Đối tượng của cuộc khảo sát này là 46 cặp vợ chồng tuổi đời từ 18 đến 41, trong đó có 35 cặp vợ chồng sinh sống tại hai xã Thanh Yên và Thanh Khai (thuộc huyện Thanh Chương) và 11 cặp vợ chồng đang sinh sống tại thành phố Vinh. Về nghề nghiệp, đó có 16 cặp vợ chồng làm nông nghiệp, 7 cặp vợ chồng là cán bộ viên chức và giáo viên, 9 cặp vợ chồng làm công nhân, 8 cặp vợ chồng buôn bán nhỏ, dịch vụ, 5 cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng làm nông nghiệp và người còn lại làm nghề khác, 1 cặp vợ chồng có chồng làm dịch vụ và vợ đang thất nghiệp. Độ tuổi trung bình của các đối tượng khảo sát là 27, người trẻ nhất là 18 và người lớn tuổi nhất là 41. Cuộc khảo sát tập trung vào những xung đột chính trong gia đình trong cuộc sống hàng ngày và nguyên nhân gây nên những xung đột đó.
Nhóm xung đột đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là quan niệm sống. Đây không phải là nhóm chủ yếu nhưng nó có vị thế quan trọng vì có ảnh hưởng đến những nhóm xung đột khác. Quan niệm sống ở đây tập trung vào việc xây dựng gia đình thế nào và vấn đề gì quan trọng nhất để đảm bảo sự yên ổn trong gia đình. Nó liên quan đến nhiều vấn đề nhỏ khác như ở chung với bố mẹ hay ở riêng, sống ràng buộc với nhau hay tự do hơn, phải có công việc ổn định và thu nhập khá hay không,… Có 31 cặp vợ chồng (hơn 67%) cho rằng khi quan niệm sống khác nhau thì hay xẩy ra xung đột với nhau, trong đó, có 14 cặp vợ chồng hay cãi nhau vì chồng muốn sống với bố mẹ còn vợ muốn sống riêng; có 8 cặp vợ chồng hay cãi nhau vì quan niệm khác nhau trong việc sống ràng buộc với nhau hay tự do (mà chủ yếu là người chồng cho rằng ngoài việc chăm sóc con cái và các việc lớn trong nhà thì mỗi người cũng có những mối quan hệ riêng không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng đó của nhau, trong khi vợ lại muốn đã lấy nhau thì phải chia sẻ hết mọi việc với nhau); có 7 cặp vợ chồng cãi nhau vì quan niệm không giống nhau trong việc làm và thu nhập (chồng cho rằng vợ chỉ cần có việc làm hoặc ở nhà trông con chứ không cần kiếm nhiều tiền vì việc đó là của người chồng lo, còn một số người vợ lại cho rằng mình cũng phải có việc làm, có thu nhập để tự chi tiêu và có quyền đi ra làm việc với các điều kiện như người chồng); và có 2 cặp vợ chồng mẫu thuẫn vì khác nhau về quan niệm trong một số chuyện khác. Còn lại 15 cặp vợ chồng (33%) cho rằng ai cũng có quan niệm sống riêng và quan trọng là thông cảm và chia sẻ với nhau thì gia đình mới yên ôn được.
