Cuộc sống quanh ta

Tình quê qua những bức thư của Bác

Trong cuộc đời của Bác, quê hương luôn giữ một vị trí quan trọng. Dù thời gian Bác sống ở Nghệ An không nhiều, nhưng tấm lòng thương nhớ, bao nỗi trăn trở với quê hương luôn theo Bác khắp mọi chân trời. Từ sau cách mạng Tháng Tám 1945, sự quan tâm đến quê hương của Bác càng được thể hiện nhiều hơn. Ngoài 2 lần về thăm quê vào 1957 và 1961, Bác còn có hàng chục bức thư gửi về cho quê hương trong thời gian lãnh đạo đất nước từ sau cách mạng cho đến lúc qua đời. Và trong các bức thư, Bác đã dặn dò quê hương nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có những lời Bác dặn đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 01/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì đúng nửa tháng sau, ngày 17/9/1945, Bác gửi bức thư đầu tiên về cho quê hương Nghệ An. Từ đó cho đến cuối đời, Bác đã gửi về quê hương 25 bức thư và 2 bức điện. Bức thư cuối cùng Bác gửi về quê là “Thư gửi Ban chấp hành đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An” vào ngày 21/7/1969. Ngoài những bức thư gửi về Nghệ An, Bác còn nhiều bức thư gửi chung cho cả quân, dân Liên khu IV, bắc trung bộ... trong đó có đề cập đến quân, dân Nghệ An.

Thư Bác Hồ gửi về quê hương theo thời gian (1945-1969)

Năm

Số thư

Năm

Số thư

Năm

Số thư

Năm

Số thư

1945

2

1953

1

1963

1

1968

2

1948

2

1958

1

1965

2

1969

2

1949

3

1961

1

1966

5

 

 

1950

1

1962

1

1967

3

 

 

 

 

Phần lớn trong các bức thư, Bác đều gửi gắm nhiều tình cảm trân trọng đối với con người ở quê hương. Tuy nhiên, nỗi lo lắng, động viên của Bác dành cho quê hương cũng chuyển động theo tình hình biến chuyển của công cuộc kháng chiến kiến quốc. Ngoài tình cảm trân trọng, thì các bức thư cũng xoay quanh các vấn đề quan trọng như kêu gọi quân, dân Nghệ An đẩy mạnh phong trào đánh giặc và sản xuất; Chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động; chấn chỉnh tinh thần và đạo đức cách mạng; khen ngợi và động viên nhân dân trong các phong trào kháng chiến, kiến quốc. Bên cạnh đó, trong một số bức thư, Bác cũng gửi gắm những tình cảm cá nhân với anh em họ hàng. Xuyên suốt toàn bộ các bức thư là sự quan tâm của Bác đến việc quê hương tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước như thế nào. Lúc làm tốt Bác khen ngợi và nhắc nhở không chủ quan, lúc làm chưa tốt Bác phê bình và gợi ý, động viên nhân dân cố gắng để làm tốt. Phần lớn các bức thư Bác gửi về quê, đều có bố cục khá giống nhau với ba phần: phần đầu là khen ngợi để động viên, khích lệ về một thành tích đã đạt được; phần thứ hai là phân tích tình hình, nguyên nhân của những kết quả đã đạt được hay những hạn chế đang mắc phải; và phần cuối là nhắc nhở đồng bào không được chủ quan trên thắng lợi, cảnh giác với kẻ thù, tập trung cố gắng hơn nữa để kết quả phải đạt cao hơn. Bác thường kết thúc các bức thư bằng một câu “Chào thân ái và quyết thắng”.

