Những góc nhìn Văn hoá

Tinh thần phê phán trên báo chí của Nguyễ Ái Quốc thời kỳ ở Pháp (1919 - 1923)

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác báo chí, xem đó là một mặt trận quan trọng. Sử dụng báo chí để phê phán tội ác của chủ nghĩa đế quốc, của thực dân là một giai đoạn quan trọng trong quá trình nhận thức và tìm đường giải phóng dân tộc. Các tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần phê phán mạnh mẽ, nghiêm khắc, đặc biệt là các bài báo viết trong thời gian hoạt động ở Pháp từ 1919 đến 1923.

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng, điểm đến mong muốn của ông là nước Pháp-đế quốc đang cai trị Việt Nam lúc đó. Sau khi đến Pháp, ông tiếp tục cuộc hành trình đến nhiều quốc gia ở các châu lục khác nhau. Những chuyến đi này đã cho ông cái nhìn khá toàn cảnh về một thế giới và nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa nước cai trị và nước bị cai trị. Cuối năm 1917, ông quay lại nước Pháp trong thời điểm mà cuộc đấu tranh của tầng lớp tiến bộ trong Đảng Xã hội Pháp đang lên mạnh mẽ. Ông tham gia Đảng Xã hội Pháp và kết nối liên lạc với nhiều nhà yêu nước Việt Nam đang sinh sống tại Pháp. Sau giai đoạn làm quen dần với phong trào đấu tranh ở Pháp, từ năm 1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, ông bắt đầu xuất hiện nhiều trên báo chí và các diễn đàn hoạt động đòi tự do, độc lập cho các nước thuộc địa. Trong thời gian hoạt động ở Pháp lúc này, Nguyễn Ái Quốc đã viết hàng loạt bài báo phê phán chủ nghĩa đế quốc, phê phán thực dân Pháp và đòi tự do, bình đẳng cho người lao động, đòi quyền độc lập, tự quyết cho các nước thuộc địa.

Từ bài báo đầu tiên với tựa đề “Vấn đề dân bản xứ”[1] đăng trên báo L’Humanité ngày 2-8-1919 đến bài báo cuối cùng trước khi ông rời Pháp để sang Nga đăng trên báo Le Paria số 15, tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc đã có 62 bài viết đăng trên nhiều báo khác nhau. Trong đó, có 23 bài đăng trên báo L’Humanité, 20 bài đăng trên báo Le Paria, 10 bài đăng trên báo La Vie Ouvrière, 3 bài đăng trên La Revue Communiste, 3 bài đăng trên báo Le Libertaire, 2 bài đăng trên báo Le Populaire và 1 bài trên Le Juornal du Peuple[2]. Thống kê này cho thấy ba tờ báo Nguyễn Ái Quốc viết nhiều nhất là L’Humanité (báo Nhân đạo), Le Paria (báo Người cùng khổ) và La Vie Ouvrière (Đời sống thợ thuyền). Trong những bài viết này, dù ở nhiều góc độ khác nhau nhưng mục tiêu chung của các bài viết của Nguyễn Ái Quốc là lên án tội ác của chủ nghĩa đế quốc với các nước thuộc địa nói chung và của đế quốc Pháp với người dân Đông Dương, người dân Việt Nam nói riêng.

Trước hết, Nguyễn Ái Quốc lấy báo chí làm công cụ để đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, lên án chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa tư bản phương Tây, như ông phân tích là con rắn nhiều đầu, thấy châu Âu là nơi quá chật hẹp để bóc lột và máu của vô sản châu Âu không đủ dồi dào để thỏa mãn thèm khát, nó bèn vươn những cái vòi khủng khiếp của nó tới khắp nơi của quả đất. Mà sau này, chính ông đã phân tích rõ hơn rằng:Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra. Với việc phê phán chủ nghĩa đế quốc, cũng là cách Nguyễn Ái Quốc đặt mình vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, nhân dân lao động trên toàn thế giới chống lại những luận điệu bịp bợm, những tội ác của kẻ thống trị đối với kẻ bị trị. Những bài viết lúc này tập trung đả kích vào sự tàn bạo những kẻ thống trị, lật tẩy sự lưu manh của giới chính trị thực dân và những tên bồi bút đi làm thuê cho chúng. Qua những bài viết Nguyễn Ái Quốc cũng tạo cầu nối để những người cách mạng tiến bộ, người dân lao động ở các nước chính quốc hiểu hơn về bản chất của chủ nghĩa thực dân và hiểu hơn về nỗi khổ của người dân thuộc địa qua đó đoàn kết lại thành một khối.

