Tôi được sống bên Lê Anh Xuân từ những ngày đáng nhớ ấy. Chúng tôi được vinh dự nằm trong danh sách một khung cán bộ tổ chức và xây dựng trường đại học ở vùng giải phóng đang được mở rộng tại chiến trường Nam bộ lúc bấy giờ.
Lê Anh Xuân gây ấn tượng rất tốt cho tôi ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi quen nhau. Với vẻ ngoài rất “thư sinh”, đôi mắt to và đen láy, đôi mày rậm, mái tóc dày, giọng nói nhỏ nhẹ mà trầm ấm, dịu dàng, còn giữ nguyên từ ngữ và âm sắc Nam bộ toát lên một vẻ đẹp duyên dáng, nhẹ nhàng. “Chất nhà thơ”, “chất nghệ sĩ” hình như luôn tỏa ra từ con người của Hiến - tôi thường gọi tên thật của anh là Ca Lê Hiến. Và, chúng tôi trở thành bạn thiết của nhau từ đó - không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài của Hiến mà càng ngày tôi càng phát hiện ở Hiến có một tâm hồn rất trong sáng, rất thơ mộng, có một lối ứng xử thân tình, dịu dàng, cởi mở…
Nhớ mãi là những ngày, những đêm đeo ba lô gạch đá hoặc cát để tập hành quân, Hiến và tôi luôn sát cánh bên nhau. Hiến thường đi sau tôi, vượt hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác ở vùng đồi có nhiều cây sơn và cây cọ quanh khu vực địa điểm huấn luyện. Chúng tôi chất thêm gạch hoặc bớt gạch cho nhau trong những buổi tập và hồi hộp lo cho sức khỏe của nhau. Hiến thường đọc thơ của anh vừa mới sáng tác và khe khẽ hát những bài hát Nga quen thuộc cho tôi nghe. Nhiều đêm chúng tôi đi tập dưới ánh trăng mờ ảo. Trời se lạnh, gió lay nhẹ những ngọn cây trên đồi làm chúng tôi mơ hồ mường tượng mình đang đi trong rừng bạch dương, đang mơ màng hình dung một dòng sông có đôi bờ cách trở. Chả là lúc ấy chúng tôi đều nhớ tới người yêu dấu đang ở phương trời xa của những bài hát quen thuộc…
Sau hơn hai tháng luyện tập hành quân đường dài, bồi dưỡng sức khỏe và tìm hiểu tinh hình chiến trường, chúng tôi được về thăm gia đình 10 ngày. Nhà trường cho biết: sau đợt nghỉ phép, tất cả học viên phải chuẩn bị sẵn sàng để lên đường vào chiến trường bất kỳ lúc nào, khi nhận được lệnh. Đồ đạc cá nhân cùng với các tài liệu, vật dụng có thể làm lộ bí mật là người ở miền Bắc vào đều phải gửi lại. Nhà trường sẽ gửi lại cho gia đình hoặc đưa vào kho lưu trữ.
Tôi và Hiến lại được về Hà nội thăm gia đình.
Mười ngày ngắn ngủi trôi qua nhanh chóng. Hôm ra ga trở về trường huấn luyện, cha mẹ và các em tôi cùng ra tiễn tôi. Đến trước cửa ga Hàng Cỏ mẹ tôi vội mua mấy quả táo “để con mang theo đi đường ăn cho đỡ khát”- mẹ nói vậy rồi run run đưa gói táo cho tôi. Tôi hiểu cái run tay của mẹ khi sắp phải xa đứa con trai đầu lòng không biết bao giờ gặp lại và có gặp lại con nữa không. Tôi đỡ vội gói táo và cũng run tay làm rơi hai quả xuống đường. Mẹ tôi cúi xuống nhặt, phủi bụi rồi nhét táo vào túi áo tôi. Mẹ nắm chặt tay tôi, đầu tựa vào vai tôi, mẹ nói: “Ngày con về, biết cha mẹ thế nào…Dù sao con cũng cứ yên tâm mà đi. Trên đường đi những kẻ đứng lại là những kẻ không giúp ích gì cho đất nước. Con đóng góp phần của con vào sự nghiệp giải phóng miền Nam nhớ phấn đấu góp thêm một phần nữa cho mẹ con nhé! Phần mộ của ông bà ngoại còn ở cả trong ấy…”. Mẹ tôi nghẹn lời. Tôi cố dằn nỗi đau chia ly trong buổi tiễn đưa thiêng liêng ấy. Ngờ đâu buổi tiễn đưa hôm đó là lần cuối cùng tôi được hưởng sự chăm sóc của mẹ thân yêu. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh mẹ: cặp mắt hiền từ mà kiên nghị chăm chú nhìn theo tay vẫy của tôi. Hai cánh tay gầy của mẹ nắm chặt song cửa sắt nhà ga. Mẹ vươn người lên cao nhìn con trai của mẹ một lần cuối…
Hiến và tôi có mặt tại trường đúng tối ngày 28-11-1964. Sáng hôm sau chúng tôi lại tiếp tục tập hành quân. Buổi tập chiều chưa kết thúc thì tôi được gọi về văn phòng nhà trường. Nhìn nét mặt nghiêm trang của người phụ trách tôi linh cảm chắc có chuyện chẳng lành xảy ra. Đúng vậy. Người phụ trách cho biết: mẹ tôi đã đột ngột ra đi từ sau nửa đêm qua. Ông chia buồn vói tôi và dặn dò thu xếp ngay để về Hà Nội tối nay lo chịu tang mẹ.
Tối hôm ấy nhà trường cho xe đưa tôi ra ga Phú Thọ. Hiến xin phép nhà trường cho cùng đi ra ga với tôi mặc dầu nhà trường đã cử cán bộ đưa tôi đi để thu xếp với nhà ga cho tôi được về Hà Nội trên chuyến tàu sớm nhất đêm nay. Đến ga, Hiến vội vàng tìm mua một gói táo cho tôi vì biết tôi đau đớn quá nên chẳng ăn uống gì. Ôi những quả táo của mẹ, của bạn trao cho tôi ngày ấy! Sao nó lại trở màu tím bầm trong mắt tôi, sao tôi chưa ăn được mà cảm thấy xót lòng khi nhìn thấy chúng… Hiến dìu tôi vào phòng trưởng ga. Với một sự giới thiệu đặc biệt, nhà ga đồng ý thu xếp cho tôi lên bất kỳ chuyến tàu nào để có thể về Hà Nội sớm nhất. Hiến vẫn ngồi cạnh tôi cho tới quá nửa đêm. Một giờ sáng. Có chuyến tàu hàng được yêu cầu đỗ lại ga. Hiến dìu tôi lên toa xa trưởng và năn nỉ: “Ít nhất Dũng (tên thật của tôi) cũng phải ăn một quả táo để lấy sức. Sớm mai tới Hà Nội còn phải lo đưa đám bác gái. Cậu nghe mình đi!”. Tàu rúc còi báo hiệu sắp chuyển bánh. Hiến nắm chặt tay tôi, vỗ nhẹ vào vai tôi, mắt nhìn tôi như muốn cùng chia sẻ bớt nỗi đau của tôi. Tàu chuyển bánh. Hiến vẫy tay nói vói: “Giữ gìn sức khỏe, Dũng nhé!”.Khuya hôm ấy, Hiến đi bộ một mình gần bảy cây số giữa trời đêm mưa phùn gió bấc vì anh đã nói với cán bộ đưa tôi ra ga và lái xe cứ về trước, anh ở lại với tôi cho đến lúc tôi lên tàu.