Tùy theo thời gian, mức độ và nội dung quan tâm của Bác đối với tình hình ở quê hương cũng có sự khác nhau. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác có 9 bức thư, điện gửi về Nghệ An. Mối quan tâm chính của Bác lúc này là phân tích tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, nhắc nhở và động viên khích lệ đối với đảng bộ, đồng bào, quân, dân tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng lực lượng, tham gia kháng chiến và ổn định phát triển kinh tế, phụ vụ kháng chiến và đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt. Những vấn đề này đều được thể hiện xuyên suốt trong các bức thư từ thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, thư gửi bộ đội và dân quân tỉnh, thư gửi toàn thể đồng bào Nghệ An... Khoảng thời gian giữa 2 chuyến về thăm quê từ 1957 đến 1961, Bác chỉ gửi 2 bức thư về Nghệ An để khen ngợi hội phụ lão xã Nam Liên và động viên đồng bào thị xã Vinh vừa trải qua hỏa hoạn. Thời gian Bác quan tâm nhiều nhất đến tình hình quê nhà là khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lên cao. Trong 4 năm từ 1965 đến 1968, Bác gửi 12 bức thư về quê. Những bức thư này chủ yếu khen ngợi và nhắc nhở tinh thần cảnh giác của quân dân Nghệ An với các thành tích to lớn trong kháng chiến. Trong đó có đến 7 bức thư Bác gửi khen ngợi thành tích bắn rơi máy bay Mỹ của quân dân quê nhà. Cách xưng hô của Bác trong các bức thư qua thời gian cũng có sự thay đổi. Phần lớn các bức thư gửi về trước năm 1961, Bác chủ yếu xưng “tôi” và ký tên chủ yếu là Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hầu hết các bức thư gửi trong giai đoạn sau, Người đổi sang xưng “Bác” và thường ký tên là Bác Hồ.

Đối tượng cụ thể qua các bức thư Bác gửi cũng khá đa dạng. Có những bức thư Bác gửi cho một cá nhân (như thư gửi cụ Hà Văn Quận); có thư gửi cho toàn thể nhân dân xã Nam Liên hay gửi hội phụ lão, các cháu học sinh trong xã; có thư gửi cho nhân dân một địa phương như gửi đồng bào thị xã Vinh, gửi đồng bào huyện Quế Phong...; thư gửi cho đảng bộ tỉnh; thư gửi chung cho toàn thể đồng bào tỉnh Nghệ An. Bác dành mối quan tâm cho hầu hết mọi đối tượng, từ người già đến trẻ em, từ các đảng viên, chiến sĩ, người công nhân đang làm đường sắt, người nông dân, người thanh niên xung phong đang làm đường để đảm bảo giao thông cho xe ra chiến trường, người y tá làm trong nhà thương hay người bệnh đang phải ở nhà thương... Nhưng bên cạnh đó, Bác không thu hẹp các đối tượng lại mà luôn đặt mọi con người vào cuộc chiến chung, mục tiêu chung là kháng chiến kiến quốc. Dù hỏi thăm, khen ngợi hay động viên ai thì Bác cũng luôn gắn họ và công việc của họ vào sự nghiệp chung của cả dân tộc lúc đó để người nhận thư hiểu vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, vừa được khích lệ, vừa được chia sẻ và vừa thêm quyết tâm. Cũng theo đối tượng mà các bức thư dài, ngắn khác nhau. Với các bức thư gửi đảng bộ, cán bộ lãnh đạo tỉnh thì Bác viết dài hơn, phân tích kỹ hơn. Còn các bức thư gửi cho đồng bào là công nhân, nông dân thì Bác cố gắng viết ngắn, dễ hiểu nhưng vẫn đầy đủ. Bác luôn quan tâm từ những việc nhỏ như việc đồng bào sản xuất vụ lúa, vụ khoai như thế nào, năng suất được bao nhiêu, bón bao nhiêu phân... đến những việc lớn hơn của cả tỉnh, cả nước.

Trong thư của Bác cũng dành sự quan tâm cho những đồng bào công giáo ở Nghệ An. Ngoài một bức thư chung gửi đồng bào công giáo, Bác còn có một bức thư gửi riêng cho đồng bào công giáo Xã Đoài để chia sẻ những đau thương mất mát khi bà con giáo dân ở đây bị máy bay Mỹ ném bom vào tháng 8/1968. Bác cũng luôn coi trọng mối đoàn kết lương giáo, không phân biệt tôn giáo trong mối đoàn kết toàn dân. Như Bác nhấn mạnh trong thư gửi đồng bào công giáo: “Đức Giê-su hy sinh vì muốn loài người tự do, hạnh phúc, đồng bào ta cả lương lẫn giáo cũng vì tự do và hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”.

