tập về Hà Tĩnh.
GS-VS Đào Vọng Đức có bài phát biểu rất thuyết phục về những cơ sở khoa học để nhìn nhận vấn đề. Đồng chí Phó Bí Thư tỉnh uỷ bày tỏ quan điểm của lãnh đạo tỉnh, nhất trí ủng hộ con cháu dòng họ Hà. Còn một số vấn đề khác thì tỉnh sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Để tiện cho việc khai quật cũng như để tạo sự thống nhất trong khối ngoại cảm, Ban tổ chứ tìm mộ có buổi họp bàn. Sau khi nghe ý kiến các thanh viên anh Sỹ thay mặt Ban tìm mộ kết luận hội nghị và mời nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh làm tổ trưởng tổ ngoại cảm chỉ đạo khai quật. Vì nhà ngoại cảm Hằng không tham gia thường xuyên nên không biết việc này. Quả nhiên sau này vì lí do sức khoẻ nhà ngoại cảm Hằng cũng không vào để tham gia khai quật. Chỉ có nhà ngoại cảm Ánh trực tiếp chỉ đạo theo chỉ dẫn của người âm. Nhà ngoại cảm Thuận vào sau, tham gia hỗ trợ.
Trước hôm khai quật 3 ngày (tức mùng 3-10 âm) anh Sỹ, chị Thu Hà đến Điện thờ ở nhà nhà ngoại cảm Ánh xin gặp Đức Hoàng Mười và Hoàng đã cho một sơ đồ khai quật khá tỉ mỉ, chính xác về cả ngày giờ, độ sâu... Anh Sỹ đề nghị những người có mặt kí vào sơ đồ Đức Hoàng cho. Anh Sỹ, chị Hà và nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh vừa kí xong thì cháu Thanh vào tham gia kí để làm bằng chứng. Ngay chiều đó trước sự chứng kiến của anh Sỹ, chị Hà, Đức Hoàng giao lệnh cho cháu Thanh đi khai quật. Đồng thời ông Hà Huy Tập yêu cầu cho ông gặp riêng con gái trước khi đưa ông về quê.
Sáng mùng 4-10 năm Kỉ Sửu (tức 20-11 -2009) anh Sỹ bay vào thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo với lãnh đạo huỵên Hóc Môn và xã Xuân Thới Thượng về kế hoạch khai quật tìm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập, kế hoạch giải phóng mặt bằng và đề nghị địa phương giúp đỡ. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa Bí thư Huyện uỷ Hóc Môn chủ trì cuộc họp có các ban ngành liên quan của huyện cùng dự. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc với sự sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp cao nhất của huyện. Từ huyện cả đoàn xuống xã Xuân Thới Thượng. Ở đây Bí thư, Chủ tịch và các ban ngành của xã đã chờ sẵn và thống nhất cao với đề nghị của đại diện đoàn công tác. Sau cuộc họp tại xã tất cả cùng keó nhau xuống làm việc với gia đình có nhà và tài sản trên đất thuộc khu vực sẽ khai quật tìm hài cốt... bàn việc giải phóng mặt bằng... gia đình dã sớm đồng thuận.
Chiều tối mùng 4-10 năm Kỉ Sửu nhà ngoại cảm Ánh và cháu Thanh bay vào.