Ngày 22-12-1964 Hiến và tôi theo đoàn lên đường ra mặt trận đến với tiền tuyến lớn: Miền Nam.
Chiều tối ngày 23-12 chúng tôi đến Làng Ho – trạm đầu của ngàn dặm Trường Sơn đầy gian khó, hiểm nguy và không ít những buồn vui đáng “để đời”. Xin hẹn một dịp khác kể lại bạn đọc nghe để cùng chia sẻ với chúng tôi những tháng ngày “đá mòn nhưng gót chẳng mòn” bởi vì chúng tôi “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.
Trước khi tiếp tục trở lại những hồi ức về người đồng đội thân thiết của tôi – Lê Anh Xuân - tôi xin được nói đôi lời về đoàn và nhóm đi đường của tôi.
Đoàn vượt Trường Sơn của chúng tôi mang phiên hiệu K33. Chúng tôi không phải là quân đội nhưng được phiên chế theo tổ chức quân đội. Đơn vị hành quân nhỏ nhất là nhóm ba người rồi đến tiểu đội, trung đội (thường gọi là chi). Vũ khí và trang bị hậu cần khác được phân bổ theo kiểu một đơn vị khinh binh.. Chừng mươi mười lăm trạm đầu, chúng tôi hành quân theo một đội hình chặt chẽ: có trinh sát đi đầu và hậu vệ đi cuối, có cự ly hành quân. Mệnh lệnh hành quân được truyền xuống, truyền lên liên tục. Dần dần cái chất “dân sự”của anh chị em cứ lộ ra: đi theo sức khỏe, nghĩa là chẳng còn đội hình nữa – trừ những cung đường gần địch. Người tới trạm đầu tiên cách người tới sau cùng có khi đến ba bốn tiếng dồng hồ. Mọi người đều tự chọn đồng đội ăn ý với nhau để cùng đi. Như thế lại hóa hay: tốc độ hành quân được tăng lên và tình hình mất đoàn kết về những chuyện lặt vặt trên đường được giảm xuống rõ rệt.
Trên đường Trường Sơn, Hiến đi trong đội hình của chi 2 còn tôi lại thuộc chi 4. Tuy khác chi nhưng Hiến luôn quan tâm tới tôi vì biết rằng tôi bị giảm sút sức khỏe nhiều sau nỗi đau mất mẹ trước ngày lên đường. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ vào lúc nghỉ giải lao là Hiến lại tới chi 4 tìm tôi để thăm hỏi, chuyện trò cho tôi vơi đi nỗi tiếc thương. Tới trạm 13 tôi bị trượt chân sái khớp. Mắt cá chân bị sưng vù lên, đi đứng hết sức khó nhọc. Hay tin, Hiến vội tìm tới đội hình chi tôi để cùng anh em trong tiểu đội phân chia đồ đạc của tôi cho mỗi người mang giùm một ít.
Ai đã hành quân trên đường Trường Sơn đều rất nhạy cảm với sự thêm bớt trọng lượng mang trên người. Thêm – dù chỉ là một chút thôi, chẳng hạn một hộp dầu cù là ai đó “chơi khăm” lén bỏ vào túi ba lô của mình cũng đủ làm cho anh bực mình cáu với người “chơi khăm” đó. Vậy mà tôi còn nhớ Hiến đã tự nguyện nhận mang giùm tôi phần đồ nặng nhất. Nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, tôi được đi không mấy ngày liền cho đến khi chân hết đau.
Nhóm di đường của tôi từ Làng Ho có bốn người. Hành quân đến vùng khu V, một người về nhận công tác ở đó nên nhóm chỉ còn lại ba người: Nguyễn, cán bộ giảng dạy văn học Trung quốc ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Dương, giáo viên toán cấp III và tôi. Đến trạm cuối khu V, tôi bị sốt rét nặng. Nguyễn và Dương cùng ở lại săn sóc tôi. Toàn đoàn nhanh chóng tiếp tục hành quân để tránh cuộc càn của địch sắp nổ ra ở đường 19 và 14.
Hiến xin ở lại chăm sóc tôi nhưng ban chỉ huy đoàn không đồng ý (vì Hiến không cùng một chi với tôi). Tôi còn nhớ: buổi sáng trước khi đoàn tiếp tục lên đường Hiến đến đầu võng tôi nằm khi tôi còn đang sốt hầm hập. Hiến sờ trán tôi tỏ ý lo lắng. Tôi cố lấy giọng không run vì sốt nói với Hiến: “Hiến yên tâm, chỉ là sốt rét thôi. Qua vài ngày mình lại đi được thôi mà”. Hiến lặng lẽ lục ba lô của tôi nhét vội vào dó một gói ruốc thịt, một gói sữa đã trộn sẵn với đường. Tôi can: “Hiến đừng để lại cho mình. Ngày mai đã bắt đầu vào đoạn 17 ngày rừng dầu gian khó rồi”. Hiến bảo Hiến còn thực phẩm dự trữ. Hiến nói vậy nhưng tôi thừa biết đến chặng này hầu như chẳng ai còn ruốc thịt và đường sữa dự trữ nữa. Sợ tôi rời võng trả lại Hiến thực phẩm, Hiến vội siết chặt tay tôi thầm thì: “Mau khỏe nhé!” rồi lúp xúp chạy đi để kịp theo đoàn đang bắt đầu cất bước.
Hiến đi rồi, tôi cảm thấy lòng mình trống trải. Nhưng rồi cảm giác ấy lại qua đi khi Nguyễn và Dương chăm sóc tôi rất tận tình. Hai bạn xuống suối bắt cá, vào bản đổi gà, rau, bồi dưỡng cho tôi. Ba ngày sau, dứt cơn sốt, chúng tôi tiếp tục lên đường. Trong cuộc trường chinh ngàn dặm Trường Sơn và, có lẽ cả trong cuộc đời của mỗi người, nếu thiếu vắng sự thương yêu đùm bọc giữa những người bạn cùng chung chí hướng thì liệu có mấy người đi được tới đích cần phải đến?
*
* *
…Sau 90 ngày “lội suối, băng đèo, mưa dầm, cơm vắt”, vượt qua đạn bom, vượt qua chính mình chúng tôi đã về đến “Ông Cụ” (mật danh vùng căn cứ Trung ương cục miền Nam thuộc đia phận huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh). Đại bộ phận đoàn K33, trong số đó có Hiến, đến nơi trước “nhóm thu dung” chúng tôi 4 ngày. Sau vài ngày nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe Hiến và tôi được tổ chức phân công về “Lãng Bạc” (mật danh căn cứ Tiểu ban văn nghệ miền Nam, Hội Văn nghệ giải phóng).
