Cuộc sống quanh ta

Phan Nhân - Nhạc sỹ của nhân dân

Tôi đang ngơ ngác giữa sân cơ quan, bỗng một cô gái đường đột hỏi, anh thấy niềm tin hy vọng đến chưa? Với người ngoài đài phát thanh, câu hỏi như một lời đánh đố. Còn chúng tôi, dân nhà đài, hiểu ngay là muốn tìm ai. Tên nhạc sĩ Phan Nhân được đổi thành niềm tin hy vọng từ bao giờ, không nhớ nữa, ít ra, theo tôi cũng từ đầu năm bảy ba. Một nhạc sĩ có dăm bảy bài cho đời thuộc là khó lắm. Phan Nhân nằm trong số này. Có lần tôi hỏi ca sĩ Trần Khánh người có giọng nam cao tuyệt vời, anh đã hát bài của hàng trăm nhạc sĩ, hỏi thật, anh thích hát nhạc của ai nhất? Trần Khánh khề khà nói trong men rượu, nhiều lắm, thích nhất là các nhạc sĩ hiểu giọng mình, viết riêng cho mình hát, như Phan Nhân chẳng hạn. Anh nhạc sĩ này đã viết riêng cho mình ba bài, ngoài Hà nội-niềm tin hy vọng còn có Tình ca đất nướcMàu xanh và ánh mắt. Mình thích cái sảng khoái, da diết, chan chứa tình đời, tình người trong giai điệu và lời ca của Phan Nhân.

 Những năm gần đây, nói là gần nhưng cũng đã trên dưới 30 năm, nghe những bài Trên quê hương Minh Hải, Thành phố của tôi… qua giai điệu đậm chất dân ca vùng sông nước, quê hương phía nam Tổ Quốc, người nghe nhận ngay ra chất Nam Bộ trong máu thịt của tác giả. Tôi nói điều này vì nhớ lại, mùa xuân năm 73 khi bài hát Niềm tin và hy vọng được phát trên sóng phát thanh ở các đài khắp cả nước, thấm vào lòng người nghe, chị gái tôi bình luận, ông nhạc sĩ này chắc phải là người Hà Nội, không là dân Hàng Đào thì cũng là dân Từ Liêm. Anh trai tôi cười, nhầm rồi, Phan Nhân không phải là người Hà Nội nhưng máu thịt Hà Nội đã ngấm vào anh từ ngày tập kết ra Bắc. Không phải chỉ có người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mới là người Hà Nội. Người nơi khác đến Hà Nội nếu chịu nhìn, chịu nghe, chịu sống như người Thủ Đô, văn hóa Hà Nội thâm nhập vào họ ngay, mau chóng trở thành người Hà Nội, nói rộng ra, trong những bài hát của Phan Nhân sáng tác về Cao Bằng hay đồng bằng sông Hồng đều đượm chất dân ca của các vùng quê đó. Phan Nhân là người con của Nam Bộ cũng là người con của dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng tám, Phan Nhân mới mười lăm tuổi, anh tham gia cuộc kháng chiến ngay từ đầu. Là người lính thực thụ, anh để lại dấu chân mình ở các vùng quê Nam Bộ suốt cuộc kháng chiến 9 năm. Cầm súng đánh giặc, yêu nhạc, thích ca hát, Phan Nhân theo chân những nhạc sĩ lớp trước tập tành sáng tác, dù vậy vẫn chưa có một ca khúc nào gây ấn tượng sâu sắc với người nghe lúc bấy giờ. Có lẽ đọng lại trong lòng quân dân Nam Bộ nhất là bài Tiếng tơ lòng, anh sáng tác 1953. Tập kết ra Bắc, anh về đoàn văn công Nam Bộ, chuyển ngành sang đài Tiếng nói Việt Nam, được đào tạo một cách cơ bản nhưng chủ yếu vẫn là tự học. Và Phan Nhân đã thành danh với những bài hát nổi tiếng của mình. Thông minh, nhạy cảm, hóm hỉnh… đã làm nên một nhạc sĩ Phan Nhân tài năng.

