Cuộc sống quanh ta

Cô giáo đại học “ô sin” gia đình ba thương binh nặng

Ở phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, nhiều người biết cô Phan Thị Đào là nhà giáo về hưu, song lại ít ai biết rằng cô là cô giáo đại học “ô sin” gia đình ba thương binh nặng.

Cô Đào sinh ra và lớn lênở một vùng quê nghèo thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô được phân công về làm cán bộ giảng dạy tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Đại học Khoa học). Cô là con gái út của một gia đình giàu truyền thống cách mạng và cũng là một trong những gia đình Việt Nam hứng chịu nhiều mất mát, thiệt thòi. Trong cuộc chiến chống Mỹ, ba mẹ cô (ông Cảnh, bà Diêu) đều tham gia hoạt động và mang đầy mình những vết tích chiến tranh. Ngày giải phóng trở về, cửa nhà tan hoang, cả hai anh trai đều mất (trong đó một người là liệt sỹ) nên khi cha già mẹ yếu, gánh nặng gia đình một mình cô phải cáng đáng. Vì đường xa cách trở, lại bận rộn công việc gia đình, đoàn thể, không có điều kiện sớm thăm tối viếng cha mẹ già nên từ năm 2010, cô đưa hai cụ ra Huế để nuôi nấng, phụng dưỡng.

Ông bà sống với vợ chồng cô khi tuổi đời đã gần chín mươi. Ở độ tuổi “nhân sinh cửu thập cổ lai hy” này, nếu ông cứ ăn nơi nằm chỗ “ngoan ngoãn” như bà để con cháu chăm sóc, hầu hạ cũng đã thấm mệt, huống nữa, cụ lại mang thêm một căn bệnh quái ác làm cho nỗi cơ cực của cô tăng lên bội phần. Ba cô, ngoài vết thương gãy một cánh tay, hơn mười năm cuối đời ông còn bị bệnh thần kinh nặng. Dường như ngày nào ông cũng lên cơn. Có ngày đến chục lần. Mỗi lần chứng kiến bi kịch ấy là một lần cô nếm trải, thấm tháp thêm nỗi buồn dai dẳng của chiến tranh. Đất nước hòa bình đã bốn mươi năm nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn bao trùm và đè nặng lên thân phận của mỗi thành viên trong gia đình cô.

Khi về già, nhìn lại cuộc đời mình, người ta thường suy nghĩ, dằn vặt nhiều về đường con cái. Đối với những người làm cha làm mẹ thì trên đời này không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con. Giá như không có chiến tranh, giá như hai anh trai cô không ra đi quá sớm thì ba cô đâu đến nông nỗi này! Nhiều khi nửa đêm ông thức giấc vùng dậy gào hú, đập phá. Lại có không ít lần mới một, hai giờ sáng ông đã bắt con gái dìu từ tầng một lên tầng ba, rồi lại dìu từ tầng ba xuống tầng một. Điệp khúc ấy cứ thế diễn ra cho đến lúc trời sáng. Trong cơn điên ông không hề biết mệt, còn sức đàn bà con gái như cô thì chỉ muốn ngất xỉu.

Người ta bày cho cô lấy vải màn buộc tay chân ông lại, kẻo để ông đi như thế, đập phá như thế thì ông cũng khổ mà con cũng khổ. Lúc đầu cô còn ái ngại, nghĩ làm thế tội cha, lòng không đặng. Nhưng cô có phải xương sắt da đồng gì đâu! Cô cũng đã trên tuổi 60 và trong người mang đầy bệnh tật. Nếu để thảm trạng này kéo dài từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác thì sức cô sao trụ nổi. Thế nên buộc lòng cô phải chấp nhận. Song cô túm được tay thì hai chân ông đạp vào bụng, đau điếng; cô túm được chân thì hai tay ông đấm tới tấp vào mặt, vào mũi, sưng bầm.

Ông sống mà không biết mình đang sống. Ông đánh con mà chẳng biết mình đang đánh con. Bao năm trời con gái ngày đêm túc trực bên giường, xoa chân bóp tay, thay thố lau rửa, bưng bô đổ vịt, đút cơm mớm cháo cúc cung chăm bẵm mà vẫn không nhớ tên con. Sự thật chua chát ấy làm cho cô càng quặn lòng thương cha. Hồi còn sáng suốt, minh mẫn, cha thương con gái út lắm! Cha bảo “Giàu con út, khó con út”. Mẹ bảo, số nó chỉ có khó chứ làm chi có giàu. Cha mẹ đâu muốn vậy!

Một hôm, thấy tôi  đến thăm nhà, ông hỏi:

- Mấy mươi rồi?

Trông ông có vẻ tỉnh táo, hoạt bát hơn xưa, tôi  giỡn:

- Dạ, tám mươi!

- Làm việc chi?

- Chủ tịch xã ạ!

- Giỏi hè! Mới tám mươi tuổi mà đã làm chủ tịch xã!

Nói rồi ông cười. Cái cười nhăn nhó, rúm ró của một người vô thức. Và không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông, trước khi ông trở thành người thiên cổ. Ông vĩnh biệt cõi đời ở tuổi chín lăm.

Ông đi rồi còn bà. Nhưng trong gia đình, người khiến cô lao tâm khổ tứ nhất, hao tổn về tinh thần và thể chất nhất không phải là cha mẹ mà là chồng. Chồng cô quê ở Nghệ Tĩnh. Anh gia nhập quân đội từ lúc còn rất trẻ. Sau bảy năm vào sinh ra tử trên chiến trường Trị Thiên, nơi ngày đêm bom gầm đạn rú, chất độc hóa học và B52 rải thảm, ngày đất nước thanh bình anh trở về hậu phương với hạng thương tật 2/4.