Hôm ấy là một buổi trưa đầu tháng 4-1965. Hiến và tôi theo giao liên đi về hướng căn cứ Phúc Xá (mật danh cơ quan Ban tuyên huấn Trung ương cục). Hai chúng tôi rảo bước theo giao liên đi trên lối mòn cát mịn ẩn dưới rừng cây nguyên sinh rậm rạp 4, 5 tầng lá. Đến bên bờ một con suối nhỏ, giao liên cho chúng tôi ngồi nghỉ và nói: “Đây là Suối Cây”. Chúng tôi hỏi: “Sao lại gọi là Suối Cây?”. Chú giao liên trẻ măng cười hồn nhiên và giơ tay chỉ một cây cổ thụ đã tróc hết vỏ đổ vắt ngang qua suối: “Đó, tại cái cây đó tự đổ làm cầu cho mình đi vậy nên mới kêu là Suối Cây. Suối này còn có một cái tên nữa mấy chú có biết hôn?”. Không cần chúng tôi trả lời, vì chú biết thừa chúng tôi chẳng trả lời được nên nói tiếp: “Còn gọi là suối Lãng Bạc nữa. Cánh văn nghệ họ đặt tên như vậy đó”. Nghe vậy, Hiến và tôi gần như cất tiếng đồng thanh: “Chà, Hà Nội có mặt giữa rừng xanh miền Đông!”. Thật vậy, mấy ngày qua chúng tôi đã ở trạm tập kết của ban Tuyên huấn có mật danh là Bách Thảo rồi hôm nay di về Phúc Xá, và đang ngồi ở suối Lãng Bạc. Chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ Hà Nội yêu dấu đã ở nơi xa…
Biết chúng tôi về nhận công tác ở Lãng Bạc nên sau khi giải lao, giao liên bảo chúng tôi không cần về Phúc Xá nữa mà cứ vô thẳng căn cứ Lãng Bạc cho đỡ đi thêm cả tiếng đồng hồ nữa để rồi quay lại nơi cần đến.
Dẫn chúng tôi qua cầu Lãng Bạc đi tiếp một đoạn đường mòn chừng dăm trăm mét, giao liên chỉ cho chúng tôi một con đường mòn bên tay phải và nói: “Mấy chú cứ đi theo đường mòn này chừng vài ba phút là gặp căn cứ Lãng Bạc đó” .
Chia tay giao liên, chúng tôi vạch những cành lá lưa thưa che con đường rồi rẽ vào. Trước mặt chúng tôi là một khoảnh rừng có rất nhiều cây bàng lăng cổ thụ, vỏ cây lốm đốm đen trắng như da hươu sao. Xen với bàng lăng là những cây cầy (đồng bào Tây nguyên gọi là cây kơ nia) gốc to đến mấy người ôm, thân thẳng vút lên cao. Rừng miền Đông Nam Bộ cuối xuân sang hè rộn rã tiếng ve kêu. Bắt đầu là dàn đồng ca giọng kim của hàng mấy trăm ả ve nghe nỉ non như dàn nhạc dây đang hòa những âm thanh cao nhất. Thế rồi bỗng òa lên như tiếng phèng la của một ả ve chúa nào đó. Lập tức hàng chục ả ve chúa cùng tấu lên âm thanh của dàn nhạc gõ. Cả khu rừng rộn lên. Bầy ve nọ gọi bầy ve kia, tiếng trầm, tiếng bổng xen vào nhau kéo dài tới mấy chục giây rồi im bặt để rồi lại tấu lên khúc nhạc ban đầu nỉ non, lảnh lót…
Nghe “dàn nhạc ve” ồn ã, Hiến nói:
- Chắc bầy ve thấy chúng mình lạ nên mới la rùm lên đó. Chộn rộn quá.
Tôi nói với Hiến rằng ve kêu làm cho trống ngực tôi đập thình thịch, không phải vì sợ mà vì hồi hộp quá.
- Mình cũng hồi hộp như đi trình diện ông già vợ vậy - Hiến nói.
Thật ra, nỗi hồi hộp của chúng tôi không phải là do bầy ve gây ra mà chính là niềm vui được bắt tay ngay vào công tác mới ở chiến trường sau chuyến vượt Trường Sơn.
Phía trước mặt chúng tôi có tiếng động loạt xoạt. Thấp thoáng một bóng người dắt xe đạp phía đường mòn bên tay trái cách chúng tôi không xa. Người dắt xe dừng lại khi thấy chúng tôi bước tới. Đó là một người có thân hình hơi thấp, trạc tuổi chừng năm mươi. Anh mặc bộ pi-ja-ma màu xanh lá cây, ống quần và ống tay áo xắn cao, mồ hôi ướt đầm một vạt áo và cả trên khuôn mặt hơi có dáng chữ điền.Trông anh như vừa đi lao động về. Chúng tôi bước lại gần anh và nói:
- Chào anh! Xin anh chỉ dùm chỗ anh Sáu Lăng.
- Sáu Lăng là tôi đây. Anh đáp bằng giọng miền Bắc đã pha nhiều âm Nam Bộ.
- Hiến và Dũng đó phải không? Mình định đi đón các cậu nhưng mắc họp trên C (Ban Tuyên huấn) bây giờ mới về đây.
Theo chân anh Sáu, mấy phút sau, chúng tôi vào đến căn cứ Lãng Bạc.
Anh Sáu Lăng dẫn chúng tôi đi thăm và chào hỏi các bác, các anh chị đang làm công việc viết lách ở dưới những mái chòi lợp bằng lá trung quân. Chúng tôi dược gặp bác Trần Hữu Trang, anh Thanh Nha, anh Lý Văn Sâm, anh Trang Thế Hy, anh Anh Đức, anh Ngô Y Linh…Toàn những văn nghệ sĩ nổi tiếng trụ lại miền Nam sau năm 1954 và các anh ở miền Bắc vào từ năm 1962, 1963. Chúng tôi cũng kịp gặp anh Giang Nam lúc anh đang sắp lên đường theo bộ đội giải phóng tham gia chiến dịch Phước Long..
Chúng tôi dừng lại rất lâu trong chòi của chị Quyên - vợ anh Nguyễn văn Trỗi - và chị Châu - người yêu của anh Lê Hồng Tư. Cả hai chị đều vừa ở Sài Gòn ra và đang làm việc với anh Trần Đình Vân. Anh Vân đang chuẩn bị viết Sống như Anh.
Trích nhật ký:
12-4-1965
Chiều nay Hiến và mình đã về nhận công tác ở Tiểu ban văn nghệ. Các anh giao nhiệm vụ cho hai đứa cùng một số anh chị em khác chuẩn bị đi viết truyện anh hùng ở Đại hội anh hùng quân giải phóng sắp họp.