Là người cùng cơ quan, tiếp xúc với anh gần như thường xuyên, tôi biết Phan Nhân đam mê tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, hội họa, nhiếp ảnh, anh có thể bàn luận say sưa với những người trong nghề này. Nhiều ý kiến đắc địa của anh làm các tác giả giật mình, lắng nghe và rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ, nhạc sĩ Phan Nhân không chỉ có giai điệu hay mà lời cũng trau chuốt, cần hùng tráng anh tìm ra ngay những từ hùng tráng, cần đượm chất dân ca anh biết thừa kế dân ca, thoát ra hỏi dân ca, làm nên cái của riêng mình. Người nghe thấy trong ca khúc của Phan Nhân chan chứa văn học, lấp lánh màu sắc như một bức tranh. Có người bảo với tôi nhạc sĩ thời tiền chiến, thời chống Pháp, chống Mỹ lời ca của họ rất đẹp, các nhạc sĩ trẻ bây giờ, không phải là tất cả, ca từ rất kém, nếu không nói là thô thiển. Dễ hiểu thôi, những ông nhạc-sĩ-thời-vụ… họ không chịu đọc, xem… cái gì cả… ngoài những nốt nhạc trong và ngoài nước để mau chóng biến ca khúc của mình thành món mì ăn liền. Nhạc sĩ Phan Nhân, tôi tin, không bao giờ anh chấp nhận cái dễ dãi trong giai điệu và lời ca.

Nhiều lần đi dự các buổi liên hoan các Trường tiểu học, các Câu lạc bộ thiếu nhi vùng nông thôn và thành phố… tôi được nghe các cậu bé, cô bé tuổi lên chín lên mười hát các ca khúc của Phan Nhân như: Chú ếch con, Vườn cây của ba…Các cháu thường vừa hát vừa làm động tác minh họa, nhí nhảnh và vui nhộn. Một người bạn cho biết, lần nọ đi biểu diễn ở nước Ý (gồm các bé ở nhiều nước, hát những ca khúc viết cho trẻ con có liên quan về chiến tranh bằng tiếng bản xứ và tiếng Ý), cháu bé gái Hà Nội tám tuổi Lê Nguyễn Thanh Trà, biết làm chủ sân khấu khi hát Chú ếch con bằng cả hai thứ tiếng, được khán giả người lớn và trẻ em nước Ý hoan nghênh nhiệt liệt bởi chất đồng giao, vui nhộn và nhí nhảnh của ca khúc này: Chú ếch là chú ếch con/ Có hai là hai mắt tròn/ Chú ngồi học bài một mình/ Bên hố bom kề vườn xoan/ Bao cô cá trê non/ Cùng bao chú cá rô dòn/ Tung tăng chiếc vây son/ Nhịp theo tiếng ếch vang ròn…

Có phóng viên trong một cuộc phỏng vấn hỏi Phan Nhân, tại sao anh không phổ thơ của các nhà thơ? Phan Nhân trả lời ngay, tôi có phổ thơ đấy chứ nhưng phổ rất ít. Bài Vườn cây của ba là thơ Nguyễn Duy đấy chứ. Nhiều nhạc sĩ phổ thơ rất hay như Lê Yên, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp… họ đã chắp cánh cho thơ, nâng thơ lên cao hơn, nhờ họ mà thơ được nhiều người biết tới. Riêng tôi, phổ thơ không phải là sở trường, mặt khác, tôi ít tìm được những bài thơ hay đồng điệu với tâm hồn mình dù tôi rất thích thơ và thuộc rất nhiều bài.