Là một người lãnh tụ luôn kiên định quan điểm hy sinh việc nhà chăm lo việc nước, nên trong rất nhiều bức thư gửi về quê hương nhưng rất ít khi Bác nói đến tình riêng. Trong 25 năm sau cách mạng tháng 8,  ngoài 2 lần về thăm quê nhà, Bác chỉ có gửi 1 bức thư và 1 bức điện về cho họ hàng người thân. Đó là “Thư gửi ông Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn” (1949) và điện gửi họ Nguyễn Sinh (1950). Tuy nhiên, trong thư gửi cho cậu Hoàng Phan Kinh và dượng Trần Lê Hữu thì Bác cũng cũng chỉ nói vài câu tình riêng, còn lại đều nói về tình hình đất nước và nhiệm vụ của mọi người trong cuộc kháng chiến. Duy chỉ có bức điện gửi về năm 1950 khi anh cả Nguyễn Sinh Khiêm qua đời là Bác nói về tình riêng của “một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Chấn chỉnh đạo đức, nâng cao năng lực, chống sự suy thoái của người đảng viên là một trong những nội dung được Bác quan tâm nhiều trong các bức thư gửi về quê. Ngày trong bức thư đầu tiên “gửi các đồng chí tỉnh nhà” ngày 17/9/1945, Bác đã viết rất chân thành rằng: “Thơ này, tôi không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, nhưng chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để chia sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí...”. Trong bức thư này Bác cũng phân tích rõ nguyên nhân thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945, tình hình đất nước sau cách mạng và nhiệm vụ của mọi người. Đặc biệt Bác nhấn mạnh đến những khuyết điểm to lớn ở các địa phương để nhắc nhở các đảng viên phải tránh và chống như: khuynh hướng chật hẹp và bao biện; lạm dụng hình phát, thích bắt bớ lung tung, tịch thu vô lý và thiếu khoan dung; kỷ luật không nghiêm; dễ bị hủ hóa. Bác cũng dặn dò ân cần với các đồng chí ở tỉnh nhà là “trong công tác có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”. Đến bức thư cuối cùng gửi về quê ngày 21/7/1969, Bác cũng căn dặn các cán bộ trong Ban chấp hành Đảng bộ Nghệ An phải tập trung vào 4 nhiệm vụ cấp bách nhất lúc đó:

1. Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa, trong tất cả các công việc phải để mọi người cùng tham gia góp ý và làm ngừoi kiểm tra quá trình thực thi.

2. Khôi phục và phát triển kinh tế từ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp, thủ công nghiệp, góp phần lớn hơn vào việc phục vụ kháng chiến.

3. Hết sức chăm lo cho đời sống nhân dân, không để dân mệt mỏi, chán nản vì cuộc kháng chiến chống Mỹ còn trường kỳ.

4. Luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cho đến khi cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Cũng trong bức thư này, Bác gửi gắm một tâm nguyện to lớn mà cũng rất thực tế: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Đã 60 năm từ ngày Bác về thăm lại quê hương sau bao năm xa cách. Và cũng đã nửa thế kỷ quê nhà được nhận bức thư cuối cùng của Bác. Người dân Nghệ An đã không ngừng phấn đấu vươn lên, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng như Bác mong muốn. Giờ nhìn lại, Nghệ An đã có nhiều thay đổi. Đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa tỉnh nhà đã phát triển hơn trước nhiều lần. Cơ sở hạ tầng được xây dựng, phố thị to lớn, nhà cửa khang trang, đường sá sạch sẽ... Người dân no ấm hơn, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, nhiều điều Bác mong muốn đến nay vẫn còn chưa làm được. Dù có nhiều bước tiến nhưng Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo. Vẫn còn nhiều nhiều cán bộ đảng viên sa sút về ý chí, suy thoái về đạo đức  làm cho Dân thất vọng, mất niềm tin.

Chúng ta đã và đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong của Bác. Kết quả là khá rõ ràng nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn khoảng cách lớn đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đọc và ngẫm lại những bức thư, những lời căn dặn của Bác, ta thấy, Người không dặn chúng ta những gì cao siêu cả, chỉ là những điều thật giản dị, dễ làm và có ích thiết thực. Bác dặn ai cũng cố gắng lao động, sáng tạo, yêu nước, yêu người xung quanh, làm việc tử tế và thiết thực cho bản thân và gia đình. Ai cũng cần làm vậy để người dân tự do hơn, no ấm hơn và như vậy thì đất nước sẽ giàu mạnh hơn./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522726

Hôm nay

2258

Hôm qua

2325

Tuần này

21500

Tháng này

220665

Tháng qua

121009

Tất cả

114522726