Tới Lãng Bạc trưa nay tưởng là sẽ bỡ ngỡ nhiều với nơi công tác mới nhưng lại có cảm giác như trở lại nhà sau một chuyến đi xa.
Anh Thanh Nha và anh Nguyễn Văn Bổng đều ở đây. Anh Bổng đi Cà mau chưa về. Anh Thanh Nha gặp mình liền ôm chầm lấy và lắc mạnh vai:“Vậy là nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền của chúng mình ở Hà Nội đã có ba người ra tiền tuyến. Ở đây rồi mày sẽ thấy rất vui. Toàn những người mày quen và sẽ quen cả. Cùng một nhà cả thôi”. Anh còn dặn mình: “Ở đây mày đừng kêu tao bằng chú nữa nhé. Cả cơ quan này có ông Tư Trang là lớn tuổi. Mày phải kêu ông bằng bác. Còn thì phải kêu bằng anh, bằng chị cả nghe hôn”.
Chiều nay ăn bữa cơm đầu tiên ở cơ quan văn nghệ R. Gạo trắng, cơm nhiều ăn không hết. Chả bù cho những ngày vượt khu VI đói lả. Nhìn các anh các chị ăn cơm với mắm ruốc mà thương. Gọi là mắm ruốc chứ thực ra là mắm tôm pha loãng, thêm muối vào rồi chưng lên chan vào cơm mà ăn. Rau không có. Xung quanh nhà ăn có một loài cây hơi giống cây sắn thuyền ở miền Bắc. Anh chị em gọi là cây lụa. Nhiều anh chị bưng ca cơm đứng ngay dưới gốc cây với tay bứt lá lụa ăn sống thay rau. Lá lụa ăn hơi chát và có vị chua.
Đang ăn cơm bỗng có 4 chiếc “cồng cộc” (máy bay ném bom Xi-cai-rai-đơ) bay lượn ngay trên khu rừng của căn cứ. Anh chị em vừa tản ra thì trái bom đầu tiên đã nổ cách Lãng Bạc không xa. Mảnh bom văng lốp bốp lên cả bàn ăn. Ném xong chừng mươi quả bom, bọn “cồng cộc” cút thẳng. Bữa cơm với mắm ruốc, lá lụa lại tiếp tục.
13-5-1965
Đêm qua chị Châu và Quyên đến thăm Hiến và mình. Hai chị hỏi rất nhiều về Hà Nội, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hiến không bỏ lỡ cơ hội “khai thác” và ghi chép lia lịa chuyện ở tù, chuyện đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn, chuyện anh Trỗi… đến tận khuya.
Hai chị về rồi, Hiến nói với mình thế nào cũng làm bài thơ “Áo trắng” nói về mối tình trắng trong của hai chiến sĩ Nguyễn Thị Châu và Lê Hồng Tư. Hiến còn cho biết sẽ tiếp tục hỏi chuyện chị Quyên để viết một cái gì đó, có thể là trường ca về anh Trỗi.
Đêm đầu ở Lãng Bạc, xem ra Hiến xúc động nhiều. Mình cũng vậy. Hiến rủ mình về quê Hiến ở Bến Tre. Mình đồng ý ngay. Có lẽ phải sau khi viết xong truyện anh hùng ở Đại hội sắp tới. Từ bàn chuyện đi thực tế hai đứa bàn sang chuyện Hà Nội lúc nào không hay. Cả hai đứa mình còn một nửa yêu thương ở ngoài đó. Niềm xúc động mới nơi chiến trường chống Mỹ pha với những kỷ niệm và nỗi nhớ ngọt ngào…
Rừng về khuya. Chỉ còn nghe tiếng chim từ quy gọi nhau lúc gần lúc xa…
Hiến tưởng mình đã ngủ liền nhè nhẹ ngồi dậy, bật đèn pin làm thơ. Hiến vừa viết vừa lẩm nhẩm khe khẽ các câu thơ mới viết.Chẳng còn biết bao nhiêu lâu sau Hiến mới nằm xuống võng. Mình bảo Hiến đọc cho nghe bài thơ mới làm Hiến thủ thỉ đọc như nói chuyện với người yêu. Sáng nay mình mượn bản thảo của Hiến đọc lại. Bài thơ được Hiến viết với một tình yêu lớn bằng những lời thơ hết sức dễ thương:
Anh nhớ em. Nhớ miền Bắc yêu thương
Nhớ dáng em đứng bên đường dương liễu
Của hồ Tây- buổi chiều dìu dịu
Nhớ mắt em trong sáng dịu dàng
Như trời miền Bắc buổi thu sang
Anh mang em suốt dặm đường xa lắc
Như mang trong tim ngôi sao phương Bắc
Mang niềm tin ngày thống nhất mai sau
Dù lửa bom đang dội trên đầu
*
* *
Mấy ngày sau đó Hiến và tôi đi dự Đại hội anh hùng các lực lượng võ trang miền Nam lần thứ nhất. Địa điểm họp Đại hội cách căn cứ Lãng Bạc chừng hơn một giờ đi bộ.
Tại Đại hội, cánh viết văn viết báo chúng tôi do anh Nguyễn Thi phụ trách. Anh Trần Độ, lúc bấy giờ mang bí danh là Chín Vinh, trực tiếp chỉ đạo chúng tôi viết. Mỗi cây bút được phân công viết từ một đến hai anh hùng.
Hiến được phân công viết về anh hùng Nguyễn Văn Tư quê ở Bến Tre. Anh Tư có thành tích dùng ong bò vẽ và các vũ khí thô sơ đáng giặc rất giỏi. Trong tay Hiến lúc bấy giờ chỉ vẻn vẹn có một trang rưỡi giấy đánh máy tóm tắt chiến công của người anh hùng. Hiến không thể gặp được anh Tư để trực tiếp khai thác tài liệu vì anh đã hy sinh trong một trận đánh ở quê nhà.
Tôi được phân công viết về anh hùng Nguyễn Hội ở Bình Thuận. Tôi gặp may hơn Hiến vì anh Hội có mặt ở Đại hội và mấy tuần trước đó tôi đã gặp và làm quen với anh trên đường Trường Sơn từ đoạn Mã Đà đến R. Qua sự làm quen ấy tôi đã được nghe anh Hội kể về tình hình đánh giặc ở quê anh và khu VI - vùng đất gian khổ nhất của chiến trường miền Nam: thiếu lương thực, thiếu thuốc men, cực nhất là thiếu cả nước sinh hoạt và đạn bom thì ác liệt chẳng ít hơn các mặt trận khác. Cán bộ, chiến sĩ hoạt động ở chiến trường khu VI chịu khổ chịu cực nhiều vì nằm cách xa con đường chi viện của Trung ương và Trung ương cục. Nhiều cán bộ khu VI vào R họp đã tranh thủ tải gạo từ R về khu cho đồng đội dù phải chịu vác nặng suốt mấy chục ngày đường.
