Cuộc sống quanh ta

Ăn vặt không phải chuyện vặt

Thành phố Vinh, một vài năm nay đã bắt đầu xuất hiện một số tuyến phố có nhiều quán ăn vặt như Nguyễn Văn Cừ, Phong Định Cảng, Hà Huy Tập, Kim Đồng, Đinh Công Tráng… mà người ta vẫn thường gọi bằng cái tên dân dã là “quán cóc”. Số lượng quán ăn vặt không dày đặc nhưng số lượng khách đến hàng ngày là khá lớn, chủ yếu là học sinh trung học, sinh viên và thanh niên. Mỗi quán “cóc” có hàng chục món ăn và gần chục loại nước uống khác nhau. Các món ăn thông dụng nhất là nem chua rán, xúc xích chiên, phở cuốn, các món gà, các món thủy hải sản như ngao, ốc, các món nộm, đồ hoa quả dầm,… và hàng chục loại đồ uống khác nhau.

Nói rằng ăn vặt và kinh doanh… vặt nhưng ở các đô thị hiện nay lại không “vặt” như người ta vẫn nghĩ. Một học sinh trung học có thể chi hơn 1 triệu đồng/tháng vào ăn vặt. Một quán kinh doanh ăn vặt ở Vinh cũng có doanh thu 500-600 triệu/tháng. Ăn vặt hay ăn nhanh đang trở thành một thói quen phổ biến, một trào lưu đang lan rộng của một bộ phận giới trẻ ở thành thị. Kinh doanh đồ ăn vặt hay đồ ăn nhanh cũng trở thành một thị trường béo bở, tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực của các nhà đầu tư lẫn những người làm dịch vụ, buôn bán nhỏ. Từ “ăn vặt” xuất hiện từ lâu đời, còn từ “ăn nhanh” mới xuất hiện trong thời gian gần đây gắn liền với những hãng sản xuất và buôn bán thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới như McDonald’s, KFC, Lotte… Ăn vặt không phải là bữa ăn chính, là ăn cho đỡ đói nhưng nó thể hiện nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến giới trẻ và cả vấn đề đời sống văn hóa đô thị.

Trước hết, ăn vặt đang là sở thích của một bộ phận giới trẻ, và ngày càng trở thành một trào lưu được nhiều người ưa chuộng. Khi những quán nhậu đã trở thành địa điểm tập trung chủ yếu của rất nhiều người đàn ông sau giờ làm việc, những quán làm đẹp, quán cà phê hay các siêu thị hay shop thời trang trở thành điểm đến của nhiều người phụ nữ trưởng thành thì quán ăn vặt cũng đang trở thành chỗ gặp gỡ của nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh và sinh viên sau giờ học. Đến quán, trước hết là đáp ứng nhu cầu ăn uống. Nhưng không chỉ vậy, quán ăn vặt còn là chỗ để các bạn trẻ gặp gỡ và giao lưu trò chuyện, giải tỏa những áp lực sau những giờ học, hoặc làm việc căng thẳng. Một bạn trẻ chia sẻ: “Sau giờ học nhóm chúng em thường hay ra quán quen này để tụ tập. Có khi ra để ăn gì cho đỡ đói. Nhưng khi không cảm thấy đói tụi em cũng ra để gặp nhau, ngồi tán chuyện. Gần như ngày nào chúng em cũng ra đây, kể cả ngày nghỉ mà gia đình không đi đâu thì tụi em cũng hẹn nhau. Đi nhiều thành quen, nhiều hôm không ra quán lại thấy thiếu thiếu cái gì đó”. Thường các bạn trẻ đi đến các quán ăn vặt theo các nhóm từ 2-3 người đến 5-6 người. Những chuyện hay được các bạn chia sẻ trong lúc ngồi ở quán là chuyện học tập, chuyện bạn bè hay bàn luận về một sự việc, một nhân vật nào đó mà họ quan tâm. Nhiều khi, có cả những câu chuyện về tâm sinh lý, về tình yêu, tình bạn của tuổi mới lớn cũng được các bạn chia sẻ với nhau.

Ăn vặt ngày càng phổ biến trong giới trẻ do nhiều nguyên nhân từ đời sống kinh tế gia đình, tâm lý và sở thích của lớp trẻ đến những trào lưu văn hóa đô thị hiện nay. Đầu tiên cần thấy rằng số bạn trẻ tham gia vào trào lưu ăn vặt ngày càng nhiều là nhờ đời sống kinh tế gia đình ngày càng khá hơn. Khi kinh tế gia đình đang khó khăn, phải lo từng bữa thì không thể có tiền để ăn vặt. Chỉ khi đời sống kinh tế gia đình khá giả hơn, người ta không phải lo lắng tính toán chi tiêu thì mới có cho con cái một khoản tiền nhất định để sử dụng, trong đó có việc dùng để ăn vặt. Những đứa trẻ của các gia đình có đời sống vật chất đầy đủ hơn, thường được tiếp xúc với việc tiêu tiền sớm hơn. Một khảo sát gần đây cho thấy, ở các thành phố, các cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế thường cho con cái (từ 10-18 tuổi) không dưới 1 triệu đồng/tháng để tự chi tiêu, mà phần lớn tập trung vào việc ăn uống. Quan sát một quán ăn vặt tại thành phố Vinh tôi thấy sau một thời gian thì số khách quen là học sinh trung học hay đến quán thường 3-4 lần/tuần. Có những nhóm gần như ngày nào cũng gặp nhau một lần tại quán. Thường mỗi một lần vào quán, số tiền chi phí từ 20-30 ngàn đồng/người. Xem ra, dù là ăn vặt nhưng số tiền cũng không “vặt” khi đối tượng là những người chưa có thu nhập. Mặt khác, ăn vặt cũng được thôi thúc bởi tâm lý đám đông của giới trẻ. Có những bạn đi ăn vặt chỉ đơn giản là do bạn bè rủ rê hay đi theo để có bạn, không đi sợ bạn bè nghĩ không hòa đồng. Ở thành thị hiện nay, trong mắt nhiều bạn tuổi “teen” (11-19 tuổi) thì không ăn vặt mới là có vấn đề chứ không phải hay đi ăn vặt. Những học sinh chỉ biết từ nhà đến trường và từ trường về nhà thì dù học giỏi cũng có thể bị bạn bè coi là “không biết gì”….