Nhóm xung đột thứ hai liên quan đến vấn đề kinh tế - tài chính trong gia đình. Kinh tế/tài chính chưa bao giờ là chuyện nhỏ của mỗi gia đình, đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ. Một mặt, những mâu thuẫn, tranh cãi liên quan trực tiếp từ vấn đề tài chính, mặt khác, vấn đề tài chính cũng là nguyên nhân gây ra nhiều xung đột khác. Phần lớn các cặp vợ chồng trẻ đều có ít nhiều xung đột liên quan đến tài chính, khi có đến 39/46 cặp vợ chồng cho rằng họ hay cãi nhau về những việc liên quan đến tiền bạc, trong đó, có 13 cặp vợ chồng cãi nhau liên quan đến việc kiếm tiền, 21 cặp vợ chồng cãi nhau liên quan đến việc sử dụng tiền; còn 5 cặp vợ chồng cho rằng tranh cãi nhau vì một số vấn đề khác liên quan đến tiền bạc. Đối với các cặp vợ chồng làm nông nghiệp thì vấn đề tiền bạc hay xoay quanh chuyện bán các nông sản. Những khoản tiền kiếm được từ những việc khác trong thời gian rảnh nhiều khi trở thành mồi lửa châm ngòi cho việc cãi vã nhau. Như vợ chồng Hường và Dung, chủ yếu làm nông nghiệp, thời gian rảnh Hường đi làm thêm bằng nghề thợ xây và hàn bắn mái tôn. Mỗi lần đi xa về kiếm được một ít tiền để trang trải nhưng đồng thời cũng là thời gian vợ chồng hay cãi nhau. Hường cho rằng mình đi làm nhiều ngày mệt mỏi nên cũng cần nghỉ ngơi và hay tụ tập bạn bè ăn nhậu, còn Dung thì cho rằng chồng đi làm về có ít tiền cũng phải dành dụm để lo cho con chứ đi ăn tiêu hết đến khi con ốm hay phải nộp tiền học thì không có. Đối với các gia đình công/viên chức, những xung đột liên quan đến tiền bạc ít hơn vì thu nhập trong gia đình ổn định hơn. Tuy nhiên, đối với gia đình mà chồng đi làm còn vợ ở nhà thì những xung đột lại biểu hiện ngầm nhiều hơn khi người vợ gần như phụ thuộc tài chính vào chồng.
Thứ ba là nhóm xung đột liên quan đến việc nuôi dạy con cái trong các gia đình trẻ. Trong số 46 cặp vợ chồng được khảo sát thì có 38 cặp vợ chồng có những mâu thuẫn, tranh cãi liên quan đến vấn đề nuôi dạy con (chiếm gần 83%). Trong đó, có 74% cho rằng vợ chồng khi chưa có con thường cãi nhau nhiều hơn khi đã sinh con. Có 62% các cặp vợ chồng cho rằng khi có cả con trai và gái sẽ ít bất hòa hơn so với những cặp vợ chồng chỉ có con trai hoặc con gái. Và có 86% số cặp vợ chồng cho rằng xung đột gia đình liên quan nhiều đến quan niệm về nuôi dạy con. Chăm lo cho con về mặt vật chất thường được các ông bố bà mẹ quan tâm nhiều. Tuy nhiên, đó là về mặt lý tưởng, còn thực tế thì cuộc sống mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau nên việc đáp ứng các nhu cầu của con cái cũng phải xem xét, nhất là các gia đình sản xuất nông nghiệp. Có 63% ông bố bà mẹ cho rằng phải cố gắng để chăm lo đầy đủ cho con, 21% số cặp vợ chồng nghĩ rằng nên để con thiếu thốn một chút để nó biết tiết kiệm và biết cố gắng hơn, còn 16% số cặp vợ chồng lựa chọn là chăm sóc con tùy theo điều kiện gia đình. Những xung đột giữa vợ chồng diễn ra nhiều hơn khi không chăm lo đầy đủ cho con được. Lúc con ốm đau hay thiếu thốn thì vợ chồng cũng hay tranh cãi hơn, từ việc ai quan tâm con nhiều hơn, ai trực tiếp chăm con hay vì sao mà không thể chăm lo đầy đủ cho con. Như vợ chồng Toàn và Linh, mỗi lần con ốm đau là hai vợ chồng lại hay tranh cãi. Linh cho rằng chồng ngoài việc kiếm tiền ra thì không quan tâm đến vợ con, khi con ốm cũng không vào chăm sóc hay quan tâm quá ít. Trong khi đó, Toàn cho rằng công việc mình làm dịch vụ phải đi liên tục và tiếp khách nhiều nên không có thời gian, vợ chỉ cần ở nhà chăm con chứ không phải đi làm mà vẫn để con bị ốm đau là vì không biết cách chăm con… Nhiều cặp vợ chồng không chỉ cãi nhau khi con cái đau ốm mà có thể xuất phát từ những chuyện rất nhỏ như dỗ con khi con khóc như thế nào. …