Tuy có thuận lợi hơn Hiến nhưng tôi lại không có được cái thuận lợi của Hiến là chưa hình dung được cảnh sắc, con người nơi quê hương người anh hùng. Không có sự hiểu biết này tôi rất ngại truyện anh hùng mình viết ra sẽ dễ trở thành một bản báo công khô khan. Lại một khó khăn nữa là người viết không được làm lộ bí mật cách đánh giặc có khá nhiều chi tiết thú vị hấp dẫn của bộ đội đặc công ở Bình Thuận mà anh Hội là người chỉ huy trực tiếp.
Yêu cầu của trên là phải hoàn thành sớm bản thảo kịp phục vụ đợt tuyên truyền sâu rộng không chỉ ở chiến trường miền Nam mà còn phải sớm gửi ra miền Bắc để phát huy hiệu quả tuyên truyền rộng lớn hơn. Không chỉ ở miền Bắc mà còn từ miền Bắc sẽ có đủ điều kiện để giới thiệu cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân miền Nam với bạn bè của chúng ta trên toàn thế giới. Vì vậy, ở Đại hội về, ngày đêm chúng tôi chúi đầu vào việc viết.
Bù vào sự thiếu hụt không khai thác được trực tiếp từ nhân vật anh hùng, Hiến đã tranh thủ mọi thời gian ở Đại hội và sau Đại hội di gặp các chiến sĩ và cán bộ đang hoạt động ở Bến Tre và những cán bộ đã công tác ở quê hương Đồng khởi để lấy tài liệu. Hiến còn tìm đọc sách báo viết về Bến Tre, các sáng tác của anh chị em văn nghệ ở quê hương để truyền chất liệu sống vào những trang viết của mình. Nhờ vậy Hiến viết khá nhanh và những trang viết của Hiến về anh hùng Nguyễn Văn Tư khá sinh động.
Riêng tôi, nhờ sự chỉ bảo tận tình và hết sức cụ thể của anh Nguyễn Thi, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành bản thảo ở mức trên trung bình một chút. Tôi tự an ủi: dù chưa thể viết thật hay như mong muốn nhưng đã “dùng được”- như đánh giá của ban chỉ đạo viết truyện anh hùng cũng làm tôi thấy hạnh phúc vì đã có một đóng góp nhỏ bé trong những ngày đầu ở chiến trường Nam bộ.
Viết xong truyện anh hùng, Hiến được giữ lại công tác ở Tiểu ban văn nghệ R. Tôi cũng được giữ lại nhưng Tiểu ban giáo dục không đồng ý vì Tiểu ban đang cần cán bộ soạn gấp bộ sách giáo khoa phổ thông về môn ngữ văn cần tôi góp sức vì tôi đã từng là giáo viên dạy văn phổ thông trước khi là cán bộ giảng dạy đại học. Vậy là tôi vác ba lô về Đồ Sơn (mật danh của căn cứ Tiểu ban giáo dục). Hiến và tôi tuy không còn ở cùng cơ quan nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau vì từ Lãng Bạc qua Đồ Sơn đi bộ cũng chỉ chừng nửa tiếng. Hiến kể về công việc biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng mới được giao. Hiến đã chịu khó đọc hàng trăm bài từ các nơi gửi về và đã phát hiện dược không ít sáng tác có chất lượng tốt có thể đăng tạp chí và gửi ra miền Bắc để phổ biến rộng rãi trên đài Tiếng nói Việt Nam và các báo ở Hà Nội. Chính trong dịp này Hiến đã phát hiện được bài thơ “Vàm cỏ Đông” của Hoài Vũ gửi về tòa soạn đã lâu nhưng vì thiếu cán bộ có trình độ chuyên trách thẩm định lai cảo nên bài thơ vẫn nằm yên trong chồng bài bạn đọc khắp nơi gửi về.
Khoảng giữa năm 1965, Hiến được cơ quan văn nghệ cho đi thực tế ở Bến Tre. Ước mong cùng Hiến đi Bến Tre thế là không đạt. Cuối tháng 7-1965, sau khi soạn xong phần sách giáo khoa được giao, tôi được cơ quan điều đi làm công tác trí thức vận ở đặc khu Sài Gòn-Gia Định có mật danh là T4. có căn cứ đóng tại Hố Bò (Củ Chi) và ở vùng Thanh An (thuộc Bến Cát, nay thuộc tỉnh Bình Dương) nhận sự chỉ đạo trực tiếp của anh Tám Chí (Huỳnh Tấn Phát).
Ở T4, tôi nhận được một lá thư của Hiến viết từ Bến Tre. Hiến “khoe” với tôi anh đang sắp hoàn thành một tập thơ được sáng tác trong những tháng trở về quê nội. Tập thơ ấy sau này khi đưa in, Hiến đặt tên là Hoa dừa. Đó là một tập thơ thấm đẫm tình yêu quê hương và những con người của quê hương với những bài thơ, câu thơ nhuần nhị, dịu dàng, trong sáng, giàu sức truyền cảm.
Cuối năm 1965, tôi thực hiện được mong ước của mình: được cơ quan cử đi thực tế và xây dựng phong trào giáo dục ở vùng giải phóng Bén Tre. Tiếc là vào lúc ấy Hiến không còn ở Bến Tre mà đã được gọi về R. Dù sao tôi cũng được qua lại nhiều lần xã Tân Thành Bình - quê nội của Hiến - được cùng chia sẻ với Hiến những cảm nhận đầy đủ về tình yêu quê hương, yêu con người quê hương tha thiết trong tập thơ Tiêng gà gáy của Hiến. Tân Thành Bình và rộng hơn là Bến Tre - mảnh đất “rợp cánh cò bay trắng cả tuổi thơ” Hiến đã từng xiết bao gắn bó:
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe xa vang tiếng sấm
Nghe mưa rơi tiếng ấm tiếng trong
Ngày trở về quê nội, Hiến bàng hoàng trước nét dẹp của những người con gái ở quê hương đồng khởi sau bao năm dài cách xa:
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy?
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ ta thương.
*
* *
Cuối năm 1966 tôi được điều động trở về R. Về đến nơi, tôi nhân được quyết định của Ban Tuyên huấn chuyển tôi về công tác tại Tiểu ban văn nghệ. Thế là tôi lại sống và làm việc cùng đơn vị với Hiến.
Lúc bấy giờ Trung ương cử anh Lưu Hữu Phước (tên thường gọi ở R là Tư Siêng - Huỳnh Minh Siêng - tác giả ca khúc “Giải phóng miền Nam” nổi tiếng) vào làm trưởng Tiểu ban văn nghệ thay cho anh Nguyễn Văn Bổng được biệt phái vào nội đô Sài Gòn hợp lực với anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ là cơ sở cách mạng của ta để lo mấy tờ báo tạp chí của ta xuất bản công khai hoặc bán công khai ở Sài Gòn.