Chuyện ăn vặt ở giới trẻ hiện nay cũng còn ẩn chứa nhiều vấn đề xã hội khác. Những biến đổi trong đời sống văn hóa gia đình, những gia đình lớn với ba bốn thế hệ đang ít dần, thay vào đó là sự tăng lên của các gia đình hạt nhân. Những người mẹ ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động kinh tế và xã hội hơn nên cũng ít thời gian hơn trong việc quản lý con cái hàng ngày. Nếu người phụ nữ vẫn chỉ lo việc gia đình, ở nhà nấu nướng, làm việc nhà và chờ chồng, con về ăn thì rất khó chấp nhận cho con cái mình ra ngoài ăn vặt thường xuyên. Suy nghĩ của người lớn về việc ăn vặt của con cái cũng không gay gắt như trước. Một phụ nữ chia sẻ: “Trước đây tôi cũng nghĩ không nên để con cái ra ăn uống ngoài đường vì sẽ làm hư cháu và không an toàn. Tuy nhiên, giờ thấy bạn bè nó đều vậy thì cũng không ngăn cản. Vả lại mấy đứa bạn bè rủ nhau ra quán ăn vặt linh tinh và ngồi trò chuyện thì cũng giống như khi mình đi với bạn bè vậy nên dần cũng thấy bình thường. Thấy cháu vẫn học tập tốt và sức khỏe vẫn đảm bảo nên tôi cũng phải cho thêm cháu tiền để nó tham gia với bạn bè. Tôi nghĩ lớp trẻ đang thay đổi nên những việc này cũng không phải là việc xấu”. Rõ ràng những người lớn đang có cái nhìn thông thoáng hơn với việc ăn vặt của lớp trẻ.

Tuy nhiên, ăn vặt cũng có những tác động tiêu cực nhất định đến một bộ phận lớp trẻ ở đô thị hiện nay. Nó chiếm mất một khoảng thời gian không ít của các bạn học sinh, sinh viên gây ảnh hưởng đến thời gian học tập của họ. Những câu chuyện nhạy cảm được đưa ra trong quán cóc nhiều khi cũng ảnh hưởng đến tình cảm bạn bè, nhất là khi sa đà vào bàn luận về bạn bè. Về kinh tế, ăn vặt cũng tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ đối với những người chưa có thu nhập như các học sinh, sinh viên. Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì không phải là khó, nhưng các bạn có gia đình khó khăn thì việc kiếm tiền theo bạn đi quán cũng trở thành một sức ép không nhẹ. Nhiều trường hợp đã phải làm thêm một số việc như bán hàng qua mạng, làm các việc vặt để có tiền. Có những trường hợp phải nói dối bố mẹ để có tiền đi với bạn bè. Rõ ràng, những vấn đề này, nếu không được bố mẹ quan tâm và tìm cách giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ việc học tập mà còn cả về tính cách, nhân cách của con cái.

Giới trẻ ở nhiều thành phố lớn, trong đó có thành phố Vinh, đang thịnh hành trào lưu ăn vặt. Từ đó, không chỉ các thành phố lớn mà các thị trấn, thị tứ ở các địa phương cũng đang hình thành những quán cóc ăn vặt. Ăn vặt không chỉ là ăn mà trở thành cái cớ để giới trẻ gặp gỡ, giao lưu. Và cuối cùng chính câu chuyện ăn vặt sẽ góp phần hình thành một thế hệ mới mà ở họ những quan niệm về công việc nội trợ, về giá trị văn hóa gia đình sẽ thay đổi rất nhiều. Trong quá trình phát triển, những yếu tố hợp lý sẽ được sàng lọc và chấp nhận, những yếu tố không phù hợp sẽ bị loại bỏ. Vì vậy, không thể vội vàng hoặc định kiến đánh giá đúng hay sai và nhất là quy kết về phương diện đạo đức cho lớp trẻ.

Nhưng rất cần hiểu cho rằng: Ăn vặt hoàn toàn không phải là chuyện “vặt”./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522545

Hôm nay

277

Hôm qua

2325

Tuần này

21319

Tháng này

220484

Tháng qua

121009

Tất cả

114522545