Phần nhiều các bài viết, Nguyễn Ái Quốc tập trung mạnh mẽ vào việc tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với thuộc địa, đặc biệt là đối với dân An Nam. Ngay trong bài báo đầu tiên, “Vấn đề dân bản xứ”, ông đã công kích mạnh mẽ vào chính sách thống trị của thực dân Pháp: “Từ khi bị Pháp chiếm, đất nước chúng tôi hầu như luôn luôn sống lay lắt ngày này qua ngày khác, không hề biết chính quyền muốn dẫn mình đi đến đâu. Chính quyền này khi thì nói về chính sách đồng hóa, khi thì nói về chính sách liên hiệp hoặc gì khác nữa, nhưng thực ra chẳng áp dụng một chính sách nào cả”[3]. Ông lột tả rõ đàng sau những diễn ngôn tốt đẹp như khai hóa cho dân bản xứ là hàng loạt những tội ác ghê rợn. Gieo rắc sự kinh hoàng cho dân bản xứ từ tâm lý khinh miệt, sự ngự trị bạo chính, chà đạp lên chân lý. Những phân tích trên báo chí của Nguyễn Ái Quốc đều tấn công vào mục đích thông suốt mấy chục năm đô hộ của thực dân Pháp là “ngoan cố kìm chân người bản xứ trong vòng nô lệ, không cho họ hưởng một chút quyền tự do nào cũng như các quyền khác theo pháp luật”[4]. Những bài báo sau đó tiếp tục đi sâu tố cáo các tội ác của Pháp ở Đông Dương, từ việc đối xử với thợ thuyền thậm tệ, bắt thợ đi lính và chết ở các thuộc địa khác, đến việc bóc lột người dân bản xứ, đàn áp dã man các phong trào đấu tranh của người dân. Bắt bớ giam cầm những người không tuân theo mệnh lệnh của giai cấp thống trị mà không cần một luật lệ nào cả. Và “những người tù khốn khổ, ăn không đủ no, áo quần rách rưới, dậy từ sáng sớm cho đến tối mịt, gông đeo cổ, xiềng to xích chân, người nọ xích vào người kia, phải kéo bánh xe lu, chiếc xe lu to tướng mà họ phải lăn trên mặt đường rải đá dày. Bị kiệt sức, họ khó nhọc lê bước dưới mặt trời nóng bỏng. Quan Công sứ đến, cầm một chiếc gậy lớn theo thói quen, và với thói tàn bạo không thể tưởng tượng, y vô cớ lần lượt vung gậy đánh những người khốn khổ đó, mắng chửi họ lười biếng”[5]. Không chỉ người thợ thuyền, người nổi dậy mà những người dân thường cũng bị đối xử tàn bạo của cái “công cuộc khai hóa quái đản”, biến con người trở thành những động vật và thậm chí còn không bằng động vật. Chính kẻ thống trị đã làm cho “Trên mảnh đất bằng phẳng trước kia là ruộng muối, ba cái xác chết nằm đó: em bé bị lột truồng, thiếu nữ bị mổ bụng, cánh tay trái cứng đờ giơ lên trời vô tình, bàn tay nắm chặt. Còn xác ông cụ già thì, ghê gớm làm sao, cũng trần truồng như thế, nhưng bị thiêu cháy, nên không nhận ra hình thù được nữa, mỡ chảy lênh láng, đã đọng lại và da bụng thì phồng lên, chín vàng, óng ánh, giống như da con lợn quay vậy”[6]. Bên cạnh lên án sự tàn bạo của kẻ thống trị, các bài viết của Nguyễn Ái Quốc còn đi vào lột tả sự thâm hiểm, ác độc của thực dân Pháp với những chính sách ngu dân, làm suy thoái nòi giống người bản xứ bằng rượu cồn, thuốc phiện, gái điếm, với những chứng cứ cụ thể qua những số liệu hay những so sánh thú vị như “10 trường học và 1500 đại lý rượu”…. Trong sự phê phán mạnh mẽ đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ được sự tỉnh táo để nhận định tình hình một cách sâu sắc hơn: “Bị đầu độc cả về tinh thần và thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm, người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi mãi bị dùng làm đồ để tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương”[7].