Anh Tư Siêng phân công tôi lo tờ tạp chí “Sinh hoạt văn nghệ” nhắm vào việc phục vụ anh chị em hoạt đông văn nghệ ở các cơ sở xã, huyện vùng giải phóng và vùng ven ở chiến trường miền Nam - chủ yếu là Nam bộ (vì có nhiều trở ngại về vận chuyển tạp chí ra khu VI, khu V nên tạp chí phát hành ở Nam bộ là chính). Vì thiếu cán bộ, anh Tư động viên tôi một mình lo liệu: từ tổ chức, sưu tầm, biên tập bài vở cho đến trình bày, in ấn, tổ chức phát hàn, v.v. Anh Tư đảm nhận công việc duyệt bài vở trước khi đưa đi in.
Hiến vẫn tiếp tục biên tập chính cho tạp chí “Văn nghệ giải phóng” và sáng tác – chủ yếu là viết đủ các thể loại thơ ca hò vè phục vụ các yêu cầu của công tác tuyên truyền dưới sự chỉ đạo của Tiểu ban. Hiến đã làm quen với kiểu sáng tác “theo đơn dặt hàng” của tổ chức ngay từ những ngày đầu nhận công tác ở Lãng Bạc: viết truyện anh hùng, viết trường ca “Nguyễn Văn Trỗi”, làm ca dao v.v.). Điều đáng nói là nhận công việc này, Hiến rất hào hứng - không phải vì áp lực của cấp trên. Hiến sáng tác - dù chỉ làm một đoạn ca dao, một từ khúc cho điệu vọng cổ hoặc dân ca Nam bộ để phục vụ công tác tuyên truyền, Hiến vẫn viết bằng trái tim đầy cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu chiến sĩ, đồng bào, tình yêu đối với Hà nội và hậu phương lớn miền bắc…nên những gì Hiến viết ra đều có sức truyền cảm lớn, đều thấm đượm ngọn lửa nhiệt tình cách mạng.
Dạo ấy, căn cứ Ban Tuyên huấn R thường xuyên bị Mỹ dùng B52 đánh bom ác liệt. Trận B52 đầu tiên đánh vào căn cứ đã gây tổn thất lớn cho giới văn nghệ ở chiến trường: bác Tư Trang hy sinh. Những trận sau đó đã cướp đi sinh mạng của những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng: Bảy Vân, Thừa Vĩnh, Bảy Thịnh, Ngọc Cung, Hai Phương. Chúng tôi di chuyển căn cứ liên tục. Mỗi lần chuyển cứ là mất rất nhiều thời gian và công sức để đào hầm, đào giao thông hào… lại phải đảm bảo tạp chí ra liên tục, vẫn viết báo và sáng tác đủ các thể loại cung cấp cho tạp chí và thường xuyên gửi ra Bắc để phổ biến rộng rãi. Có lúc đạn bom ác liệt quá không in được báo chúng tôi phải điện theo đường Thông tấn xã giải phóng toàn bộ bài vở kèm theo bài điểm báo để đài Tiếng nói Việt Nam và đài Giải phóng phát lên đài như báo, tạp chí vẫn phát hành bình thường.
Anh chị em trong cơ quan, Hiến và tôi bận bù đầu. Lại thêm căn bệnh sốt rét hành hạ khiến Hiến rồi tôi phải đi nằm viện. Ra viện đứa nào cũng gầy tong teo, da vàng khè nhưng vẫn vùi đầu vào công việc. Thỉnh thoảng Hiến nhận được “tiếp tế” của bác Ca Văn Thỉnh - thân phụ của Hiến bấy giờ đang làm đại sứ ở Nam Vang - gửi cho một ít lạp xường, thịt hộp, thuốc bổ,v.v. Hiến đều đem ra mời vợ chồng Anh Đức và tôi cùng hưởng.“Các anh chị bồi dưỡng cho mau lại sức”- Hiến nói, mặc dầu lúc đó người cần bồi dưỡng nhất là Hiến. Hiến vừa phải nằm viện cả mấy tuần.
*
* *
Mùa xuân Mậu Thân 1968.
Cả căn cứ rộn ràng như ngày hội. Xuống đường, xuống đường người người lớp lớp. Người ra đi mặt mày hớn hở.. Kẻ phải ở lại làm công việc thường xuyên ở căn cứ không khỏi ganh tị với người được ra đi và không khỏi thắc mắc với lãnh đạo cơ quan.
Trích nhật ký:
23-1-68
Anh em ở nhà đang đổ xô đi công tác đô thị. Anh Hồng Châu (Thép Mới) đi. Riêng mình lại đang phải làm cái việc chăm lo cho các chị, các cháu ốm yếu ở nơi sơ tán sao thấy sốt ruột quá.
Từ hôm qua đến nay trong lòng mình có một cái gì xao xuyến. Ngày mai mình sẽ trở về cơ quan. Công việc chung sẽ cuốn mình đi.
Ôi những ngày sắp tới, bao mừng vui và thử thách quyết liệt đang đợi chờ!
28-1-68
Hoàng Việt hy sinh rồi!
Chiều nay mình nghe cái tin đau đớn này mà lặng người choáng váng. Hoàng Việt chết ở Mỹ Tho trong một trận càn của giặc.
Ôi cuộc chiến tranh này thật khốc liệt biết bao!
Ngày Tết mà sao lòng ta không thanh thản. Sáng nay nghe tin chị Hai Tấn - chị chủ nhà mình ở trong đợt đi công tác Tây Ninh - bị bom chết cả hai mẹ con. Rồi tiếp theo là cái tin đau đớn này.
Hy sinh! Hai chữ nghe gọn gàng mà lại tác động đến tim ta biết chừng nào.
Đành rằng hy sinh trong chiến đấu là tất nhiên nhưng đối với từng người hầu như lại là ngẫu nhiên. Điều này ai mà biết trước đuợc.
Đêm nay giao thừa đây. Ta đã đón bốn đêm giao thừa ở miền Nam rồi (kể cả đêm nay). Nhớ nhà quá!
31-1-68
“Giờ X” đã điểm rồi! Sài Gòn và 40 thị xã, thị trấn, thành phố đã nhất tề tấn công Mỹ-ngụy từ nửa đêm và rạng sáng nay.
Suốt từ trưa đến giờ anh chị em trong cơ quan reo hò rộn rã. Máy thu thanh không lúc nào im tiếng.
Đêm nay, sáng mai và những ngày sau đó chắc chắn là còn nhiều tin phấn khởi gấp nhiều lần hơn.
Có cái lạ là tin vui dồn dập quá mình lại không thể viết ra lời.
2-2-68
Tối hôm qua mọi người đã được nghe Đảng uỷ truyền đạt lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Cả khu rừng như lung linh hẳn lên
6-2-68
Đợt I tổng công kích có lẽ đã xong. Đợt II có lẽ sắp nổ ra. Ở các thành phố ta vẫn giằng co với địch. Huế thân yêu đã thuộc về tay cách mạng. Mình đang có ý định viết một bài về Huế đây.
Khuya hôm qua đã viết xong từ khúc“Bài ca tổng tấn công”. Đang nhờ phổ nhạc.
Không được ở các mũi nhọn hiện nay thật là khổ. Ở đây mình thấy lạc lõng làm sao ấy. Dù thế nào cũng phải ráng góp sức mình cho sự kiện lịch sử trọng đại này.