Nhóm xung đột thứ tư là những xung đột liên quan đến vấn đề tình dục và ngoại tình. Đây là nhóm xung đột phá phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống hiện nay nhưng vẫn ít khi được nhắc đến, được mổ xẻ. Những vấn đề này ở nông thôn ít được nói đến hơn trong khi ở thành thị thì sự quan tâm nhiều hơn. Sự phân biệt giới cũng có khác biệt khi phản ánh vấn đề này. Có đến 74% phụ nữ trong các gia đình được khảo sát cho rằng chồng mình có ngoại tình nhưng chỉ 11% số người chồng nghĩ điều tương tự. Ở nhiều góc độ khác nhau, những người vợ này đồng nhất chuyện chồng đi chơi sau các cuộc nhậu từ đi tẩm quất, massage hay đi mua dâm ở các “khu đèn đỏ” với ngoại tình là như nhau. Đó là một biểu hiện của đời sống tình dục ngoài luồng. Trong khi đó, sự hòa hợp về tình dục của hai vợ chồng trở thành vấn đề nhạy cảm và ít được các cặp vợ chồng nói đến, nhất là ở nông thôn. Những cặp vợ chồng trẻ ở thành thị thì khá cởi mở hơn về vấn đề này khi họ xem đây là một nguyên nhân gây xung đột gia đình. Như một người vợ trẻ chia sẻ rằng:“Em chán luôn vì từ khi mang bầu thằng cu được 4 tháng đến nay con đã hơn một tuổi mà lão (tức chồng cô-TG) chẳng đụng gì đến em. Đã thế lại suốt ngày đi uống rượu rồi đi Xuân Thành (“khu đèn đỏ” nổi tiếng ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chơi, Mỗi lần cứ nghĩ đến chuyện này là sẽ có cãi nhau to”. Chuyện không được đáp ứng các nhu cầu tình dục nhiều khi cũng đẩy người vợ/người chồng bước vào con đường ngoại tình. Nên nhiều người chồng, khi nói về vấn đề này, đều cho rằng, việc đi chơi, quan hệ ngoài luồng là có, nhất là khi đi với bạn bè sau khi ăn nhậu, tuy nhiên đi đâu làm gì thì về nhà vẫn phải “trả bài” đầy đủ. “Trả bài” ở đây được hiểu là đáp ứng lại nhu cầu tình dục của vợ. Nhìn chung, khi quan niệm về tình dục đang ngày càng phóng khoáng hơn, nó không còn là vấn đề đạo đức như trước đây thì quan hệ tình dục ngoài vợ chồng ngày càng phổ biến. Nó cũng là một nguyên nhân thường trực gây nên những xung đột trong đời sống gia đình. Ngay cả xã hội nông thôn, vốn dĩ suốt ngày cặm cụi với ruộng đồng thì nay cũng mọc lên những quán tẩm quất thư giãn hay những quán mại dâm trá hình khiến nhiều cặp vợ chồng tan nát khi mà không đủ bản lĩnh và ứng xử không phù hợp.
Những xung đột gia đình ở các cặp vợ chồng trẻ đang biểu hiện ngày càng đa dạng hơn với nhiều nhóm tác nhân khác nhau. Trên đây mới chỉ là một số khía cạnh thể hiện cho sự xung đột đó. Với sự thay đổi của cuộc sống xã hội hiện đại, quan niệm về hôn nhân gia đình cũng có nhiều điểm mới, các gia đình hạt nhân hiện nay có độ linh động cao giúp thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội. Tuy nhiên, nó cũng đặt cuộc sống gia đình trước nhiều nguy cơ xung đột và tan rã lên cao hơn. Số liệu từ các tòa án cho biết số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ ngày càng nhiều, tuổi ly hôn ngày càng thấp đã chứng tỏ điều đó.
Hạnh phúc gia đình không chỉ là vấn đề đạo đức mà là vấn đề văn hóa, vấn đề pháp lý. Đó còn là một chỉ số văn hóa của quốc gia dân tộc. Bởi vậy, để hạn chế xung đột, xây dựng hạnh phúc gia đình, mỗi thành viên cần phải xác định rõ trách nhiệm của bản thân với tổ ấm của mình, hãy bằng kiến thức, phẩm giá của mình để bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình. /.