Trong một lần “trà dư tửu hậu” của một nhóm những người làm văn nghệ, trong lúc bàn chuyện nhạc và thơ, nhà thơ Phùng Quán bình luận nhiều nhạc sĩ lời trong ca khúc của họ đã chan chứa chất thơ, đầy chất anh hùng ca, bi tráng và lãng mạn. Ví dụ ư, nhiều lắm, liệt kê tên các nhạc sĩ này phải vài trang giấy học trò, các bạn đều biết cả, gần đây tôi thích nhất là lời của Hoàng Vân, Nguyễn Tài Tuệ và Phan Nhân …nhiều ông nhạc sĩ phổ thơ không tốt đã không chắp cánh cho thơ bay bổng mà lại phá hỏng tứ thơ của tác giả vì những chữ thêm vào của họ cực kì vô duyên. Tôi tự hỏi, không biết Phan Nhân và nhiều nhạc sĩ khác có nghĩ như Phùng Quán đã nghĩ không?

Mấy năm gần đây Phan Nhân có bài Tình bạn già. Bài hát mang được cái duyên của tình bạn. Người già nghe bài hát thấy mình trẻ lại, người trẻ lại thấy mình chín chắn hơn, hiểu sâu sắc hơn về tình đời,tình người, tình bạn. Nghe bài này phải được chính vợ chồng Phan Nhân – Phi Điểu trình bày với chiếc đàn ghi ta, tác giả ôm trước ngực mới sướng. Tôi nghĩ, nếu ca sĩ nào đó biểu diễn Tình bạn già với một dàn nhạc đệm, chắc sẽ phá hỏng bài hát. Chị Phi Điểu cũng là dân Nam bộ, giọng nói ấm, nhẹ, duyên dáng, chuẩn xác tiếng Việt, đã từng là Phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam. Bây giờ chị là một bà lão còn giữ lại được nét đẹp của thời thiếu nữ. Các đạo diễn đã không nhầm khi chọn chị đóng các vai bà nội bà ngoại trong các phim truyền hình nhiều tập. Chị đóng chân thật như đời thường, không lên gân, không diễn mà là diễn đó. Bây giờ diễn viên Phi Điểu nổi tiếng hơn cả nhạc sĩ Phan Nhân, tôi không quá lời đâu. Có lần cháu nội tôi xem phim thấy bà Phi Điểu trên truyền hình liền “mách” với tôi, ông Phan Nhân là chồng bà Phi Điểu đấy. Cả nhà cười ồ lên bởi cháu bé không nói ngược lại bà Phi Điểu là vợ ông Phan Nhân.

Có người hỏi Phan Nhân, anh làm cả trăm bài hát có bài nào làm riêng cho vợ không. Anh rằng, không một bài nào viết riêng cho vợ nhưng tất cả những bài tình ca của anh đều thấp thoáng dáng dấp vợ trong đó. “Không có người vợ đôn hậu và chung thủy của tôi (Phan Nhân cười) chắc sẽ không có tình ca của tôi mà các bạn ưu ái”.

Không giống các nghệ sĩ khác, Phan Nhân không rượu không bia, lại uống nước ngọt rất giỏi. Ngồi vào bàn nhậu, anh hòa đồng được với mọi người nhờ cái duyên hóm hỉnh, hay tự trào về mình: trời sanh nhạc sĩ Phan Nhân/ hoa tay thì ít, hoa chân thì nhiều/ rằng nghèo thì chẳng phải nghèo/ chỉ hiềm những lúc cần tiêu, không tiền.

Phan Nhân được rất nhiều giải về âm nhạc nhưng giải thưởng lớn nhất, theo tôi, là tác phẩm của anh đã vào lòng người nghe nhiều thế hệ bởi giai điệu đẹp, ca từ lãng mạn, hùng tráng như nói lên được nỗi khao khát trong tâm hồn người nghe. Họ yêu anh vì trong anh có họ, anh nói giùm họ những điều họ suy ngẫm và hướng tới. Anh là nhạc sĩ của nhân dân./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522727

Hôm nay

2259

Hôm qua

2325

Tuần này

21501

Tháng này

220666

Tháng qua

121009

Tất cả

114522727