Cuộc sống quanh ta

Phải sống cho xứng đáng với thương binh, liệt sỹ

Dân tộc tộc nào cũng có đạo lý. Đối với dân tộc Việt Nam, đó là đạo lý làm người mà một trong những biểu hiện đẹp nhất là sống có trách nhiệm, bổn phận với các bậc tiên liệt, những người đã không tiếc máu xương của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thương binh, liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc và đồng bào sống mãi

Trước hết, đạo lý làm người thể hiện ở sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc về giá trị của sự hy sinh tính mệnh, hy sinh xương máu, hy sinh gia đình, hy sinh tài sản của những thương binh, liệt sĩ. Nếu ai cũng muốn sống yên, ăn ngon, mặc đẹp thì liệu còn Tổ quốc hôm nay? Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến mình, vì hậu duệ, vì quan hệ, không có bổn phận, nghĩa vụ với người khác, với đất nước thì liệu Tổ quốc này sẽ ra sao? Nếu ai cũng như con ốc, chỉ biết co mình trong cái vỏ thì nền độc lập, tự do của Tổ quốc đi đến đâu?

Chúng ta phải thấy rằng - như Bác Hồ đã chỉ ra - trước cơn nguy hiểm của nạn ngoại xâm đe dọa non sông Tổ quốc, giống như một trận lụt to cuốn trôi tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta, thì số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.

Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Trong số họ, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là những thương binh, liệt sĩ.

Họ vốn là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ. Trải qua những ngày ăn gió nằm sương, những trận mưa bom bão đạn, họ bị tay què, chân cụt, họ hóa ra thương binh.

Họ đã hy sinh cho ai?

Kháng chiến thắng lợi, đất nước độc lập, thống nhất, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hóa. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ.

Họ đã hy sinh cho ai?

Câu trả lời ngắn gọn: Thương binh và liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Họ đã đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất  họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam.

Từ khi Đảng ta ra đời, trải qua cuộc trường chinh hơn 45 năm, biết bao đảng viên ưu tú, quần chúng cách mạng và lớp lớp thanh niên đã vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt, chiến đấu hết sức dũng cảm, ngoan cường. Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của thương binh, liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

“Uống nước nhớ nguồn” - đạo lý dân tộc

Ngày 01-9-1969, chỉ một ngày trước khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác Hồ có vòng hoa gửi viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội (Mai Dịch). Đó là lần cuối cùng Người thể hiện đạo lý nhân ái  của dân tộc đối với thương binh, liệt sĩ. Nếu tính từ khi Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi (11-1946) cho đến Di chúc, Bác Hồ có nhiều việc làm hết sức có ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đó là có nhiều thư, bài nói, bài viết, ký nhiều sắc lệnh, lệnh về thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, Người nêu gương xung phong thực hiện nghĩa vụ của mình đầu tiên để toàn dân noi theo một cách tự nguyện, như gửi tiền lương, quần áo. Người tặng Huy hiệu của Người cho thương binh gương mẫu, tận tụy với công tác, sản xuất, lập nhiều thành tích trên mặt trận mới, đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ tại Hà Nội, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những người đã khuất.

Theo Người, ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm, một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh. Mỗi năm đến ngày ấy thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Vì vậy, “bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ; không nên coi đó là một việc “làm phúc”… Các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ, để anh em thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong cuộc sống”.

Theo Hồ Chí Minh, nói đến trách nhiệm, bổn phận của Nhà nước, của đồng bào, các giới, các tổ chức, đặc biệt đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nhi đồng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ không thể nói suông, mà nói phải đi đôi với làm với những biện pháp, hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp hoàn cảnh, sự cố gắng và khả năng của mình, tổ chức thi đua, trên cái nền đạo lý của lòng bác ái, làm việc nghĩa, “nhường cơm, sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, mọi người tự động làm, không cưỡng bức. Phải có tổng kết, đánh giá, “nơi nào 100 phần trăm nhân dân tham gia thì Ban Thường trực sẽ đăng báo khen”.

Người dặn lại trong Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của các thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương cùng hợp tác xã nông nghiệp phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”.

Hiếm có một vĩ nhân, một lãnh tụ nào mà khi viết Di chúc lại quan tâm đầu tiên là công việc đối với con người, mà con người ở đây trước hết là những thương binh, liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sĩ.

Những việc Bác dặn lại nằm trong kế hoạch tổng thể “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, đẹp đẽ hơn”, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người coi đây là công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang.