Sáng mùng 5-10, tôi, chú Tân và chị Hà bay vào. Đầu giờ chiều hôm đó cả đoàn chúng tôi gồm những người từ ngoài bắc vào. Phía trong nam có cháu Hoàng, cháu Dũng, cháu Dương, cháu Hải, cháu Sơn, anh Hà Huy Thắng, anh Nguyễn An Hoà... Chiều mùng 5-10 Kỉ Sửu tất cả chúng tôi có mặt tại nhà O Hồng. Tại đây, Đức Hoàng Mười chỉ dẫn cho chúng tôi những công việc cụ thể khi khai quật. Sau đó bác Hà Huy Tập về. Bác ôm vai O Hồng khóc và nói với con: “Quê hương, tổ tiên cần cha nên cha phải về. Ngày xưa còn nhỏ, con được gặp cha một lần ở chuồng ngựa, con còn nhớ không? Ngày mai, ngày mốt con nhớ lên gần bến Tắm Ngựa đón cha nhé...”. Rồi bác quay ra bảo chúng tôi: “Hôm nay về đây có nhiều đồng chí của bác là anh Bẩy Già, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Dựt và nữ đồng chí Lý Duệ Phương. Trước khi đưa bác về quê các cháu phải hứa với bác một điều là lên trường bắn phải gặp được người có tên Chín Giỏi và một số bà con xã Xuân Thới Thượng để nghe kể lại ngày bác bị bắn và cái chết của nữ đồng chí Lý Duệ Phương thì bác mới thanh thản về quê được”. Bác khóc nghẹn ngào. Bác chỉ vào anh Sỹ, chú Tân: “Các cháu phải ghi âm lại cuộc nói chuyện ở trường bắn và nhớ phải phỏng vấn anh Chín Giỏi nhé, chứ đồng chí nữ không chết cùng chỗ với bác và các đồng chí khác đâu”. Anh Sỹ, chú Tân đều hứa sẽ làm như bác dạy. Bác chỉ vào anh Hà Huy Thắng bảo: “Khi bác về quê, cháu ở lại phải đến thăm O Hồng luôn kẻo o buồn, nhớ chưa!”. Quay sang O Hồng bác nói: “Con à! Cha về quê nhưng cha sẽ thường xuyên vào thăm con. Con đừng buồn...”
Rời nhà O Hồng đoàn chúng tôi lên trường bắn. Tại đây, anh Chín Giỏi kể lại: “Tui nghe má kể lại là bà ngoại và nhân dân ở đây nói, bọn nó chỉ bắn mấy ổng đấy chứ bà Minh Khai chúng có đưa lên đây, nhưng dân biểu tình dữ quá nên chúng đưa về. Đến ngã tư Giếng Nước thì chúng bắn bà Minh Khai, chứ bà Minh Khai không phải chết ở đây đâu”. Sau đó đoàn về nghỉ. Anh Sỹ có gọi tôi lại và nói: “Sáng nay tôi làm việc với xã và huyện, các anh cán bộ bảo là có nghe bà con kể lại, ngày đó bà Khai cũng bị chúng chở ra cùng với ông Tập, ông Cừ, ông Tần và một số người khác. Nhưng vì bà Minh Khai là đàn bà nên nhân dân đả đảo dữ quá, chúng đành chở bà Minh Khai về. Nhưng tới ngã tư Giếng Nước thì chúng đạp bà xuống rồi bắn luôn chứ không cần tuyên bố chi cả”.
Theo đề nghị của nhà ngoai cảm Ánh, anh Sỹ thuê nhà nghỉ tại ngã ba Giòng để đảm bảo thời gian và tiện đi lại. Khoảng 8h tối (mùng 5-10 âm) tôi, anh Sỹ, chú Tân và chị Hà làm việc tại phòng số 203 nhà nghỉ để bàn bạc ngày mai khai quật. Cả 4 người chúng tôi thống nhất không ai được để lộ thông tin về ngày giờ cũng như mọi mặt trong ngày khai quật... kể cả phải bí mật với nhà ngoại cảm Ánh vì sợ ảnh hưởng tâm lí đến nhà ngoại cảm. Sau đấy mọi người về phòng ngủ. Riêng chị Hà là người luôn bám sát nhà ngoại cảm Ánh.
20h30 tại nhà nghỉ của đoàn ở ngả ba Giòng anh Sỹ tổ chức cuộc họp xác định quyết tâm cho mọi người với tinh thần “Dù khó khăn mấy cũng quyết vượt lên - quyết không ai được lùi bước”và kêu gọi những người có mặt đóng góp tiền...