Ngoài phê phán những vấn đề lớn, lên án tội ác của cả hệ thống chủ nghĩa đế quốc nói chung hay thực dân Pháp nói riêng, Nguyễn Ái Quốc còn viết những bài đả kích vào những nhân vật những sự kiện cụ thể. Từ những kẻ làm chính trị dối trá, lừa bịp dân chúng, những quan cai trị tàn độc hay những kẻ bán nước, chấp nhận làm tay sai cho thế lực cai trị. Bút pháp mà Nguyễn Ái Quốc sử dụng để phê phán các đối tượng khác nhau cũng đa dạng, có lúc là những bài chính luận sắc sảo, mạnh mẽ, có lúc là những vở kịch, những câu chuyện khôi hài mà sâu cay, rồi những bức thư hay những đoạn dịch nhẹ nhàng nhưng đầy giá trị đấu tranh và cả những bài viết mang tính khảo cứu khoa học… Một điều thú vị là tất cả 62 bài viết trên các báo chí trong khoảng 4 năm ở Pháp từ 1919-1923 lại được công bố khá rộng rãi trong khi Nguyễn Ái Quốc là người cách mạng đang sống ngay trên mảnh đất thực dân mà ông phê phán dưới sự theo dõi gay gắt của các mật thám Pháp.

Trước khi sang Nga (giữa năm 1923), Nguyễn Ái Quốc là người theo chủ nghĩa yêu nước và phương pháp đấu tranh cách mạng của ông lúc này là theo phương hướng ôn hòa, lấy báo chí và các diễn đàn xã hội làm phương tiện tranh đấu. Những bài viết trên báo chí của ông lúc này tập trung vào phê phán thực tại để nhận thức rõ hơn về tình hình thế giới, tình hình ở Pháp và các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa kẻ cai trị và người bị cai trị, giữa những người lao động ở chính quốc và ở người dân thuộc địa. Từ đó, ông hướng đến làm cho những người bị cai trị nhận thức rõ hơn về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, lôi kéo các lực lượng cách mạng, các lực lượng tiến bộ vào phong trào đòi tự do, bình đẳng, bác ái, đòi quyền tự quyết cho các thuộc địa. Sau này, khi lựa chọn con đường cách mạng của những người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cũng coi trọng việc xây dựng hệ thống báo chí và xem đây là một mặt trận trong quá trình đấu tranh cách mạng. Ở góc độ nào, thời điểm nào thì những bài viết của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh vẫn luôn thể hiện một tinh thần phê phán đối với cái hạn chế, cái tha hóa, cái xấu xa.

Báo chí, có thể coi là mặt trận đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc tham gia trong quá trình đấu tranh tìm đường giải phóng dân tộc. Xuyên suốt cả quá trình ông luôn xem trọng báo chí và đề cao tinh thần phê phán trên báo chí. Với Hồ Chí Minh, một nền báo chí tiến bộ khi thể hiện được thực tại khách quan của xã hội, và một nhà báo tiến bộ khi phản ánh chân thực về xã hội, đấu tranh cho tiến bộ xã hội; Báo chí phải phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội chứ không phải cho lợi ích của một bộ phận và càng không phải là đồ trang sức cho một bức tranh xã hội. Đó cũng là một phần quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí./.

 



[1] Trong những tài liệu sưu tầm được và in lại trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, thì có một bài viết có nhan đề “Tâm địa thực dân” được Nguyễn Ái Quốc viết để phê phán lại luận điệu xuyên tác của một nhà báo Pháp là Camilơ Đơvila. Tuy nhiên được chú thích là tài liệu đánh máy được lưu lại bằng tiếng Pháp chưa thấy in trong báo nào. Trong khi bài viết này tập trung vào các bài viết đã đăng trên các báo chí và tạp chí nên những bài là tài liệu đánh máy mà chưa rõ đã đăng ở báo hay tạp chí nào thì tạm thời bỏ qua.

[2] Tính các bài đã đăng tải trên các báo đã sưu tầm và in trong “Hồ Chí Minh toàn tập”. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

[3] “Vấn đề dân bản xứ”. Báo L’Humanité, ngày 2-8-1919. In trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 10.

[4] “Đông Dương và Triều Tiên”. Báo Le Populaire, ngày 4-9-1919. In trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 18.

[5] “Tội ác của chủ nghĩa thực dân”. Báo La Vie Ouvrière, số 126, ngày 30-9-1921. In trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 64.

[6] “Sự quái đản của công cuộc khai hóa”. Báo Le Libertaire, ngày 30-9 đến 7-10-1921. In trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 66.

[7] “Đông Dương”. Tạp chí La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921. In trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 40. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525273

Hôm nay

287

Hôm qua

2364

Tuần này

21975

Tháng này

211969

Tháng qua

0

Tất cả

114525273