12-2-68
Một giờ đêm qua đã viết xong kịch vui một màn (diễn chừng 30 phút?):”Tấn hài kịch không vui trong toà Nhà Trắng”. Chất lượng vừa phải - theo yêu cầu cấp bách của công tác tuyên truyền hiện nay. Đêm nay cũng đã sửa xong lời bài từ khúc hôm trước.
Ngày mai bắt tay vào một số công việc bận rộn khác: chuẩn bị ra báo, viết tuyên bố của Hội Văn nghệ Giải phóng, viết thư của Hội cho văn nghệ sĩ Sài Gòn (Viết theo sự phân công của anh Tư Siêng (Lưu Hữu Phước). Anh Tư tín nhiệm mình viết vì hôm trước mình đã chủ động thảo một thông cáo về cuộc họp của Ban chấp hành Hội Văn nghệ Giải phóng trước tình hình mới, trình lên được anh Tư hoan nghênh mình đã đề xuất một việc làm kịp thời nên anh đã ký ngay và cho phổ biến rộng trên các báo, đài ở miền Nam và cả ở miền Bắc.
Mấy đêm nay ít được ngủ vì việc nhiều.
20-2-68
Đợt II tổng công kích bắt đầu từ đêm 17 rạng 18-2. Ta đánh vào 47 cứ điểm của giặc khắp các thành phố. (Thực ra đây chưa phải là đợt II - Từ Sơn chú khi chép lại đoạn nhật ký này).
Cơn mưa xuân đầu tiên của rừng miền Đông đã bắt đầu từ đêm qua. Thời tiết sáng nay giống Hà Nội quá chừng.
26-2-68
Đã làm xong bài thơ”Bài thơ về quê mẹ” từ tối hôm kia sau cả tuần suy nghĩ và viết. Bài thơ được anh em khen. Anh Giang Nam đọc rồi và nói là “một tài năng mới”. Gì không biết nhưng mình thấy trong khi làm mình hết sức xúc cảm. Bởi vì Huế là tuổi thơ, là mẹ, là cái nôi của đời mình. Huế đã giữ quyền làm chủ trong 26 ngày đêm. Thật anh dũng!
Mình đang định viết một bài điểm thơ về Tổng công kích Mậu Thân cho tạp chí “Văn nghệ Giải phóng” số 29.
Mấy tuần nay suy nghĩ và viết nhiều. Căng và mệt. Người cứ như muốn ốm.
22-3-68
Đi in “Văn nghệ Giải phóng” số 29 từ 18-3. Đã một năm rồi mới trở lại nhà in. Bao đổi thay đã qua rồi.
28-3-68
Báo đã in xong. Về cơ quan hôm nay. Trời nóng nực một cách khó chịu. Cả buổi chiều không làm được gì cả.
11-4-68
Trăng sáng. Nhớ Hà Nội một cách lạ lùng..
Thời cuộc bây giờ thay đổi từng giờ. Nghị quyết mới của Trung ương cục đã học rồi. Một đợt mới lại bắt đầu với quyết tâm cao độ: giành lấy thắng lợi cuối cùng. Cuộc hội đàm về việc ngưng ném bom miền Bắc giữa ta và Mỹ sắp bắt đầu. Chiến trường đang có sự im lặng trước giờ nổ súng. Anh em ở căn cứ này sẽ đi chiến dịch nhiều. Đáng tiếc là mình không được đi mũi nhọn. Bây giờ mình chỉ biết cố góp sức mình cho mau tới ngày thắng lợi hoàn toàn. Những băn khoăn riêng hãy dẹp lại một bên.
12-5-68
X2 (Tổng công kích đợt II) đã nổ ra từ đêm 4 rạng sáng 5-2 ở Sài Gòn và 120 nơi trên toàn miền.
Lần này Sài Gòn đánh chắc ít ồ ạt hơn. Mình vẫn phải ở lại căn cứ.
Hôm nay nhận được thư cha, má và Loan (viết khoảng 9-4-68). Ở nhà cứ tưởng mình đang có mặt tại Sài Gòn hoặc đâu đó rồi. Cả nhà có biết đâu rằng mình vẫn ở rừng và đang làm đủ các thứ việc sự vụ của một toà soạn báo không ra đều kỳ được vì các thứ khó khăn về in ấn, giấy má, người, bài vở…
24-5
Đi in tạp chí“Sinh hoạt văn nghệ” trừ 21-5.
7-6-68
Mấy hôm nay trong lòng mình thật không yên..
Nghĩ những gì nhiều lúc mình cũng không biết nữa.
Ngày 30-5 đang in báo thì nghe tin Hiến (Lê Anh Xuân) và Hồng Tân hy sinh.
Mình không tin, không tin. Nhưng rồi sự thật đau xót là đúng như thế đấy.
Sáng 31-5 mình về cơ quan. Chưa ai hay tin này. Sáng 1-6 có tin chính thức. Anh Đức đến báo cho mình. Thôi thế là thật rồi!
Hiến và Hồng Tân rời căn cứ ngày 5-5-68. Hy sinh ngày 24 -5-68. Có lẽ vì pháo giặc bắn trúng hai bạn trên đường đi xuống Cần Giuộc. (Từ Sơn chú thích lại: Về sau này tôi được nghe các anh Giang Nam, Lê Văn Thảo, Viễn Phương kể rằng: Hiến và Hồng Tân bị chết ngạt trong hầm bí mật ở vùng căn cứ của Ban chỉ huy mặt trận ở vùng giáp ranh giữa Sài Gòn và Long An trong một trận giặc càn). Nghe nói Lê Văn Thảo đã chôn cất hai bạn.
Ôi, biết bao kỷ niệm từ ngày ra đi cùng với Hiến. Hiến hy sinh vào lúc tài năng đang độ chín. Văn học cách mạng miền Nam mất đi một nhà thơ rất đáng yêu.
Hồng Tân đã sống cùng một đơn vị với mình gần một năm trời từ khoảng này năm ngoái. Thật tiếc chưa làm được gì nhiều cho quê hương Hồng Tân đã hy sinh. Mình ân hận hoài vì có không ít lúc mình đã nhận xét, phê phán các khuyết diểm của Hồng Tân một cách quá khắt khe.
…Đừng bao giờ khắt khe với bạn bè cùng chiến đấu với mình. Hãy nhìn ở chiến hữu của mình những nét đẹp nhất để khỏi ân hận khi phải xa nhau hoặc mãi mãi xa nhau!
Đêm. Trời mưa thật là buồn. Nhớ, đau và căm giận. Đầu óc không yên.
…
Cuốn sổ nhật ký khổ 9x12cm ghi những dòng trên tôi còn giữ được có “tuổi đời” đã hơn bốn mươi. Qua bao lần chịu trận B52, pháo bầy, bom trộm ở căn cứ và ở mọi nẻo đường chiến trường cùng chủ, nó vẫn “sống sót” cho đến hôm nay. Giờ đây nó đang giúp tôi hồi tưởng lại cả một thời sôi nổi ở chiến trường Nam bộ hồi Mậu Thân 1968. Nhiều, rất nhiều niềm vui, niềm tự hào còn đó và cũng đọng lại mãi trong tôi bao niềm thương, nỗi nhớ và cả những đau đớn, xót xa mỗi khi nhớ lại chiến trường xưa và đồng đội thân yêu của mình.