Với khả năng chịu đựng có hạn của một con người, chỉ riêng việc chống chọi với chừng ấy tổn thất, mất mát trên cơ thể cũng đã đủ buồn, đủ khổ lắm rồi. Thế nhưng bóng ma bất hạnh vẫn tàn nhẫn bủa vây anh. Gần đây, anh lại mắc thêm một căn bệnh hiểm nghèo: xơ gan giai đoạn muộn. Bệnh đã biến chứng nên các cơ quan nội tạng đều ảnh hưởng trầm trọng. Bác sỹ nói với cô rằng bệnh này không có thuốc đặc trị, Tây y hãy còn bó tay, bệnh nhân khá lắm cũng chỉ sống thêm được khoảng dăm ba tháng. Tin này làm cho cả gia đình cô choáng váng. Song chẳng lẽ cứ để anh nằm chờ chết? Cô quyết tâm còn nước còn tát. Tây y bó tay thì cầu cứu Đông y. Và từ đó, hễ nghe tin ở đâu có thuốc hay thầy giỏi cô lại khăn gói bươn bả, lặn lội để tìm cách chữa chạy cho chồng.

Những người bình thường khi bị bệnh như anh, họ có thể tự đi thăm khám, tự bốc thuốc, sắc thuốc, nghĩa là họ có thể tự chăm sóc mình. Còn anh, đi lại bằng chân giả đã vất vả, khó khăn, tai lại “điếc đạt chuẩn quốc gia” nên trăm sự đều trông cậy vào cô.

Thuốc Nam có loại chỉ cần sắc dăm ba chục phút, nhưng cũng có nhiều loại một thang phải sắc ba lần mất đến mười tiếng đồng hồ. Đấy là chưa kể đến thời gian sắc nấu thêm nấm linh chi hoặc xáo tam phân và một số thảo dược hỗ trợ khác. Vì thế, muốn bảy giờ sáng chồng có thuốc uống thì vợ phải lọ mọ dậy đỏ lửa trước bốn giờ. Từ ngày anh mang bệnh, mùa đông rét buốt cũng như mùa hạ nóng nực, chưa có sáng nào cô dậy sau năm giờ. Tóc cô ngày càng bạc trắng, mặt hốc hác, hai mắt sâu hoẳm, thâm quầng. Nhưng cô không hề kêu ca, than vãn với một ai. Cơ cực mấy cô cũng nén lòng chịu đựng, miễn sao bệnh chồng thuyên giảm.

Gian nan nhất là mười tám tháng đầu. Bệnh nặng, thương tật nặng, sức khỏe yếu, sức đề kháng kém nên thuốc vào cơ thể anh gần như không phát huy được tác dụng. Cô thực sự khổ tâm khi thấy chồng càng uống thuốc thì bệnh càng nặng. Công cô như nước đổ lá khoai!

Còn nhớ, vào thời gian này năm ngoái, khi ở dưới gác một cha cô đang hấp hối thì trên gác hai chồng bụng trướng to như cái trống, đang từng phút từng giây vật lộn với cái chết. Người ta bảo bệnh xơ gan cổ trướng tối kị hơi lạnh. Vậy là hai mẹ con cô và bè bạn phải dấu anh, hối hóa, tất tả gọi xe đưa ông về quê. Mai táng tươm tất xong, chưa kịp chờ mở cửa mả, cô đã vội quay ngay ra Huế để lo thuốc men, cơm cháo cho chồng. Đây là thời điểm tăm tối nhất trong gia đình cô, kể từ khi anh phát bệnh.

Gần hai năm dùng đến chục loại thuốc Nam, hiệu quả thấp, cô vẫn không nản. Thua keo này bày keo khác. Cô quyết định chuyển hướng điều trị bằng cách dùng thuốc tự chế. Mỗi ngày cô cho anh uống ba muỗng rượu nha đam trước bữa ăn. Và ông Trời không phụ lòng cô. Nha đam vừa rẻ, vừa sạch (vì tự tay mình bào chế), lại không mất công sắc nấu (vì chỉ cần bỏ vào máy xay nhuyễn) mà hiệu quả có khi còn vượt trội hơn cả những loại thuốc các thầy lang bán bốn, năm triệu đồng một tháng. Sau hơn hai tháng dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt điều độ, mát xa toàn thân đều đặn, bệnh tình anh đã có dấu hiệu thuyên giảm, sức khỏe có xu hướng cải thiện. Và tính đến nay, anh đã sum vầy với vợ và con cháu được ba năm. Đối với bệnh nan y, đây là điều vô cùng kỳ diệu.

Tuy nhiên, xơ gan là căn bệnh khó lường nên tất cả đều chỉ mới là kết quả bước đầu. Cuộc chiến không ngưng nghỉ giành giật lại sự sống từ lưỡi hái tử thần trong những ngày tiếp theo của cuộc đời anh vẫn còn đầy gian khổ, cam go, toát mồ hôi, sôi nước mắt. Nhưng tôi tin rằng, anh sẽ là người chiến thắng, bởi anh là người lính kỳ cựu và bên anh luôn có cô - người vợ tuyệt vời./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445537

Hôm nay

237

Hôm qua

2237

Tuần này

21146

Tháng này

211796

Tháng qua

120141

Tất cả

114445537