Bổn phận với thương binh, liệt sĩ, những người và gia đình có công trong bối cảnh hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh không chỉ là sự biết ơn, thương yêu, giúp đỡ; không chỉ dừng lại ở việc chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ; thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, v.v.. Những việc làm đó là đương nhiên, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nhìn dưới khía cạnh pháp lý. Nhưng một điều cần thiết không kém, thậm chí có lúc còn cao hơn cả pháp lý đó là đạo lý. Đạo lý tốt đẹp góp phần làm cho pháp lý ngày càng hoàn thiện và có sức mạnh, ý nghĩa hơn. Đạo lý thể hiện dấu ấn nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa Việt Nam.

Chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để xứng đáng với các bậc tiên liệt, với những giá trị to lớn của sự hy sinh tính mệnh, xương máu, gia đình, tài sản của những thương binh, liệt sĩ ? Câu hỏi đó xoáy sâu vào lòng mỗi chúng ta và câu trả lời đúng chính là một nét đẹp của đạo lý làm người. Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc như thời chiến tranh, đất nước chưa có nền độc lập, thống nhất; cũng không thể chỉ là lời nói suông. Nói hay làm dở là sự dối trá đê tiện cần phải được lên án.

Hiện nay, cùng với việc thực hiện tốt những điều Bác dặn, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, quyết tâm chính trị cao, có những biện pháp quyết liệt, nói thật, làm thật, xử lý tệ tham nhũng. Không nên so sánh tham nhũng ở Việt Nam với các nước khác, vì tham nhũng ở ta là tham nhũng xương máu của thương binh, liệt sĩ và các bậc tiên liệt. Tham nhũng ở Việt Nam là tham nhũng nền độc lập, tự do của Tổ quốc mà nhờ thương binh, liệt sĩ mới có được. Đạo lý dân tộc Việt Nam, đạo lý làm người Việt Nam không cho phép tồn tại những kẻ có chức, có quyền - do thiếu lương tâm - tiếp tục mua chức, bán quyền để sống phè phỡn trên sự hy sinh xương máu của người khác; tìm mọi cách đục khoét, ăn của đút, như Bác Hồ đã từng cảnh báo. Bổn phận với thương binh, liệt sĩ, trước hết và xuyên suốt là phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả việc chống tham nhũng.

Sự hy sinh máu xương, tính mệnh của thương binh, liệt sĩ để lại cho hôm nay rừng xanh, biển đẹp, đất tốt, sông sâu và bao nhiêu nguồn tài nguyên quý giá khác. Bổn phận đạo lý của chúng ta là phải làm cho rừng thành rừng vàng, biển thành biển bạc, đất phì nhiều; không để biển, sông, suối, rừng, đất đai màu mỡ bị chết vì sự phá hoại của con người. Không đánh đổi môi trường sống và công bẳng xã hội để giàu có bằng mọi giá.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, không để một thước núi núi, một tấc sông của ta rơi vào tay bọn xâm lược như Lê Thánh Tông thế kỷ XV đã nói. Không đánh đổi độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước mà nhờ sự hy sinh xương máu của thương binh, liệt sĩ mới có được để nghe những lời nói viển vông.

 Với quyết tâm cao độ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thời gian gần đây, đất nước đang có những khởi sắc với những tín hiệu đáng mừng. Đó là những lời nói và việc làm cụ thể thể hiện sự tri ân, lòng thành kính tưởng nhớ anh linh các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ và đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, biểu hiện tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với thương binh, liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người, gia đình có công với nước.

Với tinh thần đó, bổn phận của chúng ta đối với thương binh, liệt sĩ là kiên quyết ngăn chặn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, đứng đầu, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhởn nhơ, nhảy múa trước pháp luật, diễu cợt, coi thường luật pháp, trượt dài trên con đường tha hóa. Mà sự trượt dài đó - như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra - “chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Họ chà đạp lên đạo nghĩa, bất chấp luân thường đạo lý của dân tộc, trở thành cản lực lớn nhất, phức tạp nhất trên con đường hưng thịnh của dân tộc. Những việc làm của họ cũng chính là sự phản bội đê tiện nhất lý tưởng, sự hy sinh xương máu, cống hiến của thương binh, liệt sĩ.

Một dân tộc với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không bao giờ chấp nhận một bộ phận không nhỏ đó, ngày càng tăng lên về số lượng và thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp cùng những tiêu cực diễn biến ngày càng nghiêm trọng, sống nhởn nhơ trên xương máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, anh chị em thương binh, tử sĩ.

Với đạo lý của dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta không được phép làm bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất, để lương tâm hổ thẹn với thương binh, liệt sĩ và các bậc tiền nhân.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445858

Hôm nay

273

Hôm qua

2285

Tuần này

21467

Tháng này

212117

Tháng qua

120141

Tất cả

114445858