Tôi còn nhớ mãi đêm giao thừa đón xuân Mậu Thân 1968 dặc biệt ấy. Cả cơ quan Hội Văn nghệ Giải phóng hầu như chẳng ai ngủ được. Rừng miền Đông khô hanh và hơi se lạnh lúc về khuya. Mọi người quây quần bên nhau nghe Bác Hồ chúc Tết và thơ chúc Tết của Bác: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua - Thắng trận tin vui khắp nước nhà - Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ - Tiến lên toàn thắng ắt về ta!“qua làn sóng điện của đài Tiếng nói Việt Nam. Giao thừa đã qua lâu rồi mà anh chị em trong toàn cơ quan vẫn ngồi chờ đợi và đoán già đoán non: “Có lẽ giờ G sắp đến rồi”. Cả giờ đồng hồ đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát những bài hát về Trường sơn, về các chiến sĩ giải phóng quân… Anh chị em lại đoán: có lẽ đây là mật mã về giờ G. Một số anh em “táy máy” dò đài Sai gòn từ sau nửa đêm và phát hiện: đài Sài Gòn hình như đã dừng phát nên không bắt được tín hiệu. Gần sáng, cả cơ quan như bừng lên với tiếng hò reo, tiếng đàn hát, tiếng radio mở hết cỡ để đón cái tin: quân giải phóng đã mở đợt tổng tấn công vào Sài Gòn và các đô thị trên toàn miền Nam!
Bầu trời khu căn cứ đêm ấy hoàn toàn im tiếng máy bay của Mỹ đi trinh sát và ném bom trộm hàng đêm trước đó. Máy phát điện nhỏ của cơ quan được khởi động. Điện sáng tưng bừng cả hội trường . Ai nấy hát đến khản cả giọng các bài “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”… Không khí tưng bừng náo nhiệt kéo dài cho đến mấy ngày sau.
Súng đã nổ rồi, Sài Gòn ơi!
Ngực ta rung theo tiếng súng bồi hồi.
Lê Anh Xuân đã ghi lại rất đúng tâm trạng của anh chị em đang còn ở lại căn cứ, chưa được xuống đường để trực tiếp góp sức mình cho cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn lúc bấy giờ. Bởi vì: “Đây là cuộc hành quân cả nước - Đội ngũ ta dài suốt bốn ngàn năm - Đây là trận tấn công ta mong ước - Từ những đêm ngủ đất, ngủ hầm”. Lê Anh Xuân viết bài thơ “Mùa xuân Sài Gòn - Mùa xuân chiến thắng” ngay sau đêm biết tin quân ta tổng công kích Sài Gòn. Hiến đã gặp lãnh đạo cơ quan “đòi” cho anh được đi tham gia chiến dịch. Không chỉ mình Hiến “đòi” như vậy mà hầu như tất cả anh chị em làm công tác văn nghệ trong cơ quan. Gần đây, trong cuốn hồi ký “Sống và viết ở chiến trường”(nxb Hội nhà văn-2004) anh Giang Nam đã “tiết lộ”: “Anh Sáu Lăng (tức Bùi Kinh Lăng- phó trưởng tiểu ban văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục- T.S. chú) nói riêng với tôi: “Nhiệm vụ anh chị em văn nghệ sĩ chỉ thực sự bắt đầu khi bộ đội và các lực lượng chiến đấu khác của ta đã dứt điểm, làm chủ tình hình. Lúc đó sợ không đủ sức mà phục vụ đồng bào, bộ đội, không đủ sức viết lại chiến công của anh chị em. Bây giờ đi sớm lỡ bom đạn nó “xơi tái” các cậu ấy, mất hết vốn thì làm ăn gì nữa”. Sở dĩ tôi nhắc lại điều ấy vì lúc đó tôi là trưởng ngành văn và vì trong các anh chị em tha thiết muốn xin đi tiền phương có Lê Anh Xuân (tức Ca Lê Hiến) nhà thơ trẻ tài hoa của chúng ta.(Sách đã dẫn, tr. 163-T.S. chú).
Đề đạt nguyện vọng nhiều lần, cuối cùng Hiến đã được lãnh đạo cơ quan đồng ý cử Hiến đi tham gia Tổng công kích đợt 2. Hiến phấn chấn hẳn lên.
Trong mấy ngày chờ đợi đi tham gia đợt 2, Hiến đã làm được một bài thơ để đời. Đó là bài Dáng đứng Việt Nam. Bài thơ được Hiến viết sau khi nghe một đồng chí đã tham gia đợt 1 Tổng tấn công kể lại tư thế hy sinh của một chiến sĩ khi quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bài thơ ban đầu được Hiến đặt đầu đề là Anh giải phóng quân. Nhà văn Anh Đức, khi ấy là trưởng ngành văn đề nghị Hiến lấy lại ý Cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ - Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất – Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân làm đầu đề bài thơ.Hiến đã sửa lại như chúng ta đã biết.
Bài thơ được đăng vào tạp chí Văn nghệ giải phóng, được điện ngay ra Hà Nội để phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đăng tải lại trên nhiều báo chí cả nước lúc bấy giờ. Sau đó không lâu, bài thơ đã được phổ nhạc và trở thành một ca khúc làm rung dộng biết bao thế hệ từ thời chống Mỹ và cho đến cả các thế hệ của ngày hôn nay.
*
* *
…Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Hiến buổi sáng 5-5-1968 khi Hiến bắt tay tôi để đi xuống đường. Vẫn đôi mắt to, sáng trong đầy ánh yêu thương ẩn dưới hàng mày đen rậm. Vẫn giọng nói ấm áp với nhiều từ tượng thanh mạnh mẽ. Vẫn cái đài bán dẫn nhỏ đeo trước ngực mà Hiến đã mang theo trong chuyến vượt Trường Sơn. Hiến hẹn đón tôi ở vùng ven trong những ngày sắp tới “nhậu” với nhau một bữa thật đã đời để ăn mừng chiến thắng đợt Tổng tấn công mới vào sào huyệt kẻ thù. Hiến tin chắc như vậy.
Thế rồi…Hai mươi ngày sau, Hiến đã vĩnh viễn nằm lại trêm mảnh đất chiến trường ở vùng ven Sài Gòn!
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Hiến ngã xuống. Nhớ bạn lắm, Hiến ơi! Đồng đội cùng chung một chiến hào với tôi!
Đành rằng “…những đấng tài hoa - Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du-Truyện Kiều) nhưng nỗi tiếc thương trong lòng đồng đội của Hiến còn sống hôm nay thì chẳng bao giờ vơi cạn.
Hà Nội cuối tháng 7 năm 2010
.........................................
Nguồn: viet-studies ngày 4-8-10