Khoảng gần 11h đêm, chị Hà gọi anh em tôi dậy. Chị Hà bảo: “Cậu bé vừa nhập về cô Ánh, bảo cả đoàn phải lên ngay chỗ mộ bác Tập để người âm gặp”. Chúng tôi liền lên xe đến đó. Khi tất cả còn đang ngồi thì chính tôi lại là người mà vong người âm nhập. Đoạn này tôi nghe mọi người kể lại như sau: “Lúc bấy giờ nhìn anh Lợi rất sợ. Hình như nhà ngoại cảm Ánh biết nên vội nói: Thưa bác, chúng cháu ở Hà Tĩnh và Hà Nội vào đây đón bác. Mong bác chỉ cho chúng cháu chính xác mộ của bác và mong bác độ cho ba nhà ngoại cảm chúng cháu đưa bác lên...”. Anh Sỹ cũng xin bác chỉ mộ và hướng dẫn cho con cháu. Vong nói luôn: “Cứ làm đi, nhà ngoại cảm sẽ hướng dẫn. Họ ta chỉ cần hai nhà ngoại cảm là Trần Ngọc Ánh và Nguyễn Hữu Thuận. Nhà ngoại cảm Ánh vội thưa bác, sao bác lại nói hai người. Bác cho ba nhà ngoại cảm chúng cháu đưa bác lên ạ. Vong nói: “Dòng họ ta đã quyết rồi, không một thế lực nào ngăn cản nổi”. Rồi vong đi đến gốc cây bàng chỉ vào chỗ cái lốp xe: Đây là mộ của bác”. Vong xoa lên đầu cháu Dũng: “Ông đi đây. (Giơ tay chào mọi người) Bác đi đây”. Lúc đó là 12h đêm chúng tôi quay về nhà nghỉ.
Đến 3h sáng ngày 22/11/2009 chúng tôi kéo nhau ra khu khai quật và làm lễ như Đức Hoàng Mười đã hướng dẫn. Cháu Hà Huy Hoàng là người bổ bảy nhát cuốc đầu tiên. Hà Huy Thanh là người chủ lễ dâng hương. Do lớp đất đổ mới dày tới 2m nên chúng tôi phải thuê máy xúc, xúc hết lớp đất mới tới phần có rác mới tự đào.
Do chúng tôi chủ động chuẩn bị trước nên sáng mùng 6-10 âm (tức 22-11-2009) việc khai quật được sự giúp đỡ rất tận tình của các cấp lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, huyện Hóc Môn và bà con ở Xuân Thới Thượng. Từ việc sắm que cọc che chắn đến phông, bàn, nước nôi đều do địa phương giúp. Các đồng chí lãnh đạo từ thành phố xuống đến xã đều có mặt, động viên, thăm hỏi chúng tôi rất tận tình. chúng tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương, nhất là các anh chị ở xã Xuân Thới Thượng.
Sau khi ăn sáng qua loa, nhà ngoại cảm Ánh chỉ đạo rất khớp với những thông tin Đức Hoàng đã căn dặn chúng tôi. Chị Hà luôn luôn bám sát nhà ngoại cảm. Đến 10h sáng chúng tôi đã khai quật được một số hài cốt, nhà ngoại cảm Ánh chỉ đạo cho vào những cái túi và bảo chúng tôi: “Đó không phải là bác Tập mà là các đồng chí của bác”
Khoảng 10h30 phút trong đoàn khai quật có anh Hà Huy Sửu là trưởng họ Hà Huy ở Cẩm Hưng đang đứng gần cái que nhà ngoại cảm Ánh cắm mốc. Thấy anh Sửu cúi nhặt cái gì đó trong đất, nhà ngoại cảm Ánh quát: “Tôi đề nghị anh không được động đến khu vực này. Anh trèo lên ngay”. Chẳng hiểu sao anh Sửu cứ thế ngoan ngoãn làm theo. Đoàn tạm nghỉ ăn cơm trưa. Đến 13h chiều thì nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận bay vào”.
Sang buổi chiều hầu như cả hai nhà ngoại cảm đều không nhận được thông tin gì. Nhà ngoại cảm Thuận vội vàng điện về nhà nhờ mẹ và chị cầu khấn bề trên để hỏi mà không được. Hai người cứ chỉ đào loanh quanh trong khoảng 140m2 đến tận chiều tối. Con cháu họ Hà rất lo lắng. Riêng tôi do được báo từ trước nên trong thâm tâm vẫn nghĩ là các cụ cho “câu giờ”. Tuy vậy vẫn không khỏi hồi hộp.
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525303

Hôm nay

2117

Hôm qua

2364

Tuần này

22005

Tháng này

211999

Tháng qua

0

Tất cả

114525303